Cụ dừng lời, đưa tay lên vuốt ngực, dìm cơn ho xuống dưới. Phán ngồi im nghe ông ca cẩm. Anh ta biết cụ chẳng sống được bao lâu nữa. Căn bệnh ho lao này chỉ cần nhích thêm một chút là cái chết sẽ đến.
Phán thấy thương ông vô cùng, anh ta lựa lời an ủi. Cụ Chẩn xua tay, hai má hóp lại, mặt như chiếc đầu lâu người ta vẫn vẽ ở các cột điện cao thế:
- Đừng an ủi làm gì. Đằng nào ông cũng phải đi… Chúng nó đâu cả rồi?
- Bố mẹ cháu sang nhà bà ngoại ăn giỗ.
Phán bưng nước đến cho ông, anh ta lén bắt mạch xem thế nào. Tay Phán chạm phải những lớp xương lạnh ngắt. Cụ Chẩn phều phào:
- Thế là sắp sửa… ông đã nhìn thấy họ đến đón mình… Mà sao mặt ai cũng ủ rũ thế nhỉ… Phán!
Phán dạ nhẹ, anh ta biết ông mình đang ở những giây phút cuối. Cụ Chẩn cố gắng lắc đầu xua đám sương trắng lan đến che kín mắt mình. Người cụ chìm vào bầu không khí âm u, vắng lặng và se se lạnh. Những bóng người chập chờn, họ kiên nhẫn nhìn cụ, không tỏ thái độ xa lạ hay thân thiết. Những bóng người xếp thành hàng dài, lặng lẽ trôi qua trước mắt cụ. Đầu tiên là bố cụ, sau đó đến mẹ, rồi hàng loạt anh em khác trong gia đình. Tất cả đều mờ mờ sau lớp sương trắng trôi vùn vụt. Cụ xuôi tay ngã vào đám người nhưng đột nhiên có ai đó, chính xác hơn là một bàn tay nóng rực lôi giật cụ lại. Cụ thét lên:
- Không!
Phán bất lực theo dõi hơi thở hấp hối của ông, anh ta cảm thấy lo lắng vì đến giờ phút này bố mẹ mình vẫn chưa về. Cụ Chẩn vụt tỉnh táo lạ thường, đôi mắt một mí ánh lên những tia sáng sống động, linh hoạt dưới đôi mày xếch chéo đã bạc phếch. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên cái trán nhăn nheo và ngắn ngủn của cụ. Với tư thế nằm ngửa, bất động, cụ Chẩn nhớ lại thời gian mà mình đã sống. Ngôi làng trống hoác hiện ra… rồi cụ cắp sách đến trường… cụ lén lút đi giữa đêm để bắt gà hàng xóm… cụ nhập vào đám người đào ao thuê… Những quả đồi, căn nhà… chiếc ao toàn đá… Người vợ run rẩy trong đêm chồng vợ đầu tiên… Hình ảnh thi nhau đập vào mắt cụ, lần lượt, đều đặn tựa hồ cuốn phim quay chậm. Khi chính cụ nhìn thấy mình đang nằm trên giường thì tự dưng cuốn phim quay ngược trở lại, nó lướt rất nhanh cho đến cảnh một căn nhà xây hiện ra, căn nhà đó tựa lưng vào quả đồi căng mọng tràn trề sức sống, phía trước nó, dòng sông um tùm lau lách rì rào chảy.
- ở đây… chính ở đây!
Cụ Chẩn gần như reo lên, mắt lim dim, mơ màng. Đấy là tuần thứ nhất kể từ khi bắt đầu hợp đồng. Anh thanh niên có tên là Chẩn đang hùng hục hất đất đắp lên thành ao cùng đám bạn thì chủ nhà gọi vào buồng nói chuyện. Nghe tình hình đầu đuôi xong, anh thanh niên Chẩn há hốc mồm nhìn tay chủ nhà cũng chạc tuổi mình:
- Anh không đùa đấy chứ?
Chủ nhà cúi đầu đăm chiêu, nói rất khẽ:
- Không.
Chẩn đứng vụt dậy toan bỏ đi, nhưng chủ nhà gọi lại bằng giọng chắc nịch:
- Hoặc là mày đồng ý, hoặc là tao sẽ đập vỡ sọ mày ngay bây giờ.
- Nhưng tôi không thể làm việc đó được!
Chẩn rũ người, méo cả mặt. Chủ nhà bước đến vỗ vai Chẩn, giọng anh ta buồn buồn, xa xót:
- Mày tưởng tao sung sướng lắm hay sao… Đồ con khỉ. Đột nhiên chủ nhà gầm như hổ: - Tao không được phép, mày biết rồi đấy… Trời ơi, tao sẽ mang tội với họ hàng mất!
Chẩn đờ người trong khi chủ nhà túm chặt cổ anh ta:
- Hãy giúp tao, đấy sẽ là việc thiện duy nhất của mày trên cõi đời này.
Chẩn nghĩ ngợi, rồi gật đầu:
- Được!
Chủ nhà lê về ghế ngồi, nhìn anh ta đầy biết ơn, nhưng ánh mắt cứ léo lên điều gì đó man dại.
- Ngay đêm nay, tao sẽ đi vào làng có mấy việc.
- Nhưng… Chẩn nghi ngờ, môi run run: - Anh không lừa tôi chứ? Sẽ để tôi đi an toàn chứ?
Chủ nhà cười nhếch môi, không nói thêm câu gì. Và đêm đó Chẩn lập cập rời chỗ ngủ vào căn buồng khép hờ của vợ chủ nhà thấy cô nằm co người, úp mặt vào tường, ngọn đèn xanh nhạt phủ lên người một lớp sáng lạnh lẽo. Chẩn cẩn thận chốt cửa, anh ta đực mặt ra một lúc, se sẽ đến vỗ vai người đàn bà. Miệng Chẩn đắng ngắt vì hồi hộp. Lần đầu tiên trong đời, anh ta được ở một mình trong căn buồng kín với đàn bà. Vợ chủ nhà trở mình nằm thẳng, không nhìn Chẩn, mắt cô vô hồn bám chặt lấy mảng tối trên đỉnh nóc. Chẩn rùng mình, anh ta cảm thấy đây ở là một con người ở thế giới khác chứ không phải trên mặt đất này. Người đàn bà phanh áo…
Từ đêm ấy, cứ một tuần một lần, chủ nhà lại có việc vào làng. Một hôm, chủ nhà lại gọi Chẩn vào, mặt nhăn nhúm dữ tợn:
- Đủ rồi, từ nay không được bén mảng đến căn buồng kia nữa. Cút đi, thằng chó!
