Kỳ lạ thật, - Phil Decker nói, - cái cách mà con người ta phản ứng khi có ai cận kề bên họ tự tử hoặc khi họ phải cho rằng anh ta đã tự tử.
- Trong chuyện này bao giờ cũng phảng phất những cảm giác tội lỗi ngấm ngầm, - tôi đoán chừng. - Hoặc người ta nhớ lại những thiếu sót đã mắc phải đối với người đã chết.
- Có thể. – Phil nheo mắt nhìn vào ánh đèn và tinh nghịch xoay xoay cây bút chì trong tay. – Hai cậu con trai nhà ông Rank ít nhất cũng tỏ ra nhẹ nhõm kể từ khi biết chắc chắn là cha họ bị giết.
- Họ là những người như thế nào?
- Mình nghĩ họ thuộc dạng người bảo thủ. Trong nghĩa tốt của từ này. Nghiêm chỉnh, chăm chỉ, có chí tiến thủ, nhưng không cay cú háo danh bằng mọi giá. Cả hai đi chung một chiếc ô tô và sống chung trong một căn hộ ở Cambridge. Mặc dù họ biết là cha họ không thể có nổi những món tiền lớn như thế, nhưng vì người cha cứ gửi đến và thúc ép, nên hộ đã nhận tiền. Họ nghĩ rằng ông ta đã biết đầu tư một cách khôn ngoan những khoản tiền tiết kiệm từ thời gian trước.
- Họ ở đây có lâu không?
- Ít nhất là tới đám tang. Bây giờ họ ở trong một khách sạn, vì ủy viên công tố chỉ cho phép bỏ dấu niêm phong nhà khi các chuyên gia điều tra dấu vết đã tìm ra phương cách đột nhập của thủ phạm. Giờ họ đã biết gã vào nhà như thế nào. Có một con đường đi bộ rất hẹp nằm giữa hai dãy nhà. Bên hàng rào phía sau nhà người ta tìm thấy một vài sợi len, có cùng cấu trúc với những mảnh sợi tìm thấy trong kẽ móng tay của ông rank. Một điều chắc chắn là tất cả các ổ khóa và tất cả các móc chắn cửa sổ đều nguyên vẹn. Nếu ông Rank để mở khuôn cửa sổ trong phòng ngủ phía trên garage thì các chuyên gia dĩ nhiên còn phải tìm lâu hơn nữa mà cũng chẳng thấy gì. Mình có một lý thuyết khác.
- Cụ thể ra sao?
Gã đã đeo lên mái nhà, dỡ ra vài viên ngói và chui theo đường trần nhà xuống dưới, đi qua phòng ngủ, rồi lại theo đường mái garage thoát ra ngoài, leo lên mái nhà chính đậy những viên ngói kia trở lại chỗ cũ. Sau đó gã qua mái garage lọt trở lại phòng ngủ, nấp vào một góc trong nhà, chờ ông Rank về nhà và chờ thời điểm thích hợp. – Phil lắc đầu. - Một kiểu cách hèn hạ... Trời đất, nếu quả đúng có Greenfield nhúng tay trong trò chơi này thì mình phải vào phòng vệ sinh mà nôn ra mất.
Tôi đã kể cho Phil nghe về cuộc nói chuyện của mình với Kellin, và Phil đã mách cho các bạn đồng nghiệp trong ban trọng án khu Queens biết về cuộn băng ghi cuộc nói chuyện qua điện thoại. Tôi đốt cho mình một điếu thuốc và nhìn theo làn khói nhanh lẹ được hút về phía ống thông khí.
- Còn cậu thì cứ ngồi ở đấy và chả làm gì cả! – Phil giận dữ nói.
- Mình chờ, - tôi đáp. – Đó là chuyện khác hẳn. Sếp của bọn mình đã nói chuyện với ban nội vụ trong lực lượng cảnh sát thành phố. Họ tỏ ra rất thận trọng khi thấy câu chuyện xoay quanh một ủy viên công tố.
Ban nội vụ của cảnh sát thành phố luôn được mời vào cuộc khi có những lời buộc tội chống lại thành viên trong lực lượng cảnh sát hoặc các cơ quan khác thuộc bình diện thành phố.
- Nhưng ít nhất thì ban nội vụ cũng đang đi điều tra lỗ rò rỉ trong khu công tố đoàn.
- Và họ cứ điều tra rồi điều tra tiếp, và nếu họ không ta ra thành mây khói thì họ còn điều tra cho đến Ngày Tận Thế, - Phil cay đắng. - Tại sao bọn mình không vào trận chống lại gã? Hoàn toàn trực diện!
- Cậu muốn làm điều đó ra sao? Bám theo gã sao? Cậu tin rằng gã sẽ dẫn bọn mình đến một khúc rừng có chôn tiền hối lộ? – Tôi giơ tay móc ống nghe điện thoại lên, vì chuông vừa reo. – Cotton đây.
