Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6938 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tập truyện của ông Ivan Pêtơrôvích Benkin đã quá cố
Alexander Pushkin

BÃO TUYẾT
Ngựa phi qua gò đống,
Giẫm lên tuyết lún sâu...
Đây miếu thờ thượng đế
Đứng bên đường, cô liêu.
.................................
Bỗng bão tuyết bao vây;
Trút ào từng mớ tuyết;
Bóng đen và tiếng rít,
Trên cộ trượt bám xoay;
Tiếng tiên tri rên rỉ
Nói lên nỗi u sầu!
Ngựa dựng bờm dồn bước,
Nhìn xa trong đêm thâu...

Giukốpxki(1)

Vào khoảng cuối năm 1811, một thời đại rất đáng ghi nhớ của chúng ta, có một người trung hậu tên là Gavrila Gavrilôvích R, sống trong một trại ấp riêng của mình ở Nhênarađôvô. Ông nổi tiếng khắp vùng vì lòng hiếu khách và tính niềm nở. Khách trong miền thường lui tới nhà ông, ăn uống, đánh bài bô-stôn mỗi ván năm cô-pếch với bà vợ của ông, bà Praxcôvia Pêtơrốpna; nhưng cũng có một số người đến là để được nhìn cô con gái nhà ấy, cô Maria Gavrilốpna, một thiếu nữ mười bảy tuổi, dáng người thanh tú, nước da hơi xanh. Nàng được xem như là một đám giàu có, và nhiều người đã nhắm nàng hoặc cho mình hoặc cho con trai của mình.
Maria Gavrilốpna được giáo dục bằng những cuốn tiểu thuyết Pháp, và do đó mà rất dễ đắm đuối yêu đương. Đối tượng lọt mắt xanh của nàng là một chuẩn uý nghèo, hồi ấy về nghỉ phép trong làng. Lẽ dĩ nhiên là chàng trai này cũng chia sẻ mối tình tha thiết ấy, nhưng cha mẹ nàng biết tình ý đôi lứa đã cấm con gái mình không được nghĩ đến chàng trai ấy nữa và ông bà đón tiếp chàng còn lạnh nhạt hơn là đối với một viên hội thẩm về hưu.
Cặp uyên ương của chúng ta vẫn thư từ đi lại và hằng ngày vẫn vai kề vai trong rừng thông hay bên cạnh ngôi nhà thờ cổ. Họ thề yêu nhau trọn đời, thở than cho số phận và bàn định với nhau rất nhiều phương kế. Trong khi thư từ và chuyện trò như thế họ đã đi đến lý luận sau đây (âu cũng là lẽ tự nhiên thôi): một khi chúng ta đã không thể sống xa nhau, nếu như ý muốn tàn nhẫn của cha mẹ cản trở hạnh phúc của chúng ta, thì phải chăng là nên vượt qua quyền cha mẹ? Chắc hẳn là ý nghĩ hay ho ấy đã xuất hiện trong trí óc chàng trai trẻ trước, và cũng quyến rũ được trí tưởng tượng đầy chất tiểu thuyết của nàng.
Mùa đông đến đã chấm dứt những cuộc hẹn hò của họ. Nhưng thư từ đi lại càng chặt hơn. Trong mỗi bức thư Vlađimia Nhicôlaiêvích đều van lơn nàng hãy cố gắn bó với chàng, bí mật kết hôn với nhau, tạm lánh đi ít lâu, rồi sẽ trở về quỳ dưới chân cha mẹ, rốt cục rồi cha mẹ nàng sẽ cảm động trước lòng chung thuỷ dũng cảm của họ: "Thôi, các con hãy lại đây, ngả vào lòng cha mẹ!".
Maria Gavrilốpna ngần ngại mãi; nhiều kế hoạch trốn đi đã bị gạt bỏ. Cuối cùng nàng ưng thuận: đến ngày đã hẹn, nàng sẽ không ăn buổi tối, thác cớ đau đầu lui về phòng riêng. Chị hầu phòng cũng đồng mưu; họ sẽ đi ra vườn qua cửa sau, gần vườn đã có một cộ trượt tuyết chờ sẵn, họ lên cộ đi cách Nhênarađôvô năm véc-xta đến Giađrinô, đi thẳng tới nhà thờ, Vlađimia Nhicôlaiêvích sẽ chờ sẵn ở đấy.
