Đêm Đột Quỵ
Trương Thị Kim Chi
Nàng thảng thốt kinh hoàng khi nhìn thấy chiếc áo nền trắng kẻ sọc nâu nhạt. Dĩ nhiên nàng sẽ hững hờ nếu như phía trên chiếc áo ấy không phải là khuôn mặt của ông, mái đầu của ông. Nàng có thể nhớ rõ như in vài sợi tóc chớm bạc ở hai bên thái dương... Cũng may, người ta đẩy chiếc giường đó quẹo xuống. Và vì hai bên đã kín chỗ nên ông phải nằm ở lối đi giữa, gần cuối phòng.
Còn nàng, đang ngồi bên mẹ, ở góc trái trên này. Nàng vừa cố thu nhỏ mình lại, vừa cố nhoài người tới trước để nhìn ông cho rõ hơn. Mong sao người đàn ông trong chiếc áo kẻ sọc nâu nhạt kia không phải là ông, nhưng nàng đành tuyệt vọng. Hộ lý, sau khi thu xếp mọi việc, đã đi ra ngoài. Còn lại bên ông là người phụ nữ khoảng ngoài bốn mươi. Nàng đoán đó là vợ ông, người mà ông nói rằng sẽ sẵn lòng từ bỏ, vì nàng. Nàng cảm thấy gai gai người và sợ hãi như thể vừa giẫm phải chiếc đinh gỉ.
Mấy ngày nay ông không gọi cho nàng hằng đêm như thường lệ. Còn nàng thì quá bất ngờ, đau đớn, lo lắng, và đang tất bật với cơn đột quỵ của mẹ nên cũng không liên lạc với ông. Giờ nàng đã rõ. Một sự trùng hợp kỳ lạ, khó tin nhưng đang rành rành trước mắt nàng.
Sau mấy phút choáng váng, tim nàng trở lại nhịp đập bình thường. Vợ ông loay hoay xếp đặt đồ đạc vào chiếc tủ trên đầu giường. Ôi, ước gì, ước gì bây giờ, ngay giây phút này nàng được chạy đến đó, bên ông, vùi đầu vào ngực ông, cười nói an ủi ông, nhổ mấy sợi tóc chớm bạc ở thái dương cho ông, xoa cằm ông, nham nhám. Nhưng nàng đành phải ngồi im, trong tư thế vừa cố thu nhỏ mình lại, vừa cố vươn người tới để nhìn cho rõ, vừa cố nuốt nỗi nghẹn ngào để không bật ra tiếng khóc.
Mẹ nàng ú ớ. Nàng quay lại, giật mình, đau xót. Chiếc miệng xinh xắn dịu hiền của mẹ đã méo xệch từ bữa bị té, giờ như càng méo hơn. Mẹ nàng đưa ánh mắt lên bình nước biển treo trên đầu giường, nói một cách khó nhọc:
- Ch...ậm... quá...
Nàng chăm chú theo dõi từng giọt nước nhiễu xuống. Ừ, có lẽ chậm quá.
- Chậm thì sao hả mẹ?
- Mo...ỏi ... ta...y... qu...á...
Đồng hồ trên tường đã chỉ mười một giờ khuya. Cô y tá trong phòng trực sát cạnh nàng đang cắm cúi đọc cái gì đó. Nàng rón rén đi tới, gõ nhẹ vào khung cửa kính.
- Gì vậy chị?
Nàng nở nụ cười có lỗi của người làm phiền, nhỏ nhẹ:
- Cô làm ơn lại coi bình nước biển ở giường hăm bốn. Hình như nó chảy quá chậm. Mẹ tôi đã mỏi lắm rồi.
- À, để xem nào... Phải ráng chịu đựng thôi. Bà cụ bị bệnh tim, không thể nhanh hơn được.
Nàng trở lại bên mẹ, nhẹ nhàng xoa bóp cho mẹ.
- Ng...ủ ... đ...i... con...
- Sớm mà mẹ. Mẹ thấy người thế nào?
- Kh...ỏe... Con... ng...ủ ... đi... Ngh...e... l...ời...
