Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Những đứa trẻ chết già

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10133 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những đứa trẻ chết già
Nguyễn Bình Phương

Phần 2
Mắt em gái ông lờ đờ. Đôi mắt ấy còn lờ đờ cho đến ngày ông vào lính và ba năm rưỡi sau, ông lê bước về. Cái chết của bố ông như nhát dao quyết định bứt hẳn ông ra khỏi làng.
Ông đến chào em gái để ra đi mặc dù lúc ấy chẳng biết đi đâu. Em gái ông đang học năm cuối của trường sư phạm trên thị xã. Nó trọ nhờ nhà một cô bạn cùng lớp. Ông bước vào căn phòng ọp ẹp, cũ kỹ. Mọi thứ đều chật cứng, tối mờ. Mùi ẩm mốc lảng vảng khắp nơi. Nó ngồi trên chiếc ghế đẩu, hơi ngả về phía sau một chút. Trên bàn, mấy cuốn sách nhàu nát vứt bừa bộn. Một chiếc gạt tàn đầy ự. Nó rít thuốc, lờ đờ nhả khói. Ông cúi khom người bước vào và thấy mặt nó trôi trong làn khói trắng đục. Mắt nó trôi đi rất xa. Ông hắng giọng gọi nó về.
- Anh đến đây làm gì? Nó hỏi, không chờ ông trả lời, nói tiếp bằng cái giọng vỡ phế quản: - Em hết tiền rồi!
Ông không tự ái mặc dù được tiếp đón bằng thái độ như thế.
- Sao mày không về chịu tang bố?
- Một người là đủ. Nó trề môi, cáu kỉnh.
Ông thở nhẹ bất lực. Chính ông cũng chẳng biết mình có hiếu hay không nữa.
- Anh đến để chia tay mày.
Ông thản nhiên ngồi xuống mép giường. Bừa bộn kinh khủng.
- Đi đâu? Nó lại hỏi.
- Không biết.
Nó thở nhẹ, tiếp tục trôi theo làn khói. Ông gấp chân gạt những vỏ hộp vào gậm giường.
- Bố mẹ biết mày thế này, hẳn các cụ sẽ không được vui! Ông ái ngại nói, lúc đó vụt nhớ đến những ngày thơ ấu. Những ngày hai anh em lấy đất ướt nặn hình những con ốc sên có cái chóp xoáy vút. Bọn ông tưởng tượng ra đủ các ngả đường cho ốc sên. Lần nào em gái ông cũng kết thúc một câu lạnh lẽo: “Bọn mình sẽ đi chu du bằng những con ốc sên này. Cho cả bố mẹ đi nữa”. Không hiểu sao ông nhìn nó khẽ rùng mình và nghĩ đến Xoan, người yêu đầu tiên hồi cấp ba.
- Em sắp có con!
Ông chồm lên khi nghe câu nói của em gái. Mắt ông lướt nhanh qua bụng nó rồi dừng lại ở đôi tay chằng chịt gân.
- Với ai? Ông hỏi, gần như hụt hơi.
- Với làng mình! Không hiểu sao đêm nào em cũng về làng.
- Mày đi bộ?
- Vâng.
Ông không tin. Nó làm sao có thể đi bộ về làng được. Ông hỏi nó yêu ai, tên gì, nhưng nó chỉ buông một câu gọn lỏn: “Núi rừng!”.
Ông ngờ nó bị tâm thần. Ngày mẹ ông mất nó không khóc, cứ ngồi thu lu trong góc nhà ngó mọi người qua lại. Không ai để ý đến nó. Cũng từ hôm ấy không hiểu sao nó ghét ông Biền đến phát sợ. Nhìn thấy ông ta nó lảng xa như tránh một con vật ghê tởm.
- Có nghĩa là mày chửa hoang? Ông lẩm bẩm một mình.
Em gái cúi xuống lôi trong gậm ghế ra chiếc nồi nhôm đen kịt. Coi như không có ông, nó loẹt quẹt vét cơm nguội, trộn với ít muối vừng, ngồi ăn một cách thản nhiên. Bụng ông sôi ầm ầm.
- Tao đói! Ông gào lên.
