XVII. Trong các "phong trào bất đồng chính kiến" của khối Xô viết, sự tự vệ của con người thường dưới hình thức bảo bệ các quyền dân sự và quyền con người như chúng đã được khắc sâu trong Tuyên ngôn Toàn cầu về các Quyền Con người, các Công ước Quốc tế về Quyền con người, Luật cuối cùng của Hội nghị Helsinki và các hiến pháp của các quốc gia. Các phong trào này được dựng nên để bảo vệ bất kì ai đang bị kết án vì đã hành động theo tinh thần của những quyền này, và đến lượt chúng lại hành động theo đúng tin thần ấy, bằng cách nhất quyết đòi chính quyền ghi nhận và tôn trọng các quyền dân sự và con người, và bằng cách thu hút sự chú ý tới những lĩnh vực của đời sống nơi mà các quyền này vẫn chưa được ghi nhận. Công việc của chúng, do vậy, dựa trên nguyên tắc về tính hợp pháp: chúng vận hành công khai, khăng khăng không những rằng các hoạt động của chúng là phù hợp với pháp luật, mà còn rằng đòi hỏi tôn trọng pháp luật là một trong những mục đích chính của các phong trào ấy. Nguyên tắc về tính hợp pháp này, cái đã cung cấp cả xuất phát điểm và khung cho các hoạt động của chúng, là điểm chung cho mọi nhóm "bất đồng chính kiến" trong khối Xô viết, mặc dù các nhóm riêng rẽ không bao giờ viết ra một thỏa thuận chính thức về điểm này. Hoàn cảnh này gợi ra một câu hỏi quan trọng: Tại sao, trong những điều kiện mà sự lạm dụng quyền lực tràn lan và tùy tiện là luật chơi, lại tồn tại sự chấp nhận chung và ngay lập tức nguyên tắc về tính hợp pháp? Ở tầm mức sơ đẳng, sự nhấn mạnh vào tính hợp pháp này là một biểu hiện tự nhiên của các điều kiện đặc thù tồn tại trong các hệ thống hậu toàn trị, và là kết quả của một sự nhận thức sơ đẳng về tính đặc thù này. Nếu về cơ bản chỉ có hai cách đấu tranh cho một xã hội tự do - tức là, qua những phương tiện hợp pháp, và qua cách mạng (có vũ trang hay không có vũ trang) - thì ngay lập tức sẽ rõ là cách thứ hai là không thích hợp chút nào trong hệ thống hậu toàn trị. Cách mạng chỉ thích hợp khi các điều kiện đã có những chuyển động rõ ràng và công khai, chẳng hạn, trong một cuộc chiến tranh, hay trong các tình huống mà xung đột xã hội hay chính trị đã lên tới đỉnh điểm. Trong các nền độc tài cổ điển thì tình huống thích hợp chính là lúc một nền độc tài vừa mới thành hình, hoặc đang trong tình trạng sụp đổ. Nói cách khác, nó phù hợp ở nơi mà các lực lượng xã hội có sức mạnh tương đương (ví dụ như một chính quyền chiếm đóng với một dân tộc đấu tranh cho độc lập) đang đối đầu nhau trên bình diện sức mạnh thực tế, hay nơi tồn tại sự phân định rạch ròi những kẻ bóp nặn quyền lực và dân chúng lầm than, hay khi mà xã hội thấy mình đang trong tình trạng của một cuộc khủng hoảng công khai. Đương nhiên, các điều kiện trong hệ thống hậu toàn trị - trừ những tình huống quá bùng nổ như ở Hungary năm 1956 - lại trái ngược hẳn. Chúng tĩnh và ổn định, và các cuộc khủng hoảng xã hội, hầu hết, đều tồn tại ngấm ngầm (mặc dù chúng chạy xuống sâu hơn). Xã hội không bị phân cực hóa quá mức trên bình diện sức mạnh thực tế, nhưng, như ta đã thấy, lằn ranh cơ bản của xung đột chạy xuyên qua mỗi con người. Trong tình huống này, không một nỗ lực cách mạng nào có hi vọng tạo nên dù chỉ một sự cộng hưởng tối thiểu trong phần còn lại của xã hội, bởi vì xã hội này bị "ru ngủ", chìm sâu trong một cuộc ganh đua tiêu thụ và hoàn toàn dính líu vào hệ thống hậu toàn trị (tức là, tham gia vào đó và hành xử như là các nhân viên của "sự vận hành tự động" của nó), và nó sẽ nhận ra rằng những gì đại loại như cách mạng đều không chấp nhận được. Xã hội ấy sẽ giải thích cách mạng như là sự tấn công vào nó, và thay vì ủng hộ cách mạng, rất có thể nó sẽ phản ứng bằng việc làm tăng cường độ thiên vị về phía chính quyền, bởi vì, trong mắt nó, ít nhất thì hệ thống cũng có thể cho nó một sự nửa-hợp pháp nào đó. Nếu cộng thêm thực tế là hệ thống hậu toàn trị có trong tầm tay một cơ chế theo dõi trực tiếp và gián tiếp rất phức tạp, có một không hai trong lịch sử, thì hiển nhiên là không những bất kì cố gắng cách mạng nào đều sẽ dẫn tới ngõ cụt về mặt chính trị, mà còn bất khả thi về mặt kĩ thuật. Hầu như chắc chắn là nó sẽ bị phong tỏa ngay trước khi nó có cơ hội chuyển các dự định thành hàng động. Thậm chí nếu cách mạng là có thể, thì nó cũng chỉ là cái khoát tay lẻ loi của vài cá nhân riêng lẻ, và họ sẽ bị đàn áp không chỉ bởi bộ máy khổng lồ của quyền lực quốc gia (và siêu quốc gia), và còn bởi chính cái xã hội mà dưới cái tên của nó, họ đã thúc đẩy cuộc cách mạng của mình từ ban đầu. (Tuy nhiên, điều này cũng là một lí do khác giải thích tại sao chính quyền và bộ máy tuyên truyền của nó vẫn thường gán các mục tiêu khủng bố cho các "phong trào bất đồng chính kiến" và buộc tội chúng dùng các thủ đoạn đen tối và phi pháp). Tuy nhiên, tất cả những điều này đều không phải là lí do chính tại sao các "phong trào bất đồng chính kiến" ủng hộ nguyên tắc về tính hợp pháp. Lí do chính ẩn sâu hơn, ở cấu trúc sâu xa nhất của thái độ "bất đồng chính kiến". Thái độ này chính là và phải là thù địch với quan niệm thay đổi bằng bạo lực như thế đối với hệ thống - trong khi mọi cuộc cách mạng, về cơ bản, đều hướng tới sự thay đổi thông qua bạo lực - đơn giản vì chúng đặt niềm tin vào bạo lực. (Nói chung, thái độ "bất đồng chính kiến" chỉ có thể chấp nhận bạo lực như là cái xấu cần thiết trong những tình huống cực đoan, khi mà bạo lực trực tiếp chỉ có thể được đáp lại bằng bạo lực và nơi mà thụ động đồng nghĩa với ủng hộ bạo lực: cho phép chúng tôi nhắc lại sự mù quáng của chủ nghĩa hòa bình châu Âu như là một trong những yếu tố chuẩn bị chiến trường cho Thế chiến II. Như tôi đã đề cập, "nhà bất đồng chính kiến" có khuynh hướng nghi ngờ về tư tưởng chính trị dựa trên niềm tin rằng các thay đổi xã hội cơ bản chỉ có thể đạt được thông qua sự thay đổi (bất kể bằng cách nào) trong hệ thống hay trong chính quyền, và niềm tin rằng những thay đổi như thế - vì chúng được coi là "căn bản" - có thể biện minh cho sự hi sinh những thứ "không cơ bản bằng", hay nói cách khác, sinh mạng con người. Ở đây, sự tôn trọng các khái niệm lý thuyết nặng hơn sự tôn trọng cuộc sống con người. Và đây chính là điều đe dọa sẽ biến nhân loại thành nô lệ một lần nữa. "Các phong trào bất đồng chính kiến", như tôi đã cố gắng chỉ ra, chia sẻ quan điểm hoàn toàn ngược chiều. Họ hiểu các thay đổi hệ thống như là cái hời hợt, thứ yếu, cái gì đó mà tự thân nó thì chằng đảm bảo cho cái gì hết. Do đó, thái độ ngoảnh mặt với các tầm nhìn chính trị trừu tượng của tương lai để nhìn về những con người cụ thể, và những cách bảo vệ họ một cách hiệu quả, ở đây và ngay lúc này, là đồng