Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Về mảnh vườn xưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 817 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Về mảnh vườn xưa
Anh Đức

Một chiều cuối năm, khi ngọn bấc đã thổi về se se lạnh, anh Tám Hân tới gõ cửa nhà tôi. Anh cho tôi biết vài hôm nữa anh sẽ cùng khoảng hai mươi đồng đội cũ trong tiểu đoàn X. Về thăm lại vùng đất các anh đã đóng quân và chiến đấu hồi chống Pháp. Nghe vậy tôi lấy làm mừng, và nói với anh rằng một chuyến đi như thế thật là nên lắm. Tôi còn hứa sẽ vận động một vài nơi xin thêm cho các anh một số tiền để mua vật phẩm, quà cáp đem về tặng cho bà con cô bác nhân ngày Tết đã cận kề. Lúc anh Tám ra về, tôi đứng bên cánh cổng mở, nhìn theo cái dáng dong dỏng, gầy gầy của anh dắt chiếc xe đạp cũ kỹ, lên xe rồi từ từ đạp đi. Hơi bấc se lạnh buổi chiều lại làm dấy lên giữa lòng tôi nỗi buồn và sự bứt rứt.

Anh Tám Hân năm nay đã sáu mươi lăm, lớn hơn tôi năm tuổi. Tôi quen anh đã lâu, ước chừng cũng trên ba mươi năm. Vào những năm 60, tôi gặp anh ở Hà Nội, rồi khi về Nam lại gặp anh ở chiến trường đánh Mỹ. Cả đời anh Tám hầu như gắn liền với quân ngũ. Năm mười tám tuổi, anh là chiến sĩ Vệ quốc đoàn, ở tiểu đoàn X, một tiểu đoàn chủ lực nổi tiếng. Tập kết ra Bắc, anh ở Sư đoàn 330, lần nào ra Hà Nội chơi anh cũng ghé ăn ở tại nhà tôi. Sư đoàn anh sau đó đều trở về Nam và suốt trong mười lăm năm đánh Mỹ đã hy sinh gần hết. Anh Tám Hân là một trong những người còn lại, trên mình mang hàng chục vết thương, nhưng may mắn là không có vết thương nào nghiêm trọng. Có điều anh lại lâm vào một tình trạng theo tôi là nghiêm trọng. Tới chừng tuổi ấy, anh vẫn là một người đơn độc, không gia đình, không vợ con. Vài năm sau giải phóng, anh rời quân ngũ với cấp bậc trung tá, đi làm thêm cho xí nghiệp này, nhà máy nọ và hai năm trở lại đây anh làm trưởng một toán bảo vệ cho một công ty nhập khẩu ga đốt. Anh ở trong một căn buồng mười tám mét vuông, tự đi chợ nấu ăn lấy. Tôi tuy quen anh đã lâu, nhưng chuyện riêng tư của anh đối với tôi còn là điều bí ẩn. Anh bảo với tôi rằng anh đã có vợ trước khi ra Bắc và vợ anh đã chết trong những năm đen tối, Mỹ ; Diệm tàn sát người kháng chiến cũ ở nông thôn Nam Bộ. Anh còn nói là người vợ ấy tuy không cùng anh lễ cưới, nhưng anh coi như đã cưới, vì vậy anh không nghĩ tới chuyện lấy vợ nữa. Nhiều khi anh em bè bạn mai mối gán ghép anh với một chị nào đó, để đưa anh ra khỏi tình trạng lẻ loi, cô độc, thì anh ậm ừ, lừng khừng, rồi sau cùng bỏ qua. Chúng tôi cho anh là gàn, thậm chí còn nói thẳng ra như vậy trước mặt anh. Những lúc ấy, anh không cự cãi, chỉ cười, với nụ cười hiền khô cố hữu của anh, khiến chúng tôi mất hết cả kiên nhẫn. Riêng tôi không nghĩ rằng ở giữa cái đời hiện đại khá là xô bồ hôm nay lại còn có con người như anh, cứ giữ riết ý định cả đời mình chỉ đi qua đời một người con gái.

Nhưng sự thật lại có chuyện như vậy, ở nơi anh Tám Hân của tôi. Từ chuyến đi với đồng đội về thăm lại làng quê đóng quân và chiến đấu năm xưa, tới hơn nửa tháng sau, qua cả Tết, anh Tám Hân mới trở lại thành phố. Khi nghe tiếng gõ cửa, tôi ra mở, thì thấy đứng trước tôi là một anh Tám Hân rất khác, trông da dẻ hồng hào, mập ra, khuôn mặt rạng rỡ và hai tay xách bị cói đầy nhóc cam, quýt, nhãn. Cái bộ tướng anh bước qua cửa nhà tôi cũng khác, coi rất hiên ngang. Tôi hỏi:

- Sao đi lâu dữ vậy anh Tám?

