Quang âm thấm thoắt, ngày hai mươi mốt tháng giêng, Xuân Mai nói với chồng, soạn lễ vật rất hậu, gồm hoa quả báng trái rượu thịt, sai gia nhân là Chu Nhân đem tới biếu Nguyệt nương, một là để giỗ Tây Môn Khánh, Tây Môn Khánh mất đã ba năm, hai là để mừng sinh nhật của Hiếu ca nhi.
Nguyệt nương nhận lễ vật, thưởng cho Chu Nhân một chiếc khăn và ba tiền mà cho về. Lại viết thiếp, sai Đại An đem tới phủ Thủ Bị. Thiếp viết rằng:
- Kính gửi Chu phu nhân, cảm tạ phu nhân đã cho lễ quá hậu, nên có chén rượu nhạt, kính thỉnh phu nhân tới để tạ ơn, xin phu nhân dời gót quang lâm cho, chớ nên phụ lòng, Tây Môn Ngô thị bái thỉnh.
Xuân Mai nhận thiếp mời, khoảng gần trưa thì tới. Hôm đó Xuân Mai vàng đeo ngọc giắt đầy người, mình mặc áo đại hồng bằng gấm thêu hình kỳ lân, quần gấm thuý lam thêu bách hoa, ngồi cỗ kiệu lớn bốn người khiêng, quân hầu đi trước hô hoán dẹp đường, gia nhân a hoàn xúm xít theo sau, lại cho đem thêm lễ vật tới. Đoàn người ngừng lại trước cổng. Gia nhân vào báo.
Trong này Nguyệt nươnng đã mời Ngô Đại cữu mẫu tới phụ mình tiếp khách, cũng cho gọi hai ca nữ tới để đàn hát trước tiệc. Mọi thứ chuẩn bị sẵn sàng thì nghe gia nhân báo là Xuân Mai tới, Nguyệt nương và Ngô Đại cữu mẫu ra tận cổng trong nghênh tiếp. Hôm đó Nguyệt nương đội mũ ngũ lương, đeo nhiều trang sức quý, mặc áo đoạn bạch, quần đoạn thuý lam.
Đôi bên chủ khách cùng lên đại sảnh thi lễ rồi ngồi trò chuyện. Nguyệt hương bảo:
- Lần trước thư thư phí tâm lo việc giùm tôi mà không chịu nhận hết lễ vật tạ ơn, hôm nay lại cho lễ hậu quá, tôi thật muôn vàn cảm kích.
Xuân Mai nói:
- Đại nương dạy quá lời, chẳng biết có gì đem tới, chỉ có chút lễ mọn để tỏ cái tình mà thôi. Tôi muốn thỉnh Đại nương tới chơi mà chưa thỉnh được.
Nguyệt nương hỏi:
- Xin cho biết sinh nhật của thư thư là vào ngày nào để tôi sẽ đem lễ tới mừng.
Xuân Mai đáp:
- Sinh nhật của tôi là ngày hai mươi lăm tháng tư.
Nguyệt nương nói:
- Tôi nhớ rồi, nhất định là ngày đó tôi sẽ tới.
Xuân Mai lại xin Nguyệt nương ngồi để lạy hai lạy, sau đó lại lạy chào Ngô Đại cữu mẩu, hai người đều đáp lễ cung kính. Sau đó mọi người an toạ.
Nguyệt nương gọi hết gia nhân a hoàn tới lạy chào Xuân Mai. Xuân Mai thấy nhũ mẫu Như Ý bồng Hiếu ca nhi thì gọi lại hỏi han.
Nguyệt nương hỏi:
- Đại ca không lạy chào thư thư đi, hôm nay thư thư tới đây là mừng sinh nhật của đại ca đấy.
Hiếu ca nhi tụt xuống, chạy tới trước mặt Xuân Mai mà vái chào. Nguyệt nương mắng yêu con:
- Thằng này sao không quỳ lạy tử tế mà chỉ đứng vái vậy?