Cho đến tận giờ phút này cụ Chẩn cũng không sao lý giải được câu chuyện kỳ quặc đó. Tay chủ nhà đang có một âm mưu? Cũng có thể như vậy. Người ta bảo tay ấy hấp, thế nhưng Chẩn lại thấy ngược hẳn. Chủ nhà rõ ràng là cố gắng ẩn mình bằng cái vẻ ngờ nghệch, hâm hấp. Để làm gì nhỉ. Cụ Chẩn chẳng biết nữa, mà cụ thấy cũng không nên biết như thế đỡ đau đầu. Duy chỉ có một điều, điều đó nhiều lần thôi thúc cụ định tìm về vùng đất mà mình đã phải làm cái việc kỳ lạ kia. Ấy là cụ muốn biết con mình thế nào. Đứa con hoang phí một cách miễn cưỡng là trai hay gái. Bao nhiêu thời gian đi qua, mỗi lần có ý định trở lại trong đầu cụ đôi mắt chói lạnh như chó dại của tay chủ nhà lại hiện lên ngăn cản. Con người đó đối với cụ còn kinh khủng hơn cả cái chết.
Phán nhìn ông chằm chằm, anh ta cố gắng đoán xem ông mình đang nghĩ gì. Ở trường học, người ta dạy anh ta rằng kẻ sắp chết bao giờ cũng nhìn thấy quá khứ của mình một cách rõ ràng nhất, chi tiết và chính xác nhất. Đấy cũng chính là giây phút tỉnh táo cuối cùng của con người. Phán hiểu, ông cụ đang đặt bước chân đến ngưỡng cửa của cái vĩnh viễn. Cụ Chẩn lịm dần, lịm dần. Đám người ban nãy lại hiện lên, nhưng giờ đây đi đầu không phải là bố cụ nữa, thay vào đó một người đàn bà vô hồn chăm chăm nhìn xuyên qua cơ thể cụ để rồi ánh mắt chìm lẫn vào khoảng mênh mông nào đó.
- Con của chúng mình thế nào?
Cụ Chẩn cố gắng mấp máy hỏi, nhưng người đàn bà chỉ im lặng dắt cụ đi. Đám người lặng lẽ theo sau. Sương trắng dâng lên mù mịt xóa đi tất cả sau lưng họ.
Đám tang cụ Chẩn khá đông người. Khi chiếc quan tài hạ xuống huyệt, Phán nhìn thấy vợ ông Trình cũng có mặt. Bà ta cúi đầu lầm rầm mấy câu, sau đó bỏ ra đứng một mình. Phán sững người, vừa xấu hổ, vừa tiếc nuối. Từ cái hôm bị ông Trình bắt quả tang ngủ với vợ ông ta, Phán không dám bén mảng đến căn nhà ấy nữa, mặc dù hàng mấy năm ông mới trở về một lần. Phán biết bà Trình sẽ khinh mình nhưng anh cũng biết bàn tay ông chồng bà có thể vặn chết cả trâu đực. Mắt Phán lén lút quan sát bà Trình, trong ráng chiều mùa đông, trông bà buồn rượi mặc dù thân hình vẫn phốp pháp, hừng hực. Phán thở dài khi có ai đó đến cầm tay anh ta dắt lên xe. Nhìn mặt Phán thất thần, mọi người đều cảm động, vì hiếm có trường hợp một đứa cháu lại thương ông đến độ ấy. Vài người đàn bà rỉ nhau:
- Cả nhà được có cậu ta là có hiếu.
- Đúng đấy bác ạ. Trông kìa, tội nghiệp quá đi mất. Còn con mẹ lác kia, mặt cứ hớn lên. Thật vô phúc cho ông cụ!
Trước khi mọi người tản về, Phán bắt gặp ánh mắt bà Trình nhìn mình rất lạ, rồi bóng bà khuất sau dãy hàng rào găng đen thẫm. Ánh mắt ấy giễu cợt Phán. Hai ba ngày sau, Phán vẫn còn cảm thấy vừa nhục nhã, vừa bực tức. “Mụ ta nghĩ, mình chỉ biết có một mụ ấy thôi ư? Phán choáng váng nghĩ: - Được, ta sẽ cho mụ ấy biết thế nào là thằng đàn ông!”. Và Phán cay cú đi tìm gái. Phán thích thú nhẩm đếm số đàn bà qua tay mình. Cô thứ ba. Cô thứ năm. Cho đến cô thứ bảy thì Phán thét lên đau đớn, khi hai người vừa rời nhau trong căn nhà trọ, chưa kịp thay quần áo:
- Trời ơi, con đĩ, mày đổ bệnh cho ông…
Bằng kinh nghiệm qua trường học, Phán phát hiện ra cô ả vừa ngủ với mình bị mắc bệnh lậu. Anh ta kinh hoàng nhẩy xổ vào đấm đá cô ả túi bụi rồi thất thểu ra về. Nằm nghĩ, Phán thấy ức bà Trình, chính bà đã đẩy anh ta đến nước này. “Đã thế, mình sẽ cho mụ ấy biết!”. Phán liều lĩnh trở lại nhà bà Trình. Bà đón Phán bằng nụ cười vừa thương hại vừa thông cảm, pha chút thèm khát. Ba ngày sau, mặt bà Trình trở lên vàng bủng, lấm tấm những vết tím như tàn nhang.
***
Mặt đất se lại, vón thành những vụn nhỏ, tròn dưới cơn mưa phùn. Cây cối gầy nhẳng như bàn tay đen đúa vươn lên màu trời màu tro. Trong mưa phùn, bóng người trở nên rệu rạc chẳng khác gì bóng ma. Chùa Phù Liễn chìm trong cảnh âm u, cô tịch. Xa xa, chếch sang phía bắc là dãy núi voi sạt một bên mông, cạnh đấy, hai ngọn núi Chùa Hang thấp thoáng ẩn hiện sau những chiếc cành rung hết lá lúc nào cũng đong đưa nghiêng ngả.