- Bố bảo tất cả đều phải tự lực! Nó vét nốt chỗ cơm trong cái bát da lươn nứt vành rồi lẳng bát vào gậm ghế như cũ. Nó ra ngoài vục nước quệt mồm, ông nhìn ngang thấy bụng nó đã lùm lùm.
- Tao đi đây!
Ông chán nản đứng dậy. Nó nhìn ông rất nhanh, cặp môi thoắt tái nhợt…
… Đấy là lần cuối cùng ông gặp nó. Sau này, ông nghe tin nó về làng và chết ở dưới gốc cây si như những người khác. Nó chết, trong bụng nó vẫn cựa quậy đứa con. Người làng vội vã chôn hai mẹ con nó cạnh mộ bố mẹ ông. Từ phòng nó bước ra, ông chẳng biết mình sẽ đi đâu. Ông mặc cho bước chân định đoạt. Khi bừng tỉnh, ông đã thấy mình đang ở ghềnh đá. Trời đã tối, cơn mưa đột ngột ập xuống. Người ông ướt sũng nhưng thanh thản. Ông không thấy đói mặc dù cả ngày hôm đó không có gì cho vào bụng. Sau mưa, trăng dậy lên bừng bừng. Ông đi một mình giữa khuya. Tiếng thở dài từ mỏm đá, rìa sông làm ông khựng lại. Ông thấy một người đàn bà ngồi đó, cô ta bó hai tay vào nhau, tóc rũ sau lưng. Ông muốn lùi lại, nhưng không hiểu sao chân cứ dấn lên. Người đàn bà không nhìn thấy ông, cô ta mải mê với ánh trăng bốc khói giữa mặt sông. Trên má cô ta, ánh sáng méo mó, chạy lằng nhằng. Cái dáng bất động và đôi mắt đăm đăm nhìn khiến ông liên tưởng đến vẻ tuyệt vọng của con mèo trên đầu nóc nhà giữa buổi chiều bầm tím.
Ông lầm bầm và cô ta từ từ quay nhìn. Mũi cô ta hấp háy như đánh hơi. Toàn thân ông rợn ngợp. Ông ngồi xuống cạnh cô ta. Xung quanh đã chết, chỉ còn lại sự dịch chuyển của các linh hồn.
- Ịt ẹ ày.
Ông ngạc nhiên phát hiện sau lưng người đàn bà còn một thằng bé. Nó chui nửa người trong chiếc bao tải. Thằng bé chằm chằm nhìn ông, mắt nó bắt trăng, xanh như mắt mèo.
- Con hả?
Ông hỏi, cô ta gật đầu. Thằng bé nhai cái gì trong miệng lốp cốp. Ông quờ tay vẫy nhưng nó không lại, nó co người thành một đống bùng nhùng. Thằng bé dạo đó mới được bốn năm tuổi. Nó ngọng nghịu, đôi mắt lồi ra, mũi chảy thành hai dòng đặc quánh xuống môi. Nó gầy nhỏng, đen xạm. Đêm đó ông trở thành kẻ có gia đình. Ông làm chồng, làm bố. Sau này, khi cô ta chết, ông đến với người đàn bà thứ hai, bà này sắc sảo hơn, to béo hơn, nhưng không cho ông một đứa con, một kỷ niệm nào cả.
Chiều mùa hạ. Trời vàng rực ẩn sau lớp rừng bị cháy tơ tướp đang cố gắng hồi sức. Những cơn gió hiếm hoi lóp ngóp bò lên từ lòng đất làm vô số lá khô và tàn tro bay loạn xạ khắp làng. Xa xa, về phía Tây, con đường nhỏ, gầy còm dẫn vào khe Bò Đái thấp thoáng ẩn hiện giữa những búi lau trắng phơ, dày đặc. Ánh nắng thoi thóp lê lết rút về nơi cố hữu của mình ở sau dãy đồi. Dòng Linh Nham lầm lì chuyển động, tiếng nước lục bục lúc lúc bị át đi bởi tiếng xe ô tô lao qua. Chiếc cầu nâu gỉ rên lên kèn kẹt dưới sức nặng miết xuống của những chiếc xe chở quặng từ Trại Cau về Gang thép. Làng Phan co mình dưới ánh sáng lờ đờ uể oải. Những ngôi nhà thưa thớt, mái cũ kỹ bị tốc lên trông như tóc kẻ đi ngược gió.