Nguyệt nương bắt con lạy tạ rồi nói:
- Thật làm thư thư phí tâm quá.
Tiếp đó Tiểu Ngọc và Như Ý cùng đến lạy chào. Xuân Mai cho Tiểu Ngọc một cặp trâm vàng, cho Như Ý hai bông hoa bạc. Nguyệt nương bảo:
- Chắc là thư thư chưa biết, Như Ý bây giờ là vợ của Lai Hưng, vợ cũ của Lai Hưng chết rồi.
Xuân Mai nói:
- Như vậy cũng tốt. Hai vợ chồng chịu khó ở đây mà hầu hạ Đại nương.
Qua vài tuần trà, Nguyệt nương nói:
- Để mời thư thư vào hậu sảnh ngồi, ngoài này hơi lạnh.
Xuân Mai vào trong, ngừng lại trước bàn thờ Tây Môn Khánh thắp hương vái lạy rồi ứa nước mắt.
Thắp hương xong, Xuân Mai theo Nguyệt nương vào hậu sảnh, nơi đây bàn tiệc dọn sẵn, nhưng Nguyệt nương mời dùng thêm vài tuần trà nữa.
Lát sau, Nguyệt nương mời Xuân Mai thay áo rồi nhập tiệc. Xuân Mai thay áo tơ màu tía đinh hương, quần đoạn bạch thêu kim tuyến cực kỳ trang nhã.
Nguyệt nương hỏi:
- Ca nhi ở nhà chơi ngoan không? Sao hôm nay không cho ca nhi đi theo?
Xuân Mai đáp:
- Đáng lẽ cũng cho cháu tới lạy chào Đại nương, nhưng lão gai tôi sợ là trời lạnh, ra ngoài e gặp gió nên không cho đem đi. Mấy hôm nay không hiểu sao cháu chẳng chịu chơi mà chỉ khóc.
Nguyệt nương hỏi:
- Thư thư đi thế này rồi ca nhi ở nhà không có mẹ, khóc đòi mẹ thì sao?
- Xuân Mai đáp:
- Ở nhà đã có hai nhũ mẫu thay phiên chăm sóc, lại có bốn a hoàn trông giữ rồi.
Nguyệt nương bảo:
- Chu lão gia cũng lớn tuổi, nay được thư thư cho một đứa con trai như vậy quả là đại phúc. À mà nghe nói Tôn Nhị nương cũng có một thư nhi, năm nay được mấy tuổi rồi?
Xuân Mai đáp:
- Thư nhi của nhị nương trong phủ chúng tôi tên là Ngọc Thư, năm nay mới bốn tuổi.
Nguyệt nương hỏi tiếp:
- Nghe nói là lão gia bên quý phủ còn có hai nàng hầu phải không?
Xuân Mai đáp:
- Hai đứa đó là a hoàn, cho học đàn hát để mua vui trong nhà thôi.
Nguyệt nương lại hỏi:
- Lão gia có hay gọi chúng nó lên hầu không?
Xuân Mai đáp:
- Lão gia tôi làm gì có thời giờ ở nhà nhiều mà nghĩ chuyện này kia, thường là ở ngoài nhiều hơn. Hồi này trộm đạo nổi lên nhiều nơi trong hạt mình, triều đình gửi sắc thư về bắt lão gia tôi kiêm thêm nhiều việc nữa, nào là trấn thủ địa phương, nào là tuần lý sông ngòi, nào là trị tội trộm cướp, nào là thao luyện nhân mã, nhọc nhằn vất vả lắm, ít khi ở nhà.
Qua vài tuần rượu, Xuân Mai nói:
- Xin đại nương cho phép tôi được qua hoa viên để tới thăm lại phòng cũ của Ngũ nương tôi lúc trước.
