Trên mặt Tạ Tiểu Ngọc như bao phủ một lớp hàn sương dày đặc. Đây là
một chuyện chưa từng xảy ra từ sau khi Thần Kiếm sơn trang được nàng chỉnh
đốn lại. Nàng đưa tay mặt ra, hai tiếng "bốp bốp". Trên mặt Tạ tiên sinh đã
hằn lên rất rõ hai vết bàn tay.
Trong Thần Kiếm sơn trang, Tạ tiên sinh là người rất có uy quyền. Địa vị
ông ta tuy không cao hơn Tạ Tiểu Ngọc nhưng cũng không kém bao nhiêu. Bây
giờ Tạ Tiểu Ngọc lại đánh ông ta những hai cái tát, chẳng khác đã phá hủy tôn
nghiêm của ông ta sau này, khiến ông ta vĩnh viễn không cất đầu nổi nữa.
Một người đã hưởng thụ tôn vinh quen, đột nhiên mất hết tôn nghiêm quả
thực sống chẳng bằng chết. Cho nên Tạ tiên sinh đã lộ vẻ phản kháng Tạ Tiểu
Ngọc. Dù sinh mệnh ông ta thuộc Thần Kiếm sơn trang. Ly khai Thần Kiếm
sơn trang ông ta sẽ mất hết chỗ nương tựa, mà phản kháng Tạ Tiểu Ngọc cũng
chẳng khác gì ly khai Thần Kiếm sơn trang. Còn lưu lại thì chỉ là "hành thi tẩu
nhục" (thây đi thịt chạy), không có sinh mệnh.
Tạ Tiểu Ngọc bất kể sự phản kháng của ông, thần sắc lạnh hơn, giọng nói
lạnh hơn, lạnh như băng cầu trên mặt tuyết:
- Tạ Thăng đã giao chức tổng quản cho ngươi, để ngươi trông coi tất cả
những sự vụ lớn nhỏ, coi trọng ngươi như thế, kết quả ngươi đã làm được gì?
Ngữ khí của nàng rất nghiêm khắc, như muốn trấn áp Tạ tiên sinh. Nàng hơi
ngừng một chút mới nói tiếp:
- Ngươi chấp hành chức vụ gì? Chỉ biết dàn bày oai phong, lảm nhảm cãi cọ
với người ta, thật mất mặt quá!
Tạ tiên sinh lần này ngang nhiên, mang hết dũng khí trả lời:
- Chẳng phải thuộc hạ thích sinh sự mà là vì...
- Vì gì? Ngươi nói đi!
Tạ tiên sinh ngưng một chút mới nói:
- Vì tiểu thư dặn nếu quả Đinh Bằng tới, trước tiên thông báo gấp cho tiểu
thư biết, rồi tìm cách cản giữ người ta ngoài cửa, đợi đến khi tiểu thư ra nghênh
tiếp.
Đây lại là tiết lộ rất mới mẻ, chẳng lẽ Tạ Tiểu Ngọc lại còn có chuyện gì bí
mật, cần phải che dấu, không cho Đinh Bằng thấy được? Như vậy đủ giải thích
lý do Tạ tiên sinh đã phải dằng co, cố ý sinh sự, mượn cớ khiêu chiến...
Ông ta là người rất có tu dưỡng, hôm nay lại chỉ vì tranh cãi với Tiểu Hương
mấy câu rồi bỗng dưng nổi giận, tiến tới quyết đấu với A Cổ. Thì ra nguyên
nhân đều là vì ngăn cản Đinh Bằng tiến vào trang để Tạ Tiểu Ngọc có thời gian,
kịp chuẩn bị triệt hạ một số người hoặc vật, không thể để cho Đinh Bằng thấy
được.
Tin tức Đinh Bằng tới còn xa bờ sông trước nhà trong trang đã biết. Nhưng
mãi đến lúc vừa rồi mới thấy Tạ Tiểu Ngọc ra, đủ thấy động tác che dấu rất tốn
thời gian.
Sau khi vạch rõ dụng ý bí mật, Tạ tiên sinh nhìn về phía cỗ xe Đinh Bằng,
thần tình lộ khoái ý trả thù. Ông ta nguyên rất trung thành với Tạ Tiểu Ngọc,
rất hận Đinh Bằng, nhưng chỉ vì Tạ Tiểu Ngọc tát ông hai cái khiến ông chuyển
hướng về phía Đinh Bằng. Nhìn thần tình hiện lên nét mặt ông ta hình như
muốn mượn tay Đinh Bằng huỷ Tạ Tiểu Ngọc, rồi ông ta sẽ tiết lộ thêm nhiều bí
mật khác nữa. Có điều ông ta cũng là người cẩn thận, đa nghi, lúc đã tính toán
làm vậy, đầu tiên ông ta đề phòng Tạ Tiểu Ngọc sẽ sát nhân diệt khẩu nên ông
ta cũng luôn luôn để ý coi chừng đôi tay của Tạ Tiểu Ngọc.
Tay cầm thanh kiếm đánh rớt mũi phi đao, Tạ Tiểu Ngọc đã tra kiếm vào
bao và dùng bàn tay đó đánh Tạ tiên sinh hai tát. Hiện tại nàng lại rờ vào chuôi
kiếm. Tạ tiên sinh tự nhiên lại khẩn trương, chuẩn bị sẵn sàng đối phó.
Thân hình Tạ Tiểu Ngọc chuyển động, chuyển động rất lẹ. Chuyển một
vòng, rồi chuyển lại trước mặt Tạ tiên sinh. Tiếp theo hai tiếng "bốp bốp", trên
mặt Tạ tiên sinh lại hằn lên hai vết dấu bàn tay nữa. Sắc mặt Tạ tiên sinh đã
trắng nhợt, hiện tại biến thành đỏ ửng.
Chỉ thấy sau khi lĩnh thêm hai tát lần này ông ta đứng đờ người, không nhúc
nhích. Không phải ông ta kinh hãi đờ người vì thân pháp Tạ Tiểu Ngọc. Động
tác Tạ Tiểu Ngọc tuy lẹ nhưng ông ta có thể ung dung tránh khỏi, thậm chí còn
có thể phản kích. Lần thứ nhất bị tát tai vì ông không ngờ Tạ Tiểu Ngọc ra tay
đánh mình. Nhưng lần này ông ta ngoan ngoãn đứng chịu trận, khoanh tay bất
động, đưa cổ đợi Tạ Tiểu Ngọc chém giết tùy ý.
Lúc Tạ Tiểu Ngọc đến trước mặt ông ta, trên tay mặt vẫn cầm kiếm, chỉ
dùng tay trái tát ông ca hai cái rồi tay phải mới tra kiếm vào bao.
Vì nguyên nhân gì khiến Tạ tiên sinh từ thái độ kiêu ngạo biến thành nhu
thuận? Đó chẳng qua Tạ Tiểu Ngọc chỉ rút kiếm đảo quanh một vòng. Lúc
thân hình nàng chuyển động kiếm đã ra khỏi bao, trước tiên chẳng phải nhắm
vào Tạ tiên sinh, mà chồm tới cỗ xe, cỗ xe ngựa mà Đinh Bằng vừa tới. Đến
trước xe, nàng đưa trường kiếm gạt màn che cửa sổ, tiếp theo mở cửa xe lao
mình vào. Tạ tiên sinh tưởng nàng định liều mạng với Đinh Bằng, nhưng lại
thấy nàng lao mình ra rất lẹ, nàng xông ra qua cửa sổ khác bên cạnh. Lúc nàng
vào không đóng cửa xe, lúc ra cũng không đóng cửa, đứng ngoài có thể nhìn
thấy rất rõ trần thiết hoà hoa bên trong nhưng không có người. Đinh Bằng
không có trong xe, cũng không có người nào khác. Một cỗ xe không. Từ lúc xe
lên thuyền Tạ tiên sinh đã luôn để ý coi chừng cỗ xe không rời ánh mắt, chưa
thấy có ai bước ra. Điều đó chứng tỏ từ đầu đến cuối Đinh Bằng không có trên
xe. Gây náo hồi lâu hoá ra chỉ đón tiếp cỗ xe không. Lúc này Tạ tiên sinh mới
thấy mình phạm sai lầm rất lớn, đáng bị trừng phạt, cho nên ông ta cam tâm tình
nguyện lĩnh hai tát tai lần thứ hai.
o
Mục đích Tạ tiên sinh cố ý gây náo sự là để ngăn cản Đinh Bằng trên xe
không tiến vào trang viện. Hiện giờ Đinh Bằng không có trên xe Tạ tiên sinh
chỉ gây náo vô vị một trận mà thôi chứ chẳng phải không làm tròn chức vụ. Tạ
tiên sinh đã mau lẹ nhận lỗi, cam tâm chịu phạt, điểm này chẳng thể không bội
phục ông ta chuyển biến ý nghĩ mau lẹ.
