Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6941 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố
Alexander Pushkin

ÔNG CHỦ HIỆU ĐÁM MA
Ngày ngày vẫn chưa thấy ư những chiếc
quan tài,
Và những đầu bạc phơ của vũ trụ già cỗi
?
Đergiavin(1)


Những đồ vặt vãnh cuối cùng của bác chủ hiệu đám ma Ađrian Prôkhôrốp đã chất lên trên chiếc xe đòn và cặp ngựa gầy còm ì ạch kéo chuyển thứ tư từ phố Baxmannaia về phố Nikítxkaia(2), nơi bác đã dọn cả nhà mình đến. Bác đóng cửa hiệu lại, treo lên cánh cửa một tấm biển đề: "Nhà bán hay cho thuê", rồi đi bộ về chỗ ở mới. Gần đến ngôi nhà nhỏ màu vàng, - ngôi nhà này đã quyến rũ trí tưởng tượng của bác từ lâu, và cuối cùng bác đã tậu nó với một món tiền khá lớn, - bác chủ hiệu già này ngạc nhiên cảm thấy lòng mình không được vui. Bước qua ngưỡng cửa, đi vào trong gian nhà đang bề bộn ngổn ngang, bác nhớ tiếc túp nhà cũ hư nát, nơi mà suốt mười tám năm qua bác đã giữ được một trật tự rất nghiêm ngặt; bác rầy la hai cô con gái và chị đầy tớ làm ăn chậm chạp, và tự mình bắt tay vào giúp đỡ họ. Trong chốc lát, nhà đã gọn gàng ngăn nắp. Chiếc tủ thờ có tượng thánh, tủ chén bát, cái bàn, đi-văng và giường nằm đều đã yên vị ở những góc dành cho nó trong phòng sau, ở nhà bếp và nhà khách thì xếp các sản phẩm của chủ nhân: những chiếc quan tài đủ các màu sắc, và đủ các cỡ, cả cái tủ chứa mũ áo đám ma và những cây đuốc nữa. Trên cửa hàng, treo một tấm biển có vẽ hình thần Amua béo tốt tay cầm một cây đuốc chúc ngược xuống(3), bên cạnh có đề mấy dòng chữ: "Ở đây bán áo quan loại gỗ mộc và loại gỗ sơn, cũng có cho thuê và sửa chữa quan tài cũ"(4). Các cô con gái đã về buồng riêng. Ađrian dạo quanh nhà, rồi đến ngồi bên cửa sổ vào bảo đun ấm xa-mô-va.
Độc giả có học thức cao rộng chắc cũng biết rằng Sếchxpia(5) và Uôntơ Scốt(6) đã tả những phu đào huyệt là những con người vui tính và hay bông đùa, để thế tương phản ấy đập mạnh vào trí tưởng tượng của chúng ta. Vì tôn trọng sự thực, chúng tôi không thể bắt chước các văn hào ấy mà buộc phải thú nhận là tính tình của bác chủ hiệu này hoàn toàn phù hợp với cái nghề ảm đạm của bác ấy. Ađrian Prôkhôrốp thường đăm chiêu và tư lự. Thảng hoặc bác có lên tiếng chăng thì chỉ để rầy la các cô con gái, khi bất chợt bắt được họ đang rỗi rãi lẳng lơ nhìn khách qua đường bên cửa sổ, hoặc để nâng cao giá hàng của mình lên với những kẻ bất hạnh (cũng có khi là may mắn) cần dùng đến thứ hàng ấy. Và đây, Ađrian ngồi bên cửa sổ, bác đã uống đến chén trà thứ bảy, và vẫn như thường lệ, đang đắm chìm trong những ý nghĩ buồn bực của mình. Bác đang nghĩ đến trận mưa rào trước đây một tuần đã đón đường đám ma của viên đại tá hồi hưu ở cửa ô. Bao nhiêu áo tang bị nhăn nhúm, bao nhiêu mũ bị quăn cả lên. Bác thấy trước những phí tổn không thể nào tránh khỏi, vì mớ báo tang dự trữ lâu ngày ấy đã trở về với bác trong một tình trạng thảm hại. Bác trông mong vào mụ nhà buôn già Tơriukhina để bù lại chỗ tổn thất ấy: mụ này ngắc ngoải đã gần một năm nay rồi. Nhưng mụ Tơriukhina có chết thì lại chết ở phố Radơgulai, và Prôkhôlốp lo lắng những kẻ thừa kế gia tài mặc dầu đã hứa hẹn trước vẫn sẽ không chịu đi xa như thế này để tìm mình và họ sẽ thuê luôn nhà thầu gần đó.