Nguyệt nương đáp:
- Thư thư không biết, từ sau khi lão gia tôi tạ thế thì hoa viên phòng ốc không ai chăm sóc, cây cối trong vườn tàn héo cả mà phòng ốc thì dơ bẩn lạnh lẽo lắm.
Xuân Mai đáp:
- Không sao, Đại nương cứ cho phép tôi tới thăm lại phòng cũ của Ngũ nương tôi lúc trước một chút thôi.
Nguyệt nương không từ chối được, phải sai Tiểu Ngọc lầy chìa khoá mở cổng hoa viên, rồi cùng Ngô Đại cữu mẫu dẫn Xuân Mai vào.
Cảnh trong hoa viên ngày nay thật tiêu điều, tường hoa rêu phủ, đình tạ ngả nghiêng, cỏ dại mọc đầy những lối đi, che khuất cả những hàng gạch quý lót đường. Những dàn hoa đẹp ngày trước nay đã xác xơ, ao hồ lúc trước đẹp biết bao, nay nước dơ đục, cây cỏ rác rến nổi lều bều trên mặt nước, những toà nhà mát lúc xưa bây giờ là nơi ra vào của dơi và chuột.
Xuân Mai chậm bước, nhìn lại cảnh xưa, trong lòng không khỏi bâng khuâng xúc động.
Qua toà nhà Bình Nhi ở trước, xung quanh cỏ cao tới cửa, mài ngói rêu phong, quang cảnh u tịch tiêu điều. Tới toà nhà Kim Liên ở trước, thấy bên trong dơ dáy trống trơn, bèn quay lại hỏi Tiểu Ngọc:
- Cái giường cũ của Ngũ nương lúc trước đâu rồi, sao không thấy?
Tiểu Ngọc đáp:
- Lúc Tam nương lấy chồng thì Đại nương cho Tam nương chiếc giường đó đem theo.
Nguyệt nương giải thích thêm:
- Lúc sinh tiền, gia gia lấy cái giường đẹp của Tam nương mà cho Đại Thư, sau Đại Thư đem giường đó về bên chồng, nên lúc Tam nương ra đi, tôi phải lấy cái giường của Ngũ nương để Tam nương đem theo.
Xuân Mai gật gật đầu không nói, nhưng xót xa nghĩ thầm:
- Mình tới đây mong nhìn lại vật cũ, không ngờ lại về tay người khác rồi.
Lát sau lại hỏi:
- Còn cái giường quý mà lão gia mua cho Lục nương lúc trước bây giờ đâu?
- Chuyện dài dòng lắm, nhưng nói tóm tắt là từ ngày lão gia mất đi, trong nhà túng thiếu, nên đã phải nhờ người đem bán đi rồi.
Xuân Mai hỏi:
- Bán được bao nhiêu?
Nguyệt nương đáp:
- Chỉ bán được độ ba mươi lăm lạng.
Xuân Mai nói:
- Tiếc quá nhỉ, lúc trước tôi có nghe lão gia nói giường đó giá hơn sáu chục lạng. Nếu biết sớm thì tôi đã xin Đại nương để lại cho tôi rồi.
Nguyệt nương bảo:
- Thế thì tiếc thật, nhưng không biết thì làm thế nào.
Đang chuyện trò thì gia nhân của Chu Thủ bị tìm đến thưa:
- Lão gia nói là phu nhân liệu về sớm một chút, ca nhi ở nhà nhớ phu nhân, cứ khóc hoài.
Xuân Mai gật đầu rồi cùng mọi người trở lại hậu đường, Nguyệt nương lại bảo Tiểu Ngọc khoá cổng hoa viên lại, rồi vào tiệc tiếp tục mời Xuân Mai.
Nguyệt nương và Ngô Đại cữu mẫu thay phiên nhau tự tay rót rượu mà mời. Hai ca nữ, một người đàn tranh, một người đàn tỳ bà, đàn hát trước tiệc. Gia nhân tiếp tục đem thêm thức ăn lên, toàn những cao lương mỹ vị.
