Brad Nelford giật mình khỏi giấc ngủ chập chờn khi chuông điện thoại kêu. Gã vẫn chưa làm quen được với căn hộ xa lạ này. Gã đã kéo mành mành xuống, vì khó ngủ nêế có ánh nắng hắt vào trong. Chỉ thời gian ngồi ở nhà ngục điều tra vừa rồi mới bắt được gã quen với chuyện ngủ dưới đèn điện.
Gã lăn người ra khỏi chiếc ghế sofa và bước trên nền thảm trải rất dày, rất mềm mại. Toàn bộ căn hộ này sao được trang trí theo kiểu ẩm ướt, ấm áp. Giống như một cái tổ uyên đương ngấm ngầm, ngay từ đầu gã đã nghĩ như vậy.
Gã cầm ống nghe lên, không hoàn toàn ý thức là gã đang đeo găng tay. Gã không được phép để ở lại đây một dấu tay nào.
- Hallo? – Gã hỏi thận trọng.
- Anh thấy trong người thế nào, anh Ndlford? - Giọng phía bên kia hỏi thăm.
Nelford tin chắc là gã chưa bao giờ nghe thấy giọng người này. Đó không phải gã đàn ông xứ Las Vegas đã đẩy gã đi tìm dấu vết Donna.
- Tôi thấy trong người thế nào hả? Giống như một con chuột biết chắc chắn là con mèo đang chở ngoài lỗ.
- Không có lý do gì để phải lo lắng như thế đâu, Ndlford, - Kẻ gọi tới sẵng giọng. – Tôi đâu thể đoán trước được bước phát triển này, đúng không?
- Trời đất ơi, ông nghe chứ! Anh ta là thanh tra! Anh ta có súng!
- Súng anh ta phải nộp rồi. Và anh ta không hề biết là có người muốn lấy mạng anh ta. Ngoài ra, anh ta không quen chiến đấu.
- Thế làm sao mà tôi có thể… có thể…
- Giết anh ta?
- Đúng, làm cách nào? Bằng tay trần chắc? Mà là một thanh tra? Tôi đâu có súng, và tôi không biết phải xoay làm sao ra một khẩu súng trong cái thành phố khốn nạn này!
- Anh có nhìn thấy lò sưởi không? Có nhìn thấy tấm đậy bên trên.
Nelford đưa mắt nhìn quanh. Lò sưởi to rộng, và người ta không thể không nhìn thấy tấm đậy bằng sắt đúc. – Có, - gã nói.
- Rất dễ đẩy tấm đậy đó lên. Bên dưới có một hộc rỗng. Trong hộc rỗng có một chiếc két sắt nhỏ. Két sắt không bị khóa. Trong đó anh sẽ tìm thấy một khẩu súng lục. Anh biết sử dụng súng chứ?
- Dĩ nhiên.
- Hãy rút súng ra và đặt vào đó chìa khóa căn hộ cùng chìa khóa cửa nhà! Anh sẽ không cần tới chúng nữa. Khi Kellin đã bị xử lý xong, một tiếng đồng hồ sau đó anh sẽ nhận được một bì thư bên quầy thông tin của hãng Hàng không Quốc Tế tại sda6n bay Kennedy, dưới yên Bradley. Trong bì thư anh sẽ tìm thấy một hộ chiếu thật và đủ tiền. Bây giờ thế nào, Ndlford?
Gã biết rằng gã đã thua cuộc, đã mất hết. Họ nắm gã trong tay. Gã chẳng có tiền mà cũng không có giấy tờ, và bởi gã không quen bất kỳ một người nào trong đám họ, họ có thể lật mặt gã bất cứ lúc nào. Gã đàn ông cắn chặt xuống môi. Gã không muốn giết người nữa.
Gã đã biết chồng của Donna vì bị con đàn bà đó bỏ bùa mê, bị nó thúc cho phát điên lên. Sau đó gã giết Donna, vì ả đã bỏ rơi gã và muốn hủy diệt gã. Chính ả đã biến gã thành một con thú hoang.
Gã cố nén tiếng thở dài khi nghĩ lại cảnh gã kéo con đàn bà đó vào phòng tắm rồi ra tay đánh đập trong một cơn thịnh nộ bệnh hoạn…
- Tôi không biết liệu tôi có tìm được anh ta không, - gã nghe thấy bản thân mình lên tiếng. Qua đó gã đã phát tín hiệu, cho biết gã sẵn sàng nhượng bộ.