Nàng ngả người xuống chiếc ghế bố trải sát bên giường mẹ. Thôi, giả vờ nhắm mắt để mẹ yên lòng. Để mẹ khỏi cố gắng đến oằn người mỗi khi mở miệng nói.
Mới chiều thứ bảãy rồi, ông đưa nàng ra ngoại ô. Ở quán cà phê vườn vắng vẻ đó, ông và nàng tha hồ trò chuyện. Chuyện của hai người, rồi chuyện tào lao trên trời dưới đất. Có khi chẳng đâu ra đâu. Tưng tửng. Vậy mà nói hoài không chán. Càng ngày tình yêu của nàng dành cho ông càng nhân lên. Ông thật tử tế và dịu dàng, nhân cách đẹp và mẫu mực. Ông chưa bao giờ vượt quá giới hạn cho phép đối với nàng, dù họ đã có nhiều điều kiện thuận lợi, đầy cám dỗ.
Cách đây hai năm, một chiều tan sở, mưa lướt thướt trắng xóa đất trời, buồn buồn nàng ghé vào quán cà phê. Trong góc khuất của quán, một người đàn ông quen quen, dường như đang triền miên suy nghĩ trong dáng vẻ tư lự, trông cô đơn lạ lùng. Tò mò, nàng nhìn kỹ, hóa ra là ông, một giáo sư dạy nàng hồi đại học. Ngày đó, ông trẻ măng, phong thái lịch duyệt, giảng rất hay. Biết bao cô sinh viên đã mê say ngưỡng mộ ông, trong đó có nàng. Sau bảy năm, trông ông già đi nhiều quá. Nàng nhớ ông nhưng ông không nhớ nổi nàng. Chào thầy ạ! Chào em! Chắc thầy quên em rồi ạ? Xin lỗi, quả thật là như vậy. Em thông cảm, sinh viên nhiều, lại hết khóa này đến khóa khác, năm này sang năm khác. Cứ nối đuôi nhau. Thưa thầy, em hiểu điều đó ạ. Nếu không phiền, mời em lại ngồi cùng bàn nói chuyện. Dạ, em cám ơn thầy.
Trong quán cà phê định mệnh đó, cứ những chiều thứ bảy, nàng và ông ngồi đối diện nhau. Tại sao thầy ngồi một mình? Thế tại sao em cũng ngồi một mình? Hai câu hỏi đều được trả lời bằng tiếng cười xòa vui vẻ, ngụ ý muốn hiểu sao cũng được. Rồi không biết tự lúc nào, ông coi nàng như người bạn, thổ lộ tâm tình. Ông lấy vợ được gần chục năm mà không có con. Ông khao khát đứa con. Khao khát đến cháy bỏng. Đã nhiều lần ông đòi cả hai vợ chồng đi khám để biết nguyên nhân, để tìm cách kiếm đứa con. Chỉ cần một đứa thôi, nhưng vợ ông không đồng ý. Cuối cùng, ông năn nỉ vợ cho ông xin đứa con nuôi, bà cũng cương quyết bác bỏ. Thưa thầy, tại sao? Ông lắc đầu cười buồn. Thầy ơi, sao những chiều thứ bảy đẹp như vầy, thầy không đưa cô đi chơi, chẳng hạn cùng ngồi đây?... Cô ấy không thích. Tại sao ạ? Cô ấy thích làm việc hơn. Công việc là niềm vui, là lẽ sống của cô ấy. Cô ấy rất bận. Bận gì vậy thầy? Bận học hỏi để nâng cao kiến thức, bận tham gia nghiên cứu, viết sách... Nói chung cô ấy rất bận. Tôi thực sự nể phục cô ấy, một phụ nữ thông minh, bản lĩnh, quyết đoán, sống có mục đích, có lý tưởng. Đối với cô ấy, sự nghiệp được đặt lên hàng đầu. Thưa thầy... chắc... cô... cô đẹp...? Phải, rất đẹp nữa là đằng khác. Mà thôi, nói chuyện em đi. Công việc em thú vị không? Mẹ em khỏe không?...