Suốt đêm trước cái ngày quyết định ấy, Maria Gavrilốpna không chợp mắt. Nàng sửa soạn, gói ghém quần áo, viết một bức thư dài cho một tiểu thư đa cảm, bạn nàng, và một bức thư để lại cho cha mẹ. Lời lẽ rất cảm động, nàng từ biệt và xin tha thứ cho tội lỗi của mình đã không đủ sức cưỡng lại mãnh lực của tình yêu say đắm. Bức thư kết thúc rằng giờ phút sung sướng nhất của đời nàng là lúc được khoan hồng trở về quỳ dưới chân của hai thân vô cùng kính mến. Nàng đóng dấu vào hai bức thư, một con dấu của thành Tula(2) khắc hình hai quả tim rực lửa với một dòng chữ thích hợp bên dưới. Nàng lăn ra giường trước khi trời hửng sáng và ngủ thiếp đi. Nhưng những cơn ác mộng cứ chốc chốc cứ khiến nàng giậc mình thức giấc. Khi thì hình như vừa đúng lúc nàng bước lên xe trượt tuyết đi làm lễ cưới, cha nàng đã đến bắt lại, lôi nàng sềnh sệch giữa tuyết, toàn thân đau ê ẩm, rồi ném nàng xuống một cái hầm sâu tối mò vô tận... và nàng bay vụt xuống rất nhanh, tim lịm đi một cách kỳ dị; khi thì nàng thấy Vlađimia nằm sống sượt trên bãi cỏ, tái nhợt, mình đầy máu me. Chàng đang hấp hối, và cất giọng não nuột xé lòng vang bên nàng hãy mau mau làm phép cưới với mình... Những hình ảnh kỳ quái vô nghĩa cứ liên tiếp hiện lên trước mắt nàng. Cuối cùng nàng thức dậy, xanh xao hơn thường ngày và hoá ra đau đầu thực sự. Cha mẹ nàng nhận thấy con mình có điều gì lo lắng bất an. Ông bà ân cần chăm sóc, và không ngớt hỏi nàng: "Maria yêu dấu, con làm sao thế? Con ốm đấy ư, Maria yêu dấu!" Những câu hỏi cứ như xé tim nàng. Nàng cố gắng làm cho cha mẹ an tâm, nàng gượng vui, nhưng không thể được. Chiều đến. Ý nghĩ rằng đây là ngày cuối cùng sống giữa gia đình khiến cho lòng nàng thắt lại. Nàng như người sắp chết. Nàng thầm chào mọi người, từ biệt mọi vật xung quanh.
Bữa ăn chiều dọn ra; tim nàng đập mạnh. Giọng run run nàng cáo rằng mình không muốn ăn, xin chào cha mẹ. Hai người ôm hôn con và theo thường lệ làm dấu cầu phúc cho con: suýt nữa thì nàng oà lên khóc. Về phòng riêng, nàng gieo mình trên ghế bành, nước mắt giàn giụa. Chị hầu phòng hết sức an ủi nàng, khuyên nàng bình tĩnh và can đảm. Tất cả đã sẵn sàng. Chỉ nữa giờ nữa thôi, Maria phải vĩnh viễn từ biệt ngôi nhà của cha mẹ, gian phòng riêng và cuộc sống êm ấm của một người thiếu nữ... Ngoài trời đang có bão tuyết; gió rít lên từng hồi, các cánh cửa sổ rung lên, đập bần bật; tất cả đối với nàng hình như là một điều đe doạ buồn thảm. Chẳng mấy chốc trong nhà hoàn toàn im lặng, mọi người đã ngủ yên. Maria trùm khăn san mặt áo khoác ấm, tay xách chiếc hòm con và bước ra cửa sổ. Chị hầu phòng mang theo hai gói áo quần đồ đạc. Cả hai đi ra vườn. Bão tuyết vẫn không dịu bớt; gió thổi vào mặt như cố giữ chân người con gái tội lỗi. Khó khăn lắm họ mới tới được phía cuối vườn. Trên đường một chiếc cộ trượt tuyết đã chờ họ sẵn. Lũ ngựa rét cóng không chịu đứng yên một chỗ; anh xà ích của Vlađimia đi đi lại lại trước càng xe cố kìm những con ngựa đang hăng. Anh ta giúp tiểu thư và cô hầu lên ngồi trên xe, xếp đặt chiếc hòm nhỏ và hai gói đồ, rồi giật cương cho ngựa phóng nhanh đi. Giao phó cô nàng cho sự chăm nom của số mệnh và cho tài năng của người đánh xe, chúng ta hãy quay sang chàng tình nhân trẻ tuổi.
Vlađimia chạy vạy suốt cả ngày hôm ấy. Từ sáng sớm chàng đã tìm đến vị linh mục ở Giađrinô; phải khó khăn lắm mới thuyết phục được ông ấy; rồi chàng chạy đi tìm các người làm chứng trong số những địa chủ quanh đó. Người thứ nhất mà chàng gặp là một thiếu uý kỵ binh về hưu tên là Đravin tuổi đã bốn mươi. Ông này nhận lời ngay và quả quyết với chàng rằng việc này gợi ông nhớ lại thời xưa cũ cùng những thói ngỗ nghịch của kỵ binh. Ông ta cố giữ Vlađimia ở lại ăn trưa, khuyên chàng cứ giữ vững lòng tin, và bảo đảm rằng việc tìm hai người làm chứng nữa chẳng có gì là khó. Quả đúng như thế, ngay sau bữa ăn thì có thêm Smít, một bác nhân viên trắc địa, có bộ ria mép, mang giày có cựa(3), và một chàng con trai của một viên đại uý cảnh binh, mười sáu tuổi, vừa mới được nhận vào quân khinh kỵ. Không những nhận lời yêu cầu của Vlađimia mà còn thề sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì chàng. Vlađimia phấn khởi ôm họ và trở về nhà sửa soạn nốt những việc cần thiết.