Bỗng ba tiếng gõ cửa theo kiểu hội tam điểm(7) đến cắt dòng tư tưởng của bác.
Bác chủ hiệu hỏi: "Ai đấy?". Cửa mở, một người bước vào: chỉ mới thoạt nhìn ai cũng biết đó là một tay thợ thủ công người Đức; nét mặt vui vẻ, người Đức đến gần bác chủ hiệu. "Xin lỗi bác, ông bạn láng giềng thân mến, - bác ta nói tiếng Nga với cái giọng lơ lớ của người ngoại quốc mà cho đến nay ai nghe cũng phải bật cười, - tôi đến quấy rầy bác thế này thật không phải. Tôi nóng lòng muốn làm quen với bác. Tôi làm thợ giày tên là Gốtlíp Suntxơ, ở bên kia đường, nơi ngôi nhà nhỏ kia kìa, đối diện ngay với cửa sổ bác đấy mà. Ngày mai tôi có việc làm lễ mừng đám cưới bạc(8) của chúng tôi, xin mời bác và hai cô sang tham dự bữa cơm thân mật". Lời mời được tiếp nhận vui vẻ. Bác chủ hiệu đám ma mời người thợ giày ngồi xuống uống chén trà; nhờ tính tình cởi mở của Gốtlít Suntxơ nên chẳng mấy chốc họ đã chuyện trò thân mật. Ađrian hỏi: "Dạo này bác buôn bán ra sao?" Suntxơ đáp: "Ôi chà chà, cũng nhì nhằng vậy thôi. Chẳng có gì đáng phàn nàn. Thực ra dù sau hàng của tôi cũng không thể như hàng của bác được, người sống không có giày mang cũng xong; chứ người chết mà không có quan tài thì không thể sống được". Ađrian nói: "Có thế thực, người sống không tiền mua giày, nói thì bác đừng giận, chứ họ đi chân đất cũng được, còn người chết nghèo kiết dù không có tiền trả cũng được người ta bố thí cho chiếc quan tài". Cứ như thế, chuyện trò kéo dài hồi lâu; cuối cùng người thợ giày đứng dậy cáo từ và một lần nữa nhắc lại với bác chủ hiệu đám ma lời mời của mình.
Hôm sau, đúng mười hai giờ trưa, bác chủ hiệu đám ma và các cô con gái ra khỏi cửa ngôi nhà mới, sang nhà láng giềng. Tôi sẽ không tả cái áo ca-phơ-tan Nga của Ađrian Prôkhôrốp và trang phục theo kiểu châu Âu của các cô Akulina và Đaria (và như vậy là đã vi phạm một thói quen của các nhà viết tiểu thuyết thời nay). Nhưng tôi thiết tưởng cũng nên nói thêm rằng hai cô đều đội mũ vàng, đi giày đỏ, những thứ như các cô cũng dùng đến trong những dịp long trọng.