Ở phía đầu dây bên kia là Neville. - Đội quân những ông già về hưu lại một lần nữa thắng cuộc, - nhân viên lưu trữ văn thư Neville vui vẻ tuyên bố. – Anh bạn tôi và người đồng chí già của cậu vừa gọi điện tới. Cậu có biết là khi nghỉ hưu tôi sẽ xuống Las Vegas không?
- Anh hả? – Tôi cười. – Anh không bao giờ về hưu hết, Neville. Quên chuyện đó đi!
- Anh bạn tôi cứ mỗi một năm một khỏe ra. Mặt trời ấm nóng và không khí khô ráo ở bên dưới đó rất hợp với anh ấy.
- Chắc chắn là anh sẽ nhớ đến chết những trận mưa ở đây, những con tàu điện ngầm, cái đám rừng bê-tông và cái lối sống hấp tấp hốt hoảng ở trên này, nhớ và hao mòn đi vì đau buồn, Neville, - tôi nói.
- Rồi cậu sẽ mở mắt ra, Jerry! – Neville nói chắc nịch.- Chắc chắn là như thế! Một ngày kia tôi sẽ bỏ ra đi. Nhưng mà thôi, ta vào chuyện chính! Tôi có tin cho cậu đây. Anh bạn già của tôi có biết cơ sở có tiền đầu tư của Riccardi. Đó là một nhóm tài phiệt nắm trong tay hai sòng bạc, bốn khách sạn và vài doanh nghiệp phụ khác. Trước đây một thời gian ngắn, nhóm tài phiệt đó xoay qua cổ phiếu hóa. Đó là một cái mánh rất được ưa thích, người ta dùng nó để tước tiền của những kẻ không thể công khai nhận phần đầu tư của mình. Thật sự là một vụ tịch thu tài sản.
- Neville cười khúc khích.
- Vậy ra bọn chúng đơn giản bỏ vào túi phần tiền của những kẻ đầu tư? – Tôi không thể tin nổi.
- Chính thế đấy! Dĩ nhiên là chỉ của những kẻ đã hết quyền lực. Những tay trùm gangster đã về hưu dạng như Riccardi. Gã ta đâu có thể lộ mặt đi tới đó mà đòi cổ phần. Lúc đó thì Sở Tài chính sẽ ngay lập tức nhảy lên đầu gã và gã ta có thể sống những ngày cuối trong tù.
- Vậy ra bây giờ gã ta nghèo như một con chuột trong nhà thờ, nếu gã không đút tiền vào những nơi khác nữa?
- Tôi không nói rõ ra như vậy đâu, - Neville thận trọng. – Theo những gì bạn tôi được biết thì có một gã trai tên là Sonny Galano đang nắm xấp cổ phiếu của Riccardi. Một dạng quản trị ủy thác, anh ấy nghe nói như vậy. Trong sáu tháng gần đây, Riccardi đã đến chỗ gã Galano kia ba lần tất cả. Cậu có biết gã Galano kia là ai không, Jerry?
- Không.
- Cậu phải dành thời gian ra mà đọc các trang báo kinh tế đi, chứ không phải lúc nào cũng chỉ chăm chăm xem tin báo tử và truyện tranh hoạt hình. Sonny Galano trong vòng sáu năm qua đã tiến lên thành con sư tử lớn nhất trong ngành xây dựng của toàn nước Mỹ. Nó đi mua các hãng xây dựng giống như người khác đi mua giày vậy.
- Và cái đó được viết trong phần báo kinh tế?
- Ừ thì, không rõ ràng như thế đâu, - Neville nhường bước. – Galano đã tạo dựng nên một mạng lưới cổ đông chằng chịt rối rắm đến mức không ai nhìn thấu. Chính thức mà nói, gã chỉ nắm trong tay duy nhất một phòng làm việc với một chiếc điện thoại và một máy viết chữ đường xa, còn tất cả những thứ khác đều chạy theo đúng quy luật của những ông bố già thuở trước, không có giấy tờ và bằng tiền mặt.
Vòng tròn có vẻ đang khép lại. Galano bóp Riccardi ngộp thở bằng cách cầm trong tay tập cổ phiếu của tay trùm gangster già nua, kẻ đang sống nhờ vào cổ tức từ chỗ cổ phiếu đó. Qua cách này, gã có thể ép cho tay cựu trùm gangster làm việc cho gã. Suy cho cùng Riccardi vẫn còn nắm trong tay những mối quan hệ và đường dây nối đến những nhóm quân cũ, những nhóm quân có thể được kích hoạt trở lại. Hôm trước Neville vừa nói gì với tôi nhỉ? Ở trên đường phố New York có đến cả hàng ngàn con người còn nợ Dom Riccardk một món nợ ân tình.
- Neville, thật bọn tôi không bao giờ thiếu nổi anh, - tôi nói trước khi đặt máy.