Cỗ xe từ ngoài tới, Tạ Tiểu Ngọc từ trong trang viện ra Tạ tiên sinh luôn
chăm chú coi chừng mà không phát hiện ra xe không. Nhưng Tạ Tiểu Ngọc mới
ra đã biết, chẳng lẽ nàng có thần thông, chưa bói biết trước.
Tạ tiên sinh biết rõ Tạ Tiểu Ngọc, tuy bản lãnh nàng cao nhưng không có
bản lãnh này. Bằng không nàng đã chẳng hoang mang thất thốc ngay từ khi mới
ra. Nếu nàng quả tính toán biết được Đinh Bằng chỉ rời xe đi quanh một vòng
thì nàng đã trở vào trang lập tức chứ không dùng dằng bày trò, khó bề thu thập.
Tạ Tiểu Ngọc đã khám phá cỗ xe không người trước Tạ tiên sinh, chứng tỏ
Đinh Bằng đã âm thầm lén vào trang từ lâu. Nếu đường qua sông tiến vào Thần
Kiếm sơn trang là thông lộ duy nhất Đinh Bằng tuyệt đối không vào trang được.
Có điều thông lộ duy nhất này họ chỉ tuyên xứng đối ngoại mà thôi. Trên thực
tế có nhiều đường khác có thể tiến vào sơn trang, mà những thông lộ ấy vốn
thuộc loại cực kỳ cơ mật lại bị Đinh Bằng tìm ra được thì quả thật chuyện rất tai
hại. Tạ tiên sinh thân làm tổng quản chỉ còn biết tự nhận lỗi lầm đáng chết. Tạ
Tiểu Ngọc vốn định giết Tạ tiên sinh chỉ cần thấy ông ta có chút ý đồ phản
kháng, kiếm thức lăng lệ của nàng cùng mười bãy loại ám khí trên mình đều có
thể tung ra toàn bộ một lượt. Trên giang hồ rất ít người biết trong mình nàng có
thể đồng loạt phát xuất nhiều ám khí như vậy, kể cả Tạ tiên sinh cũng chỉ biết
nàng phóng ra được bảy tám loại mà thôi. Nếu biết bảy tám loại, mỗi loại đều
có thể lấy mạng địch thủ, không rõ thêm mười loại khác thì mức tệ hại chẳng
phải chỉ hơn gấp bốn năm lần thôi. Cũng may Tạ tiên sinh đã cam tâm chịu
chết, nếu như chỉ căn cứ vào sự hiểu biết của mình về nàng mà ý đồ phản kháng
e rằng lúc này ông ta đã tắt thở rồi. Ông ta chỉ nhờ đã cam tâm đưa cổ chịu chết
nên bảo toàn được tính mạng.
Tạ Tiểu Ngọc lạnh lùng hỏi:
- Ngươi biết mình đã sai lầm rồi chứ?
Tạ tiên sinh hoảng sợ:
- Thuộc hạ đáng chết.
Kể bổn phận trong Tạ gia, Tạ tiên sinh là em họ Tạ Hiểu Phong, cũng là chú
họ Tạ Tiểu Ngọc. Chẳng qua đây chỉ là chế độ gia tộc di lưu từ thời đại phong
kiến đến đời sau đã suy vi dần, đồng tộc thân thích tuy còn ít nhiều một chút
chiếu cố lẫn nhau nhưng rất vi bạc đáng thương.
o
Bối phận tôn nghiêm đã bị thế lực lấn áp, ngoại trừ thân nghị trực tiếp rất
gần, còn phải để tang nhau, vẫn tạm được coi trọng ngoài ra chỉ còn được liệt kê
trên tộc phổ mà thôi. Trong từ đường cha chú làm nô tài gác cửa cho bọn con
cháu rất thường không ít. Mà được nhận làm phận sự này cũng phải có chút
thân nghị mới được cho nên Tạ tiên sinh tự xưng là thuộc hạ với Tạ Tiểu Ngọc
cũng là chuyện ông ta cam tâm tình nguyện.
Tạ Tiểu Ngọc hừ một tiếng lạnh lùng:
- Cái đầu chó của ngươi còn giữ được trên cổ vì ngươi còn biết mình sai lầm,
biết tội đáng chết.
Lúc này Tạ tiên sinh biến thái rất đáng thương, cong lưng xuống như con tôm
luộc, run giọng nói:
- Dạ dạ! Thuộc hạ cũng không ngờ Đinh Bằng chơi cái trò Kim Thuyền
thoát xác. Trước kia hắn luôn ngồi trong xe không rời một bước.
Tạ Tiểu Ngọc than một tiếng:
- Há phải chỉ một mình ngươi không ngờ tới mà ngay cả ta cũng không ngờ
hắn lại đột nhiên thay đổi thói quen.
Tiểu Hương đứng bên cạnh lại cười cười nói:
- Đây vốn chẳng phải là thói quen của công tử tiểu nữ. Thực ra công tử rất
chán ngồi xe. Cỗ xe này nhìn ngoài tuy hào hoa nhưng ngồi trong chẳng khác
cảnh chịu tội, buồn bực muốn phát điên, cho nên công tử tiểu nữ trước giờ không
mời ai ngồi chung xe vì sợ người ta phát hiện trong xe không được thoải mái.
Tạ Tiểu Ngọc bất giác hỏi:
- Ngồi xe đã không thoải mái như thế tại sao ông ta suốt ngày ngồi trên xe?
Tiểu Hương đáp:
- Công tử tiểu nữ muốn mọi người nhìn thấy có vẻ thoải mái mà cho rằng
đây là thói quen của công tử. Đây chỉ là tiêu ký cho biết, xe đến đâu người đến
đó, rồi lúc cần thiết công tử phải rời khỏi xe đi làm một số chuyện bí mật, không
ai chú ý.
Tạ Tiểu Ngọc và Tạ tiên sinh, cả hai đều như bị đánh một cái tát giữa mặt.
Mặt Tạ tiên sinh càng đỏ hơn. Tạ Tiểu Ngọc tuy không bị đánh nhưng mặt cũng
hơi đỏ.
o
Đầy bụng phiền muộn bực bội, Tạ Tiểu Ngọc chỉ biết đổ lên đầu Tạ tiên
sinh, lạnh lùng trách mắng:
- Hắn lợi dụng xe không, bằng thủ đoạn "kim thuyền thoát xác" chẳng thể
trách ngươi, nhưng sau khi lên thuyền từ bờ sông, ngươi vẫn không nhận ra là cỗ
xe không, điều đó thực đáng chết.
Tạ Tiên sinh giọng rất đáng thương:
- Tiểu thư cũng biết, vị Đinh đại gia đó trước giờ cũng không cho người khác
đến gần xe của ông ta.
Đây cũng là sự thực, nhưng Tạ Tiểu Ngọc vẫn cười lạnh:
- Ngươi không thể viện lý do này để biện bạch, ngươi là tổng quản, ít ra
cũng phải dùng đủ trăm phương ngàn kế để dò thử xem mới được, tội sơ sót này
ngươi không thể thối thác được.
Tạ tiên sinh cúi đầu thấp hơn, khẽ đáp:
- Thuộc hạ nhận tội!
Tạ Tiểu Ngọc than một tiếng:
- Bây giờ nhận tội làm được gì? Đinh Bằng đã vào trong trang dạo khắp một
vòng và dẫn một người đi rồi.
Tạ tiên sinh giật mình kinh hãi hỏi:
- Hắn theo đường nào vào trang?
Tạ Tiểu Ngọc bực bội:
- Ngươi hỏi ta, ta hỏi ai?