Căn nhà nhỏ của bác thợ giày đã đầy khách, phần đông là những thợ thủ công người Đức cùng đi với vợ và những người thợ phụ. Về phía viên chức Nga thì duy nhất chỉ có một viên cảnh binh, người dân tộc Tsukhônét(9) tên là Urơcô, mặc dù chức tước nhỏ mọn, vẫn được chủ nhân tiếp đón nồng hậu. Trong hai mươi lăm năm trời, với chức tước ấy, bác đã phục vụ trung thành và thật thà cũng như bác phu trạm của Pôgôrenxki(10). Khói lửa năm 1812 (khi quân Napôlêông vào Mátxcơva) tàn phá đệ nhất kinh đô(11), đã triệt hạ cả chiếc trạm gác màu vàng của bác. Nhưng lập tức, ngay sau khi kẻ thù bị đánh đuổi, trên địa điểm cũ lại xuất hiện một trạm gác mới, màu xám, với những cây cột trắng theo kiểu Đôriđa(12), và Urơcô lại đi đi lại lại bên cạnh cái trạm gác ấy, tay cầm lưỡi tầm sét, mình mặc áo giáp(13). Bác quen biết được hầu hết những người Đức ở gần cửa ô Nhikítxki, và trong bọn đó còn đến ở lại nhà bác từ tối chủ nhật đến sáng thứ hai nữa là khác. Ađrian làm quen ngay với bác này, một kẻ mà chóng hay chầy thì cũng có lúc cũng sẽ cần đến; và khi khách khứa an toạ thì hai người cùng ngồi bên nhau. Ông Suntxơ, bà Luyda Suntxơ cùng cô con gái, cô Lốtsen, tuổi vừa mười bảy cùng ngồi vào bàn ăn tiếp khách, vừa mời mọc vừa giúp chị đầu bếp phục vụ. Rượu bia rót tràn trề. Urơcô một mình ăn bằng bốn người, Ađrian cũng không chịu kém; các cô con gái thì còn giữ nết; chuyện trò bằng tiếng Đức càng lâu càng náo nhiệt. Bỗng chủ nhân yêu cầu mọi người chú ý và mở một chai rượu đang nguyên xi, cất cao giọng bằng tiếng Nga: "Chúc sức khoẻ Luyda vợ hiền của tôi!" Rượu sâm-banh trào bọt ra. Chủ nhân âu yếm hôn lên khuôn mặt hồng hào của bà vợ trạc độ bốn mươi ngồi bên cạnh, tất cả khách khứa ầm ĩ cạn chén chúc sức khoẻ bà Luyda. "Chúc sức khoẻ tất cả các vị khách thân mến của tôi!" - chủ nhân tuyên bố, tay mở chai rượu thứ hai, khách khứa cám ơn chủ nhân, rồi lại cạn chén. Những lời chúc sức khoẻ bắt đầu như thế và cứ như nối tiếp nhau: họ uống chúc sức khoẻ từng người, chúc sức khoẻ Mátxcơva, chúc sức khoẻ cả một tá những thành phố nhỏ ở Đức, chúc sức khoẻ các phường hội nói chung, rồi mỗi phường hội nói riêng, chúc sức khoẻ các thợ cả, rồi chúc sức khoẻ các thợ phụ. Ađrian tha hồ ăn uống và cao hứng đến mức bác ta cũng đề nghị nâng cốc bằng một câu khôi hài. Bỗng trong hàng khách dự tiệc, bác thợ làm bánh to béo nâng cốc và lớn tiếng: "Chúc sức khoẻ tất cả những người dùng hàng của chúng ta, unserer Kundleute *!". Cũng như mọi lần trước, đề nghị này được mọi người vui vẻ đồng thanh hưởng ứng. Khách bắt đầu chúc lẫn nhau, bác thợ may chúc bác thợ giày, bác thợ giày chúc bác thợ may, bác hàng bánh chúc cả hai người, tất cả mọi người chúc bác hàng bánh và cứ thế tiếp tục mãi. Giữa những lời chúc tụng lẫn nhau ấy, Urơcô quay sang ông bạn bên cạnh hét to: "Thế nào đây? Bác cũng phải nâng cốc chúc sức khoẻ các người chết của bác chứ!" Mọi người phá lên cười. Nhưng bác chủ hiệu đám ma cho rằng họ mỉa mình và sa sầm nét mặt. Cũng chẳng ai để ý đến điều đó, khách tiếp tục ăn uống, và khi họ đứng dậy thì hồi chuông lễ buổi chiều đã vang lên.