- Cậu định làm gì? – Phil hỏi.
- Mình đi nắn gáy một trong những tay chân cấp cao của Dom Riccardi thuở trước, - tôi nói. – Mình chỉ chưa quyết định là sẽ nắn gáy đứa nào.
- Lucky Falcone, - Phil bộc phát kêu lên.
•
• •
Michael Kellin bước vào sảnh và đóng cửa căn hộ lại. Chiếc túi thể thao của Cora đứng giữa đường đi. Kellin nhăn trán. Anh bước qua chiếc túi, tiến vào phòng khách. Trong phòng nào cũng bật đèn.
- Cora! – Anh gọi. – Cora, em ở đâu?
Lúc đó anh nghe thấy tiếng nước chảy. Mỉm cười, anh mở cánh cửa dẫn sang phòng ngủ.
- Cora!
Một bộ áo liền quần màu vàng nằm trên giường. Hai ống quần dang rộng. Kellin nuốt khan. Anh bước tới bên cửa dẫn vào buồng tắm. Tiếng nước réo của vòi tắm bây giờ nghe rất lớn. Anh gõ cửa và gọi tên Cora, tránh cho cô giật mình. Rồi anh mở cửa ra.
Hơi nước phả vào mặt anh. Không khí nóng rẫy.
Có cái gì trong người anh thít chặt lại. Nóng quá, anh nghĩ. Không người nào chịu được. Anh giơ tay giật tấm màn che bồn tắm sang bên. Anh không nhìn thấy gì, bởi hơi nước ở đây còn dày hơn nữa. Anh bị bỏng nhưng ngón tay khi sờ dọc tường. Mãi rồi anh cũng tìm thấy cái quay tay pha nước đang bỏng như lửa. Anh gạt nó xuống dưới, đóng ống dẫn nước. Từ từ, tầm nhìn rõ hơn.
Cô gái nằm trong bồn tắm với nửa người trên văn vẹo một cách kỳ dị. Một chân vắt qua thành bồn. Bàn chân bị kẹp vào dưới ống dẫn nước của toilet. Cô trần truồng. Mái tóc dài bung ra, và dòng nước chảy vặn nó theo hình trôn ốc quanh lỗ thoát. Chắc là trong một cơn thịnh nộ điên khùng, tên giết người đã không tha cả gương mặt xinh đẹp của cô.
Anh nới rộng cà vạt và há mồm thở, cảm nhận rõ dạ dày đang lộn ngược lên.
Anh bụm tay bịt miệng. Rồi anh lảo đảo sang khuôn bếp. Anh nôn vào bồn rửa. Anh vặn cho nước chảy cuốn tất cả chỗ đó đi. Anh không biết anh đang làm gì. Cơn sốc nằm rất sâu. Còn sâu hơn ngày hôm qua, khi anh giết chết một người đàn ông. Anh chập chững bước đi bước lại trong căn hộ, rồi đi ra ngoài và theo thang máy xuống dưới đại sảnh. Anh đờ đẫn đi về phía cửa dẫn ra ngoài. Khi Randy, người gác cửa, cất tiếng gọi, anh giật nẩy người lên.
- Sao ông lại về ngay thế, ông Kellin? Có chuyện không ổn sao?
Kellin như vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ. Gương mặt thân thiện của Randy lộ rõ vẻ âu lo.
- Tôi muốn gọi điện.
Randy chỉ vào hai máy điện thoại công cộng trả bằng tiền xu nằm ở mặt sau bức tường che căn phòng treo hộp thư. - Nếu ông không có tiền xu, ông có thể gọi từ máy tôi.
- Không cần, cám ơn. - Với những cử chỉ run rẩy, Kellin tìm một đồng xu trong túi. Randy dợm bước quay vào cabin của anh ta.
- Randy, anh nghe này!
- Sao kia? - Người gác xoay về. Khẩu súng lục bên cạnh anh ta gây ấn tượng quá lớn so với người đàn ông thấp nhỏ dễ mến.
- Suốt thời gian qua anh ở dưới này chứ?
- Vâng, thưa ông, dĩ nhiên. Ca của tôi bắt đầu lúc bốn giờ. Tại sao?
- Cô Dixon có khách tới thăm không?
Randy nhăn trán. – Không, không đâu.
- Anh chắc không?
- Chắc chứ! Ông thấy đấy, không ai vào nổi đây nếu không phải người trong nhà. Mà tôi chỉ cho phép khách thăm bước vào sau khi đã báo rằng điện thoại lên cho chủ nhà và khi người thuê nhà đó nói rõ ràng là tôi được phép cho vị khách đó vào trong.
Không nói một lời, Kellin xoay người đi, bước về phía hai chiếc điện thoại.