hành tự nhiên với một sự thù ghét mọi hình thức bạo lực được thực hiện dưới cái tên "một tương lai tốt đẹp hơn", và bởi một niềm tin sâu sắc rằng một tương lai nếu được đảm bảo bằng bạo lực có thể sẽ còn tồi tệ hơn cái hiện tại; nói cách khác, tương lai có thể bị nguyền rủa đến chết bởi chính các phương tiện vốn để bảo vệ nó. Đồng thời, không nên nhầm lẫn thái độ này với chủ nghĩa bảo thủ chính trị hay ôn hòa chính trị. Các "phong trào bất đồng chính kiến" không lẩn trốn ý tưởng lật đổ chính trị thông qua bạo lực bởi vì ý tưởng này quá cấp tiến, mà ngược lại, chính vì nó không đủ cấp tiến. Với họ, vấn đề nằm quá sâu để có thể giải quyết qua sự thay đổi hệ thống đơn thuần, về chính quyền hay về công nghệ. Một số người, trung thành với các học thuyết Marxist cổ điển của thế kỉ 19, hiểu hệ thống của chúng ta như là sự thống trị của giai cấp bóc lột trên đầu giai cấp bị bóc lột, và từ phỏng đoán rằng, bọn bóc lột sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ quyền lực của mình, họ tìm thấy giải pháp duy nhất ở cách mạng để đánh đổ bọn bóc lột. Tự nhiên là, họ coi việc đấu tranh cho các quyền con người như thể là cái gì đó hợp pháp tới mức tuyệt vọng, lòe bịp, cơ hội và rốt cuộc là sai lầm bởi vì nó dựa trên một giả định đáng ngờ rằng có thể đối thoại chân thành với những người bóc lột anh trên cơ sở một tính hợp pháp giả tạo. Vấn đề là họ đã không thể tìm ra ai đủ quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng này, và kết quả là họ trở nên yếm thế, hoài nghi, thụ động và cuối cùng là vô cảm - nói cách khác, họ kết thúc đúng vào nơi mà hệ thống muốn đặt họ vào. Đây là một ví dụ của việc con người có thể lầm lạc đến mức nào nếu cứ áp dụng máy móc, trong các điều kiện hậu toàn trị, những mô hình ý thức hệ đến từ thế giới khác và từ thời đại khác. Đương nhiên, người ta không cần phải là người biện hộ cho cách mạng bạo lực thì mới có thể chất vấn rằng liệu đòi hỏi về tính hợp pháp có chút ý nghĩa nào không trong khi luật pháp - đặc biệt là các luật chung liên quan đến quyền con người - không hơn là mặt tiền, một khía cạnh của thế giới vỏ hình thức, một trò chơi đơn thuần mà đằng sau nó chỉ chứa đựng sự giật dây thuần túy. "Họ có thể phê chuẩn mọi thứ bởi vì đằng nào họ cũng sẽ tiếp tục làm bất kì cái gì họ thích" - đây là một ý kiến mà ta thường phải đối mặt. Chẳng phải là mãi "tin những gì họ nói", kháng nghị cái luật pháp mà mọi đứa trẻ đều biết là chỉ có hiệu lực chừng nào chính quyền còn thích, rốt cuộc cũng chỉ là một thứ đạo đức giả, một kiểu chủ nghĩa cản trở Svejkia và, cuối cùng, chỉ là một cách khác chơi trò chơi, một kiểu tự dối mình khác mà thôi? Nói cách khác, liệu cách tiếp cận hợp pháp có tương thích với nguyên tắc "sống trong sự thật" không? Câu hỏi này chỉ có thể được trả lời bằng việc đầu tiên là xem xét các ẩn dụ rộng hơn về cách mà các đạo luật vận hành trong hệ thống hậu toàn trị. Trong nền độc tài cổ điển, ý chí của nhà thống trị được thực hiện trực tiếp, theo một phương cách không được kiểm soát, với một mức độ lớn hơn nhiều so với hệ thống hậu toàn trị. Nền độc tài không có lí do gì để che giấu nền tảng của nó, hay che giấu sự vận hành thực sự của quyền lực, và do vậy chẳng cần khuôn mình một cách quá đáng vào các đạo luật. Mặt khác, hệ thống hậu toàn trị, hoàn toàn bị ám ảnh với nhu cầu kết nối mọi thứ trong một trật tự duy nhất: cuộc sống trong một trạng thái như vậy bị xuyên thấu bởi một mạng lưới dày đặc các quy định, tuyên bố, chỉ thị, quy tắc ứng xử, trật tự và quy tắc (nó đã chẳng bị gọi là hệ thống quan liêu nếu không có một lí do tốt cho cái tên ấy). Một phần lớn của những quy tắc ứng xử ấy hoạt động như là các công cụ trực tiếp để thao túng đời sống - vốn là một phần hữu cơ của hệ thống hậu toàn trị. Các cá nhân bị rút xuống không hơn các bánh răng nhỏ xíu trong một cơ chế khổng lồ, và tầm quan trọng của họ bị giới hạn ở chức năng của họ trong cơ chế này. Nghề nghiệp, nhà cửa, các hoạt động, sự thể hiện về văn hóa xã hội, nói tóm lại, là mọi thứ của họ đều phải được đặt cùng với nhau chặt tới mức có thể, được định sẵn, được quản lí và kiểm soát. Mọi sự khác thường với lối sống được quy định trước đều được coi là lỗi lầm, phóng đãng và vô chính phủ. Từ người nấu bếp trong cửa hàng ăn, người mà nếu không có giấy phép vốn ngặt nghèo của của bộ máy quan liêu, thì không thể nấu cái gì đó đặc biệt cho khách hàng, đến người ca sĩ vốn không thể diễn bài hát mới của anh ở một buổi hòa nhạc nếu không có sự chấp thuận quan liêu. Mọi người, trong mọi mặt của đời sống của họ, bị trói chặt trong mớ quy tắc của quan liêu, sản phẩm tất yếu của hệ thống hậu toàn trị. Với sự nhất quán ngày càng tăng, nó trói tất cả mọi biểu hiện và mục tiêu của cuộc sống vào tinh thần của những mục tiêu của nó: lợi ích thiết thân của sự vận hành trơn tru và tự động của nó. Theo nghĩa hẹp hơn, một bộ luật cũng phục vụ cho hệ thống hậu toàn trị theo cách trực tiếp này, tức là, nó cũng tạo nên một phần của thế giới các quy phạm và cấm đoán. Tuy nhiên, cùng lúc, nó cũng thực hiện nghĩa vụ ấy theo một cách khác gián tiếp, cách mà tùy theo tầng mức mà bộ luật đó dính líu vào sẽ làm cho nó gần gũi hơn với ý thức hệ, và trong một số trường hợp, làm cho nó trở thành một bộ phận trực tiếp của ý thức hệ. Giống như ý thức hệ, bộ luật vận hành như là lời biện minh. Nó gói ghém sự thực thi quyền lực trong trang phục sang trọng của ngôn từ luật pháp; nó tạo ra ảo tưởng dễ chịu rằng công lí đã được thực hiện, xã hội được bảo vệ và việc thực thi quyền lực được kiểm soát khách quan. Những điều này được làm để che giấu bản chất thật của thực tiễn pháp lí hậu toàn trị: sự giật dây hoàn toàn cả xã hội. Nếu một người quan sát bên ngoài, người không hiểu gì về đời sống ở Czechoslovakia mà chỉ nghiên cứu luật của nó thôi, anh ta sẽ hoàn toàn không thể hiểu được chúng ta đang than phiền về cái gì. Sựu giật dây chính trị ngầm của tòa án và các công tố viên, các giới hạn áp đặt lên khả năng của luật sư bảo vệ cho thân chủ của mình, bản chất kín de facto (trên thực tế) của các phiên tòa, và các hành vi tùy tiện của lực lượng an ninh, vị trí của quyền lực bên trên pháp quyền, và cách áp dụng rộng đến mức kì quặc của vô số phần mù mờ có chủ ý của bộ luật, và tất nhiên là sự lờ tịt các phần tích cực của bộ luật ấy (các quyền của các công dân): tất cả những điều này còn bị che giấu với nhà quan sát bên ngoài của chúng ta. Điều duy nhất mà anh ta có thể mang đi là ấn tượng rằng pháp luật ta cũng không tệ lắm so với các nước văn minh khác, và cũng không khác lắm, trừ một vài thắc mắc nhỏ, như là sự xác nhận trong hiến pháp về sự thống trị mãi mãi của một chính đảng, và tình yêu của quốc gia đối với siêu cường lân bang. