Bệnh viện Oriental nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày cuối năm.
Ai nấy đều tìm cách xin ra viện để về nhà ăn Tết - rồi ra Tết lại tiếp tục điều trị sau. Chỉ còn lại những người bị bệnh nặng, những người không đủ sức ra khỏi phòng.
Cụ già Yôsiđzô Isikura phải tính chuyện đón năm mới trong bệnh viện. Theo dự đóan của Naôê, cụ còn sống được chừng mười ngày, hoặc tối đa là hai mươi ngày. Ông cụ không không còn tự rửa mặt được, không tự đi ra ngòai được, nhổm lên một chút trên triường cũng rất khó nhọc. Ông gầy đi một cách khủng khiếp; đó là một bộ xương bọc một lớp da khô héo màu xin xỉn như đất; dưới lớp chăn có thể thấy nhô lên một cái bụng sưng phình.
Ghé vào phòng trong buổi đi thăm bệnh nhân, Naôê gõ mấy ngón tay lên cái bụng trương phình của cụ già, nghiêng đầu lắng nghe. Khi gõ như vậy có thể nhận bắt một cách khá rõ rệt những âm sắc kim lọai ở bụng tích nhiều chất nước. Naôê lấy ống nghe cúi mình trên người cụ Isikura. Những ngày gần đây cụ già hầu như không ăn gì, nhưng có thể nghe rõ trogn dạ dày có chất nươc chao đi chao lại. Naôê có cảm giác là mình đang nghe những bước chân rón rén của cái chết đang đến gần.
Nghe xong, Naôê gỡ cái ống nghe trên cổ, gắp hai ống cao su lại và bỏ vào túi. Nôrikô sửa lại băng cho cụ Isikura và bắt đầu cài khuy áo pyjama.
- Cụ nghỉ nhé, - Naôê chào cụ già.
Isikura đáp lễ bằng một cái gật đầu khe khẽ, mà cũng chẳng buồn hỏi: "Thế nào ạ, thưa bác sĩ, hiện tôi đã sắp khỏi chưa?" Cũng như Naôê, ông cụ biết rằng cái chết đã vào đến ngưỡng cửa. Nhưng, cũng như Naôê, ông cụ vẫn im lặng. Ông ta hiểu rằn chỉ cần hỏi: tại sao? như thế nào? - thì lập tức một nỗi sợ hãi nhầy nhụa sẽ tràn tới, và sợi chỉ mong manh của niềm hy vọng cuối cùng sẽ đứt.
"Biết đâu, may ra..." Trong hai tiếng "may ra" mơ hồ ấy, người bệnh tim thấy ý nghĩa của những ngày cuối cùng mà sự sống còn leo lét, còn người thầy thuốc thì tìm thấy ở đó phương thuốc cứu vãn duy nhất.
Có một lần Naôê không đi làm việc. Đến trưa ông ta gọi điện vào bệnh viện báo tin là mình đang ốm.
- Chắc hôm qua lại quá chén chứ gì!
- Không phải đâu, chẳng qua sáng ngay ngủ quên, dậy trễ quá đâm lười không muốn đi làm nữa thì đúng hơn.
Hôm ấy người ta bàn tán rất nhiều. Ở bệnh viện họ đã quên với cái thói đến muộn của Naôê, nhưng nghĩ việc hẳn thì đây là lần đầu.
Lòng Nôrikô bồn chồn lo lắng. Đã mấy lần cô nhấc ống máy lên để gọi điện cho Naôê, nhưng mỗi lần như vậy, không hiểu tại sao, cô lại e ngại không dám.
Thời gian gần đây cô hầu như không nói chuyện với Naôê, tuy hai người làm việc sát cạnh nhau. Lúc nào cũng có một người nào đó lởn vởn gần bên, làm cho họ không nói được. Nhưng ngay trong những phút hiếm hoi mà trong phòng chỉ có hai người với nhau thì Naôê cũng lặng thinh như đã mất hẳn khả năng ngôn từ.
Nôrikô kiên nhẫn chờ Naôê mời mình đến nhà, nhưng chỉ thỉnh thỏang, đến cuối giờ làm việc ông mới hỏi : "Hôm nay em làm gì?" - Và chỉ cần nghe thấy thế thôi, là Nôrikô vội vàng bỏ hết để chạy đến với Naôê.
Có một lần Nôrikô thử nói chuyện với ông: tại sao ông lại không mời cô từ trước? - Nhưng Naôê chỉ cau mày, và mọi sự đều lại y nguyên như cũ. Nôrikô phải hậm hực gác hết mọi việc để chạy đến khu Ikêđziri.
Trước kia họ gặp nhau mỗi tuần hai lần, nhưng bây giờ phải mười ngày họ mới gặp nhau một lần. Và Nôrikô cứ chờ đợi, không dám tự mình nói trước. Mỗi khi những niềm mong mỏi của cô trở thành sự thật, Nôrikô vui mừng vô hạn. Đôi khi tình cảm của cô cũng lừa dối cô, nhưng cô đã tập được cho mình cái thói quen không buồn tủi quá. Cô có cảm giác rằng hai người vẫn ở bên nhau ngay cả những khi Naôê không có mặt.
Có mấy lần, không đủ sức tự chủ, Nôrikô vẫn hỏi: " Bây giờ anh về thẳng nhà à?" Naôê lầm lì gật đầu và im lặng bỏ đi. Nôrikô rầu rĩ thở dài : anh ấy làm sao thế? cái gì đang diễn ra torng tâm hồn anh? Nhưng tình yêu của cô thì không có gì có thể dập tắt được : Nôrikô đã hiến dâng tất cả cho Naôê - cả thể xác lẫn linh hồn.
Có nhiều khi những bệnh nhân xuất viện hoặc những bác sĩ trẻ mời Nôrikô đến hiệu cà-phê hay hiệu ăn, nhưng cô đều từ chối. Thậm chí cô cũng chẳng bao giờ nảy ra cái ý gặp một người nào ngòai Naôê. Tất cả những người đàng ông khác đối với cô đều vô nghĩa lý - nếu không có Naôê thì thà qua buổi tối với một người bạn gái còn hơn, cô thấy như vậy.
Còn Naôê? Bằng trực giác, Nôrikô cảm thấy Naôê đang phản bội cô. Thỉnh thỏang lại có một giọng phụ nữ gọi ông ra điện thọai, trong giường Naôê, Nôrikô hay bắt được những chiếc trâm ; gian bếp của Naôê được thu dọn ngăn nắp, rõ ràng không phải do một bàn tay đàn ông... Nhưng Nôrikô chưa một lần nào tự cho phép mình trách móc Naôê.
Trước sau cô chỉ là một tình nhân và là một con ở, vì Naôê không bao giờ nói đến hôn nhân, thậm chí cũng không bao giờ bảo cô đến ở nhà mình. trước sau Naôê chỉ cho phép Nôrikô được yêu mình, thế thôi. Vả lại Nôrikô cũng không hề đặt ra một điều kiện nào. Hơn nữa, cô sẽ rất ngạc nhiên nếu thấy phụ nữ thờ ơ với Naôê. Cô cố gắng đừng nghĩ đến họ. Cô chỉ muốn biết rằng bản thân cô yêu Naôê: điều đó đã quá đủ đối với cô rồi.
Hôm sau Naôê cũng không đến bệnh viện. Từ sáng sớm ông đã gọi điện đến, nói rằng mình còn phải nằm nhà ít nữa.