Anh lẳng lặng đem những bị trái cây đặt nơi góc phòng rồi trở ra, ngồi xuống ghế nói:

-Bởi vì có sự cố.. Chú em này ngồi yên, để tôi từ từ nói cho nghe. Thiệt là không thể nào tưởng tượng nổi..

Thế rồi sau đó, anh Tám Hân bắt đầu kể lại cho tôi nghe câu chuyện mà tôi chép lại hầu bạn đọc dưới đây.

.. Chúng tôi gồm hai mươi đồng đội năm xưa của tiểu đoàn về tới thị xã Sa Đéc thì trời đã xế chiều. Anh em ở Hội Cựu chiến binh tỉnh ra đợi sẵn, đón đoàn chúng tôi và tiếp đãi rất nồng hậu. Các anh ấy lưu giữ chúng tôi ở lại qua đêm, sáng sớm hôm sau mới cho ghe máy đưa chúng tôi về các xã mà hơn bốn mươi năm trước tiểu đoàn đã đóng quân lâu ngày nhất. Nói thiệt với chú, khi ghe máy bắt đầu chạy trên sông, tôi nhìn những giề lục bình trôi đầy hai bên bờ, trên đó phất phơ những bông hòa màu tím, tôi liền thấy mi mắt cay cay. Tôi rưng rưng nhớ về miền đất, ruộng vườn, sông nước mà năm mười tám tuổi tôi đi bộ đội Vệ quốc, cuộc hành quân đầu tiên của đơn vị tôi gồm hàng chục xuồng bơi đi rào rào trên chính con sông mùa nào cũng trôi đầy lục bình này.. chiếc ghe máy đưa chúng tôi đi mỗi lúc càng sâu vào nơi chốn chúng tôi từng sống và chiến đấu qua Đất sét rồi tới ngã tư Cây Bường. Ngay trưa hôm đó, chúng tôi về tới xã Thạnh Mỹ, nơi tiểu đoàn đóng quân đầu tiên. Do trên tỉnh đã báo trước, ủy ban xã đã đợi đón và đông đảo bà con đã tề tựu tại sân trụ sở, nhất là những ông già. Thiệt tình chúng tôi không thể nhận ra được từng cô bác, ngược lại cô bác cũng không nhận ra được từng đứa chúng tôi. Chú nghĩ, gần nửa thế kỷ qua đi rồi chớ ít ỏi gì. Nhưng khi anh em chúng tôi xưng lại danh tánh, cả hai bên đều nhớ ra, ôm nhau, nước mắt ràn rụa. Những cô bác này đều đã già. Chúng tôi cũng vậy, tất cả đều ở quá tuổi sáu mươi. Tại đây có lớp người không hề biết chúng tôi qua lời kể của cha mẹ, ông bà, nhưng vẻ ngưỡng mộ và hồ hởi trên mặt họ cho tôi cảm nhận rằng danh tiếng của tiểu đoàn tôi vẫn không phai mờ.. Tôi không thể kể hết cho chú nghe mọi tình tiết, vì chúng tôi đi qua tới năm xã, chỗ nào cũng tiệc tùng, liên hoan, nhậu nhẹt. Những nông dân cao tuổi có trí nhớ rất dai, nhắc lại từng chuyện nhỏ hồi nẳm, về từng đứa chúng tôi. Riêng tôi, ở xã nào tôi cũng về lại ngôi nhà cũ mình từng ở, nằm trên bộ ván ngựa cũ còn sót lại. Đêm ngủ trong các ngôi nhà đó, tôi thấy đất nước, xóm làng thật may mắn, thật vững chắc, sau bao năm bom đạn chà xát, rốt cuộc giờ đây vẫn được yên hàn, để tôi được về lại cùng ruộng vườn quê kiểng, đêm nằm nghe lúa đồng rào rạt, vườn tược rì rầm và tiếng nước vỗ nhè nhẹ dưới bến sông. Bấy giờ tôi nghĩ tới những đồng đội đã hy sinh, những người không có cơ may như chúng tôi, do trận sau là trận đánh Mỹ quá dài và quá dữ, họ chết gần hết. Ngay như trong đoàn hai chục người chúng tôi, cũng chỉ có vài người lành lặn, còn bao nhiêu điều có thương tích trên mình. Bà con còn buộc chúng tôi phải cởi áo để họ xem các vết thương. Vết thương nằm ở trận nào, cô bác cũng kêu kể.. Nè chú, ở dưới ấy, tôi thấy người nông dân hình như quan tâm lưu ý tới cái thời sống chết nhọc nhằn máu lửa đó hơn ở trên thành phố. Chắc tại vì con em họ đã hy sinh nhiều nhất. Trải qua hai cuộc chiến, có nhà cháy mấy chục lần, phải cất đi cất lại. Hố bom nhiều lắm, nay trở thành ao thành giếng nuôi tôm, thả cá. Có rất nhiều thay đổi, nhà ngói nhà đúc, chợ búa cất mới, dưới sông ghe xuồng gắn máy chạy suốt ngày đêm.. Nhưng thôi, bây giờ để tôi nói cái sự cố bất thình lình xảy đến với tôi. Đó là chuyện diễn ra vào bữa sắp kết thúc chuyến đi, khi đoàn chúng tôi về xã Thạnh Lộc, nơi tiểu đoàn tôi đóng và rút đi luôn để về điểm tập kết chuyển