Làm Đẹp
Ngô Du Trung
Ông Lê loay hoay chất mấy bao thực phẩm vào cốp xe rồi đi vòng qua bên kia mở cửa cho bà vợ xong mới trở về ngồi vào tay lái. Ông chưa kịp đề máy đã nghe bà vợ hỏi:
" Anh thấy bà áo đỏ không?"
Ông Lê vừa đề máy vừa hỏi lơ đãng:
" Bà áo đỏ nào?"
" Cái bà có bộ ngực vĩ đại, mặc áo đỏ đi ngang lúc anh chất mấy bao thực phẩm vào xe đó.
Ông Lê hơi giật mình. Chắc bà ấy bắt gặp mình "địa" vào bộ ngực phì nhiêu, đồ sộ đó nên hỏi chận chứ gì. Tuy nghĩ vậy nhưng ông Lê vẫn đáp:
" Có thấy gì đâu. Mà có gì đặc biệt không?"
" Bà ấy từ trên xuống dưới chỗ nào cũng sửa hết."
Ông Lê bật cười:
" Sao em biết?"
" Sao lại không biết; chỉ nhìn thoáng qua là em biết ngaỵ"
Ông Lê lại cười nữa. Ông vừa de xe ra khỏi bãi đậu vừa khen vợ, giọng pha chút giễu cợt:
" Mấy bà tài thiệt! Có ông nhà văn nào đó nói một câu mà bây giờ tôi mới thấy là chí lý."
Bà Lê tò mò:
" Câu gì vậy anh?"
" Đại khái là hễ người ta nghĩ gì trong đầu thì chỉ thấy cái đó. Đúng không? Mấy bà tối ngày chỉ nghĩ đến chuyện sửa cằm, sửa mũi nên nhìn đâu cũng thấy toàn cằm sửa, mũi sửa."
Bà Lê phản đối:
" Chứ không phải à? Mặt mũi người có cắt sửa nó khác với người không cắt sửa, nhìn vào là biết ngaỵ"
" Sao tôi cũng nhìn mà có nhận ra đâu?"
Bà Lê à lên một tiếng rồi dí tay vào trán chồng:
" Té ra cũng liếc trộm mà làm bộ nói không thấy. Mấy ông thì ông nào cũng như nhau. Vợ đòi đi sửa thì không chịu mà ra đường lại cứ ngó lom lom vào mấy cái của giả."
Ông Lê dã lả:
" Người ta đi ngang qua mặt, mình lỡ ngước mắt lên thì phải thấy chứ; không lẽ nhắm mắt lại?"
Bà Lê bĩu môi:
" Mấy ông mà lỡ với lành gì; thấy bộ ngực vĩ đại rung rung đó là ngó lom lom chứ hiền từ gì. Mà anh thấy có đẹp không?"
Ông Lê làm bộ không hiểu:
" Cái gì đẹp?"
" Bà mặc áo đỏ chứ cái gì. Đẹp chứ hả?"
Ông Lê ậm ừ:
" Ờ, thì cũng được."
" Đẹp, chứ cũng được gì nữa. Anh thấy chưa? Người ta sửa mắt sửa mũi rần rần còn anh thì cứ tìm cách này cách nọ cản em. Hôm nào anh cho em đi sửa được không?"
Ông Lê biết trước sau gì bà Lê cũng hỏi câu đó. Bà đã tỉ tê với ông nhiều lần về chuyện này mà lần nào ông cũng nói qua loa rồi lảng sang chuyện khác. Lần này ông cũng tính đánh bài phe lờ nhưng bà Lê lập lại:
" Được không anh?"
" Thôi, có bao nhiêu xài bấy nhiêu, sửa tới sửa lui làm gì cho phiền phức."
" Có gì mà phiền. Anh không thích em làm đẹp à?"
Ông Lê không muốn câu chuyện đi đến chỗ căng thẳng. Ông pha trò:
" Mấy cái của giả đó gây trở ngại lắm. Hôn một cái cũng ngại, bóp một cái cũng sợ."
Bà Lê bật cười nguýt chồng:
" Có hôn cũng nên nhè nhẹ thôi."
Ông Lê quay sang nhìn vợ cười lớn:
" Nhè nhẹ thì không đã."