Nhưng thật ra gã đâu có muốn…
- Tôi thấy rồi, anh là người khôn ngoan, Nelford. Anh nghe cho thật kỹ đây, mọi chuyện rất đơn giản…
•
• •
Đúng lúc tôi ngồi vào xe thì ngọn đèn của dàn máy điện đàm bắt đầu nhấp nháy. Tôi xưng danh bằng mã số.
- Kênh 4, - Phil nói ngắn.
Tôi chuyển kênh. - Cậu có kết quả gì không? – Tôi hỏi.
- Mình nghĩ là có. Chúng ta gặp nhau như đã hẹn trước vào lúc năm giờ. Mình không muốn đưa địa chỉ này qua điện đàm. Hoặc gọi cho trung tâm trực đi, hoặc gọi trực tiếp cho anh bạn của chúng ta!
- Rõ.
- Có thể mình đến muộn một chút. Trung tâm biết hoạt động của mình.
- Hiểu, hết. – Tôi lại bước xuống xe và quay trở lại phần đại sảnh của ngôi nhà có biệt thự trên cao của Dom Riccardi ở tầng sát mái. Bên dưới đại sảnh có tới hai tá máy điện thoại công cộng. Tôi gọi cho trung tâm trực FBI và gặp được George Baker.
- Phil có để lại tin cho mình, - tôi nói.
- Đúng thế. Các cậu gặp nhau vào lúc năm giờ trong căn hộ của Michael Kellin ở Phố Số 7, khu Đông, sát quảng trường Tompkins.
- Tốt, Phil bây giờ ở đâu?
- Số 388 Phố Số 79, khu Đông. Hỏi chuyện người gác cửa.
Vậy ra Phil muốn cho Randy xem ảnh Donna Hayes và Brad Ndlford.
Tôi nhìn xuống đồng hồ. Bây giờ là 4 giờ kém 9 phút. Thời gian quá ngắn, chẳng bõ công cho tôi quay trở lại văn phòng. Những gì tôi định làm ở đó, có thể nhở George Baker thực hiện.
- Mình đã nói chuyện với Aldina và Riccardi, - tôi nói. – Mình muốn Aldina từ bây giờ trở đi phải được canh chừng suốt ngày đêm.
George Baker thở dài. – Cho việc này mình cần ít nhất ba nhóm mỗi ca! Lấy đâu ra người đây hả?
- Rồi cậu sẽ xoay xở được mà, - tôi quả quyết. - Giờ mình đi ngay đến quảng trường Tompkins đây.
- Ghi nhận. Xong việc thì nghỉ ngơi lấy chút đi!
•
• •
Randy Edwards, người gác của ngôi nhà 388 Phố Số 79 khu Đông, nhanh nhảu chạy ra ngoài khi Phil cho chiếc xe công vụ dừng bánh và bước xuống xe.
- Ông không được đỗ ở đây! – Anh ta kêu lên.
Phil chìa thẻ. – Ta đi vào trong một chút chứ?
- Kể từ khi vụ việc với cô Dixon xảy ra, tôi không còn được yên lấy một phút, - Randy than thở. - Mời ông!
Anh ta mở cửa ngoài ra rồi mở đến cửa trong, dẫn Phil vào một căn phòng nhỏ, được dùng làm cabin gác. Trên một bàn điều khiển có để hai máy điện thoại cùng nhiều hàng số và hàng đèn nhỏ li ti, một trong những hàng đèn đó chỉ vị trí hiện thời của thang máy.
Đầu tiên, Phil chỉ cho anh ta xem ảnh của Donna Hayes, tức Cora Dixon. – Anh biết người phụ nữ này không? – Anh quan sát thật chăm chú gương mặt người gác cửa.
- Đó là cô Dixon. Rõ ràng là như thế, thưa ông.
Phil không biết liệu anh có nên cảm thấy nhẹ nhàng hay không sau khi đã được O’Malley cho biết về sự tồn tại của một người đàn bà thứ ba. Tên sát nhân đã hủy hoại gương mặt của nạn nhân đến hầu như không thể nhận ra, chắc chắn điều này phải có lý do. Có thể là sự căm hận và cơn thịnh nộ điên khùng. Hoặc thủ phạm hy vọng sẽ trì hoãn được một khoảng thời gian nhỏ, bằng cách ngáng trở tiến trình nhận diện. Cả hai khả năng này đểu trỏ tới Brad Ndlford. Nhưng động cơ chính của gã là việc loại trừ nữ nhân chứng buộc tội duy nhất, người có thể đưa gã vào nhà tù. Giờ Nelford chắc chắn đã trốn đi. Hoặc gã đã kịp kiếm cho mình một lý do vắng mặt.
