Mấy ngày nay sáng nào cha tôi cũng mang trâu ra bãi kéo cát đắp bờ độn xe nước. Từ sáng sớm cha tôi đã thức dậy đem trâu đi rồi, phải đi sớm để trâu nó không mệt. Thứ trâu là vậy đó, làm việc như trâu, khoẻ lắm, nhưng nắng nóng lên là nó mệt, nó thở xùi bọt mép luôn. Anh tôi -Hữu- phải theo cha ra bãi kéo cát. Chỉ có nửa tên xe mà sao kéo hoài không xong, làm như cát kéo lên nó lại chùi xuống không bằng! Nhưng làm trương cử, đi kéo cát không mệt lắm đâu. Hai con trâu mang cái trang kéo cát dưới sông lên đổ thành một cái bờ, rồi lại đi xuống kéo trang cát khác. Cứ thế làm suốt buổi, nhưng được cái là hụp lên hụp xuống nước suốt ngày nên cũng mát. Ðã không mệt mà còn có ăn nữa, vì mỗi lần cát trút lên bờ là những con lịch (giống như con cá chạch nhưng nhỏ và dài hơn) trong cát lọt ra, anh tôi chụp xỏ xâu mệt nghĩ. Mà vui hơn nữa là vào những ngày mùa, trương cử ngồi nhà thu lúa đầy vựa. Từ tờ mờ sáng hai cha con mang trâu ra sông Vệ hùi hụi kéo cát mãi đến trưa mới về ăn ba hột cơm. Trời đứng bóng rồi, cha tôi mở trâu ra cho về nhà nghĩ.
Trâu vừa về đến nhà:
- Hữu, nhốt mấy con trâu vô chuồng xong rút rơm cho nó ăn nghe hông. Cha tôi bảo thế.
Me tôi sáng thức dậy, thổi vài ba hột cơm xong, bày lên bàn cho hai anh em tôi. Me tôi lên nhà trên lo ba chuyện lặt vặt trong nhà. Thấy im re, me tôi xách thúng lòn ra vườn sau để đi ra bãi hái ít đậu xanh và coi đám đậu phụng, chiều về lo cơm nước cho cả nhà.
Năm đó tôi lên bốn, anh Chín tôi lớn hơn tôi một tuổi. Tôi có một cái tật mà đôi khi làm cho me tôi bực mình lắm, là đi theo me như cái đuôi. Ban tối cũng theo, ban ngày cũng theo, trời mưa, trời nắng chang chang cũng theo. Me tôi đi dâu là tôi theo bám sát …. Thường thường tôi lắng nghe và biết me tôi hôm nay sẽ đi đâu. Vậy là trước khi me tôi ra khỏi nhà, tôi đã ra đứng chận đường một khúc cách nhà thật xa, khi me tôi đi qua, tôi ra đi tò tò phía sau. Khi me tôi nhìn thấy tôi, thì đã quá xa nhà rồi! và tôi được đi theo me.
Ðặt cái trang kéo cát xuống bờ hè, cha tôi đi thẳng vào nhà bếp:
“Bếp núc gì đâu mà lạnh tanh vầy nề, thôi để tao thổi vài hột cơm ăn. Hữu, ra sau hè ôm vô đây vài cây củi.”
Hai cha con đang thổi bếp nấu ăn.
“Hu, hu,…mở cửa, mở cửa.”
“Ðứa nào khóc trển đó.” Cha tôi nói không không qua gió.
“Hu, hu,…mở cửa, mở cửa.”
“Cha tụi bây, ăn rồi nhảy rông suốt ngày, giờ còn ngồi trển khóc la nữa”, cha tôi bực mình la mấy câu. Rồi ổng chổng mông lo thổi lửa nấu ăn.