Trong những ngày cuối năm này, Ritsukô ngày nào cũng có mặt ở bệnh viện. Bà hỏi Sêkiguchi :
- Tình hình bác sĩ Naôê thế nào ạ? Có lẽ cần phái người nào đến nhà bác sĩ xem sao.
- Phải-phải, dĩ nhiên... - Bà y tá trưởng sốt sắng gật đầu, nhưng rồi chẳng đề nghị gì cả.
Bà Ritsukô quay về phía Nôrikô, và tất cả những người khác đang có mặt ở đấy đều quay theo.
- Simura-san, có lẽ cô đến thăm tiên sinh một chút đi.
Câu này đến với Nôrikô đột ngột đến nỗi cô súyt đánh rơi cái ống tiêm.
- Tôi ...
- Cô đến đi. Có thể là hôm nay, sau giờ ăn trưa. Cô cứ nói là tôi bảo cô đến, thế nhé? Bà không phản đối chứ? - Câu này bà Ritsukô nói với bà y tá trưởng.
- Không ạ. Chiều nay không có phẫu thuật nào. Simura-san có thể đến thăm bác sĩ.
- Chúng tôi tha thiết yêu cầu cô đấy, - bà Ritsukô nói, giọng dịu dàng.
Chắc chắn là Ritsukô cũng như Sêkiguchi đềucó mục đích tốt, nhưng Nôrikô vẫn cảm thấy có một cái gì không thật. Thôi kệ, được đến nhà Naôê là điều mà Nôrikô đã tưởng chỉ có thể mơ ước thôi ! Một khi chính bà Ritsukô đã ra lệnh thì có thể đi với một lương tâm trong sạch.
Mấy ngày hôm nay Kôbasi không có lấy được một phút nào rảnh rỗi. Đặc biệt vất vả là những công việc phải làm với các bệnh nhân ngọai trú. Quá mười hai giờ trưa trong phòng khám vẫn có hàng chục người ngồi đợi đến lượt mình. May thay bệnh nhân trước ngày lễ ít hơn thường lệ, nhưng dù sao Kôbasi cũng phải làm phần việc của hai người. Khi có mặt Naôê anh chỉ phải giúp ông ta, còn bây giờ anh phải tự mình chẩn bệnh, chỉ định cách điều trị...
Đến mười hai giờ No6rikô cùng với Kaôru và Akikô đi ăn trưa. Kôbasi còn lại một mình.
Biết rằng Naôê khi đi làm sẽ điểm lại một cách đặc biệt nghiệt ngã những việc đã làm trong thời gian ông vắng mặt, Kôbasi càng nỗ lực làm việc thật chính xác.
Lúc này anh đang khám một ông già bị bệnh thấp khớp. Anh hút chất nước ra khỏi khớp đầu gối và bắt đầu tiêm prednisolone vào. Chợt nghe có những tiếng bước vội vã: có ai chạy trên cầu thang từ tầng hai xuống.
Ngẩng đầu lên, Kôbasi thấy Tômôkô Kawai đang đứng ở ngưỡng cửa thở hổn hển.
- Tiên sinh!
- Có việc gì thế?
- Cụ Isikura... - Tômôkô nói ngắc ngứ từng quãng. Có cái gì ... trong họng..ấy...
- Áp lực?
- Dạ không biết ạ...
Kôbasi lao ra khỏi phòng và chạy lên tầng hai. Nôrikô chạy theo. Bệnh nhân bị thấp khớp vẫn nằm trên cái giường nhỏ.
Khi Kôbasi và Nôrikô lao vào phòng bệnh nhân, Isikura nằm im không nhúc nhích, đầu bất ngược ra phía sau; hình như ông cụ không còn thở nữa, chỉ thấy cuống họng run run.
- Máy hút!
Nôrikô đâm bổ đi lấy máy hút.
- Cụ ơi! Cụ ơi! - Kôbasi vừa gọi vừa làm hô hấp nhân tạo.
Trong họng cụ già đờm tích lại, cản trở sự hô hấp. Một người khỏe mạnh có thể khạc nó ra một cách dễ dàng, nhưng ông già kiệt sức không còn cách gì làm như vậy.
Kôbasi đặt ống máy hút vào lỗ mũi cụ Isikura vô cho máy chạy.
- A! A-a-a!...- Cụ Isikura hét lên một tiếng man dại, và một cục đời trôi dọc theo ống máy.
- Giữ chặt ông cụ! - Kôbasi ra lệnh.
Hai cô y tá nắm chặt lấy hai tay cụ già.
Người con dâu của bệnh nhân nấp sau lưng họ sợ hãi nhìn ra, theo dõi những sự việc đang diễn ra trên giường bệnh.
- Khạc ra ! Lấy hết sức lực ! - Kôbasi điều khiển cái ống, nhắc đi nhắc lại.
Cụ Isikura ngạt thở, quằn quại đau đớn. Mấy phút sau, sự hô hấp được phục hồi, và ông cụ có phần yên tâm.
- Phù-ù-ù... Thiếu chút nữa là đã quá muộn. - Kôbasi lau mồ hôi trán.
Người con dâu lặng thinhg, chỉ hơi cúi đầu.
- Máy hút phải để thường xuyên trong phòng này.
Cụ Isikura thở mau, mặt cụ ướt đẫm nước mắt và nước miếng.
Lần này mọi sự đã kết thúc tốt đẹp, nhưng không ai có thể bảo đảm là hiện tượng này sẽ không lặp lại nữa. Cần theo dõi bệnh nhân chăm chú hơn.
Cụ già thò bàn tay ở dưới chăn ra khua khua như muốn gọi.
- Cụ cần gì ạ?
- Z-z.. z-z-zi...
- Không sao, không sao. Cụ cứ nói chầm chậm.
- Z-zi... ziết... ch-cho tôi chết nhanh đi!...
- Sao?! - Kôbasi cúi mình trên ông già, gần chạm vào mặt ông. - Sao lại ngã lòng như vậy? Phải vững tâm!
- Kh-khổ l-lắm... Thế này thì khổ lắm... - Rồi cụ Isikura quay mặt vào tường.
- Không được, không được thế. Hiểu chưa? Nào, cụ vui lên chứ! - Kôbasi vỗ vỗ lên cánh tay khô đét của cụ già.
- Naôê...Naôê tiên... sinh...
- Hôm nay tiên sinh không có ở đây, - Nôrikô vừa gia/ng giải vừa lau mặt cho bệnh nhân. - Nhưng chốc nữa tiên sinh sẽ đến.
- Giết... tôi... đi! Tôi.. xin...
- Cụ ơi, đã nói rồi, không được nghĩ tới việc đó. Bác sĩ đã cứu cụ, mà cụ... Sao lại thế?
- Hết rồi... tôi không thể... tôi không muốn nữa... - Và cụ Isikura lặng lẽ khóc nấc lên, mặt úp vào gối.
Khi Nôrikô đến nhà Naôê thì đã hơn một giờ.
Dãy hành lang vắng ngắt, cửa phòng đóng kín. Nôrikô có một cảm giác hồi hộp lạ kỳ. Có thể tưởng chừng đây không phải là lần đầu, nhưng...
Lầu sau cùng Nôrikô đến đây là khỏang mười ngày về trước. Mà cũng có thể là lâu hơn. Nhưng hôm nay cô là một người khách không mời mà đến.
"Nhỡ anh ấy không phải đang một mình? - Nôrikô nghĩ, ngón tay giơ lên bấm chuông ngại ngùng rụt lại. - Lẽ ra phải gọi điện trước..."