Bà Trình ủ rũ bỏ đi, dáng bà khàng khạng vẻ khổ sở. Tiến quắt nheo mày nhìn theo, gã chúm môi huýt gió. Khoảng tám giờ tối Hương lại sang. Hai người làm tình xong, Tiến nằm vật sang bên, vắt tay qua trán nghĩ vơ vẩn.
Đột nhiên gã nhổm dậy, nhìn qua cửa sổ nói một mình:
- Kể cũng thú vị. Đoạn quay sang Hương: - Em này, có lẽ chúng mình nên chấm dứt được rồi!
Hương quắc mắt, người run lên bần bật:
- Sao lại thế?
Tiến quắt cúi đầu thở dài. Chiều nay, gã vừa gặp Loan.
- Anh sắp có con! Tiến nói như mếu.
- Với ai cơ?
- Loan! Anh mới gặp nó. Nó bảo đấy là con của anh.
- Em không tin!
Hương bấu chặt vai Tiến hoảng sợ. Tiến moi thuốc hút, gã mơ màng chìm vào làn khói xanh nhạt đang lờ đờ uốn lượn rồi thoát ra cửa sổ. Gã không sao quên được Loan, vả lại gã cần một gia đình, một đứa con. Tiến biết mình không thể lấy Hương làm vợ được. “Nó còn trẻ con quá. Gã nghĩ thầm: - Đụng cái gì cũng hỏng. Mới lại còn hàng xóm trông vào. Khéo chúng nó lại vung ầm lên là hai bố con lấy nhau thì bỏ mẹ! Dại mặt”. Càng nghĩ, Tiến càng quyết tâm đoạn tuyệt với Hương.
- Liệu có phải con của anh không?
Câu hỏi của Hương cứa mạnh vào lòng Tiến. Chính gã cũng hoang mang từ chiều. Loan bảo với gã rằng từ hôm bỏ đi, cô ở nhờ nhà một bà thím, bưng thuê cà phê cho quán của bà. Tiến vụt nhớ đến lá thư và dòng tái bút. Gã nhẩm tính xem thời gian có khớp không. Cuối cùng gã đành bất lực vì không biết Loan có chửa được bao lâu rồi. Tiến nhìn Hương vẻ đồng tình, gã ném mẩu thuốc xuống nền nhà, khạc nước bọt:
- ừ, em nói có lý. Không cẩn thận, lại nuôi con giời thì chí nguy chứ lại! Được, anh lại yêu em vậy.
Nghe Tiến nói, Hương cười mãn nguyện. Thế là cô ta sắp sửa có chồng. Hương đã tính từ lâu, sẽ cưới Tiến rồi sang đây ở hẳn, không bén mảng về nhà nữa. Mỗi khi nhìn khuôn mặt vàng vọt, chi chít vết sùi vì bệnh của mẹ mình, Hương chỉ muốn chửi toáng lên một trận rồi bỏ đi hẳn. Còn Tiến quắt, gã ngắm Hương phổng mũi to. Gã cho rằng mình chẳng đến nỗi nào, không những thế có khi còn đẹp trai là đằng khác. Ở độ tuổi của gã, để có một con bé trẻ măng như Hương theo đuổi, mê đắm đâu phải là chuyện xoàng. Gã nhớ tới Phán, cái thằng oắt con bệnh tật ấy nhìn gã như kẻ thù. Vì Phán còn muốn cả Hương nữa. Thật là đồ chó. Mấy hôm nay nó cứ quanh quẩn rình rập con bé. Đừng có hòng! Tiến quắt giãy đành đạch trên giường, gã hứng chí vồ lấy Hương, riết chặt như giữ lại cục vàng quý.
***
Tiếng hát ò ẹ phát ra từ chiếc loa cũ rích càng tăng thêm vẻ thê lương của chiều mùa đông. Ngồi góc quán, Huấn lơ đãng nhìn ra chiếc đầm rộng, xanh nhớt. Bốn bề viền cỏ dại. Cây sung già còng queo in bóng xuống đáy nước thành một mảng sẫm bí hiểm. Cạnh Huấn, Phán chăm chăm vào mẩu thuốc đang cháy dở, thỉnh thoảng lại rùng mình khi giọng ca nhớt nhả trong chiếc loa xuống trùng.
- Tôi nói thực, mặc dù ông học nghề y, nhưng, tâm hồn ông cực kỳ thi sĩ.
Huấn nói chậm rãi, cắt ngang luồng suy nghĩ của Phán. Phán nhếch môi cười vẻ lạnh lùng, nhưng hai lỗ mũi cứ phồng tướng lên:
- Tôi mà là thi sĩ. Ông nói thế nào ấy chứ, cả cái xứ này, ai chả biết ông là nhà thơ chủ soái!
Huấn cảm động lắm, đối với anh ta một người tôn mình là chủ soái thơ, dù hắn ở dạng nào Huấn cũng muốn sụp xuống mà vái ba vái cho đúng lễ. Mắt Huấn rơm rớm, cơn xúc động vì danh hiệu Phán vừa gán cho khiến giọng anh ta cứ nấc lên:
- Thì tôi đâu có chối, nhưng nghe cách ông thẩm nhạc, tôi biết, ông cũng là loại có tâm hồn khá hiếm hoi. Hay là làm thơ đi, ông ạ.
Huấn gạ Phán. Vừa lắc đầu vừa nhấp nốt chỗ cà phê, Phán làm bộ dửng dưng:
- Chịu!
Anh ta nhìn Huấn thăm dò, nhưng không thấy Huấn tỏ vẻ sốt sắng, liền nổi cáu, quay sang vặn to băng nhạc. Phán nhìn dán vào miệng chiếc loa, tay vườn vèo theo điệu hát, mắt lim dim, thi thoảng lại cố ý rùng mình.
- Sao nó chưa về nhỉ?