Rồi không biết tự lúc nào, như đã hò hẹn, nàng và ông, chênh nhau gần hai chục tuổi, chụm đầu nhau thì thầm. Có lẽ họ lấp kín được khoảng trống của nhau. Họ cần có nhau. Đã đến lúc phải thận trọng, phải tìm nơi kín đáo vắng vẻ hơn cái quán cà phê ngay giữa lòng thành phố, trên con đường lớn ấy.
Hôm đầu tiên ở quán vườn bên bờ sông vùng ngoại ô vắng vẻ, chỉ có ông và nàng trong một cái lều hình nấm, lợp lá. Trước mặt họ, nước sông gợn sóng lăn tăn êm ả, lấp loáng ráng chiều rực rỡ màu cam. Xa xa, những chiếc thuyền nho nhỏ mải mê trôi. Và trên cao, bầu trời xanh ngan ngát. Nàng thích thú nhưng cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Nàng nói cảm giác đó với ông. Ông nhíu mày lúc lâu rồi phá ra cười: Con gián! Nàng reo lên: Đúng rồi, con gián! Hóa ra nơi cái quán cà phê trong thành phố náo nhiệt kia, bao giờ cũng vậy, ngay trước mặt ông và nàng, luôn xuất hiện một con gián. Thỉnh thoảng thập thò bò ra từ khe hở của lan can bằng gỗ phía trước, rung râu rồi thụt vào. Có lần, không biết vụng về thế nào, con gián bỗng bị ngã ngửa. Nó cố vùng vẫy, đến nỗi thân nó quay tròn. Vật vã xoay xở mãi mà nó vẫn cứ xoay mòng mòng, không sao lật trở lại được. Ông và nàng cùng chăm chú theo dõi nó một cách thú vị. Nó vẫn tiếp tục vùng vẫy, không chịu đầu hàng, râu cẳng ngo ngoe liên hồi. Một lúc, có lẽ mệt, nó nghỉ một chút rồi tiếp tục cuộc chiến. Lại ngo ngoe, xoay vòng... Hình như những cú xoay vòng càng lúc càng quyết liệt ghê gớm kia là sức mạnh của tuyệt vọng? Nàng thắc mắc, anh ơi, nếu cứ thế này rồi nó sẽ ra sao? Thì nó sẽ kiệt sức rồi chết.
Không thể ngồi im được nữa, nàng đi kiếm cái que chạm vào nó. Nhanh như cắt, nó bám cái que, lật người lại được. Mừng rỡ và cuống quýt, nó biến ngay lập tức. Ông hỏi, tại sao em làm như vậy? Em chợt nghĩ đến những người bị quỵ ngã, đang phải cố sức tự đứng dậy, rất cần sự trợ giúp. Nỡ nào ngoảnh mặt hả anh. Ông vuốt tóc nàng, em tôi đáng yêu quá.
Bệnh nhân ở giường sát cạnh là bà cụ ngoài tám mươi, trở mình rên rỉ. Đây là lần thứ tư cụ vào đây. Con gái cụ đang ngủ, giật mình dậy, vỗ về cụ. Hôm nàng đưa mẹ vào, chị con gái nhiệt tình hỏi han, mách bảo những điều cần thiết khi chăm sóc người đột quỵ. Nàng cám ơn và hỏi thăm bà cụ. Chị vuốt ve người mẹ đang nằm im thin thít, mắt nhắm nghiền. Chị âu yếm hôn hít đôi má đã trổ kín đồi mồi, nhăn nhúm của mẹ, như thể đang nựng nịu đứa bé còn nằm nôi:
- Bác sĩ khen dữ à nghen... Lần thứ tư mà vẫn chưa đứt bóng...
Nàng ngước nhìn chiếc túi dinh dưỡng đang được truyền vào thực quản của bà cụ. Như hiểu điều băn khoăn của nàng, chị cười, mắt sáng rỡ yêu thương và hạnh phúc:
- Một ngày dương gian bằng ngàn ngày âm phủ. Dù sao, mẹ tôi vẫn còn thở, còn ấm. Dù sao tôi vẫn còn được ở bên mẹ, được có mẹ trên cõi đời này.