Bữa tiệc kéo dài tới gần tối. Một đám gia nhân của phủ Thủ Bị đem đèn tới rước chủ về, nhưng Nguyệt nương lưu giữ Xuân Mai lại, đoạn gọi hai ca nữ tới bảo quỳ trước mặt Xuân Mai mà đàn hát, rồi dặn thêm:
- Hai ngươi lựa những khúc thật hay đàn hát hầu Chu phu nhân đây cho ta.
Đồng thời bảo Tiểu Ngọc rót đầy một chung rượu lớn, rồi tự mình nâng lên mời Xuân Mai mà nói:
- Thư thư thích khúc hát gì, bảo hai đứa này nó đàn hát, cho thư thư uống chung rượu này.
Xuân Mai nói:
- Thưa Đại nương, quả là tôi không uống được nữa, vả lại cần về sớm không cháu ở nhà khóc.
Nguyệt nương nói:
- Thì ở nhà đã có hai nhũ mẫu và bốn a hoàn coi sóc ca nhi rồi. Vả lại cũng hãy còn sớm, đi đâu mà vội.
Xuân Mai quay hỏi ca nữ:
- Các ngươi tên gì, ở nhà nào?
Hai ca nữ quỳ xuống thưa:
- Chúng tôi một người là Hàn Ngọc Xuyến em của Hàn Kim Xuyến, một người là Trịnh Kiều Nhi cháu của Trịnh Ái Hương.
Xuân Mai hỏi:
- Các ngươi có thuộc khúc "Biếng điểm trang" không?
Hai ca nữ đáp:
- Dạ chúng tôi thuộc.
Nguyệt nương bảo:
- Hai ngươi đã thuộc thì đàn hát cho thật hay để ta mời rượu Chu phu nhân.
Tiểu Ngọc rót một chung rượu đầy để Nguyệt nương mời Xuân Mai, trong khi hai ca nữ đàn hát, một người đàn tranh, một người đàn tỳ bà, hát rằng:
Tình oan sao cứ theo ta, Nào hay xuân lại thu qua bao giờ.
Ai kia thấu nỗi tương tư, Biết ta sầu muộn ngóng chờ vì ai.
Để ta lệ thảm lăn dài, Cho ta buồn khổ, cho ai hững hờ.
Nguyệt nương mời rượu, Xuân Mai uống cạn thì khúc hát cũng dứt.
Nguyệt nương bảo Trịnh Kiều Nhi mời rượu Xuân Mai. Xuân Mai nói:
- Xin để tôi mời Đại nương một chung.
Nói xong tự tay rót rượu mà mời. Hai ca nữ lại hát:
Vì ai lệ chảy đêm mưa, Vì ai nhan sắc bơ phờ nhớ thương.
Vì ai lệ chảy canh trường, Vì ai phụ bạc cho vương vấn sầu.
Nguyệt nương uống cạn chung rượu. Xuân Mai lại nói:
- Để tôi xin được rót mời Đại cữu mẫu một chung.
Nguyệt nương bảo:
- Đại cữu mẫu không uống được nữa đâu. Để bảo Tiểu Ngọc lấy chung nhỏ rót mời Đại cữu mẫu vậy .
Tiểu Ngọc rót rượu, hai tay nâng mời Ngô Đại cữu mẫu. Hai ca nữ tiếp tục hát:
Nhớ ai ngơ ngẩn canh thâu, Vì ai đứng thảm ngồi sầu ngày đêm.
Thân gầy đứng tựa bên rèm, Gót sen hờ hững bên thềm cô đơn.
Xưa kia khăng khít nào hơn, Ai đi để khổ để buồn cho ai.
Xuân Mai lại rót một chung, bảo Tiểu Ngọc uống. Nguyệt nương nói:
- Phiền thư thư quá, nó không biết uống rượu đâu.