Nôrikô đã bắt đầu thấy hối hận là đã nhận lời đến nhà Naôê. Nhưng đây có phải là ý riêng của cô đâu... Dù sao thì cũng sẽ được trông thấy Naôê. Nôrikô gần như đã tự thuyết phục được mình rằng Naôê có nhà và đang đợi cô.
Hơi do dự một chút, Nôrikô bấm chuông. Không thấy ai ra mở cửa. Nôrikô bấm lần nữa, lại một lần nữa - không có kết quả gì. Đợi thêm một lát, cô lại bấm chuông và ghé tai vào tấm cửa. Tiếng chuông vang lên lanh lảnh. Dù chủ nhân có ngủ thì cũng nghe thấy "Chắc có ai thật". Nôrikô cảm thấy tim đau nhó. Một khi Naôê không mở cửa, thì ắt là ở trong ấy đang có một người đàn bà.
"Anh ấy và một người đàn bà nào..."
Nôrikô hình dung ra một quang cảnh quen thuộc : hai người đang ngồi nép sát vào nhau và nín thở lắng nghe tiếng chuông ngòai cửa. Người đàn bà áp má vào ngực Naôê, còn anh ấy thì ôm lấy nàng và nhìn sang bênh cạnh... Và đây họ nhón chân đi rón rén đến cạnh cửa, ghé mắt vào mắt cửa nhìn ra ngòai... Chính từ bên ngòai, con mắt cửa nhỏ xíu, hầu như không trông thấy được, nhưng nhìn từ bên trong thì bao quát được một vùng khá rộng.
Có thể bây giờ họ đang nhìn Nôrikô chăng? Cô liền vội vã tránh sang một bên.
Bên kia cánh cửa vẫn lặng ngắt như tờ.
Trong hành lang có tiếng mở cửa, và từ căn hộ sát bên, một người đàn bà mặt kimônô bước ra và đi qua mặt Nôrkô. Cứ trông cái cử chỉ quả quyết của người đàn bà khi đóng cửa lại, Nôrikô đóan được rằng người ấy cư trú ở đây. Nôrikô đứng yên một lát nữa, rồi thở dài và cũng đi về phía thang máy.
Trong khi buồng thang máy trượt xuống, Nôrikô nghĩ: biết trả lời Ritsukô và bà y tá trưởng ra sao đây? Vừa rồi có sao cứ kể hết ra như vậy chăng? Nhưng nếu thế cô sẽ làm hại Naôê. Vì ông đã nói rằng ông ốm. Không, không thể làm như vậy được. Cứ thế này thôi, người ta cũng đã bàn tán quá nhiều.
Mới vừa qua Nôrikô óan giận Naôê, nhưng bây giờ cô lại cuống quít bới óc tìm cách bao che cho ông.
Thang máy dừng lại. Nôrikô bước ra, và qua tấm cửa kính của phòng đệm cô lại trông thấy người đàn bà ở tần năm: bà ta bước trên đường phố, tay giữ tà áo kimônô đang căng phồng lên dưới gió. Nôrikô chậm rãi bước theo người ấy.
Hai giờ rưỡi. Giờ nghỉ trưa đã hết, từ giờ đến tối hãy còn xa, và cái ngõ hẻm rất vắng. Đi dọc theo cái hẻm thoai thỏai xuống dốc, Nôriô ra đến phố lớn. Ở đây là một cuộc sống khác hẳn: chen chúc, ồn ào và rộn rịp.
Qua hai căn nhà Nôrikô trông thấy một quán cà phê nhỏ, hay nói cho đúng hơn, cô trống thấy cái buồng điện thọai tự động trong quán. Cô bước vào, ngồi xuống cạnh cái bàn con đặt gần cửa và gọi một chén cà-phê.
Sau khi uống hết cốc nước bỏ đá trong khi chờ cà phê, Nôrikô đến trước máy điện thọai, cô quay số. Sau một quãng im lặng trong ống máy bắt đầu nghe những tiếng túyt túyt dài. Nôrikô nhớ lại rằng máy điện thọai ở nhà Naôê có tiếng vo vo nghe như ngạt mũi. Nhưng bây giờ cô nghe rất rõ những hồi âm của tiếng chuông. Không thấy ai nhấc ống nghe. Nôrikô quay số một lần nữa - lại những tiếng túyt túyt. Nắm chặt trong lòng bàn tay đồng hào mười yên, Nôrikô trở về bàn, chén cà phê đã chờ cô ở đấy. Cô hít thở mùi hương đậm đà của nó.
"Có lẽ anh ấy đi ra nhà băng? Dù sao chăng nữa thì anh ấy sẽ ra máy điện thọai nếu có nhà, - Nôrikô suy luận. - Nếu không muốn gặp mình thì có thể nói hẳn ra. Qua điện thọai càng dễ nói".
Nôrikô uống hết cà-phê và hơi bình tâm lại.
Đã gần đến ba giờ. Nôrikô ra khỏi nhà Naôê ở đã được hai mươi phút.
Cô lại đến cạnh máy điện thọai và quay số.
Bên quày đặt máy điện thọai, cô thủ quỹ đang tính tiền với một người khách; một cô hầu bàn đang nói chuyện gì rất hăng với người bán đồ nhắm.
"Thôi lần này mà không gọi được thì quay về thôi", - Nôrikô quyết định trong khi lắng nghe những hồi âm trong ống máy. Hồi thứ ba, hồi thứ tư...
- Vâng, - một giọng đàn ông lạ hoắc trả lời. Trong giây lát Nôrikô thậm chí còn ngẩn cả người ra.
- Có phải nhà ông Naôê không ạ?
Ống máy im lặng.
- Tiên sinh đấy ạ?
- Phải... tôi... - Giọng Naôê nghe rất lạ, như thể miệng ngậm đầy bông. Nôrikô ngạc nhiên, vì thường ngày Naôê phát âm rất rõ.
- Em đây, Nôrikô đây tiên sinh ạ. Tiên sinh có nghe không?
- Có...
- Máy khó nghe quá... Lúc nãy tiên sinh không có nhà ạ?
- Không...
- Em gọi điện nhưng không có ai cầm máy...
- Tôi ngủ, - Naôê im lặng vài giây rồi nói.
Nôrikô băn khoăn tự hỏi: chẳng lẽ anh ấy không nghe? Hay là anh ấy nói dối?
- Anh đang ở nhà một mình ạ?
- Ừ.
- Em gọi điện từ một quán cà-phê ngay cạnh nhà anh. Có thể ghé anh một phút được không ạ? Bà Ghyôđa và bà y tá trưởng sai em đến thăm anh, vì họ lo cho anh ốm nặng.
Naôê im lặng.
- Vậy em ghé nhé?
- Ghé đi.
- Anh có cần gì không ạ? Có cần sakê hay thuốc lá không ạ?
- Không cần. Có cả rồi.
- Em đến ngay!
Nôrikô cầm tờ giấy tính tiền trên bàn và đi đến quầy thủ quỹ.
Naôê đang nằm trên giường, mình mặc pyjama. Thế ra ông không nói dối quả ông không ra khỏi nhà.
Nôrikô chăm chú nhìn xung quanh: trên lò kôtatsu có để ly sakê như thường lệ, khắp nơi rải rác những tờ giấy - những bản sao bài tạp chí. Không thấy có một cái ly thứ hai nào. Trên bàn có một chồng tạp chí và sách. Ở gian bến, trong lavabô có cả một mớ chén đĩa chưa rửa: đã khá lâu không có ai dọn buồng.
- Sức khỏe anh ra sao? - Nôrikô cởi áo măng-tô và ngồi xuống cạnh giường.
- Tôi hơi bị cảm. - Giọng Naôê nghe rất lạ và không biểu hiện một sắc thái gì cả.