Khách tản mát ra về thì đã quá muộn, phần đông ngà ngà say. Bác hàng bánh to béo và anh thợ đóng sách, khuôn mặt "trông như một bìa da láng hồng"(14) vừa khoát tay dắt Urơcô về trạm gác vừa suy ngẫm về câu tục ngữ Nga trong trường hợp này: "Nợ đời có vay có trả". Bác chủ hiệu đám ma ra về, vừa say vừa cáu: "Thực ra là thế nào hả? - Bác lớn tiếng suy luận như vậy, - nghề của ta đây không lương thiện bằng các nghề khác hay sao? chủ hiệu đám ma có phải là anh em của đao phủ đâu? tụi dị giáo ấy cười cái gì? Chủ hiệu đám ma có phải là thằng hề của ngày lễ Nô-en đâu? Ta định mời chúng ăn mừng nhà mới, thết đãi cho ra hồn: nhưng đã vậy thì thôi! Ta sẽ mời khách dùng hàng của ta, ta sẽ mời những người chết chính giáo". - "Sao thế hả ông? - Chị đày tớ đang cởi giày cho bác hỏi, - ông nói nhảm nhí gì vậy? Hãy làm dấu đi! Mời người chết về ăn mừng nhà mới? Ý muốn gì quái gỡ thế!" - "Thế đấy, nói có trời, - Ađrian nói tiếp, - ta sẽ mời và ngay ngày mai đấy! Các ngài hãy đến cho kịp thời, hỡi các ân nhân của tôi, mời các ngài chiều mai đến dự tiệc ở nhà tôi, nhà tôi có gì tôi sẽ đem thết đãi các ngài hết". Dứt lời bác vào giường nằm và trong chốc lát đã ngáy khò khò.
Ngoài sân còn tối mịt, người ta đã đánh thức Ađrian dậy. Mụ lái buôn Tơriukhina đã chết ngay đêm hôm ấy, lão quản lý của mụ cho người phi ngựa cấp báo với Ađrian tin này. Bác chủ hiệu đám ma tặng người đưa tin mười cô-pếch làm quà uống rượu rồi vội vã mặc áo quần, thuê xe và đi ngay đến Radơgulai. Trước cửa nhà người chết, cảnh sát đã đứng sẵn, bọn lái buôn láo nháo như lũ quạ đánh hơi được xác chết. Kẻ quá cố nằm trên một chiếc bàn, vàng ệu như sáp, nhưng hãy còn chưa trương phình lên. Xung quanh mụ, họ hàng, láng giềng, gia thuộc chen chúc. Các cửa sổ đều mở toang, nến thắp sáng trưng; các linh mục đang cầu kinh. Ađrian lại gần người cháu mụ Tơriukhina, một chàng lái buôn trẻ tuổi, mặc áo lễ rất hợp thời trang, trình bày với y rằng: áo quan, nến, vải phủ quan tài và mọi thứ cần dùng cho tang lễ đều được đưa đến tức khắc, tất cả đều chu tất. Anh chàng thừa kế ấy lơ đễnh cám ơn bác và nói rằng y không mặc cả, hoàn toàn tin cậy vào lương tâm của bác. Bác chủ hiệu đám ma theo thói quen thề rằng sẽ không lấy thừa một đồng nào; bác trao đổi một cái liếc nhìn đầy ý nghĩa đối với viên quản lý và chạy đi lo liệu công việc cần thiết. Suốt ngày bác chạy đi chạy về giữa Radơgulai và cửa ô Nhikítxki; đến chiều xong mọi việc, bác không thuê xe nữa, đi bộ về nhà. Đêm ấy sáng trăng. Bác chủ hiệu đám ma khoan khoái về đến cửa ô Nhikítxki. Gần đến nhà thờ Mừng Chúa thăng thiên, bác cảnh binh Urơcô quen biết của chúng ta cất tiếng hô "đứng lại" nhưng nhận ra bác chủ hiệu đám ma, bèn chúc bác về ngủ ngon giấc. Khuya rồi. Bác chủ hiệu đám ma đã về gần đến nhà. Bỗng bác thấy hình như có ai đi tới trước cổng, mở cánh cửa ra và lẫn biến vào trong. "Như thế là thế nào? - Ađrian thầm nghĩ. - Ai có việc cần đến mình bây giờ nhỉ? Hay một tên ăn trộm muốn vào cuỗm cái gì của mình? Hay lũ tình nhân nào đến tìm mấy con bé mất nết? Chắc là triệu bất tường rồi đây!" Và bác đã nghĩ đến việc gọi ông bạn Urơcô