Phil đặt xấp ảnh Nelford lên trên bàn.
- Anh đã bao giờ nhìn thấy người đàn ông này chưa?
Randy Edwards chỉ cần nhìn những tấm ảnh một thoáng.
- Có chứ, dĩ nhiên. Quý ông này sống trong nhà này. – Randy ngẩng lên, và bởi Phil không thể che giấu được sự ngạc nhiên của mình, người gác thêm vào, hơi có chút thiếu tự tin: - Tôi tin là thế, thưa ông.
- Chính xác là gì? Anh ta sống ở đây? Hay anh ta không sống ở đây?
- Tôi không biết tên tất cả những người thuê nhà, thưa ông, thậm chí kể cả nét mặt cũng không. Có những người thuê nhà không sống thường xuyên ở đây. Ví dụ chúng tôi có một người bán hàng xứ Milwaukee, cứ hai tuần anh ta mới về New York. Đối với anh ta thì thuê một căn hộ ở đây rẻ tiền hơn là…
- Được rồi, ông Edwards. Vậy ra ông không biết người đàn ông này tên thế nào. Tôi đoán là ông cũng không biết anh ta sống ở căn hộ nào. Lần cuối ông nhìn thấy anh ta là lúc nào?
- Cách đây 15 phút…
Bất giác, Phil đưa mắt nhìn quanh, thang máy vừa đậu xuống đại sảnh và có ba người đàn ông trẻ tuổi bước ra ngoài.
- Ông ấy bỏ đi rồi, thưa ông. Ông ấy thậm chí cầm theo cả túi du lịch.
Xui quá, Phil nghĩ thầm. 15 phút đồng hồ cho một tay giết người.
- Giờ ta bắt đầu lại từ đầu. Ông nhìn thấy người đàn ông này lần đầu tiên là vào lúc nào? Ông có nói chuyện với anh ta không? Anh ta có xe ô tô không?
- Không, thưa ông, Ông ấy đi taxi. Tôi nhìn thấy ông lần đầu tiên vào buổi trưa ngày hôm qua. Ông ấy đi thẳng vào trong đại sảnh này. Ông ấy dĩ nhiên có chìa khóa và ngay lập tức bước về phía thang máy. Vì tôi chưa nhìn thấy ông ấy bao giờ, nên tôi đã chạy ra khỏi phòng. Tôi chỉ chào ông ấy thôi, vì không muốn ra mặt hỏi han thô lỗ, ông hiểu không? Có thể ông ấy đã sống ở đây lâu rồi và tôi chưa gặp vì ông ấy đến và đi vào những lúc tôi không trực. Nhưng mà ông ấy chỉ chào lại một câu và không nói thêm chút nào. Lúc đó tôi đã nhìn lên bảng điện.
Brandy Edwards chỉ vào hàng đèn nhỏ nhỏ, mỗi ngọn đèn tượng trưng cho một tầng nhà. – Ông ấy đi lên tầng sáu. Ban nãy trước khi ông ấy xuống, tôi cũng nhìn thấy thang máy đầu tiên được gọi lên tầng sáu.
Phil đang để danh sách bản sao các hợp đồng thuê nhà trong xe. Anh chạy ra ngoài và cầm cặp hồ sơ vào. Cùng với Randy Edward, anh soát lại từng hợp đồng.
Trong tầng sáu có 9 căn hộ, tất cả đều có người thuê. Hai trong số đó vừa được thuê trong vòng 8 tuần gần đây. Một căn được thuê cách đây hai tuần, một căn cách đây 7 tuần. Tên người thuê nhà chẳng gợi cho Edward nhớ tới điều gì.
- Ông có nhìn thấy anh ta vào ngày hôm qua hay hôm nay một lần nữa không? Dĩ nhiên là trừ lần vừa rồi?
- Không, - Randy trả lời chắc chắn.
Ra gã đàn ông đó đã tìm cách lọt vào một căn hộ khác, và ngồi ở đó chờ cơ hội. Sau khi phạm tội, gã lại trốn vào trong đó. Khi các thành viên ban trọng án đi từ căn hộ này sàng căn hộ khác để hỏi han những người thuê nhà, gã đã để yên cho họ bấm chuông mà không mở cửa.