Tạ tiên sinh ngoan ngoãn chịu đựng. Ông ta biết câu hỏi của mình bằng
thừa. Nếu biết Đinh Bằng vào theo đường nào trong trang đã có báo hiệu. Ông
ta chỉ biết nhỏ nhẹ thắc mắc:
- Không biết hắn đã đến những chỗ nào?
- Những chỗ không thể đến hắn đã đến cả rồi.
- Tại sao hắn tìm đến được?
- Có người dẫn đường thì còn chỗ nào mà hắn không tìm thấy?
- Ai? Không thể! Người trong trang cũng không biết chỗ đó.
Tạ Tiểu Ngọc cười lạnh một tiếng:
- Nhưng nếu có người nắm giữ toàn cục hợp tác với hắn thì tình hình lại
khác.
- Người nắm giữ toàn cục chỉ có hai: thuộc hạ và tiểu thư.
Tạ Tiểu Ngọc nói:
- Chẳng lẽ là ta?
Tạ tiên sinh vội nói:
- Tự nhiên không phải tiểu thư, còn người khác là thuộc hạ.
- Đã không phải ta đương nhiên là ngươi, vì không có người thứ ba.
Tạ tiên sinh kinh hoảng:
- Tiểu thư chớ nói đùa, sao thuộc hạ lại dám thông đồng người ngoài?
Tạ Tiểu Ngọc nói:
- Ta tuyệt không đổ oan cho ngươi.
Tạ tiên sinh chưa kịp biện bạch, Tạ Tiểu Ngọc đã nói tiếp:
- Ngươi trúng kế "điệu hổ ly sơn", "kim thuyền thoát xác" của hắn mà còn bị
vướng bận ngoài này bọn túi cơm giá áo trong đó vội vã chia nhau chạy dáo dác,
không biết Đinh Bằng đã vào tới đúng lúc đã dẫn đường cho hắn.
Tạ tiên sinh hớp một hơi khí lạnh, đây chẳng phải lỗi lẫm của ông ta nhưng
xẩy truyện sơ sót, quy trách nhiệm tổng quản vẫn của ông. Tạ Tiểu Ngọc có thể
đẩy lỗi cho ông nhưng ông không có chỗ đẩy lỗi vì cảnh giới sơn trang vốn là
trách nhiệm của ông. Bình thời ông ta rất tự phụ chưa xẩy ra vấn đề gì nhưng
không dè đây là lần thứ nhất xẩy ra chuyện mà chuyện xảy ra lại rất lớn.
Giọng ông ta thảng thốt hỏi:
- Không hiểu hắn dẫn theo người nào?
Qua sắc mặt Tạ Tiểu Ngọc ông ta biết tất nhiên người bị dẫn đi là người rất
trọng yếu. Nhưng ông ta thầm vái ngàn vạn lần chẳng phải là hai người đó,
bằng không thà để Tạ Tiểu Ngọc giết chết lúc vừa rồi còn hơn.
Nhưng Tạ Tiểu Ngọc lại trả lời đúng ngay cái cảm giác của ông ta:
- Là người ngươi dẫn về hôm trước, vậy ngươi hãy thử nghĩ xem hậu quả thế
nào?
Hai đầu gối Tạ tiên sinh bỗng như muốn sụm xuống, nếu không nhờ tay vịn
tường thì chắc đã lảo đảo ngã xuống rồi. Hiện tại ông chẳng còn chút cảm khích
gì về chuyện Tạ Tiểu Ngọc vừa tha mạng sống, vì còn tiếp tục sống cũng rất
ngỡ ngàng, bất an.
o
Tiểu Hương lên xe, giục A Cổ dong xe, quay đầu. Nhiệm vụ của hai người
đã xong, có thể ra đi.
Tạ Tiểu Ngọc bỗng cười hỏi:
- Tiểu muội muội định đi hả?
Tiểu Hương đáp:
- Tiểu nữ quấy nhiễu đã lâu xin cáo từ.
- Chẳng lẽ tiểu muội không muốn biết Đinh công tử đã đi đâu và tiểu muội
bằng cách nào gặp mặt được ông ta?
- Không cần! Công tử đã dặn tiểu nữ cách thức để tìm gặp rồi.
- Đó là lúc chỉ có một mình ông ta đi ra, bây giờ lại dẫn thêm một người
không đi đứng được nên phải thay đổi kế hoạch, ông ta có nhờ ta chuyển lời cho
tiểu muội hay...
Tiểu Hương vội nói:
- Xin cám ơn tiểu thư, công tử tiểu nữ đã nói gì?
Tạ Tiểu Ngọc cười:
- Đinh đại ca tuy đã dẫn một người từ bản trang theo đi, nhưng ta cũng một
lần thiếu ơn tha mạng của ông ta nên giữa chúng ta cũng rất vui vẻ và hòa nhã
chia tay.
Tiểu Hương:
- Tiểu nữ tin lời tiểu thư, vì nếu có gây chuyện bên trong công tử tiểu nữ đã
từ cửa trước đi ra mà chẳng ai có thể cản được.
Tạ Tiểu Ngọc chỉ cười cười, không vì câu đó mà mất hứng chỉ nói:
- Chúng ta không có thù hận sâu nặng gì hà tất phải gây chuyện hại người
đổ máu? Hơn nữa Đinh đại ca là ân nhân của ta, ta chẳng thể vô lễ với ông ta.
Nghe Tạ Tiểu Ngọc nói vòng vo ngoài lề, Tiểu Hương không nín được hỏi:
- Xin Tạ tiểu thư cho biết công tử tiểu nữ đã nói gì?
Tạ Tiểu Ngọc nói:
- Đinh đại ca với ta chia tay rất vui vẻ, khi đó tiểu muội lại gây náo trước
cửa bổn trang khiến chủ nhân là ta đây hơi mất mặt vì vậy nếu muốn câu trả lời
không mất hoà khí từ trong miệng ta, ít nhất cũng làm phải gì cho ta có thể diện
một chút.
Tiểu Hương hỏi:
- Tiểu thư muốn tiểu nữ phải làm gì mới dành được thể diện cho tiểu thư?
- Đó là vấn đề của tiểu muội sao lại hỏi ta? Tự tiểu muội nên biết làm thế
nào để tỏ ý xin lỗi...
Tiểu Hương nhìn ánh mắt của Tạ Tiểu Ngọc thấy nàng luôn để ý nhìn cổ
họng Tạ tiên sinh, vết trầy còn chảy máu do kết quả phi đao của A Cổ, may lưỡi
phi đao được Tạ Tiểu Ngọc kịp đánh rớt, bằng không Tạ tiên sinh đã là người
thứ nhất bị chết dưới tiểu lý phi đao sau một trăm năm Lý Thám Hoa chết đi.
Tạ Tiểu Ngọc tuy không nhìn mũi đao còn nằm dưới mặt đất nhưng sắc mặt
đầy nét mong muốn chẳng dấu được ai.
Biết thế Tiểu Hương cười cười nói:
- Tạ tiểu thư! A Cổ xuất thủ phi đao tuy làm thương tổn chút ngoài da của
quý đại tổng quản nhưng phi đao đã bị tiểu thư đánh rớt xuống, như vậy kể như
phía tiểu muội không chiếm tiện nghi gì, phía quý trang cũng không thiệt thòi gì
phải không?
- Ý tiểu muội muốn nói ta không nên bên cạnh xen tay vào?
- Tiểu nữ không dám có ý nghĩ như thế, tiểu nữ chỉ nói Tạ tiểu thư xuất thủ,
bọn tiểu nữ chỉ là hạ nhân sao dám cùng tiểu thư tranh chấp? Phi đao đã bị bên
tiểu thư đánh rớt bọn tiểu nữ không dám lấy lại vì tiểu nữ đã đáp ứng vị tổng
quản chỉ cần ông ta có thể tiếp được phi đao, phi đao sẽ tặng ông ta. Hiện giờ
đao đã bị tiểu thư đánh rớt thì xin tặng cho tiểu thư.
Tạ Tiểu Ngọc rất mừng trong bụng. Đây nguyên là mục đích của nàng.
Nàng cố ý nói chuyện vòng vo chỉ cốt cho Tiểu Hương để cây đao đó lại. Hiện
tại Tiểu Hương tự động đề ra ý muốn tặng cho nàng, nàng không mừng sao
được? Có điều trên bề mặt nàng vẫn cố ý làm bộ, trầm nét mặt nói:
- Chớ nói chơi! Ta đâu thèm cây đao cũ kỹ đó.
