Như Nước Trong Nguồn
Ngô Du Trung
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
(ca dao)
Trời âm u nhưng không mưa. Mây lác đác. Gió đùa với nước làm sóng nhấp nhộ Chị Tư và cô con gái mười tuổi ngồi co ro ở một góc tàu. Con tàu trôi bềnh bồng trên biển, hướng mũi về Phi luật tân. Chị Tư hỏi con gái:
- Con đói chưa?
- Thưa mẹ chưa.
Chị Tư lại hỏi:
- Con có sợ không?
Cô bé ngập ngừng:
- Da... không. Nhưng biển rộng quá làm con ngợp. Lần đầu tiên con đi biển.
- Mẹ cũng lần đầu tiên đi biển, nhưng mẹ không sợ; mẹ sẽ đưa con sang các nước tự do để con được ăn học đàng hoàng. Con thích không?
Cô bé nhìn mẹ, giọng lo ngại:
- Qua các nước khác có phải đi lượm lon, nhặt bao ni lông, có phải đi làm nghĩa vụ trồng cây nhớ bác không mẹ?
Chị Tư cười, vỗ nhẹ vào đầu con gái:
- Không đâu con. Nước người ta giàu ăn không hết, đi nhặt bao ni lông làm gì?
- Sao mẹ biết?
- Mẹ đọc sách, báo và nghe người ta kể lại. Con đừng lo, bên đó không có bác Hồ nên con khỏi phải trồng cây nhớ bác.
Cô bé cười tươi:
- Vậy thì thích quá. Con ghét đi nghĩa vụ trồng cây nhớ bác; không có thì giờ để học mà cây trồng vài tuần là chết queo.
Chị Tư trấn an con:
- Qua bên đó con không phải trồng cây, chỉ cần cố gắng học cho giỏi là được. Con nhớ lời ba dặn không?
Cô bé gật đầu:
- Nhớ chứ, mẹ. Ba bảo con rán học giỏi; nhưng ở trường có học hành gì đâu.
Chị Tư vuốt tóc con:
- Vì vậy mẹ mới đưa con vượt biển.
Cô bé ngồi im không hỏi nữa. Chị Tư cũng im lặng ngó ra biển. Mặt biển mênh mông, chao sóng, chạy mút đến chân trời. Và ở cuối chân trời đó là mảnh đất quê hương thân yêu, nhưng nhiều tang tóc, khốn khổ chị vừa bỏ lại. Nơi đó có cha mẹ, anh em, họ hàng, bạn bè chị đang sống lê la, vất vưởng như những oan hồn. Chị nhớ đến ngôi mộ của chồng vùi nông bên suối cạnh một trại cải tạo ở miền Trung heo hút. Lời nhắn nhủ của chồng lại vang lên trong đầu: Em rán lo cho con, cho tương lai của con, đừng lo cho anh, đời anh kể như bỏ đi rồi. Tương lai của con chúng ta mới quan trọng; đừng để lớn lên nó oán hận anh. Chị hiểu ý chồng nhưng lúc đó chị không đành lòng bỏ chồng trong tù ôm con vượt biển một mình. Chị nấn ná chờ, hy vọng một ngày nào đó chồng chị sẽ được thả ra. Nhưng rồi chồng chị vĩnh viễn chẳng bao giờ được thả. Lần cuối cùng ra thăm, người ta dắt chị đến một ngôi mộ chôn cất sơ sài bên bờ suối. Người ta bảo chồng chị bị bệnh chết. Chị đau đớn lịm người. Hôm đó, ngồi bên mộ chồng, chị đã hứa với người đã khuất rằng chị sẽ lo cho con đến nơi đến chốn, sẽ dạy dỗ nó nên người, sẽ tạo cho nó một tương lai rực rỡ và nhất là sẽ chẳng bao giờ để nó oán hận cha mẹ. Chị rời trại tù trở về nhà và chuẩn bị đưa con vượt biển. Chị cố gắng làm lụng, dành dụm, bán hết những tư trang kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng, gom góp lại được bốn cây vàng, vừa đủ để mua một chỗ ngồi cho hai mẹ con trên chuyến tầu vượt biển này. Thực ra lúc đầu chị có hơi ngại. Bây giờ là cuối đông, biển còn động. Vả lại chị cũng muốn ăn một cái Tết cuối cùng ở quê nhà trước khi từ biệt quê hương vì không biết đến bao giờ chị mới có dịp trở lại. Nhưng người chủ tầu cương quyết ra đi. Ông cho rằng đây là thời gian thuận tiện nhất vì công an lơ là việc kiểm soát, canh gác. Chị đành chấp nhận. Chờ nữa thì biết đến bao giờ? Cũng may mọi chuyện êm xuôi. Chị đang ở trên tàu, lênh đênh trên biển khơi. Chị không biết rồi sẽ trôi dạt tới đâu. Nhưng tới đâu chẳng được, tới đâu thì chắc cũng khá hơn cái quê hương khốn khổ chị mới vừa rời bỏ. Chỉ có một điều làm chị bức rức không yên là chưa kịp bốc mộ chồng về chôn ở một nơi cho tử tế. Chị thẫn thờ ngước mặt nhìn lên trời cao, rồi khép mắt lại, hai tay chấp trước ngực, và với một tấm lòng thành khẩn, chị lâm râm cầu nguyện cho mọi người trên tàu đến được bờ bến tự do an toàn, vô sự.