Phil sẽ phải trao đổi thêm với Hobson. Nhưng chuyện này có thể xếp lại sau. Việc quan trọng hơn cả là yêu cầu truy nã Brad Nelford. Rất có thể gã đang trên đường đến một sân bay. Hoặc đến một bến xe buýt. Nhờ vào tấm ảnh của cảnh sát Los Angeles, giờ họ đã có một cơ hội để tóm gã trai. Hiện gã vẫn còn cảm thấy an toàn, bởi báo chí và đài truyền hình chưa hề để lộ tiếng rằng cảnh sát đã nhận diện được người bị giết.
- Tôi gọi điện được không? – Phil hỏi.
- Được chứ. Đây, ông sử dụng máy này! Vừa chọn số của trung tâm trực FBI, Phil vừa hỏi Randy: - Ông có gọi hộ Taxi cho người đàn ông đó không?
- Không. Ngay ở góc phố kia có một bến đậu taxi. Chỉ cần vẫy tay là xe lại. Ông ta chẳng nhở và gì tôi cả.
- Tại bến đỗ đằng kia luôn là một nhóm taxi cố định chứ?
- Vào ban ngày thì đa phần là cùng một nhóm. Tôi có quen một số người. – Randy cười. – Có cần tôi đi nghe ngóng không?
Phil mỉm cười. – Không, cám ơn. - Rất có thể Nelford đang trên đường đi. Rất có thể một bạn đồng nghiệp quá sốt sắng sẽ gọi cho gã qua máy điện đàm, cho gã biết là FBI muốn nói chuyện với gã.
Qua điện thoại, Phil yêu cầu trung tâm ra lệnh truy nã Nelford. – Mình sẽ gọi lại ngay và báo chi tiết cụ thể, - anh nói với George Baker.
- Được, mình cho chiến dịch bắt đầu ngay, - George đáp.
Phil đi tới bến đỗ taxi, trong bến giờ chỉ còn hai xe. Anh chìa thẻ và hỏi hai người lái xem họ có nhìn thấy một bạn đồng nghiệp của họ nhận một người khách từ ngôi nhà nằm chênh chếch bên kia phố. Cả hai người lái taxi, một người da trắng béo phị và một người da đen trẻ tuổi hơn, đưa mắt nhìn nhau.
- Cách đây khoảng 20 phút, ông nói thế phải không? - Người béo phị nhún vai. – Lúc đó tôi chưa có ở đây.
- Còn ông? – Phil nhìn người da màu. Chiếc taxi của anh ta đang đứng ở vị trí đầu.
- Có thể tôi đã nhìn thấy một người. Lúc đó tôi vừa tới đây. Nhưng tôi không biết đó là ai. Tôi không biết cái xe taxi đó. Nó không thuộc nhóm bọn tôi ở đây. Có thể ông nên hỏi Đại úy Velasquez. Lúc đó anh ta cũng đứng ở đây. Đại úy biết mặt tất cả những tay lái taxi trong vùng.
- Ông có thể gọi cho anh ấy qua máy điện đàm không?
- Để tôi làm, - người béo phị sốt sắng nhận lời, vì anh da màu vừa nhận khách. Người đàn ông tên là Engelbert Hansen.
Hansen tìm cách gọi điện cho Đại úy. Chuyện không dễ dàng, vì hai người thuộc hai hãng taxi khác nhau. Nhưng một lúc, Hansen cười rộng miệng.
- Nếu ông đi vào trong quán rượu kia, thưa ông, Đại úy sẽ gọi điện cho ông. Được không?
- Cám ơn nhiều, - Phil nói và cất bước. Bây giờ đã là 4 giờ 30. Nếu muốn đến quảng trường Tompkins đúng giờ, anh sắp phải lên xe rồi.
Đúng lúc anh bước tới cũng là lúc chuông điện thoại treo bên cửa ra vào đổ chuông. Phil cầm ống nghe lên.
- Ông có phải là viên sĩ quan đặc nhiệm? - Đại úy velasquez hỏi.
- Tôi đây, ông Velasquez. Trước đây khoảng chừng 20 hoặc 25 phút, ông có nhìn thấy một bạn đồng nghiệp trong bến đỗ taxi ở đây nhận một vị khách từ Phố Số 79?
- Một gã tóc đỏ với cái mặt ác ác?
- Tóc đỏ thì đúng. Nhưng mà mặt góc cạnh thì đúng hơn. Nhưng tôi đoán là hai chúng ta cùng nói một ý.
- Tôi có nhìn thấy. Chris Storey chở gã ta. Nhưng ông đừng hỏi tôi là chở đi đâu. Chris lái xe cho Garage Brown’s. Số của doanh nghiệp này có trong niên giám.