Huấn sốt ruột hỏi bà chủ, tay xem đồng hồ. Bà Cẩm cười mếu, ngồi xuống cạnh hai người, chiếc ghế mây kêu kèn kẹt tựa hồ sắp sụn xuống dưới sức nặng của cơ thể đồ sộ:
- Em nó chắc đang mải mua bán, các anh cố đợi một chút. Lấy thêm bao Vina nữa nhá?
Huấn hồ hởi gật đầu, trong khi đó Phán cúi mặt đau khổ thực sự. Anh ta ân hận đã chót tuyên bố đãi Huấn khi hai người bước vào quán. Nhìn Huấn bóc bao Vina, lòng Phán đau như xé. Hai mũi tiêm sớm qua làm Phán rộc đi trông thấy, da mặt anh ta tái xám lại, răn deo, lông mày rụng gần hết. Cái thứ thuốc Lanh cô xin quả là mạnh, vậy mà căn bệnh vẫn chưa giảm đi là mấy. Thỉnh thoảng Phán cứ phải nghiến răng ghìm những cơn buốt dội lên tận óc. Đợi bà Cẩm vào buồng trong, Phán quay sang lẩm bẩm với Huấn:
- Buốt ông ạ!
Huấn cười duyên, môi trên cắn môi dưới, má ửng lên đỏ hồng, chẳng khác gì ông thầy trước khi nhập lễ ở điện thờ:
- Ừa, chịu khó một tí, mấy hôm nữa là hết. Nó kia kìa.
Loan xách chiếc túi lưới mệt mỏi vén mành bước vào Huấn sửa lại cổ áo, lấy nét mặt đăm chiêu đón cô tình nhân cũ:
- Kìa Loan!
Giọng Huấn thiểu não như người hấp hối, anh ta rút khăn mùi xoa ra lau mắt. Phán muốn ăn tươi nuốt sống Loan. Huấn bấm nhẹ vào tay anh ta. Loan hơi chững lại khi thấy Huấn, cô bình tĩnh rất nhanh, chẳng nói chẳng rằng đặt túi lên bàn, đi rửa tay. Huấn chống khuỷu lên bàn, hai tay ôm lấy đầu, hơi rũ xuống, nhưng mắt vẫn he hé nhìn theo dáng đi lượn sóng của Loan. Phán xích ghế lại gần Huấn:
- Con này khó lừa đây, nhưng không sao. Tôi sẽ có cách, rồi bọn mình chuồn thật nhanh, ông ạ. Mẹ khỉ, nó phải khóc vì tôi cho mà xem. Buốt quá!
Huấn rít nhè nhẹ như rắn:
- Bình tĩnh, người tình cũ của tôi đấy. Nể nhau lắm tôi mới dắt đến đây cho ông…
Loan quay ra làm cho Huấn ngừng bặt. Tiếng hát vẫn ẽo ợt tuôn ra bao trùm lấy căn phòng mờ ảo sặc mùi cà phê và tàn thuốc ẩm. Loan hỏi Huấn cần gì, Huấn cười dẻo như kẹo kéo, vuốt ve tay cô ta:
- Đây là bạn anh, bác sĩ.
Loan liếc mắt sang Phán trong khi anh ta dán mũi vào ngực cô, yết hầu đưa lên đưa xuống. Đột nhiên Loan nhìn thẳng vào mắt Huấn, nhưng lại nói với Phán:
- Em sẽ ngủ với anh, không mất tiền!
Huấn biết Loan muốn trả thù mình, anh ta cười độ lượng, đứng lên cúi đầu chào rất lịch sự:
- Anh có việc!
Phán chỉ chờ có vậy, vươn bàn tay gầy guộc chằng chịt gân nắm lấy vai Loan ra hiệu vào buồng trong. Một lúc, Phán xô cửa lao ra, chửi đổng một câu rõ to:
- Tiên sư khỉ, chửa mà cũng đi làm đĩ.
Dù sao cái số Loan cũng may. Khi biết cô có chửa, Phán không nỡ lòng làm bậy, anh ta đùng đùng bỏ về. Phán va phải Tiến quắt ngay đường rẽ vào Đầm đục. Hai người nhìn nhau gườm gườm. “Chết rồi!”. Tiến vụt nghĩ đến Loan và căn bệnh của Phán, anh ta vụt lao vào, gạt bà Cẩm sang bên, túm lấy Loan hỏi dồn dập xem Phán vào đây làm gì. Loan chúm môi nhả khói, nói bâng quơ:
- Vừa mới quen nhau xong, anh ấy sợ, bỏ em!
- Nó mắc bệnh lậu đấy!
Tiến phun phè phè quay về. Bà Cẩm chằm chằm nhìn Loan trong khi cô choàng thêm áo rét chuẩn bị đi. Gió hun hút thổi qua nhà, tiếng hát trong loa bị méo, trùng xuống. Tự dưng Loan thấy yêu Phán kinh khủng, cô muốn gặp lại anh chàng kỳ quặc đó.
***
Sự biến mất một cách kỳ quái của hai người thợ mộc rong chấm dứt vĩnh viễn cảnh xâm nhập của người nơi khác vào làng ông. Câu chuyện về sau này còn mang những dư âm kinh hoàng cho đến cuối đời tất cả họ hàng nhà ông. Chính nó đã quyết định một bước ngoặt mang tính định mệnh đối với dì Lãm. Cả em gái ông cũng vậy, nó thất thần hàng năm trời, ý định đi chu du khắp thiên hạ bằng những con ốc sên không còn thu hút hai anh em ông nữa. Bố ông càng ngày càng ít nói chuyện với mọi người. Mẹ ông lại khác, bà liên tục thở dài và năng sang hàng xóm chơi hơn. Dạo ấy làng bước vào mùa đông. Mùa đông ở làng không đâu có. Gió lạnh réo u ú. Người tê tái. Bầu trời xám xít võng xuống sát các ngọn cây. NGười ta bảo giữa làng ông và vùng Linh Nham có mạch thông cả lên trời lẫn dưới đất. Trên thông gió, dưới thông nước. Động ở Linh Nham cũng sẽ động ở làng ông. Đêm mùa lạnh sương lên hầm hập khắp làng. Có thể nói, kèm theo sự kiện mất âm và cái lạnh người làng đâm ra nghi ngờ nhau, kẻ này trở thành bí hiểm đe dọa đối với kẻ kia. Đến mức anh em, họ hàng, chồng vợ, cũng trở thành cái gì đó mang tính kinh hoàng, ghê rợn. Không ai hiểu ai. Không ai tin ai. Không ai đủ khả năng để phát ra một âm thanh nào cả. Mà nếu ai nói được, kẻ đó sẽ trở nên dị biệt đến mức phải bị hắt hủi. Những luồng khí ở gốc cây si mỗi ngày bốc lên một nhiều, chúng quyện với khói hương thơm lựng từ miếu của dì Lãm tạo thành một lớp khí đặc quánh. Buổi sớm, ngồi bên đống lửa đốt sưởi bằng gộc cây, bố ông bảo:
- Đêm qua tôi mơ thấy một ông già cưỡi rồng bay qua làng!