Lúc đó mắt nàng rưng rưng, cảm thấy mình thật tồi tệ. Mẹ nàng sẽ ra sao nếu biết được chuyện tình của nàng. Ba nàng mất khi nàng mới chập chững tập đi. Mẹ nàng đã ở vậy nuôi nàng ăn học, thành người. Mẹ đã dồn mọi yêu thương, kỳ vọng trên thế gian này nơi nàng. Nàng là tất cả, còn hơn tất cả cuộc đời mẹ.
Ông hứa sẽ thu xếp, ly dị vợ để cưới nàng. Thu nhập ông khá cao. Đám cưới sẽ linh đình hẳn hoi. Cuộc sống sẽ đương nhiên sung túc. Nàng tin ông. Nàng tin chắc ông sẽ làm những gì ông nói. Nhưng dù thế nào chăng nữa, nàng hiểu nếu nàng lấy ông, mẹ nàng khó có thể vui lòng.
Bệnh nhân đối diện chỗ nàng ngồi vừa thức dậy, đang cố sức quẫy đạp, chân tay ông cụ bị trói vào giường. Người con trai của ông cụ tỉnh ngủ ngay. Anh dỗ dành cha với giọng ngái ngủ. Nhìn cảnh anh dịu dàng chăm chút cha từng li từng tí, nàng nhớ đến những chuyện trong Nhị thập tứ hiếu.
Đằng kia, một nữ bệnh nhân đã luống tuổi, không chồng con, đang được cháu gái kêu dì cho uống thuốc. Mọi người tấm tắc khen người dì có phúc, có đứa cháu hiếu nghĩa. Còn đây, bên trái nàng, một cụ bà đang được cụ ông vỗ lưng nhè nhẹ ru, coi giống ru con...
Mấy hôm nay ở với mẹ trong căn phòng chật chội đã quá tải bệnh nhân đột quỵ này, lòng nàng thật nhẹ nhàng khi thấu hiểu giá trị của từng hơi thở, từng phút từng giây được níu kéo sự sống. Nàng cảm nhận sâu xa tình yêu thương, lòng hy sinh tận tụy của những người thân trong mối quan hệ gia đình. Thế nhưng bây giờ đây, nàng bỗng cảm thấy căn phòng quá ngột ngạt, khó thở, nặng nề.
Đợi một lát, áng chừng mẹ đã nhắm mắt, nàng ngồi dậy. Vợ ông vừa cho ông uống sữa xong, đỡ ông nằm xuống. Rồi bà lúi húi làm gì đó. Nàng hơi thắc mắc, người phụ nữ này không như nàng tưởng tượng qua lời kể của ông.
Bỗng nàng vội ngả người xuống ghế, hai cánh tay che mặt, người run bắn, sống lưng ớn lạnh. Choáng váng. Chao đảo. Bà đang tiến về phía nàng. Không sao cả. Vợ ông vào toa-lét. Rồi bà đi ra, tay bưng cái thau nhỏ đựng nước. Nàng thở hắt ra, run rẩy.
Bà lấy bình thủy nước sôi pha vào thau. Rồi bà bắt đầu công việc lau cho ông. Thoạt tiên bà lau mặt. Từ xa nhưng nàng có thể cảm nhận được đôi bàn tay tận tụy, dịu dàng mềm mại của bà ấm áp ân tình. Nàng có thể thấy được khuôn mặt ông xương xương. Vầng trán cao rộng minh triết. Chiếc cằm nham nhám râu. Nàng nằm im, hé nhìn. Tự nhiên nghe buốt thốn cả tim, cổ nghèn nghẹn, mắt cay xè. Vậy mà có lần nàng ray rứt: "Anh ơi, chúng mình có tội với chị ấy. Nếu biết chuyện... chị ấy đau khổ lắm"... Ông bối rối im lặng rất lâu rồi lắc đầu, giọng trầm hẳn xuống, buồn rười rượi, đắng cay: "Biết đâu cô ấy thở phào, cho là được giải thoát".
