1/ Nuôi dưỡng và giáo dục con trẻLúa muốn tốt phải chăm vào giống mạ, tre muốn to lớn cần chú ý đến măng, muốn con trẻ trở thành người hữu dụng cho gia đình, xã hội tương lai, cha mẹ cần quan tâm từ lúc mới thụ thai. Cha mẹ ốm yếu bệnh tật ví như hạt giống lép khuyết, hạt giống đã không đầy đủ thì mầm chồi cây lá sẽ khó tốt tươi cho được. Thế nên, việc đầu tiên là cha mẹ phải giữ gìn sức khỏe cho tốt. Vì sức khỏe của cha mẹ rất cần thiết cho sự phát triêån cơ thể con cái sau này.
Về việc thai giáo, tư tưởng của cha mẹ – nhất là người mẹ – ảnh hưởng trực tiếp đến tính tình, trí tuệ, đức hạnh, có thể còn ảnh hưởng đến hình dáng, vẻ đẹp của con trẻ nữa. Chúng tôi có nghe thầy T.H. Giáo sư tại Phật học viện Thiện Hòa chùa Giác Ngộ giảng về Duy Thức có kể như sau. Tại một nước nọ có giống ngựa vằn rất quý. Nước khác vì muốn có loại ngựa này, nhưng không sao mua được. Họ mới nảy sinh ra ý nghĩ là cho hai con ngựa (không có vằn) giao hợp với nhau và treo một tấm vải thật lớn có vẽ những đường vằn giống như loại ngựa kia. Mục đích cho nó nhìn thấy những đường rằn ri trong khi giao hợp, để tác động vào tư tưởng nó những hình ảnh ấy. Kết quả, sau những lần như vậy, ngựa cái đã thụ thai và đẻ ra loài ngựa vằn không khác gì ngựa của nước kia. Qua thí nghiệm trên cho thấy: Ảnh hưởng về sức mạnh tư tưởng tác động rất lớn. Thế nên, muốn con của mình xinh đẹp, người mẹ trong lúc mang thai thường nên nghĩ nhớ tới hình ảnh Ðức Phật và chư vị Bồ Tát. Muốn con trẻ sau này khôn ngoan, hiền lành, đức hạnh... cha mẹ phải siêng đọc sách Thánh hiền, huân tập những tư tưởng tốt lành, ý nghĩ, lời nói và hành động phải chân thật. Nhất là phải tránh xa những ý nghĩ xấu, không nên buồn rầu sợ hãi, tham dâm, sân hận... vì những thứ này ảnh hưởng không tốt đến tính tình con trẻ tương lai.
Sinh con ra, cha mẹ là người trực tiếp gần gũi nhất và là bài học vỡ lòng cho con trẻ học tập. Vì đầu óc ngây thơ non nớt, tư tưởng trong sạch, tinh thần vô tư, ví như tờ giấy trắng, ta hãy khéo nhuộm màu đạo đức, đừng để hoen ố xấu nhiễm, sau khó tẩy xóa. Ví như đám ruộng phì nhiêu màu mỡ, ta hãy sớm gieo hạt giống tốt, đừng để gai góc cỏ dại mọc đầy. Hành động hằng ngày của cha mẹ sẽ quyết định phần lớn đời sống con trẻ sau này. Nếu không cẩn thận, vô tình cha mẹ dạy con những tính xấu mà không biết. Chẳng hạn như khi con có lỗi lầm, cha mẹ giận dữ rầy la những lời thô lỗ. Phải chăng ta đã dạy chúng giận dữ và nói lời tục? Hoặc hứa hẹn con bằng những lời viễn vông không thật, phải chăng cha mẹ đã dạy con nói dối? Hãy xem cách dạy con của mẹ thầy Mạnh Tử đáng phục dường nào.
Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước. Bà mẹ thấy thế nói:
– Chỗ này không phải chỗ con ta ở được. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch buôn bán điên đảo. Bà mẹ liền dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy con trẻ đua nhau cắp sách vở học tập lễ phép, về nhà cũng bắt chước cắp sách vở học tập lễ phép. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói:
– Chỗ này là chỗ con ta ở được đây.