*
Tuy ông Lê lẩn tránh nhiều lần, nhưng bà Lê không chịu bỏ qua, cứ gặp dịp thì năn nỉ ỉ ôi, có khi còn làm mặt giận, không nhìn mặt, không nói chuyện với chồng cả tuần lễ, riết rồi ông Lê đành phải nhượng bộ. Hôm đầu tiên bà Lê đi cắt mắt về, ông Lê tránh không nhìn mặt vợ. Còn bà Lê thì cũng ngượng, không muốn trưng bày cặp mắt sưng húp, băng bó lung tung ra với mọi người nên ít đi ra khỏi nhà; mà ở nhà bà cũng chỉ rút trong phòng ngủ.
Một tuần lễ sau mắt bà Lê không phải băng bó nữa nhưng vẫn còn sưng. Cứ mỗi lần ông Lê nhìn vào mắt vợ Ông lại thấy anh ách trong lòng; có lúc ông thầm mong sao cho nó... lỀ đi một mắt cho bỏ cái tật. Nhưng rồi mấy tháng sau thì đôi mắt bà Lê lành hẳn. Một hôm ông đi làm về, bà Lê kỀo ông vào phòng ngủ, ghì ông xuống hôn một phát thật kêu rồi thỏ thẻ:
" Anh thấy mắt em có đẹp không?"
Ông Lê nhìn thẳng vào mắt vợ, đây là lần đầu tiên kể từ khi bà Lê đi cắt mắt về ông mới quan sát bà kỹ càng như vậy. Cặp mắt một mí lúc trước bây giờ đã trở thành hai mí. Hai mí mắt hằn lên lồ lộ, rõ ràng mà ông thấy có một vẻ gì chương chướng giả tạo. Ông nói xuôi:
" Cũng được!"
" Xì, ai cũng khen, chỉ có anh là "cũng được".
" Ai khen?"
" Mấy bà bạn em chứ ai."
Ông Lê cười:
" Mấy bà thì phải khen nhau chứ, không khen rồi mấy ông bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ thất nghiệp hết ráo sao?"
Bà Lê lườm chồng:
" Anh chỉ được có vậy." Rồi bà kéo ông ngồi xuống giường, nói nhỏ:
" Anh này... "
" Hả?"
" Hồi sáng em đi tái khám, bác sĩ nói mắt em trông đẹp rồi, nhưng nếu... "
Ông Lê giật thót người. Ông rủa thầm: Mấy tên bác sĩ chết dịch lại bày vẽ gì nữa đây. Ông im lặng chờ đợi. Bà Lê liếc chồng dò phản ứng. Bà vòng tay ôm lấy lưng ông vuốt nhè nhẹ."
Một lát bà tiếp:
" Bác sĩ nói cái mũi em hơi gãy... "
Ông Lê cắt ngang, giọng cáu kỉnh:
" Rồi bây giờ cắt quách đi thế vào cái mũi cao su phải không?"
Bà Lê thấy chồng giận cũng hơi ớn. Bà ngồi im. Ông Lê đứng dậy cởi chiếc áo mắc lên giá, mặt ông hầm hầm. Ông kỀo hộc tủ lấy mớ khăn, áo quần lót rồi đi thẳng vào phòng tắm. Ông vặn nước xối ào ào lên người như để xua đi hết những cơn bực bội trong lòng.
Một lát ông trở ra. Bà Lê vẫn còn ngồi bên mép giường, một tay kéo kéo, bức bức mấy sợi chỉ lòi ra nơi góc tấm drap. Mắt bà đỏ hoe, ươn ướt như sắp khóc. Ông Lê dịu giọng:
" Anh đã nói với em nhiều lần rồi, trời cho bao nhiêu xài bấy nhiêu; cứ bày đặt sửa tới sửa lui, vừa nguy hiểm vừa tốn tiền. Vợ chồng mình bây giờ đã lớn tuổi, con cái lùm đùm rồi, làm đêp để làm cái gì? Vả lại, cái đẹp đâu phải ở mặt mũi bên ngoài; cái đẹp bên trong mới quý. Ông bà mình đã chẳng nói tốt gỗ hơn tốt nước sơn đó sao? Mà anh có bao giờ chê em xấu chỗ này chỗ nọ đâu."