quân ra Bắc. Lúc nghe máy sắp về tới cái xã có nhiều vườn tược trù phú nhất bên sông này, thú thật với chú lòng tôi vô cùng rung động. Bữa nay tôi không giấu chú nữa. Chính tại đó lần đầu tiên tôi đã yêu và nếm vị ngọt ngào của tình yêu. Năm ấy tôi hăm bốn tuổi, đã qua sáu năm đi bộ đội và là đại đội trưởng. Đại đội tôi đóng rải ra trong các nhà dân. Tôi cùng chính trị viên và một cậu liên lạc ở trong một gia đình cỡtrung nông, chỉ có một bà má với cô gá. Đó là má Tư, còn cô gái tên là Trâm. Hai mẹ con sống sung túc nhờ huê lợi của miếng vườn là chính, chớ ruộng thì chỉ có mấy công. Đơn vị về đóng quân, tôi thường ở nhà má Tư, trong thời gian Trâm từ tuổi mười sáu lên tuổi mười chín. Tình cảm giữa tôi và Trâm lần hồi gắn bó. Trâm càng lớn càng đẹp, nhưng đó là vẻ đẹp của cô gái miệt vườn. Nếu như chú đã từng biết những cô gái miệt vườn quê mình thì chú hãy mường tượng đó là một cô gái miệt vườn đúng nghĩa: vóc người cao ráo nhưng đôi tay cườm tay tròn trịa, nước da trắng nhưng mặn mòi; đặc biệt tôi chưa thấy một mái tóc nào đen mượt tươi tốt như tóc của Trâm, nhất là sau khi tắm gội xong, cô chải đầu có thoa chút dầu dừa, mái tóc càng thêm óng mượt, và khi cô đi ngang qua tôi, mùi dầu dừa từ tóc cô tỏa ra mùi hương nồng ấm đến độ khiến tôi cứ ngẩn ngơ.Cái mùi hương ấy đã theo tôi đi suốt bốn mươi năm nay, hễ mỗi lần nhớ tới là lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến. Nhưng nào chỉ có vậy. Trong nhà có món ngon nào cô ấy cũng dành cho tôi. Trái cây trong vườn mỗi lần hái đem đi bán, cô đều lựa trước cho những trái tốt. Tất nhiện là mấy đứa đóng chung nhà cũng được hưởng. Tụi nó đều biết rõ và lấy làm khoái chí. Má Tư cũng rất yêu mến tụi tôi, coi tụi tôi như con ruột. Từ khi còn nhỏ, Trâm đã lo toan mọi việc, đã trở thành cô chủ. Từ việc nhà cho tới vườn tược, ruộng nương, cô nắm giữ điều hành một cách gọn gàng. Đắp bờ lên liếp vườn do cô cắt đặt, tát đìa cũng do cô huy động nhân công. Lần tôi bị thương đầu tiên trong trận phục kích đánh tàu lồng cu trên sông Sở Thương, sau khi điều trị ở quân y, tôi về nhà má Từ nằm dưỡng thương. Suốt trong một tuần lễ, Trâm ở kề cận bên tôi nấu cơm nấu cháo, giặt giũ áo quần. Chính trong những ngày đó, chúng tôi chưa bao giờ vượt qua mức những cái hôn, những lúc ôm ấp lấy nhau. tôi chỉ vượt qua mức đó vào lúc sau Hiệp định Giơnevơ, tiểu đoàn tôi chuẩn bị chuyển quân ra Bắc. Đêm cuối cùng, Trâm tự nguyên và run rẩy trong tay tôi. Cả hai đều sung sướng, tin chắc hai năm sẽ tái hợp. Chúng tôi thật hết sức ngây thơ, như biết bao người cũng đã từng ngây thơ như vậy. Nói nghe có thể chú khó tin, chớ đêm ấy là đêm duy nhất trong đời tôi. Đêm ấy Má Tư cũng có nhà, má nằm ngủ ở buồng ngoài. Tôi nghĩ má biết tất cả, nhưng sáng ngày má làm như không biết gì cả. Sớm hôm sau, tôi cùng tiểu đoàn hành quân tới Cao Lãnh, rồi xuống tàu ra Bắc. Từ ngày về Nam, tôi ở chiến trường miền Đông, không có dịp trở lại nơi ấy, nhưng tôi được tin má Tư và Trâm đều chết. Má Tư chết vì tuổi già, vì đau buồn sau khi Trâm tham gia hoạt động rồi bị bắt, bị bọn ác ôn giết và liệng xác dưới lung sen. Tin này là xác thực. Xác thực cả khi tôi vừa đặt chân về lại nơi ấy mới rồi. Nhưng có một việc tôi hoàn toàn không biết, mà lại là việc vô cùng hệ trọng, tôi sẽ kể cho chú nghe ngay đây. Khi đoàn chúng tôi tới Thạnh Lộc, thì buổi trưa cũng diễn ra cuộc gặp gỡ với bà con cô bác ở hội trường ủy ban xã. Sau phút trò chuyện hàn huyên, bỗng có một lão tuổi chừng tám mươi nhưng vẫn còn khỏe đậm, chống cây gậy tre đi ra giữa hội trường. Ông lão giơ gậy lên biểu mọi người im lặng, rồi cất tiếng sang sảng:

- Tôi có chuyện này muốn hỏi.. Trong số mấy chú về đây có chú nào tên là Hân hay không? Lương Văn Hân, có chú nào tên họ như vậy không, làm ơn cho tôi biết?

Ngồi ở bên dưới, nghe ông lão hỏi trúng tên họ, tôi giật nẩy người. Đúng là đích danh tên họ của tôi rồi. Không chần chừ, tôi đứng dậy:

- Thưa bác, là cháu đây!

Ông lão hướng mắt nhìn về tôi. Hai hàng chân mày bạc trắng của ông rung lên. Rồi không nói câu nào, ông chổi gậy từ từ đi thẳng xuống chỗ tôi. Ông ngó tôi chầm bẫm, mãi một lúc sau mới gật gù:

- Tôi nhớ ra cậu rồi.. Hồi đó cậu đóng quân ở nhà bà Tư, kế nhà tôi mà. Cậu không nhận ra tôi là phải, vì hồi đó tôi mới có băm tám, băm chín.. Cậu cùng già đi nhiều đó.. Tôi có chuyện nói với cậu, đi theo tôi, cứ mặc mấy người này ở đây..

Không biết ất giáp gì, nhưng tôi linh cảm có chuyện, nên đi theo ông. Vào lúc đó, tôi cũng đã hơi nhận ra ông. Rời khỏi hội trường, tôi theo ông đi dọc bờ sông, vào giữa xóm. Sau khi đi ngang qua hàng chục ngôi nhà vườn, tôi bắt đầu nhận ra một cảnh tượng quen quen. Bỗng ông lão chụp tay tôi, dắt rẽ vào một ngôi nhà đúc nằm sâu trong vườn cây trái sum suê xanh tối. Trời ơi, tôi vụt kêu lên thảnh thốt. Ngôi nhà trông không giống ngôi nhà vách ván hồi trước, và cây trong vườn nào khác cái mảnh vườn tôi đã từng trải qua những kỷ niệm ngọt ngào của mối tình đầu. Bước theo ông lão, chân tôi tự nhiện bủn rủn, chưa vô tới nhà ông lão đã cất tiếng kêu lớn:

- Diệu ơi có nhà không, bớ Diệu!

Trong nhà có tiếng í ới, rồi một đám con nít chạy ùa ra. Chúng đeo bám lấy ông lão, đưa mắt nhìn tôi

lạ lẫm. Kế lại có mấy đứa lớn hơn, con trai con gái đủ hết. Một đứa khoanh tay.

- Thưa ông Hai, má con ở sau vườn, để con chạy ra kêu.

- ừ, kêu má vô có chuyện gấp nghe!