•
• •
Tìm một hồi trong niên giám điện thoại khu Richmond, cuối cùng tôi cũng kiếm ra cái tên Lucius Falcon. Rất có thể Lucius ‘Lucky’ Falcone đã Mỹ hóa tên họ mình.
- Đường Grymes Hill, Richmond, - tôi nói với Phil.
- Một khu sang trọng đấy, - Phil nói. – Cậu nghĩ có phải hắn ta không?
- Mình gọi điện đây, sẽ rõ ngay thôi. – Tôi chọn số rồi lắng nghe. Khi một giọng phụ nữ lên tiếng với một chữ “Hallo” đầy thân thiện, tôi hỏi tìm gặp ông Falcon.
- Ô, ông Falcon hiện vẫn còn trong xưởng. Có thể ông muốn nói chuyện với bà Falcon chăng?
- Đây là chuyện làm ăn, thưa cô. Cô có thể cho tôi biết số máy của xưởng được không?
Tôi ghi hàng số lên một tờ giấy rồi nhấn điện thoại. Hàng số bắt đầu bằng con số 5. Vậy là nó thuộc khu Gramercy hoặc Murray Hill. Tôi chọn số rồi chờ.
Lần này chuông reo tương đối lâu ống nghe mới được nhấc lên.
- Xưởng in Camrod, xin chào quí ngài.
- Chào ông, tôi muốn nói chuyện với ông Falcon.
- Ông Falcon đang mời một khách hàng dùng bữa tối, thưa ông.
- Ông có thể cho tôi biết họ đi đâu không? Tôi phải nói chuyện gấp với ông ấy.
- Không, thưa ông, tôi không biết. Trong xưởng này cũng đã đến giờ nghỉ rồi, thưa ông. Tôi rất tiếc.
- Nhưng ông chưa nghỉ việc, ông...
- Tôi tên là Ensulo, thưa ông. Khu gói hàng và khu gửi hàng luôn làm việc đến 11 giờ đêm. Ông Falcon thỉnh thoảng còn quay trở lại một lần nữa, giữa 10 và 11 giờ. Có lẽ ông nên thử lại lần nữa vào khoảng thời gian đó.
- Vâng, cám ơn ông Ensulo.
Tôi giở niên giám điện thoại, tra địa chỉ. - Xưởng in Camrod, số 287 Đại Lộ Số 4. Luky ra đã leo lên tới một xưởng in, một người vợ, một ngôi nhà ở khu Grymes Hill và một cô giúp việc. Rồi anh ta sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mình.
- Nếu đó chính là anh ta.
- Đồ bi quan! Còn giờ thì sao? Cậu nghỉ hả?
- Mình đấy à? Nghỉ hả? Suốt ngày hôm nay mình chạy dọc chạy ngang phụ việc cho cậu! Bao giờ thì mình có thời gian để viết báo cáo về vụ của mình đây?
- Thôi được rồi. Đừng bực! Mình sẽ phụ một tay!
- Thế mới phải chứ. – Phil hăm hở lao ngay vào phân chia tập hồ sơ trên bàn mình. Đúng lúc anh giơ tay định bê sang cho tôi một đống lớn giấy tờ thì điện thoại đổ chuông. – Mình cuộc 10 đô-la là bây giờ cậu lại lẻn đi cho mà xem! – Phil cáu kỉnh.
Tôi rút một tờ 10 đô-la ra khỏi túi và ném lên mặt bàn của anh. Sau đó tôi tóm lấy ống nghe điện thoại và xưng danh. Phil cũng ném 10 đô-la lên bàn.
- Hallo, Jerry...
Ngay lập tức tôi nhận ra giọng Mike Kellin.
- Có chuyện gì thế, Mike?
- Jerry, tôi ... xin anh làm ơn đến đây cho!
- Mike, chuyện gì thế? Anh đang ở đâu?
- Tôi ở… Trời ơi, Jerry, cô ấy chết rồi!
- Cora hả? Kellin! Nghiến răng lại! Anh vừa nói về Cora phải không!
- Vâng, vâng. Cô ấy chết rồi.
- Anh đang ở chỗ cô ấy?
- Vâng, tôi chờ ở đây.
- Được, Mike, tôi đến ngay.
Tôi ném ống nghe xuống giá và chạy thẳng ra cửa. – Jerry! – Phil gọi với theo và giơ đồng 10 đô-la lên. – Trò cá cuộc vừa rồi không công bằng.
- Cha, cậu thắng.
•
• •
Tôi tìm được một chỗ đậu trống và phi xồng xộc chiếc xe công vào chỗ đó. Khi không nhìn thấy những đám người to mò dồn về và một đám nhiều loại xe cảnh sát, lòng tôi không khỏi ngạc nhiên. Bởi tôi không tin lấy một giây là Cora đã chết một cái chết tự nhiên.
Kellin chờ tôi ở ngoài cửa. Hai tay đút trong túi áo veston. Anh run toàn thân, mặt hõm sâu.