Lúc mở mắt ra, chị bắt gặp cô con gái đang chăm chú nhìn mình. Hình như cô bé định hỏi chị điều gì đó, nhưng rồi không biết sao cô bé lại quay sang nhìn đám người vượt biển nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu. Mặt mũi ai trông cũng mệt mỏi bơ phờ. Cạnh chỗ cô bé có người đàn bà trẻ đang ôm một bé trai chừng bốn, năm tuổi. Cậu bé có đôi mắt tròn, đen láy, cứ ngó cô bé chăm chú, rồi cậu nhoẻn miệng cười. Đàng mũi tàu, một đám đàn ông đang ngồi quây quần vừa hút thuốc vừa nói chuyện. Không biết họ bàn tán gì, thỉnh thoảng vài người đưa tay chỉ về phía trước. Cô bé tò mò nhìn theo. Cô chẳng thấy gì ngoài trời nước mênh mông. Chẳng một cánh chim. Chẳng một bóng tàu. Bầu trời xám. Mây bay lãng đãng. Cô bé bỗng lo sợ vu vợ Cô quay sang chị Tư:
- Mẹ, mình sẽ đi đâu?
- Chúng ta sẽ tới Phị Nhưng đó chỉ là nơi tạm trú; còn sau đó đi đâu thì mẹ chưa biết được.
Cô bé lại hỏi:
- Nơi mình đến có người Việt nam không mẹ?
Chị Tư im lặng một lúc rồi cầm tay con đáp dịu dàng:
- Thực ra mẹ cũng không biết; nhưng mẹ đoán là có.
Cô bé nhìn mẹ giọng lo âu:
- Không có người Việt nam rồi con biết chơi với ai, đi học với ai?
- Con đừng lọ Rồi con sẽ quen, sẽ có trường mới, bạn mới.
Cô bé phụng phịu:
- Con nhớ ông bà ngoại, nhớ con Thủy. Hôm đi con không biết nên không từ giã bạn con được.
Chị Tư ôm cô bé vào lòng an ủi:
- Mẹ xin lỗi. Mẹ không thể cho con biết trước, lỡ con để lộ ra công an biết được sẽ bắt hai mẹ con mình nhốt vào tù mhư họ nhốt ba con đó.
Cô bé ngồi im, vẻ bức rức; một lát lại hỏi:
- Sao công an thích bắt người ta nhốt vậy mẹ? Tại sao họ nhốt ba con?
- Chuyện này rất dài mà con còn nhỏ không thể hiểu được. Khi nào con lớn mẹ sẽ giảng cho.
Cô bé hơi bất mãn:
- Chắc mẹ giấu con. Ở trường người ta bảo ba con là ngụy quân, ba có tội với Tổ quốc; người ta nói ba làm tay sai cho Mỹ giết hại đồng bào.
Chị Tư cảm thấy tức nơi ngực. Chị xoay cô bé lại, nhìn thẳng vào mắt con, nói chậm rãi:
- Người ta nói bậy đó. Con nghe mẹ này. Mẹ chưa bao giờ nói dối con điều gì, con phải tin mẹ. Ba con không có tội. Ba con không giết hại đồng bào. Con phải nhớ như vậy.