Tiểu Hương với nét mặt trang nghiêm nói:
- Chỉ có người thuộc Long gia tiểu nữ mới có thể nói câu này. Vì lão tổ mẫu
Lâm Thi Âm của Long gia đã cảnh cáo con cháu đời sau chúng tôi không được ỷ
cậy thanh thế của Tiểu Lý Phi Đao. Ngoài ra người trong thiên hạ ai dám coi
thường cây đao này? Ngay cả tôn ông Tạ đại hiệp của tiểu thư thấy cây đao này
cũng tỏ vẻ rất cung kính.
Dù Tạ Tiểu Ngọc có ngoan cố, ngang ngược đến đâu nhưng bị Tiểu Hương
huấn giáo một phen cũng phải ngoan ngoãn chịu nhịn. Vì Tiểu Hương họ Long,
Long Tiểu Hương có thể không coi trọng giá trị Tiểu Lý Phi Đao, nàng đủ tư
cách. Ngoài ra quả thực chẳng ai dám bất kính đối với cây đao này. Lý Tầm
Hoan tuy đã vật cố lâu năm nhưng hậu nhân ông ta, truyền nhân ông ta vẫn đang
thừa kế sự nghiệp hành hiệp của tiền nhân. Chỉ có điều họ đã hiểu rõ nổi khổ
thịnh danh của tiền nhân cho nên đều lập thệ không thành danh, chỉ dùng đủ loại
diện mạo xuất hiện nhân gian. Họ đều là hiệp sỹ điềm đạm, kỹ nghệ phi đao
của họ cũng đã đạt hóa cảnh, đã không cần đến phi đao thực sự, một mảnh gỗ,
một cành cây, thậm chí một mảnh giấy trẻ con chơi vào tay họ cũng có thể phát
huy hiệu lực chẳng khác gì phi đao thực sự.
Nhiều năm nay giang hồ không thiếu gì kẻ đại gian, đại ác, giả mạo nguỵ
thiện, ác tích đầy rẫy đều không chút tăm hơi, không chút hình tích bị tán mạng
dước các thủ pháp kỳ quái. Tuy chưa ai có thể chứng minh đó là hậu nhân của
Tiểu Lý Phi Đao ra tay, nhưng cũng không ai có thể chứng thực là không phải.
Tiểu Lý Thám Hoa đã được mọi người thần thánh hóa, cho nên sau khi Tạ
Tiểu Ngọc nói câu này nàng cũng cảm thấy hơi ngại. Vì nhiều năm nay, nhiều
lúc hậu thế nhân bình luận về nhân vật anh hùng tiền bối, chỉ cần có người tỏ vẻ
dèm pha ác ý với Lý Thám Hoa đều luôn bị trừng phạt. Cố nhiên chuyện trừng
phạt có thể là do những người tôn kính Lý Thám Hoa ra tay, nhưng cũng chưa ai
có thể chứng thực. Lý Thám Hoa đã vật cố hơn trăm năm, sự tích ông ta vẫn
được người đàm luận, hình ảnh ông ta vẫn phủ trùm khắp giang hồ.
Tạ Tiểu Ngọc tuy bị lãnh một phen huấn giáo của Tiểu Hương nhưng vẫn
còn làm bộ bề mặt, cười lạt nói:
- Ta không ham muốn cây đao của tiểu muội.
Tiểu Hương cười một tiếng:
- Cây đao đích thực rất danh quý. Ngoại trừ giá trị kỷ niệm của bản thân
cây đao, từ trên sự cấu tạo của nó ít nhiều còn có thể tìm ra nguyên nhân Tiểu
Lý Phi Đao vô địch thiên hạ. A Cổ đại thúc dùng cây đao đả thương một người
của quý trang, Tạ tiểu thư đã phá được chiêu thức của A Cổ, kể ra bọn tiểu nữ
đã thua một trận, tiểu thư giữ lại cây đao đó cũng không tổn hại gì đến thịnh
danh của Thần Kiếm sơn trang.
Lúc này Tạ Tiểu Ngọc mới cười nói:
- Tiểu muội nói câu này còn nghe được.
- Bây giờ tiểu thư có thể cho tiểu nữ biết Đinh công tử đã dặn gì?
Tạ Tiểu Ngọc cười một tiếng:
- Đinh đại ca nói hẹn gặp mặt tại chỗ nào vẫn tại chỗ đó. Thần Kiếm sơn
trang sao có thể giữ được chân ông ta.
o
Câu trả lời của Tạ Tiểu Ngọc như có vẻ bực tức và có trả lời cũng như
không, chẳng liên quan gì đến chuyện chuyển lời hay không. Rất có thể Đinh
Bằng chẳng nhờ chuyển lời gì mà tự ý Tạ Tiểu Ngọc nói ra, nói ra những lời
không có biến cải hay ảnh hưởng gì đến sự thực.
Tuy biết thế nhưng Tiểu Hương chẳng tỏ vẻ gì bất mãn, vẫn luôn miệng cám
ơn rồi mới lên dục A Cổ dong xe đi.
Tạ Tiểu Ngọc rất hớn hở lượm mũi phi đao lên, lật qua lật lại quan sát một
lúc lâu. Nét mặt nàng càng tươi hơn mừng rỡ. Đây là Tiểu Lý Phi Đao thực sự
nhất, là trên thân đao có khắc chữ Lý làm dấu hiệu chứng tỏ là đao của Lý
Thám Hoa sử dụng.
Tạ tiên sinh cũng bước tới, ngắm nghía cây đao một lúc mới hỏi:
- Lúc Đinh Bằng dẫn người đi tiểu thư có thấy hắn đem theo cây kiếm
không?
- Không! Hắn tuy tệ hại nhưng chưa đủ bản lãnh vào bảo khố dưới đất.
Tạ tiên sinh có vẻ nịnh:
- Vậy thì hay lắm! Bảo khố chúng ta kể như đã có đầy đủ, không thiếu một
danh khí nào ghi trong "Binh khí phổ" năm xưa.
Tạ Tiểu Ngọc lạnh lùng nói:
- Đó cũng chẳng ích gì! Binh khí truyền người, chúng ta chỉ ôm một đống
binh khí chết, không có một người sống.
Tạ tiên sinh cười:
- Người sống không giữ được binh khí mới lọt vào tay chúng ta chứng tỏ
người không bằng binh khí.
Tạ Tiểu Ngọc khẽ than:
- "Giang sơn đại hữu nhân tài xuất" những cái chúng ta có đó đều đã thành
đồ cổ, chúng ta cần phải sưu tập được binh khí trong tay những nhân vật phong
vân hiện tại mới thực sự chuyện đáng kể.
Tạ tiên sinh cười:
- Chúng ta đã có khá nhiều loại đó rồi.
Tạ Tiểu Ngọc cười lại một tiếng:
- Chưa đủ! Còn ba món binh khí nữa chưa kiếm được thì bảo vật đầy kho chỉ
là phế vật.
Tạ tiên sinh ngạc nhiên hỏi:
- Ba thứ binh khí gì?
Tạ Tiểu Ngọc nói:
- Bảo kiếm của Yến Thập Tam có gắn 13 hạt minh châu, Tạ gia thần kiếm
của Thần Kiếm sơn trang...
Tạ tiên sinh thắc mắc:
- Hai bảo kiếm đó chẳng phải đều trong tàng kiếm lư hay sao?
Tạ Tiểu Ngọc cười lạnh một tiếng:
- Trong Thần Kiếm sơn trang đã không có tàng kiếm lư, kiếm đâu còn đó
nữa?
- Không còn nữa? Trang chủ đã mang đi sao?
- Phải! Lúc ta vào trong khu cấm viên cũng đã lén đào hai ngôi mộ, trong là
mộ không chẳng có vật gì.
- Không có quan tài? Không có di hài?
- Ta đã nói trong mộ không có vật gì.
- Có phải dấu tại chỗ bí mật khác chăng?
Tạ Tiểu Ngọc lại cười lạnh một tiếng:
- Tàng kiếm lư là chỗ bí mật nhất trong Thần Kiếm sơn trang nhưng cũng là
chỗ chẳng có bí mật gì, chỉ có bốn bức tường đổ nát, trông rất tiêu điều, chẳng
có vật gì.