- Nhiệt độ ra sao?
- Không có nhiệt kế...
- Ôi, khổ thân anh quá!
Nôrikô thấy muốn vuốt ve an ủi Naôê đến mức không sao chịu nổi: trông anh đau ốm tội nghiệp biết chừng nào.
- Sao thế này...- Cô lẩm bẩm, khó khăn lắm mới tự kiềm chế được. Nếu anh ấy đưa tay ra, nếu anh ấy nói một lời tho6i cô sẽ tự lao vào vòng tay anh.
Nôrikô cúi mình trên người Naôê và sửng sốt: hai mắt anh sáng một cách kỳ dị - không phải cái ánh kim lọai lạnh và sắc như thường ngày, mà là ánh phản chiếu mờ nhạt của mặt trời lặn. Mắt anh có màu trắng như sứ, hai má trũng sâu.
- Anh làm sao thế?
Naôê cố giữ cho mắt mình nhìn lên Nôrikô mà không được.
Trong đôi đồng tử mênh mông của anh, Nôrikô thấy phản chiếu gương mặt của mình.
- Anh cần phải ngủ một chút. - Nôrikô kéo chăn đắp cẩn thận cho Naôê. Anh mệt mỏi nhắm mắt lại như thể chỉ chờ có thế.
Nôrikô bắt tay vào dọn dẹp. Mười phút sau cô đến cạnh Naôê. Naôê ngủ rất yên, ngay đến hơi thở cũng nhẹ nhàng, không nghe thấy.
"Anh ấy gầy đi nhiều quá.." - Nôrikô nhìn rất lâu, như thể không nhận ra Naôê nữa. Rồi cô khẽ khàng đi sang gian bếp. Cô cởi áo vét, và mình chỉ còn mặc chiếc áo thun mỏng, cô bắt đầu rửa chén đĩa. Cô đi lại thật yên lặng, cô quét gian bếp rồi trở vào phòng.
Naôê vẫn ngủ, mặt quay vào tường.
Bây giờ biết làm gì đây?
Nôrikô nhặt mấy tờ giấy vương vãi bên lò kôtatsu, xếp lại thành một xấp gọn ghẽ để lên bàn, đặt lại đĩa gạt tàn cho ngay ngắn. Tấm thảy dày trong phòng dính đầy bụi, nhưng Nôrikô không muốn mở máy hút bụi, sợ tiếng máy làm Naôê thức giấc. Cô nhặt mấy tờ báo ở dưới sàn lên, gấp lại cho thẳng thớm mấy thứ đồ lót vày vò. Rồi cô cúi xuống với tay quơ quàng dướng gầm giường xem có cái gì lăn xuống đấy không. Tay cô chạm phải một vật gì lạnh và cứng. Một cái hộp luộc ống tiêm. Naôê tự tiêm lấy ư? Bằng một động tác quen thuộc, Nôrikô mở nắp nhìn vào trong hộp. Có hai cái ống tiêm và hai ống thuốc rỗng. Nôrikô cầm lên một ống: "Opium".
Thuốc phiện ư! Thứ ma túy mạnh nhất... Ngay sau những cuộc phẫu thuật người ta cũng ít khi cho bệnh nhân thứ thuốc này. Chỉ khi nào có những cơn đau không tài nào chịu nỗi...
Nôrikô nhìn kỹ Naôê và lại trông thấy cái nhìn mờ đục, đờ đẫn. Cô đã có mấy lần phải tiêm thuốc phiện cho bệnh nhân, cho nên cô nhớ rất rõ mắt họ. Nhưng anh ấy tiêm thuốc phiện để làm gì? Chỉ cảm lạnh thôi mà cũng tiêm? Mà lại tiêm một liều lượng lớn như vậy? Chẳng lẽ?... Tâm can Nôrikô nóng bừng như lửa.
Đặt cái hộp xuống sàn, cô lại cúi xuống nhìn Naôê. Đôi má như bằng sắp, râu lởm chởm... Cái mũi trông nhọn hẳn lên khác ngày thường.
Nôrikô vội vàng đẩy cái hộp vào chỗ cũ, như thể hy vọng rằng làm như thế mình sẽ sua đuổi được những ý nghĩ khổ tâm. Tốt hơn hết là cô đừng trông thấy, đừng biết gì hết. Vừa rồi cô mở nắp hộp ra để làm gì kia chứ? Một cảm giác tội lỗi khó hiểu tràn vào lòng cô.
Cô chậm rãi chống gối đứng dậy và đột nhiên dẫm lên một vật gì cứng cứng. Nôrikô nhìn xuống chân: trên tấm thảm có một vật sáng mờ mờ. Nôrikô cầm lên. Một chiếc hoa tai. Một chiếc hoa tai vỏ bằng bạch kim. Nó nằm gần phía đầu giường, cái móc cài ngửa lên phía trên. Thế ra trước đây vẫn có một người đàn bà nào lên đây...
Nôrikô mệt mỏi ngồi xuống cạnh giường. Cô ngồi hồi lâu không cử động, mắt nhìn đăm đăm vào chiếc hoa tai đang lấp lánh trên lòng bàn tay.
Một giờ sau Naôê tỉnh dậy. Anh mở mắt ngơ ngác nhìn Nôrikô, rồi hiểu ra rằng đây không phải là giất mơ, từ từ ngồi dậy.
- Anh dậy rồi đấy à ?
- Vâng. - Bây giờ giọng nói nghe đã bình thường như mọi ngày - rõ và đều đều.
- Không đau ở đâu chứ?
- Không.
- Anh có nhớ em đã đến đây như thế nào không?
Naôê ngẫm nghĩ một lát, rồi gật đầu.
- Bà Ghyôđa và bà y tá trưởng phái em đến đây. Em sẽ nói gì với họ?
Naôê đưa mắt nhìn quanh tìm thuốc lá. Nôrikô đẩy về phía ông một bao thuốc và cái gạt tàn.
- Thế tức là anh bị cảm lạnh?
- Cảm lạnh. - Naôê nhắc lại, tay đưa một que diêm lên châm thuốc lá.
- Chỉ thế thôi à ? Vậy thì tại sao lại phải dùng thuốc phiện?
Trong khỏanh khắc gương mặt Naôê thay đổi hẳn. Nôrikô biết rõ từng nét một trên gương mặt ấy: cô đã nhìn nó hàng ngày, nhận biết những sự thay đổi nhỏ nhặt nhất, - nhưng bây giờ, sau một thời gian cách biệt không lâu, cô không còn nhận ra nó được nữa: gương mặt này sao cô thấy vô cùng xa lạ, cách vời và thù địch.
- Anh gầy đi đấy, - Nôrikô buồn rầu nhận xét, mắt không rời Naôê.
- Không việc gì phải lo.
Naôê nhìn ra cửa sổ, mắt đầy bóng tối. Rõ ràng là ông đã quên khuấy điếu thuốc lá đi: tàn thuốc đã dài lắm rồi, nó sắp rơi xuống thảm. Nôrikô vội đưa cái gạt tàn ra hứng.
- Em có đem thuốc lại cho anh. Thuốc cảm thật đây. Em lấy ở phòng nội khoa. - Nôrikô đưa ra một cái gói nhỏ có đóng dấu bệnh viện Oriental.
- Không cần.
- Có lẽ... không phải cảm. Anh nói thật đi. Em xin anh. Anh là thầy thuốc, anh phải hiểu rằng...
Naôê lặng im.
- Anh ốm thế nào?
- Chẳng có bệnh gì đâu.