Bà Lê hứ một tiếng, đáp bằng giọng bất mãn:
" Anh không chê nhưng ra đường thấy ai đẹp anh cũng ngó. Mấy ông bao giờ cũng chỉ nói tướng. Hứ, tốt gỗ hơn tốt nước sơn mà hễ thấy nước sơn lang láng một chút là mắt mũi híp lại... "
Bị bà Lê lôi cái tội liếc ngang liếc dọc của mình ra làm chứng, ông Lê thấy hơi nhột. Ông quanh co bào chữa:
" Đàn ông đi ra đường thấy đàn bà đỒp nhìn một chút cũng là chuyện bình thường, giống như người ta nhìn cái hoa đẹp, ngắm con bướm đẹp vậy thôi. Có ai ra đường thấy đàn bà đẹp rồi về nhà bỏ vợ đâu?"
" Hừ, ai biết được; nhưng anh nhận rằng ai thấy cái đẹp cũng thích chứ gì? Vậy mặt mũi mình có khuyết điểm, nếu có thể sửa lại chút ít cho dễ coi thì cũng tốt, có sao đâu?"
" Không sao hết. Nhưng không ai có thể làm ông... tạo hóa con. Anh thấy cái bà Huyền bà Sắc gì bạn em đó, nghe người ta nói có duyên má lúm đồng tiền, cũng vác mặt ra cho mấy ông bác sĩ khoét lỗ hai bên má, trông tục không chịu được."
" Sao mà tục?"
" Má lúm đồng tiền là chỉ khi nào người ta cười kìa. Vậy mới có duyên, mới làm cái cười thêm quyến rủ. Còn không cười thì thôi, mặt mày vẫn láng lẩy, lành lặn. Đó là cái duyên trời chọ Còn có bà vô duyên lại muốn làm duyên, nhờ bác sĩ khoét lỗ hai bên má, lúc nào cũng chình ình ra đó trông thật chẳng giống ai."
Bà Lê ngẫm nghĩ thấy chồng nói cũng có lý. Nhưng bà vẫn ấm ức:
" Em có nói muốn làm má lúm đồng tiền đâu. Em chỉ muốn sửa cái mũi."
" Thì hôm nay cái mũi dọc dừa, mai cái miệng trái tim, mốt cái cằm chẻ, rồi cái vú vung, cái lưng ong; chỉ thiếu cặp giò là không sao kéo cho dài ra được thôi... "
Nghe giọng mĩa mai của chồng, bà Lê bực mình đứng dậy, vùng vằng bỏ đi ra khỏi phòng.
Tuy vậy bà Lê vẫn không chịu thuạ Bà áp dụng lối đánh... tiêu hao; nay một chút, mai một chút, ông Lê có sức voi cũng không chịu nổi. Vả lại, ông đã thua bà keo đầu, cho bà đi cắt mắt, giờ ông chẳng có cách gì cấm bà sửa mũi. Thế là một ngày bà Lê vác về nhà cái mũi dọc dừa... thẳng băng. Hễ mặt mũi bà Lê biến đổi đi một chút thì trương mục tiết kiệm của ông Lê mòn đi một ít. Cứ đà này, ngày nào bà Lê "chỉnh trang" xong cái "dung nhan người thiếu phụ" của bà thì bao nhiêu tiền dành dụm được trong băng rũ nhau chui vào túi mấy ông bà tạo hóa... con hết ráo. Ông Lê càng nghĩ càng bực. Ông càng bực hơn khi thấy đám bạn bà Lê gặp bà đâu là khen rối rít. Mà ông Lê thì có thấy mắt mũi bà Lê đẹp quái gì đâu. Cái mũi bà Lê mọc lên ngang phỂ trên khuôn mặt cứ y như giữa sa mạc hoang vu, mênh mông đột nhiên mọc lên ngọn núi lù lù, cao chót vót.
Khổ hơn nữa, từ ngày bà Lê sửa mũi xong, mỗi lần ông Lê gần bà thì bà né đi; không né được thì bà Lê nhắc:
" Anh khéo khéo, coi chừng đụng cái mũi em."
