Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Ba Phút Sự Thật

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20937 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Ba Phút Sự Thật
Phùng Quán

14. Bản hùng ca bị mối xông và mười bảy bộ hài cốt

Nội dung bài này đã được báo Tiền Phong chủ nhật đăng 2 kỳ, số 47- 48 năm 1992 với tựa đề "Bản trường ca năm xưa" (hay tư liệu mới về 17 bộ hài cốt vừa tìm thấy ở Huế) nhưng bị lược bớt. Cũng nội dung này, tháng 5/1993, Nxb Trẻ đã xuất bản với tựa đề "Bản hùng ca về 17 anh hùng Vệ quốc đoàn" (Tủ sách Tuổi hồng). Bài này chúng tôi in theo bản gốc chữ viết tay của Phùng Quán tặng cho Chi Đoàn TNCS HCM của UBKHKT Tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) sau đấy được trao lại cho nhà văn Nguyễn Khắc Phê lưu giữ. (Chú thích của Ngô Minh)
***
Dạ thưa văn hữu Nguyễn Đắc Xuân cùng các chiến hữu Trung đoàn Trần Cao Vân cũ. Mới đây do tình cờ tôi được đọc bài viết của văn hữu đăng trên trang nhất báo Lao Động chủ nhật ra ngày 7-7-1992, thuật lại một sự kiện làm chấn động cả thành phố Huế. Và sự kiện này có một chi tiết nhỏ liên quan đến bản thân tôi:
"Ngày 4-6-1992, trong lúc đào đất cải tạo một công trình phụ của cơ quan Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, công nhân xây dựng bất ngờ chạm phải 17 bộ hài cốt nằm lẫn với súng, đạn, lựu đạn, dao găm, kiếm Nhật, khóa thắt lưng, mũ sắt…Trong mười bảy bộ, có một bộ to lớn quá cỡ; và một bộ khác nơi xương ống tay đeo lủng lẳng một cái "lập lắc" bằng nhôm có khắc chữ: "Phùng Huấn- VQĐ.Thuận Hóa". Bài báo ghi chú: "Phùng Huấn là bác của nhà văn "Tuổi thơ dữ dội" Phùng Quán. Chính nhờ di vật này mà những người khai quật xác định ngay được đây là hài cốt của quân ta. "VQĐ" là Vệ quốc đoàn. Ngày 16-6, một cuộc tọa đàm khoa học được tổ chức tại hiện trường khai quật và đã nhất trí một số nét đại cương: "Mười bảy bộ hài cốt là Trung đội 9, Tiểu đoàn Tiếp phòng quân, Trung đoàn Trần Cao Vân, nay là Trung đoàn 101, sư đoàn 325. Trung đội trưởng là Nguyễn Ngọc Giao, chính trị viên là Vĩnh Tập… đã hy sinh trong những ngày toàn quốc kháng chiến, năm 1946. Nhưng ai đã chôn cả một trung đội Vệ quốc đoàn mà mãi 46 năm sau, hoàn toàn do tình cờ mà phát hiện được? Theo ý kiến của một số người tham dự cuộc tọa đàm, là do chính đồng đội của họ chôn; nhưng không may sau đó những người chôn họ cũng hy sinh luôn, nên không còn ai biết chuyện này nữa…".
Nhân sự kiện này tôi có đôi điều muốn thưa chuyện cùng văn hữu và những đồng đội cũ của tôi.
Tôi chỉ là một người lính già thất học, mù tịt về mọi khoản khoa học. Nhưng tôi cả quyết rằng, Trung đội Vệ quốc đoàn này không phải do đồng đội của họ chôn. Vì một ìẽ giản đơn là những người lính chúng tôi những ngày đó không bao giờ chôn đồng đội của mình với vũ khí. "Súng là vợ, đạn là con" là đạo lý chiến trận của chúng tôi ngày đó. Không ai đem chôn "vợ con" cùng với người lính chết trận. Có một nhà thơ đã từng viết "Chết còn trao súng đạn cho nhau".
Vậy thì ai chôn?
Đọc bài báo của văn hữu, rồi sau đó được xem ảnh của Trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao và chính trị viên Vĩnh Tập và nhiều bức ảnh chụp các góc độ của khuôn viên khai quật, cùng vị trí và địa điểm cơ quan Uỷ ban KHKT (18- Hà Nội, Huế), toàn thân tôi ớn lạnh. Tôi bỗng nhớ lại tất cả…
Cách đây trên ba mươi năm có lẻ, trong những ngày gian khó nhất của đời mình, trong nỗi buồn bã và thất vọng khôn cùng, tôi khởi công viết một thiên hùng ca… "Có những phút ngã lòng- tôi vịn câu thơ mà đứng dậy". Thiên hùng ca kể lại một câu chuyện có thật, những người anh hùng có thật. Hơn nữa, những người anh hùng mà tôi quen biết, và tôi có mối hàm ơn sâu nặng vì một lần họ đã cứu tôi… thoát khỏi đạn đại liên giặc trong trận đánh kinh hồn vào vị trí Miễu Đại Càng… Năm đó tôi vừa tròn 14 tuổi, là đội viên Đội thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân, mà tôi có dịp kể lại sự tích của toàn đội trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội. Không có họ chắc xương thịt tôi cũng mục nát từ lâu, như xương thịt các bạn tôi trong truyện: Quỳnh-sơn-ca, Vịnh-sưa, Bồng-da-rắn…
Thiên hùng ca gồm 10 chương, khoảng nghìn câu thơ, với một Khai từ và một Hậu từ. Từ năm 1958 đến năm 1988, tôi mắc phải khổ nạn văn chương. Tôi bị mất quyền in sách nên thiên hùng ca chịu chung số phận với nhiều tác phẩm khác của tôi: Mối xông! Nghìn câu thơ nay tôi không còn nhớ nữa (ba mươi năm có le rồi còn gì?). Nhưng cốt truyện, đoạn Khai từ và lác đác dăm câu thơ, đoạn thơ khắc họa ý tưởng chính, tôi vần còn nhớ như in…
Đất nước ta đâu chừng ấy nghĩa trang!
Đâu chừng ấy nấm mồ liệt sĩ!
Hãy đi từ ải Nam Quan
Thẳng đến tận Hàng dương Côn Đảo
Nhặt lên từng hòn đất nếm xem
Có hòn nào không hăng nồng vị máu?

Đó là đoạn Khai từ của Thiên hùng ca HUYỆT LỬA CHÔN CHUNG?
Ngày đó… Cố đô núi Ngự sông Hương trầm mặc, hiền hòa, bỗng nổi giận, vùng dậy dựng chiến lũy chống giặc ngoại xâm. Trên vừng trán xanh ngọn núi Tam Thai sáng rực lên dòng chữ xếp bằng đá vôi: Thà chết không quay lại đời nô lệ!. Trung đoàn Vệ quốc quân Trần Cao Vân, quân chủ lực của Thừa Thiên, gan dạ, khí phách "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" có thừa, nhưng vũ khí thì quá thiếu. Họ được trang bị phần lớn là súng khai hậu, mút-cơ-tông, mã tấu, dao găm, lựu đạn nội hóa mười quả chỉ nổ hai ba, mìn ba càng, chai xăng ngâm kếp…và cả rơm rạ và ớt bột để xông giặc cho chết ngạt như kiểu xông chuột. Vũ khí hạng nặng của Trung đoàn là một khẩu sơn pháo 75 ly, một máy ngắm, được gọi mật danh là "Ông già Bảy lăm". Bởi vậy, muốn tiêu diệt được quân xâm lăng được trang bị đến tận răng vũ khí hiện đại, xe tăng, máy bay… Vệ quốc đoàn không còn cách nào khác là phải liều thân.
Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi…Nào có mong chi đâu ngày trờ về…Ra đi ra đi bảo tồn sông núi… Ra đi ra đi thà chết không lui…
Cả Trung đoàn Trần Cao Vân đã hát như vậy trước giờ xuất kích. Ban chỉ huy mặt trận ngày đó mà một số người hiện nay còn sống: Hoàng Anh, Trần Hữu Dực, Hà Văn Lâu…, quyết định tuyển chọn những chiến sĩ gan dạ nhất, dám liều thân nhất, thành lập những đơn vị cảm tử quân. Cảm tử quân lãnh nhiệm vụ đêm đêm luồn sâu vào tận sào huyệt giặc, đánh cận chiến bằng dao găm, lưỡi lê, lựu đạn, dùng mìn ba càng; bom tự tạo phá huỷ xe tăng, đại bác; dùng chai xăng ngâm "kếp" đốt phá các kho hàng… Trong số những đơn vị cảm tử quân có Trung đội do anh Ngọc chi huy, và một chính trị viên rất trẻ con nhà Hoàng tộc, nổi tiếng gan liều và đánh cận chiến giỏi. Trong thiên hùng ca, trung đội trưởng Ngọc còn có biệt danh "Người-yêu-nước-khổng-lồ" vì tầm vóc anh đặc biệt cao lớn. Anh đứng trong hàng quân thường cao vượt đồng đội một đầu và một vai. Quê anh ở miền Bắc. Anh đến mặt trận Huế trong đoàn quân Nam tiến. Anh luôn đội chiếc mũ sắt chiến lợi phẩm thủng một lỗ toang hoác trước trán giống hình cái miệng cười ngạo, vừa cười vừa hát: Trông chết cười ngạo nghễ… Anh che bớt cái miệng- sắt cười ngạo bằng chiếc quân hiệu ngôi sao vàng trên nền đỏ hình trăng. Khẩu tiểu liên "Tuyn" anh khoác trên vai nom như khẩu súng đồ chơi. Đôi giày ba-ta ngoại cỡ anh đi nom như hai chiếc xuồng… Một con người có tầm vóc như vậy tưởng chừng hét phải sập cầu Trường Tiền như Trương Phi hét sập cầu Tràng Bản. Nhưng hoàn toàn ngược lại, anh nói năng dịu dàng, nhỏ nhẹ, ngay cả khi đứng trước hàng quân phổ biến lệnh chiến đấu. Và giữa câu nói anh thường chen vào một vài tiếng Tây như thói quen những người có học thời đó. Anh thương tụi liên lạc nhóc chúng tôi lắm. Anh nạt nộ la mắng khi bắt gặp chúng tôi chạy liên lạc, ngại đường xa, liều lĩnh chạy tắt qua những đường phố trong tầm súng của giặc. Giống hệt như mẹ chúng tôi ngày còn ở nhà nạt nộ la mắng khi bắt gặp chúng tôi trèo tít lên ngọn cây bắt tổ chim: "Lần sau mà anh còn trông thấy các em chạy tắt qua mấy đường phố đó, anh sẽ dùng que thông nòng súng quất cho nát mông đít!"
Trận đánh vị trí miễu Đại Càng đêm đó trời mưa rét. Tối như bưng. Trung đội anh Ngọc là lực lượng chủ công, được Mặt trận tăng cường hỏa lực gấp đôi, lĩnh nhiệm vụ sẽ đánh vào điểm xung yếu nhất của vị trí. Tôi và thằng Bồng-da-rắn chạy liên lạc truyền tin. Hai đứa chứng nào vẫn tật ấy, ngại chạy đường vòng, rủ nhau chạy tắt theo con đường mà anh Ngọc đã ra lệnh cấm vì nằm trong tầm đạn súng máy của giặc và địa hình trống trơn. Chạy được hai phần đường thì vấp phải đèn pha giặc quét kiểm soát dọc đường. Chúng tôi vừa kịp nằm sấp xuống lề đường, đạn đại liên cua địch đã kêu chiu chíu trên đầu, cày tung đất đá quanh chỗ nằm. Đạn bay một lúc một dày đặc và hạ thấp xuống chỉ còn cách người chúng tôi vài gang tay. Trong một nỗi hoảng sợ ghê gớm, chúng tôi cùng kêu thét lên: "Các anh ơi, cứu em với!". Trung đội trưởng Ngọc lúc này đã áp sát được đến vị trí tấn công. Nghe chúng tôi hoảng loạn kêu cứu, anh Ngọc liền chỉ huy trung đội nhào trở lại con đường chúng tôi đang nằm bẹp dí chờ chết. Anh hô trung đội dồn hết hỏa lực bắn xả vào phía hai nòng đại liên đang chớp lửa. Trước sự phản công bất ngờ, hai khẩu đại liên vụt câm chừng một phút, đủ thời giờ cho hai đứa chúng tôi chồm dậy, nhảy vọt xuống con hào đầy nước mưa phía bên kia lề đường… Sự cố này đã làm lộ kế hoạch đánh vị trí trước giờ nổ súng. Các đơn vị phải rút về. Hai đứa tôi theo trung đội anh Ngọc rút về địa điểm giấu quân. Vừa kéo xuống tầng hầm chiếu sáng lờ mờ bằng ngọn đèn bão treo ở góc hầm, đã thấy ông Điểu, tiểu đoàn trưởng Tiếp phòng quân đứng chực sẵn giữa nhà. Ông xuất thân là lính khố xanh, tầm vóc nhỏ con, tính nóng như lứa, hay thét lác và đôi khi đánh đập lính. Nét mặt ông giận phừng phừng. Vừa nhìn thấy anh Ngọc, ông đã hét toáng lên: "Ai cho phép anh được thay đổi kế hoạch tấn công? Tôi sẽ xử bắn anh tại chỗ!" Ông đưa tay chụp lấy báng súng lục đeo bên hông. Anh Ngọc bước sải một bước đến sát bên ông, đưa bàn tay hộ pháp nắm chặt lấy cổ tay ông đang định rút súng. Anh nói dằn giọng: "Đồng chí tiểu đoàn trưởng, tôi yêu cầu đồng chí dẹp thói quân phiệt! Hãy bình tĩnh nghe tôi nói đây! Đồng chí coi việc hạ cái vị trí của bọn chó chết ấy hơn mạng sống hai thằng nhỏ này hay sao?". Anh đưa tay trỏ hai đứa chúng tôi đang đứng run rẩy nép sát vào nhau ở góc tầng hầm. "Tôi sẽ đưa đồng chí ra xét xử trước tòa án binh!". Ông Điểu rít lên và sầm sập nện giày đinh cồm cộp quay ngoắt ra cửa tầng hầm. Hai đứa chúng tôi nháy nhau và định chuồn theo ông. Nhưng anh Ngọc quát (tôi chưa bao giờ nghe anh quát to đến vậy): "Hai chú đứng lại đó! Nằm sấp xuống nền!". Anh rút cái que thông nòng súng, dằn giọng: "Bao nhiêu lần tôi đã ra lệnh cho các chú tuyệt đối không được chạy tắt qua những con đường cấm. Tại sao các chú không tuân lệnh? Chỉ vì các chú mà lỡ mất một trận đánh lớn. Tôi phạt các chú theo kỷ luật Vệ quốc đoàn!" Anh quất chúng tôi mỗi đứa ba que thông nòng súng, quắn mông đít. "Cho các chú đứng lên, và về đi!". Anh nhìn theo chúng tôi leo lên các bậc cửa tầng hầm, nói với chính trị viên: "Tôi phải lên gặp anh Lâu, yêu cầu anh đưa hết tụi nhóc này ra khỏi mặt trận, gửi ra ngoài vùng tự do cho đi học. Chỗ của chúng đâu phải ở đây…". Nhưng anh chưa kịp làm điều đó thì sự cố quan trọng nhất của đời người lính đã xảy. Cạnh nhân vật anh Ngọc là nhân vật chính trị viên trung đội con nhà Hoàng tộc, người đảng viên cộng sản độc nhất trong đơn vị. Tôi đặt biệt danh cho anh là "Chàng-cộng-sản-mệ". Nhân vật mà tôi mất nhiều công sức nhất để miêu tả và khắc họa tính cách với cả trăm câu thơ, là nhân vật chiến sĩ Anh tên là Phùng Huấn, xuất thân nông dân quê ở làng Thanh Thuỷ Thượng. Phùng Huấn yêu một cô gái làng sắp làm lễ cưới. Mặt trận Huế bùng nổ, anh hoãn ngày cưới, cùng nhiều trai làng xung phong gia nhập Vệ quốc đoàn. Anh được tuyển chọn vào cảm tử quân…
***
Bài thơ HÔN là đoạn thơ tôi trích ra từ thiên hùng ca ấy. (Bài thơ này nhiều lần đăng trên báo, và mới đây được in trong tuyển tập Parorama de la Littérature Vietnamism do dịch giả Hữu Ngọc dịch ra tiếng Pháp: (Le Baiser):
Em ơi rất có thể
Anh chết giữa chiến trường
Đôi môi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn!