Cô bé định cãi lại nhưng thấy mặt chị Tư nghiêm trang và buồn bã quá, nên thôi. Cô ngó về mũi tàu. Hình ảnh ba cô hiện ra trong đầu. Người đàn ông cao cao, mặc đồ lính, mỗi lần về phép thường bồng cô lên xoay một vòng rồi hôn lên tóc cô, rồi dắt hai mẹ con cô đi ăn kem, đi xem chiếu bóng. Hồi đó cô còn nhỏ, bốn năm tuổi gì đó nên chẳng nhớ được nhiều. Chỉ nhớ mỗi lần ba về thì nhà vui lắm, nhất là mẹ, mẹ rất vui, rất ít la rầy cô bé. Sau đó ba đi biệt tăm, bốn năm năm chẳng trở về nhà lần nào. Mẹ nói ba đi tù. Cô bé theo mẹ ra thăm ba một lần. Ba cô ốm nhom, đen thui và già nữa; cô bé gần như chẳng nhận ra được. Lần đó ba cô chẳng nói gì nhiều với cô, chỉ xoa đầu cô rồi nói một câu: "Con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ và rán học giỏi". Rồi ba cô nói chuyện với mẹ; nhiều điều cô bé không hiểu. Cô chẳng hiểu gì cả. Khi ra về ba cô ôm cô vào lòng, hôn lên trán cộ Cô nhớ có thấy nước mắt chảy dài trên mặt bạ Rồi sau đó, một lần mẹ ra thăm ba về cứ khóc suốt ngày. Mẹ Ôm cô, nói: "Ba con chết rồi" và khóc. Cô chẳng biết gì cũng khóc theo. Mấy hôm trước, nửa đêm cô bị mẹ đánh thức, mặc cho quần áo rồi dắt đi. Đêm tối thui, lạnh run, cô chẳng hiểu gì. Và bây giờ cô ngồi trên chiếc tàu đầy nhóc người này, không biết sẽ đi đâu, về đâu, sẽ gặp ai, ở với ai. Cô bé càng nghĩ càng không hiểu. Cô không hiểu tại sao nhưng cô thấy nhớ ngôi nhà, nhớ ông bà ngoại, nhớ bàn tay nhăn nheo của bà ngoại thường hay vuốt tóc cô, nhớ con Thủy bạn học. Không biết bây giờ nó đang làm gì? Chắc nó giận mình lắm; nó giận mình đi mà không cho nó biết. Thật tình mình có biết gì đâu, cô tự bảo mình thế. Cô thấy buồn buồn trong lòng. Hai ngày rồi chỉ ngồi cu rú trên tàu...
Cô quay sang gọi mẹ. Chị Tư đang suy nghĩ gì đó không nghe tiếng kêu của cộ Cô lập lại, giọng hơi lớn:
- Mẹ.
Chị Tư giật mình:
- Hả?
- Qua bên đó con viết thư về cho con Thủy được không mẹ?
Chị Tư cười dịu dàng:
- Được chứ. Con viết thư về cho ông bà ngoại nữa; ông bà ngoại chắc nhớ con lắm.
Nói xong chị kéo cô nằm xuống, ôm lấy cộ Hơi người chị tỏa ra ấm áp làm cô bé cảm thấy yên lòng. Một lát cô bé ngủ thiếp đi. Còn lại một mình, chị Tư nằm nhìn lơ đãng lên bầu trời xám, đầu óc suy nghĩ lung tung.
Con tàu vẫn chậm chạp bơi đi; tiếng máy nổ nghe bục bục, đều đều buồn bã. Thỉnh thoảng một con sóng lớn đập vào mạn tàu làm nước văng tung tóe. Chị lấy cái áo che cho con và nhìn cô con gái ngủ bình thản trong vòng tay của mình bất chợt chị thấy lòng xao xuyến, lo lắng. Tương lai rồi sẽ ra sao? Một mẹ một con giữa một đất nước xa lạ nào đó chị sẽ làm gì để sống? Liệu chị có giữ được lời hứa với chồng không? Chị thẩn thờ hướng mắt về khoảng không bao la trước mặt. Biển mênh mông và đầy trắc trở như tương lai mịt mù của hai mẹ con chị. Trong nỗi hoang mang trước một tương lai bất định và trước cảnh trời nước mênh mông đầy dọa nạt, tâm trí chị có lúc chợt dừng lại nơi mấy đám mây đen không biết xuất hiện từ lúc nào ở chân trời; nhưng chỉ thoáng qua rồi hình ảnh những đám mây ấy biến mất, lẫn lộn vào với vô số những hình ảnh khác đang làm chị ưu tư, lo lắng.
Không biết bao lâu sau đó, một lúc chị giật mình nhận ra bầu trời đã đầy mây; những đám mây màu đen trông nặng nề u ám như càng lúc càng kéo bầu trời thấp dần xuống làm chị cảm thấy sợ hải. Chị vội vàng lục trong xách tay mang theo lôi ra tấm ni lông dùng để che mưa. Tiếng tấm vải nhựa sột soạt làm cô bé thức giấc:
- Có gì thế mẹ?
Chị Tư trải rộng tấm ni lông, đáp lời con:
- Chắc trời sắp mưa.