Kellin xoay người và ra hiệu cho người gác. Người này mở cửa. Kellin đi trước tôi về phía thang máy.
- Dừng lại, Mike! – Tôi nói bằng giọng ra lệnh.
- Đầu tiên tôi muốn biết chuyện gì đang chờ tôi trên đó.
- Cô ấy chết rồi.
- Chỉ thế thôi à?
- Bị đánh chết!
- Bị đánh chết! Trời đất, thế ban trọng án đâu?
- Tôi muốn có anh đầu tiên ở đây. Chuyện này chống lại tôi.
- Trời ạ, anh điên rồi hả? Anh gọi cho tôi hồi nào? Tôi phóng xe rất nhanh, nhưng ít nhất cũng nửa tiếng rồi! Ít nhất đấy! Anh tìm thấy cô ấy lúc nào?
- Lúc đó gần 7 giờ. Sau đó chuyện gì đã xảy ra thì tôi không nhớ nữa. Tôi không cảm nhận thấy gì.
Tôi đưa mắt nhìn quanh. Rồi tôi chỏ vào hai chiếc máy điện thoại. - Gọi cho ban trọng án ngay! Nhanh lên, gọi đi! – Kellin đứng không động đậy, hai cánh tay buông thõng.
- Trước khi gọi điện thoại cho họ, tôi sẽ không lên trên ấy đâu. Kellin, anh là cảnh sát viên! Anh muốn kéo tôi vào một chuyện gì đây? - Lẽ ra tôi phải xoay mình và bỏ đi mới phải. Nhưng tôi cũng thấy rõ là Kellin đang bối rối cùng cực, hầu như đã mất lý trí. Tôi đẩy anh đến bên máy điện thoại, ấn ống nghe vào tay anh và bấm hộ anh số 911, số điện khẩn của cảnh sát.
Kellin báo cáo tạm đủ dữ liệu. Tôi cầm lấy cánh tay anh rồi dẫn anh ra phía thang máy. Người gác nhìn theo hai chúng tôi bằng ánh mắt lạ lùng.
- Anh nghe tôi nói đây! – Tôi gọi về phía anh ta. -Cảnh sát sẽ đến ngay. Anh cho họ lên trên này! – Tôi nhìn Kellin. – Tôi thậm chí chưa biết cô ấy tên gì.
- Dixon. Cora Dixon.
- Anh gửi họ vào căn hộ của cô Dixon!
Lên trên, ở tầng thứ tám, Kellin dừng bước lại một cánh cửa. Anh hầu như không đút nổi chìa khóa vào ổ vì hai tay run quá. Tôi gỡ chìa khóa ra khỏi tay anh.
- Anh lấy chìa khóa này ở đâu ra? – Tôi vừa hỏi vừa mở cửa.
- Cora vừa đưa nó cho tôi hôm qua.
Trong căn hộ phòng nào cũng sáng đèn. Không khí ẩm ướt. Kellin dừng lại ở sảnh ngoài.
- Nào, động đậy lên! – Tôi gầm vào mặt anh.
- Cotton, dù anh tin hay là không, tôi chưa bao giờ… chưa bao giờ nhìn thấy một thứ như thế!
- Ngoại trừ ngày hôm qua.
- Nhưng gã đó tôi không quen. Với Cora, là chuyện khác.
- Cô ấy đâu?
- Trong nhà tắm. Anh phải đi qua phòng ngủ.
Tôi đi xuyên qua căn hộ, chú ý không chạm vào bất cứ thứ gì. Khuôn cửa sổ và mảng gương lớn bọc ngoài tủ đựng quần áo mờ hơi nước. Tôi ném một cái nhìn vào buồng tắm.
Một bức tranh quả thật chẳng hay ho. Tôi nhìn xuống cái thực thể đã xưng phồng, nhìn gương mặt bị tàn phá, một viên cảnh sát hình sự luôn ngay lập tức nẩy nỗi nghi ngờ là có kẻ muốn che giấu hay gây khó khăn cho việc nhận diện.
- Kellin! Anh lại đây! – Tôi cục cằn quát.
Anh đến và đứng sau lưng tôi.
- Anh có tin chắc đây là Cora Dixon.
- Có.
- Anh nhận ra cô ta qua điểm nào?
- Tôi thân với cô ấy mà.
- Tôi cần một đặc điểm khách quan.
Kellin nghĩ một lúc. – Cô ấy có một vết chàm. - Giọng anh nghe thê thảm cùng cực.
- Ở đâu?
- Ở đùi trên bên phải, phía trong, - anh khó nhọc thốt từng lời.
Tôi cúi xuống bên xác chết. Có vết chàm thật. Cora Dixon khi còn sống là một người phụ nữ đẹp đến dễ sợ, tôi nghĩ thầm. Tôi xoay về phía Kellin.