- Cám ơn, - Phil nói. – Ông vừa giúp tôi nhiều lắm. – Anh tìm số của Garage Brown’s và gặp được một người trực điện thoại có giọng nói rất hốt hoảng ở đầu dây bên kia, người đầu tiên không thể tin nổi là anh ta đang phải nói chuyện với một viên sĩ quan đặc nhiệm và khăng khăng đòi gọi điện cho văn phòng FBI. Vất vả lắm Phil mới thuyết phục được người đàn ông nghe cho hết lời đề nghị của anh, trước khi gọi điện tới văn phòng.
- Các ông vẫn giữ liên hệ với những người lái taxi qua điện đàm, đúng không?
- Dĩ nhiên là chúng tôi giữ liên hệ.
- Những người lái có báo cáo về trung tâm khi nhận khách?
- Thỉnh thoảng họ mới làm điều đó. Ví dụ như ban đêm, khi họ đi trong những khu phố vắng. Giờ này thì không.
- Ông có một người lái tên là Chris Storey?
- Dĩ nhiên là chúng tôi có. Ông muốn gì ở anh ta?
- Ông có thể dùng điện đàm yêu cầu anh ta gọi về chỗ ông, nếu hiện thời anh ta không chở khách?
- Dĩ nhiên là tôi có thể… nhưng mà tôi không biết…
- Ông đừng nói cho anh ta biết là FBI muốn nói chuyện với anh ta. Chuyện này quan trọng, ông hiểu không? Hãy yêu cầu anh ta gọi đến văn phòng FBI và hỏi sĩ quan đặc nhiệm George Baker. Liệu ông có thể làm được điều đó không?
- Tôi cứ nghĩ ông tên là Decker?
- Dĩ nhiên là tôi tên thế, - Phil nhại lại người đàn ông, ca1iti1nh thận trọng của anh ta thật ra rất đáng khen, mặc dù vậy bây giờ nó khiến Phil muốn nổi điên. Dấu vết Brad Nelford hiện thời vẫn còn nóng, và cứ mỗi một phút trôi qua là nó lại nguội đi thêm một chút. – Làm ơn vội lên cho! – Anh thúc hối. – Nhưng ông đứng nói gì qua điện đàm cả!
- Tôi hiểu rồi. Chris đang chở một tay khách nặng ký.
- Tôi thấy rồi, ông đoán ra mọi việc nhanh lắm, - Phil nói. Anh dập máy xuống rồi thả nó ra ngay lập tức và gọi về trung tâm FBI. Chào George! Sắp tới đây sẽ có một chàng trai tên là Chris Storey gọi tới. Storey là lái xe taxi. Trước đây khoảng 20 phút anh ta đã nhận tay Brad Nelford lên xe tại Phố Số 79 khu Đông. Hãy thúc người lái xe nói ra anh ta đã đưa vị khách đó xuống đâu, rồi sau đó chuyền thông tin sang cho chiến dịch truy nã!
- Được, - George nói. – Mình đoán là bây giờ cậu sẽ đến quảng trường Tomhkins ngay.
- Dĩ nhiên là mình làm điều đó, - Phil nói. Anh đặt máy, chạy ra ngoài tới chiếc xe công vụ và ngay lập tức lăn bánh về hướng nam.
Khi anh còn cách đích chẳng mấy xa thì máy điện đàm lên tiếng. Giọng George Baker thật ra nghe vẫn bình thường như mọi khi. Chỉ những ai thân với anh thật lâu như Phil mới có thể nhận ra nét thúc hối.
- Gọi cho mình qua điện thoại! – George Baker nói.
Phil lúc đó đang đứng trong một hàng chờ dài ngoằng ngoẵng trước đèn giao thông bên Đại Lộ Số Một. Cách đấy vài bước chân có một cabin điện thoại công cộng đứng bên một điểm đậu xe buýt. Phil ập ngọn đèn cảnh sát cùng chân hút của nó lên nóc ô tô rồi bạo liệt thúc cái xe chồm lên vỉa hè. Chỉ vài tích tắc sau anh đã nói chuyện với George Baker qua đường dây.
- Người lái taxi vừa gọi tới, - George nói. – Anh ta đưa vị khách đó xuống quảng trường Tompkins.
•
• •
Michael Kellin vẫn để nguyên lần xích bảo an bên trong khi mở hé cửa ra. – Ô, ra là anh, Jerry. Mời anh vào đây! – Anh tháo xích sắt.
- Tôi đến hơi sớm chút, - tôi nói. – Tôi hy vọng không làm phiền anh. Phil Decker có thể đến muộn hơn.
