Paris! - Chiếc xe đi có tới năm tiếng đồng hồ. Tôi chỉ gấp về là về tới cho kịp chiều nay. Vào khoảng tám giờ, tôi đã ngồi chững chạc trong căn phòng quen thuộc từ bao. Aurélie reo rắc nguồn tươi vui cảm hứng và vẻ kiều diễm thu hút của mình trên những câu thơ không tuyệt diệu mấy của Schiller. Trong cái xen vườn lá mộng, nàng trở nên tài tình trác tuyệt, phát tiết hết tinh anh. Lớp bốn, nàng sẽ không hiện ra sân khấu, trong thời gian đó, tôi chạy đi mua một đóa hoa tại hàng bà Prévost. Tôi bỏ vào trong đó một lá thư âu yếm, ký tên: một người không quen biết. Tôi tự nhủ: “Đó là một cái gì yên định, gắn kết cho mai sau”, - và qua ngày mai, tôi lên đường đi qua nước Đức.
Tôi qua non nước đó làm chi! Để thử gắng xếp đặt ổn đáng cho những lớp tơ tình. Nếu tôi viết một cuốn tiểu thuyết, ắt chẳng bao giờ tôi có thể làm độc giả chấp thuận một chuyện tình của một trái tim đồng thời si mê hai hồng nhan một lúc. Tôi mất Sylvie là lỗi tại tôi. Nhưng tái ngộ một ngày đã đủ làm cho tinh thần tôi phấn phát; từ nay, tôi sẽ đặt nàng riêng một cõi, như một bức tượng với một nụ cười hiền hậu bao dung, trong điện đại Hà Thánh Khiết Hiền Thanh. Cái nhìn của nàng đã cầm giữ tôi lại trước bờ hố thẳm. Tôi càng xô đuổi mãnh liệt hơn nữa, cái ý tưởng đi tìm hội kiến Aurélie, để mà tranh chấp một phút với bao nhiêu kẻ tầm thường đang yêu nàng, đã sáng chói một lúc ở bên nàng rồi rụng rơi lả tả. Một ngày nào, tôi tự nhủ, một ngày nào ta sẽ biết người thiếu nữ nọ, có hay không có, một trái tim.
Một buổi sáng, tôi đọc nhật báo thấy nói rằng Aurélie lâm bệnh. Tôi viết thư cho nàng, từ những rặng núi tại Salzbourg. Lá thư nhuốm đầy chất thần bí Nhật Nhĩ Man, thì hẳn là tôi không thể mong đợi thành công gì cho lắm, nhưng cũng không đòi hỏi được hồi âm. Tôi đặt niềm tin nơi rủi may ngẫu nhĩ và nơi những kỳ ngộ khôn dò.
Hàng tháng trôi đi. Qua những bận phiêu dạt ngược xuôi, và những giờ rảnh rỗi, tôi đã định ghi tạc trong một vở kịch thơ những ân tình của nhà hội họa Colonna đối với giai nhân Laura, nàng Laura bị cha mẹ đưa vào con đường tu khổ hạnh, nàng Laura mà họa sĩ yêu cho tới lúc chết. Có gì trong sự đó liên can tới những mối triền miên chuyên niệm của tôi. Viết xong câu thơ cuối của vở kịch, tôi chỉ còn nghĩ tới việc quay trở về Pháp.
Còn biết nói chi nữa bây giờ? Nói gì mà không là câu chuyện của bao người? Tôi đã kinh qua hết thảy mọi vần xoay xuôi ngược trong những miền thử thách mà thiên hạ gọi là kịch trường. “Tôi đã ăn vào trong mình tiếng trống chiêng, và uống vào trong mình giọng chũm chọe” như lời nói, hầu như không có nghĩa gì rõ, của những kẻ đã thụ pháp nữ thần Cérès tại Eleusis. Câu đó chắc hẳn là có nghĩa rằng: nếu cần, phải vượt qua biên giới của cái vô nghĩa và lẽ phi lý: cái lý đối với tôi, là: chinh phục và ghi tạc hình bóng lý tưởng của mộng tưởng Lý tôi.
Aurélie đã chấp nhận thủ vai chính trong vở kịch của tôi mang từ nước Đức trở về. Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày nàng cho phép tôi đọc vở kịch cho nàng nghe. Những xen ân tình đều soạn sửa thể theo hồn em đó, thưa em. Tôi tưởng mình đã đọc với hết cả tâm hồn, và nhất là đọc với niềm say mê phấn chấn. Tiếp sau đó, tôi cho nàng rõ: cái người không quen biết trong hai lá thư chính là tôi. Nàng bảo: “Anh thật là điên; nhưng mai kia hãy trở lại thăm tôi nhé… Tôi chả bao giờ gặp được một kẻ biết yêu tôi.”