- Mike, sắp tới tình huống sẽ rất căng đối với anh. Người ta sẽ hỏi liệu có phải chính anh làm điều đó.
Đờ đẫn, anh đáp trả ánh mắt của tôi. Nhưng tất cả những tay giết người đều làm nổi điều này.
- Anh sẽ trả lời sao?
- Jerry, anh điên rồi.
- Đó không phải là câu trả lời, Mike.
- Tôi không giết cô ấy! Cô ấy đã chết rồi! Cô ấy gọi điện gọi tôi lại đây. Cú điện thoại được ghi vào sổ văn phòng.
- Nó sẽ không chứng minh điều gì cả, Mike. Chúng ta cần phải biết vụ giết người này nhằm vào mục đích nào. Có phải nó nhắm tới anh? Tắt công tắc anh? Hoặc nó nhắm tới Cora? Mike, anh phải soát lại từng ngày, từng giờ và từng phút trong khoảng thời gian anh đã ở chung với cô ấy. Anh quen cô ấy thế nào, trong hoàn cảnh nào. Và tất cả những gì anh biết về cô ấy.
Kellin gật đầu. Chúng tôi đi ra hành lang của tầng nhà, nơi thanh tra thiếu úy Carl Hobson cùng nhóm đầu tiên của ban trọng án Bắc Manhattan đang bước tới. Hobson bắt tay tôi và Kellin, người anh vừa làm quen trong buổi tối hôm trước.
Vì chiến trường bây giờ thuộc về ban trọng án, nên tôi không thể giúp nhiều cho họ. Vậy là tôi ra về, sau khi đã nhắc nhở và tin chắc là Hobson sẽ quan tâm đến Kellin.
Tôi đang có việc phải làm.
•
• •
Đậu chiếc xe công bên Phố Số 23, tôi đi bộ đoạn đường ngắn đến Đại Lộ Số 4. Vào một quán rượu nhỏ, tôi uống một cốc bia và cân nhắc. Giờ đã quá 10 giờ tối, và tôi quyết định đi tắt ngang qua con phố.
Xưởng in Camrod chiếm tầng trệt và lầu một của một ngôi nhà bốn tầng xây bằng gạch trần với những khuôn cửa sổ cao và rộng, cánh cửa được chia ra làm nhiều ô nhỏ. Một cánh cửa cuốn đang được kéo cao. Trước đoạn dốc dẫn lên nhà đang có một xe tải chờ sẵn. Một công nhân điều khiển một xe nâng nho nhỏ, chuyển những gói ấn phẩm lớn lên khoang đựng hàng.
Tôi nhảy lên đoạn dốc và gật đầu với người đàn ông đang điều khiển xe nâng. Anh có làn da thẫm màu và đôi mắt nâu to tròn.
- Ông Ensulo phải không ạ? – Tôi hỏi, và khi người đàn ông ngạc nhiên gật đầu, tôi nói: - Ban nãy tôi đã gọi tới đây. Ông Falcon giờ có ở đây không?
- Ông ấy đang ở khu gói hàng, thưa ông. Ở phía sau kia, mé bên trái, cửa mở đấy.
Trong khu gói hàng đang có khoảng bảy, tám phụ nữ gói ghém những sập ấn phẩm quảng cáo còn phải được phân phát trong đêm nay. Đứng bên một chiếc bàn nhỏ là một người đàn ông to béo. Cặp kính đồi mồi có gọng rất dày tụt xuống chỏm mũi nần nẫn thịt. Vầng trán nhăn tít lại khi anh ta cố gắng ghi những dãy số vào giấy giao hàng.
- Lucky Falcon, - tôi nói khi đã lại đủ gần.
Anh ta giật đầu lên rồi xoay phắt về. Anh ta đẩy cặp kính lên cao và sắc mắt nhìn tôi, không nhận ra tôi ngay.
- Cuộc sống yên tĩnh này không thích hợp với anh, Lucky, - tôi nói. - Lần cuối chúng ta gặp nhau, anh nhẹ hơn bây giờ tới 10 ký lô.
- Cotton? Phải ông chứ, Cotton?
- Đúng, Lucky.
- Ông muốn gì?
- Người ta đâu có thể quên được khách hàng cũ. Tôi bao giờ cũng rất vui mừng khi nhìn thấy một người thành công.
- Được, ông đã nhìn thấy những gì ông muốn nhìn. Giờ thì ông lại đi đi cho!
- Anh đã lấy vợ, tôi nghe nói thế. Lâu chưa?
- Bốn năm.
- Vợ anh vốn mang họ Camrod.
- Có gì phản đối không?