- Vậy tại sao chủ nhân muốn coi chỗ đó thành một chỗ bí mật?
- Trước kia ta không rõ, bây giờ ta đã rõ. Ông ta muốn yên tĩnh ở trong đó
để tu dưỡng tâm tính, tiến vào một cảnh giới cao hơn.
- Cảnh giới cao hơn? Kiếm thuật của chủ nhân còn có thể tiến lên cảnh giới
cao hơn?
- Tại sao không thể? Lúc trước ông ta bại dưới chiêu kiếm chí sát, chí uy
của Yến Thập Tam, sau này cả bốn kiếm nô bên cạnh ông ta cũng sử dụng được
chiêu kiếm của Yến Thập Tam, đủ chứng minh ông ta đã tạo nghệ và siêu quá
chiêu kiếm đó rồi.
o
Tiểu Hương ngồi trên xe. A Cổ dong xe đến một khu sơn lâm phía trái Thần
Kiếm sơn trang, chỗ Đinh Bằng đã chỉ định để gặp mặt. Lúc Đinh Bằng chuẩn
bị ngầm dò xét Thần Kiếm sơn trang, chàng đã biết không thể do thủy đạo phía
trước để vào được. Trong mỗi trang viện đại trạch của nhân vật võ lâm có danh
đều có một hoặc hai thông lộ bí mật không ai biết, kể cả danh môn đại phái
cũng không ngoại lệ. Đây chẳng phải họ có ý làm chuyện làm chuyện bí mật gì,
chỉ vì là đã đi lại trên giang hồ ai tránh khỏi có lần gây thù kết oán? Cũng
không ai rõ lúc nào kẻ thù sẽ mò tới cửa để trả thù nên cần phải có một thông lộ
bí mật để dùng chuyển nguy thành an, khi bị kẻ thù đột kích bất ngờ hoặc kéo
đông người đến vây hãm. Đương nhiên Thần Kiếm sơn trang cũng không ngoại
lệ mà thông lộ bí mật chẳng phải chỉ có một đường. Sau khi Tạ Tiểu Ngọc vào
làm trang chủ sơn trang nàng đã phát hiện hai đường, sau nàng còn đào thêm hai
đường khác nữa. Có điều nàng không ngờ vẫn còn một đường chưa phát hiện.
Khi Đinh Bằng cùng Tạ Hiểu Phong trò chuyện trong tàng kiếm lư, trong
cuộc mật đàm một già một trẻ đã nói chuyện rất đầu cơ hợp y,ù vì vậy Tạ Hiểu
Phong đã nói cho Đinh Bằng biết những bí mật ngay cả con gái mình cũng
không rõ. Đinh Bằng muốn bí mật vào Thần Kiếm sơn trang chẳng phải dễ còn
muốn tiến thêm một bước để phát hiện những bí mật khác càng không đơn giản,
vì Tạ Hiểu Phong đã cảm khái nói với Đinh Bằng: nhà này chẳng còn coi là nhà
lão phu nữa, có rất nhiều sự tình, rất nhiều chỗ lão phu không biết, nếu có dịp
lão đệ hãy tìm cách coi xem, lão phu có nỗi khổ không tiện nói rõ.
Đinh Bằng không hỏi Tạ Hiểu Phong có nỗi khổ gì. Người ta đã nói không
tiện, tự nhiên có điểm không tiện hé môi. Huống chi có thể tự mình tìm hiểu
được. Cho nên lần thứ ba đến Thần Kiếm sơn trang Đinh Bằng đã có tính toán
này. Tuy Đinh Bằng chưa có nhiều lịch duyệt giang hồ nhưng nhất thân võ công
thần bí khôn lường, chẳng những đã tạo thành kỳ tích trên thể năng mà trí tuệ
cũng bước vào cảnh giới khác vời. Thường người giỏi về tâm trí tất kém về thể
lực cho nên phần đông người đọc sách trên thể chất đều có chút nhu nhược, văn
nhã yếu ớt. Chỉ có người luyện võ thì khác, mức tiến võ công cùng phối hợp
mức tiến trí tuệ, võ học tiến vào cảnh giới mới thể năng cũng thành tựu siêu
việt, trí tuệ cũng nhất định cũng đặc biệt minh mẫn hơn nhiều. Sở dĩ Đinh Bằng
kêu Tiểu Hương cùng A Cổ gây sự trước cửa Thần Kiếm sơn trang thực tế để
yểm hộ chàng đạt mục đích tìm hiểu bí mật. Mục đích kể như đã đạt được một
nửa. Chàng đã thấy được nhiều điểm người khác không rõ, có điều còn một số
điểm chưa thấy được. Vì chàng đã vì một người mà bỏ lỡ cơ hội tiến sâu vào
hơn tìm hiểu.
Đây là một người trẻ tuổi anh tuấn, vẻ mặt đầy hào tình chính trực bị nhốt
trong một căn mật thất. Chàng cứu người trẻ tuổi này ra cũng chẳng rõ vì lẽ gì,
vì chàng vốn chẳng quen biết người này. Lúc chàng phát hiện người này thấy
hắn đang nằm hôn mê, chỉ bằng vào ấn tượng một cái nhìn chàng đã ưa thích
người trẻ tuổi lạ mặt nên quyết tâm cứu hắn ra. Vì thế Đinh Bằng đã bị bộc lộ
thân hình, không tiến thêm được một bước dò xét khác.
Lúc Tiểu Hương đến khu sơn lâm, Đinh Bằng đang chờ đợi còn người trẻ
tuổi vẫn nằm trên mặt đất. Tiểu Hương xuống xe nói:
- Bọn tiểu tỳ đã tới.
Đinh Bằng gật đầu hỏi:
- Không có gì phiền phức chứ?
Tiểu Hương đáp:
- Không sao! Bọn họ chỉ cho Tạ tổng quản ra tìm cách cản trở chúng ta vào
trang. A Cổ đại thúc đã giao thủ với hắn.
Đinh Bằng cười:
- Gã Tạ tiên sinh đó rất khó đối phó nhưng ta nghĩ A Cổ không đến nỗi thua
thiệt.
- Đương nhiên A Cổ thúc không thua thiệt còn cho hắn nếm mùi một mũi phi
đao. Nếu không có Tạ Tiểu Ngọc kịp thời ra tay cứu, mũi phi đao đó đã kết
thúc tính mạng hắn.
- Kiếm pháp Tạ tiên sinh tuy không cao lắm nhưng không kém chưởng môn
nhân của sáu đại môn phái, phi đao A Cổ đả thương được hắn sao?
Tiểu Hương cười:
- "Tiểu Lý Phi Đao lệ bất hư phát"
- Ngươi làm ta hồ đồ tại sao lại có Tiểu Lý Phi Đao nào ra đây?
- A Cổ đại thúc sử dụng phi đao nổi danh cái thế vô địch của Lý Thám Hoa
năm xưa, tuy thủ pháp không đúng lắm nhưng uy lực cũng chẳng phải Tạ tiên
sinh đó có thể kháng cự được.
- A Cổ làm gì có Tiểu Lý Phi Đao?
- Tiểu tỳ cho mượn đao của Tổ thượng tiểu tỳ truyền lại.
Nàng thấy Đinh Bằng có vẻ nghi ngờ vội giải thích thêm:
- Tiểu tỳ không phải họ Lý, họ Long và là hậu nhân của Long Thiếu Vân và
Lâm Thi Âm.
Đinh Bằng lộ vẻ rất kinh dị à một tiếng:
- Chẳng trách ta thấy ngươi khác với mọi người, quả nhiên ngươi có lai lịch
lớn.
Tiểu Hương gượng cười:
- Hậu nhân Long Thiếu Vân chẳng thể kể lai lịch lớn gì.
Đinh Bằng cười một tiếng nói:
- Điểm này ngươi bất tất phải tự coi rẻ mình, các ngươi có thể đối đầu với
Lý Thám Hoa suốt một đời cũng là thành tựu rất đáng kể.
- Chỉ tiếc người khác chẳng cho đó là thành tựu gì, khiến con cháu Long gia
tiểu tỳ mãi mãi không cất nổi đầu trên giang hồ.