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả: nếu nhà quan sát của chúng ta có cơ hội nghiên cứu mặt chính thức của các quá trình và sự thực hành cảnh sát và tố tụng, và nó "trông" như thế nào trên giấy tờ, anh ta sẽ phát hiện ra rằng hầu hết các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự đều có: bản án được tuyên trong thời hạn được định trước kể từ khi bị bắt, và các lệnh tạm giữ cũng vậy. Cáo trạng được tống đạt hợp lệ, bị cáo có luật sư và vân vân. Nói cách khác, ai cũng có biện minh: bọn họ đều tuân thủ luật pháp. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tước đoạt vô cớ và không thương xót tuổi thanh xuân của một người chỉ vì anh ta làm các bản copy samizdat của một tiểu thuyết của một nhà văn bị cấm, hoặc cảnh sát đã xuyên tạc lời khai của anh (và mọi người đều biết thế, kể từ ông quan tòa cho đến bị cáo). Dù thế, những điều này vẫn nằm ở phần nền. Lời khai bị xuyên tạc không nhất thiết là hiển nhiên trong các tài liệu phiên tòa, và điều khoản trong bộ luật hình sự quy định về tội khích động không loại trừ việc áp dụng tội này với hành vi sao lại một tiểu thuyết bị cấm. Nói cách khác, các bộ luật - ít nhất trong nhiều lĩnh vực, không hơn là một mặt tiền, một khía cạnh của thế giới giả hình. Nhưng tại sao nó lại ở đó kia chứ? Là vì chính cái lí do đã khiến ý thức hệ phải có mặt: nó cung cấp một cây cầu biện minh giữa hệ thống và các cá nhân, tạo thuận lơi cho họ đi vào cấu trúc quyền lực và phục vụ những đòi hỏi ngẫu nhiên của quyền lực. Lời biện minh cho phép các cá nhân tự lừa mình bằng ý nghĩ là họ chỉ giữ gìn luật pháp và bảo vệ xã hội khỏi bọn tội phạm. (Không có lời biện minh này, để tuyển một thế hệ quan tòa, công tố và thẩm vấn viên sẽ khó hơn biết bao nhiêu!) Như là một khía cạnh của thế giới giả hình, các bộ luật đánh lừa không chỉ nhận thức của những người đi buộc tội, mà còn lừa dối công chúng, bịt mắt các nhà quan sát quốc tế, và đánh lừa cả lịch sử. Cũng như ý thức hệ, luật lệ là một công cụ cơ bản để truyền đạt giáo điều ra ngoài cấu trúc quyền lực. Chính luật lệ đem đến cho việc thực hành quyền lực một hình thù, một khung khổ và một tập hợp các nguyên tắc. Chính là luật lệ đã cho phép các thành tố của hệ thống liên lạc được với nhau, đặt mình dưới một ánh sáng, và thiết lập tính chính đáng của chính bản thân chúng. Nó cung cấp "luật chơi" cho toàn bộ trò chơi của các thành tố ấy, và vận hành trò chơi với công nghệ của chúng. Liệu có thể tưởng tượng ra được việc thực thi quyền lực hậu toàn trị sẽ như thế nào không nếu thiếu cái tín điều phổ quát biến mọi thứ trở thành có thể này?, cái phụng sự như là một ngôn ngữ chung để kết nối các phần thích hợp trong cấu trúc quyền lực lại với nhau? Bộ phận đàn áp mà càng chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc quyền lực, thì việc nó vận hành theo một đạo luật nào đó lại càng quan trọng. Không như thế, thì làm sao [bộ máy] có thể khóa chặt người ta khỏi việc sao chép các sách bị cấm, nếu không có quan tòa, công tố, điều tra viên, luật sư, người tốc kí cho tòa án và những hồ sơ dày cộm, và nếu tất cả những món này không được xâu chuỗi với nhau bằng một trật tự vững chắc? Và hơn hết, nếu không có điều khoản có vẻ lương thiện, Phần 100 về tội khích động? Tất nhiên, những việc này có thể được làm mà không cần tới một bộ luật và những phụ kiện đi kèm của nó, nhưng chỉ trong các nền độc tài tạm thời của các băng nhóm Uganda, chứ không thể trong một hệ thống bao gồm một phần to lớn đến chừng ấy của nhân loại văn minh, và là một phần thống nhất, ổn định và đáng trọng nể của thế giới hiện đại. Điều đó không chỉ là không tưởng tượng nổi, mà còn là không khả thi về mặt kĩ thuật. Thiếu các luật lệ vận hành như là lực cố kết về tín điều, hệ thống hậu toàn trị không thể tồn tại. Tất nhiên, toàn bộ vai trò của tín điều, mặt tiền, và biện minh xuất hiện một cách hùng biện nhất, không phải ở những phần cấm đoán của chúng - cái vạch ra cái gì công dân không được làm, và nền tảng nào mà sự buộc tội dựa vào, mà ở phần tuyên bố cái gì anh có thể làm, và cái gì là quyền của anh. Ở đây, hoàn toàn không có gì khác ngoài "từ, từ và từ". Dù thế, phần này của bộ luật cũng rất quan trọng với hệ thống, bởi vì chính ở đây hệ thống xác lập tính chính đáng của nó như là một chỉnh thể, trước các công dân của nó, trước những đứa trẻ đang trên ghế nhà trường, trước cộng đồng quốc tế và trước lịch sử. Cai hệ thống không thể coi thường điều này vì nó không thể cho phép nó gây nghi ngờ về những định đề cơ bản cuả ý thức hệ của nó, cái vốn thiết yếu với sự sống còn của nó. (Ta đã thấy cấu trúc quyền lực đã bị nô dịch bởi chính ý thức hệ và danh tiếng về ý thức hệ của nó như thế nào). Làm việc này có nghĩa là chối bỏ mọi thứ mà nó đang cố chứng tỏ mình là, và do vậy, một trụ cột chính mà hệ thống đang dựa vào sẽ sụp đổ: sự tích hợp của thế giới giả hình. Nếu sự thực thi quyền lực luân chuyển trong toàn cấu trúc quyền lực như là máu tuần hoàn trong mạch, thì các bộ luật có thể được coi như là cái củng cố thành mạch. Thiếu nó, máu của quyền lực không thể tuần hoàn theo cách được tổ chức và cơ thể xã hội sẽ bị chảy máu lung tung. Trật tự sẽ sụp đổ. Kêu gọi pháp luật kiên định và liên diễn - không chỉ các luật liên quan đến quyền con người, mà tất cả các luật - không hề có nghĩa là những người đang làm việc ấy đã quỳ gối trước ảo tưởng rằng trong hệ thống của chúng ta luật pháp là cái gì có giá hơn thế. Họ thừa biết vai trò mà nó đang đóng. Nhưng chính là vì họ hiểu hệ thống phụ thuộc một cách tuyệt vọng đến mức nào vào nó - vào phiên bản "cao quý" của pháp luật, tức là - họ cũng biết ý nghĩa của những đòi hỏi như thế to lớn đến nhường nào. Vì hệ thống không thể vận hành nếu thiếu luật pháp, bởi vì nó bị trói chặt đến mức tuyệt vọng bởi sự cần thiết phải giả bộ là luật pháp vẫn đang được tuân thủ, nó bị buộc phải phản ứng với những đòi hỏi ấy theo một cách nào đó. Do đó, đòi hỏi rằng pháp luật phải được tôn trọng chính là một hành động của sống trong sự thật, cái đe dọa toàn bộ cấu trúc dối trá ở chính cái cực điểm giả dối của nó. Cứ lặp đi lặp lại, những đòi hỏi như vậy vạch trần bản chất giáo điều thuần túy của luật pháp cho toàn xã hội, và cho những người sống trong các cấu trúc quyền lực của nó. Họ thu hút sự chú ý tới cái căn bản vật chất thực sự của nó, và vì thế, một cách gián tiếp đã buộc những người lẩn tránh sau luật pháp phải xác nhận và làm cho cái công cụ biện minh này, cái phương tiện giao tiếp này, cái củng cố