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Đó là lời của Phùng Huấn nói với vợ chưa cưới trước giờ xung trận. Phùng Huấn là bác họ của tôi. Trong thiên hùng ca tôi không nói chi tiết này, chi miêu tả mỗi lần chúng tôi đứng cạnh nhau, cả đơn vị ai cũng lầm là hai anh em ruột. Vì chúng tôi giống nhau như hai cục bùn móc dưới ruộng sâu lên. Dù đã được che kín quân phục và ướp mùi chiến trận, nhưng cả con người Phùng Huấn và tôi vẫn bốc ra đậm đặc mùi bùn, mùi cứt trâu, mùi rơm rạ ủ mục, mùi áo quần chằm vá đầy rận và ướt sũng mồ hôi, mùi bình dân học vụ… Trong đội cảm tử, Phùng Huấn được phân công vào tổ "vũ khí nặng".
Vũ khí nặng Phùng Huấn phụ trách là một cặp đầu đạn đại bác 75 ly tịt ngòi được công binh xưởng biến báo thành mìn đánh xe tăng. Hai trái đạn đựng trong cái rọ heo được đan bằng tre cật, dây đeo bện bằng dây điện thoại to bằng ngón tay cái. Phùng Huấn chăm sóc hai trái đầu đạn còn hơn ngày còn đi cày thuê ở làng, chăm sóc con trâu đực tên là ô, nuôi rẽ của một nhà giàu. Phùng Huấn gọi nựng chúng là "Hai thằng đẻ sinh đôi của tau". Hễ rảnh rỗi phút nào là Phùng Huấn lại lôi "cặp con sinh đôi" trong rọ heo ra, lau chùi bằng mỡ súng, dầu "luyn", làm chúng bóng ngời lên, soi gương được Anh em trong đội thường xúm lại trêu chọc: "Cậu lau chùi nhiều rứa, có ngày tụi hắn mòn thủng, thuốc súng trong bụng chảy ra hết, thành hai trái đạn tộng-bộng…"
Tổ "vũ khí nặng" là siêu cảm tử, nên mỗi chiến sĩ được mặt trận cấp phát một chiếc "lập lắc" bằng nhôm cứng, trên mặt khắc tên họ, dây đeo bằng thép không rỉ, để lỡ hy sinh xác người nọ khỏi lan với xác người kia. Các anh "vũ khí nặng" rất hãnh diện với việc cấp phát ưu tiên này. Trời rét căm căm mà anh nào cũng xắn cao tay áo quân phục để khoe. Tôi còn nhớ trong thiên hùng ca tôi viết cả một đoạn thơ dài về những chiếc "lập lắc" này và những chiến sĩ đeo nó trên cườm tay. Tôi gọi chúng là của hồi môn của cuộc chiến tranh Vệ quốc tặng cho những đứa con hiếu nghĩa tình nguyện kết duyên với Tử Thần!
Một buổi sáng, mặt trận Huế chìm trong mưa. Bùn đất lép nhép trong các chiến hào. Tôi từ chỉ huy sở Mặt trận chạy liên lạc xuống trung đội anh Ngọc đưa mật khẩu chiến đấu đêm hôm đó. Mật khẩu đựng trong phong bì dán kín, có gắn xi, con dấu đồng của Mặt trận đóng lên xi đảm bảo tuyệt mật. Phùng Huấn ngoắc tay gọi tôi: "Bê! Bê." (tên gọi tôi ngày còn ở nhà), rồi ghé sát tai tôi nói nhỏ: "Tối ni đơn vị tau đi cảm tử vị trí nhà hàng Sap- phăng-xông (Bây giờ là cửa hàng Bách hóa số 1, thành phố Huế), Mặt trận sẽ đãi tụi tau một bữa thịt bò, thịt heo với xôi ở sân chùa Vạn Phước. Để lỡ có chết thì anh em được chết no. Tắt mặt trời, mi nhớ chạy xuống mà ăn chực". Tụi liên lạc nhóc chúng tôi, hễ nghe nói được ăn thì có phải chui qua lưới lửa của đạn súng máy, chúng tôi cũng chẳng từ. Chúng tôi thường lý sự: "Bắn chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết. Không trúng, không chết thì được ăn?".
Tôi ngờ bữa ăn tối hôm đó chính là bữa ăn mà Nguyễn Đắc Xuân đã kể lại trong bài báo nói trên: "Vợ chưa cưới của dồng chí Phùng Huấn, đã 70 tuổi, từ xã Thuỷ Dương ( tên mới của làng Thuỷ Thanh Thượng) chống gậy lên thăm hài cốt của người yêu xưa. Bà kể: Chiều đó tôi lên đơn vị thăm anh ấy. Tôi rủ anh đi ăn hàng. Anh ấy nói: "Tối ni đơn vị anh đi cảm tử với tụi Tây. Mặt trận hẹn đãi Trung đội một bữa thịt bò thịt heo ê hề. Chừ đi ăn hàng, sợ ngang bụng tối không ăn được, phí đi. Anh ấy nhất định không đi. Tôi ngó cổ tay anh ấy, hỏi: "Người ta đeo vòng vàng xuyến bạc, anh đeo cái miếng sắt, miếng chì nớ mần chi rứa?. Anh nói: Miếng sắt miếng chì ni nhưng ai đem vàng bạc đổi, đừng hòng tui đổi. Chỉ có mấy thằng lính cảm tử như tụi anh mới được Mặt trận phát cho đeo. Trên ni người ta khắc tên họ, để lỡ anh có chết, em nhận đúng xác anh đem về chôn, không thì em lại chôn lộn một thằng chồng chưa cưới khác, mà cứ khóc hu hu: "Anh Huấn ơi là anh Huấn ơi… Nỡ bỏ em mà đi tội nghiệp em lắm anh nờ…". Tôi tưởng anh nói bông lơn chơi ai ngờ anh nói thiệt…"
Nếu bữa ăn bà kể lại với văn hữu đúng là bữa ăn cuối cùng của Trung đội cảm tử ở sân chùa Vạn Phước đêm đó, thì tôi còn nhớ rất rõ có cả Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu và chỉ huy trưởng Mặt trận khu C, Phùng Đông… cũng là bác họ tôi dự. Bữa ăn đêm đó rất lạ. Không ồn ào, nhộn nhạo như những bữa liên hoan thường lệ khác của lính tráng chúng tôi. Cả trung đội ngồi ăn rất lặng lẽ trong ánh sáng chập chờn của mấy ngọn đuốc dầu hỏa. Nghe được cả tiếng đũa bát chạm lách cách. Tiếng nhai nuốt vội vàng. Họ ăn mà nghiêm trang như hành lễ. Hình như họ dự cảm một điều gì đó vô cùng nghiêm trọng sắp xẩy ra trong cuộc đời chiến trận của họ. Chính cái không khí lặng lẽ bất thường này đã tạc khắc vào ký ức tuổi thơ của tôi một ấn tượng buốt nhói mà thời gian không thể làm phai mờ…
Trận "cảm tử" vào nhà hàng Sáp-phăng-giông đêm đó không kết quả. Các anh xung phong nhiều đợt định chiếm tầng dưới rồi dùng mìn đánh sập ngôi lầu. Nhưng lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc, các anh đều bị đánh bật ra. Ba giờ sáng, toàn mặt trận phải rút quân ra ngoài. Trung đội anh Ngọc vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám So-nhi, thì chạm trán bọn giặc mai phục sẵn ở đó. Chúng dàn thành thế gọng kìm, kẹp chặt trung đội, với hỏa lực cực mạnh, với ý đồ bắt sống hoặc tiêu diệt gọn. Lúc này các đơn vị chiến đấu quanh khu vực này đã rút hết, không còn ai cứu viện. Các anh ở vào cái thế đơn độc, một chọi mười.
