5/ Không nên uống rượu Thân người như chiếc xe mà trí tuệ là tài xế. Chiếc xe này có an toàn trên xa lộ hay không đều do người tài xế cả. Nếu tài xế lơ là mê ngủ hoặc bị ma men ám ảnh thì tai họa dễ xảy đến một cách khủng khiếp cho mình lẫn người.
Trong xã hội hằng ngày việc giao thiệp, buôn bán, áp phe cho đến những đám cưới hỏi, sinh nhật, tang chế v.v... thường lấy rượu làm món uống chính. Do từ chỗ tiệc tùng như thế đã đưa các thanh thiếu niên mới lớn lên tập nhiễm, bắt đầu đi vào con đường “say sưa be bét”. Lúc đầu ta còn từ chối, nhưng vì nể bạn bè, vì để cuộc vui trọn vẹn... Rồi một chén có sao, một ly có thấm là bao, “Nam vô tửu như kỳ vô phong” mà bồ. Cứ thế rồi mỗi ngày một ít, lâu dần thấm vào người thành quen rồi thành xị thành lít dẫn đến bợm ghiền. Lúc bấy giờ rượu sẽ thành người yêu lý tưởng nhất của đời họ. Vắng mùi nó cuộc đời sẽ trở nên mất hương vị, cõi lòng sẽ lạnh lẽo cô đơn, cảm thấy khó chịu, nhớ thương (thèm). Nhưng có nó nhiều quá, mải mê say đắm sẽ dẫn đến sa đọa trầm trọng, hư hoại thân thể.
Rượu nếu uống nhiều sẽ gây tác hại rất lớn đến bản thân, gia đình và xã hội.
a/ Ðối với bản thân Về tâm trí: Rượu trước nhất tác động đến não bộ. Uống nhiều nồng độ trong máu sẽ tăng lên làm tê liệt các trung tâm ức chế của thần kinh hệ khiến cho các hoạt động của tâm trí gia tăng mãnh liệt, mất quân bình, không kiểm soát được xúc cảm và hành động, tâm tính biến đổi khác thường, đầu óc mất sáng suốt, tính toán rất chậm chạp dẫn đến ngu si đần độn.
Về thể xác: Rượu gây tổn hại toàn bộ cơ thể con người nhiều nhất là gan. Ðối với gan là cơ quan giải độc, uống nhiều rượu sẽ làm cho tế bào gan mất khả năng tổng hợp protéin tiến đến làm chết (chai) tế bào gan, rồi từ từ dẫn đến bệnh xơ gan không phục hồi được. Xơ gan dẫn tới các chứng bệnh ghê gớm như phù thủng (xơ gan cổ trướng), mửa ra máu hoặc trở thành ung thư. Ðến như viêm giây thần kinh, viêm não, chứng bọc máu trong sọ, sưng lá lách v.v... cũng từ rượu mà ra.
b/ Ðối với gia đình Ðối với vợ: Người nghiện rượu thường dẫn đến hậu quả tan vỡ hạnh phúc gia đình. Vì trong cơn say người chồng dễ trở nên nóng tính, thô lỗ, cộc cằn, “rượu vào lời ra”, hay lè nhè đòi hỏi vu vơ, nếu không thỏa nguyện sẽ đâm ra gây sự đánh đập. Hẳn ta vẫn biết, đứng gần người uống rượu sẽ cảm thấy khó chịu thế nào, huống chi người vợ ăn nằm với ông chồng nặc nồng mùi rượu thì “ngửi” sao cho thấu! Do vậy, đôi khi bà vợ phải kinh sợ mà tránh xa. Từ lý do ấy khiến cho ông chồng “ba xị đế” đầy nghi ngờ và dễ ghen bóng ghen gió, kiếm chuyện hành hạ vợ đủ điều. Tiền bạc làm ra chỉ nghĩ đến bạn bè và nhậu nhẹt lai rai, chẳng biết đến vợ con gia đình túng thiếu, khiến cho tình cảm vợ chồng bị sứt mẻ đưa đến tình trạng chán ghét lẫn nhau.