động mạch xã hội này (thiếu nó, ý nguyện của họ sẽ không thể lưu chuyển trong xã hội) trở nên khả tín, Họ buộc phải làm thế vì lợi ích trong chính lương tâm họ, vì cái ấn tượng mà họ muốn tạo ra trong con mắt của người quan sát ngoài cuộc, để duy trì quyền lực của chính họ (với tư cách là một phần của của bộ máy tự bảo tồn của hệ thống và các nguyên tắc kết dính của nó), hoặc đơn giản vì họ sợ bị kết tội là “vụng về” trong việc vận dụng tín điều. Họ chẳng có lựa chọn nào khác: vì họ không thể vứt bỏ luật chơi của chính trò chơi của mình, họ chỉ có thể cẩn thận hơn với những luật này mà thôi. Không phản ứng với những thách thức có nghĩa là làm xói mòn chính biện minh của họ và đánh mất quyền kiểm soát hệ thống thông tin hai chiều của họ. Giả sử rằng luật pháp chỉ là cái hình thức, rằng nó chẳng có tý hiệu lực nào (và rằng vì thế chẳng có lý do gì phải kháng nghị tới nó) sẽ có nghĩa là tiếp tục củng cố những mặt này của luật (những mặt hình thức và mang tính nghi thức). Nó cũng có nghĩa là xác nhận luật pháp là một mặt của thế giới hình thức và cho phép những kẻ khai thác nó thản nhiên dựa vào những hình thức biện minh rẻ rúng nhất (và vì thế, giả dối nhất). Tôi thường xuyên thấy những người cảnh sát, công tố viên hay quan tòa - nếu họ đang phải đương đầu với một nhà Hiến chương dày dạn hay một luật sư dũng cảm, và nếu họ bị phơi ra trước công luận (như là các cá nhân với tên tuổi rõ ràng, không còn được bao che bởi tính vô danh của bộ máy) - bỗng chốc trở nên rất cẩn thận và rất lo lắng để khỏi lộ ra những vết nứt của giáo điều. Điều này không thể thay đổi được sự thật là một quyền lực chuyên chế đang ẩn đằng sau giáo điều ấy, nhưng chính sự lúng túng của các viên chức đã cản trở, làm chậm lại sự vận hành của nền chuyên chế ấy. Tất nhiên, điều này là chưa đủ. Nhưng một phần cơ bản của thái độ "bất đồng chính kiến" là nó xuất phát từ hiện thực của "bây giờ và ở đây" của con người. Nó nhấn mạnh vào những hành động cụ thể, kiên quyết và lặp đi lặp lại - mặc dù nó có thể không thích hợp và dù cho nó có thể chỉ giảm bớt chút ít nỗi đau của một công dân bình thường nào đó - hơn là vào các "giải pháp căn bản" trừu tượng trong tương lai mù mịt. Dù sao đi nữa, chẳng phải là, trên thực tế điều này không chỉ là một hình thức của "những việc nhỏ" theo kiểu Masarykia, cái mà với nó thái độ "bất đồng chính kiến" lúc đầu có vẻ đối ngược rõ ràng? Phần này sẽ không đầy đủ nếu không nhấn mạnh một số hạn chế bên trong của chính sách "buộc họ phải giữ lời". Vấn đề là: thậm chí trong trường hợp lí tưởng nhất, luật pháp cũng chỉ là một trong nhiều phương cách đầy khiếm khuyết, và ít nhiều ngoại sinh (external) để bảo vệ cái tốt hơn trong cuộc sống khỏi cái xấu hơn. Tự nó, luật pháp không bao giờ có thể tạo nên cái gì tốt hơn. Mục đích của nó là cung cấp một dịch vụ, và ý nghĩa của nó không nằm trong bản thân luật pháp. Xác lập sự tôn trọng luật pháp không lập tức bảo đảm một đời sống, bởi vì rốt cuộc, đó là công việc dành cho con người, chứ không phải dành cho luật pháp hay các thể chế. Thật khó tưởng tượng ra một xã hội với những luật lệ tốt và được hoàn toàn tôn trọng mà vẫn không thể sống được trong đó. Ngược lại, người ta có thể tưởng tượng cuộc sống vẫn chịu đựng được thậm chí ở những nơi mà luật pháp không hoàn thiện và không được thực thi thật nghiêm chỉnh. Điều quan trọng nhất vẫn luôn là chất lượng cuộc sống, và liệu pháp luật hỗ trợ hay đè nén nó, chứ không chỉ đơn thuần nó được tôn trọng hay không. (Thường thì sự phục tùng luật pháp nghiêm ngặt có thể gây ra các tác động bi thảm tới nhân phẩm con người). Chìa khóa của một cuộc sống phong phú, hạnh phúc, nhân bản và được trân trọng hơn không nằm ở thể chế hay luật hình sự. Những thứ ấy chỉ quy định về cái gì được làm và cái gì không được làm, và vì thế, chúng chỉ có thể làm cuộc sống dễ dàng đi hay khó khăn hơn mà thôi. Chúng ngăn cấm hay cho phép, chúng trừng phạt, khoan thứ hay bảo vệ, nhưng chúng không bao giờ có thể cho cuộc sống một bản chất hay một ý nghĩa. Cuộc đấu tranh cho cái gọi là "tính hợp pháp" phải luôn đặt tính hợp pháp này trên cái nền cuộc sống như nó vốn có. Nếu không giữ cho mắt mình rộng mở với những chiều kích của sự tươi đẹp cũng như tồi tệ của cuộc sống, và nếu không có mối liên hệ đạo đức với cuộc đời, cuộc đấu tranh ấy sớm muộn cũng sẽ dẫn tới sự than khóc trên những bia mộ của của một hệ thống các nhà kinh viện tự biện. Thiếu ước muốn thực sự, người ta sẽ dần trở nên giống như người quan sát, đi đến kết luận về hệ thống của chúng ta chỉ dựa trên các văn bản phiên tòa và lấy làm thỏa mãn nếu đã đếm đủ các quy định phù hợp.
XVIII. Nếu như sự nghiệp chính của các "phong trào bất đồng chính kiến" là phụng sự sự thật, tức là, phục vụ những mục tiêu chân chính của sự sống, và nếu nó nhất thiết phải phát triển thành sự bảo vệ cá nhân và quyền sống tự do và chân thực của anh ta (có nghĩa là, một sự bảo vệ các quyền con người và đấu tranh để thấy pháp luật được tôn trọng) thì một giai đoạn khác của cách tiếp cận này, có thể là giai đoạn trưởng thành nhất cho đến nay, là cái mà Václav Benda gọi là sự phát triển của các cấu trúc song song. Khi những người quyết sống trong sự thật đã từ chối mọi tác động trực tiếp lên các cấu trúc xã hội hiện tại, không kể đến các cơ hội tham gia vào chúng, và khi những người này bắt đầu tạo ra cái tôi từng gọi là cuộc sống độc lập của xã hội, thì cuộc sống độc lập này bắt đầu tự kiến trúc theo phương thức nhất định. Có lúc, chỉ có vài biểu hiện trứng nước của quá trình kiến tạo; những lúc khác, các cấu trúc đã định hình khá rõ nét. Sự ra đời và tiến hóa của chúng không thể tách rời khỏi hiện tượng "bất đồng chính kiến", mặc dù chúng vượt xa hơn rất nhiều cái lĩnh vực vốn được phân định một cách mơ hồ của các hoạt động thường được ám chỉ bằng từ này. Những cấu trúc này là gì? Ivan Jirous là người đầu tiên ở Czechoslovak xây dựng và áp dụng trên thực tế khái niệm về "nền văn hóa thứ hai". Mặc dù lúc đầu ông quan tâm chủ yếu đến nhạc rock bất phục tùng và một số hãn hữu các sự kiện văn học, nghệ thuật hay trình diễn ít nhiều gần gũi với cảm nhận của những nhóm nhạc bất phục tùng này, thuật ngữ "văn hóa thứ hai" rất nhanh chóng được sử dụng cho toàn bộ mảng văn hóa độc lập và bị đè nén, tức là, không chỉ cho nghệ thuật và những trào lưu đa dạng của nó, mà còn cho các ngành khoa học xã hội, nhân văn và triết học. "Văn hóa thứ hai" này, rất tự nhiên, đã tạo ra những hình thức tổ chức giản đơn: các bản samizdat của sách và tạp chí, các buổi trình diễn, hội thảo, hòa nhạc, triển lãm tư nhân và v.v. (ở Ba Lan tất cả