Một ta chống với mười thằng
Mười con thú dữ nó quần một ta…

Tôi còn nhớ câu thơ lục bát mở đầu chương hùng ea mô tả trận thế hiểm nghèo này.
Năm giờ sáng, cả Mặt trận nhận được thông báo: Trung đội cảm tử anh Ngọc bị mắc kẹt trên đường rút lui. Các đài quan sát bí mật đặt trên cao điểm khu A, khu B, khu C, được lệnh chĩa hết ống nhòm về phía khu vực Trung đội đang bị bao vây. Trời hửng sáng. Tiếng súng vang lên dồn dập dưới tầng trệt của ngôi lầu hai tầng. Đó là một ngôi lầu mái lợp đá đen rất dốc. Trên nóc lấu có cây cột thép thu lôi nhọn như ngọn giáo Búp-đa. Chúng tôi đoán các anh bí thế phải nhào vô ngôi lầu này để cố thủ. Tiếng súng nổ mỗi lúc một căng. Cả tuần liền trời mưa tầm tã không ngớt. Bầu trời Cố đô u ám giăng kín lớp lớp mây chì. Sáng hôm đó tự dưng trời nắng. Bầu trời sạch làu mây như được ai quét dọn, cao vút, xanh màu trứng sáo. Rặng núi phía tây tím ngát, in bật lên nền trời đường uốn lượn sắc gọn như được cắt bằng kéo. Nắng mới óng ánh như vàng nấu chảy, tưới hào quang lên mặt sông Hương. Cây cầu Trường Tiền ta dùng bom chặt đứt hai nhịp chính giữa, sắt cầu sáng rực lên trong nắng như được đúc bằng bạc. Thời tiết Huế cuối đông mà có một ngày đẹp trời đến như vậy, thật hiếm. Nhìn núi, nhìn sông, nhìn thinh không lộng lẫy trong suốt như thuỷ tinh, chúng tôi cứ ngờ rằng, chính ông Trời (nếu có một ông trời thật) đã cố tình bố trí một ngày tuyệt đẹp như vậy để cho cả Mặt trận được nhìn thật rõ cuộc đọ sức bi hùng của những người con quê hương "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Mười giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Chúng tôi đoán bọn giặc đã chiếm được tầng dưới. Các anh phải rút lên tầng trên cố thủ. Đạn súng máy các cỡ từ các vị trí giặc xung quanh bắn xối xả vào tầng lầu, với cường độ mỗi lúc một tăng. Tiếng súng chống trả từ trong tầng lầu lẻ tẻ từng phát một, chêm một vài tiếng nổ lựu đạn. Các cánh cửa quanh tầng lầu bị trúng đạn vụt mở tung. Mảnh gỗ, mảnh kính bị xé nát bay chấp chới trong nắng. Đạn các loại súng cầu vồng rót xuống mái lầu dày đặc đến nỗi cây cột thép thu lôi bị tiện phăng đến gốc. Mảnh đá đen lợp mái nhà văng tung tóe lẫn với màu khói đạn. Chỉ chốc lát, mái lầu dốc đứng bị đạn chém phạt, băm vằm thấp hẳm xuống.
Trung đoàn trường Hà Văn Lâu thét lên trong máy điện thoại, gọi khẩu đội "ông già Bảy lăm" bố trí trên lưng núi Ngự Bình, bắn cấp tập chi viện cho Trung đội cảm tử. Khẩu đội trưởng báo cáo lại là súng không có máy ngắm, không thể nào bắn trúng một mục tiêu quá nhỏ như vậy. Nếu bắn đạn có thể rơi vào đầu quân ta.
Chiến sĩ lớn nhỏ trên các đài quan sát nhìn ngôi lầu phủ kín khói đạn, đều khóc, nước mắt nhòe nhoẹt ống nhòm. Anh Thân Trọng Hàm, xuất thân là học sinh trường dòng, được Tòa Thánh Vatican chọn sang La Mã học để trở thành cha cố. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, anh bỏ La Mã xung phong vào Vệ quốc đoàn, làm công tác đồ bản ở Ban tham mưu Mặt trận. Lúc này anh đang đứng trên đài quan sát của tổ chứng tôi. Anh bỏ ống nhòm xuống, nước mắt lưng tròng. Anh quỳ lên cái bao cát chất làm công sự, làm dấu thánh, lầm rầm cầu nguyện: "Lạy Chúa tôi… Con xin chịu nhận lãnh mọi cực hình trên thế gian, để các thế hệ sinh sau chúng con không bao giờ còn phải chứng kiếm cảnh tượng mà lúc này chúng con đang phải chứng kiến. Một bầy lang sói nhe nanh, dương vuốt, thả sức cắn xé đồng đội mình ngay trước mắt, mà chúng con phải chịu cúi đầu, khoanh tay". Nhìn gương mặt đẫm lệ nguyện cầu của vị cha cố hụt này, chúng tôi tự nhiên cũng muốn quỳ xuống cầu nguyện theo… Hứng chịu chừng ấy đạn lửa trong từng ấy thời gian thì đến Chúa trời cũng phải nát thành cám. Nhưng lạ lùng thay, bên trong tầng lầu lại đột ngột vang lên tiếng súng, tiếng lựu đạn đánh trả, tuy thưa nhưng rất đanh. Đúng vào lúc này xảy ra một sự việc làm chấn động cả Mặt trận: Thằng Vịnh-sưa, đứa giỏi môn cờ tín hiệu nhất của đội thiếu niên trinh sát chúng tôi, không rõ bằng cách nào và từ lúc nào, lỏn được sang khu vực trường Thiên Hựu. Khu vực này áp sát vị trí giặc nên ban ngày cả ta và địch ít khi dám bén mảng đến. Hắn trèo lên chót vót ngôi lầu cao nhất, trên nóc có dựng một cây Thánh giá khổng lồ, với hai cây cờ tín hiệu trong tay. Hắn đứng dựa lưng vào chân cây thánh giá, mặt hướng về phía ngôi lầu Trung đội cảm tử đang bị vây hãm, phất phất cờ tín hiệu đánh đi nhiều lần bức điện mà tôi chắc hắn tự nghĩ ra: "Các anh hãy đánh đến người cuối cùng!  Đừng hàng! Hàng nhục lắm!".
Liệu các anh có nhận được bức điện này hay không? Điều này vĩnh viễn không ai biết. Có điều là đúng ba hôm sau, Vịnh-sưa hy sinh cũng trong tư thế đó, và trên một cao điểm khác của Mặt trận. Sự việc này tôi đã kể lại trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội.
Ba giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trong tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Lệnh của Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu được truyền đi khắp Mặt trận. Các đơn vị sẵn sàng xuất kích cứu viện vào lúc mặt trời lặn. Chúng tôi nhìn vừng mặt trời chói lọi đang ngả dần về phía dãy núi tím, lòng phấp phỏng hy vọng: Nếu các anh cầm cự thêm được chừng ba tiếng đồng hồ nữa, các anh có thể thoát. Chiến sĩ cả mặt trận lòng như lửa đốt.