- Tôi rất mừng là anh đến đây, - Kellin nói, giọng của người vừa trút được một gánh nặng. – Anh ngồi xuống đi! Tôi chỉ đi pha cà phê chút thôi. Hay anh muốn uống thứ gì khác?
- Cà-phê là ổn rồi, - tôi nói và tìm một chỗ ngồi bên cửa sổ. Căn hộ được bày biện theo hướng nhấn mạnh tính đàn ông, không có những đồ trang trí rườm rà bình thường. Dưới nền phòng đặt vài tấm thảm nhỏ bằng lông thú. Trên tường treo những tấm ảnh phóng to, tôi biết đây là anh Kellin tự chụp. Đa phần ảnh chụp máy bay và người đang nhảy dù. Một vài bức ảnh chắc mới được chụp gần đây. Chúng chỉ ra một chàng Kellin trên tấm ván trượt sóng, giữa mặt biển đang nổi bão. Vậy là anh lại vừa có thêm một nỗi ham mê mới, kể từ đợt công tác trước của hai chúng tôi.
Khi có tiếng chuông reo bên cửa, tôi nhìn xuyên qua khoảng tường hở về phía căn bếp, nơi Kellin đang loay hoay với nước sôi.
- Chắc là Phil Decker, - anh nói. – Anh làm ơn mở cửa cho anh ấy vào nhé?
Mặc dù có thoáng chút ngạc nhiên sao Phil lại có thể đến nhanh tới thế, nhưng tôi cũng chẳng suy nghĩ nhiều. Chắc là anh không gặp được anh gác Randy và đã quay xe trở về Midtown ngay lập tức.
Tôi đứng dậy, bước ra phía cửa. Tôi cũng đoán là Phil đã lên thẳng trên này, giống như tôi. Vậy là tôi mở cửa căn hộ.
Tôi nhìn vào một gương mặt lạ, không phải mặt Phil. Thế rồi từ khoảng sáng mờ mờ của hành lang có một nắm đấm lao vọt tới. Tôi chỉ kịp giật đầu sang trái vài centimet. Như thế chưa đủ. Những khúc xương rất cứng đâm sượt quanh cằm tôi và như muốn dứt tai tôi ra. Thế rồi mép cửa đập thẳng vào đầu tôi, và tôi lảo đảo va vào tường.
Ngay trong tích tắc sau đó kẻ lạ mặt đã nhao vào căn hộ của Kellin. Cửa sập vào ổ. Tôi cảm nhận rõ một cánh tay xiết ngang cổ họng và một nòng súng lục thúc mạnh vào thái dương tôi.
- Tôi rất tiếc, anh bạn, tiếc thật đấy. Nhưng Donna không mang lại may mắn cho cả hai chúng ta… Quên nó đi…
Quên nó đi! Một lời dối lừa trắng trợn. Bởi chính trong phút đó, Brad Nelford kéo cần khóa của khẩu súng lục ra phía sau.
•
• •
Phil có cảm giác lạnh đến từng đầu ngón tay. Tai anh chợt ù đi khi anh hiểu ra ý nghĩa của thông tin mà George Baker vừa chuyển tới.
Brad Nelford đi về phía quảng trường Tompkins. Đã rõ là gã muốn tới thăm ai, và cũng đã rõ là gã sẽ thêm vào vệt đi đẫm máu của gã một dấu chân đẫm máu nữa.
Bởi Chris Storey, người lái xe taxi, đã đưa vị khách của anh ta xuống đúng góc công viên bên Phố Số 7. Chỉ một vài bước chân thôi là đến ngôi nhà nơi Michael Kellin đang sống.
- Mình sẽ gửi một nhóm đến, - George Baker nói, người dĩ nhiên cũng rút ra một kết luận như Phil.
- Tốt, -Phil nói. – Nhưng mình vào trước.
- Phil …
- Đừng nói nữa, khốn kiếp! Thằng đó không chần chừ chút nào đâu. Chần chừ làm gì? Kellin không có vũ khí và hoàn toàn không ngờ đến điều gì. Jerry hoặc đã có mặt rồi, hoặc sẽ tới mà không hề đề phòng gì cả. Người duy nhất có thể làm được chút gì bây giờ là tôi!
- Mình có thể gọi cho Kellin dưới một cái cớ nào đó.
- Dưới cớ nào?
- Bất kỳ thứ gì. Một câu hỏi để thẫm tra. Mình có thể tự xưng là bạn hay là phóng viên. Chỉ nhằm mục đích khuấy đảo tên sát thủ, cầm tay nó lại Nhưng đó là quyết định của cậu.