Cô bé ngồi dậy phụ chị Tư xếp mấy cái xách tay vào giữa hai mẹ con. Gió bắt đầu thổi mạnh. Mây xuống thấp, bay là đà. Chị Tư nhìn thấy rõ từng sợi mây tơi ra như một đám bông gòn màu đen bị ai đập cho bay tán loạn. Mây xuống thấp tưởng như có thể với tay nắm lấy được. Gió càng lúc càng mạnh hơn. Mọi người trên tàu cũng đang loay hoay chuẩn bị che mưa. Tiếng người ồn ào lẫn vào tiếng gió và tiếng sóng đang bắt đầu dâng cao. Chị Tư ngước mắt nhìn lên, không gian thu hẹp lại, không còn thấy chân trời, mặt biển ở xa khuất vào mây. Bầu trời như cái vung khổng lồ chụp úp lên đầu mọi người và càng lúc càng ép dần xuống. Chị Tư tái mặt nghĩ đến một điều: bão. Chị đảo mắt ngó quanh trên tàu tìm kiếm. Chị thấy cái thùng nhựa đựng nước uống đã cạn nằm lăn lóc ở một góc tàu. Chị nhoài người đến kéo cái thùng đưa cho con gái, nói nhỏ:
- Con giữ cái này cho chặt.
Cô bé ngạc nhiên:
- Chi vậy mẹ?
- Đừng hỏi. Nhớ giữ cho chặt.
Mưa bắt đầu rơi. Chị Tư phủ tấm ni lông trùm lấy hai mẹ con.
Tấm ni lông bị gió thổi phần phật, như chỉ muốn cuốn bay đi. Hai mẹ con phải vất vả, khó khăn lắm mới giữ lại được. Chừng mười phút sau thì mưa trút xuống ào ào. Mưa như trời muốn mưa một lần cho hết không còn một giọt nước nào trên cao đó. Những giọt mưa lớn và nặng đập rào rào lên tàu, lên thân thể mọi người. Hai mẹ con ướt loi ngoi vì gió làm tấm ni lông bay ngã nghiêng đủ phía. Con tàu chuyển mình run rẩy trong cơn cuồng nộ của biển, kêu lên răn rắt, chao qua chao lại, trồi lên cao rồi lại bị đẩy chúi đầu xuống theo từng con sóng. Cứ mỗi lần con tàu nghiêng sang một bên thì nước biển tràn vào. Đàn ông hô nhau tát nước. Đàn bà, con nít sợ hãi, la hét, kêu khóc ầm ỉ. Lẫn trong tiếng ồn ào có tiếng mấy cụ già lâm râm cầu nguyện.
Suốt mấy tiếng đồng hồ sau đó gió và sóng biển thay nhau vùi dập con tàu. Chiếc tàu, như một con thú bị vây đánh tứ phía, thở hổn hển, cố trườn đi, hết bị đẩy sang bên này thì bị xô dạt về bên khác. Người tài công đu mình trên cần lái rán điều khiển con tàu. Ông ta vừa ghì tay lái vừa la hét, kêu nói gì đó; tiếng la của ông chìm vào tiếng sóng, tiếng gió ầm ầm.
Như bực mình vì con tàu vẫn ngoan cố không chịu chìm, gió lại chồm đến, lần này hung hãn, cuồng loạn, giật lấy tấm ni lông trên tay hai mẹ con ném tung lên trời, xé toạc mấy tấm ván nơi phòng lái, thổi tung những bao bị, ly chén, mũ nón bay tung tóe; sóng vào hùa với gió đập từng cuộn nước khổng lồ phủ chụp lấy con tàu mỏng manh. Chiếc tàu rung lên dữ dội, chòng chành rồi nghiêng hẳn về một bên. Nước biển tràn vào cuốn lấy mọi người. Tiếng kêu cứu, la hét hỗn loạn. Cô bé tái xanh mặt mày ôm ghì cái thùng nhựa. Chị Tư lẩy bẩy giữ chặt cô con gái, hét:
- Giữ chặt cái thùng.
Bây giờ thì nước đã đầy tàu và con tàu đang chìm dần, chìm dần. Đám người vượt biển bị sóng xô đẩy, nhồi dập đang cố ngoi lên, tay chân vẫy đập loạn xạ trong nước. Một con sóng ập đến cuốn mẹ con chị Tư ra xạ Hai mẹ con ôm cái thùng nhựa trồi hụp trên mặt biển. Chị Tư bám vào chiếc phao nhựa rán đẩy con lên mặt nước, nhưng chiếc phao không chịu nổi sức nặng của cả hai người. Cứ mỗi lần chị Tư cố ngoi lên thì cái thùng lại bị nhận chìm xuống kéo theo cô bé. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Không thể chết chùm được. Chị Tư ấn cái thùng sát vào người con, hét lớn:
- Giữ... chặt... nhớ.
Chị gắng mở to hai mắt thu lấy hình ảnh con nhập nhòe qua làn nước biển lần cuối cùng rồi buông tay, chìm vào mặt nước. Nhờ giảm sức nặng, cái thùng lại đẩy cô bé trồi lên. Cô bé hoảng hốt nhướng mắt nhìn quanh. Cô chẳng thấy gì. Cô vừa khóc vừa gào thảm thiết: Me... Ơi... Tiếng kêu của cô bé lẫn vào tiếng sóng, tan loãng trên mặt biển mênh mông cuồng nô...
Hết