- Không đúng.
Naôê giụi tắt điếu thuốc lá và nắm lấy khủyu tay Nôrikô.
- Anh buông ra. Anh đang ốm, anh cần nghỉ ngơi yên tĩnh. - Nôrikô cố vùng ra, nhưng Naôê không buông cô. - Đừng anh. Em còn phải về, bệnh viện sai em đến đây...
- Thì đã sao.
- Em phải về ngay... chứ không họ sẽ nghĩ đủ thứ...
- Mặc kệ.
- Không, không "mặc kệ" được đâu. Vả lại...hôm nay không được. Thật đấy.
Naôê vẫn ôm chặt lấy cô.
... Khi Naôê buông cô ra, Nôrikô thở hắt ra một tiếng và mở mắt. Naôê đagn nằm nghiêng, không cử động. Nôrikô dần dần tỉnh hẳn.
- Em sợ... - cô nói. - Nhở... Nhở có con thì sao? - Giọng Nôrikô êm dịu lạ lùng. - Anh có nghe em nói không?
- Tôi nghe.
- Vậy thì sao? - Nôrikô nép vào người Naôê. Lưng anh lạnh như băng. Có thể nào đây chính là con người cách đây một phút đã ôm ấp mình một cách khát khao cuồng nhiệt như vậy? - Em ... em sẽ nuôi nó. Dù có thế nào chăng nữa.
Naôê từ từ quay lại và nhìn vào mắt Nôrikô.
- Có thật không? Như em vừa nói ấy?
- Thật.
Ông nhìn Nôrikô hồi lâu, rồi lại chìm vào giất ngủ.
- Em đi đây, - Nôrikô nói.
Cô nhảy xuống giường, vớ lấy áo quần vào chạy vào buồng tắm.
- Ôi, bốn rưỡi rồi!
Mặc áo quần thật nhanh, Nôrikô đến cạnh Naôê.
- Anh chóng khỏi đi nhé. - Cô cúi xuống người anh, và một lọn tóc quăn rũ xuống mặt anh. - Mai anh sẽ đến bệnh viện chứ?
- Sẽ đến.
- Nói lại với bà Ghyôđa như thế nhé?
- Ừ.
- Anh phải ăn cái gì đi.
- Không muốn ăn.
- Có lẽ em đi nấu cái gì nhé?
- Thôi. Khi nào đói tôi sẽ gọi điện đến tiệm ăn.
- Chính vì thế mà ốm đấy...- Nôrikô âu yếm lau mồ hôi trên trán Naôê. - Hay anh uống tí cà-phê vậy nhé?
- Không. Tôi đã bảo là không cần gì.
- À, - Nôrikô sực nhớ. - Hôm nay ở bệnh viện cụ Isikura súyt chết đấy.
- Cái gì?! - Naôê nhổm dậy.
- Ông cụ bắt đầu ngạt thở may mà cứu kịp. Bác sĩ Kôbasi đã làm hô hấp nhân tạo, hút đờm. Còn ông cụ vừa tỉnh đã cất tiếng gọi anh... Ông cụ quí anh lắm.
- Ông cụ nằm như thế nào ? Đầu có kê cao lên không?
- Không... Nằm giường bình thường thôi.
- Nhất thiết phải kê cao đầu lên, nếu không lại sẽ như thế nữa.
- Em không thể góp ý cho các bác sĩ được.
- Em nói là to6i nhờ em yêu cầu Kôbasi như vậy.
- Nhưng..
- Không "nhưng" gì cả. Em phải truyền đạt cho Kôbasi đúng như thế.
Nôrikô, tay đã cầm áo khác, lại ngồi xuống cạnh giường.
- Đằng nào mai anh cũng sẽ đến. Lúc bấy giờ anh nói với ông ta cũng được.
- Phải nói ngay hôm nay.
- Nhưng có thể Kôbasi về nhà mất rồi.
- Em cứ nói với bất cứ bác sĩ trực nào.
Nôrikô gật đầu, cài khuy áo khóac.
Làn ánh sáng nhợt nhạt của mặt trời lặn chiếu xuyên qua bức rèm. Năm giờ kém năm. Phải về bệnh viện ngay.
- Thôi em đi nhé.
... Ngòai đường, một ngọn gió lạnh thấm sâu vào da thịt. Nôrikô không để ý, thong thả đi về phía trạm xe điện. Tiếng gót giầy của cô vang dội trên đường phố vắng. Cô dừng lại nhìn lên tòa nhà Naôê ở, rồi rảo bước đi nhanh hơn.
Nhưng linh cảm mơ hồ, những ước mơ không rõ nét quay cuồng trong tâm trí, và trí tưởng tượng lôi cuốn cô đi xa, xa mãi. "Nếu mình đẻ được một đứa con ... Nó nhất định sẽ giống Naôê - cao, đẹp, cũng trầm lặng, cứng cỏi, cương quyết. Thế rồi..."
Nhưng đến đây những ước mơ của Nôrikô đứt đọan. Cô không sao hình dung được Naôê trong vai một người chồng.
Ngày hôm sau Naôê đến làm việc như đã hứa. Thật ra thì mãi đến quá mười một giờ, gần sát giờ ăn trưa ông mới đến.
Ông mới vắng mặt có ba ngày, mà ai nấy đều phải kinh ngạc nhận ra rằng ông đã gầy đi một cách khủng khiếp.
Kôbasi đang khám bệnh nhân, nhưng nghe nói Naôê đến, anh tuyên bố nghỉ giải lao. Nhưng Naôê không đến phòng khám vội, mà lại đi thẳng lên các phòng nằm. Ông đagn khám cụ Isikura thì một cô y tá từ tầng một chạy lên.
- Thưa tiên sinh, các bệnh nhân đang đợi dưới kia.
- Thế Kôbasi không tiếp họ sao?
- Có ạ. Nhưng ... tiên sinh đã đến thì...
- Bảo bác sĩ Kôbasi cứ tiếp tục đi đã.
Cô y tá đi xuống.
Naôê cầm lấy cổ tay khô héo của cụ Isikura và bắt đầu đếm mạch.
- Tôi có nghe nói hôm qua cụ mệt nặng, - ông nói.
- Lão đã tưởng chết rồi, - cụ Isikura nói một cách khó nhọc, uốn lưỡi phát ra từng tiếng một.
- Lần sau hễ thấy khó thở cụ phải gọi bác sĩ ngay.
- No... đột ngột... quá...
- Thế hôm nay thì sao ạ? Ổn cả rồi chứ ạ?
Cụ Isikura khẽ gật đầu và nói chậm chậm:
- Bác sĩ ạ, bác sĩ đừng đi đâu.. Tôi xin bác sĩ...
- Được, được ạ.
Cụ Isikura đã lâu không ăn và lưỡi cụ phủ một lớp trắng. Giác mạc cụ đục, phản ứng ánh sáng kém. Cụ già quả nhiên đang mấp mé cõi chết.
- Cụ phải nằm cho thỏai mái hơn.
Cụ Isikura không đáp nửa lời. Cụ nhắm mắt và chắp tay lại như thể để cầu nguyện.
Naôê nhìn kỹ cụ già một lát rồi đi ra.
Ngòai hành lang ông hỏi Nôrikô, giọng bất bình.
- Làm sao thế? Tôi đã bảo phải chuyển ông cụ sang một cái giường khác kia mà.
- Em cũng định nói... Nhưng bác sĩ trực lại chính là Kôbasi cho nên...
- Lại càng phải nói.
- Nhưng... Ông ta biết chuyện của chúgn ta. Akikô kể.