Câu nói đó khiến em gái ông tò mò, mồm há hốc. Còn mẹ ông chỉ khẽ hỉ mũi, tay quơ trên đầu ngọn lửa. Lúc đó ông thấy buồn cười. Con rồng xanh, con rồng xanh. Có ai nhìn thấy rồng bao giờ đâu mà mơ. Có thể bố bịa ra cho có chuyện. Bởi vì bố ông đôi khi vẫn nghĩ ra những trò bịa đặt như vậy.
- Ngày xưa có người mơ thấy lợn cắn chân mà làm vua. Bố ông hồ hởi nói một mình: - Mõm rồng cũng như mõm lợn.
- Ông định làm vua chắc? Mẹ hỏi lại, bà lắc đầu.
Bố lim dim, giọng tiếc nuối:
- Giá nó đớp mình một cái thì hay biết bao!
Trên chuyến xe trâu mà ba bố con ông ngồi ngày nào, bố cũng giở giọng nuối tiếc như vậy khi nói về những bí mật vô tận của đất. Gã đánh xe tỏ vẻ thông cảm, hơi ngoái cổ lại:
- Bầu trời nào mà chả rỗng tuếch.
Câu hùa thêm của gã khiến bố ông linh hoạt thêm chút ít.
- Đúng! Bố khẳng định, tay bám thấy thành xe:
- Cái đặc bao giờ cũng bí mật!
- Vắt diệt! Gã đánh xe huơ cây roi: - Nhưng mà có cái bí mật lớn nhất lại rỗng!
Và gã cười khùng khục. Hai anh em ông chẳng hiểu gì cả. Chẳng hiểu một chút gì như những câu trao đổi của hai gã thanh niên bây giờ.
- Chuyện ấy phức tạp!
Bố ngáp, lấy tay che miệng.
- Chưa ai đi hết cái rỗng ấy cho nên hạnh phúc cứ lửng lơ ở chỗ sót lại.
Bố ông lại ngủ, cỗ xe vẫn trệu trạo lăn, trệu trạo lăn…
Ông ho khan, nhìn lướt qua vai hai thanh niên. Chiếc xe vẫn bám theo đoàn tàu đang hùng hục lao nhanh. Giờ thì ông không nghe thấy tiếng máy của nó. Ông thấy hơi lạ rằng tại sao lại như vậy, chỉ có tiếng bánh xe trâu nghiến trên đất sỏi và tiếng của những con người đang ngồi quanh ông. Trong im lặng chiều bỗng hóa rộng mênh mông. Ông búng khẽ ngón tay vào chiếc thìa nhôm, âm thanh ngân lên, rè đục, lạc lõng. Thứ âm thanh gợi nhớ về những khuôn mặt ảm đạm trong chốc lát rồi biến mất. Nó độc lập chết sau khi cố gắng gợi kéo những liên tưởng. Độ ngân của nó ít, gần như không có. Ông không hiểu tại sao từ nãy những câu nói của mọi người gây cho ông cảm giác như trong mơ nhưng lại vô cùng khó chịu. Con tàu chuyển động không gây ra âm thanh bắt buộc ông sống vào một thế giới khác, thế giới xuất hiện duy nhất một lần ở làng ông. Thế giới của những chiếc bóng.
Người thanh niên cao to nghẹo đầu ngủ và ú ớ nói mê:
- Bắt, bắt lấy gió!
Kèm theo là một chuỗi những âm thanh kỳ lạ như của loài thú rừng hoang dã. Ông hơi hoang mang. “Bắt lấy gió!” là cái quái gì nhỉ? Câu này ông thấy quen quen. Hình như nó được ngân lên ở đâu đó rồi. Trí nhớ ông lướt nhanh về các kỷ niệm rồi lộn lại từ đầu, tìm kiếm, lục lọi. Ông vò nhàu mái tóc bạc trắng. Đầu ông bắt đầu thấy có sương mù, trong đó các hình ảnh diễn qua không rõ nét. Những mái nhà mốc thếch? Lũ trẻ chạy lờ đờ dưới chân núi? Bầy trâu lững thững? Ngôi miếu đen kịt óng ánh chút xanh của rêu? Chiếc lư hương thờ Quang, ngôi mộ cỏ đen? Căn phòng ngập ngụa khói thuốc của em gái ông? Lão Hạng? Lão Biền? Hay chị Cải? “Bắt, bắt lấy gió!”. Đột nhiên ông reo lên thành tiếng và vội vàng lấy tay bịt miệng. Ông nhìn chằm chằm vào gã thanh niên, cố tìm trên khuôn mặt mê mệt, nhầu nhĩ của gã một sự tái hiện. Mặt gã chợt nhoà đi, chảy xệ xuống buông thành chùm rễ si dày đặc, huyền bí. Cây si! Cây si đầu làng ông, nơi tụ tập của tất cả các loài rắn. Nơi ấy rậm rì và um tùm vì không ai bén mảng đến, trừ ông. Giờ đây khi nhớ lại ông thấy rụng rời kinh ngạc rằng tại sao mình có thể dám mò mẫm ra đấy. Mặc dù chính nhờ điều đó mà ông đã phát hiện ra một bí mật rùng rợn, đến mức nó đảo lộn mọi suy nghĩ của người làng và tác động mạnh đến tâm tính bố ông cho đến khi cụ đi. Cây si già lắm rồi, chẳng ai nhớ nó được trồng khi nào. Lá của nó xanh thẫm, tán xoè ra um tùm, rễ buông dày kịt. Xung quanh cây si, những bụi xấu hổ mọc um tùm. Ban đầu người ta để ý đến cây si là do một chuyện kỳ lạ. Vào một đêm trăng, vợ ông Bồi què đi ăn giỗ ở nhà họ hàng làng bên cạnh về, qua chỗ cây si bà ta nghe tiếng người, chính xác hơn là tiếng đàn ông kêu thầm thì ở đó. Bà giỏng tai nghe kỹ và thực sự tin là tiếng người.