- Đó là các ngươi tự mình bị ám ảnh của Lý Thám Hoa che phủ. Các ngươi
cần phải phấn chấn lên, làm một chuyện khiến người ta lác mắt, hết dám coi
thường.
Tiểu Hương cười một tiếng:
- Hôm nay tiểu tỳ đã làm một chuyện tặng Tiểu Lý Phi Đao cho Tạ Tiểu
Ngọc.
- Làm hay lắm! Trên mình con cháu Long gia mang theo phi đao của Tiểu
Lý thật chỉ nặng túi kém thể diện, tuy hai nhà các vị không còn cừu hận gì đáng
nói, nhưng ít ra vị chẳng cần phải nương cậy chút quang thái của Lý Tầm Hoan.
Tiểu Hương bỗng rưng lệ, quỳ xuống khấu đầu nói:
- Đa tạ công tử! Đây là một câu nói mà suốt kiếp này tiểu tỳ rất khó quên.
Đinh Bằng ngạc nhiên nói:
- Đây chỉ là câu nói bình thường thôi mà.
Tiểu Hương nói:
- Nhưng lúc người khác biết tiểu tỳ là con cháu Long gia họ đều nói là tổ
thượng tiểu tỳ đã phạm lỗi rất nặng với Lý Thám Hoa.
Đinh Bằng cười:
- Chuyện cũ kể ra để trách cứ ăn nhằm gì? Lý Thám Hoa công thành danh
toại, cuối cùng chẳng tổn thất gì, dù ông ta có bị đau khổ suốt đời vì lão tổ mẫu
Lâm Thi Âm của các ngươi, nhưng sau cùng cũng được bồi thường trên mình
Tôn Tiểu Hồng. Còn Long gia các ngươi tổn thất nặng nề, tính ra ông ta thiếu
nợ Long gia rất nhiều.
Tiểu Hương vô cùng cảm động nói:
- Cả trăm năm nay công tử là người thứ hai nói câu này. Tiểu tỳ nghĩ tiền
nhân tiểu tỳ dưới cửu tuyền cũng cảm ơn công tử.
- Còn một người nói câu này nữa là ai?
Tiểu Hương đáp:
- Chính là Lý Thám Hoa!
o
Thời gian trăm năm, ngày tháng đã lâu dài mọi người đều biết và đàm luận
về đoạn công án này không ngớt, tại sao chỉ có hai người đưa ra lời nhận xét
công bằng này? Lý Thám Hoa được coi là "Hiệp trung chí thánh". Đinh Bằng
toàn thân đầy ma ý, sao hai người có tư tưởng giống nhau trong khi cách hành sự
của hai người hoàn toàn khác nhau?
Tuy nhiên họ cũng có một số điểm tương đồng. Họ đều là người chí tình,
tuyệt đỉnh thông minh, đại trí, đại tuệ. Họ đều là người sử dụng đao. Thành tựu
trên đao pháp đều đạt cảnh giới tiền vô cổ nhân. Thánh và ma đều một loại
cảnh giới: cảnh giới tâm linh. Nhưng đến mức chí cao thánh chưa nhất định là
chí chính, ma cũng chẳng nhất định là chí tà. Cho nên nói "thù đồ nhi đồng quy"
(khác đường mà về cùng một đích) cũng là đạo lý này. Loại đạo lý này rất sâu
xa. Sâu xa đến độ khó lý giải. Đinh Bằng tuy chưa hiểu thấu đáo nhưng khi
được người đem mình so sánh với Lý Thám Hoa, chàng chẳng có cảm giác
quang vinh đặc thù gì cũng không cảm thấy kinh ngạc đặc biệt. Hình như đó là
chuyện tất nhiên.
Nhưng trong mắt Tiểu Hương lúc này Đinh Bằng là hóa thân của thần thánh,
thần thánh siêu việt Lý Thám Hoa. Vì nàng là con cháu Long gia, người Long
gia không còn hận Lý Thám Hoa, nhưng cũng không còn coi ông ta là thánh
nhân nữa. Tiểu Hương nhìn Đinh Bằng không chớp với vẻ sùng kính. Lúc này
nàng nguyện ý có thể vì Đinh Bằng chết một ngàn lần, một vạn lần không tiếc.
o
Người trẻ tuổi vẫn nằm trên mặt đất, hôn mê bất tỉnh. Lúc Đinh Bằng và
Tiểu Hương nói chuyện, A Cổ đã cúi xuống xem xét nhận ra người này bị một
loại thủ pháp bế huyệt, nhưng hắn đã dùng đến mười bảy thủ pháp giải huyệt
vẫn không cách nào cứu tỉnh.
Đinh Bằng lắc đầu cười:
- Thôi đừng mất công nữa A Cổ. Ta đã thử qua, tuy thủ pháp giải huyệt của
ta không nhiều bằng ngươi nhưng sáu loại ta sử dụng ngươi chưa thử qua mà ta
chắc cũng hoàn toàn không có phản ứng. Tiểu Hương! Ngươi là bách gia toàn
thư trong võ lâm, trước hết ngươi hãy coi xem gã này là ai?
Tiểu Hương nhìn kỹ một lúc mới nói:
- Người này chưa từng xuất hiện trên giang hồ nên tiểu tỳ không nhận biết,
có điều coi khí độ chàng ta chắc là một đệ tử danh gia.
Đinh Bằng cười:
- Điểm này đâu cần ngươi nói! Hắn ta bị Tạ Tiểu Ngọc nhốt trong căn mật
thất, ngoài cửa nhiều tầng canh gác. Nếu không phải thân phận hắn trọng yếu
chẳng được họ coi trọng như vậy, cho nên ta mới cứu hắn ra đây.
Tiểu Hương bước tới, quỳ bên cạnh thanh niên, nâng cánh tay hắn lên, làm
vài cử động nhìn qua bàn tay hắn rồi nói:
- Người này sử dụng kiếm, mà đã rất thạo nghề, trong đám cao thủ đương
thời khó có cao thủ loại này.
- Điểm này ta cũng đã nhận ra nhưng vẫn chưa biết hắn là ai. Lời ngươi nói
đều như không nói.
Tiểu Hương đáp:
- Chưa hẳn là như thế. Căn cứ theo hai điểm trước mắt, tỳ nữ tuy không biết
người này nhưng có thể đại khái đoán ra lai lịch của hắn.
Đinh Bằng hả một tiếng:
- Ngươi có thể đoan ra lai lịch hắn?
- Tám chín phần mười không sai. Mấy thế gia kiếm thuật đương thời quá
nửa đã bị Tạ gia kiếm pháp của Thần Kiếm sơn trang áp đảo, thần khí tiêu tan,
chẳng nhà nào còn chút hào tình phi dương, chỉ có đệ tử của Tùng Dương Quách
gia chưa từng giao thủ cùng Tạ gia nên vẫn có thể bảo toàn được hào khí kiếm
sĩ.
Đinh Bằng chê:
- Đây là lời cưỡng biện.
Tiểu Hương biện giải:
- Kiếm pháp của Tung Dương Quách gia khôi hoàng bằng bạc, khí độ phi
phàm, lúc xuất thủ chính khí lẫm liệt mới có thể tạo thành một loại kiếm sĩ
phong phạm, khảng khái hiên ngang. Thần thái biểu lộ trên mặt chàng trẻ tuổi
này không kiếm pháp của danh gia nào có thể bồi dưỡng thành tựu được như
thế. Công tử thấy nhận xét này của tiểu tỳ ra sao?
Đinh Bằng lại chê:
- Câu này quá cường biện.
Tiểu Hương lại biện giải:
- Điểm lý luận thứ tư của tiểu tỳ tuyệt đối hữu lý. Các loại binh khí nổi
tiếng trong "binh khí phổ" Tạ gia sưu tập vốn chỉ còn thiếu hai món, Tiểu Lý Phi
Đao sắp hạng thứ hai và Tung Dương thiết kiếm sắp hạng thứ tư. Hôm nay lúc
tiểu tỳ tặng Tiểu Lý Phi Đao cho Tạ Tiểu Ngọc, thấy trên nét mặt Tạ Tiểu Ngọc
và Tạ tiên sinh đều lộ vẻ mừng rỡ vô cùng. Điểm này chứng tỏ họ đã có được
Tung Dương thiết kiếm, mà Tung Dương thiết kiếm chỉ có thể có được từ trên
tay của Quách gia đệ tử, chàng thanh niên này bị hãm trong Thần Kiếm sơn
trang...