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ:
– Người ta giết lợn làm gì thế hở mẹ?
Bà mẹ nói đùa:
– Ðể cho con ăn đấây.
Nói xong, bà nghĩ lại, hối rằng: Ta nói lỡ miệng rồi. Con ta thơ ấu, trí thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng là ta dạy nó nói dối hay sao? Rồi bà đi mua thịt lợn về cho con ăn thật.
Một hôm, thầy Mạnh Tử đang đi học bỏ về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi trông thấy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng:
– Con đang đi học mà bỏ học, thì cũng như ta đang dệt tấm vải này mà cắt đứt đi vậy.
Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần, về sau thành một bậc đại hiền. Thế là chẳng nhờ có cái công giáo dục quý báu của bà mẹ hay sao? (Liệt Nữ truyện)
Thời này, chúng ta không thể bắt chước theo lối dời nhà để dạy con của mẹ Mạnh Tử được. Nhưng bài học ấy cho ta thấy ảnh hưởng của lối xóm hay nói đúng hơn là gia đình – nhất là cha mẹ – tác động vào tư tưởng, tính tình trẻ con rất lớn. Vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Thế nên cách giáo dục con cái tốt nhất là cha mẹ phải biết tu thân, nêu gương sáng cho con thấy. Muốn quả tốt phải có nhân tốt. Muốn con hiếu hạnh cha mẹ phải hiền lương. Muốn con xa lánh đường ác cha mẹ không nên làm điều phi nghĩa. Hằng ngày ta thực hiện được năm điều răn trên và những việc làm cao đẹp ích mình lợi người, tự nhiên đức độ ấy sẽ cảm hóa con cái, đôi khi cha mẹ không cần dùng đến lời nói hoặc la rầy đánh đập mà con trẻ phải phục tùng, kính nể, “dĩ đức hóa nhân”. Hơn nữa cha mẹ nên cố gắng dành một ít thời giờ hướng dẫn con trẻ đến chùa tụng kinh, nghe giảng, đọc sách Thánh hiền, để mở rộng kiến thức và tích chứa công đức. Ðồng thời gieo vào tạng thức con trẻ những đức tính từ bi hỷ xả, những hiểu biết về lịch sử cuộc đời Ðức Phật, những giáo lý nhân quả luân hồi, để huân tập các điều lành. Mỗi tháng cha mẹ nên tập cho con ăn chay từ 4 ngày trở lên. Vì sao? Vì ăn chay là để nuôi dưỡng từ bi và tinh thần bình đẳng đối với muôn loài động vật; đồng thời thể hiện hạnh phóng sinh hay nhất. Cha mẹ cần nên giảng giải rõ sự lợi ích về ngày ăn chay hôm đó, để con trẻ hiểu được mà vui vẻ thực hành. Thỉnh thoảng cha mẹ nên cho con đi đến thăm viếng ủy lạo quà bánh (nếu có điều kiện) các nơi như viện Dưỡng lão, viện Tế bần, viện Cô nhi... để cho chúng chứng kiến tận mắt cảnh cô khổ, thiếu tình thương của những kẻ bất hạnh. Giúp chúng phát khởi lòng từ bi, thương xót người khốn khó, dạy chúng bài học nhân quả thực tế nhất.
2/ Tích đức hơn tích củaSự tu thân của cha mẹ trong gia đình rất cần thiết, không những cho bản thân mà còn để lại âm đức cho con cháu nữa. Sự tu thân đó ví như cha mẹ đang gieo trồng một cây ăn quả ngon ngọt. Sau một thời gian, cây này được trổ hoa kết quả thì chính cha mẹ là người hưởng trước. Sau khi qua đời, con cháu vẫn thừa hưởng cái lộc của cha mẹ để lại. Ca dao ta có câu:
Ông cha kiếp trước khéo tuBây giờ con cháu võng dù nghênh ngang.Xét ra câu này cũng nói lên được phần nào lý nhân quả. Mà thực tế, quý vị cứ nhận xét, trên đời này biết bao những bậc hiền tài, người địa vị quyền thế, kẻ gia quyến hưng thịnh vinh hiển đều là những gia đình mà cha mẹ là người hiền lương, tu nhân tích đức mà ra cả. “Cha cao quý sinh con cao quý” (Noble fathers have noble children – Euripides).