- Bắt, bắt lấy nó!
Tiếng kêu nhỏ, nhưng trong cảnh tĩnh mịch nên nghe rất rõ. Cả làng đổ ra xe, nhưng đêm sau, không có ai nghe thấy gì nữa. Ở đấy chỉ thấy sương khói mờ mờ tỏa lên. Cách đấy hai hôm, cô Sảnh lại nghe thấy. Người làng không in, nhưng họ cũng không dám bén mảng đến nữa, cấm luôn cả trẻ con. Dần dà cây si trở thành nơi rùng rợn để doạ những đứa trẻ hay khóc. Ông lén rủ em gái ra dấy xem, nó không chịu đi. Thế là một mình ông vác dao tìm cách vào tận gốc si. Ông rủ cả thằng Chí ở nhà bên cạnh. Hai thằng bọn ông mê mải phát cỏ, lội vào tận gốc si. Phải nói rằng chỗ đó nhiều rắn, chúng nhung nhúc, quyện vào nhau đủ loại tạo thành một tấm thảm dày dịt rung rinh trông đến sợ. Hai thằng bọn ông phải xua mãi chúng mới chịu tản đi nơi khác, cũng may là toàn loại rắn hiền cả. Đang sục sạo tìm kiếm chợt thằng Chí nhẩy cẫng lên, mặt méo xệch. Ông giơ cao bó đuốc và rồi cũng rùng mình như bốc hơi khỏi mặt đất. Cái rùng mình ấy còn đeo đẳng hết đời ông, nó luôn xuất hiện trở lại vào những lúc ông bị xúc động mạnh. Nhiều đêm nằm lẩn thẩn nghĩ ngợi, ông rút ra kết luận rằng ở đợi này chỉ có cái rùng mình là bí hiểm nhất, thiêng liêng nhất. Ông và thằng bạn nhìn thấy một xác người chết lật khật như kẻ say rượu. Không kịp bảo nhau, cả hai thằng cầm đuốc chạy ùa về nhà. Mãi đến trưa hôm sau, xác người chết mới được mang ra khỏi gốc si. Điều lạ nhất, cái xác đó chính là bố thằng Chí, tức ông Trạch. Bà Trạch ngất xỉu vì kinh sợ và người ta vội vã mang cái xác kia đi chôn cuối bãi tha ma. Không ai lý giải được sự kiện kỳ quặc đó. Bởi vì ông Trạch chết cách đây bao nhiêu năm rồi mà chết mất xác ở chiến trường, chỉ có giấy truy điệu gửi về cùng giấy báo tử với chiếc túi rách rưới có hai chiếc quần mặc dở. Vậy ai mang xác ông Trạch về đây? Tại sao ngần ấy năm người ông vẫn như mới chết vậy? Còn những tiếng kêu kỳ lạ kia nữa, của ai? Cả làng cứ nháo cả lên, bán tín bán nghi. Còn bố ông, bố ông chẳng góp lời bàn tán gì, chỉ lẳng lặng nằm ở nhà mắt trợn ngược như trúng gió. Không ai, kể cả mẹ ông lại nghĩ rằng bố ông nói dối, nhưng lần này, tất cả đều nhìn bố với con mắt nghi ngờ sợ hãi. Chính bố ông là người chiến đấu cùng ông Trạch và chứng kiến cái chết của ông ta. “Bắt, bắt lấy nó!”. Đêm nào bố ông cũng gào lên trong mơ. Sau này lớn thêm chút nữa ông mới được bố kể cho nghe về câu nói ám ảnh kia. Lần ấy bố ông và ông Trạch đi ngang đường thì sa vào ổ phục kích. Vốn nhanh chân, lại nhỏ người, bố ông luồn ngay vào rừng được, còn ông Trạch ù ì nên bị chúng dồn ra ngoài trảng cỏ để bắt. Ông Trạch chạy thục mạng, đằng sau, bọn giặc vừa đuổi vừa hô: “Bắt, bắt lấy nó!”. Không hiểu chúng ngọng nghịu, mệt nhọc thế nào mà cứ hô thành “Bắt, bắt lấy gió!”. Sau khi bọn địch rút lui, bố ông đã quay lại chôn cái xác nát bươm của ông Trạch trong rừng Định Hóa. Vậy mà đùng một cái xác ông ta lại hiện về dưới gốc si, vẫn nguyên vẹn, lành lặn sau hàng chục năm trời. Sau cái xác của ông Trạch hiện về, dân làng còn tìm thấy nhiều xác người khác nữa. Họ là người làng, chết ở nơi đất khách quê người từ lâu. Rồi mọi thứ cũng trở nên thường tình đến mức thành lệ. Hễ gia đình nhà ai có người chết ở nơi xa, cứ ra chỗ gốc si thế nào cũng thấy xác. Cho nên khi ông đem giấy báo tử của Chí về thì gia đình nó và mọi người trong làng chẳng ai ngạc nhiên.
- Người làng mình luôn tìm về, cháu ạ!
Một bà già vuốt đầu ông nói phều phào. Ông nhìn nóc miếu của dì Lãm đang cuồn cuộn hương khói, lòng dội lên cảm giác cô đơn, mỏi mệt. Cả làng quanh năm ngày tháng lờ đờ trong mùi hương trầm của dì Lãm.