Lão Liêm đờ đẫn vác chiếc ghế đẩu bóng vàng ra chái nhà ngồi. Cái trán ngắn choằn của lão bóng rợn, in rõ mấy rãnh ngang đen. Mắt lão nheo nheo, một bên lông mày trĩu xuống, hai cánh mũi to phập phồng đánh hơi. Sông Linh Nham phả mùi tanh khắp làng. Vài sợi lau liệng nhẹ đùa rỡn trong cơn hứng chí im lặng. Dưới chân cầu, cạnh chỗ đất nứt, có mấy đứa trẻ cởi truồng chí choé té nước lên nhau. Nghe tiếng cụ Trường lầu bầu một mình, lão Liêm cúi đầu khó chịu, cặp môi dầy, thâm trễ xuống mệt mỏi.
- Hải, Hải đâu, ra tao bảo!
Lão quay đầu gọi nhỏ, nhưng âm thanh khỏe trầm.
Lúc sau, Hải lóp ngóp phía sau nhà chui ra, đầu vướng đầy lá khô.
- Bố gọi con?
Hải hất hàm, đôi mắt một mí, dài vút nheo lại. Lão Liêm không trả lời, nhìn thằng con từ đầu tới chân đánh giá, cân nhắc. Ở tuổi mười tám, người Hải cao, hơi xương xương, hai cánh tay đen xạm vì nắng nổi lên từng múi cơ thon dài, chắc chắn. Quai hàm hắn bạnh sang hai bên, sống mũi khoằm, gồ ghề bướng bỉnh. “Nó hơn mình ở cái trán” Lão Liêm hài lòng nghĩ, bàn tay to bè nổi thành cục bất giác đặt lên đôi lông mày. Trán Hải quả có hơn bố, nó hình thanh lộn ngược, viền khung bằng mớ tóc nâu lúc nào cũng mơn mởn như được bôi mỡ.
- Trưa mai, mày lấy xe lên thành phố đèo con Loan về. Lão Liêm nói chậm rãi.
Hải giậm chân đánh huỵch, nền đất rung lên, giọng bực bội:
- Nó có xe cơ mà, việc gì phải vất vả.
- Mất rồi, tuần trước! Bỗng dưng lão nổi cáu:
- Thôi, tao đã bảo đi là đi mà lị. Chốc nữa bảo mẹ mày cho ăn cơm trưa sớm còn đi.
Hải lẳng con dao quắm xuống đất, ngúc ngoắc chiếc đầu gồ ghề:
- Nếu thế thì đi sớm. Chả cần phải cơm nước.
- Mày điên chắc?
Lão Liêm lồng lên, mắt hấp háy, cổ nổi gân đỏ chằng chịt.
- Chẳng điên điếc gì cả. Con muốn tranh thủ xem ở đấy thế nào mà con Loan cứ suốt ngày ca ngợi nó đổi khác.
- Xem xét cái con cặc tao đây này. Mất thời gian. Sớm mai mày phải tranh thủ khơi nốt cái rãnh ao đã.
Tay lão chỉ chiếc ao cỏ mọc um tùm hai bên mép, đáy khô khốc, trồi lên toàn đá sống trâu. Lão tiếc chiếc ao đứt ruột, quyết tâm đợt này hai bố con tu sửa lại cho đàng hoàng. Hải hậm hực bỏ vào nhà nói to với mẹ đang ngồi nhặt thóc trong thúng gạo:
- Trưa mai mẹ nấu cơm sớm để con đi rước bà Loan về. Thật chó má.
- Mày bảo gì?
Lão Liêm gầm lên nhẩy bổ vào giáng cho thằng con một cú giữa gáy. Hải nghiến răng chẳng nói chẳng rằng leo vật lên giường. Bà Liêm tái mét mặt rền rĩ can chồng:
- Thôi ông, nóng tính vừa vừa chứ. Con nó có nói gì đâu.