Trời tối đã lâu. Chàng dặn dò anh xà ích Têrenti tâm phúc của mình rất tỉ mỉ chu đáo, cho y đem cỗ xe tam mã đi Nhênarađôvô đón, và ra lệnh thắng chiếc cộ trượt tuyết một ngựa không cần xà ích, một mình chàng đi về phía Giađrinô, nơi mà trong khoảng hai giờ nữa Maria Gavrilốpna sẽ đến. Đường chàng đã quen thuộc đi chỉ mất chừng hai mươi phút thôi.
Nhưng Vlađimia vừa rời khỏi bìa làng ra khỏi cánh đồng, thì trời nổi gió mạnh, một cơn bão tuyết dữ dội ập tới khiến chàng không còn nhìn thấy gì nữa. Chỉ trong một phút con đường bị tuyết phủ hết. Mọi vật xung quanh đã biến mất trong màn sương mù vàng nhạt, bông tuyết trắng bay tới tấp. Bầu trời lẫn lộn với mặt đất. Vlađimia lạc giữa cánh đồng, cố hết sức vẫn không tìm ra được đường cái. Ngựa bước vu vơ trên đồng, chốc chốc lại trèo lên gò cao hay tụt xuống hố; chiếc cộ trượt tuyết luôn luôn nghiêng ngả. Vlađimia ra sức định thần cho khỏi lạc hướng. Nhưng hình như đi đã hơn nửa giờ rồi mà vẫn chưa thấy khu rừng Giađrinô đâu. Chừng mười phút nữa đã trôi qua; khu rừng vẫn không thấy tăm dạng. Vlađimia đang đi giữa một cánh đồng chằng chịt những khe hố. Bão tuyết vẫn không dịu bớt, trời vẫn không sáng sủa lên tí nào. Ngựa đã mệt lử, còn chàng thì đổ mồ hôi hột, mặc dù cứ chốc chốc lại sụt trong tuyết đến tận thắt lưng.
Cuối cùng chàng thấy rằng mình đã lạc. Vlađimia dừng lại: bắt đầu suy nghĩ, tập trung tư tưởng cân nhắc và quyết định đi chếch về phía bên phải. Chàng đánh xe về phía ấy. Ngựa đã mệt lử, bước không vững nữa. Chàng đi đã hơn một giờ rồi. Giađrinô chắc hẳn đã gần. Nhưng chàng đi, đi mãi, cánh đồng vẫn vô tận. Khắp nơi ngổn ngang những đống tuyết, những khe hố. Chiếc xe luôn luôn bị lật nhào và chàng cứ phải luôn luôn dựng nó lại. Thời gian trôi qua; Vlađimia bắt đầu lo lắng.
Rốt cuộc rồi chàng cũng thấy đằng xa có một khối gì hiện ra đen đen. Và chàng tiến về phía ấy. Đến gần thì thấy đó là một khu rừng. "Đội ơn Chúa, - chàng nghĩ thầm, - gần đến rồi đấy". Chàng men theo khu rừng và hy vọng trong chốc lát sẽ gặp con đường quen thuộc hoặc vòng khỏi khu rừng này: nhất định là Giađrinô ở ngay phía sau đây. Một lát sau chàng tìm thấy đường cái và đi xuyên vào trong bóng những cây đã trụi lá. Gió không còn thổi điên cuồng vào đây được nữa; con đường bằng phẳng, ngựa hăng lên và Vlađimia an tâm trở lại.
Nhưng chàng đi, đi mãi, vẫn không thấy Giađrinô; khu rừng vẫn vô tận. Vlađimia kinh hoàng nhận ra rằng mình đang đi giữa một khu rừng lạ. Nỗi thất vọng tràn ngập lòng chàng. Chàng quất túi bụi vào lưng ngựa; con vật khốn khổ rảo bước dấn lên, nhưng chưa được mấy chốc đã kiệt sức, và chỉ mười lăm phút sau, mặc cho chàng đau khổ thôi thúc, nó lại bước từng bước một.
Hàng cây thưa dần và Vlađimia đã ra khỏi khu rừng; làng Giađrinô vẫn không thấy đâu cả. Lúc ấy hẳn đã gần nửa đêm rồi. Nước mắt chàng trào ra; chàng vẫn mò mẫm thúc ngựa đi. Cơn bão dịu dần, mây đã tan hết, trước mắt chàng chạy dài một cánh đồng phủ một thảm bạc gợn sóng. Đêm đã khá quang đãng. Chàng thấy gần đó có một xóm nhỏ độ bốn hay năm nóc nhà. Vlađimia tiến vào nơi ấy. Đến bên một túp nhà nhỏ chàng nhảy xuống, cố chạy lại cửa sổ đưa tay gõ. Vài phút sau cánh cửa sổ bằng gỗ mở ra, một ông già thò chòm râu bạc ra hỏi. "Ai, cần gì đấy?" - "Về Giađrinô có xa không?" - "Về Giađrinô có xa không à?" - "Vâng, vâng, về Giađrinô có xa không?" - "Không xa lắm chỉ độ mười véc-xta thôi!" Nghe câu trả lời Vlađimia vò đầu bức tóc và lặng người đi như một kẻ bị tuyên án tử hình.