Ở huyện Phổ Ðiền có nhà họ Lâm. Nhiều đời trước trong nhà có một bà lão ưa làm việc thiện, hay bố thí làm phước, thương người nghèo khó, giúp đỡ những người gặp nạn khó. Bà thường hay lấy bột gạo làm thành từng vắt để bố thí cho người. Hễ ai đến xin, bà sẵn lòng vui vẻ cho không hề chán.
Suốt cuộc đời bà thường làm những việc phước thiện như thế. Về sau bà qua đời, con cháu bà chín người đỗ đạt vinh hiển. Tiếp tục như thế nhiều đời, dòng họ này trở thành một nhà thế phiệt trâm anh. Ðến nỗi tại tỉnh Phúc Kiến ngày xưa có câu ca dao: “Thiếu mặt người họ Lâm thì bảng vàng không mở”.
Làm bậc cha mẹ không ai lại chẳng muốn lo tài sản để lại cho con cháu. Tuy nhiên người hiểu đạo lý thì tạo cái kho tàng phước đức cho chúng là bảo đảm hơn hết, chẳng sợ ai lấy cắp và không bị con cháu phá tán. Vì “có đức mặc sức mà ăn”.
Nếu cha mẹ biết lo tu thân, tích chứa âm đức và giáo dục con theo giáo lý Phật dạy, tạo vốn kiến thức nghề nghiệp cho chúng, thì sau này tự chúng sẽ làm nên sự nghiệp với bao nhân tốt mà cha mẹ đã gây tạo vun bón. Vì hạt giống lành đã gieo, nếu biết chăm sóc thì sẽ sinh cây trổ quả. “Hãy truyền đạo đức cho con cái bạn, chỉ có đạo đức mới làm cho chúng sung sướng chớ không phải vàng bạc” (Recommend to your children virtue, that alone can make them happy not gold – Beethoven). Trái lại, nếu con kém tài thiếu đức, vô đạo mà cha mẹ chỉ bo bo tối ngày đem thân trâu ngựa để làm giàu cho chúng, chẳng những khổ cái thân mình, còn tạo thêm cho chúng tính ỷ lại, lười biếng, hoang phí và phạm bao nhiêu tội ác nữa. Khi cha mẹ qua đời, thử hỏi những hạng con như thế có giữ gìn nổi cơ nghiệp không? Hay cũng vì tài sản đó mà khiến chúng trở nên bất hòa, tranh giành, thù ghét lẫn nhau dẫn đến việc kiện cáo. Bàn về việc làm giàu để của lại cho con cháu, Sơ Quảng đời Hán có nói:
“Ta tuy già lão há lại không nghĩ đến con cháu hay sao? Hiện ta cũng đã có ít ruộng nương, cửa nhà của cha ông để lại. Con cháu ta mà chăm chỉ vào đấy thì cũng đủ ăn, đủ mặc bằng người được rồi. Nếu bây giờ ta lại làm giàu thêm cho chúng để có thừa thãi dồi dào, vô tình ta chỉ tạo thêm tính lười biếng cho chúng mà thôi. Người giỏi mà sẵn có của thì kém mất chí hay, người ngu mà sẵn nhiều của thì càng thêm tội lỗi. Vả chăng, của cải mà chứa nhiều chỉ tổ làm cho người ta dòm ngó, oán ghét. Ta đã không có gì giáo hóa được con cháu ta, thì ta cũng không nên làm cho chúng thêm tội lỗi và để thiên hạ ai oán”.