Ðối với con: Người nghiện rượu sẽ di hại rất nhiều đến con cái, ảnh hưởng lớn đến tương lai của các thế hệ mai sau. Vì măng có mụ mẫm thì tre mới to lớn được. Y học ngày này đã phát hiện ở người say nồng độ rượu trong túi tinh cao xấp xỉ nồng độ trong máu. Tinh trùng ở người nghiện rượu bị đứt đuôi hoặc méo mó, đi thụt lùi hoặc lắc lư xiêu vẹo. Không may, các loại tinh trùng này lọt vào trứng để chuyển thành thai sẽ dẫn đến “tiên thiên bất túc”. Và hậu quả như thế nào? Vô cùng nguy hại. Ðứa bé dễ bị dị hình, xấu xí, èo uột, suy dinh dưỡng hay ốm đau và chậm phát triêån tâm thần, trí tuệ thoái hóa, kém thông minh, học hành không tiếp thu nhanh. Ngoài ra cha mẹ nghiện rượu còn truyền lại cho con cháu chứng bệnh “xỉn” tối ngày nữa.
c/ Ðối với xã hộiNgười nghiện rượu sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, thiếu bổn phận trách nhiệm đối với công việc mình làm, có thể gây tổn hại về sinh mạng và tài sản của tập thể. Như trường hợp người lính biên phòng, kẻ bảo vệ cơ quan, nhà máy, kho tàng... Nếu quá chén sẽ nguy đến tính mạng còn tạo điều kiện cho kẻ trộm và quân địch có cơ hội phá hoại. Tài xế mà say sưa be bét, đường không chạy mà lại đâm vào nhà người ta hoặc gây tai nạn giao thông. Ngoài ra người nghiện rượu thường gây xáo trộn mất trật tự trị an, trở ngại đến sinh hoạt chung quanh. Tạo thêm cho gia đình và xã hội một gánh nặng to lớn về bệnh tật và tính di truyền xấu xa cho con cháu.
Trên thế gian này có biết bao nhiêu loại nước uống ngon lành béo bổ, vô hại, tại sao ta lại không uống, đi uống thứ cay đắng độc hại như thế? Nhân cách sẽ như thế nào khi say sưa quá chén. Hãy ngắm nhìn kẻ say: Mặt đỏ tía tai, dáng người đáng sợ, đi đứng loạng choạng, nói năng lảm nhảm không biết phải trái, ói mửa hôi tanh, gục ngã ngoài đường... bản thân đã như thế còn gây sầu khổ cho vợ con, làm cho xóm làng chê cười, trẻ nít chọc ghẹo, người trí lánh xa. Có lần tôi được xem một tờ báo trong đó có vẽ một bức tranh châm biếm người say rượu rất lý thú. Hình vẽ diễn tả bà vợ đi làm về ghé qua nhà trẻ đón con và tạt qua quán rượu rước chồng. Trong khi ông chồng say sưa như chết không còn biết trời trăng gì cả, mặc cho bà vợ vác đi, đứa con đi theo mẹ cầm hộ bố đôi dép. Ôi! Còn gì là “nam nhi chi chí”, còn gì xứng đáng với chức phận cha, chồng trong gia đình nữa.
Trong Kinh Chuyển Luân Ngũ Ðạo có dạy: “Làm người ưa uống rượu say sưa, chết đọa vào địa ngục Phất thỉ, rồi đến đọa trong loài thú tinh tinh (đười ươi). Sau có được làm người bị ngu si, dốt nát, không biết chi cả”. Vậy người uống rượu nhiều đối với hiện tại rước bệnh vào thân, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gieo nhân xấu cho con cháu, trở ngại cho xã hội. Về nhân quả, nếu đời sau có được làm người cũng bị ngu si đần độn. Chúng ta nên nhớ câu: “Phàm làm việc gì phải xét đến hậu quả của nó”.
Ðể cuộc sống được an vui, gia đình được hạnh phúc, người Phật tử phải sáng suốt khi hành động, tuyệt đối không được uống rượu hoặc mời người khác uống rượu. Ngoại trừ trường hợp phải dùng rượu thuốc để chữa bệnh thì có thể tạm thời uống được.
Tóm lại, vừa qua chúng tôi trình bày về năm điều nên tránh mà Ðức Phật đã dạy. Năm giới này là căn bản của hết thảy Phật tử tại gia và xuất gia. Nó ví như nền móng của tòa nhà giải thoát. Nếu nền móng vững bền thì công việc xây dựng mới bảo đảm. Trái lại, bao nhiêu công trình sẽ sụp đổ hết. Ngũ giới cũng là món báu trang nghiêm bản thân, tô điểm cuộc đời, làm đẹp lòng mọi người, thiên thần nể phục, tà ma khiếp sợ, và chính là nhân lành của giải thoát.