Các đài quan sát bỗng phát hiện có hai xe cứu hỏa của giặc chạy đến, đỗ khuất sau bức tường cao phía trái ngồi lầu. Rồi chúng dùng vòi rồng phun nước lên đến tận nóc ngôi lầu. Hai vòi nước đan chéo nhau lấp lóa trong nắng chiều vàng rượi, như hai cây roi khổng lồ đúc bằng kim loại quất tới tấp xuống mái lầu đã bị bom đạn băm nát. Hai cây roi quất thấp dần xuống chân ngôi ìầu. Các đài quan sát tới tấp gọi điện thoại, báo cáo với Trung đoàn trưởng lúc này đang túc trực tại chùa Từ Đàm: "Không biết tụi hắn định làm cái chi mà phun nước lên tắm cả ngôi lầu các anh đang cố thủ?". Tiến Trung đoàn trưởng hét vang trong máy: "Không phải nước! Xăng?". Và quả nhiên chúng tôi ngửi thấy mùi xăng thoảng trong không khí. Chúng tôi chết lặng. Thế là hết, bọn giặc đã hạ độc thủ! Chúng phun xăng chừng nửa giờ. Ngôi lầu lúc này ướt sũng như vừa tắm xuống sông Hương. Tiếng súng đột ngột im hắn. Và bất ngờ, tiếng loa phóng thanh cực lớn vang lên oang oang, hẳn bọn giặc muốn cho cả mặt trận nghe tiếng: "Chúng mày hãy hàng đi! Ném tất cả vũ khí xuống sân! Từng đứa một, hai tay chắp sau gáy, bước ra khỏi nhà! Không hàng, tất cả sẽ bị thiêu ra tro! Cho chúng mày năm phút để quyết định". Tiếng loa giặc gọi hàng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đài quan sát chúng tôi đứng trước gió, nghe tiếng loa lúc gần lúc xa, nhưng vang dội thấu con tim. Chúng tôi tự đặt mình vào hoàn cảnh các anh lúc này, và tự hỏi: "Chịu chết cháy hay ra hàng?".
Và ngay lúc đó, chúng tôi như cảm thấy lửa xăng nóng rát đang táp thẳng vào mặt mình. Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng không hiểu làm sao cái cảm giác này tôi nhớ kỹ càng đến vậy? Chi vì đó là lần đầu tiên những đứa trẻ chúng tôi, ở lứa tuổi 13, 14, 15, trước ngày trốn theo Vệ quốc đoàn làm đủ nghề: giữ trâu, bán đậu phụng rang, bán báo, đánh giày…, biết suy nghĩ một cách nghiêm túc cái sống và cái chết, về danh dự và Tổ quốc, về tiếng thối và tiếng thơm mình còn để lại, nếu không may mà phải chết…
Tất cả chúng tôi hướng mặt về phía ngôi lầu đang bị vây hãm, và ngứi thấy mùi xăng phả vào mũi mỗi lúc một nồng nặc. Tim chúng tôi đau thắt vì khắc khoải chờ đợi câu trả lời của các anh: Chịu chết hay ném súng ra hàng!
Ôi, nếu các anh cầm cự được thêm chừng hai tiếng đồng hồ nữa, thì tất cả Mặt trận, không trừ một ai, từ bọn đội viên liên lạc nhóc chúng tôi cho đến Trung đoàn trưởng, sẵn sàng liều mạng sống để cứu các anh ra khỏi ngôi nhà bị vây hãm! Nhưng thật lạ lùng, khi nhìn thấy những tràng đạn lửa sáng chấp chới bay vun vút vào tầng lầu, và ngọn lửa xăng vàng khé bùng lên, chúng tôi lại suýt nhảy dựng lên mà reo hò… Giống hệt như ngày nào ở sân vận động Đất Mới, thấy đội bóng đơn vị mình làm một bàn thắng quyết định vào một giây phút quyết định. Nhưng chỉ một phút sau đó chúng tôi đã khóc như trẻ nít.
Đúng lúc ngọn lửa xăng sáng rực lên trên nóc lầu, từ trong tầng lầu tiếng súng đồng loạt nổ vang, chen lẫn tiếng nổ chát chúa của lựu đạn. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, không hiểu các anh phải cầm cự với giặc gần suốt một ngày trời mà còn đâu ra lắm đạn và lựu đạn đến thế? Có lẽ các anh đã linh cảm được màn kết thúc không tránh khỏi của cuộc đọ sức bi hùng này. Nên đã dè sẻn trữ đạn và lựu đạn lại, nổ thay cho câu trả lời gọi hàng của giặc. Câu trả lời của các anh chỉ vẻn vẹn trong vòng năm phút rồi im bặt. Thay vào đó là tiếng nổ, tiếng réo hú dữ dằn của của lửa xăng ngày một lan rộng, bốc cao.
Lửa lan nhanh khủng khiếp. Trong chớp mắt đã phủ kín ngôi lầu. Hàng trăm nghìn lưỡi lửa thè lên tua tủa như muốn hếm thủng bầu trời.
Thực sự là một ngọn Hỏa Diệm Sơn mọc lên giữa thành phố Huế. Ánh lửa hắt xuống dòng Hương Giang nhuộm bóng chiều tà. Các đỉnh sóng đỏ rực lên như cũng đang bốc cháy. Rồi bất ngờ cả ngôi lầu phủ lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả Mặt trận. Tàn lửa và tro bụi khét lẹt mùi xăng bốc cao đến tận trời, bay sang tận bên kia cầu Gia Hội. Chúng tôi lạ quá. Ngôi lầu vốn được xây dựng kiên cố với bê tông và gạch đá, lửa cháy làm sao có thể làm sập đổ? Mãi sau đó chúng tôi mới sực nhớ, lúc đi đánh nhà hàng Sáp-phăng-giông, các anh có mang theo hai khối mìn dẻo khá lớn. Thứ mìn này deo và mềm như sáp nặn, màu vàng nhạt, phong thành từng thỏi như bánh khảo, nếm hơi ngọt ngọt, sức công phá của nó còn mạnh hơn bom. Các anh định dùng chúng đánh sập vị trí giặc nếu xung phong vào được tầng dưới. Nhưng các anh không xung phong vào nổi nên mang chúng về. Bây giờ trong tình thế tuyệt vọng, trước lúc hy sinh các anh đã dùng hai hai khối mìn đánh sập ngôi lầu từ bên trong. Biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung. Nấm huyệt chôn chung ấy vẫn tiếp tục bốc cháy mãi đến trưa hôm sau…
Nhưng tất cả cũng chỉ là phỏng đoán. Sự thật ra sao vĩnh viễn không có câu trả lời. Nó đã cùng với thân xác các anh, cháy thành tro bụi… Ngày đó tất cả chúng tôi đều tin chắc như vậy. Nằm giữa một ngọn Hỏa Diệm Sơn gần hai ngày đêm, thì đất phải hóa thành gạch nung, đá phải hóa thành vôi bột, huống chi xương thịt con người! Hơn ba mươi năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ được, đoạn kết thúc cuộc đọ sức bi hùng này tôi miêu tả trọn hai chương thiên hùng ca, theo thể thơ cổ phong và tất cả đều vần trắc. Đó là hai chương thơ đã hành hạ tôi đến khốn khổ. Tôi gạch xóa nát các trang giấy, xé bỏ rồi viết lại không biết bao nhiêu lần. Tôi viết trong nỗi phiền muộn, cay đắng về sự bất lực của mình. Tôi đọc lại những trang viết, lòng vô cùng buồn bã, nghĩ bụng: Một đề tài như thế này mà vào tay một nhà thơ khác, chắc họ đã viết thành một thiên I-li-át. Thế mà vào tay mình, nó biến thành một bản diễn ca tầm thường kể chuyện người thật việc thật.