đến. Ngay lúc ấy, một người nữa đến gần bên cửa sắp bước vào, nhưng thấy chủ nhân đang chạy lại, thì dừng chân, cất chiếc mũ ba góc xuống chào. Ađrian thấy một gã hình như quen quen, nhưng không kịp chú ý nhìn kỹ. "Ông đến nhà tôi à? - Ađrian vừa nói vừa thở hổn hển. - Mời ông chiếu cố quá bộ vào nhà". - "Đừng khách sáo nữa bác ạ, - người kia đáp lại giọng trầm trầm, - xin mời bác vào trước và chỉ đường cho khách!" Ađrian có khách sáo bao giờ đâu. Cửa đã mở, bác leo lên cầu thang, và người kia nối gót theo sau. Ađrian nghe như trong nhà có nhiều bước chân người. "Ma quỷ gì thế!" - bác nghĩ thầm và bước vội vào phòng... Cặp giò bác khuỵu xuống. Gian phòng chật ních những người chết. Ánh trăng xuyên qua cửa sổ, chiếu lên những khuôn mặt vàng ệu xanh nhợt của họ, những cái mồm sâu hoắm, những con mắt đục nhờ nhờ hé mở, những lỗ mũi toang hoác... Ađrian khiếp sợ nhận ra họ là tất cả những người mà bác đã đưa đi chôn và cùng vào với bác chính là viên đại tá mà bác đưa đám hôm có trận mưa rào. Tất cả bọn họ, đàn bà và đàn ông xúm quanh bác chào hỏi và chúc mừng, chỉ trừ một con ma nghèo kiết vừa mới được chôn bố thí, lúng túng và thẹn thùng vì rách rưới không đến gần, thủ phận đứng ở một góc. Mọi người khác đều ăn mặc chỉnh tề: những người đàn bà đội mũ mềm có dải lụa, những người chết có chức tước thắng cả một bộ sắc phục, nhưng râu ria không cạo, bọn lái buôn thì khoác áo ca-phơ-tan ngày lễ. "Thấy không, bác Prôkhôrốp, - viên đại tá thay mặt đám khách lương thiện nói, - theo lời mời của bác, tất cả chúng tôi đều trỗi dậy. Còn lại chăng ở nhà là những kẻ đã ruỗng nát chỉ còn bộ xương không có da, nhưng kia, tuy thế, trong số đó vẫn có một người không cầm lòng được, - anh ta muốn đến thăm bác quá chừng..." Ngay lúc ấy một bộ xương thấp bé rẽ đám đông tiến đến gần Ađrian. Chiếc sọ dừa mỉm cười thân mật với bác chủ hiệu. Nhưng miếng giẻ dạ xanh màu lá cây và màu đỏ, những mảnh vải rách treo lủng lẳng trên người y như đính trên ngọn sào và bộ xương ống chân va lộc cộc vào đôi ủng kếch sù như cặp chày giã trong cối. "Bác không nhận ra tôi ư, bác Prôkhôrốp, - bộ xương nói, - bác không nhớ viên đội vệ binh hưu trí Piốt Pêtơrôvích Curinkin, người bác bán chiếc quan tài đầu tiên năm 1799, chiếc quan tài bằng gỗ thông mà bác bảo là gỗ sồi ấy mà?" Dứt lời bộ xương dang hai cánh tay xương xẩu ôm lấy bác, còn Ađrian thì cố hết sức hét lên và đẩy bộ xương ra. Piốt Pêtơrôvích lảo đảo ngã rụi xuống, vỡ vụn thành từng mảnh. Tiếng rì rầm bất bình nổi lên giữa đám người chết; tất cả đều đứng ra bảo vệ danh dự cho bạn họ, họ xông vào Ađrian mà nguyền rủa và đe dọa, còn bác chủ nhà khốn khổ ù tai vì những tiếng la ó của họ, thấy ngột ngạt, hồn vía lên mây, ngã quỵ trên những mảnh xương tàn của viên đội hưu trí và ngất đi.
Mặt trời rọi đã lâu vào giường của bác chủ hiệu đám ma nằm. Cuối cùng bác mở mắt ra và thấy trước mặt mình chị đày tớ đang thổi lửa trong ấm xa-mô-va. Bác sợ hãi nhớ lại những biến cố đêm qua. Tơriukhina, viên đại tá, viên đội Curinkin mờ mờ hiện ra trong trí tưởng tượng của bác. Bác yên lặng chờ chị đày tớ nói chuyện về những biến cố đêm qua.