"Anh từ đâu đến?" - ông già hỏi tiếp. Vlađimia không còn đủ tinh thần để đáp lại nữa. "Bác ơi, - chàng nói, - bác có thể cho tôi ngựa đi Giađrinô không?" - "Ngựa nào bây giờ, chúng tôi có đâu" - "Thôi, thế thì ít nhất tôi có thể nhờ một người nào đưa đường được chứ? Tôi sẽ trả tiền công, đòi bao nhiêu cũng được". - "Anh hãy đợi đấy, - ông già vừa đáp lại, vừa hạ cánh cửa xuống, - tôi sẽ cho thằng con tôi đi. Nó sẽ dẫn đường cho anh". Vlađimia đứng đợi. Chưa đầy một phút chàng lại gõ cửa. Cánh cửa sổ mở, chòm râu bạc lại hiện ra. "Anh cần gì đấy?" - "Con bác đâu?" - "Ra ngay đấy, nó đang đi giày mà. Có rét không vào sưởi cho ấm". - "Cám ơn bác, bác giục cậu con nhanh lên cho."
Cửa cọt kẹt mở. Một cậu bé bước ra, tay cầm một cái gậy lớn và đi lên trước, khi thì chỉ lối, khi thì tìm con đường đã bị lấp dưới những đống tuyết. - "Mấy giờ rồi?" - Vlađimia hỏi. "Có lẽ gần sáng rồi đấy", - cậu bé nông dân đáp. Vlađimia chẳng nói chẳng rằng gì nữa.
Gà gáy, và trời ửng sáng thì họ vừa tới Giađrinô. Nhà thờ đóng kín cửa. Vlađimia trả tiền cho cậu bé dẫn đường và đi vào trong sân tìm giáo sĩ. Trong sân không có cỗ xe tam mã nào cả. Tin lành hay tin dữ đang chờ chàng đây!
Nhưng chúng ta hãy quay trở lại cái nhà điền chủ hiền lành ở Nhênarađôvô thử xem xảy ra những chuyện gì?
Chẳng có gì xảy ra cả!
Hai ông bà già ngủ dậy và đi ra phòng khách. Gavrila Gavrilôvích đội mũ vải mềm mặc áo ngắn phơ-la-nen. Praxcôvia Pêtơrốpna mặc áo khoác bông. Người ta đem ấm trà ra. Ông Gavrila Gavrilôvích bảo con hầu vào hỏi thăm sức khoẻ của Maria Gavrilốpna thế nào, và xem cô có ngủ được không? Con bé ra trả lời rằng cô ngủ không được ngon, bây giờ đã đỡ và cô sắp ra phòng khách. Quả nhiên cửa mở và Maria Gavrilốpna ra chúc sức khoẻ cha mẹ.
"Đầu con bây giờ thế nào, Maria?" - Gavrila Gavrilôvích hỏi. - "Thưa cha, đỡ rồi ạ", - Maria đáp. - "Đúng là hôm qua con bị ngạt vì khói lò sưởi rồi, con ạ", - bà Praxcôvia Pêtơrốpna nói. - "Vâng, thưa mẹ, có lẽ thế đấy ạ".
Ngày ấy trôi qua bình yên vô sự, nhưng tối đến thì Maria bị ốm. Nhà phải lên phố mời thầy thuốc. Chiều hôm sau thầy thuốc đến thì bệnh nhân đang mê sảng. Nàng bị sốt nặng, và trong hai tuần liền bệnh tình trầm trọng tưởng khó lòng qua khỏi.
Trong nhà không ai biết gì về cuộc đi trốn kia cả. Mấy bức thư viết hôm trước nàng đã đốt hết; chị hầu phòng không dám hở môi ra với ai, vì sợ ông chủ nổi cơn thịnh nộ. Ông giáo sĩ, viên thiếu uý kỵ binh về hưu, bác nhân viên trắc địa có bộ ria mép và chàng kỵ binh trẻ tuổi đều kín tiếng, và như thế không phải là vô cớ. Chàng đánh xe Têrenti chẳng hề bao giờ buột miệng lỡ lời ngay cả trong cơn sau rượu. Như thế là điều bí mật kia được giữ kín trong cái số hơn nửa tá những người đồng mưu. Nhưng Maria, trong khi mê sảng không ngớt, đã nói toang điều bí mật của mình ra. Dù rằng những lời của nàng rất khó hiểu, không đâu vào đâu, nhưng mẹ của nàng không rời khỏi giường con một bước, cũng có thể do đó mà biết rằng con gái mình đã say mê đến có thể chết vì Vlađimia Nhicôlaiêvích, và có lẽ tình yêu ấy là nguyên nhân của căn bệnh. Bà hỏi ý kiến chồng cùng vài người láng giềng và cuối cùng tất cả đều thống nhất nhận định rằng âu cái số của Maria Gavrilốpna là như vậy, rằng "trời đã định rồi thì phải chịu", rằng "nghèo không phải là xấu", rằng "lấy người chứ không phải lấy của" vân vân. Trong những trường hợp như thế này, khi người ta đã cùng đường bó tay thì những câu cách ngôn luân lý kia thật là kỳ diệu để người ta tự biện hộ cho mình.