những thứ này đều phát triển hơn nhiều lần: có các nhà xuất bản độc lập và có rất nhiều các tạp chí độc lập, thậm chí tạp chí chính trị; họ có các phương tiện phổ biến khác hơn là các bản các-bon và còn nhiều nữa. Ở Liên Xô, samizdat có truyền thống lâu đời hơn và rõ ràng là các hình thức của nó cũng khác). Văn hóa, do đó, là một bầu khí quyển mà ở đó, ta có thể quan sát được các "cấu trúc song song" trong hình thức phát triển cao của chúng. Tất nhiên, Benda cũng nghĩ đến các hình thức tiềm tàng hay trứng nước của các cấu trúc này trong các không gian khác nữa: từ hệ thống thông tin song song, cho đến các hình thức giáo dục song song (các trường đại học tư), công đoàn song song, quan hệ quốc tế song song, đến một giả định về nền kinh tế song song. Trên cơ sở các cấu trúc song song này, ông phát triển ý tưởng về "polis song song" hay nhà nước song song, hay, như ông thấy những mầm mống của một polis như thế trong những cấu trúc này. Đến một giai đoạn phát triển nhất định, cuộc sống độc lập của xã hội và các phong trào bất đồng chính kiến sẽ không thể không được tổ chức và thể chế hóa ở một mức độ nhất định. Đó là sự phát triển tự nhiên và trừ phi cuộc sống độc lập của xã hội này bị đàn áp tàn bạo và bị xóa bỏ tận gốc rễ, xu hướng này luôn mạnh dần lên. Cùng với nó, không thể khác được là một đời sống polis song song cũng hình thành, và ở mức độ nào đó, nó đã tồn tại ở Czechoslovakia rồi. Nhiều nhóm có bản chất chính trị ít hay nhiều sẽ tiếp tục lên tiếng xác định lập trường chính trị của họ, hành động và đương đầu với nhau. Có thể nói rằng, những cấu trúc song song này là biểu hiện cụ thể nhất của "sống trong sự thật" kể từ trước đến nay. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà các "phong trào bất đồng chính kiến" tự đặt cho mình là ủng hộ và phát triển chúng. Một lần nữa, nó khẳng định sự thật là mọi cố gắng của xã hội nhằm chống lại sức ép từ hệ thống phải có nguồn gốc căn bản từ khu vực tiền-chính trị. Bởi vì các cấu trúc song song còn là gì khác ngoài một không gian mà người ta có thể sống một đời sống khác, một đời sống hòa hợp với những mục tiêu của nó, và chính nó, đến lượt mình lại tự kiến trúc để hài hòa với các mục tiêu ấy. Các nỗ lực ban đầu hướng tới tự tổ chức xã hội ấy là gì khác ngoài các cố gắng của một phần xã hội để sống - với tư cách là xã hội - trong sự thật, để gỡ bỏ cho mình các yếu tố tự bảo tồn của chủ nghĩa toàn trị, và vì thế, giải thoát triệt để bản thân nó khỏi sự dính líu trong hệ thống hậu toàn trị? Nó còn là cái gì khác ngoài một nỗ lực bất bạo động của nhân dân để phủ nhận hệ thống trong chính bản thân mình và thiết lập cuộc sống của họ trên một nền tảng mới, nền tảng của bản sắc của chính họ? Và chẳng phải xu hướng này khẳng định một lần nữa nguyên tắc trả lại sự quan tâm tới từng cá nhân cụ thể? Rốt cuộc, cấu trúc song song không lớn dậy a priori (một cách tiên nghiệm) từ một tầm nhìn lí thuyết về thay đổi hệ thống (không có những giáo phái chính trị nào ở đây), mà từ những mục tiêu của cuộc sống và từ nhu cầu chân chính của con người hiện thực. Trên thực tế, mọi thay đổi cuối cùng trong hệ thống, những thay đổi mà ta có thể quan sát thấy ở đây trong những hình thức thô sơ của chúng, đã de facto (trên thực tế) đến từ "bên dưới", bởi vì cuộc sống buộc chúng phải thế, không phải bởi chúng đến trước cuộc sống, bằng cách nào đó mà điều khiển nó hay thúc bách một sự thay đổi nào đó trong nó. Kinh nghiệm lịch sử dạy ta rằng bất kì điểm xuất phát thực sự có ý nghĩa nào trong đời một con người thường chứa đựng yếu tố phổ quát trong đó. Nói cách khác, đó không phải là cái gì bộ phận, chỉ có thể tiếp cận được bởi một cộng đồng hạn hẹp nào đó, và không thể chuyển giao tới người khác. Ngược lại, nó phải có khả năng đến với tất cả mọi người; nó phải báo hiệu một giải pháp chung, và do vậy, nó không phải chỉ là sự thể hiện của một trách nhiệm của các cá nhân, hướng nội, buộc phải làm và làm chỉ cho riêng mình, mà còn có trách nhiệm tới và với thế giới. Do đó, thật sai lầm nếu hiểu cấu trúc song song và polis song song như là sự rút lui vào ghetto (khu Do Thái cách li - ND) và là hành động tự cô lập, chỉ đại diện cho phúc lợi của những người đã chọn cách đi ấy, và là những người hoàn toàn thờ ơ với số phận những kẻ còn lại bên ngoài. Nói ngắn gọn, sẽ sai lầm nếu coi đó về cơ bản chỉ là một giải pháp nhóm, hoàn toàn không liên quan gì tới tình cảnh chung. Một quan niệm như thế, ngay từ đầu, xa lạ hóa ý tưởng về sống trong sự thật, biến nó cuối cùng thành một phiên bản tế nhị hơn của "sống trong dối trá". Tất nhiên, nếu vậy, nó không còn là một điểm xuất phát chân chính cho các cá nhân và các nhóm nữa, và ta có thể nhắc lại quan niệm sai lầm về "nhà bất đồng chính kiến" như là một nhóm tách biệt với những lợi ích riêng biệt, thực hiện những cuộc đối thoại riêng biệt với các quyền lực tối cao. Dù gì đi nữa, thậm chí những hình thức phát triển nhất của đời sống trong cấu trúc song song, thậm chí những hình thức già dặn nhất của polis song song chỉ có thể tồn tại - ít nhất là trong các hoàn cảnh hậu toàn trị - khi mà cá nhân cùng lúc sống trong cấu trúc chính thức "thứ nhất" bằng hàng ngàn quan hệ khác nhau, thậm chí nó có thể chỉ đơn giản là người ta mua cái người ta cần trong những cửa hàng của nó (cấu trúc thứ nhất), dùng tiền của nó và tuân theo luật pháp của nó. Tất nhiên, người ta có thể tưởng tượng cuộc sống với những mặt "cơ bản hơn" bừng nở trong chính trị song song; nhưng một cuộc sống như thế, được sống chỉnh chu theo cách ấy, như là một chương trình máy tính, chẳng phải là một phiên bản khác của cuộc sống tâm thần phân liệt "trong giả dối" mà mọi người khác đều phải sống, bằng cách này hay cách khác hay sao? Chẳng phải nó chỉ là một bằng chứng nữa cho thấy rằng nếu một điểm xuất phát không phải là một giải pháp "mẫu mực", không áp dụng được cho những người khác, thì cũng không thể có ý nghĩa với người khác? Patocka từng nói rằng điểm thú vị nhất về trách nhiệm là chúng ta mang nó theo mình ở khắp mọi nơi. Điều này có nghĩa rằng trách nhiệm là của chúng ta, rằng chúng ta phải chấp nhận nó và giật lấy nó ở đây, bây giờ , tại nơi này trong thời gian và không gian mà Thượng đế đã đặt chúng ta vào, và chúng ta không thể tìm cách quanh co trốn tránh bằng cách chuyển tới chỗ khác, bất kể nó là thánh địa Ấn độ hay là một không gian polis song song. Nếu những người trẻ tuổi phương Tây rất hay khám phá ra rằng cách rút lui vào một thánh đường Ấn độ hóa ra không phải là một giải pháp cá nhân hay giải pháp nhóm, thì điều này thật là hiển nhiên, vì, và cũng chỉ vì nó thiếu yếu tố phổ quát, bởi vì không phải ai cũng có thể rút lui vào một thánh đường. Thiên chúa giáo là một ví dụ về một lối thoát ngược lại: nó là điểm xuất phát cho tôi tại đây và lúc này - nhưng chỉ vì bất kì ai, bất kì đâu, bất kì lúc nào cũng có thể có nó.