Xuân Mai bảo:
- Không sao, Đại nương không biết chứ nó có thể uống được vài ba chung, hồi trước còn ở đây, tôi đã có lần uống rượu với nó.
Nói xong gọi Tiểu Ngọc lại bảo uống. Hai ca nữ lại hát:
Nhớ thương suốt tháng ngày dài, Buồn đau thành bệnh u hoài trong tâm.
Giường cao tựa gối mà nằm, Một giòng lệ chảy cả trăm nỗi sầu.
Những khúc hát thật buồn, nhưng sở dĩ Xuân Mai bắt ca nữ hát khúc này chỉ vì trong lòng lúc nào cũng nhớ đến Kính Tế. Nghe hai ca nữ hát xong, Xuân Mai có cảm tưởng đã được người nói dùm nỗi lòng mình, bèn gọi gia nhân Chu Nhân tới, thưởng cho mỗi ca nữ hai tiền. Hai ca nữ buông đàn sụp lạy tạ ơn.
Xuân Mai lại thưởng cho nhà bếp ba tiền, cho các a hoàn ba tiền, rồi đứng dậy cáo từ.
Nguyệt nương khẩn khoản lưu giữ không được, đành tiễn ra tận cổng.
Xuân Mai lên kiệu mà về, gia nhân cầm tám cái đèn lồng xúm quanh kiệu, quân hầu đi trước dẹp đường.
Thật là:
Hết thời, vàng cũng phai màu, Được thời, gang sắt làu làu huy quang.
Từ ngày ăn tiệc ở nhà Nguyệt nương về, Xuân Mai chỉ tơ tưởng đến Kính Tế, không biết giờ này Kính Tế lưu lạc nơi nào, do đó cả ngày chỉ nằm trên giường, âu sầu ủ rũ. Chu Thủ bị đoán biết là Xuân Mai nhớ tới Kính Tế, nhưng vẫn yên trí rằng Kính Tế là em họ của Xuân Mai, bèn gọi Trương Thắng, Lý An tới hỏi:
- Ta đã dặn hai ngươi là phải tìm người em họ của phu nhân, mời tới đây cho phu nhân gặp mặt, sao hai ngươi không chịu nghe lời?
Trương Thắng đáp:
- Hai chúng tôi đã dụng công tìm kiếm, nhưng mãi không thấy, nên đã có trình lại với phu nhân rồi.
Chu Thủ bị bảo:
- Ta hẹn cho hai ngươi năm ngày phải tìm cho ra.
Trương Lý xịu mặt xuống, lạy chào cùng nhau lang thang khắp nơi dò hỏi tông tích Kính Tế ...
Về phần Kính Tế, từ hôm được thả ra, tìm về miếu, nghe nói là sư phụ vì giận mình mà chết, thì sợ, không dám vào miếu, lại cũng mặt mũi nào tìm đến với Vương Hạnh An, nên lại trở lại cuộc sống như trước, ngày ngày lang thang kiếm ăn, đêm đêm ngủ vật vạ đầu đường xó chợ.
Một hôm Kính Tế đang lang thang trên đường thì tình cờ trông thấy Dương Đại lang đầu đội mũ lụa, mình mặc áo đoạn, cưỡi lừa mà đi, theo sau lại có một tên gia nhân. Kính Tế định thần nhìn kỹ lại rồi lập tức chạy tới nắm đầu ngựa mà bảo:
- Dương đại ca, sao lâu nay đi đâu mà tôi tìm không thấy. Từ ngày đại ca đem thuyền hàng của tôi từ bến Thanh Giang đi, tôi có tới nhà đại ca tìm kiếm, nhưng lại bị Dương Nhị Phong chửi mắng đuổi đánh, đuổi đến tận nhà tôi. Chỉ vì đại ca mà bây giờ tôi phải nghèo khổ như thế này, bây giờ đại ca tính sao?