Lão Liêm điên tiết chỉ tay vào Hải, hai thái dương giật giật:
- Bà đừng có bênh. Thằng chó dái, tôi không thể chịu đựng được thói mất dạy. Tao thì tao nghiền mày ra như cám, hiểu chưa? Thằng đĩ đực.
- Chẳng biết ai là đĩ đực!
Hải day mặt vào tường đay lại. Bị chạm nọc, lão Liêm vớ chiếc ghế con ném Hải nhưng trượt, lão sấn sổ lao đến, khi nhìn thấy tấm lưng cuồn cuộn của thằng con, lão chùn lại, lạch bạch chạy ra ngoài. Lúc sau lão lại đâm bổ vào:
- Đồ ăn cứt, chết cha mày đi cho tao nhẹ mắt.
Nhưng Hải đã ngủ, tiếng ngày pho pho.
Lão Liêm uất nghẹn vác cuốc ra ao khơi rãnh, được mấy nhát, thấy người mệt rũ, mắt hoa lên. Bỏ ra chỗ cây táo ngồi, đầu óc lão ong ong như có hàng ngàn con ruồi bay trong đó. Dạo này lão đâm ra cáu bẳn. Linh tính một người cha, một kẻ từng ăn uống thở hít khá lâu trên đời mách bảo cho lão biết chuyện gì đó không ổn về thằng Hải. Nó hay đi chơi đêm với cánh trai làng, có hôm đến hai ba giờ sáng mới về. Thi thoảng, lão bắt gặp con trai múa võ, hú hét gầm gừ sau nhà, trong vườn. Tay nó cầm chặt con dao quắm, múa vù vù như chuẩn bị đâm chém ai đó. Rồi nó uống rượu, tất nhiên giấu lão, nhưng hơi rượu nồng nặc cứ phản lại nó. Chính lão cũng không hiểu thằng con mình muốn gì. Ở nhà chẳng đến nỗi thiếu thốn, đói khổ. Trái lại, gia đình lão vẫn được tiếng khá giả nhất làng. Vợ chồng lão nuông chiều, chăm lo cho con cái đến thế, vậy mà tự dưng thằng giời đánh lại đổi khác. Nhiều lần nó bóng gió tuyên bố không có vợ chồng lão nó cũng sống được. Tháng trước lão nghe người ta xì xào thằng Hải lăng nhăng với mấy đứa con gái trong mạn khe Bò Đái, ghen tuông thế nào lại vác dao chém nhau. May không đứa nào việc gì cả. Rồi mới hôm kia, bà Thùy toét bảo với lão rằng nó tằng tịu với con Lanh, vợ thằng Quý cụt đang bị ở tù. Lão điên lên, mắng át mọi người, nhưng khi về lão lại trút lên đầu con mọi thứ bực tức. Thằng chó dái cứ câng câng câng câng không chịu nhận. Tiên sư nó, nó làm cho gia đình này tan nát mất. Hy vọng về thằng con trai sụp đổ trong lão. Giờ đây lão chỉ hy vọng vào Loan, mặc dù chưa khi nào lão yêu quý nó thực sự. Với lão loại cò lả như con Loan bao giờ cũng chứa đựng những tai họa không thể lường được. Ngồi nghĩ lẩn thẩn, tự dưng lão lại nghi ngờ con gái mình. Nó vừa thi trúng đại học sư phạm, vào nhập trường được hơn một tháng, thế mà ngay từ hôm về nhà lần đầu đã bắt lão cho tiền mua sắm này nọ. Nó thích ăn mặc diện, thích có tiền đi xem phim, rồi tiền học, tiền tham quan, đủ thứ cả. Nhìn mắt con gái, lão không yên tâm ngay từ lúc nó còn bé. Mắt lúc nào cũng ươn ướt, lại thừa hưởng ở lão cặp môi dày, hơi cong, eo nó thon, đi uyển chuyển như lưng báo gấm.
- Gay đấy!
Chính cụ Trường, bố đẻ lão, ngắm đứa cháu cũng phải thốt lên như vậy.