XIX. Tôi đã nói về tiềm năng chính trị của việc sống trong sự thật và của những hạn chế khi phỏng đoán rằng một biểu hiện của sống trong sự thật ấy có thể dẫn tới những thay đổi thật sự không, [và nếu có thì] như thế nào và bao giờ? Tôi cũng đã trình bày rằng việc tính toán rủi ro cho các hoạt động này là khập khiễng vì một đặc điểm cơ bản của những đề xướng độc lập là chúng luôn luôn mà một canh bạc được ăn cả ngã về không, ít nhất là lúc đầu. Tuy thế, sự phác họa về một số công việc mà các "phong trào bất đồng chính kiến" đã thực hiện sẽ thiếu sót nếu không xem xét, ít nhất là khái lược, về một số cách thức những việc này có thể tác động tới xã hội trên thực tế; nói cách khác, về những con đường mà tinh thần trách nhiệm đối với và vì tất cả [toàn xã hội] có thể được hiện thực hóa trong thực tế (không có cái ý nghĩa cần thiết rằng nó buộc phải thế). Ngay từ đầu, phải nhấn mạnh rằng toàn bộ không gian bao gồm đời sống độc lập của xã hội và cả "phong trào bất đồng chính kiến", tất nhiên còn lâu mới là yếu tố tiềm tàng duy nhất có thể ghi dấu ấn lên lịch sử của các nước đang sống trong hệ thống hậu toàn trị. Khủng hoảng xã hội ngầm trong những xã hội như vậy có thể bất chợt, độc lập với những phong trào này, khởi phát hàng loạt những thay đổi chính trị rộng khắp. Nó có thể làm rối loạn cấu trúc quyền lực và châm ngòi hay tăng cường độ vô số các hành vi đối đầu ngấm ngầm, gây ra những thay đổi về nhân sự, quan niệm, hoặc ít nhất là "bầu không khí". Nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bầu không khí chung của cuộc sống, thổi bùng các bất ổn xã hội bất ngờ và không lường trước được và sự bùng nổ những bất bình trong dân. Chuyển giao quyền lực ở trung tâm của khối (Liên Xô) có thể ảnh hưởng đến điều kiện ở nhiều nước khác nhau theo rất nhiều cách. Các yếu tố kinh tế hiển nhiên có ảnh hưởng quan trọng, cũng như những khuynh hướng rộng lớn hơn của văn minh hóa toàn cầu. Một lĩnh vực vô cùng quan trọng, cái có thể là nguồn của những thay đổi tận gốc và các biến động chính trị, chính là các diễn biến chính trị quốc tế, các chính sách của siêu cường kia (Mỹ) và tất cả các quốc gia khác, cấu trúc đang thay đổi của lợi ích quốc tế và các vị trí mà khối chúng ta đang chiếm giữ. Thậm chí những người lên đến địa vị cao nhất cũng không phải là hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì, mặc dù như tôi đã nói, không nên phóng đại tầm quan trọng các lãnh đạo [đối với những thay đổi chính trị] trong hệ thống hậu toàn trị. Có nhiều ảnh hưởng và cộng hưởng, và tác động chính trị sau rốt của "phong trào đối lập" chỉ có thể được xem xét trên cái nền chung này và trong bối cảnh mà cái nền ấy quy định. Tác động này chỉ là một trong nhiều yếu tố (và còn xa mới là yếu tố quan trọng nhất) đang ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, và nó khác các yếu tố khác có thể chỉ trong cái tiêu điểm cơ bản của nó là việc nhìn nhận sự phát triển chính trị đó từ góc độ bảo vệ con người và tìm kiếm một ứng dụng trực tiếp của việc nhìn nhận ấy. Như ta đã thấy, mục đích cơ bản của khuynh hướng hướng ngoại của những phong trào này là gây tác động lên xã hội, chứ không nhằm ảnh hưởng lên cấu trúc quyền lực, chí ít là không ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức. Những đề xướng độc lập hướng tới không gian bí mật; chúng chứng tỏ rằng sống trong sự thật là một lựa chọn khác của xã hội và con người; và chúng đấu tranh để mở rộng không gian cho cuộc sống ấy; chúng giúp - mặc dù tất nhiên chỉ là gián tiếp - nâng cao lòng tự tin của các công dân; đập nát thế giới giả hình và lột mặt nạ để lộ ra bản chất thực của quyền lực. Chúng không chiếm lấy vai trò cứu thế; chúng không phải là "người tiên phong" hay "tinh hoa" một mình thông tỏ mọi chuyện, chẳng phải những người mà nhiệm vụ của họ là "thức tỉnh lí trí" của những đám đông "vô tri" (cái hình ảnh tự phóng chiếu ngạo mạn này, một lần nữa, lại thiết thân với một lối suy nghĩ hoàn toàn khác, cái kiểu tưởng rằng mình có một bản quyền về "dự án lí tưởng" nào đó, và do thế mà có quyền áp đặt nó lên xã hội). Chúng cũng không muốn dẫn dắt ai. Chúng để cho các cá nhân tự định đoạt sẽ tiếp nhận gì và không tiếp nhận gì từ kinh nghiệm và công trình của chúng. (Nếu như tuyên truyền chính thức của Czechoslovak mô tả những nhà Hiến chương như là "những kẻ tự phong", thì không phải là để tô đậm những tham vọng "tiên phong" về phần họ, mà chỉ là sự thể hiện khá tự nhiên những gì mà chính quyền nghĩ, xu hướng của nó phán xét người khác theo thước đo của riêng nó, bởi vì đằng sau bất kì một biểu hiện phê phán nào, nó ngay lập tức nhìn thấy sự thèm khát được đóng vai quảng đại từ cái ghế của họ, và thống trị trên ngai của họ "nhân danh nhân dân", vẫn cái cớ cũ mà chế độ đã dùng trong bao năm). Những phong trào này, do đó, luôn tác động cấu trúc quyền lực theo cách gián tiếp như thế, như thể là một phần thống nhất của xã hội, chúng chủ yếu hướng tới không gian bí mật của xã hội, vì vấn đề không phải là đối đầu với chế độ trên bình diện quyền lực thực. Tôi đã chỉ ra một phương thức mà nó có thể tác động: nó đã củng cố sự nhận thức về pháp luật và cảm giác trách nhiệm phải chứng kiến luật pháp được tôn trọng. Đương nhiên, điều này chỉ là một ví dụ cụ thể của một ảnh hưởng rộng lớn hơn nhiều: những sức ép gián tiếp từ sống trong sự thật: sức ép tạo thành bởi tư tưởng tự do, các giá trị thay thế, và các "hành vi thay thế", và bởi sự tự hiện thực hóa một cách độc lập của xã hội. Cấu trúc quyền lực, bất kể muốn hay không, luôn phải đáp lại với sức ép này tới một mức độ nào đó. Tuy thế, phản ứng của nó luôn bị giới hạn vào hai chiều: đàn áp và thích nghi. Có lúc cái này thắng thế, có lúc cái kia thắng thế. Ví dụ, "Trường Đại học bay" của Ba Lan chịu sự khủng bố ngày càng tăng, còn các "giáo viên bay" thì bị cảnh sát cầm tù. Tuy thế, cùng lúc ấy, các giáo sư trong các trường đại học công lại cố gắng làm giàu giáo án với hàng loạt chủ đề mà cho đến lúc đó vẫn còn là cấm kị, và điều này là kết quả của sức ép gián tiếp do "Trường Đại học bay" gây ra. Những động cơ của sự thích nghi này trải từ "lí tưởng" (không gian bí mật đã nhận được thông điệp, và lương tâm cùng với tinh thần sẵn sàng sống theo sự thật đã được thức tỉnh) đến thuần túy vị lợi: bản năng sinh tồn của chế độ buộc nó phải nhận ra các ý tưởng