- Anh hiện thời là thành viên của câu lạc bộ nhạc đồng quê Grymes Hill, có chân trong ban đại diện khu phố, ngồi trong ban hành chính nhà trẻ…
- Nếu đúng như thế thì sao? Ở ngoài đó chúng tôi không có câu lạc bộ thuyền buồm. Tôi không để người khác làm hỏng đời mình, Cotton. Ông không, mà bất cứ kẻ nào khác cũng không! Bụng tôi giờ đã phệ ra thật đấy, nhưng máu chiến đấu thì vẫn y như cũ. Tôi đã đếm đủ lịch. Bây giờ tôi có quyền của tôi.
- Tôi chẳng muốn điều gì ở anh cả. – Tôi nhấn mạnh từ tôi.
- Thế tại sao ông tới đây?
- Gần đây anh có nghe ai nói đến Dom Riccardi không?
- Có. Tôi đã ném nó ra ngoài.
Tôi gật đầu. Tôi đã đoán như vậy. Lucky Falcone là một trong số rất ít những người không nợ nần gì Riccardi. Trước đây 10 năm, Lucky là một gã trai có ngoại hình rất quyến rũ và đã yêu con gái của Dom Riccardi. Cô ấy cũng yêu Lucky. Riccardi cho người xé đôi cặp nam nữ trước khi họ thật sự thân nhau.
Ông ta cử ba cận vệ và hai bà bảo mẫu kèm cô con gái về Italia, rồi gả cô ấy cho một tay nam tước đã thất thế và nghèo túng. Chắc chắn Falcone đã tìm cách giết ông trùm của mình, nếu chúng tôi không kịp thời tống anh ta vào lỗ vì một loạt các tội phạm trầm trọng khác.
Falcone căm thù Riccardi. Nhưng nếu không bị ép buộc, anh ta sẽ không bao giờ tự nguyện cộng tác với FBI. Anh ta thà bôi dâu súng lục thêm một lần nữa và ra đứng chắn đường Riccardi. Mặt đối mặt.
- Cánh Las Vegas đã lừa Riccardi, - tôi nói, và hài lòng nhận thấy vẻ quan tâm lóe lên trong mắt Falcone. – Cánh Las Vegas bây giờ nắm Riccardi trong tay. Gã phải làm những gì gì bọn kia yêu cầu. Nếu không gã sẽ thành người nghèo túng. Đây là một trò chơi lớn. Những người đàn ông dạng như anh rất có thể nhanh chóng bị cuốn xuống đáy đấy.
- Tôi không biết ông nói chuyện gì, ông Cotton. Ông đi đi! Tôi còn phải làm việc.
- Được thôi, Lucky, vậy thì ngày mai tôi sẽ đến Grymes Hill. Ví dụ vào lúc chín giờ sáng nhé? Anh không cần phải mời tôi ăn điểm tâm đâu. - Mười năm trước đây, vẻ căm thù điên cuồng đang hiện lên trong con mắt Falcone lúc này có lẽ sẽ khiến tôi kinh hãi và trở nên cảnh giác. Ngày hôm nay, nó hầu như chẳng khiến tôi bận tâm. Falcone bây giờ có rất nhiều thứ để mất, anh ta không để thật sự nghĩ đến chuyện hại tôi.
- Ông muốn gì, Cotton? Nhổ nó ra đi! Và để gia đình tôi được yên! Đó là điểm nhạy cảm của tôi, Cotton, tôi công nhận như vậy, và tôi thề rằng…
- Giờ anh đừng có phóng đại, Lucky. Trong cuộc chơi mà tôi vừa nhắc tới đã có bốn người chết. - Thật ra là tám người, nếu tôi kể thêm cả những công nhân đã gặp tai nạn tại ngã tư Major-Deegan. - Người chết bao giờ cũng tạo nên những điểm rất nhạy cảm trong tôi. Lucky. Lúc bấy giờ thì tôi không biết nể ai nữa đâu.
Falcone ném cây bút bi xuống bàn, gỡ kính và tựa người vào tường. – Tôi không thể giúp ông, Cotton, vì tôi không biết điều gì.
- Riccardi muốn anh làm gì?
Falcone chần chừ. – Tôi không thèm nghe lời của gã ta, - rồi anh ta nói. – Gã cũng muốn những thứ như mọi khi thôi. Phục vụ chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Lúc thì là một cái xe, lần thì tôi lại phải cầm đầu một nhóm quân. Giống như ngày trước. Đe dọa ai đó…
- Đánh đập, Giết người.
- Tôi chưa bao giờ giết ai.
Đối với lời khẳng định này, tôi có những nỗi nghi ngờ chính đáng của mình. Nhưng tôi quyết định không xét thêm yếu tố đó.
- Riccardi bây giờ đang làm chuyện bẩn tay hộ bọn Vegas. Ngoài Labonte chắc gã ta phải có một tay sát thủ nữa, giờ đang được đẩy vào trận. Tôi tìm tay sát thủ đó.