Dương đại lang mới đầu giật mình sợ hãi, nhưng sau khi nhìn lại Kính Tế, thì cười sằng sặc mà bảo:
- Hôm nay ta ra ngõ gặp gái hay sao mà đụng phải thằng du thủ du thực này. Mày đói quá hoa cả mắt rồi hay sao mà ăn nói bậy bạ điên rồi vậy? Cỡ mày mà có một thuyền hàng hay sao? Mày có buông ra không, tao đánh cho một trận bây giờ?
Kính Tế bảo:
- Bây giờ huynh có tiền, còn tôi thì cùng khốn, huynh phải cho tôi chút ít qua ngày, nếu không mời huynh tới cửa quan trả lời.
Dương Đại lang chẳng nói chẳng rằng, nhảy ngay xuống dùng roi ngựa quất Kính Tế mấy cái thật lực rồi quát tên gia nhân:
- Ngươi đuổi nó đi cho ta, ai quen biết gì nó.
Tên gia nhân sấn tới xô Kính Tế ra, Dương Đại lang lại nhảy theo đánh đá. Người đi đường bu lại coi, rồi một người cao lớn, mũ áo chỉnh tề, mặt đỏ như gấc vẹt đám đông bước vào, gạt Dương Đại lang ra một bên mà bảo:
- Sao lại xử sự như vậy? Người ta nhỏ tuổi, lại yếu đuối bần cùng, huynh đánh người ta làm gì? Vả lại nãy giờ tôi theo dõi thì người này chưa có lời gì xúc phạm tới huynh cả. Lúc trước người ta có tiền, huynh kết giao với người ta, bây giờ người ta nghèo khổ, huynh không thèm kết giao nữa thì thôi, sao lại đánh đập người ta? Tôi đi ngang thấy chuyện bất bình nên không thể không nói.
Dương Đại lang bảo:
- Huynh không biết, nó vu oan là tôi cướp một thuyền hàng của nó. Huynh xem nó bần cùng như thế này mà làm sao có được một thuyền hàng?
Người nọ nói:
- Chắc là trước đây hắn cũng khá giả, bây giờ mới cùng khốn mà thôi.
Theo tôi thì chẳng gì huynh cũng có kết giao với hắn lúc trước, bây giờ huynh có tiền, nên cho hắn chút ít là hơn.
Dương Đại lang nghe người nọ nói vậy, lại không muốn lôi thôi, bèn lầy ra bốn năm tiền, đưa cho Kính Tế, rồi chào người nọ, lên lừa mà đi.
Kính Tế bị đánh ngã xuống đất, bây giờ mới lồm cồm bò dậy, ngẩng mặt nhìn người nọ, thì không ai xa lạ, chính là một tên đàn anh của Kính Tế trong thời gian lang thang lúc trước, tên là Hầu Lâm, có biệt hiệu là Phi Thiên Quỷ.
Hầu Lâm hiện có công ăn việc làm tử tế, đang chỉ huy năm chục nhân công, dựng điện Già Lam cho Hiểu Nguyệt Trưởng lão tại Thuỷ Nguyệt tự ở phía nam ngoại thành.
Hầu Lâm cũng nhận ra Kính Tế, bèn cầm tay dắt dậy mà bảo:
- Hiền đệ à, hồi nãy nếu không có tôi thì làm sao thằng đó chịu bỏ tiền ra cho hiền đệ. Tôi nói mà nó không nghe, tất nó sẽ ăn đòn ngay. Bây giờ thì hiền đệ theo tôi, mình vào một tửu điếm nói chuyện.
Hai người vào một tửu điếm gần đó. Hầu Lâm gọi rượu rồi hỏi:
- Hiền đệ ăn cơm hay ăn mì?
Tửu bảo đứng bên nói:
- Cơm hai mì ở tiệm này đều ngon cả.
Kính Tế đáp:
- Tôi ăn mì.