đang thay đổi và bầu không khí xã hội và tinh thần đang biến chuyển, và phải phản ứng linh hoạt với chúng. Động cơ nào trong số ấy thắng thế tại một thời điểm nào đó không quan trọng lắm đối với tác động cuối cùng. Thích nghi là chiều hướng tích cực trong sự phản ứng của chính quyền, và nó có thể, và thường là, bao gồm một một dải quang phổ rộng với nhiều hình thức các giai đoạn khác nhau. Một số nhóm có thể cố gắng tích hợp các giá trị hay con người từ "thế giới song song" vào các cấu trúc chính thức để tận dụng và để trở thành giống như họ, và do đó để điều chỉnh sự mất cân bằng hiển nhiên và không bao biện được. Trong những năm 60, những người cộng sản tiến bộ bắt đầu "khám phá" các giá trị và hiện tượng văn hóa chưa được nhận diện. Đây là một bước tiến tích cực, mặt dù không phải không nguy hiểm, vì các giá trị khi bị "tích hợp" hay "phù hợp hóa" sẽ mất đi phần nào sự độc lập và tính nguyên bản của nó, và khi được phủ lên một lớp áo choàng về tính hợp pháp và phục tùng, thì độ tin cậy của nó cũng suy yếu đi ít nhiều. Trong giai đoạn tiếp theo, sự thích nghi này có thể dẫn tới vô số nỗ lực về phía cấu trúc chính thức nhằm thực hiện các cải cách, trong cả tính mục đích và cấu trúc của nó. Những cải cách như vậy thường là nửa vời; chúng là những cố gắng tích hợp và phối hợp một cách thực tế giữa phục vụ cuộc sống và phục vụ sự tự vận hành hậu toàn trị. Nhưng chúng không thể khác hơn được. Chúng đánh lộn sòng cái trước đây vốn là ranh giới rõ ràng giữa sống trong sự thật và sống trong dối trá. Chúng phủ lên một màn sương khói lên hoàn cảnh, thần bí hóa xã hội và gây khó khăn cho con người trong việc duy trì phương hướng cá nhân của họ. Tất nhiên, điều này không thay đổi được sự thật rằng sự thích nghi này về cơ bản là tích cực vì nó mở đường vào những không gian mới. Nhưng nó cũng làm cho việc phân biệt giữa những nhượng bộ "chấp nhận được" và “không chấp nhận được" trở nên khó khăn hơn. Một giai đoạn khác, cao hơn của thích nghi là một quá trình phân biệt hóa nội tại xảy ra trong các cấu trúc chính thức. Những cấu trúc này tự mở ra cho những hình thức đa nguyên ít nhiều được thể chế hóa, bởi vì các mục tiêu đích thực của cuộc sống đòi hỏi như vậy. (Một ví dụ: nếu thiếu sự thay đổi cái nền tảng vốn bị tập trung hóa và thể chế hóa của đời sống văn hóa, các nhà xuất bản, tập san nội bộ, các nhóm nghệ sỹ, các viện nghiên cứu song song, và v.v., có thể xuất hiện dưới sức ép từ "bên dưới". Hay một ví dụ khác: một đoàn thanh niên duy nhất và đồng nhất vốn do chính quyền điều khiển như là một "dây chuyền chuyển động" điển hình của nhà nước hậu toàn trị, dưới sức ép của các nhu cầu đích thực, đã bị phân rã thành một loạt các tổ chức ít nhiều độc lập như Hội Sinh viên, Hội Học sinh Trung học, Hội Công nhân Trẻ v.v.). Có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự đa dạng hóa, cái cho phép những đề xướng từ bên dưới được cảm nhận, và sự xuất hiện và thể chế hóa các cấu trúc mới vốn đã tồn tại song song, hay ít nhất là được các thiết chế chính thức tôn trọng hoặc ít ra là khoan nhượng ở các mức độ khác nhau. Những thiết chế mới này không chỉ gồm các cấu trúc chính thức đã được tự do hóa để thích ứng với những đòi hỏi chân chính của cuộc sống; chúng là sự thể hiện trực tiếp của các nhu cầu ấy, đòi hỏi một vị trí trong bối cảnh những gì hiện đã tồn tại. Nói cách khác, chúng là những biểu hiện chân chính của xu hướng tự tổ chức của xã hội. (Ở Czechoslovak, năm 1968, các tổ chức nổi tiếng nhất theo kiểu này là KAN, Câu lạc bộ những người không cộng sản nhiệt tâm, và K123, một tổ chức của các cựu tù chính trị). Giai đoạn tột cùng của quá trình này là tình huống trong đó các cấu trúc chính thức - như là các đại diện của hệ thống, tồn tại chỉ để phục vụ sự tự vận hành của nó, và được kiến trúc trên tinh thần ấy - đơn giản là bắt đầu suy tàn và chết dần, để bị thay thể bởi những cấu trúc mới đã tiến hóa từ "bên dưới" và được sắp đặt với nhau theo cách hoàn toàn khác. Tất nhiên, có thể hình dung ra nhiều con đường khác trong đó những mục tiêu của cuộc sống có thể đem lại những chuyển biến về chính trị trong cách tổ chức chung của sự vật và làm suy yếu trên mọi tầng mức sức ảnh hưởng của các kĩ xảo giật dây [của nhà nước hậu toàn trị] lên xã hội. Ở đây, tôi mới chỉ nói đến con đường mà cách tổ chức chung của sự vật đã thay đổi trên thực tế, như chính chúng ta đã trải nghiệm ở Czechoslovak vào khoảng 1968. Phải nói thêm là tất cả những ví dụ cụ thể trên là một phần của một quá trình lịch sử đặc thù, và không nên coi đó là con đường duy nhất, hay nhất thiết phải lặp lại (đặc biệt là không ở nước ta), một thực tế mà, tất nhiên, không làm giảm sút tầm quan trọng của những bài học chung, cái vẫn đang được tìm kiếm và rút ra từ quá trình ấy cho đến tận ngày nay. Trong khi bàn về chủ đề 1968 ở Czechoslovak, có thể sẽ thích hợp nếu chỉ ra một số các lĩnh vực phát triển điển hình trong giai đoạn này. Mọi sự chuyển dạng, trước hết là ở "tâm trạng" chung, sau đó là nhận thức, và cuối cùng là cấu trúc, không xảy ra dưới sức ép từ các kiểu cấu trúc song song vốn đang định hình ngày nay. Những cấu trúc ấy - vốn xác lập một phản đề sắc nét cho các cấu trúc chính thức - đơn giản là không tồn tại trong thời gian ấy, mà cũng chẳng có "nhà bất đồng chính kiến" nào tồn tại theo nghĩa hiện nay của từ này. Những thay đổi diễn ra chỉ đơn giản là hậu quả của các sức ép đủ loại, cái triệt để, cái nửa vời. Đã có những cố gắng nhất thời hướng vào các hình thức tư duy, sáng tạo độc lập và biểu đạt chính trị dự do hơn. Đã có những nỗ lực ngay lập tức, dài hạn và kín đáo nhằm làm cho đời sống xã hội độc lập thẩm thấu được vào các cấu trúc đang tồn tại, thường bắt đầu bằng sự thể chế hóa âm thầm của đời sống này trong và xung quanh ngoại vi của các cấu trúc cấu trúc. Nói cách khác, nó là một quá trình tiệm tiến của sự thức tỉnh xã hội, một kiểu quá trình "xâm thực", theo đó các không gian bí mật dần dần hé lộ ra. (Có một phần sự thật trong tuyên truyền chính thức về một cuộc "phản cách mạng xâm thực" ở Czechoslovakia, là khái niệm được họ dùng để nói về cách mà các mục tiêu của cuộc sống đã tiến lên). Động lực đằng sau sự thức tỉnh này không phải đến trực tiếp từ đời sống độc lập của xã hội, cái được coi như là một môi trường xã hội được định rõ (mặc dù đương nhiên nó cũng xuất phát từ đây -một thực tế vẫn còn chưa được coi trọng đúng mức). Nó cũng có thể đơn giản đã xuất phát từ thực tế rằng con người làm việc trong những cấu trúc chính thức, vốn ít nhiều đồng hóa họ với ý thức hệ chính thống, [bỗng thức tỉnh] và nhận ra hiện thực