- Thế thì sao? Quan hệ của chúng ta là một chuyện, mà côgn việc lại là một chuyện khác hẳn.
- À, bác sĩ Kôbasi có nói: nếu bệnh nhân đã yếu đến nỗi không thể khạc nhổ được thì như thế tức là đã không còn là người sống nữa ròi: có thể cứu một lần, hai lần, nhưng nói chung mọi cố gắng đều sẽ vô hiệu.
- Kôbasi nói đúng. Nhưng không thể để cho ông già chết cách đó được.
- Cách nào mà chả thế...
- Không, tuyệt nhiên không phải là chết cách nào cũng như nhau đâu. Nếu bệnh nhân chết vì sặc đờm, người thân sẽ thấy cái chết đó phi lý, quái đản. Họ sẽ trách chúng ta và trách bản thân họ.
- Trước đây em khôgn biết nghĩ đên điều đó.
- Em có biết đánh cờ tướng không?
- Không... - Nôrikô ngạc nhiên.
- Khi một ván cờ sắp tàn cuộc, người đánh cờ đã thấy rõ kết cục từ mấy nước trước. Nhưng thọat trong lên bàn cờ thì người ta có cảm giác là người đang thua cuộc chỉ chậm hơn người đang thắng cuộc có một chút thôi, một nước thôi. Trong trường họp này chắc cũng có một ấn tượng như vậy.
- Anh muốn nói cụ Isikura, phải không?
- Phải. Mọi người đều phải tin rằng chúng ta đã làm đến mức tối đa tất cả những gì có thể làm được, nhưng tiếc thay!... Vấn đề cũng chẳng phải là bao giờ cụ Isikura chết - sớm một tuần hay muộn một tuần, - mà ở chỗ làm sao cho cái chết của cụ đích đáng và phải lẽ.
- Ta phải thuyết phục cho bệnh nhân tin như thế hay sao?
- Không, thuyết phục người nhà của bệnh nhân.
- Đối với bệnh nhân thì không có một cái chết nào phải lẽ được.
Naôê đứng lại một lát, mắt đăm chiêu nhìn về phía trước.
Một cái xe cáng bệnh nhân đi qua mặt hai người, hình như họ đang đưa bệnh nhân vào phòng ngọai trú để phân tích.
- Sẽ không bao giờ có ai nói : "Tôi đã đến lúc phải chết", - Naôê nói tiếp khe khẽ.
- Anh có nhớ bà cụ Yôtsiđzaki không? Anh có nhớ bà cụ lăn lộn khổ sở như thế nào không? ... Bà cụ gào lên là thà để cho bà chết thay đứa cháu.
- Em tin như thế à ? Bà cụ nói như vậy vì bà biết rất rõ rằng không bao giờ bà có thể chết thay cho ai được.
Nôrikô thấy xốn xang khi nghe những lời này.
- Những chuyện ấy thật là khủng khiếp...
- Đúng, rất khủng khiếp.
- Đối với một bác sĩ như anh cũng thế à?
- Cái gì?
- Không... Không có gì cả...
Một ý nghĩ kỳ dị làm cho Nôrikô thấy tim mình như lặng đi: cô chợt thấy mường tượng như Naôê thuộc một thế giới khác.
- Phải bảo họ đổi giường ngay cho cụ Isikura. - Naôê quay ngoắt đi và bước xuống phòng ngọai trú.
Cùng ngày hôm ấy ông bầu của Đzyunkô Hanađzyô gọi điện vào bệnh viện. Sau khi xin lỗi vì đã im lặng trong một thời gian dài, ông ta hỏi:
- Cô ấy có thể ghé vào bệnh viện hôm nay được không ạ?
- Hình như tôi đã nói rõ ràng cho ông bie6 t cô ấy phải đến khám lại vào ngày nào. Đã qua bao nhiêu ngày rồi?
- Bác sĩ thứ lỗi cho. Chúng tôi bận quá... Bao nhiêu là việc...
- Sức khỏe cô ấy hiện nay ra sao?
- Theo tôi, nói chung là khá.
- Tôi phải gặp nữ bệnh nhân ngay.
- Vâng - vâng, tôi hiểu. Hiện nay cô ấy đang ở studio...
- Bao giờ cô ấy có thể đến?
- Đến sáu giờ chiều sẽ xong buổi ghi hình.
- Hôm nay tôi không trực. Đến chiều tôi sẽ không có mặt ở đây.
- Nhưng Hanađzyô rất muốn được gặp ông. Và đúng vào ngày hôm nay. Có lẽ bác sĩ có thể chịu phiền chiều chúng tôi một chút? Bác sĩ có thể đợi cô ấy được không?
- Thế ngày mai? Ngày mai cô ấy sẽ làm gì?
- gnày mai chúng tôi sẽ đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh Kansai. Thành thử xin bác sĩ thứ lỗi, nhưng...
- Được, tôi sẽ đợi. Nhưng chỉ đến sáu giờ thôi.
- Cám ơn bác sĩ! Chúng tôi sẽ cố sao để kịp đến đúng giờ. Chậm nhất là sáu giờ rưỡi.
Ông bầu xin lỗi một lần nữa rồi bỏ ống máy xuống.
Công việc đã hết, và các bác sĩ đã về nhà. Naôê ngả mình trên chiếc đi-văng trong phòng điều hành. Nhưng ông chưa kịp giở một cuốn sách ra đọc thì Ritsukô đã xuất hiện.
Bà ta ăn mặc khá cầu kỳ: một bộ đồ bằng tweed màu sô-cô-la vạch ra-rô nhỏ, và bên trong là một cái blouse màu hồng rất nhã.
- Tiên sinh vần còn ở đây à?
- Vâng, tôi đợi một nữ bệnh nhân. - Naôê bỏ cuốn sách xuống và ngồi dậy.
- Đến ốm, tiên sinh cũng không có thì giờ để mà ốm một cách yên tĩnh nữa. Vừa đỡ một chút đã phải đi làm việc... - Ritsukô tỏ ý đồng cảm.
- Thế bác sĩ trưởng đâu ạ?
- Ông ấy có buổi họp ở Hội đồng thị chính : họp Ủy ban Giáo dục.
Ritsukô nhặt mấy tờ báo vương vãi trên sàn và đột nhiên đề nghị:
- Có lẽ ta sang phòng văn thư đi.
- Sang phòng văn thư ư?...
- Vâng. Thế bao giờ nữ bệnh nhân của ông đến?
- Sáu giờ.
- Còn những nửa giờ nữa. Thế thì mời bác sĩ ta sang bên kia một lát.
Naôê miễn cưỡng đứng dậy đi theo Ritsukô. Trong phòng văn thư không còn ai.
- Ở đây ấm cúng hơn nhiều.
Ritsukô đã đưa từ phòng bên sang nào phó-mát, nào bia. Bà quả quyết mở hai cái hộp ra, rót bia vào hai cái cốc, rồi đưa một cái cho Naôê. Bà nâng cái cốc của mình lên, gật đầu mời Naôê và uống mấy ngụm.
Ritsukô bao giờ cũng có hóa trang, nhưgn hôm nay bà đánh đậm hơn thường ngày - chắc có dự tính đến ánh đèn điện.
- Bây giờ nhiều người ốm lắm. Cần phải giữ gìn sức khỏe cẩn thận. - Ritsukô nhìn Naôê đăm đăm. - Bác sĩ bây giờ gầy đi nhiều quá đấy.
- Thế ạ? - Naôê đưa tay sờ lên hai cái má lởm chởm không cạo.
