Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Lặng nhớ Mùa Đông

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 416 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lặng nhớ Mùa Đông
Phạm Thanh Thúy

TP - Khi bạn đọc câu chuyện này có thể là mùa đông đã đi qua. Nhưng mà chẳng sao, năm nào mà chẳng có mùa đông. Sẽ lại có một mùa đông khác. Rồi một mùa đông khác…
 
Tôi không thích mùa đông. Mùa đông là mùa của nhà giàu và son phấn. Tôi thì nghèo và lại dị ứng với phấn son.
Hồi tôi học tiểu học, một lần cô giáo tôi hỏi cả lớp: “Em thích nhất mùa gì trong năm?”. Đứa nào cũng trả lời là thích mùa hạ, mùa xuân và mùa thu. Chỉ có tôi trả lời là thích mùa đông. Vì tự nhiên tôi thấy thương mùa đông. Vì không ai thích mùa đông cả. Có lẽ đó là lời nói dối hoàn hảo đầu tiên trong đời.
Năm nay tôi bước vào tuổi ba mươi. Người ta bảo phụ nữ ở tuổi ba mươi bắt đầu lo lắng cho tuổi tác. Bình thường người ta sống được bao nhiêu năm nhỉ? Sáu mươi năm như lời một bài hát cũ chăng? Tôi thì cho rằng mình vẫn còn sướng chán.
Phụ nữ ở Bangladesh phần đông thậm chí còn không biết chính xác là mình bao nhiêu tuổi cơ mà. Có khi không biết mình bao nhiêu tuổi lại hay. Bởi như thế người ta sẽ không bao giờ lo lắng khi bước sang tuổi ba mươi. Bọn bạn tôi trêu: “Vân ơi mùa đông lại đến rồi đấy!”.
Tôi cười hì hì: “Hai mươi chín mùa đông đã qua tớ vẫn ổn, lo gì mùa đông thứ ba mươi?”. Nói thế cho vui, chứ thực lòng đôi khi trái tim tôi tê tái khi đứng trên lan can tầng ba nhìn dòng người xuôi ngược với những lứa đôi nhiều lo toan và hạnh phúc.
Trái tim tôi trống rỗng. Cuộc đời tôi trống rỗng. Thi thoảng tôi gặp Hạnh. Hạnh là vợ Huy. Huy là người yêu đầu tiên của tôi. Hạnh kể: “Bà già chồng em kỳ lắm. Lần nào mắng em bà ấy cũng mắng lây sang anh Huy: “Giá mà ngày ấy mày lấy con Vân thì có phải bây giờ tao đỡ khổ không?”.
Và lần nào nghe mẹ chì chiết thế thì dù có bận mắc việc gì anh ấy cũng bỏ lên giường nằm thu lu. Có hôm còn khóc”. Chả biết Hạnh nói thật hay đùa, trong lòng tôi có chút hãnh diện. Tôi lại đâm ra thương mến Hạnh. Nếu là Hạnh, tôi sẽ chẳng bao giờ kể cho người yêu cũ của chồng mình nghe những chuyện như thế hoặc tương tự thế.
Ngày ấy là Huy bỏ tôi. Hai đứa yêu nhau tha thiết, tưởng không lấy được nhau sẽ ôm hận cả đời. Đùng một cái, Huy lặn một hơi không sủi tăm. Đến khi sủi tăm thì đề nghị chia tay. Chia tay thì chia tay. Tình đầu là lẽ sống nhưng không phải là sự sống.
Mà sao năm đó mùa đông kéo dài lạ lùng.  Cái rét mùa xuân mà cứ se sắt lạ. Tôi không khóc như nhiều cô gái thường khóc khi chia tay tình đầu. Nhưng tôi hay ngồi một mình nhìn vào một khoảng không nhất định. Khoảng không ấy là khu vườn nhà với những gốc cây đen đúa xù xì, xấu xí. Nền đất vườn màu nâu và những chiếc lá đã rụng cũng màu nâu ẩm ướt.
Tôi tưởng là tôi không còn có thể yêu được nữa. Huy đã đánh cắp trái tim tôi, làm sao tôi còn có thể yêu với một trái tim đã mất?  Một sáng nọ, tôi thức dậy và trông thấy cả vườn cây đang rực rỡ nắng vàng. Một đàn gà con nhỏ xíu đang líu ríu bên gà mẹ.