Nghe xong câu đó ông Lê không còn hứng thú gì mà âu yếm bà nữa. Tình cảm vợ chồng tuy không mất hẳn đi nhưng không còn nồng nàn như xưa. Ông Lê thì bực bà chỉ lo o bế cái mắt cái mũi, không quan tâm gì đến chuyện khác; còn bà Lê thì bực ông không có óc thẩm mỹ. Người ta sửa sang là để cho đẹp; mà cái đẹp là để nhìn ngắm, thưởng thức chứ đâu phải để rờ mó, đụng chạm làm móp méo, xô lệch đi.
Cuộc sống của ông bà kéo dài trong tình trạng lằng nhằng như vậy. Rồi một hôm bà Lê tự ý đi bơm ngực, không nói trước với ông Lê lời nào.
Ông Lê cay đắng lắm nhưng đành vuốt bụng thở dài chứ chẳng biết làm sao. Chỉ có điều số tiền dành dụm bấy lâu nay đã hết sạch. Ông Lê tự an ủi: "Thôi, hết tiền thì hết sửa"
Nhưng bây giờ bà Lê không cần sửa nữa. Trên thân thể bà cái gì có thể "chỉnh trang" được thì bà đã làm rồi. Bây giờ thì bà bận đi. Bà phải đi đây đi đó, tiếp xúc gặp gỡ người này người khác để người ta nhìn ngắm, thưởng thức cái đẹp của bà chứ. Không lẽ bỏ tiền ra cắt sửa lung tung rồi chỉ ru rú trong nhà nấu cơm, rửa chén thì phí của quá. Cho nên bà Lê đi hoài. Hội hè, đình đám nào bà cũng tham gia; tiệc tùng, cưới hỏi, sinh nhật nào bà cũng dự. Bà đâm ra ngoan đạo, chùa chiềng, nhà thờ bà đi đều đều. Bà còn phải đi shopping nữa, để mua sắm quần áo, son phấn. Cái áo không làm nên nhà tu nhưng nhất định sẽ làm bà thêm rực rỡ. Mà càng đi bà càng học hỏi thêm nhiều điều mới lạ. Cổ nhân đã chẳng nói đi một ngày đàng, học một sàng khôn đó sao, huống chi bà đi hết tháng này qua tháng nọ. Cho nên, hồi trước ông Lê đi làm về đã có cơm nước sẳn sàng, còn bây giờ thì bếp núc vắng tanh, lạnh ngắt. Mấy hôm đầu ông đi mua hamburger về ăn, nhưng ăn mãi cũng ớn, ông đành phải xoay ra tự nấu nướng lấy; mà từ nhỏ tới giờ ông có biết nấu nướng gì đâu nên những món ông làm ra, đám con ông đều lắc đầu không chịu ăn.
Một hôm ông bảo vợ:
" Em có đi đâu thì tới giờ cũng phải về nấu nướng cho tụi nhỏ ăn chứ."
Bà Lê trả lời:
" Tụi nó lớn hết rồi, muốn ăn thì nấu lấy mà ăn, không ai rảnh mà hầu hạ mãi."
Ông Lê bực mình lớn tiếng:
" Cả tôi bây giờ cũng tự nấu lấy mà ăn phải không?"
Bà Lê cũng lớn tiếng đáp trả:
" Chớ sao. Ở đây chớ không phải ở Việt nam mà giữ cái thói chồng chúa vợ tôi."
Ông Lê giận run người; ông xông đến định tát cho bà một tát nhưng gượng lại kịp. Bà Lê khinh khỉnh nhìn ông rồi bỏ vào phòng ngủ đóng sầm cánh cửa lại. Ông Lê đứng lạc lỏng một mình trong phòng khách nghe tiếng cánh cửa đập vào khung gỗ đánh rầm mà tưởng như ai đang tát vào mặt mình. Ông giận lắm nhưng không biết làm gì hơn là mở TV ngồi xem.
Đêm đó ông Lê mang mềm gối ra salon ngủ. Cả đêm ông thao thức, trằn trọc. Ông hối hận đã để cho bà đi sửa sang làm đẹp rồi bây giờ cái đỒp lại quay sang hành hạ, làm khó dễ ông. Ông thở dài tự an ủi: Kiếp sau không nên dại như vậy nữa.
Hết