- Thế thì lẽ ra ông không được giết Pat Labonte. – Falcone căng môi trong một nụ cười thâm độc. – Nhưng mà ông đang nắm Lou Stearns, tôi có nghe kể như thế. - Vẫn còn cười, anh ta nhìn tôi. Anh ta biết chính xác là Stearns sẽ không bao giờ mở mồm ra.
- Chắc anh không thể nào quen Pat Labonte, nếu anh quả có ý lánh xa các trò náo nhiệt.
- Không, tôi không quen nó. – Falcone châm một điếu thuốc. Anh ta không mời tôi. Chầm chậm, anh ta thở khói ra, trong khi ánh mắt như đang trầm ngâm đi ngược vào trong.
Tôi để cho anh ta yên. Falcone đang vật lộn để đi đến một quyết định. Tôi để cho anh ta có thời gian cân nhắc. Chưa bao giờ anh ta đưa ra cho cảnh sát một lời mách bạo. Nhưng bản thân anh ta chắc phải nhận thấy là giờ anh ta đang ngồi trong thế kẹt. Tôi có thể dễ dàng quét phăng đi cái mặt tiền đứng đắn đáng kính mà anh ta vất vả bao công mới dựng nên, chỉ cần tôi tới Grymes Hill tìm anh ta và sục sạo trong khu vực đó.
Bởi suy cho cùng, tôi hoàn toàn có cớ để xăm xoi lý do vắng mặt của Falcone. Cho tới nay, tôi chỉ mới được nghe chính anh t khẳng định rằng anh ta không còn làm việc chung với Riccardi nữa. Mặt khác, anh ta cũng phải sợ rằng Riccardi sẽ không buông tha và tới một lúc nào đó sẽ sử dụng sức ép lớn hơn, đòi Falcone phục vụ.
- Tôi sẽ không bao giờ ra mặt công nhận những thông tin này, - cuối cùng anh ta nói. – Không bao giờ, ông hiểu không?
- Chừng nào bản thân anh không dính vào chuyện, anh có thể đặt điều kiện đó, - tôi khẳng định.
- Ông hãy thử quan tâm đến người thân của Pat Labonte, - Falcone nói. Anh ta lại đeo kính lên và vẫy một trong những công nhân của bộ phận gửi hàng lại bên, ấn một vài tờ giấy đã được điền đủ vào tay anh kia và giải thích một vài lời.
Người thân của Labonte? Sáng hôm nay tôi đã xem xét kỹ tập hồ sơ của Labonte, với hy vọng sẽ va phải những cái tên khác, có thể dẫn chúng tôi đi xa hơn.
Trong hồ sơ không hề nhắc đến gia đình của Labonte. Gã không có vợ. Trong thời gian cuối này, gã sống trong một nhà trọ tại Phố Số 66 khu Tây, sống một mình. Khi khám xét đồ đạc, các thành viên của ban trọng án không hề tìm thấy một lời mách bảo chỏ đến người thân của gã. Labonte người xứ Baltimore, và theo đúng quy định, người ta đã báo tin đến lực lượng cảnh sát nơi đó. Nếu Patrizio Labonte có người thân sống ở Baltimore, chắc chắn cảnh sát sẽ tìm ra họ và báo tin về cái chết của Labonte. Cho tới nay chưa có ai lên tiếng, dù là cha mẹ hay anh chị em.
- Còn gì nữa hả? – Lucky sừng sộ với tôi khi người công nhân đã đi đủ xa. Ở phía đầu của đường dốc, có tiếng môtơ được bật lên. Falcone nhìn tôi trân trân. Thế rồi anh ta giơ hai tay lên trời. – Thôi được rồi, được rồi, Cottton. Pat không phải vô tình mà về New York đâu. Anh trai của nó đã lôi nó về đây. Anh trai của Pat lớn hơn nó tới 10 tuổi, và thỉnh thoảng lại làm việc cho Dom Riccardi. Dĩ nhiên là gã ta cũng đã rút lui khỏi trò làm ăn từ lâu rồi. theo những gì tôi được biết, gã đang có một khu vườn ở South Orantge, bên New Jersey. Nhưng tôi nghĩ cũng có khả năng Riccardi đã thuyết phục được gã ta làm thêm cho lão một vụ. Hoặc là cũng có thể hai.
Là một vụ. Điều đó có nghĩa là anh trai của Pat Labonte là một sát thủ. Một tên giết người chuyên nghiệp, kẻ chưa bao giờ bị điều tra, bởi chưa bao giờ bị nghi ngờ. nhưng tại sao trong hồ sơ của Labonte lại không có một lời mách bảo về tay đó?
Gã tên là Mario, - Lucky Falcone sủa lên. – tôi không biết họ gã. Tôi chỉ biết đó là người anh cùng cha khác mẹ của Pat. tất cả chỉ có thế thôi, cotton.
Cảm ơn, Lucky, - tôi nói. Anh vừa ghi sổ được một món ở một chỗ tôi.
Falcone đã lại cuối xuống với tập giấy giao hàng.