Cái mùi ấy sẽ mất đi cùng ngày dì chết. Tự dưng ông muốn có cánh bay ngay về làng, xem ngôi miếu giờ ra sao rồi. Ông khó chịu khi nhận ra rằng điều ấy chẳng bao giờ thành hiện thực. Hai bố con ông là người đưa giấu báo tử cho bố con ông Trạch, và họ đã yên nghỉ giữa làng. Còn ông, bao giờ ông mới trở về bên gốc si thiêng liêng, gần gũi kia? Và ai sẽ là người khâm niệm ông khi chẳng còn người thân thích nào cả. Chẳng lẽ cả số phận của dì Lãm cũng như vậy sao? Lòng ông cồn cào vì những câu hỏi đó.
Chiếc xe cà tàng vẫn đi với đúng bản chất sức lực của nó. Vẫn lọc cọc. Lọc cọc. Lọc cọc. Và…
***
Ngay từ bé Lãm đã là một cô bé ít nói, khéo tay nhưng mang tính đồng bóng khá rõ. Cô bé đó ít khi chơi với lũ bạn cùng lứa, đặc biệt lại thậm ghét các anh các chị ruột mình. Lớn lên một chút nữa, Lãm ham vào đền miếu xem các bà các cô sì sụp khấn vái. Mồ côi cha mẹ từ sớm nên Lãm càng có mặc cảm xa lánh mọi người mặc dù được các anh chị trong nhà yêu quý, chiều chuộng hết mức. Đến năm hai mươi tư tuổi, Lãm lấy chồng. Đấy là Kiền. Kiền là thợ mộc từ nơi khác đến sau ở luôn thành người làng. Anh ta có tật đi cà nhắc nhưng bù lại, miệng rất khéo. Hai vợ chồng Lãm làm nhà ở mé trái làng. Từ ngày cưới vợ, Kiền cứ như người mất hồn, chiều nào cũng ra ngồi cửa ngóng ra đường như chờ đợi ai rồi thở dài thườn thượt. Lãm vừa thương vừa ghét chồng, cô luôn tìm cách an ủi cho Kiền đỡ buồn, nhân đó dò xét nguồn cơn nhưng Kiền không chịu nói. Một buổi chiều mùa hạ, trời rực cháy sau dãy núi, gió ít, Kiền đang ngóng ra đường thì thấy một bà già tóc bạc phơ, lưng còng chống gậy đi qua. Kiền reo lên rồi chạy theo bà già đó, miệng lẩm bẩm như đọc thần chú. Mắt anh ta sáng quắc, da mặt vụt trở nên hồng hào. Thấy lạ, Lãm cũng rón rén bám theo chồng. Đi được một quãng, tự dưng bà già biến thành người đàn bà trạc bốn mươi tuổi. Kiền càng bám sát người đàn bà hơn, hai tay giơ ra đằng trước như chực vồ lấy người đó. Hết chỗ ngoặt ra khỏi làng, người đàn bà vụt biến thành một cô gái trẻ. Cô ta có mái tóc dài chảy xuống lưng như dòng thác đen. Lưng cô gái thắt đáy ong. Lúc đó trời gần hết nắng, những đỉnh núi nhòa dần bởi sương bốc lên. Lãm vừa đi theo hai người, vừa kinh ngạc hoảng sợ. Kiền chạy gần theo cô gái, mồm vẫn không ngớt lảm nhảm. Rồi cô gái thoắt biến mất, thay vào đó là một đứa con gái chạc mười ba, mười bốn tuổi. Đứa con gái mặc áo rách, đi chân đất, cắp rổ rau vừng bên sườn. Đứa con gái ngúng nguẩy đôi bím tóc buộc bằng hai cọng mây. Khi tới gần cửa rừng, đứa con gái biến thành một đứa trẻ, lon ton chạy vào giữa rừng, nơi ấy có một căn nhà tranh tồi tàn lụp xụp. Kiền theo đứa bé vào nhà thì không thấy nó đâu nữa. Giữa nhà, Kiền thấy một chiếc nôi tre cũ kỹ được treo bằng sợi dây thừng buông từ nóc nhà xuống. Kiền bước lại, lấy tay gạt lớp mạng nhện chăng kín miệng nôi ra, cúi nhìn vào đó. Nhìn một lúc, anh ta ngửa mặt lên trời, nhe răng cười ngây ngô rồi liên tục rùng mình như bị lạnh. Khi Lãm vào đến nơi, cô chẳng thấy có ai trong nhà. Lãm ghé mắt nhìn và rên lên xe sẽ khi thấy trong nôi có hai đứa bé, một trai, một gái ôm nhau ngủ ngon lành, thi thoảng miệng chúng lại chóp chép như thèm sữa. Trời tối kịt. Lãm mang chiếc nôi đó về. Cô đánh thức nhưng hai đứa trẻ không bao giờ tỉnh dậy. Rồi Lãm cho xây một cái miếu nhỏ, đặt chiếc nôi trong đó để thờ, cô đốt hương khói suốt ngày và Lãm cứ ở vậy cho đến giờ…
***
Cả làng ai cũng bảo dì Lãm điên, ai cũng tò mò muốn xem trong miếu của dì có cái gì để mà thờ. Vĩnh viễn họ chẳng bao giờ biết, chỉ trừ có ông. Ông là người duy nhất dì Lãm hay gọi sang nói chuyện, cho hoa quả trong vườn và một lần duy nhất dì kể cho ông nghe chuyện đó. Với mọi người, họ đồn rằng chồng dì chán dì nê bỏ đi biệt tăm. Dì Lãm cũng chẳng thanh minh. Nhưng từ khi dựng miếu, mặt dì Lãm hay đỏ phừng phừng, mắt sáng như sao cháy. Dì nói cái gì cũng đúng. Tất nhiên những điều ấy thường là độc địa, đau khổ cho mọi người. Không hiểu sao dì Lãm đặc biệt ghét đàn ông và con gái trẻ. Giữa bố ông và dì Lãm có mối quan hệ căng thẳng gần như thù hằn. Chưa bao giờ ông thấy bố mình sang chơi nhà dì cả. Còn mẹ ông lại sang luôn, lần nào từ chỗ dì về mắt mẹ ông cũng đỏ hoe.