“Có con gái, lớn lên nó đi lấy chồng coi nư huề tiền, được nhờ vả gì đâu. Mà nhà chồng nó phải xa lắc xa lơ gì, vậy mà không thấy tăm thấy dạng đâu hết. Lần sau tao đẻ toàn con trai không cho biết.” Chắc lửa đang đốt râu ổng, ổng quạo lên, ổng nói cho đã miệng vậy mà, chứ coi đó, ông Chi chồng chị Sáu tôi, có khác gì đâu, cũng biền biệt mút mùa Lệ Thuỷ luôn, đâu có về giúp gì ông già đâu!
“Hu, hu,… mở cửa.”
“Mở cái thằng cha mầy, nhà trên nhà dưới thuồng luồng một lèo mà đòi mở cái gì. Bộ tụi bây tưởng ông già nầy làm nghề giữ con nít cho tụi bây hả? ông còn phải đi cày nữa chứ.” Lửa mới vừa nhen nhói lên, cha tôi vo vài hột gạo bắt giao cho ông táo. Nhìn lại thấy cái lu nước cạn queo như ruộng nẽ tháng ba không bằng.
“Hữu, ra giếng lôi vô đây mấy gàu nước coi.”
Gần nữa tiếng đồng hồ trôi qua, vậy mà ông táo mới đỏ lửa thôi, còn cơm canh cũng chưa thấy đâu hết.
Ðàn ông như cha tôi coi vậy mà làm cơm cũng hay, ổng vo gạo, đổ nước vào xoong, lấy ngón tay thọt vào cái nồi, đo đúng một lóng ngón tay là ổng bắt lên lò. Mà bửa ăn không có rau sống, không có canh là ổng ngồi ổng gõ đôi đủa, hử một cái là thấy mệt.
“Hu, hu,…mở cửa.”
“Ừa, mở, để đó rồi tao mở cho, bây giờ tao phải đi ra vườn hái ít rau làm nồi canh đã.”
Ở nhà quê sướng thiệt, cái gì cũng có, mà có ngay trong vườn luôn, nào là dưa leo, khổ qua, rau muống, hành, hẹ, ôi thôi cái gì ổng cũng trồng hết. Phải chi ở đây mà tôi trồng được như thế thì mấy cái siêu thị như Giant, Safeway chắc nó ngáp dài dài. Nghe tiếng hu hu hoài cha tôi thấy mệt rồi, nên hái xong ba cộng rau, cha tôi đi vòng ra đằng sau nhà, xuống bếp.
Không biết cha tôi có còn dưới bếp không hay là ổng đi đốt điếu thuốc rồi. Tôi biết có lần cha tôi đi cày, đương giữa buổi cày mà ổng nổi cơn ghiền lên là ổng để trâu đứng ở đám Bờ Khoa, ổng đi tuốt lên gò Ông Sơn để đốt điếu thuốc. Rồi ngồi trên đó tán hưu, tán vượn, nhiều khi trở về thì trời đứng bóng mất rồi, phải mở trâu ra cho nó nghĩ luôn.
“Hu, hu, …mở cửa.”
“Hữu, mầy lên coi thử đứa nào trển mà đòi mở cửa hoài vậy.” Cha tôi bảo thế. Anh tôi nghe vậy, ổng cũng lên coi thử.
Nhà tôi thì cửa liên giây liên vũng, kêu bằng cửa lá sách, cánh nầy nối liền cánh kia chạy một hàng ngay đơ. Anh Hữu lên thấy tôi ngồi úp ngực vào cửa, anh Chín tôi thì ngồi một đống bên cạnh. Ðứa nào cũng khô nước mắt rồi. Ổng liền xuống báo cáo:
“Dạ, thằng Chín và thằng Mười trên đó cha, mà con thấy mấy cánh cửa đã mỡ toan rồi mà.”
“Vậy sao nó khóc đòi mở cửa hoài?” Cha tôi hỏi thế.
Thế rồi cha tôi và anh tôi tiếp tục nấu ăn.