Giữa lúc ấy thì cô gái đã bắt đầu bình phục. Đã lâu người ta không thấy Vlađimia đến nhà Gavrila Gavrilôvích. Chàng sợ cách đón tiếp như mọi khi. Người ta đành phải bắn tin cho chàng cái diễm phúc bất ngờ này: bằng lòng cho chàng cưới. Nhưng ông bà địa chủ này ngạc nhiên biết bao, khi đáp lại sự ân cần mời mọc ấy, họ nhận được bức thư gàn dở của chàng! Chàng nói rõ rằng sẽ không bao giờ bước chân đến nhà họ nữa, và yêu cầu hãy quên con người bất hạnh ấy đi, con người chỉ còn cái chết là điều mong ước độc nhất mà thôi. Và hôm sau họ được tin chàng Vlađimia Nhicôlaiêvích đã gia nhập quân đội. Hồi ấy là vào năm 1812.
Maria bình phục đã lâu mà người ta vẫn không dám cho nàng biết tin ấy. Nàng cũng không hề đả động đến Vlađimia. Vài tháng sau đọc thấy tên chàng trong số những chiến sĩ xuất sắc bị thương nặng ở trận Bôrôđinô(4), nàng ngã lăn ra bất tỉnh, người ta sợ nàng lại bị sốt như lần trước. Nhưng nhờ ơn Chúa, cơn bất tỉnh ấy không đem đến hậu quả gì đáng ngại.
Một nỗi đau thương khác lại đến với nàng: ông Gavrila Gavrilôvích tạ thế để lại cho nàng quyền thừa hưởng gia tài. Nhưng gia tài đâu an ủi được nàng; nàng chân thành chia sẻ nỗi buồn của bà mẹ đau khổ, và thề rằng sẽ không bao giờ xa người mẹ; hai mẹ con từ giã Nhênarađôvô, nơi gợi nhiều kỷ niệm đau buồn và đến ở trại ấp X.
Ở đây cũng thế, các chàng trai chưa vợ cứ vây quanh lấy cô gái chưa chồng xinh đẹp và giàu có, nhưng nàng chẳng hề ban cho ai một mảy may hy vọng nào. Có đôi lúc bà mẹ khuyên nàng hãy chọn lấy bạn trăm năm. Nhưng Maria Gavrilốpna lắc đầu, và tư lự đăm chiêu. Vlađimia không còn nữa: chàng đã qua đời ở Mátxcơva vài hôm trước khi quân Pháp tràn vào đó. Kỷ niệm của chàng đối với nàng thật là thiêng liêng; ít nhất nàng cũng giữ gìn lại tất cả những gì có thể nhắc nhở đến chàng: những cuốn sách mà chàng đã đọc, những bức hoạ, những bản nhạc, những bài thơ chàng viết cho nàng. Láng giềng biết chuyện ấy đều khâm phục lòng chung thuỷ của nàng, và họ tò mò chờ đợi xem nhân vật nào rốt cục sẽ thắng được lòng chung thuỷ u buồn của nàng Áctêmixa(5) trinh bạch này.
Giữa lúc ấy thì chiến tranh kết thúc thắng lợi. Các trung đoàn của chúng ta từ ngoại quốc trở về. Nhân dân xô ra đứng đón. Âm nhạc cử những bài mới thu lượm được trong chiến tranh: "Vive Henri-Quatre"(6), những bài van-xơ vùng Tirôn(7), những khúc điệu trích trong nhạc kịch Giôcôngđơ(8). Các sĩ quan khi nhập ngũ là những thanh niên mới lớn, giờ đây trở về đã trưởng thành trong chinh chiến, ngực đầy huân chương. Quân lính trong khi chuyện trò vui vẻ với nhau thỉnh thoảng lại chêm vào những tiếng Đức hay tiếng Pháp. Thật là một thời đại đáng ghi nhớ! Một thời đại vinh quang và phấn khởi! Nói đến hai tiếng "Tổ quốc" trái tim người Nga xúc động mạnh mẽ biết bao! Những giọt lệ tái hợp sao mà đằm thắm! Trong chúng ta lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với Nga hoàng chan hoà mật thiết đến nhường nào. Đối với Hoàng đế, giờ phút này cũng thật là tuyệt diệu!
Những người phụ nữ, những người phụ nữ Nga, lúc này thật là kiều diễm vô song. Vẻ lạnh lùng thường ngày của họ biến đâu hết! Nỗi hân hoan của họ thật là chân thành nồng nhiệt khi đón đoàn quân chiến thắng mà hét to: hoan hô!
Và mũ tung lên trời!(9)
Ai là sĩ quan lúc ấy mà không thừa nhận rằng họ đã nhận được nơi phụ nữ Nga những phần thưởng quý báu nhất?...
Giữa thời kỳ huy hoàng ấy, Maria Gavrilốpna đang sống với mẹ ở vùng quê N. và không thấy được ở hai kinh đô người ta đón mừng đoàn quân khải hoàn như thế nào. Nhưng có lẽ ở các huyện và các thôn xóm nỗi hân hoan chung lại còn mãnh liệt hơn nữa kia. Một sỹ quan mà về ở nơi đây thì thật là cả một cuộc khải hoàn quang vinh rất mực, và bên cạnh anh ta thì chàng tình nhân nào mặc thường phục cũng phải lu mờ.