***
- A, a, a, a, a, a.
Ông Trình nghiến chặt răng, mắt trợn tròn chụm năm đầu ngón tay thành hình ngọn mác phóng thẳng vào không khí. Gió rít lên vèo vèo. Ông múa lại toàn bộ các thế võ, dưới ánh trăng mùa đông lạnh lẽo, nhợt nhạt, người ông cứ loang loáng như ma trơi. Khí lạnh bị hơi nóng từ cơ thể ông Trình đánh dạt sang, làm thành một quầng mờ đục, hơi bốc ngoằn ngoèo. Toàn thân ông hầu như không còn trọng lượng, chân lướt đi lướt lại trên mặt cỏ nhẹ không. Xung quanh ông Trình, những bụi cây ngả nghiêng vì gió. Vừa đánh võ, ông Trình vừa đợi con thú đó xuất hiện lần cuối. Trong cuốn sổ của ông đã có đủ hai ngôi sao chổi, ba vết chân Ngê đá và hai núm vú. Như vậy, phải thêm một vết chân nữa, vết chân này sẽ quyết định nẩy sinh thêm một núm vú thứ ba. Lúc ấy ông phải lao vào hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng của cả một quá trình đằng đẵng theo đuổi. V ới linh cảm của người từng trải, ông Trình biết giây phút quyết định đó ông sẽ phải chạm trán người học trò khá nhất của mình. Có thể Hải sẽ phải là núm vú thứ ba, mặc dù thâm tâm ông không muốn. Biết làm sao được. Ông Trình dừng tay, ngồi khoanh bằng tròn trên cỏ, nghĩ ngợi. Xóm Trại ngủ mê mệt trong sương lạnh. Ở mép rừng, những ánh lân tinh lập loè sáng, thứ ánh sáng xanh lơ, kỳ quái chẳng khác gì mắt mèo hoang. Không gian u u mông lung. Trong đám sương trắng, hình như có những bóng người vô hình chuyển động chậm chạp.
Ông Trình đứng dậy khoác áo vào người, vừa đi về ông vừa điểm lại những khuôn mặt thân quen của mình. Tự dưng ông thấy nhớ con gái đến cồn cào. Có gì đấy báo cho ông biết nó gặp chuyện chẳng lành. Và ông liên tưởng ngay đến đứa con chưa biết mặt của mình. Sau lần này, ông quyết tâm tìm bằng được người em hoang đó. Đêm nay ông cứ lẩn thẩn nghĩ rằng đứa em mình là có thật. Không những thế ông còn cảm thấy như đã gặp người em đó khá nhiều lần. Tất nhiên điều này gây cho ông không ít khó chịu.
Mấy con chó ngủ mê tru lên ằng ặc rồi lịm vào biển sương đặc quánh. Bất giác ông Trình rùng mình. Ở cái xóm Trại heo hút này có biết bao nhiêu những chuyện đồn thổi rùng rợn. NGười ta bảo rằng ngày trước đây chính là bãi chiến địa cuối cùng trong trận đọ sức không cân xứng giữa quân triều đình và đám dân nổi loạn. Sau trận huyết chiến đẫm máu nhuộm đỏ cả dòng Linh Nham ấy đêm đêm các oan hồn còn hiện về kêu gào, khóc lóc đòi trả lại đầu. Thời gian đi qua bao lâu rồi, vậy mà những câu chuyện ấy vẫn còn sống, không những thế, chúng còn được thêu dệt ngày một nhiều. Với ông Trình, ông không tin vào ma quỷ, ông chỉ tin vào sự kỳ bí mà người xưa để lại, nhưng dù sao, bao giờ ông cũng cảm thấy rất rõ cái không khí bí hiểm rờn rợn ở vùng này. Điều ấy là có thực, đôi khi tự dưng ông thấy ớn lạnh trước những ảo ảnh rùng rợn vẫn thường hiện lên trong các đêm mùa trăng. Có lần đang tắm, ông mơ hồ thấy ai đó quanh quẩn cạnh mình, người ấy thi thoảng lại rờ vào người ông và thở dài. Lần khác, khi ông vừa chập chờn ngủ, tự dưng trên nóc nhà có nhiều bước chân lén lút, sau đó là tiếng rú ghê rợn khiến ông choàng tỉnh. Nhiều người trong xóm kể rằng đêm đêm họ thấy hàng đoàn người cụt đầu, cụt tay đi lén lút khắp các nhà. Những người đó mặc quần áo trắng toát, kẻ có đầu thì mắt xanh lè, kẻ còn tay thì tai dài thõng thượt. Chính lão Voòng kêu ầm lên khi đang đái, lão bị một bàn tay nhớt nhát xua khắp mặt. Còn mụ Quản bao giờ cũng khẳng định là hễ đêm xuống lại thấy hai con ma một đực một cái ôm nhau khóc ri rỉ bên chái nhà của mụ. Những chuyện đại loại như vậy nhiều vô kể. Duy nhất có chuyện của ông Lình là khiến ông Trình ngờ ngợ, hoang mang. Lình mới mười bảy tuổi, con bà Cảnh, góa bụa. Cô ta đẹp, lại không bao giờ biết nói dối là gì. Tự dưng Lình đổ ốm vật vã hai ngày liền. Cô ta kể lại rằng hai ngày đó cô nghe tiếng xe trâu cứ lạo xạo bên tai mình. Cô còn khẳng định đã thấy một người đàn ông giống ông Trình như đúc ngồi trên xe với hai thanh niên trông rất lạ, ngoài ra cô ta bảo không thể xác định tuổi của gã đánh xe. Hơn tháng sau, Lình lại bị ốm, lần này chìm hẳn vào mộng mị hàng tuần trời, người cô ta thoắt hồng, thoắt xanh trông đến lạ. Rồi cô ta lại kêu đau đầu vì tiếng xe trâu kia. Cô ta nói rằng còn được nhìn thấy những suy nghĩ mà một người nào đó rất giống ông Trình đang nghĩ. Khi mọi người hỏi, Lĩnh bảo:
- Có một người bay được, có thằng bé chết trôi, có cây si mà dưới gốc cây bao nhiêu người chết.