- Được. Hãy xưng là nhân viên của cơ quan anh ấy và nói rằng sẽ có ngay một người mang thư tới.
Phil ném ống nghe xuống giá. Rồi anh co cẳng chạy hết tốc lực, để xe đứng tại chỗ. Từ đây cho tới góc phố Số 7 bên quảng trường Tompkins chỉ có duy nhất một dãy nhà. Dù có bật cả đèn đỏ lẫn còi hú lên, ô tô cũng không thể đưa anh tiến nhanh hơn chạy bộ.
•
• •
Tiếng Click sắc sói khi khóa an toàn được giật về vang lên thật to trong tai tôi. Nhưng không thể để kẻ khác găm một viên chì vào não bộ tôi dễ dàng tới thế. Thời gian quá gấp. Tên sát thủ có vẻ cương quyết không chịu sa vào bất kỳ cuộc tranh luận nào.
Tôi gắng buông người rơi xuống, nhưng cánh tay của gã kia siết ngang cần cổ tôi như một vành đai sắt. Bàn tay phải của tôi lúc đó đã đặt trên báng súng, nhưng cơ thể Nelford áp sát phía sau và tôi không xoay người được. Những gì được viết lại ở đây gây ấn tượng như những cân nhắc lâu dài, trong sự thật chỉ là những suy nghĩ xuyên qua não bộ nhanh như chớp.
Không thể buông người rơi xuống.
La hét cũng không được ích gì, vì gã trai kia đang xiết cho tôi muốn ngộp thở.
Chỉ còn lại khuỷu tay.
Tôi thúc khuỷu tay về phía sau và đồng thời cong gập lưng xuống. Người Nelford dài hơn tôi tưởng. Chân gã vẫn bám đất. Nhưng dù sao tôi cũng nghe thấy một hơi thở rít ngang tai mình. Tôi vừa làm gã đau.
Nhưng đầu nòng súng lục chỉ rời ra khỏi thái dương tôi một thoáng.
Giờ nó lại thúc vào chỗ cũ.
Chính trong lúc đó, chuông điện thoại reo lên.
Nó kêu tương đối to. Kellin là người ngủ say, đã có lần anh kể cho tôi nghe như thế. Vì thế mà anh đặt nấc chuông to hơn người khác.
Tiếng chuông kêu có lẽ chẳng đủ sức đánh lạc hướng tên sát thủ khỏi mục đích của gã. Nhưng mà Kellin, người hoàn toàn chưa biết tới sự kiện bên cánh cửa, từ trong bếp gọi vọng ra thật lớn: - Để tôi nhấc máy, Jerry!
Tôi cảm nhận rõ gã đàn ông sau lưng tôi hơi đờ người ra vì bất ngờ.
Bởi gã đang xiết chặt cần cổ và qua đó ngăn không cho tôi trụt người xuống, nên tôi tung một cú đá hậu mạnh hết sức mình.
Một cú đá trời giáng, được sinh ra từ cơn tự vệ thuần túy.
Cảm giác đau đột ngột khiến tên giết người đờ đẫn mất một phần giây đồng hồ. Tôi thúc khuỷu tay lần nữa vào bụng hắn. Giờ thì tôi có thể buông người thụt xuống.
Từng tế bào trên cơ thể tôi như cảm nhận được tiếng nổ khi Nelford cong ngón tay theo phản xạ và lửa cùng đạn chì vọt ra từ nòng súng. Viên đạn cùng khối thuốc nổ bị cháy khiến tóc tôi kêu lách tách. Viên đạn đập vào một mảng kim loại đứng chênh chếch, biến dạng, trở thành mảng xuyên ngang vào một khuôn giá gỗ để mở, đập nát một loạt cốc cổ vô giá, vốn do một người tình cũ tặng cho Michael Kellin.
Kellin, người vừa bước từ trong bếp ra với một bình cà phê nóng trong tay, xoay phắt về. Chuông điện thoại vẫn reo.
Tôi đập mình xuống nền phòng. Tư thế của tôi bây giờ chẳng lấy gì làm hào hùng, nhưng tôi vẫn sống.
Brad Nelford nhảy qua người tôi về phía Kellin. Gã giơ súng. Kellin phản xạ tuyệt vời. Anh ném ngay bình cà phê vào tên sát nhân.
Chuyển động đó phải được gọi là tuyệt vời từ hướng nhìn của Kellin, vì bình cà phê bằng thủy tinh đập đúng vào đầu Nelford. Nhưng rồi nó rơi xuống đất. Lúc đó nó mới võ ra, và cà-phê nóng rẫy bắn tóe ra bốn hướng. Tôi chỉ kịp đưa hai cánh tay lên che đầu thì thứ nước bỏng rẫy đã xuyên qua lần áo veston.