Trong lòng tôi dâng lên một niềm hối tiếc khôn nguôi… Giống tình cảnh người thợ kim hoàn tồi làm hỏng mất một viên trân châu. Tôi tìm đến anh Thanh Tịnh và anh Bửu Tiến, người cùng quê và bậc thầy của tôi về nghề văn. Tôi kể lại đầu đuôi câu chuyện và tha thiết đề nghị với hai anh, hãy vì những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời này, viết nó ra thành thơ, thành văn, thành kịch. Hai anh hỏi tôi: "Sao em không viết?". "Đó là một đề tài quá sức em- Tôi trả lời- Em không kham nổi sau khi đã thử sức. Vả lại có viết được người ta cũng chẳng in…". Hai anh ghi chép câu chuyện, hỏi thêm nhiều chi tiết về Mặt trận Huế ngày đó, và đều hứa sẽ viết… Con gái tôi lên chín, học sinh lớp ba, trong lúc đi kiếm giấy loại để nhóm bếp đã phát hiện thiên hùng ca Huyệt lửa chôn chung bị mối xông nát bét. Nhìn đàn mối trắng bệch, lúc nhúc, lũ lĩ cả ngàn con, ngang nhiên bò đi bò lại, cắn xé, nhai nuốt không thương tiếc sự tích anh hùng hào kiệt một thời của Tổ quốc và Cách mạng, lòng tôi ngập lụt căm giận. Căm giận đến muốn phát điên. Tôi tưới lên ghê tởm cả một chai dầu hỏa. Chưa đủ, tôi dốc cạn chút dầu còn lại trong ngọn đèn trên bàn viết và châm lửa. Tôi nghiến chặt răng, dùng cây que sắt xới tung bọn chúng đang cuống cuồng, quân quại rúc trốn vào những mảnh vụn sự tích anh hùng mà chính chúng đã huỷ hoại, tàn phá, để chúng cháy thật hết, thật sạch. Một mảnh bản thảo bị chúng cắn nham nhở bay ra khỏi đống lửa. Con gái tôi nhặt lên, reo to: "Bố ơi, mảnh này còn đọc được bố ạ!" Rồi nó đọc to với giọng trong trẻo ngân nga như kiểu đọc bài tập đọc ở lớp ba của nó:
Đất ơi! Con nguyện yêu người với tất cả máu xương
Với tất cả cuộc đời con mười tám tuổi
Con vui sao khi nghĩ tới gương mặt người trong tương lai
Rửa sạch hết lửa, máu và bùn tươi vui chói lọi
Người sẽ hát cho những thế hệ mai sau nghe về Thế giới Đại đồng
Mà thế hệ chúng tôi hôm nay không tiếc máu để sửa soạn cho lời ca…
Đây là đoạn thơ tôi tả cái chết của người chính trị viên trung đôi, đảng viên Đảng Cộng sản độc nhất của đơn vị cảm tử quân. Trước lúc hy sinh anh cúi phục xuống hôn đất quê hương bị lửa giặc thiêu đốt sắp thành gạch nung…
***
Với các nhà văn khác thế nào tôi không rõ. Với riêng tôi, trong suốt cuộc đời làm văn của mình, có vài ba đề tài ám ảnh tôi không phút nào nguôi. Nó giống món nợ "bát cơm Phiếu mẫu", không trả được chết không nhắm mắt. Nó giống mối tình "khạc chẳng ra cho, nuốt chẳng vào". Giống cái lưỡi câu có ngạnh dài và sắc, xóc vào trí nhớ, vào con tim… Muốn gỡ được nó ra chỉ còn một cách là phải cầm lấy bút, chấm mực, trải nó trên trang giấy. Mặc dù tôi biết chắc chắn rằng đây là một công việc sẽ làm mình hao tâm tổn lực gấp mười lần thực hiện những đề tài khác. Mà kết quả rồi sẽ chẳng ra sao. Nhà xuất bản sẽ từ chối không in vì là một đề tài lỗi thời: "Ăn cơm mới, nói chuyện cũ". Nó là bài hát không còn ai hát nữa; là câu thơ không còn ai đọc nữa. Nó ám ảnh anh chỉ vì nó chỉ có ý nghĩa với riêng anh. Nó đè trĩu lên vai anh gánh nặng nghĩa tình quá khứ, kỷ mệm một thời sống chết trận mạc. Nó giống chiếc chìa khóa của gian buồng anh. Anh có đánh rơi cũng chẳng ai buồn nhặt, nhưng mất nó, anh sẽ khóc dở, mếu dở. Câu chuyện về Trung đội cảm tứ quân anh Ngọc, về bác Phùng Huấn tôi… bị giặc thiêu cháy thành tro bụi trong "Huyệt lửa chôn chung" là một đề tài như vậy đối với đời văn của tôi.
Thiên hùng ca tuy bị mối xông nát, nhưng cũng đã hoàn thành. Tôi những tưởng như vậy là thoát món nợ "bát cơm Phiếu mẫu", là đã rút được cái ngạnh câu ra khỏi con tim, ký ức. Tôi hy vọng từ đây đầu óc tôi sẽ được thanh thản để chăm bẵm cho một cuốn sách khác, một đề tài khác. Nhưng không ngờ nó vẫn còn nằm nguyên ở đó.. Nó dằn vặt, hành hạ, làm tình làm tội tôi hết năm này qua năm khác đến mức không chịu thấu. Hai chục năm đã trôi qua mà tôi đành phải dẹp cuốn sách đang viết dở dang về một đề tài mà tôi hy vọng có thể bán được cho một nhà xuất bản phía nam, để trở lại với nó. Lần này tôi quyết định kể lại câu chuyện bằng văn xuôi. Tôi phải vật lộn với nó đến gần kiệt sức. Viết rồi xóa, xóa rồi viết, dàn đi xếp lại, đảo ngược đảo xuôi.
Cuối cùng tôi cũng hoàn thành được "cuốn sách nợ đời" (tôi gọi nó là như vậy). Tôi đọc đi đọc lại bản thảo, cảm thấy vừa ý, vì đã viết hết sức mình. Nhưng rồi tôi bắt đầu hoang mang, tự hỏi: "Liệu người đọc có tin câu chuyện tôi kể là có thật hay không?" Để né tránh điều này, không khó. Tôi chỉ cần đề vào dưới tên sách: Tiểu thuyết, và đổi các nhân vật như anh Ngọc thành anh Ngạc, Phùng Huấn thành Phan Hòa chẳng hạn. Nhưng tôi không đủ sức làm việc đó. Tôi cảm thấy làm như vậy là có tội với Trung đội Vệ quốc đoàn có phiên hiệu hắn hoi, đã một lần cứu tôi thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt. Tôi sẽ trở thành kẻ vô ơn và hèn nhát vì không dám đưa đầu ra bảo đảm cho một sự thật hiển nhiên!
Để nhẹ bớt gánh nặng hoang mang này, tôi thửa một bữa tiệc nhỏ, vài chai rượu gạo với nồi cháo cá Hồ Tây. Tôi mời một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học thân quen, đến chơi nhà. Phần lớn họ đều ít tuổi hơn tôi, và đều có tác phẩm được xuất bản. Tác phẩm của họ từng gây nên nhiều cuộc tranh luận trên văn đàn. Tôi thật lòng ngưỡng mộ tài năng cũng như học vấn của họ. Có người kém tôi đến vài chục tuổi, nhưng xem văn họ rồi nhìn lại văn mình, thấy văn mình cũ kỹ, quê mùa hệt như anh lính đánh giặc bằng mã tấu, gậy tầm vông, xem anh sĩ quan điều khiển tên lửa. Sau khi các bạn đã an tọa quanh chiếu rượu, tôi trịnh trọng nói: "Hôm nay mời các bạn đến uống rượu là tôi có mục đích. Tôi muốn các bạn chịu khó nghe giúp tôi cuốn sách vừa mới viết xong và cho ý kiến. Sách nhỏ thôi, chừng trăm trang in, kể một câu chuyện có thật, những nhân vật có thật. Nó là một tác phẩm chí cốt trong đời văn sắp tàn của tôi, bởi vậy, tôi mong các bạn góp ý kiến thẳng thừng, không nể nang gì hết".
Tôi đã đọc trọn cuốn sách. Các bạn đều chăm chú lắng nghe. Rồi sau đó họ không phụ lòng tin cậy của tôi, "phang" tôi thẳng thừng…
***
Sau đây là một số ý kiến của họ về cuốn sách:
- Về văn phong của anh tôi xin miễn bàn. Đó là văn phong quen thuộc của cái thời "Chuyện anh hùng chiến sĩ thi đua, "Người tốt việc tốt, Thượng Cam Lĩnh, Sự biến đổi ở Lý Gia Trang, Truyện một người chân chính, Đội thanh niên cận vệ"… Tôi chỉ muốn bàn về nội dung. Nếu đây là cuốn tiểu thuyết thì còn khả dĩ là trong tiểu thuyết tác giả tha hồ bịa tạc, miễn là bịa cho hay, bịa mà như thật, nhưng là sự thật không có địa chỉ cụ thể. Nhưng anh khẳng định câu chuyện anh kể là chuyện người thật việc thật thì tôi không tin. Một cá nhân anh hùng, không hạ vũ khí hàng giặc, điều đó có thể xảy ra. Nhưng cả mấy chục con người cũng quyết định như vậy, là bịa đặt. Anh hùng đâu ra mà lắm thế! Anh không nghe dân gian người ta tổng kết sao: "Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều!".
