Václav Havel sinh ngày 5 tháng Mười năm 1936 tại Praha, trong một gia đình trí thức tư sản nổi tiếng của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến II, sự nghiệp học hành của ông gặp trắc trở vì lý lịch. Havel tự học và trở thành nhà văn, nhà viết kịch. Sau khi cách mạng Mùa xuân Praha bị Hồng quân Liên Xô đàn áp (1968), ông bị cấm viết kịch và bắt đầu hoạt động chính trị. Là người đề xướng tuyên ngôn Hiến chương 77, ông phải ngồi tù 5 năm. Tư tưởng chính trị và đạo đức của Havel có ảnh hưởng to lớn đến phong trào dân chủ ở Đông Âu. Havel là lãnh tụ của cuộc Cách mạng Nhung của Tiệp khắc năm 1989, sau đó là người đứng đầu Diễn đàn dân sự (Civic Forum), tổ chức chính trị đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc tuyển cử tự do đầu tiên sau chế độ cộng sản. Ông trở thành tổng thống đầu tiên của nước Tiệp Khắc dân chủ, sau đó được bầu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Czech. Sau khi rút lui khỏi chính trường, dù bệnh tật, Havel vẫn ủng hộ các phong trào bất bạo động chống chế độ toàn trị ở các nước như Cuba, và cả Việt Nam.
“Quyền lực của không quyền lực”[1] (1978) là tác phẩm kết tinh tư tưởng của Havel. Tiểu luận này đã ảnh hưởng đến các phong trào chống toàn trị ở Đông Âu, định hướng lại lý thuyết chính trị về chế độ cộng sản, và góp phần tạo ra một làn sóng đương đại về xã hội dân sự. Tiểu luận mở đầu bằng một phân tích chính trị xuất sắc: định danh thực trạng Đông Âu thời kì hậu Stalin bằng cái tên “hậu toàn trị”[2]. Havel đã vạch ra đặc điểm cơ bản nhất của hệ thống hậu toàn trị: xã hội bị tha hóa thành một hệ thống tự động vận hành. Hệ thống này nô dịch và điều khiển tất cả mọi người - từ giới lãnh đạo chóp bu cho đến từng người dân. Không có ai đứng trên hay đứng ngoài hệ thống ấy: mỗi người vừa là tù nhân, vừa là cai ngục cho hệ thống. Trong hệ thống hậu toàn trị, “sống đời dối trá” (living a lie) bao trùm xã hội như một định mệnh. Havel đã lột tả từng chiều cạnh của bi kịch này. Havel - nhà văn - đã đúc kết sự dối trá ý thức hệ qua hình ảnh: người bán rau quả treo trước quầy hàng, cùng với những lô hành và cà-rốt, khẩu hiệu “Vô sản thế giới đoàn kết lại!”. Havel - nhà đạo đức - đã chỉ ra tình trạng mất nhân phẩm của cá nhân, và vai trò của ý thức hệ như là mạng che cho các cá nhân đỡ bị trần truồng trước thực trạng ấy. Havel -nhà chính trị học - giải phẫu sự dối trá ý thức hệ với tư cách là dung dịch điều hòa hoạt động của các cá nhân bị nô dịch và tự nô dịch trong hệ thống, để đảm bảo cho hệ thống toàn trị vận hành nhịp nhàng. Nhưng, sự vĩ đại của Havel không nằm ở việc mô tả hệ thống hậu toàn trị[3], mà ở việc vạch ra cái mâu thuẫn đặc thù tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của nó: mâu thuẫn giữa nhu cầu tự nhiên, sống động và chân thực của đời sống dân sự, với những đòi hỏi phi tự nhiên, chết cứng và dối trá của hệ thống hậu toàn trị. Trong thời kì toàn trị, cá nhân đột ngột bị lột khỏi các tổ chức dân sự truyền thống (gia đình, bạn bè, các hội đoàn, tôn giáo v.v.), để lắp vào các guồng máy nhân tạo: nhà nước-đảng và các đoàn thể bù nhìn. Đến thời kì hậu toàn trị, các cỗ máy ấy dần xơ cứng, bị giả hóa dưới mặt nạ ý thức hệ; con người phải sống đời dối trá. Havel, với niềm tin sắt đá vào nhu cầu được sống thật của con người, cho rằng đời sống dân sự chắc chắn sẽ phục hưng. Nhìn thấy mâu thuẫn chính, riêng biệt của hệ thống hậu toàn trị, Havel đã không đề ra bất kì một cuộc “cách mạng” hay “cải cách” nào về kinh tế, chính trị hay quân sự. Ông kêu gọi một chiến lược hoàn toàn mới: hãy bắt đầu từ việc