Đinh Bằng cười chặn lời:
- Mỗi lý do ngươi đưa ra đều hợp lý nhưng thiếu ý cứ thực sự. Tại sao ngươi
không cứu tỉnh hắn để hỏi cho rõ?
- Công tử và A Cổ đều không cứu tỉnh, tiểu tỳ có tài cán gì?
- Tiểu quỷ! Ngươi đừng giở trò trước mặt ta. Nếu ngươi không cứu tỉnh
được hắn trên đời này e rằng không còn ai có thể làm được.
- Tại sao công tử coi trọng tiểu tỳ đặc biệt như thế?
- Ta biết ngươi là con cháu của Long thiếu Vân nên ta tin ngươi có khả năng
đó.
- Tại sao?
- Vì ta biết, cuốn Lân Hỏa bảo giám của Thiên diện kỳ nhân Vương lân Hoa
năm xưa vốn thất lạc tại Long gia các ngươi. Tuy bản chính đã bị di thất lúc tổ
tiên ngươi mang đi đổi lấy tính mạng Lý Thám Hoa trong tay Thượng Quan Kim
Hồng, nhưng đại bộ phận trong Lân Hoa bảo giám đã được Lâm Thi Âm chép
lại và ngầm truyền lại cho con bà là Long Gia Vân. Long gia Vân thông minh
tuyệt đỉnh nhất định đã ghi nhớ hết và truyền cho đời sau.
Tiểu Hương nói:
- May những lời này do công tử nói, nếu người khác biết chuyện này tiểu tỳ
sợ rằng sẽ mất mạng.
Đinh Bằng cười một tiếng an ủi:
- Tiểu Hương! Ngươi yên tâm chỉ cần còn có ta, ngươi không cần lo ngại sự
an toàn của ngươi. Trước khi người khác muốn sát hại ngươi họ phải đạp qua
xác ta đã, mà đó cũng là chuyện chẳng thể xảy ra.
Tiểu Hương rất cảm động, không còn do dự. Nàng lấy trong mình ra một
hộp bạc nhỏ, trong hộp có mười mấy cây kim vàng dài ngắn khác nhau. Nàng
cầm các cây kim thuận tay cắm vào các huyệt đạo. Hình như không cần nhìn
kỹ, xuống tay mau lẹ, nhận huyệt rất chuẩn xác.
Sắc mặt A Cổ hiện vẻ kinh hãi, nhưng Đinh Bằng hình như đã biết rõ nên
chẳng chút kinh ngạc.
Lúc Tiểu Hương cắm cây kim thứ mười bốn, thanh niên đã bắt đầu chuyển
động, khẽ rên. Khi cắm tới cây kim thứ mười lăm chàng ta đã mở mắt.
Tiểu Hương cười cười nói:
- Xin Quách công tử nằm yên! Tiểu nữ vừa quán thông huyệt đạo cho công
tử, cần đợi tiểu nữ rút hết kim ra mới có thể hoạt động, mở miệng nói chuyện,
bằng không sẽ lại rất phiền.
Thanh niên nọ quả nhiên đã nghe lời nhắm mắt, nằm yên bất động. Tiểu
Hương theo thứ tự rút từng cây kim ra, dùng một miếng lụa lau sạch mới bỏ vào
hộp. Mỗi cây kim đều cắm sâu xuống khoảng một tấc, lúc rút ra đầu mũi không
dính máu chút nào. Lỗ kim cắm sau khi rút ra cũng không chảy máu. Thủ pháp
của Tiểu Hương khiến A Cổ phải kinh ngạc ngẩn người.
Đinh Bằng cười tán thưởng:
- Kỹ thuật trên Lân Hoa bảo giám quả thực tuyệt diệu. Tiểu Hương! Thủ
pháp kim châm khai huyệt của ngươi có thể giải được bất cứ thủ pháp bế huyệt
nào phải chăng?
- Phải! Tiên tổ phụ tiểu tỳ Long Gia Vân lúc luống tuổi đã rất hối tiếc về
tính cách bồng bột của mình lúc tre,û nên người đã hủy bỏ những võ công kịch
độc cùng những phương pháp hại người trong Lân Hoa bảo giám, chỉ giữ lại một
số bản lĩnh tế thế cứu nhân và còn thêm rất nhiều sáng kiến của người. Tỷ từ
không lãnh hội được uyên bác như Lân Hoa bảo giám nhưng còn chánh đạo hơn
nhiều.
Đinh Bằng lộ vẻ kính phục:
- Tổ phụ ngươi quả là nhân vật đáng kể.
Tiểu Hương chỉ cười nhẹ.
Lúc này, thanh niên nọ đã ngồi lên được, lên tiếng:
- Đa tạ cô nương cứu mạng.
Tiểu Hương tươi cười:
- Quách công tử chớ cảm tạ tiểu nữ. Người cứu công tử là công tử của tiểu
nữ đây.
Thanh niên vội đứng dậy vòng tay:
- Quách Vân Long xin đa tạ ân đức huynh đài cứu giúp. Sẽ nhớ mãi không
quên.
Đinh Bằng hơi kinh ngạc:
- Các hạ quả thật họ Quách?
Quách Vân Long đáp:
- Dạ phải! Vị cô nương này chẳng phải đã nhận biết tại hạ sao?
Tiểu Hương nói:
- Tiểu nữ không nhận biết, chỉ bằng vào suy đoán thôi.
Quách Vân Long lấy làm lạ:
- Bằng vào suy đoán? Trong bách gia tính có biết bao nhiêu họ sao cô
nương có thể đoán trúng ngay chữ Quách?
Tiểu Hương cười một tiếng:
- Đương nhiên cũng có chút căn cứ. Hiện tại tiểu nữ đã đoán không sai
chứng tỏ sự suy đoán của tiểu nữ có chút đạo lý.
Đinh Bằng như thấy thanh niên có ý muốn hỏi căn cứ gì nên cười hỏi chặn
đầu:
- Có phải phủ quý Quách huynh là Tung Dương Quách gia trang không?
Quách Vân Long gật đầu đáp:
- Đúng vậy! Lần thứ nhất tiểu đệ mới xuất đạo, huynh đài đã có thể biết
hương gia tiểu đệ, có phải trước kia đã gặp chăng?
Đinh Bằng đáp:
- Chưa! Có điều khẩu âm Tung Dương của Quách huynh đã nói lên vùng
Tung Dương chỉ có một gia đình họ Quách của huynh thôi.
Quách Vân Long rất cao hứng:
- Lời huynh đài khách sáo quá! Đó chỉ là nhờ dư âm của tiền nhân. Con
cháu họ Quách chẳng có gì đáng được để ý, nhất là tiểu đệ càng hổ thẹn hơn.
Mới xuất môn chưa đầy nửa tháng đã thất bại đau đớn, chưa kịp rút kiếm đã bị
đối phương đánh gục.
Nói tới mấy lời sau cùng nét mặt Quách Vân Long lộ vẻ rất thống khổ.
Đinh Bằng hỏi:
- Quách huynh vào Thần Kiếm sơn trang rồi bị khốn ra sao?
Quách Vân Long chép miệng than:
- Một lời nói không hết. Lần này tiểu đệ ra đời một là xông pha một phen
để tăng chút lịch duyệt giang hồ, hai là tìm hai người khiêu chiến rèn luyện võ
công kiếm pháp.
Đinh Bằng cười:
- Quách huynh đến Thần Kiếm sơn trang có phải để so kiếm với người thứ
nhất là Tạ Hiểu Phong không?
- Phải! Tạ gia thần kiếm nổi danh giang hồ. Tiểu đệ nghe nói lúc ông ta
còn trẻ đã mang kiếm tìm khắp các thế gia kiếm thuật trong thiên hạ để cầu học
hỏi, cuối cùng ông ta đã đạt được danh hiệu thần kiếm. Nhưng ông ta đã bỏ sót
Tung Dương Quách gia chúng tôi. Tiểu đệ không rõ ông ta có ý gì, khinh khi
chúng tôi hay cho rằng kiếm pháp Quách gia không xứng so sánh. Tiểu đệ phải
tìm ông ta để hỏi cho rõ.