Chúng nhiệt tình bới tãi trên nền đất vườn màu nâu và những chiếc lá  đã rụng cũng màu nâu ẩm ướt. Tôi cố nhớ về Huy. Lần đầu tiên tôi nhận ra là mình đang cố hình dung lại khuôn mặt Huy.
Từ ngày Huy kết hôn, tôi có gặp lại Huy vài lần. Không nhiều để đến nỗi lôi được tình đầu đã ngủ yên thức giấc. Huy vẫn cố ra vẻ tự nhiên như ngày nào nhưng Huy chẳng bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi nữa. Huy có vẻ buồn buồn.
Tôi đã không còn buồn nữa sao Huy lại phải buồn?
Có người bảo tôi có đôi mắt biết đọc rạch ròi những suy nghĩ của người khác.
Khi tôi quen với Thạch. Thạch bảo: “Mắt chị đẹp thế sao cứ luôn không nhìn thẳng vào người khác. Chị không tự tin à?”. Tôi đáp: “Không phải. Là chị sợ sẽ phải biết quá nhiều. Mà biết nhiều không hẳn đã tốt”.
Thạch cười ha ha.
Tôi rất ấn tượng bởi những buổi tối đi uống cà phê cùng với Thạch. Nói cũng chẳng có gì đặc biệt lắm đâu. Nói là đi uống cà phê. Chứ thực ra thứ mà tôi vẫn uống không phải là cà phê. Tôi ghét cà phê bởi chúng khiến tôi mất ngủ.
Tôi sợ những đêm không ngủ được và phải vật lộn với những buồn vui do mình tưởng tượng ra. Mỗi khi tôi hỏi chủ quán về thành phần của thứ nước uống là họ bưng ra cho tôi. Chủ quán chỉ đáp lại bằng một nụ cười vô thưởng vô phạt.
Thạch bảo: “Họ không muốn tiết lộ bí mật đấy. Cũng có thể họ nghĩ chị đùa!”. Tôi lý sự: “Nghe chị giống nói đùa lắm à? Đã qua lâu rồi cái thời mà người ta uống nhưng không biết mình uống gì. Chị đang đòi hỏi cái quyền ấy đây”.
Nói thế chứ tôi vẫn cứ uống hết ly nước trước khi ra về. Thạch lại nghiện cà phê, còn bảo: “Bao giờ chị thích uống cà phê, em sẽ giới thiệu cho chị một loại cà phê có tên là Salệ. Uống cà phê đó không dưng người ta sẽ khóc. Nước mắt hòa cùng cà phê đem lại cảm giác không văn nào tả nổi”.
Ngó qua, thấy mắt Thạch xa xăm.
Loại cà phê đó nếu có thực chắc tôi cũng chẳng bao giờ được thưởng thức. Tôi không có nước mắt. Đúng hơn là rất ít. Ngày còn nhỏ, dẫu có bị đánh mắng vì hư hay oan ức thì tôi cũng gào thật to.
Nhưng mắt lại ráo hoảnh. Giọt nước mắt hiếm hoi thì đã khô từ đời tám hoánh. Mẹ tôi từng than: “Con này kỳ quá. Có một trên đời”. Bố lại tỏ ra khoái chí: “Quý tướng đó chứ không phải đùa. Sau này không bao giờ phải buồn”.
Nếu như không có nước mắt mà cả đời không bao giờ phải buồn thì đời tôi đã rẽ sang ngả khác.
Nhiều người bảo tôi sở dĩ khóc không có nước mắt là do khóc giả vờ.
… Tôi mua hoa hồng. Toàn hoa hồng màu kem đem đến cắm đầy bình rồi trang trọng đặt nó ở giữa phòng làm việc. Cả phòng ngạc nhiên: “Vân hôm nay yêu đời nhỉ? Yêu ai rồi phải không?”… Rồi bung ra những chuỗi cười hi hi… ha ha… Thạch không cười, mắt nhìn chăm chăm vào những bông hoa và bằng một nét mặt không thể nào phân tích được.