Tửu bảo đem mì tới, Hầu Lâm chỉ ăn một bát, Kính Tế ăn liền hai bát.
Hầu Lâm lại gọi thêm vài đĩa đồ ăn, hai người uống rượu.
Hầu Lâm bảo:
- Hiền đệ à, tối nay hiền đệ về nghỉ với tôi, ngày mai tôi dẫn hiền đệ tới chùa Thuỷ Nguyệt, giới thiệu với Hiểu Nguyệt Trưởng lão để giúp hiền đệ có việc làm. Hiện tôi đang lãnh dựng điện Già Lam cho nhà chùa và xây hai tăng phòng. Tôi cai quản năm chục nhân công, hiền đệ tới đó, chẳng phải làm gì nhiều, chỉ cần gánh vài gánh đất là tôi tính cho hiền đệ một công, được bốn năm phân tiền. Tôi cũng có căn phòng nhỏ, hiền đệ về ở với tôi, có đi đâu thì cứ khoá cửa lại, như vậy có phải hơn là lang thang như trước không, hiền đệ nghĩ thế nào?
Kính Tế đáp:
- Được huynh thương mà giúp cho như vậy thì còn gì bằng, nhưng công việc hiện tại liệu có được lâu bền chăng?
Hầu Lâm đáp:
- Việc này làm ít ra là phải mười tháng mới xong, mà mới chỉ làm được chừng một tháng. Sau đó thì lại kiếm việc khác, tới đâu hay đó, lo gì.
Hai người chén chú chén anh thù tạc, chốc lát đã hết hai bình rượu lớn.
Tửu bảo tính tiền, cả thảy là một tiền năm phân rưỡi. Kính Tế móc tiền ra trả, nhưng Hầu Lâm gạt đi mà bảo:
- Đồ ngốc, ai bảo trả tiền, tôi có tiền đầy rồi.
Nói xong, móc tiền ra trả rồi cùng Kính Tế rời khỏi tửu điếm.
Sáng hôm sau, Hầu Lâm đưa Kính Tế tới chùa Thuỷ Nguyệt. Nơi đây đám nhân công đã tề tựu đông đủ. Thấy Kính Tế mới hai mươi lăm tuổi, mặt mày lại thanh tú thì họ xúm cả lại mà chọc ghẹo. Một người hỏi:
- Thằng oắt con kia, mày tên gì?
Kính Tế đáp:
- Tôi họ Trần, tên Kính Tế.
Một người bảo:
- Mày đến tế ai ở đây mà phải kính cẩn thế?
Cả bọn cười ồ lên. Một người khác nói:
- Bộ mày yếu đuối quá, trói gà không chặt thế kia thì làm sao làm việc nặng nhọc ở đây được.
Cả bọn lại cười. Hầu Lâm nạt nộ:
- Chúng bay không lo làm đi, ở đó mà chọc ghẹo người ta hay sao?
Nói xong cắt đặt người nào việc nấy. Kẻ gánh đất, người trộn hồ, kẻ cưa cây, người xếp gạch.
Công việc nấu ăn cho đám thợ được Hiểu Nguyệt Trưởng lão giao cho một vị đầu đà họ Diệp trông coi. Diệp đầu đà không biết kinh kệ, nhưng thành tâm mộ Phật, lại có tài ma y thần tướng.
Một hôm, đám thợ vừa ăn xong, kẻ nằm người ngồi, nghỉ ngơi chuyện gẫu thì Kính Tế tới tìm Diệp đầu đà để hỏi trà uống. Diệp đầu đà chỉ nhìn ngắm Kính Tế từ đầu tới chân mà không nói gì. Một người bảo:
- Diệp lão à, thằng này mới tới làm ở đây, lão thử coi tướnng giùm nó xem sao.
Một người khác bảo:
- Lão xem nó có khá được không chứ bây giờ thấy nó có bộ bết lắm.