Chúng tôi cũng đã nói rằng, mặc dù Maria Gavrilốpna lạnh nhạt, nàng vẫn cứ luôn luôn bị những chàng rắp ranh bắn sẻ bao vây như trước. Nhưng tất cả bọn này đều đánh bài rút lui, khi trong toà nhà của nhà xuất hiện đại tá kỵ binh bị thương Burmin, với huân chương Thánh Ghêoócghi trên khung áo, với nước da "tai tái hay hay" như các cô vùng ấy thường nói. Chàng trạc độ hai mươi sáu tuổi. Chàng về nghỉ trong trại ấp của mình bên cạnh trại ấp của Maria Gavrilốpna. Maria Gavrilốpna đối với chàng cũng có con mắt rất biệt đãi. Gần chàng thì vẻ tư lự đăm chiêu thường ngày của nàng bỗng hoá thành linh hoạt. Không có thể nói rằng nàng làm duyên làm dáng với chàng, nhưng một nhà thơ, giá thấy hành vi của nàng như thế, hắn sẽ nói rằng:
Se amor non è, che dunque?... (Đó là cái gì, nếu chẳng phải là tình yêu - tiếng Ý)(10)
Quả thật Burmin là một chàng trai rất dễ thương. Chàng có được cái loại trí tuệ xưa nay rất dễ được lòng nữ giới: một trí tuệ lịch thiệp và tinh tế, không một chút kiêu kỳ và hóm hỉnh một cách vô tâm. Trước Maria Gavrilốpna tư cách của chàng rất bình dị và tự nhiên. Nhưng dường như tâm hồn và con mắt theo dõi sát mọi lời nói việc làm của nàng. Tính nết của chàng trông thì điềm đạm và khiêm nhường, nhưng tiếng đồn lại nói chắc rằng một thời chàng đã từng là một tay ăn chơi đáng sợ; nhưng điều ấy cũng chẳng làm tổn hại gì cho chàng trước con mắt của Maria Gavrilốpna; nàng (cũng như các bà trẻ tuổi nói chung) vui lòng bỏ qua những trò phóng túng vốn là biểu hiện chung của tính táo bạo và sôi nổi.
Nhưng kích thích óc hiếu kỳ và trí tưởng tượng của nàng hơn tất cả (hơn cả cái tính nết dịu dàng, hơn cả lối trò chuyện hấp dẫn, hơn cả nước da tai tái hay hay, hơn cả cánh tay quấn băng) là không hiểu tại sao chàng kỵ binh trẻ tuổi ấy đến nay vẫn lặng thinh không ngỏ lời. Nàng không thể phủ nhận một điều là nàng rất được chàng quý chuộng. Chắc hẳn với trí thông minh và với kinh nghiệm của mình chàng cũng nhận thấy rằng, đối với chàng thì nàng có một sự biệt đãi: thế thì vì lẽ gì mà đến bây giờ nàng vẫn chưa thấy chàng quỳ dưới chân nàng, chưa được nghe lời thổ lộ tình yêu của chàng? Cái gì đã kìm giữ chàng lại? Phải chăng đó là tính rụt rè vốn gắn liền với một tình yêu chân thực, hay đó là tính kiêu kỳ, lối làm điệu của một tay chim gái lõi đời? Đối với nàng đó cả là một điều bí hiểm. Suy nghĩ kỹ, nàng cho rằng tính rụt rè là nguyên nhân duy nhất, và nàng quyết định sẽ khuyến khích cho chàng thêm mạnh dạng bằng cách tỏ ra ân cần hơn nữa, và tuỳ trường hợp, sẽ tỏ ra âu yếm nữa là khác. Nàng rắp tâm đón cái kết cục hết sức bất ngờ và rất nóng lòng chờ đợi giây phút nên thơ mà chàng sẽ thổ lộ tình yêu. Một điều bí mật dù thuộc loại nào, đối với trái tim phụ nữ bao giờ cũng vẫn là một điều day dứt nặng nề. Cuộc tấn công của nàng đã đem lại kết quả như mong muốn: ít nhất thì Burmin cũng trở nên rất tư lự đăm chiêu, và cặp mắt đen của chàng nhìn nàng nảy lửa, đến nỗi có thể tin rằng cái giây phút quyết định đã gần lắm rồi. Những người láng giềng bàn đến đám cưới, xem như đó là một việc đã xuôi, và bà Praxcôvia Pêtơrốpna phúc hậu sung sướng vì con gái mình đã chọn được kẻ xứng đôi vừa lứa.
Một hôm bà cụ ngồi một mình trong phòng khách, đang bói bài, thì Burmin bước vào và hỏi ngay đến Maria Gavrilốpna. "Em nó ở sau vườn ấy, - bà cụ trả lời, - cậu ra đó mà tìm, tôi đợi hai người ở đấy nhé!" Burmin đi ra, bà cụ làm dấu thánh giá và nghĩ rằng: "May ra ngày hôm nay việc ấy sẽ thành".