như nó vốn có, và sự thức tỉnh ấy dần dần trở nên rõ ràng với họ, qua những cuộc khủng hoảng xã hội ngấm ngầm và những kinh nghiệm cay đắng của chính bản thân họ về bản chất thực sự và sự vận hành của hệ thống. (Tôi đang nghĩ đến chủ yếu là những người cộng sản cải cách "chống giáo điều", những người, qua năm tháng, đã trở thành một lực lượng bên trong các cấu trúc chính thức). Các điều kiện thích hợp và raison d être [lí do tồn tại] cho những đề xướng độc lập "tự cấu trúc" vốn quen thuộc với chúng ta trong thời đại của các "phong trào bất đồng chính kiến" - những phong trào hoàn toàn biệt lập với các cấu trúc chính thức và bị các cấu trúc ấy phủ nhận en bloc [hoàn toàn]. Vào thời gian đó, hệ thống hậu toàn trị ở Czechoslovakia chưa bị xơ cứng hóa đến mức thành các dạng thức cố định, cằn cỗi và trì đọng như ngày nay, các dạng thức đã buộc con người phải quay lại tìm về khả năng tổ chức của chính họ. Vì nhiều lí do xã hội và lịch sử, chính quyền 1968 cởi mở hơn. Cấu trúc quyền lực, bị kiệt quệ bởi chủ nghĩa chuyên chế Stalin và sự tìm kiếm tuyệt vọng một cuộc cải cách không đau đớn, đã không thể tránh khỏi thối rữa từ bên trong, hầu như bất lực trong việc đưa ra một sự chống đối thông minh nào để phản lại sự thay đổi trong tâm trạng, phản lại cách mà những thành viên trẻ tuổi nhìn sự vật, và để chống lại hàng nghìn biểu hiện chân chính của cuộc sống trên bình diện "tiền chính trị" bừng nở trong vùng đất chính trị bao la nằm giữa chính thức và không chính thức. Từ góc nhìn tổng quát hơn, một tình huống điển hình nữa lại tỏ ra quan trọng: sự sôi sục trong xã hội đã lên tới đỉnh điểm vào năm 1968 chưa bao giờ - theo nghĩa những thay đổi cấu trúc thực sự - đi xa hơn là cải cách, hoặc đa dạng hóa hay thay thế các cấu trúc, vốn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nó không động đến cái cơ bản của cấu trúc quyền lực trong hệ thống hậu toàn trị, những nguyên tắc nền tảng về tổ chức xã hội, thậm chí không chạm đến cái mô hình kinh tế mà trong đó mọi quyền lực kinh tế đều phục tùng quyền lực chính trị. Cũng không có sự thay đổi cấu trúc cơ bản nào trong những công cụ trực tiếp của quyền lực (quân đội, cảnh sát, tư pháp, v.v.). Ở tầng mức này, vấn đề chưa bao giờ vượt quá một sự thay đổi trong tâm trạng, nhân sự, đường lối chính trị và hơn hết, thay đổi trong cách mà quyền lực được thực thi. Mọi thứ khác đều còn ở bước thảo luận và lên kế hoạch. Hai cương lĩnh được chấp nhận chính thức đã tiến xa nhất về mặt này là Cương lĩnh Hành động Tháng Tư 1968 của Đảng Cộng sản Czechoslovakia, và một đề xuất các cải cách kinh tế. Cương lĩnh Hành động không thể khác hơn là đầy những mâu thuẫn và giải pháp nửa vời, để mặc cho các khía cạnh vật lý của quyền lực không được động chạm tới. Và các đề xuất kinh tế, trong khi đi một đoạn đường dài nhằm đáp ứng các mục tiêu của cuộc sống trong lĩnh vực kinh tế (chúng chấp nhận những ý tưởng như là sự đa dạng về lợi ích và sáng kiến, các động lực động, các hạn chế của hệ thống kinh tế chỉ huy), cũng không động tới trụ cột chính của quyền lực kinh tế, tức là nguyên tắc sở hữu nhà nước, thay vì sở hữu xã hội thực sự đối với các công cụ sản xuất. Vì thế, có một khoảng trống ở đây mà không một phong trào xã hội nào trong hệ thống hậu toàn trị có thể làm cầu nối, với một ngoại lệ khả dĩ của những ngày ít ỏi trong cuộc nổi dậy ở Hungary. Những phương án phát triển nào khác có thể xuất hiện trong tương lai? Đáp lại câu hỏi này sẽ có nghĩa là bước vào địa hạt của phỏng đoán thuần túy. Hiện tại, có thể nói được rằng cuộc khủng hoảng xã hội âm ỉ trong hệ thống sẽ luôn luôn gây ra (và không có lý do gì để tin rằng nó sẽ ngừng lại) các rối loạn xã hội và chính trị (Đức năm 1953, Hungary, Liên Xô và Ba Lan năm 1956, Czechoslovakia và Ba Lan 1968, Ba Lan năm 1970 và 1976), tất cả đều rất khác biệt về bối cảnh, con đường tiến hóa và hậu quả cuối cùng. Nếu ta nhìn vào phức hợp to lớn của các yếu tố khác nhau đã dẫn đến những rối loạn như vậy, và vào sự bất khả thi trong dự đoán sự tích tụ ngẫu nhiên nào của các sự kiện sẽ gây ra sự sôi sục đó trong không gian bí mật để rồi lộ ra dưới ánh sáng ban ngày (vấn đề của "giọt nước cuối cùng"); và nếu ta xem xét liệu việc đoán trước cái mà tương lai đang che giấu từ những xu hướng đối nghịch nhau: một mặt là sự hội nhập ngày càng sâu sắc của "khối" và sự mở rộng quyền lực trong nó, và mặt khác là nhận thức dân tộc đang thức tỉnh trong các khu vực ngoài Nga (về mặt này Liên Xô không thể hi vọng sẽ vĩnh viễn ở ngoài cuộc đấu tranh toàn cầu cho giải phóng dân tộc), thì ta phải thấy sự vô vọng của việc cố gắng đưa ra các phỏng đoán dài hạn. Dù sao đi nữa, tôi không tin rằng kiểu tiên tri này có một ý nghĩa trực tiếp nào cho các "phong trào bất đồng chính kiến" vì những phong trào này, rốt cuộc, không phát sinh từ những tư tưởng tiên tri, và do đó, nếu chúng tự đặt mình vào cái nền ấy có nghĩa là đang xa lạ hóa chính mình với cái nguồn cội bản sắc. Như thế, về các triển vọng của các "phong trào bất đồng chính kiến", dường như rất ít khả năng là sự phát triển trong tương lai sẽ dẫn đến sự cùng tồn tại lâu bền giữa hai cơ thể tách biệt, không tương tác và khác nhau - polis chính thống và polis song song. Chừng nào mà nó vẫn còn là nó, thực hành sống trong sự thật không thể không đe dọa hệ thống. Thật không thể tưởng tượng được nó có thể tiếp tục cùng tồn tại với sống trong dối trá mà không có những mâu thuẫn đầy kịch tính. Quan hệ của hệ thống hậu toàn trị - chừng nào mà nó vẫn còn là nó - và đời sống độc lập của xã hội - chừng nào mà nó còn là nơi dành cho tinh thần trách nhiệm vì mọi người và cho mọi người - sẽ luôn luôn hoặc là xung đột ngấm ngầm, hoặc xung đột công khai. Trong tình huống này, chỉ có hai khả năng: hoặc là hệ thống hậu toàn trị sẽ tiếp tục phát triển (tức là, sẽ có khả năng để tiếp tục sự phát triển), và do đó mà không thể tránh khỏi sẽ tiến gần hơn đến viễn cảnh đáng sợ của Orwell về một thế giới của sự giật dây triệt để, trong khi mọi biểu hiện của sống trong sự thật sẽ bị hút kiệt khỏi hệ thống; hoặc là đời sống độc lập của xã hội (polis song song), bao gồm các "phong trào bất đồng chính kiến", sẽ từ từ nhưng chắc chắn trở thành một hiện tượng xã hội ngày càng quan trọng, đóng vai trò thực tế trong đời sống xã hội, sự tồn tại và bản chất của nó ngày càng trở nên rõ ràng và nó ngày càng có ảnh hưởng tới hoàn cảnh chung. Tất nhiên, điều này luôn chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến hoàn cảnh và nó chỉ vận hành trên phông nền, trong sự hòa quyện với những yếu tố khác và theo cách phù hợp với cái nền ấy.