Ngủ đẫy giấc Hải vùng dậy ăn cơm. Cả bữa, lão Liêm hậm hực nhìn con. Hải ăn uống vẻ hỗn hào, cứ tam táp như lợn lai. Bên cạnh, cụ Trường không có ý định kém cháu, cụ đánh liền bốn bát đầy tú hụ, lại còn thêm ba chén rượu dành riêng cho mình. Đứng dậy xoa xoa bụng, cụ gườm mắt nhìn thằng cháu:
- Tao thấy mày ăn hơi khỏe đấy cháu ạ!
Hải quăng đũa, không nhìn ai, vớ chiếc tích ngậm vào vòi tu ừng ực, trước khi bước ra hắn cộc cằn buông một câu:
- Ôi giời, bao giờ người già mới đến tuổi chết nhỉ?
Bà Liêm tái mét níu tay chồng. Cụ Trường đực mặt, rơm rớm đi về chỗ của mình, Hải khoác áo, vớ con dao quắm lao ra cổng. Lão Liêm định nhào theo nhưng không kịp. Đêm đen đặc, Bầu trời chi chít sao. Dòng Linh Nham ì ầm ì ầm trong tiếng xạc xào mơ hồ của những khu bụi lau. Khắp làng những đốm sáng hắt ra từ ô cửa sổ bập bùng như mắt đàn hổ.
Sớm hôm sau, lão Liêm vào buồng đánh thức Hải dậy khơi rãnh ao đã không thấy hắn đâu. Hải đi từ sớm. Lão vặc một câu tục tĩu rồi tấp tểnh vác xẻng ra làm một mình.
***
Hải vừa đạp vừa buồn ngủ díp mắt, hơi lạnh buổi sớm làm hắn khoan khoái đôi chút. Đến thị trấn chùa Hang, Hải tỉnh hẳn, hắn nghẹo cổ cho xương kêu răng rắc. Còn sớm, thị trấn vắng người. Các ngôi nhà đóng cửa im ỉm, đỉnh núi chùa Hang tím xám chọc lên trời như ngọn mác lạnh. Đường trải nhựa nhưng rất xấu, ổ gà chi chít khiến chiếc xe của Hải kêu lọc xọc như người mắc bệnh lao. Ánh nắng đầu tiên chạm xuống mặt đất khi hắn đạp đến Đồng Bẩm. Hai bên đường, những ruộng rau xanh lấp lánh bạc trải dài ra tận mép sông Cầu. Thưa thớt mấy người đàn bà ra chăm rau, tiếng thùng va nhau lịch kịch. Một con chó vừa ngáp vừa dạng chân đái ngay vệ đường. Đèn cầu Gia Bốy chưa tắt tỏa ánh sáng xanh nhạt xuống đường xen lẫn ánh nắng vàng óng thành màu tím nhạt nhẽo, loang lổ. Giữa sông hơi nước bốc lên cuồn cuộn rồi loãng dần. Hải rẽ xuống đường tròn, tranh thủ đạp lòng vòng xem cho thỏa chí. Khá lâu hắn chưa xuống đây, quả là thành phố có thay đổi. Nhà hai tầng mọc chen chúc nhau bóp đường phố thành hình hộp thẳng đuỗn. Người ta dựng giữa đường tròn một chiếc đồng hồ có kim bốn mặt. Chợ thành phố mở sớm, khi Hải đến đã đông người. Quần áo, đài đóm bày la liệt, hoa cả mắt.
- Trông nó vẫn như một con đồng bóng!
Hải buột miệng và tự thưởng cho mình nụ cười méo xệch. Hắn la cà chơi ở chợ đến tận trưa, đi qua hàng nào cũng đưa tay rờ rệt cho khoái. Loan vừa tan tiết học thì anh đến, cô chẳng nói chẳng rằng ra hiệu cho Hải chờ mình ở bên ngoài rồi lẳng đi về ký túc xá. Hải đợi lâu, sốt ruột liều lĩnh mò vào chỗ em gái thấy Loan đang thản nhiên ngồi trên chiếc giường tầng vét cơm ăn. Mấy cô bạn cùng phòng ré lên, kéo ri đô che giường của mình.
- Tiên sư… Hải cáu, nhổ mạnh nước bọt: - Mày bắt tao đợi đến bao giờ, hả con ranh?
Loan lừ mắt, mặt câng lên vừa đẹp vừa đanh đá.