“À, sáng nay cháu ra chợ, thấy hoa vừa đẹp vừa rẻ nên mua. Nếu các chú không thích thì…”. “Không, không, thích chứ…”. Mấy ông chú cuống lên như thể sắp bị tước mất phần thưởng cuối năm quý giá. Hết giờ làm việc, Thạch túm tay tôi bảo: “Em sẽ giới thiệu cho chị một người. Anh ấy thích hoa hồng màu kem lắm”. “Thật à?”.
“Thật chứ”. Thạch nói vội vã như thể không nói thì không bao giờ được nói. Tôi gật đầu. Gật là để gật vậy thôi chứ tôi chẳng quan tâm. Chẳng hứng thú gì về cái con người yêu hoa hồng màu kem ấy. Với lại, tôi cũng đâu có yêu hoa hồng màu kem. Với tôi hoa nào cũng thế cả thôi, miễn là chúng đừng quá xấu và đừng có mùi hôi.
Mùa đông dần đi qua. Với tôi, ngày nào cũng như ngày nào, chẳng có gì thay đổi. Trong khi đó thì có rất nhiều thứ đang thay đổi. Quán cà phê “Chiều Tím” nơi tôi và Thạch thường đến giờ đổi thành một cái tên rất tây: “Tiamo”. Tôi nhớ có một bài hát cũng tên là Tiamo.
Ngày xưa Huy rất thích nghe bài hát này dù chẳng hiểu gì. Huy chống chế: “Không hiểu mà vẫn thích, đó mới là chỗ tuyệt với của âm nhạc”. Lại còn lý luận thêm: “Trên đời chỉ có ba thứ không biên giới không phân biệt ngôn ngữ, sắc tộc. Đó là ẩm thực, hội họa và âm nhạc”.
Tôi thường không còn thích một bài hát hay một bài thơ khi đã thuộc nó trọn vẹn. Ai đó nói: “Khi yêu chẳng nên hiểu nhau quá. Bởi khi đã hiểu nhau quá thì người ta lại chẳng muốn cưới nhau nữa”. Tôi yêu Huy mà lại chẳng hiểu gì về Huy cả. Giờ Huy đã vĩnh viễn bước ra khỏi nỗi nhớ của tôi thì tôi lại chẳng thể nào hiểu nổi mình.
“Chị có biết Tiamo nghĩa là không?”.
“Không. Chị đã tra từ điển Anh Việt nhưng không thấy”. “Đó không phải là một từ tiếng Anh chị ạ. Em cũng không chắc lắm. Nhưng hình như là tiếng Ý. Nó có nghĩa là Anh yêu em”.
Thạch lại cười, nhưng không nhìn thẳng vào mắt tôi. Nếu Thạch nhìn vào mắt tôi. Chắc tôi lại không dám nhìn vào mắt Thạch. Tôi nhớ câu nói dối ngày tiểu học. Cô giáo lại khen tôi có trái tim nhân hậu.
… “Này Vân sao cháu và thằng Thạch lại không yêu nhau nhỉ? Chú thấy nó rất quan tâm cháu đấy”. – Chú Thảo, Trưởng phòng nói với tôi như thế vào một hôm chỉ có hai chú cháu. Mặt tôi nóng bừng, dù vẻ bề ngoài vẫn lạnh tanh như tiền xu thời cổ. Mà vì điều gì nhỉ? Vì điều mà chú Thảo nói hay sao?
“Thạch nó chuẩn bị đi công tác mấy tháng ở Lào Cai, nó đã nói với cháu chưa?”,
“Có ạ, Thạch nói với cháu rồi – Thực ra Thạch chưa hề nói điều đó với tôi. Tôi trả lời thế mà không hiểu sao lại trả lời thế. Tôi sợ là tôi đã quen nói dối. Dù điều đó chẳng nghiêm trọng gì. Cũng có thể tôi muốn nhanh chóng khỏa lấp một khoảng vỡ mơ hồ trong lòng.
Chú Thảo vẫn nhìn như muốn đọc hết vẻ bí mật sau vẻ mặt bình thản của tôi: “Đừng lo. Nó chỉ đi ba tháng thôi mà”. “Ơ, cháu có lo gì đâu chú. Thạch chẳng liên quan gì đến cháu cả”.