Burmin nhìn thấy Maria Gavrilốpna bên bờ ao, dưới gốc liễu, mặc chiếc áo trắng, tay cầm quyển sách đúng điệu là một nhân vật tiểu thuyết. Sau mấy câu hỏi han, Maria Gavrilốpna cố ý lặng yên không nói nữa để tăng thêm cái lúng túng của đôi bên và tạo ra một tình thế mà hoạ chăng chỉ có một lời thổ lộ tình yêu đột ngột và quyết định mới có thể gỡ ra được. Sự việc diễn ra đúng như thế: Burmin cảm thấy tình thế khó xử của mình, đã thổ lộ rằng từ lâu chàng đã nhiều lần tìm dịp để cởi mở tâm tình với nàng và cầu xin nàng lưu ý trong giây phút. Maria Gavrilốpna xếp sách lại mắt nhìn xuống, tỏ vẻ ưng thuận.
"Tôi yêu em, - Burmin nói, - tôi yêu em đắm đuối..." (Maria Gavrilốpna đỏ mặt và cúi thấp hơn nữa). "Tôi đã hành động dại dột khi buông mình theo một thói quen đằm thắm, thói quen hàng ngày nhìn em và nghe em nói..." (Maria Gavrilốpna nhớ lại bức thư đầu của St. -Preux.)(11) "Giờ đây cưỡng lại định mệnh thì đã muộn rồi, kỷ niệm về em, hình dáng kiều diễm và tuyệt thế của em từ nay sẽ là nỗi giày vò và là niềm an ủi của riêng tôi. Nhưng tôi còn phải làm tròn nhiệm vụ đau khổ, thổ lộ với em một điều thầm kín rất đáng sợ, và đặt ra giữa đôi ta một trở ngại không thể nào vượt qua được..." - "Trở ngại ấy mãi mãi vẫn cứ có, - nàng vội vã ngắt lời chàng, - tôi không bao giờ có thể làm vợ anh được..." - "Tôi biết, - chàng sẽ sàng đáp lại, - tôi biết trước kia em đã yêu, nhưng người ấy đã chết và ba năm xót thương... Maria Gavrilốpna dịu hiền và yêu dấu ơi, em chớ gạt mất của tôi niềm an ủi cuối cùng: ý nghĩ rằng em sẽ đem lại hạnh phúc cho tôi, nếu như... Em đừng nói, thể lòng Chúa, em đừng nói. Em xé nát lòng tôi mất. Vâng, tôi biết, tôi cảm thấy rằng em có thể kết duyên với tôi, nhưng tôi là một kẻ vô phúc... tôi đã cưới vợ!"
Maria Gavrilốpna nhìn chàng kinh ngạc.
- Tôi đã cưới vợ, - Burmin nói tiếp, - tôi cưới vợ đã bốn năm, nhưng tôi không biết vợ tôi là ai, nàng ở đâu, và không biết giờ đây có bao giờ tôi còn gặp lại được nàng nữa không!
- Anh nói gì thế? - Maria Gavrilốpna. - Kỳ lạ quá! Anh nói tiếp đi; tôi sẽ nói sau... thôi, anh hãy nói tiếp đi, tôi van anh.
- Đầu năm 1812, - Burmin nói, - tôi đi gấp về Vinna, nơi trung đoàn chúng tôi đóng quân. Tới một trạm nào đó thì trời đã quá chiều, tôi ra lệnh thắng cương ngựa gấp, bỗng một cơn bão tuyết dữ dội nổi lên, người trưởng trạm và gã đánh xe khuyên tôi hãy nán đợi. Tôi đã nghe họ, nhưng rồi một nỗi bồn chồn vô cớ tràn ngập lòng tôi; hình như có một cái gì thôi thúc tôi. Trong khi ấy bão tuyết vẫn không dịu bớt; tôi không chờ đợi được nữa, lại ra lệnh thắng ngựa đi và đi ngay giữa bão tuyết. Gã đánh xe nảy ra ý đi trên sông, như thế sẽ rút ngắn được đường chừng ba véc-xta. Hai bên bờ đều tuyết phủ. Gã đánh xe đã đi qua chỗ cần phải bắt tiếp lên đường cái, và thế là chúng tôi lạc giữa một chốn lạ. Bão tuyết vẫn không lặng; tôi thấy có ánh lửa bèn ra lệnh đi về phía ấy. Chúng tôi vào một làng. Nhà thờ bằng gỗ ở làng ấy có ánh sáng, cửa nhà thờ mở sẵn, trong sân có nhiều cộ trượt tuyết. Trên thềm cao có người đi đi lại lại. "Về phía này, về phía này!" - có tiếng gọi. Tôi bảo gã đánh xe tiến về phía ấy. "May quá! Anh bị chậm ở đâu thế? - có người nói với tôi. - Cô dâu bị ngất; linh mục chẳng biết xử trí ra sao cả; chúng tôi sắp sửa ra về. Vào nhanh lên thôi!" Tôi không nói gì cả, nhảy xuống cộ và đi vào. Nhà thờ mờ mờ trong ánh sáng của hai hay ba ngọn nến. Một cô gái ngồi trên chiếc ghế trong một góc tối. Một chị phụ nữ khác đang xoa hai bên thái dương của cô kia. "Nhờ ơn Chúa, - chị này nói, - anh phải vất vả quá nhỉ. Suýt tí nữa thì anh giết chết cô tôi". Vị linh mục già đến bên tôi hỏi: "Anh cho bắt đầu đi chứ". - "Vâng, vâng cha cứ bắt đầu, bắt đầu đi!", - tôi trả lời bâng quơ. Họ đỡ cô gái đứng dậy. Tôi thấy nàng cũng khá xinh... Thật là một trò đùa vô nghĩa và không thể tha thứ được... Tôi đứng bên cạnh nàng trước bàn thờ. Linh mục thì vội vã; ba người đàn ông và chị người hầu đỡ cô dâu và chỉ lo săn sóc có một mình cô ấy. Người ta làm phép cưới cho chúng tôi. "Hãy hôn nhau đi", - họ bảo chúng tôi. Và vợ tôi quay khuôn mặt tái xanh sang phía tôi. Tôi toan hôn nàng... Nàng vụt kêu lên: "Trời ơi! Không phải chàng! Không phải chàng!" - và ngã lăn ra bất tỉnh. Những người làm chứng nhìn tôi bằng cặp mắt kinh hoàng. Tôi quay ngoắt lại bước ra khỏi nhà thờ, chẳng bị ai tìm cách giữ lại, tôi chạy đến xe nhảy lên và ra lệnh: "Đi! Đi!"