- Anh lịch sự một chút, không phải ở nhà mình đâu!
Hải thở dài ghé mông ngồi bừa vào mép giường ngay cạnh. Có tiếng thét lên đau đớn. Một cô gái mặt non choẹt vừa ôm tay giận dữ nhìn hắn. Hải gượng cười nhưng không xong, mặt hắn méo đi đến thảm hại.
Hai anh em đèo nhau ra cổng trường. Hải lầm bầm bảo em gái:
- Lũ bạn mày trông được đấy nhỉ.
- Thì sao?
Loan rít lên. Hải cười khì khì, quẹo tay lái rồi đạp dấn.
- Tao đói quá, ờ mà có lẽ mày cũng nên mời một hai đứa về nhà mình chơi. Buổi tối càng tốt.
- Có cái cứt ấy. Trông anh xấu bỏ cha đi, chúng nó thèm vào. Toàn loại con nhà có cỡ cả đấy, đừng tưởng bở.
- Cỡ thì cỡ chứ, kệ mẹ chúng nó!
Hải không nói một câu nào thêm cho đến khi về nhà.
Vợ chồng lão Liêm xúm vào hỏi han con gái, họ cuống cuồng như gặp người từ cõi chết trở về. Cụ Trường mò sang, kéo Loan đến chỗ mình, giọng hổn hển:
- Sang đây với ông, gớm mày định trốn tút hút ở trên đó hả. Tao còn lạ gì lũ chúng mày nữa. Này, có nhớ những chuyện ông kể không hả cháu… ờ ờ tốt.
Loan cau mày nhìn ông, ngoáy mông đi ra giếng rửa mặt. Bây giờ cô không còn trẻ con nữa. Cụ Trường cay cú nhìn theo cháu, buông một câu rõ to cho tất cả nghe thấy:
- Gay đấy!
Lão Liêm điên người nhìn bố. Lão biết ông cụ đang kích mình.
Bữa cơm chiều có thịt gà và cá chép rán. Cụ Trường vục mặt vào ăn nhưng vẫn tranh thủ kể chuyện cho cô cháu quý hóa nghe. Hải lầm lì ăn thật nhanh rồi bỏ ra. Bà Liêm liên tục tiếp thức ăn cho con, bà hỏi chuyện nó không thiếu một thứ gì. Nào là thức ăn có rẻ không, nấu bằng cái gì. Rồi đêm mấy giờ đi ngủ, mấy giờ dậy, hố xí có cạnh chỗ ở không, có trộm cướp nhiều không… Loan miệng ăn, miệng trả lời mẹ, thi thoảng lại cố giả vờ đang nghe ông kể chuyện. Lão Liêm ngồi im, mắt rình rập xét nét con gái. Kết thúc bữa ăn, Loan kết luận một câu lạc lõng chẳng đâu vào đâu:
- Bọn con trai làng mình xấu như lợn.
Cụ Trường quệt ống tay áo ngang mồm cũng kết luận những câu chuyện tự mình kể tự mình nghe từ nãy bằng cái giọng đau khổ vờ vĩnh:
- Thế là chỉ còn có ông trụ lại lâu nhất ở làng này, cháu ạ!
Rồi cụ mò ra bờ ao cạn, vạch quần tè một cách tự nhiên, miệng chóp chép thỏa mãn.
Trời tối hẳn, Loan giở trong túi xách ra một cuốn sổ bìa đỏ, mạ chữ vàng. Cô hắng giọng, đăm chiêu lật từng tờ một. Bà Liêm nhìn con cảm động:
- Mày học nó vừa thôi con ạ, không khéo lại tâm thần thì chết.
Bà động viên con bằng giọng trìu mến xen lẫn trách móc. Loan vờ không nghe tiếng, chìm đắm vào những con chữ. Trước khi đi ngủ, cụ Trường cố ra nhìn đứa cháu gái, rồi gật gù, mắt rơm rớm:
- ừ, con này có chí!
Thực ra cuốn sổ của Loan chỉ ghi toàn các món ăn và địa chỉ rạp hát.
