Chính tại Loisy, trong căn nhà cũ kỹ của người lính tuần phiên. Tôi đưa hai người tới đó, rồi quay trở về Montagny, tại đây tôi trú nơi nhà người cậu. Rời con đường sương mọc để băng qua một cụm rừng nho nhỏ chia biệt Loisy với Saint-Sulpice-du-Désert, tôi sắp phải bước vào một con lộ nhỏ sâu hút, len lỏi dọc theo rừng Ermenonville; tôi sắp gặp những vách tường đìu hiu của một tu viện, mình phải đi dọc theo trong khoảng một phần tư dặm đất. Vừng trăng kỳ ảo thỉnh thoảng lại giấu thân ở sau áng mây bạc trên trời, chỉ gieo sơ sài chút ánh sáng mờ mờ tỏ tỏ xuống hàng hàng cụm cụm sa thạch u sầu, và chùm chùm bụi cây điệp điệp ngổn ngang bên bàn chân tôi bước. Bên phải bên trái, bên này bên kia, những mép rừng, những rìa rú, không có đường con vạch sẵn, và liên miên trước mặt tôi vẫn tiếp tiếp điệp trùng những đá, những nham, mang linh hồn lịch sử tôn giáo tế xa xưa của xứ này còn ghi tạc kỷ niệm đoạn trường những đứa con của Armen bị người La Mã giết. Từ trên chóp cao sâu nghiêm vòi või của những gò đống đá nham ngổn ngang chồng chất nọ, tôi nhìn thấy những mặt hồ xa vắng nổi bật trên mông quạnh đồng không hắt hiu sa mù, như những tấm gương lóng lánh, và không còn có thể phân biệt được nữa mặt hồ nào là tấm gương ngọc đã vì buổi hội vừa rồi mà độ lượng in pha.
Không khí thơm lừng và ấm áp; tôi dừng chân quyết định. Không lẽ nào đi xa nữa. Bước tới nữa làm chi. Hãy dừng lại nơi đây mà đợi mong bình minh vậy. Và nằm dài xuống cỏ là giữa những cụm cây phiêu bồng mà ngủ một trận chiêm bao.
Lúc tỉnh dậy, tôi lần hồi nhận ra được những địa điểm gần cái chốn mà mình đã mơ mòng lạc lối trong đêm tăm. Bên phía tả, tôi nhìn thấy cái đường vạch rõ nét của những tường vách tu viện Saint-Sulpice-du-Désert, rồi tận phía bên kia thung lũng những cồn nham, gò đất Gens-d’Armes, với những phế tích sứt mẻ tàn rơi của trú sở xưa kia dòng họ vua Carlovingienne. Cạnh đó, ở bên trên những cụm rừng, những tường vách đổ nát của tu viện Thiers nổi bật lên nền trời với những vạt tường, mảnh thành, tấm quách, um tùm ngang dọc với những xa trục thảo, chả ba. Bên kia nữa, xa vời hơn. ấy là trang viện gô-tích Pontarmé. Vẫn được bao bọc bốn bề bằng những đìu hiu hồ nước như thời xưa, trang viện chẳng bao lâu đã bắt đầu phản chiếu những tia lửa đầu tiên của ngày về óng ả. Tại phía nam, người ta lại thấy bóng hình sừng sững cao vút của vọng lâu La Tournelle và bốn ngọn tháp Bertrand-Fosse trên những ngọn đồi đầu tiên của quận Montméliant.
Tôi tự nhủ: vâng ạ, cái đêm này thật êm dịu với hồn mình, và mình chỉ vờn mơ màng nghĩ tới duy nhất em Sylvie. Tuy nhiên, dáng dấp tu viện trầm tịch bên đồi, bỗng dưng trong một phút lại xúi giục tôi lang thang nghĩ rằng đó có thể là tu viện đang khép kín mộng đời xuân sắc của Adrienne. Hỡi ôi, “Hương ngây tội lỗi rải mơ màng. Da thịt du dương của một nàng”. Đã luống đời xanh trên gối lục. Linh hồn tĩnh dạ hận dư vang… Le tintement de la cloche du matin était encore dans mon oreille et m avait sans doute réveillé.
Chuông con nức nở gọi bình minh
Em ở, anh đi, tỉnh mộng mình
Chân bước, tiếng kêu còn dóng dả
Hà sơn vạn lý lục hay xanh… Trong một phút, tâm hồn tôi nảy ra cái ý: hay là ta thử lần hồi leo lên mỏm đá chót vót kia, và đưa mắt ngó qua một cái vào bên trong những tường vách, để coi xem có thấy được chút gì. Nhưng gẫm lại đìu hiu tôi chột dạ. Tôi không dám men bò lên đó nữa, vì bàn chân phàm tục sẽ thô bạo vô cùng, và sẽ mạo phạm hồn nữ thánh thiêng liêng. Bóng dương lên cao, dàn rộng, xua đuổi khỏi đầu tôi cái kỷ niệm hư huyền và chỉ riêng giữ lại trong máu tim những nét hồng vàng của Sylvie in pha xuân sắc. “Hãy lần bước về đáng thức em dậy thôi”, tôi tự nhủ mình thế, và quay gót, theo con đường về lại xóm Loisy.