Ôi người phụ nữ! Em tìm kiếm tình yêu… Còn tôi, ấy vậy?
Những ngày sau đó, tôi viết những lá thư âu yếm nhất đời, những lá thư đẹp nhất mà bình sinh chắc hẳn nàng đã nhận được, có lẽ. Tôi nhận được những lá hồi âm đầy lý tính. Một phen, nàng cảm động, gọi tôi lại gần, và thú thật với tôi rằng khó mà dứt bỏ một niềm luyến ái xưa cũ hơn.
"Nếu quả thật vì tôi mà anh yêu tôi", nàng nói, "thì anh sẽ hiểu rằng tôi tôi chỉ có thể là bạn trăm năm của một kẻ duy nhất mà thôi."
Hai tháng sau, tôi nhận được một lá thư chan chứa. Tôi chạy bay tới nàng. Trong khoảng thời gian hai tháng đó, có kẻ cho tôi biết một chi tiết quý báu. Chàng trai đẹp đẽ mà tôi đã từng gặp một lần tại câu lạc bộ, chàng đó đã đầu vào kỵ binh tại Algérie.
Mùa hè năm sau, có nhiều chuyến xê dịch về Chantilly. Ban kịch sĩ cùng bọn với Aurélie trình diễn tại đó. Theo lệnh người giám đốc ban kịch, bọn kịch sĩ lưu lại Chantilly ba hôm. Tôi may mắn đã quen thân với ông giám đốc này từ trước. Ông có cách điệu của nòi, có “lửa”. Tôi theo ban kịch với danh nghĩa lãnh chúa thi nhân: tôi bàn với viên giám đốc, tôi thuyết phục ông, khuyên ông nên mở nhiều cuộc trình diễn tại Senlis và Dammartin. Ông ta thì có ý chọn quận Compiègne; nhưng Aurélie lại biểu đồng tình với tôi. Qua ngày hôm sau trong khi người ta lo đi điều đình với các nhà chủ cho mướn phòng, với các nhà cầm quyền địa phương, thì tôi lo thuê ngựa, và chúng tôi lên đường theo con lộ về những hồ nước Commelle để đi ăn điểm tâm tại lâu đài bà chúa Bạch. Aurélie, ăn vận theo lối nữ kỵ sĩ, với làn tóc óng ả tung bay, vượt qua rừng trông giống như một nữ chúa thời xưa, và các nông dân dừng lại nhìn, ngây ngất. Bà bá tước F… là người phụ nữ duy nhất họ được thấy, đã có cái phong độ uy nghiêm và kiều lệ tới mức đó, trong cái điệu chào phong vận thế kia… Sau bữa ăn, chúng tôi phi ngựa xuống các thôn làng na ná làng thôn Thụy Sĩ. Tại đây giòng khe Nonette đang xô sóng về cho vận động các xưởng máy cưa. Những cảnh tượng đó thân yêu xiết bao đối với tôi, nàng cũng lưu ý hân hoan, nhưng không dừng chân nán lại. Tôi đã định dẫn Aurélie vào viếng cung điện, gần hạt Orry, ngay trên nội cỏ xanh mà xưa kia tôi đã được ngắm nhìn Adrienne lần thứ nhất. Nàng chẳng có vẻ chi là kích động cả. Thế rồi, tôi kể lại hết cho nàng nghe, tôi nói cho nàng biết cội nguồn của mối tình tôi, thoáng nhìn một lần đầu tiên trong đêm tối, chiêm bao tơ tưởng mãi về sau, cuối cùng cũng được thành tựu nơi nàng đó ạ. Nàng chăm chú lắng nghe và bảo: “Anh không yêu tôi! Anh chờ nghe tôi nói: “Cô đào hát và nàng tu nữ cũng là một”; anh đi tìm một bi kịch bơ vơ, thật là như vậy, chỉ có thế thôi, nhưng xen kết thúc, anh không thể nắm được. Nó bay bổng mất rồi. Thôi, tôi không còn tin anh nữa.”
Lời nói đó là một tia chớp lóe. Những phấn kích dị thường tôi cảm thụ từ bao lâu, những mộng tưởng ước mơ kia, những giòng lệ kia, những niềm tuyệt vọng và âu yếm kia… vậy là không phải tình yêu chăng? Thế thì tình yêu là cái gì? Tình yêu ở tại đâu?
Đêm đó, Aurélie trình diễn tại Senlis. Tôi tưởng nhận thấy nàng có niềm thiên ái đối với viên giám đốc kịch trường. Ông ta tính tình thật tốt và đã giúp đỡ nàng nhiều.
Một ngày kia Aurélie nói với tôi: “Kẻ yêu tôi, chính là ông ấy.”