- Ông Ađrian Prôkhôvôvích ngủ say quá đi mất, - Acxinhia vừa nói vừa trao cho bác chiếc áo khoác dài. – Ông thợ may bên cạnh có ghé thăm ông, và bác cảnh binh đến báo với ông rằng hôm nay là ngày lễ thánh của bác ấy, nhưng ông ngủ say quá, chúng tôi không muốn đánh thức dậy..
- Có ai đến đây hỏi tôi về việc làm ma cho bà Tơriukhina không?
- Làm ma à? Bà ấy chết rồi ư?
- Ô, cái con này! Đầu óc để đâu, chẳng phải chiều hôm qua chính mày giúp tao lo đám ma cho mụ ấy ư?
- Ông nói gì thế? Ông mất trí rồi ư? Hay là rượu hôm qua chưa tỉnh? Đám ma nào chiều hôm qua? Hôm qua ông ăn tiệc cả ngày bên nhà người Đức ấy, lúc trở về say khướt ra, ông lăn vào giường ngủ cho mãi đến tận giờ này, bây giờ đã quá buổi cầu kinh rồi đấy.
- Thật thế ư? – bác chủ hiệu đám ma vui mừng nói.
- Đúng thật như thế đấy, - chị đày tớ đáp.
- A, nếu thế thì pha trà nhanh đi, rồi đi gọi các cô lại nhé!

*Các khách hàng của chúng ta! (tiếng Đức)
PHỤ LỤC
(1) Đề từ trích trong bài tụng ca "Thác nước" (1794) của nhà thơ Nga G.R.Đergiavin (1743-1816).
(2) Hai phố ở hai đầu khác nhau của Mátxcơva thời ấy.
(3) Thần Amua cầm một cây đuốc chúc ngược xuống là biểu tượng của sự chết chóc.
(4) Ở Nga ngày xưa, những nhà nghèo, khi có người chết, không có đủ tiền mua quan tài tốt, họ thuê một quan tài loại tốt để hoàn thi hài trong khi người ta phúng viếng. Rồi lúc đem chôn thì dùng quan tài xấu hơn.
(5),(6) Sếchxpia Uyliam (1564-1616) - nhà thơ và nhà soạn kịch Anh vĩ đại, Uôntơ Scốt (1771-1832) - nhà văn Anh viết nhiều tiểu thuyết lịch sử. Ở đây Puskin muốn nói tới hình tượng những người phu đào huyệt trong vở bi kịch "Hămlét" của Sếchxpia và trong tiểu thuyết "Cô dân xứ Lamécmua" của Uôntơ Scốt.
(7) Hội tam điểm là một tổ chức theo chủ nghĩa thần bí tồn tại vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII. Hội này đặt cho mình mục tiêu phục hồi mặt đạo đức của loài người. Ba tiếng gõ cửa là một trong những nghi thức của hội viên hội tam điểm. Ở đây cách gọi ba tiếng gõ cửa "theo kiểu hội tam điểm" được dùng theo nghĩa pha trò.
(8) Ở nước Nga đám cưới bạc là lễ mừng kỷ niệm 25 năm ngày thành hôn. Đám cưới vàng là kỷ niệm 50 năm ngày thành hôn.
(9) Người Phần Lan ở vùng Ban Tích.
(10) Viên phu trạm về hưu Ônúphrích - nhân vật trong truyện "Cô hàng kẹo ở Lêphoóctôvô" (1825) của Antôni Pôgôrenxki (A.A.Pêrốpxki, 1787-1836).
(11) Chỉ việc Napôlêông chiếm Mátxcơva, kinh thành tự thiêu huỷ năm 1812.
(12) Kiểu Đôriđa - một trong ba kiểu kiến trúc chủ yếu cổ Hy Lạp (các loại bố cục kiến trúc). Các công trình xây dựng theo kiểu Đôriđa nổi bật bởi tính hàm súc, giản dị và nghiêm trang về đường nét.
(13) Trích trong truyện cổ tích bằng thơ "Mụ ngốc Pakhômốpna" của A.E.Idơmailốp (1779-1831).
(14) Câu trích không thật đúng theo hài kịch "Tay khoác lác" (1786) của Ia.B.Knhiagiơnhin (1742-1791).

<< BÃO TUYẾT | NGƯỜI COI TRẠM >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 993

Return to top