- Thế hệ nhà văn các anh đa số không làm văn mà làm công tác tuyên truyên. Các anh dùng văn thơ, thêm chút dấm ớt, tý tình yêu, ti tí tiêu cực cốt làm cho văn chương có vẻ như thật để tuyên truyền chủ trương chính sách. Các anh hư cấu các nhân vật tích cực, chính diện, tô vẽ nhằm mực đích nêu gương. "Đấy, ở đơn vị này, hợp tác xã kia, có người có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi, đã làm những việc tốt như thế đấy. Họ đã xả thân vì cách mạng, vì lý tưởng như thế đấy… Câu chuyện Trung độị cảm tử quân anh hùng của anh cũng không ra ngoài quỹ đạo đó.
- Để người đọc có thể nuốt trôi câu chuyện khó tin, anh đã khôn khéo chọn một kết thúc bất khả tranh cãi: Tất cả các anh hùng đều bị thiêu cháy thành tro. Cháy hết thành tro thì con ai có thể tranh cãi với anh được nữa? Nhưng biện pháp nghệ thuật của anh là con dao hai lưỡi. Nếu câu chuyện này  vào tay tôi, tôi sẽ viết ngược lại, và tôi cũng khẳng định là hoàn toàn sự thật. Tôi sẽ viết khi nghe tiếng loa bọn giặc gọi hàng, cả trung đội cảm tử tranh nhau ném hết vũ khí xuống sân, kể cả con dao nhíp nhỏ. Rồi từng người một, hai tay chắp sau gáy chạy ra khỏi nhà. Họ còn tranh nhau mà chạy nữa kia. Chỉ huy xô lính, lính xô chỉ huy, mạnh ai nấy chạy. Trước nguy cơ bị chết cháy, kỷ luật, tình đồng đội, đồng chí chẳng là cái đinh gì hết!
Tôi không nhịn được, cắt ngang: "Nhưng ngôi lầu bị thiêu cháy, hôm đó cả mặt trận đều nhìn thấy?"
Sao anh ngây thơ thế? Ừ, đúng là ngôi lầu bùng cháy, một ngọn Hỏa Diệm Sơn như anh đã tả. Nhưng bọn giặc chỉ đốt ngôi lầu khi cả trung đội đã ra hàng. Chúng đốt để bịt mắt các anh, bảo vệ cho những người ra hàng chúng. Chúng làm cho các anh quan sát từ xa, tưởng lầm rằng đồng đội cua mình đã chết bất khuất, anh hùng… Trong khi đó, chúng bí mật đưa họ vào vị trí, cho ăn uống, băng bó các vết thương, rồi tiến hành khai thác tài liệu. Sau đó, chúng đưa họ đến một thành phố chúng chiếm đóng như Sài Gòn, Đà Lạt chẳng hạn… Chúng cho họ ăn chơi xả láng, cơm no rượu say, gái đẹp. Chúng lọc ra những anh nông dân nồng nặc mùi bùn ruộng sâu như ông bác Phùng Huấn của anh, cho sung vào lính ngụy, hoặc làm cai tù, cai ngục. Chẳng mấy nỗi, chúng biến họ thành những tên ác ôn. Đánh đập tra tấn những người trước đó chưa lâu, đã từng là đồng chí, đồng đội của họ. Rồi càn quét, bắn giết, hãm hiếp đồng bào từng cưu mang nuôi sống họ! Anh ngạc nhiên à? Thì Hoàng Văn Hoan đây thôi. Tham gia cách mạng từ thời Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, từng là uỷ viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội. Nhưng rồi y đã bị nhà nước ta tuyên án tử hình vắng mặt vì tội phản bội Tổ quốc! Thế thì ông bác Phùng Huấn tiểu tốt vô danh của anh thành một tên lính ngụy ác ôn có gì là lạ? Còn trung đội trưởng Ngọc, chúng cho đi học các trường võ bị Thủ Đức, Đà Lạt… Ra trường, y trở thành quan hai, quan ba, chi huy những đoàn quân cơ động ứng chiến, quay lại, cùng với bọn Pháp tiêu diệt cả Trung đoàn 101 của anh, trong trận càn Thanh Hương mà có lần anh đã kể với chúng tôi. Còn chính trị viên trung đôi, con nhà Hoàng tộc, chàng-trai-cộng-sản, người anh hùng lý tưởng của anh, thì được chúng gừi ra nước ngoài học các trường tình báo, gián điệp và sau đó trở thành một điệp viên nhà nghề. Hoặc y sống lưu vong, lập các Hội văn bút hải ngoại, viết văn, biết báo chống Cộng. Chuyện này đã từng xảy ra với cả những con người mà ta bất ngờ nhất. Họ là con cưng của chế độ. Được chế độ đặc biệt ưu đãi, tin cẩn cử họ ra công tác ở những quốc gia đối địch, với hy vọng họ sẽ làm thêm vinh danh cho Tổ quốc. Nhưng vừa ra khỏi biên giới Tổ quốc, họ quay lại cắn trả chế độ một cách dữ dằn, độc địa với những bài báo, cuốn sách, mà họ nhân danh sự thật! Thế thì chàng trai cộng sản tiểu tốt vô danh của anh trở thành một cây bút chống Cộng, có gì đáng ngạc nhiên?! Đấy, tôi sẽ viết về cái Trung đội cảm tử quân Anh hùng, Nghla khí của anh theo chiều hướng đó. Anh hãy tranh cãi với tôi đi! Tôi tin rằng anh không thể tranh cãi nổi! Vì trong tay anh không có một chút bằng chứng để chứng minh rằng, câu.chuyện anh kể là đúng sự thật. Ngược lại tôi có thể chứng minh với anh bằng hàng chục, hàng trăm chứng cớ về những việc và những người tương tự xảy ra hên tiếp trong những năm gần đây…
Có lẽ vì nhìn thấy vẻ mặt thảm hại của tôi khi phải nhận liên tiếp những cú đấm tới tấp của sự thật không thể chối cãi đó, một anh bạn trẻ làm công tác phê bình văn học cười phá lên và đọc nhại câu thơ của Nguyễn Khuyến:
"Khốn nạn thân anh!
Đéo mẹ cha chúng!" 
Nếu anh còn muốn được chúng tôi coi trọng như một nhà văn đích thực, thì anh nên theo gương một nhà văn cùng thời với anh "Ai điếu nền văn học minh họa!". Nền văn học đã đẻ ra những tác phẩm tô vẽ hiện thực…?
Tôi rót đầy một ly rượu, uống cạn một hơi để có thể nuốt trôi những ý kiến về tác phẩm của mình. Như thể dùng một cốc nước lã đầu để chiêu nhừng viên thuốc quá đắng. Tôi buồn rầu nói: "Phải, tôi là người bộ hành còn sót lại trên con đường không còn ai đi nữa. Tôi không đủ sức để minh chứng những điều tôi viết là đúng sự thật. Trước hết vì tôi bất tài. Sau nữa vì trong tay tôi không có lấy một mảy may chứng cớ, dù chỉ là một nắm tro của hình hài đồng đội tôi chết thiêu trong lửa giặc. "Các anh ơi, sao các anh chết đi. mà không buồn để lại cho thằng em các anh một nắm tro nhỏ hài cốt, để nó có thể chứng minh được với các thế hệ sinh sau đẻ muộn rằng, các anh đã sống hào kiệt và chết anh hùng?". Có tiếng vọng gay gắt: "Nhưng chứng minh để làm gì? Và tại sao cần phải chứng minh? Khi chúng tôi quyết định thà bị thiêu cháy trong lửa xăng nhưng quyết không hạ vũ khí, hai tay chắp sau gáy ra hàng giặc. Chúng tôi đâu có ý định làm anh hùng lưu danh muôn thuở! Chúng tôi quyết định như vậy vì Tổ quốc kêu gọi, vì chúng tôi muốn con, cháu, chắt, chút, chít… chúng tôi được sống trong danh dự. Sự sống là vĩ đại. Và cơm và bánh mì là cội nguồn của sự sống. Nhưng danh dự cũng vĩ đại không kém. Chính em đã viết đúng về thế hệ Vệ Quốc quân chúng tôi:
Nhưng dù chết em ơi
Yêu em anh không thể
Hôn em bằng đôi môi
Của một người nô lệ!