Trái lại, nếu cha mẹ làm những việc thất đức, hậu quả xấu cho con cháu cũng không lường được. Tục ngữ có câu: “Ðời cha ăn mặn, đời con khát nước” hoặc “ông cha ăn quả nho chua, bây giờ con cháu như vừa ghê răng”. (Ezekiel). Nói đến đây có người sẽ nghĩ rằng, theo luật nhân quả, ai ăn nấy no, ai làm nấy chịu. Tại sao có sự bất công ở chỗ cha mẹ làm mà bắt con cháu phải gánh chịu hậu quả. Ðiều này cũng không có gì là lạ cả. Bởi nó có sự liên quan nhân quả tiền kiếp với nhau.
Theo trong các kinh sách dạy. Con người khi chết giữa khoảng người chết và chưa tái sinh đó, trải qua 49 ngày riêng có một cái thân gọi là trung ấm (thế tục thường gọi là linh hồn) hay thần thức. Rồi tùy theo nghiệp lực của mỗi người phải đầu sinh chậm hay mau. Nếu người nào nghiệp chướng nặng nề, gây nhiều tội ác lập tức đọa vào cảnh giới đau khổ nơi ba đường ác. Còn ai có đủ nghiệp lành, tu nhân tích đức sẽ sinh về cảnh giới tốt đẹp an vui.
Người ta sau khi chết, thần thức lơ lửng trên không và thấy những cảnh giới mà nó ưa thích (do nghiệp lực xui khiến và dẫn dắt). Nếu người ấy gây nhân bất thiện, gặp hai thân nam nữ giao hội, tạo ra sức hấp dẫn với nó. Chính đôi vợ chồng này cũng là người nhiều tội lỗi, tự nhiên nó cảm thấy thích hợp bèn đi đến, nhập vào thai bào của người nữ để cùng với gia đình này chịu chung quả xấu với nhau. Ví như con thiêu thân, tại sao nó thấy ánh sáng đèn lại ưa thích, để rồi bay vào đó mang lại cái chết thê thảm cho nó? Nếu thực sự nó biết đây là ánh lửa, chắc chắn nó sẽ không ngu dại gì mà bay vào chỗ chết ấy. Ðấy cũng chính bởi cái nghiệp của nó chiêu cảm ra, xui khiến nó thấy ánh đèn cho là chỗ lý tưởng đáng sống nên mới bay vào. Khi biết là lửa thì thân xác đã ra tro mất rồi.
Tất cả chúng sinh trong thế giới này hay thế giới khác, một khi đi tái sinh đều có nhân duyên quả báo với nhau cả. Nếu không có nhân duyên, thì sao người sinh ra đời gặp được cha mẹ giàu có sung sướng, cuộc sống đầy đủ ấm no, kẻ mới sinh ra phải chịu cảnh khổ sở cơ hàn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc? Do đó, liên hệ nhân quả nghiệp báo giữa cha mẹ với con cái rất phù hợp tương xứng. Khi người tạo nhiều nghiệp lành sẽ sinh vào nhà cha mẹ biết tu nhân tích đức để cùng nhau hưởng quả báo tốt đẹp. Còn người tạo nhiều nghiệp ác, sinh vào gia đình có cha mẹ hung dữ để cùng nhau chịu quả báo xấu xa đau khổ.
Ôi! Bậc làm cha mẹ ai cũng muốn cuộc đời mình được sung sướng an nhàn, con cháu mình được vinh hiển phú quý. Nhưng khốn nỗi, ở đời người ta chỉ muốn thôi chứ không biết nguyên do đạt đến sự ước muốn đó. Muốn xinh đẹp, muốn giàu sang, muốn con cháu nên danh, rồi muốn sau khi chết được sinh về cảnh giới tốt đẹp hoặc cõi Phật nữa, nhưng khuyên họ gieo nhân lành, làm phúc bố thí, ăn chay niệm Phật, thì họ không làm. Vậy nhân tốt không gieo mà lúc nào cũng mong ước được hưởng quả tốt. Ví như người có đất không chịu trồng cây lại cứ muốn có cây ngon trái ngọt mọc lên để hưởng. Quả là điều trái ngược!