- Lạy Chúa, - Maria Gavrilốpna kêu lên, - thế anh không biết sau đó người vợ khốn khổ của anh ra sao ư?
- Tôi không biết, - Burmin đáp, - tôi không biết tên làng tôi cưới vợ là gì, không nhớ ra cái trạm tôi khởi hành. Lúc ấy tôi cũng chẳng quan tâm gì mấy tới tầm nghiêm trọng của trò đùa tội lỗi ấy, cho nên ra khỏi nhà thờ là tôi ngủ quên và đến sáng hôm sau thức dậy thì đã thấy đi quá ba trạm rồi. Người cần vụ của tôi đã hi sinh ở mặt trận... thế là tôi không còn hy vọng gì tìm lại người ấy, người mà tôi đã dẫn vào một trò đùa cay đắng và giờ đây nàng cũng đang phải trả giá một cách cay đắng...
- Lạy Chúa! Trời ơi, - Maria Gavrilốpna vừa nói vừa nắm lấy tay chàng, - người ấy là anh đấy ư, thế mà anh không nhận ra em ư?
Burmin tái mặt đi... và quỳ sụp xuống chân nàng...
PHỤ LỤC
(1) Đề từ trích trong bài hát ba-lát "Xvétlana" (1813) của nhà thơ Nga V. A.Giukốpxki (1785-1852).
(2) Con dấu (hay một cạnh của chiếc nhẫn mặt đá quý) được dùng để chỉ người chủ con dấu đóng trên bức thư (tức là người gửi bức thư đó). Tula - một thành phố phía nam Matxcơva, nổi tiếng về sản xuất những đồ dùng bằng kim loại.
(3) Giày có cựa – giày có lắp một mũi nhọn ở phía sau như cựa gà, của kỵ binh để thúc vào hông ngựa.
(4) Trận Bôrôđinô - trận thắng lớn của quân Nga trong cuộc kháng chiến chống Napôlêông ngày 26 tháng Tám năm 1912 do Kutudốp chỉ huy. Xem cả chú thích 28 ở truyện "Rôxlavliép".
(5) Áctêmixa - hoàng hậu, vợ vua Mápdôn ở xứ Galiacarơnát nổi tiến về lòng chung thuỷ với chồng là Mápdôn (thế kỷ IV trước công nguyên), bà đã dựng cho người chồng quá cố một lăng tẩm, thời xưa được coi là một trong "bảy kỳ quan thế giới".
(6) Vive Henri-Quatre ("Hoàng đế Ăngri Đệ tứ vạn tuế") - các đoạn trích trong vở hài kịch "Chuyến đi săn của Ăngri Đệ tứ" (1774) của Sáclơ Côlê (1709-1783).
(7) Tirôn - một vùng trên dãy Anpơ thuộc đất Áo
(8) Đây là nói đến vở nhạc hài kịch nổi tiếng "Giôcôngđơ, hay là người phiêu lưu" của nhạc sĩ Pháp Nicôlô Iduarđơ (1775-1818) rất được hoan nghênh hồi năm 1814.
(9) Trích từ vở kịch hài hước "Nỗi khổ vì trí tuệ" của A.X.Gribôiêđốp (1795-1829), nhà viết kịch và nhà ngoại gia Nga nổi tiếng.
(10) Câu thơ này trích trong bài xô-nê thứ XXXII của nhà đại thi haoÝ Phranxétxcô Pêtơrarca (1304-1374).
(11) Những lời nói của Burminh giống như lời thú nhận tình yêu của St.-Preux (Xanh Prơ) - nhân vật trong tiểu thuyết "Nàng Giulia, hay Êlôidơ mới" (1761) của Giăng Giắc Rútxô (1712-1778) - nhà văn và nhà triết học khai sáng lỗi lạc của Pháp. - 71.

<< PHÁT SÚNG | ÔNG CHỦ HIỆU ĐÁM MA >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 953

Return to top