Trong khi đó Hải đi thẳng vào thung lũng Cắc với mấy thằng bạn để tập võ. Thung lung nằm giữa dãy đồi, vây bên ngoài là rừng rậm. Một cái lều nhỏ nằm dưới phiến đá to, được che cẩn thận bằng lớp cỏ vàng úa. Đấy là chỗ cho ông Trình, thày dạy võ bọn Hải, ngồi nghỉ. Ông Trình, thày dạy võ bọn Hải, ngồi nghỉ. Ông Trình người trong xóm Trại thuộc khe Bò Đái. Người ông thấp một mẩu, tóc cứng, chân chữ bát, đi khuỳnh khuỳnh như con gấu. Ông vui tính và giỏi võ. Chẳng biết thế nào thằng Chanh còm quen được và tán tỉnh ông dạy võ cho cả bọn. Ông đồng ý với điều kiện không để cho ai biết, mỗi tối phải cho ông một chai rượu và hai quả trứng gà. Tất nhiên điều kiện đó quá dễ dàng với hơn chục tay tráng máu mê võ nghệ. Dưới trăng, ông Trình múa võ trông như thần thoại, chân tay cứ loang loáng, chẳng biết đâu mà lần. Ấy vậy nhưng khi dạy, ông chỉ bảo cặn kẽ từng động tác một. Đặc biệt ông Trình quý Hải, ông hay ngồi nói chuyện với hắn những lúc giải lao, đôi khi còn bày thêm một hai thế võ hiểm. Hải mê ông Trình như điếu đổ, ông bảo gì cũng nghe, sai gì cũng làm.
Chỉ dẫn mấy động tác xong, ông Trình ra một góc ngồi với chai rượu và hai quả trứng bày trước mặt. Ông ngửa mặt lên trời, mắt thả lơ đãng. Đêm nay trời đen kịt, gió ít. Không gian ì ầm mơ hồ. Ông bặm môi làm một chén rất gọn rồi lại ngửa đầu nghĩ ngợi. Năm nay ông đã bốn ba tuổi, bao nhiêu thời gian đi qua nhưng chúng không đủ sức vùi lấp ý chí của ông. Cuộc đời ông mải mê, âm thầm với những trách nhiệm to lớn của dòng họ giao cho. Ông phải từ giã vợ con ở phố để vào chung sống dân xóm trại trong danh nghĩa một gã thợ mộc rong. Ông phải trụ lại bằng cách dựng căn nhà nhỏ giữa xóm, sống theo cách sống của đám người ngu muội nhưng dữ tợn. Hàng ngày ông lấy cớ vào rừng chọn gỗ để tìm cách dò la ra những điều còn khá mơ hồ nhưng lại có ý nghĩa quyết định. Cho đến khi ông lao về căn nhà của mình, reo lên sung sướng vì đã lần ra được sợi dây dẫn đến bí mật cần tìm. Ông lân la đến làng Phan nhưng không vào. Rốt cuộc bây giờ ông đã nắm trong tay hơn một chục con người, lũ chúng đủ khả năng cung cấp cho ông những tin sốt dẻo cần thiết. Xa xa thoảng tiếng hổ gầm. Một ngôi sao trượt nhanh rạch đôi bầu trời bằng vệt trắng lóa rồi nhanh chóng tắt lịm. Chếch một chút nữa, mé tây, dòng Linh Nham ùng ục réo vì mấy hôm trên thượng nguồn mưa lớn. Đám thanh niên tự động nghỉ từ lúc nào, chúng quây quanh ông thành hình vòng cung. Đôi mắt ông Trình sáng quắc, giọng chắc như gỗ nghiến:
- Tôi hỏi các cậu một câu. Học võ để làm gì?
Đám trai ngớ ra, chúng không biết, chỉ thấy thích là học, có thế thôi. Im lặng một lúc, chợt Hải mạnh dạn lên tiếng:
- Để tự vệ.
- Với cái gì?
Ông Trình cắn răng hỏi lại. Hải vụt đứng dậy, con dao quắm sáng loáng nằm dọc cánh tay, hắn sử dụng con dao này như chính bàn tay mình:
- Với tất cả!
Tự dưng ông Trình thấy run người lên vì lạnh. Ông cố gắng nhìn thẳng vào mắt Hải, nhưng chỉ thấy một vùng tối mờ mờ bí hiểm. Giọng ông thoáng run nhẹ:
- Nhưng không được dùng võ để ăn cướp.