Hai tiếng súng trầm đục trong căn phòng thúc cho tôi nhảy dậy. Nelford bắn về phía Kellin, anh lúc này đã lao là là bay trở lại căn bếp, tìm nơi ẩn nấp.
Nelford nhảy theo. Chắc gã tin đã xử lý xong tôi, bởi tôi thật sự đã thỉu xuống nền đất trong cánh tay hắn đúng vào thời điểm gã bóp cò.
Không một tiếng động, tôi đứng dậy. Chỉ sau một bước dài tôi đã đến sát lưng Nelford. Tôi nhìn thấy gã giơ súng lên ngắm vào Kellin, anh lúc này không còn chỗ trú nữa. Chỉ còn khả năng phanh cấp tốc. Nelford cảm nhận sự có mặt của tôi. Nhưng khi gã xoay về thì đã quá muộn, tôi không kịp giảm bớt lực của bàn tay đang đập xuống.
Báng súng lục của tôi đập trúng thái dương gã. Brad Nelford gục xuống như một con bò mộng bị chặt ngang chân. Tôi đá vào khẩu súng vừa rơi khỏi tay gã. Khẩu súng tròng trành trượt về phía Kellin, anh nhặt nó lên.
Chuông điện thoại vẫn tiếp tục reo. Vì nó đang ở trong vòng tay với của tôi, nên tôi nhấc ống nghe lên.
- Ông Kellin, - một giọng nói vang lên trong ống nghe, - tôi gọi tới theo lệnh của ủy viên công tố…
Tôi nhăn trán. Rồi tôi nói: - George, đồ lưu manh cáo già nhà cậu, cậu giở trò giả nghề giả nghiệp từ bao giờ thế hả?
- Jerry? Jerry, phải cậu không? Cậu nói được không?
- Được chứ!
- Nghe ngày! Brad Nelford vừa cho xe đưa tới quảng trường Tompkins. Có thể gã muốn giết Kellin. Phil cũng đang trên đường…
- Im đã nào! – Tôi cắt lời bạn tôi, người đang hối hả chuyển thông tin. - Lẽ ra cậu phải gọi sớm hơn hai phút mới phải.
- Như thế có nghĩa là gì? – George hỏi.
- Nelford đang nằm dưới chân bọn mình đây. Mike Kellin đang quan tâm tới gã và sẽ có thể nói ngay liệu gã có cần bác sĩ hay không.
Kellin nhìn tôi. - Bị rách da, nhưng vết thương không sâu, gã sẽ tỉnh lại thôi. Tôi nghĩ là bác sĩ có thể chạy chữa cho gã sau, lúc đã vào phòng giam.
- Cậu nghe rõ chưa, George? Bọn mình sẽ đưa nó vào lỗ.
- Bao giờ các cậu cũng tiến trước mình một nửa bước. À mà phải, suýt nữa mình quên tin tốt – Phil sẽ tới ngay đấy.
- Cái đó cậu nói rồi.
- Thế hả? Mình thậm chí còn cử cả một nhóm tác chiến lên đường rồi.
- Gọi họ trở lại đi, và ra lệnh ngưng truy nã Nelford. Người dân trả thuế sẽ cám ơn cậu vì phong cách tiết kiệm đấy. Mình sẽ gọi lại sau.
Kellin dựng thân hình của gã Brad Nelford đang còn đờ đẫn lên cao rồi khuân gã vào một chiếc ghế bành. Tôi ném còng tay của mình về phía anh rồi đi ra cửa, vì chuông vừa reo.
Khi cơn sốc sau vụ đánh úp của Nelford đã có phần dịu xuống, tôi không đành lòng bỏ lỡ một trò vui.
- Ai thế? – Tôi giả giọng hỏi qua cánh cửa đóng kín.
- Tên tôi là Decker! – Phil nói lớn. – Tôi là người đưa thư của văn phòng ủy viên công tố. Tôi phải đưa một lá thư cho ông.
Tôi mở cửa và cười với Phil, anh đang đứng bên ngoài trong tư thế rất căng thẳng, sẵn sàng nhao vào một cuộc vật lộn.
Tôi bước sang bên, cho Phil nhìn thấy cái thân người đang lả xuống trong ghế bành.
Phil thở phì ra. - Cậu chả bao giờ để lại cho người khác một chút gì, - anh than vãn.