Người vợ bỗng quay mặt về phía nàng. Nàng điếng người. Ồ không! Bà vừa nhìn lướt cả phòng. Cái nhìn có vẻ lấm lét, vụng trộm. Căn phòng đã trở lại im ắng. Chỉ có những bình nước biển, bình đạm, túi dinh dưỡng treo lủng lẳng phía trên đầu bệnh nhân vẫn âm thầm, lặng lẽ nhỏ giọt.
Dường như tin chắc không ai để ý mình, nhanh như chớp, bà lẹ làng luồn chiếc khăn vào phần dưới của ông. Bà lau. Gọn gàng. Thuần thục. Như đã quen lắm với công việc. Nàng nhắm mắt lại, người lạnh toát, tựa hồ đã đông cứng thành băng. Phải chi nàng là tảng băng, nàng sẽ tan ra và thấm ngay vào lòng đất, không để lại dấu vết.
Mười hai giờ khuya. Cơn mưa đầu mùa vừa dứt. Có lẽ những chiếc bong bóng nước cuối cùng cũng vừa vỡ vụn. Trái tim nàng tan hoang. Giấc mộng tan hoang. Mơ và thực nhòe nhoẹt, lẫn lộn. Nàng cố gắng dồn tất cả sức lực để ngồi dậy.
Vùng vẫy, oằn oại mãi... Cuối cùng, lúc tưởng chừng đã buông xuôi tuyệt vọng thì nàng bật dậy được. Tảng đá nặng ngàn cân vừa bị hất xuống. Nàng sung sướng thẳng lưng, duỗi người ra, hít thật sâu để dễ thở hơn, để càng ghét cay ghét đắng bản thân mình. Nàng định thần lại sự việc và nhìn sang đó. Vợ ông đang ngồi trên cái ghế nhựa, đầu gục xuống giường, cạnh đầu ông. Hai mái đầu họ kề nhau. Tóc họ lẫn vào nhau. Nàng lẩn thẩn tự hỏi làm sao mách cho bà biết phòng trực của khoa có ghế bố cho người nhà bệnh nhân thuê. Ôi, ngủ ngồi như vậy thật khổ!
Mẹ nàng lại ú ớ. Nàng quặn lòng khi nhìn chiếc miệng méo mó của mẹ. Rồi chợt bàng hoàng. Trời ơi, không biết ông đang trong tình trạng như thế nào và sẽ ra sao? Nàng không dám nghĩ tiếp. Căn bệnh này... Như mẹ nàng, được nhận xét là nhẹ, nhưng theo lời bác sĩ, phần não bên trái đã bị nhũn. "Cô hãy tưởng tượng tiết heo...". Ông ta cố giải thích cho nàng hiểu khi giăng ra trước mặt nàng những tấm phim chụp cắt lớp bộ não của mẹ nàng, chỉ cho nàng thấy những mảng sáng tối: "Phần đời còn lại của mẹ cô luôn cần có người bên cạnh. Không được để bà ấy một mình. Nếu bị té lần thứ hai , bà ấy có thể ra đi luôn hoặc sống đời sống thực vật. Cô nhớ đó...".
Nàng bỗng giật bắn người. Chiếc điện thoại trong túi nàng đang rung lên bần bật. Nàng mở máy: Số máy của ông!!! Nàng kinh hãi nhìn xuống chỗ đó. Ông vẫn đang nằm im lìm bất động. Sau mấy giây, ngón tay nàng lẩy bẩy ấn nút. Mặt nàng trắng nhợt như thể gặp ma.
Giọng của ông. Phải, chính xác là giọng ông, rất ấm áp và dịu dàng: "Em ngủ chưa? Mấy ngày nay anh bị cúm, nằm nhà... Sợ em lo nên không báo em biết. Giờ anh khỏe rồi... Mai mình gặp nhau, em nhé!". Nàng lắp bắp: "Anh... bệnh gì hả?". "Cúm! Anh vừa nói đó mà. Thôi, ngủ ngoan nghen em!".
Nàng căng mắt nhìn trừng trừng người đàn ông có chiếc áo sọc nâu nhạt, có mái đầu, có khuôn mặt giống hệt ông cùng với bà vợ vẫn đang kề mái đầu bên nhau...
Hẳn họ đang say ngủ.