Cái nắng của buổi trưa càng lúc càng nóng, cha tôi lụi hụi thổi bửa cơm cho xong. Ðã gần một tiếng đồng hồ trôi qua từ lúc cha tôi trở về nhà.
“Hu, hu,…mở cửa.”
Lần nầy nghe tiếng khóc, cha tôi đang trong cơm mệt mỏi, ổng liền cầm cây roi lên nhà trên:
“Cửa nẽo đã mở tuốt như vầy rồi mà còn đòi mở cái gì nữa.” Ổng liền quất tôi một cây, xong bỏ xuống bếp.
Vậy mà tôi không la thét, không nói gì hết, nước mắt và hơi đâu nữa mà la thét! Tôi nghe tiếng lục đục, xoong nồi khua lẻng kẻng dưới bếp.
“Hu, hu, … mở cửa.”
“Hữu, lên đó coi thử hai đứa đó mắt chứng gì mà cứ khóc la hoài.”
Anh tôi lần nầy bước lên:
“Cửa đã mở rồi mà sao hai đứa khóc hoài vậy.”
Tôi không nói được lời nào, chỉ ngồi thút thít tỉ tê, anh Chín tôi cũng thế. Thấy vậy anh Hũu lôi tôi ra khỏi cánh cửa, tôi khóc ré lên một tiếng xong ngất xỉu luôn. Anh Hữu vừa nhìn cánh tay tôi, ảnh la lên:
Nghe tiếng la thất thanh của anh tôi, cha tôi bỏ hết cơm nước lật đật chạy lên. Ổng đẩy bật cánh cửa ra, cánh tay tôi buông xuống.
Lúc đó tôi có thể rời khỏi cánh cửa và đi chơi được rồi chứ, nhưng tôi còn đi đâu được nữa, tôi đã nằn gọn trong lòng của cha tôi, và ánh mắt sụt sùi không một giọt nước.
Như vậy là tôi đã chịu trận bên cánh cửa nầy từ tám giờ sáng đến một giờ trưa. Nhìn ngón tay út tôi nó dẹp lép không thua gì tàu lá, không còn màng đến cơm, nước gì nữa, cha tôi bồng tôi trên tay đi một mạch xuống bãi tìm me tôi.
Ðến nơi thấy me tôi đang hái mấy trái đậu xanh:
“Bà lên đây, lên đây.” Cha tôi đang tức giận lắm.
Me tôi không biết ất giáp gì hết, đang hái đậu, me tôi nói:
“Thì đũng đẳng tui về, ông làm gì mà dữ vậỵ.”
“Không đũng đẳng gì hết, bà lên ngay đây.”
Vậy là me tôi phải bỏ giữa chừng, ôm thúng đậu đi lên. Ðến nơi thấy cha tôi bồng tôi trên tay, me tôi thấy lạ vì ít khi nào thấy cha tôi bồng tôi như thế nầy. Me tôi chưa kịp hỏi gì thì cha tôi nói:
“Bà đền cho tôi đi, đó, ngón tay nó đó, bà đền cho tôi đi.”
Nói xong cha tôi đưa tôi qua cho me tôi.
“Ngón tay nó làm sao như thế nầy.” Me tôi hỏi.
“Còn làm sao nữa, làm sao bà phải biết chứ.”
“Thì ông nói đi, làm sao tui biết được. Trời ơi sao tay con tui như vầy!”
“Tui đi kéo cát về, đang nấu cơm, thì phát hiện nó bị kẹt tay trong cửa từ hồi nào mà nó ngồi đó nó khóc hết nước mắt rồi, bộ bà không biết sao, ngón tay nó bây giờ dẹp lép rồi đó, bà làm sao thì làm đi.”
“Thôi rồi, vậy là chết tui rồi, con ơi me đâu có biết. Ông ơi, lỗi của tui rồi.”
Thế rồi me tôi không thiết gì nữa, bà bồng tôi về nhà.