Cả đám cười ồ lên. Diệp đầu đà gọi Kính Tế tới gần, nhìn kỹ một lúc rồi bảo:
- Da dẻ mày mịn màng thế kia là suốt đời được đàn bà yêu thích, mắt mày sáng thế kia là mày khôn ngoan xảo quyệt, nhưng năm tám tuổi, mười tám tuổi và hai mươi tám tuổi là mày gặp nạn, mày làm việc gì cũng được người ta tin dùng, nhưng kỳ thực mày lộng giả thành chân, mày đừng giận tao là nói thẳng, năm nay mày bao nhiêu tuổi?
Kính Tế đáp:
- Tôi hai mươi bốn tuổi.
Diệp đầu đà bảo:
- Tra n mày hôn ám thế kia là năm ngoái mày có nạn lớn, vợ chết con chết, nhà cửa tiền bạc tiêu tan, mũi mày như cái bếp lửa là gia tư lụn bại, môi mày không che kín răng là suốt đời gặp chuyện thị phi. Mới đây tất mày gặp chuyện thưa kiện lôi thôi, táng gia bại ản, có phải vậy không?
Kính Tế đáp:
- Quả có vậy.
Diệp đầu đà gật gù bảo:
- Tướng mày là tướng phá gia chi tử, tất lúc trước ông bà cha mẹ để lại cho mày sản nghiệp lớn lao lắm, nhưng vào tay mày tiêu tan như băng tuyết dưới mặt trời. Số mày lại phải ba đời vợ, mày đã goá vợ lần nào chưa?
Kính Tế đáp:
- Đã có một lần rồi.
Diệp đầu đà bảo:
- Tướng mày coi vậy cũng không đến nỗi nào, ngoài ba mươi có thể khá, nhưng mày phải ít lui tới những nơi liễu ngõ hoa tường, buông hương bán phấn mới được.
Một người bảo:
- Chắc là Diệp lão đoán sai rồi, thằng này sức lực bao nhiêu mà những ba vợ lận?
Mọi người cười ầm cả lên. Lát sau thì người nào việc nấy.
Từ đó Kính Tế làm việc tại chùa Thuỷ Nguyệt sông qua ngày.
Một hôm vào trung tuần tháng ba, Kính Tế gánh đất mệt mỏi, đang ngồi dựa vào tường mà nghỉ thì chợt thấy một người đội khăn chữ vạn, mặc áo lụa xanh, ngồi trên ngựa, tay cầm một giỏ hoa tươi. Người này nhìn thấy Kính Tế thì vội vàng xuống ngựa bước tới vái chào mà nói:
- Tôi tìm bao lâu nay không thấy, nào ngờ Trần cừu lại ở nơi đây.
Kính Tế hoảng lên, lật đật dậy đáp lễ rồi hỏi:
- Chẳng hay huynh từ đâu tới?
Người nọ đáp:
- Tôi là Trương Thắng, quản gia trong phủ Thủ Bị, gia nhân thân tín của Chu lão gia. Từ khi Trần cữu rời phủ mà đi thì phu nhân ngày đêm không vui, lão gia sai tôi đi tìm Trần cữu khắp nơi cũng không thấy, ngờ đâu lại gặp tại nơi này. May là hôm nay phu nhân sai tôi ra ngoại thành tìm mua thảo thược dược tươi, đi ngang đây mới gặp Trần cữu, thật là phúc đức cho tôi quá. Bây giờ thì xin Trần cữu cảm phiền mà lên ngựa với tôi về phủ, phu nhân đang trông đợi Trần cữu lắm.
Đám thợ thấy chuyện lạ thì bu lại mà coi, nhưng không ai dám nói tiếng nào.
Kính Tế trả chìa khoá phòng lại cho Hầu Lâm rồi lên ngựa cùng Trương Thắng về phủ Thủ bị.
Thật là:
Tuổi xanh đắc ý là đâu,
Đêm nay trăng sáng trên lầu nhà ai.