Đinh Bằng cười một tiếng:
- Điều này bất tất phải hỏi. Tại hạ có thể trả lời giúp ông ta. hông phải ông
ta không muốn mà là không dám.
Quách Vân Long ngạc nhiên:
- Không dám?
- Đúng thế! Không dám! Chẳng những Tạ Hiểu Phong không dám mà
phàm là người trong võ lâm cũng không ai dám vô cớ đến kiếm chuyện gây sự
với Tung Dương Quách gia.
- Huynh đài quá khen! Quách gia tuy có chút tiếng tăm trong võ lâm nhưng
đều là do tiền nhân gây dựng. Gần mười năm nay tuy chúng tiểu đệ không
ngừng nghiên cứu rèn luyện kiếm pháp nhưng rất ít ra ngoài cũng chưa động thủ
qua chiêu với ai. Tiểu đệ thực không rõ hàn gia sao lại có oai phong và danh
khí lớn như thế.
- Dù Quách huynh không tin nhưng đây đích xác là sự thật, chẳng qua không
ai dám nói cho các vị hay điều này. Quách huynh hỏi tới huynh đệ nếu hỏi
người khác rất có thể sẽ chẳng ai nói ra cái nguyên nhân này.
- Có phải thanh danh Quách gia chúng tôi tệ lắm không?
- Quý phủ hiệp nghĩa kế truyền trăm năm nay luôn luôn là thế gia được võ
lâm rất tôn kính.
- Tiểu đệ nghĩ gia giáo hàn gia rất nghiêm, chưa có môn nhân đệ tử nào
dám ra ngoài gây chuyện phách lối để đến nỗi khiến có người phải sợ hãi chúng
tôi.
Đinh Bằng cười cười nói:
- Nếu quý phủ có người khinh khi người, cậy mạnh hiếp yếu tuy không ai sợ
nhưng sẽ có người đến hưng sư vấn tội. Vì quý phủ vốn có chính nghĩa mới được
võ lâm tôn kính, không ai dám đến sinh sự để bị thiên hạ khinh bỉ bỏ rơi.
Lý do này tuy không hay lắm nhưng Đinh Bằng không dám nói ra lý do khác
hay hơn. Chàng không phải người thích bịa chuyện dối tra,ù nhưng nếu chàng cứ
nói ra sự thực nhiều năm nay Quách gia đều có đệ tử hậu nhân của Tiểu Lý Phi
Đao và A Phi kiếm khách ngầm chiếu cố, thì e rằng Quách Vân Long sẽ rất khó
chịu.
Đinh Bằng vốn có ý thích thanh niên này, không muốn làm tổn hại tôn
nghiêm của một gã trẻ tuổi mới ra đời chưa được bao lâu.
Quách Vân Long rất ngây thơ thật thà nên đã tin lời Đinh Bằng và chỉ khẽ
than một hơi nói:
- Chẳng qua tiểu đệ chỉ muốn gặp Tạ Hiểu Phong để hỏi mà thôi. chứ không
muốn thực sự quyết đấu với ông ta. Tiểu đệ nghĩ ông ta đã thành danh lâu năm,
chẳng phải ngẫu nhiên, kiếm pháp tiểu đệ chưa chắc thắng được ông ta, tiểu đệ
có bại dưới kiếm ông ta cũng chẳng quan hệ gì, vạn nhất thắng được ông ta há
chẳng gây tổn thương thịnh danh của ông ta sao?
Đinh Bằng tỏ vẻ rất vui mừng khi gặp được gã trẻ tuổi này. Hắn trẻ chính
trực, không kiêu ngạo, tâm địa rất tốt, luôn nghĩ đến người khác thực là một hảo
hán. Vì vậy chàng muốn hỏi hắn tại sao thất hãm trong Thần Kiếm sơn trang
nhưng lại không tiện hỏi. Trong khi đó Quách Vân Long lại cúi đầu hình như
đang nhớ tới một chuyện đau lòng.
Một lúc lâu, rốt cuộc hắn không nín được nói:
- Tiểu đệ đến Thần Kiếm sơn trang được Tạ Tiểu Ngọc chiêu đãi rất khách
khí, nàng lại rất đẹp có phong cách đường hoàng khí phái đại gia. Chúng tôi nói
chuyện một lúc, cả hai đều rất vui vẻ.
Tới đây ánh mắt Quách Vân Long đột nhiên lộ vẻ thất thần, giọng nói dần
dần trở thành phẫn nộ:
- Tiểu đệ đã tôn kính với nàng không ngờ nàng lại là một cô gái như thế.
Đinh Bằng hỏi:
- Nàng đối với Quách huynh thế nào?
- Tiểu đệ thực không hiểu thấu tại sao nàng làm như thế? Nàng đả bỏ thuốc
trong đồ ăn thức uống.
Đinh Bằng hả một tiếng:
- Bỏ thuốc?
- Nàng bỏ xuân dược trong đồ ăn thức uống, mà còn...
Dù sao Quách Vân Long cũng là một thanh niên trung hậu nên đã đỏ mặt
không dám nói hết mấy câu sau cùng.
Đinh Bằng bất giác kinh dị, chàng biết rõ cái trò phong nguyệt đó của Tạ
Tiểu Ngọc rất khó có người trẻ tuổi nào đương cự được. Mà xem như Quách
Vân Long không bị Tạ Tiểu Ngọc du hoặc quả thực là một chuyện hiếm có nên
chàng hỏi:
- Tạ Tiểu Ngọc đã chủ động biểu thị hảo cảm với Quách huynh?
Quách Vân Long gật đầu, rất vừa ý lối giả thuyết của Đinh Bằng nên thở dài
một hơi đáp:
- Phải! Nàng đã biểu thị một cách rất nhiệt tình tha thiết.
Đinh Bằng cười:
- Đó là nàng thích Quách huynh!
- Không! Không phải nàng thích tiểu đệ mà nàng chỉ thích cây thiết kiếm
gia truyền của tiểu đệ. Tiểu đệ nhận ra được nàng muốn lợi dụng cơ hội mê
hoặc tiểu đệ, kêu tiểu đệ tặng thiết kiếm gia truyền cho nàng.
- Quách huynh có đem theo thiết kiếm gia truyền ra ngoài?
- Phải! Đây là tiêu biểu vinh quang của Quách gia. Mỗi lúc con cháu
Quách gia hành hiệp giang hồ nhất định đem theo thanh kiếm này, dùng để nhắc
nhở chúng tôi không được làm chuyện có lỗi với tiền nhân. Cũng chính nhờ có
thanh kiếm bên mình tiểu đệ mới có thể giữ được tỉnh táo dưới sự hành hạ của
dược lực, không bị mắc bẫy của nàng.
Đinh Bằng thầm phục định lực của Quách Vân Long cười cười hỏi:
- Hai người đã đánh nhau.
- Không! Dưới tình hình đó tiểu đệ thực không có cách nào ra tay vì nàng đã
tay không mà còn chẳng mặc quần áo gì cả.
Đinh Bằng cố nhịn cười hỏi:
- Vậy quả thực không tiện ra tay. Nếu giết nàng dù có nhảy xuống sông
Hoàng Hà cũng không rửa sạch được chuyện nhơ nhuốc.
- Chuyện đó tiểu đệ không sợ. Tiểu đệ làm chuyện chỉ cần lòng không thẹn,
chẳng cần người khác khen chê, nhưng trong lòng tiểu đệ cảm thấy không thể
động thủ...
- Vậy Quách huynh đã xử trí thế nào?
- Tiểu đệ chỉ biết cáo từ. Nàng cũng không đưa tiễn. Tiểu đệ biết chẳng
phải chuyện ra đi dễ dàng như thế. Quả nhiên chưa ra khỏi sơn trang đã trúng
ám toán. Vừa tới ngoài vườn một tấm lưới từ trên không chụp xuống cuốn chặt
thân mình.
- Thiết kiếm gia truyền của Quách huynh cũng bị thất lạc trong Thần Kiếm
sơn trang?
Quách Vân Long lắc đầu:
- Chưa! Lúc tiểu đệ ra tới khu vườn đã nghĩ hôm nay khó lòng giữ được
thanh kiếm nên tiểu đệ đã tìm một nơi cất dấu.