giải phóng đời sống dân sự khỏi sự dối trá đang bao trùm. Chiến lược ấy được dệt nên từ những hành vi thường nhật: người bán rau đừng treo cái khẩu hiệu mà anh không hề tin tưởng. Hãy ngừng tham gia những trò hề bầu cử, những màn mit-tinh lố bịch. Hãy nói những gì mình nghĩ. Hãy làm những gì mà hệ thống giả đò là cho phép anh làm. Tức là, hãy sống trong sự thật. Đương nhiên, tất cả đều hiểu mỗi hành động cá nhân ấy có ý nghĩa gì với một hệ thống chỉ có thể vận hành nhờ sự dối trá tập thể: nó hô lên rằng “Hoàng đế cởi truồng!” Chính vì thế mà toàn bộ hệ thống sẽ ra sức bịt miệng, đàn áp và vu khống các cá nhân ấy. Thế là một số người, do những lựa chọn rất riêng tư về cách sống, đột nhiên thấy mình trở thành các “nhà bất đồng chính kiến”. Tất nhiên, thiểu số này chẳng là các nhà cách mạng. Họ không có học thuyết, chẳng dùng bạo lực, cũng không phủ định hệ thống trên lý thuyết. Họ chỉ sống đúng những gì mà hệ thống hứa hẹn cho họ: quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại v.v., và vì thế trong mỗi hành động thực tiễn, lại không ngừng vạch mặt hệ thống. Họ chỉ là những người dũng cảm hơn một chút, sống trong sự thật sớm hơn một chút, và chỉ có ý nghĩa khi đằng sau họ là một không gian của những người sống trong sự thật. Trong không gian công toàn trị, nơi mà dối trá được đảm bảo bằng bạo lực, đời sống trong sự thật của số đông sẽ bắt đầu một cách tự nhiên từ trong những không gian công không chính thức: các nhóm không chính thức, văn học ám chỉ, báo chui (hay ngày nay là Internet) v.v. Nhu cầu sống trong sự thật, khi được thỏa mãn trong các mảnh đất ngầm của xã hội dân sự, sẽ làm cho biên cương của nó mở rộng mãi sang các địa hạt khác như kinh tế, tôn giáo v.v., với những đòi hỏi được thừa nhận, được thể chế hóa ngày một tăng. Cho đến khi nó đụng lớp vỏ cứng của hệ thống toàn trị cứng nhắc, và những chấn động trên địa hạt chính trị bắt đầu... Có thể là hệ thống toàn trị (giờ đây bị thu hẹp vào các thể chế quyền lực chính thức: đảng, bộ máy quan liêu, cảnh sát, quân đội) sẽ thích ứng và nhường bước cho một trật tự xã hội mới tự hình thành. Hoặc là nó sẽ bị cuốn trôi. 1978, trong đêm dày của chủ nghĩa toàn trị, Havel từ chối đoán mò những diễn biến chính trị tiếp theo một khi không gian công không chính thức đã lớn mạnh. Một thập kỉ sau, các cuộc cách mạng ở Đông Âu đã hoàn tất chương cuối cùng của kiệt tác Quyền lực của Không Quyền lực. Ngày nay, được gợi hứng một phần bởi hình dung của Havel về một xã hội dân sự sống động và tự trị, Đông Âu và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang thử làm giàu chế độ dân chủ truyền thống. * Ở Việt Nam, hệ thống hậu toàn trị đã thích ứng vừa kịp lúc, và nó chưa bị cuốn trôi. Đời sống dân sự đang trỗi dậy mãnh liệt từ địa hạt kinh tế. Trong văn hóa, không gian công phi/bán chính thức vượt trên ý thức hệ chết cứng vẫn đang âm thầm lan rộng. Nhưng liệu Việt Nam có còn đang trong khoảng kéo dài của chế độ hậu toàn trị, hay đã chuyển sang một hình thái mới? Có thể phép thử của Havel sẽ cho ta một lời gợi ý: liệu chúng ta có đang sống trong dối trá tràn lan không? Chúng ta có đang ẩn núp dưới ý thức hệ, đang làm những thứ mà ta không tin, và bằng cách đó tự nô dịch và bị nô dịch không? Xin dành bản dịch kiệt tác chính trị, văn chương, và hơn hết là kiệt tác đạo đức này cho tất cả những người Việt Nam, những người vẫn tự hào là một dân tộc giàu đạo lý. Xin hãy tìm thêm sức mạnh từ lương tri thời đại qua Havel, để tự tìm đường đi cho mình. Xin hãy thử kiểm chứng và nắm lấy “quyền lực của không quyền lực”. 1/1/2006