Chú Thảo rít một hơi thuốc dài rồi nhả khói. Những vòng tròn khói thuốc bay lên, dăng ra, rồi tan vào  không khí. “Vân ạ, cháu hãy mở rộng lòng mình một chút. Đôi khi ta phải cho trái tim một cơ hội. Nếu phải nuối tiếc một cơ hội mà mình không muốn níu giữ thì buồn lắm”.
Tôi không mua hoa về cắm lọ nữa. Tôi sợ mọi người trêu.
Thạch chuẩn bị đi Bắc Hà – Lào Cai. Thạch bảo ở Bắc Hà có loại rượu đặc sản ngon nhất nhì nước ta. Rượu đó được nấu bằng ngô cao sản trồng trên núi đã hấp thụ tinh hoa trời đất và men Hồng Ly. Tôi không nói gì, chỉ chống cằm nhìn những chùm đèn màu viền theo chữ Tiamo đang đuổi theo nhau nhấp nháy. Cứ như thế chủ quán muốn nói “Tình yêu là trò đuổi bắt” vậy.
“Chị có muốn gặp người mà em sẽ giới thiệu cho chị không?”
“Để làm gì? Chắc gì anh ta đã thích chị?”
“Có chứ”
“Làm sao em biết trong lòng người ấy nghĩ gì khi họ không phải là em?”
“À, có đôi khi phải cảm nhận bằng trực giác chị ạ”.
“Thạch có bao giờ nghĩ: Nếu gặp nhau rồi mà người ấy không thích chị thì chị sẽ rất buồn không?”
Tôi không muốn gặp người đó. Bởi dẫu anh ta có tồn tại và có yêu tôi, chắc gì tôi đã yêu anh ta.
Nếu phải yêu thêm một ai đó trên đời này. Biết đâu tôi sẽ yêu Thạch.
Thạch đi công tác vào một ngày chớm hạ. Cả phòng giao cho nhiệm vụ: Phải đem bằng được đặc sản rượu Bắc Hà về làm quà. Ngày Thạch lên đường, tôi cáo ốm nghỉ ở nhà.
Thực ra tôi chỉ hơi nhức đầu chứ có đau ốm gì đâu. Nhiều lần giả vờ thành công tôi đã nghiệm ra một điều: Đôi khi giả vờ cũng khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Nói là một dạng của nghệ thuật sống. Tôi cũng nghe nói có nhiều người  giả vờ tuyệt vời đến nỗi anh ta chẳng thể nào tìm lại mình nữa.
* * *
Một buổi sáng tôi mua hoa hồng về cắm đầy lọ trong phòng làm việc. Thật ngẫu nhiên, lại là hoa hồng màu kem. Chú Thảo nhìn tôi gật gù: “Ngày trước chú tưởng mày mua hoa cho riêng thằng Thạch chứ. Ông tướng đó mê hoa này lắm đấy”.
Tôi nhớ những chuỗi cười đầy ẩn ý trong buổi sáng mùa đông trước đây khi tôi mang hoa đến phòng làm việc.
Tôi nhớ lời Thạch đề nghị giới thiệu cho tôi một người… Quán Tiamo mùa hạ thơm ngát hương Ngọc lan. Tôi lại ngồi chống cằm nhìn những chùm đèn màu viền theo chữ Tiamo đang đuổi theo nhau nhấp nháy. Gọi một ly cà phê đen. Uống một hơi cạn tới đáy. Gọi tiếp ly thứ hai. Chủ quán và những người xung quanh nhìn tôi như nhìn xác ướp đến từ Ai Cập.
Bỗng nhiên tôi thấy ghét sự giả dối của mình.
Chú Thảo là người sâu sắc. Người ta đồn rằng: Những người sâu sắc thường đã phải trải qua nhiều mất mát. Tôi nhó câu nói đầy trải nghiệm của chú: “Đôi khi, hãy cho trái tim một cơ hội”.
Những buổi tối mùa hạ rất đẹp. Bầu trời rất nhiều sao. Dải ngân hà như sà xuống thấp. Chỉ cần kiễng chân là chạm vào được. Mùa đông thì không mấy khi trông thấy vẻ đẹp rạng rỡ của dải ngân hà.
Hình thư tôi nhớ mùa đông.
 
2005-2006
 Phạm Thanh Thúy
Chương Mỹ, Hà Tây



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 541

Return to top