Tình thương cha mẹ dành cho con lúc nầy tôi mới thấy rõ. Những lúc tôi nghịch ngợm, phá phách, cha tôi thường la đánh tôi, và thông thường thì gương mặt cha tôi rất lạnh lùng trước mặt tôi. Nhưng bây giờ, tôi mới gảy một ngón tay mà hình như cha tôi như một con chim gảy cánh, chắc là đau lắm.
Ðến nhà cha tôi muốn biết sự thật về ngón tay của tôi.
“Sáng tôi đi kéo cát thì hai đứa nhỏ ở nhà với bà mà sao bây giờ ngón tay nó như thế nầy?”
“Thì sáng tui đem đồ ăn cho hai đứa, ăn xong tôi tưởng hai anh em nó ở nhà chơi nên tui mới ra bãi hái đậu, không ngờ tui mới ra đến đầu ngõ nhà ông Ngoại nó, thì tui thấy nó đã ở đó rồi, thấy trời nắng nóng quá sợ nó dăng nắng trúng bịnh nên tui mang nó về nhà nhốt nó lại, khi tui đóng cánh cửa lại, ai ngờ nó lấy tay đẩy ra, tui đâu có thấy, tui đóng cửa lại luôn.”
“Bộ bà không nghe nó khóc sao?”
“Thì nghe chứ, nhưng tui tưởng không cho nó đi theo nó khóc chứ ai mà biết chuyện như vầy. Thôi, ông cũng phải giúp tui làm sao chửa ngón tay nó đi.”
“Giúp, mà giúp cái gì đây, ngón tay nó bị cửa lá sách kẹp nát xương rồi, làm sao chửa được đây, tui không biết bà giỏi thì bà làm đi.”
Vậy là xong, người ta sinh ra có ngón tay tròn trịa nhưng bây giờ thì tôi sinh ra có ngón tay bị dẹp lép.
Lúc bấy giờ máu tìm cách chạy xuống nuôi dưởng phần bị hư nên nó nhứt nhối khỏi chê. Mấy ngày trời tôi bỏ ăn và chỉ nằm trong vòng tay của mẹ, me tôi hết đi lên lại đi xuống, nghe người nầy chỉ, người kia chỉ, hái đủ thứ lá dán trên ngón tay tôi, nhưng vẫn không thấy nó tròn lại.
Rồi một hôm me tôi bồng tôi xuống nhà Ngoại cho cậu tôi xem, xem xong không biết cậu tôi nghĩ gì ổng liền lấy … cái kéo … ổng xớt một cái! nửa ngón tay bay cái vèo xuống đất. Trời ơi, máu, máu nó phóng ra như một vòi nước.
Lại một lần nữa tôi ré lên và ngất xỉu.
Từ đó đến ba tháng sau, ngón tay tôi nó làm hung, nó sưng lên như trái cam, rồi nó thúi … giống như mùi… mùi chuột chết. Cha tôi không dám bắt đền me tôi nữa, vì sợ cánh tay tôi sẽ đi theo ông bà.
Rồi bao nhiêu rừng cha tôi cũng trèo lên hái lá, bao nhiêu tiệm thuốc bắc cha tôi cũng đến, nhưng nó vẫn sưng và vẫn … Lúc nầy thì chỉ có me tôi là người chiụ tôi nỗi thôi.
Một hôm đoàn quân về đóng ở làng dưới, nghe nói mấy anh lính đánh trận hay bị thương như tôi lắm, và cha tôi bồng tôi xuống gặp mấy anh lính. Thế rồi mấy anh lính lấy tay tôi ra mổ xẻ, bảo cha tôi mang về và hằng ngày xức cái thứ thuốc nầy, thuốc gì tôi không nhớ nữa, nhưng hay lắm, ngón tay tôi từ từ xệp xuống, mũ khô đi, và bắt đầu liền lại.
Bốn tháng sau, mỗi lần thấy me đi chợ, tôi ngồi trước thềm, đợi chờ. Đồng Sa Băng.