Chúng tôi không quen với ý nghĩ: Nô lệ hay Tự do chẳng là cái gì! Miễn là được hôn! Vì danh dự mà Bá Di và Thúc Tề chịu chết đói, chứ không thèm ăn thóc và cả rau Vi của nhà Chu. Có lẽ ngày nay, người ta cho đó là những kẻ gàn dở. Nhưng chúng tôi yêu quý sự gàn dở đó…! Nếu rơi vào hoàn cảnh cay cực, con người có thể hành khất cơm và bánh mì, nhưng không thể hành khất danh dự! Chúng tôi nghĩ vậy, nên chúng tôi đã lựa chọn cực hình của hỏa ngục để bảo toàn danh dự. Làm của gia bảo để lại cho con cháu, chắt, chút, chít… chúng tôi như nghe vẳng bên tại tiếng trả lời rành rọt của của các anh Cảm tử quân ngày đó về những ý nghĩ trách cứ của tôi. Tôi uống cạn ly rượu tràn đầy thứ hai rồi nói tiếp ý nghĩ của mình:
- Dù các bạn có khinh dễ tôi cho tôi là loại nhà văn lỗi thời, tôi cũng không thể noi gương nhà văn nọ "ai điếu" tác phẩm của mình. Tôi viết với niềm tin không gì lay chuyển nổi. Tôi không hề minh họa. Tôi kể lại sự thật. Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi.
Thật ra, một nhà văn có tài vẫn có thể thuyết phục được người đọc tin những điều họ viết, ngay cả khi không có một chút bằng chứng trong tay. Tôi vừa bất tài lại vừa không có bằng chứng, các bạn không tin tôi là phải lắm. Bởi vậy, nếu cần ai điếu thì tôi chỉ ai điếu cho sự bất tài của tôi… Nồi cháo cá đã nguội ngắt mà bếp lửa đã tắt ngấm. Tiện tay tôi cầm tập bản thảo châm vào ngọn đèn dầu, và đút vào bếp. Tôi cười buồn, nói với các bạn: "Không phải tôi dịnh ai điếu nó đâu, mà đơn giản là nhờ nó giúp hâm nóng lại nồi cháo cá để các bạn được ngon miệng…".
Thưa văn hữu Nguyễn Đắc Xuân và các chiến hữu cùng Trung đoàn Trần Cao Vân năm xưa. Kể từ buổi sáng trong cái phút giận thân, tôi đốt thành tro tác phẩm người thật việc thật của tôi đến nay đã nhiều năm trôi qua. Tôi cố gắng không nhắc nhở đến nó nữa, như không muốn nhắc đến kỷ niệm buốt lòng về một người ruột thịt đã quá cố Nhưng thi thoảng bất chợt nhớ đến, tôỉ vẫn thấy cổ họng mình đắng nghét nỗi niềm… Thế rồi vào một lúc bất ngờ nhất, tôi được đọc bài báo tường thuật việc phát hiện 17 bộ hài cốt hệt sĩ nằm sâu trong lòng đất đã 46 năm. Sau đó tôi lại được nhìn các tấm hình gửi từ Huế ra, chụp các góc độ của khuôn viên khai quật. Người tôi ớn lạnh! Thì ra, các anh Cảm tứ quân thành Huế chưa cháy thành tro như ngày đó chúng tôi tưởng. Các anh đã kịp rút xuống tầng hầm của ngôi lầu và kịp dùng mìn đánh sập cái khối bê tông, gạch, đá, sắt đồ sộ phủ lên tầng hầm, như ngày đó chúng tôi phỏng đoán, làm cho lửa xăng không bén được đến xương thịt và vũ khí của các anh, dù nó đã cháy suốt một đêm và nửa ngày hôm sau.
Bây giờ thì tôi không những chỉ có một nắm tro, mà có những mười bảy bộ hài cốt để chứng minh câu chuyện tôi kể là có thật. Một tập thể anh hùng, hào kiệt thà bị thiêu cháy, quyết không hàng giặc là có thật. Người chiến sĩ cộng sản từ bỏ giai cấp mình, xả thân vì lý tưởng Thế giới đại đồng là có thật! Qua lời tường thuật của bài báo và các bức ảnh chụp khuôn viên khai quật, chúng ta thấy rất rõ rằng, ngay cả khi lửa xăng cháy rừng rực phủ kín quanh mình, các anh vẫn tổ chức cuộc rút xuống tầng hầm một cách bình tĩnh, kỷ luật, trật tự, xứng danh là những người lính cảm tử của Tổ quốc. "Đào xuống độ sâu 0,7 mét, hai bộ hài cốt nằm cạnh nhau. Bộ hài cốt quá cỡ là Trung đội trường Nguyễn Ngọc Giao (chúng tôi quen gọi là anh Ngọc). Chị Nguyễn Thị Dung, em gái ruột của anh Ngọc Giao hiện là bác sĩ Viện Tai mũi họng, cho biết anh trai mình cao một mét tám ba. Bộ hài cốt thứ hai nhỏ thó cùng nằm với khẩu súng lục ru-lô và con dao găm chính là chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập. Vĩnh Tập là đảng viên cộng sản duy nhất của đơn vị và là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Nếu không có cuộc Cách mạng tháng Tám, và nếu anh còn sống, có thể anh làm vua. Anh ruột anh là Vĩnh Mẫn, tức đại tá Phan Thắng, chính uỷ Hải quân Cửa Việt, bạn chiến đấu của tôi từ ngày còn ở chiến khu Hòa Mỹ. Đào sâu xuống thêm 0,5 mét là mười lăm bộ hài cốt nằm sát bên nhau, cùng với vũ khí. Trong đó có hài cốt của ông bác tôi Phùng Huấn với chiếc "lập lắc" bằng nhôm cứng, lủng lẳng nơi xương cổ tay. Như vậy là chiến sĩ rút trước, chỉ huy rút sau cùng. Có thể chính hai anh Ngọc Giao, Vĩnh Tập đã đánh mìn ngôi lầu trước khi rút.
Đội hình hài cốt của Trung đội cảm tử quân nằm sâu dưới đất 46 năm, gửi lại hậu thế bức thông điệp: "Những chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chúng tôi khi cần phải chết, chúng tôi đã chết đĩnh đạc, đàng hoàng, chết trong danh dự, với đội hình chiến đấu". Tôi nghĩ rằng, ngay cả cái chết của các anh cũng nặng trĩu ý nghĩa nêu gương!
Ngày 27-7-1992, học tục lệ của nhân dân quê tôi cúng tế các chiến sĩ trận vong, tôi chờ đến đêm khuya thanh vắng, lập một bàn thờ nhỏ trước sân nhà: Một cái khay đặt bỏng, muối, rượu trắng, một bát nhang. Tôi thắp hương, ngoảnh mặt về hướng Nam, quỳ phục xuống đất, lạy bốn lạy rồi khấn: "Em là Phùng Quán, thằng em nhỏ đội viên liên lạc ngày nào ở Mặt trận Huế cùng với các anh, nay đã sáu mươi hai tuổi. Các anh đã sống vẻ vang, chết anh hùng, treo cao gương nghĩa liệt cho hậu thế. Em nguyện cầu vong linh các anh được siêu thoát, và về đây chứng dám cho lòng biết ơn sâu nặng, thuỷ chung của em. Các anh đã cứu sống em hai lần. Lần thứ nhất trong trận đánh vị trí miễu Đại Càng, các anh cứu em thoát khỏi đạn đại liên giặc ăn thịt. Lần thứ hai, bốn mươi sáu năm sau, chính bằng hài cốt của mình, các anh đã minh chứng được cho em, những điều em viết về các anh là hoàn toàn sự thật.
Vì một nhà văn viết ra những điều mà không còn ai tin nữa, thì nhà văn đó coi như đã chết!

Hồ Tây, 14-8 Âm Lịch
Năm Nhâm Thân

<< 13. Người bạn lính cùng tiểu đội (2) | 15. Tuổi thơ dữ dội - bản di chúc chiến sĩ của tôi >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 743

Return to top