Hải gật đầu đồng tình, dịu giọng:
- Vâng, bọn cháu chỉ để giữ thôi.
Đám thanh niên về, ông Trình ngồi lại một lúc rồi cũng nhanh nhẹn vụt dậy đi theo ngả của mình. Hải cố ý tụt phía sau đến cổng nhà Lanh, hắn huýt sáo nhẹ. Con chó đang nằm ở cửa rít lên, đuôi đập cuống quýt. Lanh mở cửa. Nhanh như con báo, Hải nhảy vọt qua bờ rào. Hắn lao đến đẩy dúi Lanh về phía cái giường rồi hất chân đóng cửa lại.
- Từ từ đã.
Lanh rên lên trong vòng tay hắn. Ả ta hơn Hải đến bảy tám tuổi nên không dám gọi hắn bằng anh. Hải vật Lanh xuống giường, người hắn bức bối từ mấy hôm nay. Chiếc giường nứa rung lên bần bật trong căn nhà lờ mờ sáng. Bàn tay Hải giật tung các thứ vải trên cơ thể Lanh, hắn vùi cái đầu hôi rình vào bộ ngực đồ sộ, thây lẩy như cao su. Lanh mặc kệ hắn, ả ườn ra chờ đợi hưởng thụ. Hải khỏe thật, vừa khỏe vừa ác, hắn vần ả như vần một khúc gỗ hàng tiếng đồng hồ mới chịu nhả.
***
Ngày 17, dòng Linh Nham bị sạt lở một bờ hàng chục mét.
Gần sáng 18, người ta thấy trong làng xuất hiện vết chân thú lạ, y như vết chân từng in lên mặt sân đá nhà cụ Cung.
Tại làng Trại, khu Bò Đái, trong căn nhà cuối làng, ông Trình chăm chú giở một tờ giấy nhàu nát ra xem xét. Tờ giấy vẽ những hình kỳ dị, đặc biệt có hình một chiếc vú ba núm. Ông Trình lục trong góc nhà ra cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, ghi mã số chữ in. Im lặng một chút, ông Trình tiện tay vẽ hình ngôi sao có chuôi tua rua đằng sau rồi ngửa mặt than:
- Bao giờ nó lại đến?.
***
Những quả đồi vẫn tiếp tục sinh ra. Con tàu lừ lừ trôi bên cạnh. Móng trâu đạp lên sỏi lạo xạo. Gã đánh xe xê dịch mông cho đỡ mỏi. Khói thuốc từ mũi hai thanh niên phả về phía sau lãng đãng. Họ trao đổi với nhau những câu rời rạc, xung khắc. Họ bàn đến vẻ đẹp phụ nữ, đặc biệt ca ngợi cặp môi và cái háng. Người to thấp hào hứng kể về một ả đàn bà đi qua đời anh ta:
- Một mụ đàn bà háu đói với cặp đùi núng nính. Thật kinh khủng, mụ nuốt chửng tao. Anh ta xoè bàn tay kết luận: - Mụ là nơi trữ tinh trùng và là chiếc xe chở đàn ông lên thiên đàng.
Đôi tai người trẻ ngọ nguậy, anh ta khép đùi, mũi ửng lên hau háu nhìn vào mồm bạn và luôn miệng: “Thế à, thế à, lạ nhỉ!”. Ông thấy đầu nhưng nhức. Tìm hộp dầu con hổ, ông day lên hai thái dương. Mùi dầu nóng cay sặc khiến hai thanh niên ngạc nhiên, họ nhìn ông. Tự dưng ông thấy mình cô đơn và lạc lõng khủng khiếp. Cả đời ông chưa được bàn tay phụ nữ nào chăm sóc. Tất cả đều do tự thân ông chống chọi, đôi khi ông thèm được vợ vuốt ve, nũng nịu, nhưng tuyệt nhiên cả hai người đàn bà ấy đều lạnh lùng bỏ qua. Họ thả ông vào tâm trạng lẻ loi vĩnh viễn với chiếc thìa trong túi.

<< Phần 1 | Phần 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 901

Return to top