- Tôi cũng thấy trong người khó chịu thế nào ấy. Đau lưng quá. Hôm trươc tôi đã có nói với bác sĩ rồi... Tôi e đó là bệnh lao không biết có phải không? Có lẽ nên chiếu điện?
- Khó lòng có thể là bệnh lao.
- Nhưng bác sĩ đã khám tôi đâu mà biết!
- Ở tuổi bà thì không thể ho lao được đâu.
- Tại sao ông có thể lấy làm thích chí khi nói với tôi những lời khó nghe như vậy? - Ritsukô đưa mắt lườm Naôê một cách giận dỗi. - Tôi yêu cầu ông một cách nghiêm túc đấy, ông khám tôi đi.
- Mai đến buổi khám, bà đến gặp tôi.
- Ôi, không được đâu! Ở phòng khám có các cô y tá... Không, như thế phiền lắm.
- Thế thì sao, khám ở đây à?
- Ở đây? Ritsukô sửng sốt. - Không được, ở đây bất tiện lắm...
- Thế thì ta xuống phòng khám ngọai trú.
- Không-không, không đời nào!
- Tôi không hiểu. Vậy thì bà muốn thế nào?
- Thôi được. Ở đây vậy. Nhưng nếu có ai vào, bác sĩ phải cắt nghĩa cho người ta hiểu. Vậy tôi cởi áo nhé?
Naôê gật đầu.
Ritsukô áp hai lòng bàn tay lên hai má nóng bừng. Rồi bà bước nhanh ra cửa sổ kéo rèm cho kín lại.
- Ông đừng nhìn.
- Được.
Naôê ngoan ngõan nhắm mắt lại.
- Khi nào tôi bảo mới được mở ra đấy.
Vừa nhìn Naôê, Ritsukô vừa cởi quần áo.
Bà cởi cái áo vét, gấp lại cẩn thận và đặt lên đi-văng. Sau đó bà mở khuy áo cởi áo blouse, cố đừng làm hỏng mái tóc. Vừa thở dài một tiếng, bà vừa trật hai quai áo xuống - bên vai này, rồi bên vai kia.
- Cởi hết à?
- Vâng, Naôê đáp, mắt vẫn nhắm.
Hai tay Ritsukô quặt ra phía sau để cởi cái khóa sau lưng.
- Ồ-hồ-hồ-hồ... lạnh quá! - Ritsukô rùng mình, tuy lò sưởi điện họat động rất tốt và trong phòng hơi nóng.
- Sao rồi ? Mở mắt được chưa?
- Nhưng ông làm ơn nhanh nhanh một tý nhé...
Naôê quay lại. Ritsukô đang đứng yên, hai vai co lại, hai tay cố che kín ngực.
Đến gần hơn, Naôê nhận thấy hai bàn tay đang đỡ cái xu-chiêng đều run.
- Bà cúi xuống.
Ritsukô cúi đầu và hơi khom lưng xuống.
Naôê sờ cột xương sống.
- Bây giờ từ từ thẳng người lên. Cúi xuống một lần nữa. - Ritsukô nhắm nghiền hai mắt trong khi trên lưng bà cảm nhận những ngón tay linh họat của Naôê. Những sự va chạm nhẹ của mấy ngón tay ấy như truyền qua người bà một luồng điện.
- Ưỡn ra phía sau.
- Thế này ạ?
- Thêm chút nữa. Bây giờ nghiêng bên phải. Bên trái.
Ritsukô ngoan ngoãn làm theo những mệnh lệnh của Naôê.
- Như thế này có đau không?
- Không, - Ritsukô thì thào rất khẽ.
- Được. - Naôê bỏ tay ra. - Đến đây thì không có gì. Bây giờ bà quay lại đây.
Hai tay vẫn áp vào ngực, Ritsukô từ từ quay lại.
- Thế này được chưa? - Bà hỏi lại, vẻ phân vân.
Naôê đứng sát lại.
- Ông làm cái gì thế? Buông ra! ... Bỏ tôi ra... - Ritsukô thì thầm nhắc đi nhắc lại, thậm chí cũng không hề cố tránh ra. Bà ngửa đầu ra một cách lả lơi và hé mở đôi môi.
Naôê lạnh lùng xem xét những nếp nhăn li ti từ góc đôi mắt nhắm nghiền tỏa ra thành hình quạt. Ritsukô dang hai tay ra. Cái xu-chiêng nãy giờ bà vần lấy tay giữ trên ngực, bây giờ đã rơi xuống sàn. Hai tay Ritsukô mơn trớn đôi vai và tấm lưng của Naôê.
Bỗng có tiếng chuông điện thọai giật giọng. Sau hồi chuông thứ ba Naôê cầm máy lên.
- Xin lỗi, ở đây có bác sĩ Naôê không ạ? - Cô y tá trực hỏi.- Có một nữ bệnh nhân đến tìm bác sĩ.
- Tôi hiểu rồi. Tôi xuống ngay.
Ritsukô đứng yên, một tay che ngực, một tay che mặt.
- Tôi phải đi.
Nhìn qua mấy ngón tay, Ritsukô thấy Naôê cầm khăn mặt lau miệng, sửa lại cà-vát và ra khỏi phòng.
- Chào bác sĩ ! Xin lỗi là mấy hôm trước không đến được, - Đzyunkô vừa nói, giọng như hát, vừa bỏ kính râm. Mặt cô trong thời gian nằm bệnh viện đã tròn ra được một chút, bây giờ lại gầy đi, đôi mắt không còn trong như dạo ấy nữa.
- Cô thấy trong người thế nào?
- Tốt ạ. Định ghé bác sĩ từ lâu mà không có thì giờ... Thôi bác sĩ đừng mắng nhé.
- Công việc vần lút đầu lút cổ à?
- May thay, đúng như thế.
- May thay ư?
- Dĩ nhiên. Đối với một nghệ sĩ đó là điều may mắn.
- Thế. - Naôê mặc áo blouse và rửa tay. - Thử xem nào. Giỏ đựng áo quần trong góc ấy.
Đzyunkô đóng cửa lại và cởi chiếc áo khóac dày làm bằng lông lạc đà. Trong phòng làm việc, ngoài họ ra không còn ai nữa : cô y tá trực chưa kịp đến.
- Không đau chứ?
- Có hai ba lần thấy nhói nhói, nhưng lại hết ngay.
Khám xong, Naôê đặ ty cụ vào nồi khử trùng và ngồi xuống viết kết luận.
- Bác sĩ ạ, - Đzyunkô đang mặc áo quần sau tấm bình phong gọi ra. - Tối nay bác sĩ rỗi chứ?
- Vâng.
- Có lẽ bác sĩ đi với tôi một lát nhé? Tôi có hứa sẽ chiêu đãi bác sĩ. Kia, sao im lặng thế? Đồng ý không?
- Đồng ý.
- Thế thì tuyệt ! - Đzyunkô mừng rỡ reo lên.
Cô từ phía sau tấm bình phong bước ra, trên người đã khóac măng tô. Được đóng khung trong cái cổ bẻ rất to của chiếc áo lông, khuôn mặt trông còn mảnh hơn nữa.
- Được. Tôi chỉ sang phòng điều hành mặc áo một chút.
- Tôi đợi ngoài xe.
Trong hành lang Naôê chạm phải Tômôkô Kawai.
- Xin lỗi. - Tômôkô thở hổn hển. - Em mải làm mấy việc trong phòng bệnh nhân cho nên để quá giờ.
- Không sao, tôi đã làm xong hết rồi.
Tômôkô liếc nhìn Đzyunkô một cách nghi hoặc.