Đây khu làng khang tịch ở cuối con đường mòn len lỏi với hai chân. Một bên rừng, ôi dặm mòn đi tới: hai chục nóc nhà tranh lưa thưa, với những nhành nho thắm và những đóa hoa tường vi vươn duỗi leo bò, viền hoa, thêu lá. Những gái nào sớm sủa đã kéo chỉ, se tơ, mái tóc tém phiêu phiêu với cái vành khăn nhiễu đỏ. Các nàng chăm chỉ tay chân làm việc, tứ chi đong đưa, cái miệng tươi cười thổn thức. Dư hương nào trong cuộc mộng đêm qua? A phải rồi. Em là gái tơ thanh lịch, em thêu thùa phong vận những dải đen-ten rất mực thanh tân, thì các cô bạn đơn sơ này không ngồi chung với em được. Tôi đã lên phòng gác của em, mà chẳng ai lấy làm ngạc nhiên chi cả. Em đã tỉnh giấc dậy từ lâu, và bàn tay đong đưa những con thoi nho nhỏ se kết những dải đen-ten dịu ngọt, với cái tiếng động êm đềm làm thánh thót không gian, khởi từ cái tấm lụa vuông hai đầu gối mềm mại của em nâng đỡ. “A, ông bạn lười đã tới rồi đó ư – em nói thế với một nụ cười tiên nữ - ta tin chắc rằng ông bạn lười vừa mới rúc ra khỏi cái giường ngủ, lồm cồm bước tới đó, phải không?” Tôi bèn kể lại cho em rõ cái đêm qua tôi thao thức nằm ngoài trời không ngủ, những cuộc chạy lang thang lạc lối giữa rừng. Em ái ngại cho tôi một lúc. “Nếu anh không mệt mỏi, thì em lôi anh chạy thêm một cuộc nữa đó nhé. Chúng ta sẽ đi về làng Othys mà viếng bà dì ngoại của em.”
Tôi vừa chớm trả lời chưa hết tiếng thì nàng đã tươi vui đứng lên, lại gần tấm gương soi mà sửa sang mái tóc, đội lên đầu một chiếc mũ rạ mộc mạc. Niềm ngây thơ và nỗi vui óng ả đã rạng ngời trong hai con mắt kia. Chúng tôi lên đường, bước đi dọc theo bờ sông Thève, xuyên qua những đồng cỏ lác đác những đóa thúy cúc, mao lương, rồi đi dọc theo những cụm rừng Saint-Laurent, đôi phen vượt qua mây giòng khe và mấy bụi um tùm để thu ngắn bớt con đường đi. Mấy con sáo trên cây hót vang như huýt sáo. Chim bạc má vui sướng vút bay rời xa mấy chùm lá cây bị chúng tôi chạm vào ngang ngửa bụng.
Đôi lúc chúng tôi bắt gặp dưới bước chân mình những đóa nhạn-lai-hồng từng thân ái xiết bao với ông Rousseau ngày trước. Những đóa nhạn-lai-hồng mở cánh biêng biếc xòe ra giữa nhưng nhành dài duỗi dọc đâm ngang, hoặc song song đôi lứa như cọng cây leo, sắn bìm, chút phận con con, làm vướng víu hai bàn chân phiêu hốt của cô bạn đường cùng tôi sóng bước bình minh. Bàn chân phiêu hốt ra sao, cũng có thể gọi là run rẩy lén chùng trong gót nhịp. Hờ hững với những kỷ niệm phiêu bồng của nhà tư tưởng Genevois thuở xưa kia ngậm ngùi nhìn mặt hồ Thụy Sĩ tới bây giờ đâu đó còn nín tiếng Genève, hờ hững với chiêm bao người triết học, cô bạn đường của tôi cứ lay lắt ngó nghiêng nhìn ngửa, kiếm tìm những hột trái xà-noãn mai, tục gọi là dâu tây, dây dưa những tao ngộ ngùi hương một thuở, còn tôi, tôi lần khân với ân tình thứ nhất, tôi kề cà nói với nàng về tác phẩm La Nouvelle Héloïse của xưa kia, con người ta đã viết, lúc mơ màng nhìn hồ ngọc gợn sóng thiều thiều như vạn lý hà thanh. Tôi đọc cho nàng nghe những đoạn văn đã thuộc lòng từ trong dạ “Văn như vậy, có thật quả là xinh? Nàng hỏi tôi như thế. - Thật tót vời tuyệt diệu, thưa em. - Ấy có hay ho hơn của Auguste Lafontaine chăng? - Ấy thật dịu ngọt hơn mấy phần. - Ồ, nếu vậy thì em sẽ đọc cái đó về sau. Em sẽ bảo người anh của em mang về cho em, lần đầu có dịp anh ấy đi Senlis”. Và thế đó, tôi tiếp tục đọc hoài những đoạn Héloïse trong khi nàng Sylvie hái liên miên những trái dâu tây ở đầu ngón tay nàng thánh thót.