Ở phòng điều hành, Ritsukô đang đón đợi Naôê.
- Thật là vô lương tâm, - bà rít lên khe khẽ.
- Cái gì thế?
- Bỏ người ta mà đi...
- Có bệnh nhân đến.
- Có thì sao! Ai lại như thế... - Cái hôn duy nhất đã làm cho Ritsukô dạn dĩ lên. - Khám xong rồi chứ?
- Vâng. Nhưng tôi phải đi.
- Anh thật là nhẫn tâm, thật đấy!...
- Tôi? Tôi nhần tâm ấy à?
- Đúng, anh là một con người tàn nhẫn, - Ritsukô bước vào phòng điều hành.
- Thế anh định đi đây đấy?
- Về nhà.
- Thật không? Hay là đi đến chỗ hẹn hò?
Mắt không nhìn rRitsukô, Naôê cài khuy áo măng-tô.
- Liệu đấy, tôi sẽ kiểm tra. - Bà hăm dọa. - Bao giờ sẽ gặp lại?
- Tôi không biết.
- Anh nói rõ đi.
- Tuần sau.
- Lúc nào?
- À... Lúc nào tiện bà gọi điện cho tôi đi.
- Thứ hai tôi sẽ gọi, được không?
- Được.
- Nhưng đừng có mà lừa tôi!
- Nhỡ tôi lừa thì sao? - Naôê phì cười.
- Thì sao ấy à? - Ritsukô nheo nheo đôi mắt. - Nếu thế tôi sẽ nói với mọi người là anh tán tỉnh thôi.
Naôê ném lên Ritsukô một cái nhìn ngạo nghễ rồi ra khỏi phòng điều hành.
Cái quán ăn nhỏ mà Đzyunkô mời Naôê vào nằm trong một khu vực náo nhiệt ở giữa Rôpponghi và Nôghiđzaki, đó là một quán nổi tiếng về các món bit-tết. Đzyunkô nghĩ rằng ở đây Naôê sẽ thấy thích. Cô thích đến đây vì trong những hiệu ăn lớn người ta thường dòm ngó cô, còn ở đây thì không có ai để ý.
- Bác sĩ muốn gọi gì?
- Sakê.
Người hầu bàn ngơ ngác nhìn Naôê.
- Phải, bác sĩ có nói là bác sĩ thích rượu nếp hơn cả. - Đzyunkô đỡ lời. - Ở đây có sakê không? - Cô quay về phía người hầu bàn.
- Chắc là có ạ...
- Làm ơn dọn ra nhé. Hâm nóng thì tốt.
Người hầu bàn vẫn phân vân.
- Sakê ạ? ... Nhắm với bít-tết ạ?
- Thì có khác gì! - Naôê nhún vai.
- Có lẽ tôi cũng sakê luôn, - Đzyunkô họa thêm.
Khi người hầu bàn đã đi xa, cô cười phá lên.
- Ở đây chắc chưa có ai gọi sakê bao giờ.
- Thế à? ... Thế mà tôi không biết.
- Ở quán này có món awabi và món tôm ngon lắm. Có lẽ ta ăn món tôm nhé?
- Ăn awabi thì hơn.
Đzyunkô gọi hai bít-tết và một awabi. Ngay bên cạnh bàn có đặt một cái bếp. Một người đầu bếp đến và bắt đầu đặt chảo lên.
- Hay là ta đến một hiệu ăn có các món ăn Nhật bản?
- Ồ không, ở đây được rồi. Miền là có sakê.
Đzyunkô lại mỉm cười.
Sau bữa ăn tối, cô đưa Naôê đến một quán bar nhỏ dọn ở tầng hầm. Quán được ngăn ra thành năm buồng. Sàn phủ một tấm thảm sang trọng, cách bài trí nội thất theo đúng phong cách của cung điện ở thế kỷ thứ XVII.
Hình như Đzyunkô rất hay đến đây: người bán bar lập tức nhận ra cô và mời vào buồng. Đối với quán bar giờ này hãy còn sớm, khách còn thưa thớt.
- Làm ơn cho ít sakê, - Đzyunkô yêu cầu.
- À, cái này mới đây! - Người hầu bàn nhìn Đzyunkô và người bạn trai của cô, vẻ quan tâm đặc biệt.
Đzyunkô uống được khá nhiều. Mà hôm nay thì cô lại có phần cao hứng: rượu sakê ở đây là loại thượng hạng, cô được rỗi suốt buổi tối, cho nên Đzyunkô uống hết ly này đến ly khác. Một giờ sau cô đã say rõ rệt.
- Bác sĩ này, thử nhìn tôi một chút. Má có đỏ không?
- Không đỏ lắm.
- Chà! - Đzyunkô cười khanh khách. - Ông lại nhìn tôi như một bác sĩ nhìn bệnh nhân.
Một màu hồng phơn phớt ửng lên trên đôi gò má, làm cho gương mặt xanh xao của Đzyunkô sinh động lên. Trông cô thật kiều diễm và đáng yêu. Tính phóng đã tiềm ẩn trông cô mỗi lúc một hiện rõ thêm.
- Thế bác sĩ không bao giờ say à?
- Tại sao? - Naôê ngạc nhiên. - Cũng như mọi người thôi.
- Thế mà bây giờ thì hoàn toàn tỉnh táo... Có lẽ men không thấm hay sao? - Đzyunkô đặt cái chén không xuống bàn.
- Không thấm... - Naôê cười, mắt nhìn bàn tay trau chuốt, thanh nhã của cô.
- Có thật cô Simura của ông tuyệt vời đến không? - Đzyunkô hỏi một cách đột ngột.
- Simura nào?
- Thôi đừng vờ nữa, tôi biết hết rồi. Cô hộ lý đã kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện. Tôi với cô ấy đã đi đến kết luận rằng ông bác sĩ của chúng tôi quá trinh bạch ... Thế nào? - Đzyunkô rướm thẳng người ra một cách đầu thách thức. - Như tôi đây cũng chẳng xấu nào, phải không?
Naôê thích thú nhìn cô. Trên gương mặt Đzyunkô không còn chút bóng dáng của sự ngây thơ.
- Sao ông lại nhìn tôi bằng đôi mắt băng giá như vậy? - Đzyunkô nhìn chằm chằm vào mắt Naôê. Rồi, không chịu được nữa, cô nhìn ra chổ khác. - Cứ nghĩ rằng ông đã biết tỏ tường mọi thứ trên thân thể tôi, tôi thấy chán quá. Chắc tôi đối với ông chẳng còn chút hứng thú gì.
Naôê ghé miệng bên tai Đzyunkô:
- Em này... em vẫn thường chích ma túy đấy à? Hay là tôi nhầm?
Đôi mắt đen của Đzyunkô mở to ra vì ngạc nhiên.
- Tại sao anh...kết luận như vậy?
- Tại vì tôi làm thầy thuốc. Tôi hiểu hơn những người khác.
Đzyunkô cúi đầu.
- Có ... Nhưng không nhiều. Chỉ thỉnh thoảng khi nào mệt quá.
- Em đừng sợ, tôi sẽ không giảng luân lý đâu. Chẳng qua... Nếu em muốn thì tôi có đấy.
- Ngay bây giờ ấy à?
- Ừ.
- Anh có đem theo à?!
- Dĩ nhiên là không, ở nhà ấy.
- Nhưng... Tại sao anh lại cho là em muốn?
- Thế em không muốn à?
- Chà ... Bác sĩ! Anh cũng chẳng phải là một thiên thân. - Và Đzyunkô vịn vào cánh tay Naôê.