Lát sau, qua cành lá tôi thấy một cô tuổi xấp xỉ bốn mươi bươn bả đi vô. Khi nhìn thấy gương mặt cô ta, tôi sửng sốt suýt bật kêu lên. Sao mà giống y khuôn mặt Trâm, chỉ có điều khuôn mặt Trâm hồi ấy trẻ hơn nhiều. Ông lão nắm chặt tay tôi như sợ vuột, ngoắc cô đó lại, nắm luôn tay cô. Mỗi bên một người, ông dắt chúng tôi bước lên bậc thềm, vào nhà. Cô nọ cườn xẻn lẻn, hết ngó ông già lại ngó tôi, không biết chuyện gì. Cái nụ cười của tôi ta làm tôi phát hoảng, vì giống nụ cười của Trâm lạ lùng. Bấy giờ, ông già trỏ vào tôi, bảo với cô:

- Tao đã tầm ra cha của mày rồi đây nè Diệu. Nhận cha của mày đi!

Cô ta hốt hoảng ngó sững tôi. Sợ cô chưa tin, ông già nói:

- Không có trật đâu, ông bảo đảm. Nó chính là cha con, tên Lương Văn Hân, ở trong đoàn cựu chiến binh về thăm xã mình, nó mới tới đằg hội trường, ông dẫn về giao cho con đó!

Tôi thấy như nghẹt thở. Sự việc xảy ra quá đột ngột khiến tôi bàng hoàng, bán tín bán nghi. Chẳng lẽ đây là con gái tôi sao? Chẳng lẽ nớ lớn vậy sao? Nhưng qua từng giây từng phút mọi tình tiết của sự việc cứ dần ráp nối, càng lúc càng khít khoa, làm cho sự thật hiển hiện. Ông già day qua tôi, hỏi lớn như quở trách:

- Có phải hồi đó cậu đóng quân tại nhà này không, cách đây trên bốn mươi năm?

- Dạ phải.

- Rồi cậu với con Trâm thương nhau, phải không?

- Dạ... - Tôi đáp hơi máy móc.

- Hồi đó tôi biết hết... Con Trâm là má con Diệu này. Nhưng con Trâm chết rồi, chết lâu rồi... Hồi cậu ra đi, con Trâm mang thai, sanh ra con Diệu. Con Trâm hoạt động, chờ cậu, nhưng đã hi sinh. Sau giải phóng, con gái của cậu đi kiếm cậu đỏ con mắt, cậu có biết không? Tại sao tới bữa này cậu mới về, hả? Tôi hỏi cậu, tại sao?

Tôi lặng đi lúc lâu, mới nói:

- Thưa bác, cháu biết Trâm hy sinh, cháu buồn, không muốn trở lại vì còn có gì nữa đâu. Cháu không biết là...

- Sao lại không còn gì. Thôi kể như cậu không biết mình có đứa con, thì cũng còn bà con làng xóm đã cưu mang mấy cậu chớ!

- Dạ, đó là lỗi của cháu... đáng lẽ tụi cháu về sớm hơn.

- Bữa nay mới về là chậm lắm nghe cậu... Năm nay cậu bao nhiêu, chắc có gia đình vợ con đề huề rồi phải không?

Tôi nhìn con gái tôi, nhìn ông già:

- Tới giờ cháu vẫn một mình, có vợ con gì đâu...

Đến đó, tôi nghẹn ngào không nói gì được nữa. Tôi nắm tay con gái tôi, từ từ lôi nó lại, ôm chầm lấy nó. Con Diệu khóc lịm trong tay tôi. Từ lời phân giải của tôi, tuy ngắn ngủi nhưng ông già xúc động, thái độ dịu hẳn xuống, kêu lớn cả nhà tới mà nhìn tôi. Thế rồi trong lúc cha con tôi còn ôm nhau khóc, hết thảy mọi người bao gồm chồng, con rể, dâu và cháu của con gái tôi vây quanh, ngỡ ngàng, kinh ngạc, vui mừng.

Đó, sự thể là như vậy đó. Sau khi mẹ mất, rồi bà ngoại mất, con gái tôi có gia đình sớm, đã sanh con trai, con gái, đã gả con và cưới vợ cho con. Thánh thử bỗng nhiên trong phút chốc ngoài con gái, tôi còn có rể, một bầy cháu, và cả chắt nửa. Chú có thể nào tưởng tượng nổi, tôi - một người lâu nay trụi lủi, đơn độc, giờ đây có một gia đình đông đúc đến như vậy. Tôi nghĩ phúc lộc này đều do Trâm để lại...

Chiều đó, tôi theo con gái ra mộ Trâm ở sau vườn. Tôi ngồi im bên mộ cho đến lúc trời tắt nắng, mãi khi con gái tôi tới sau lưng kéo nhẹ tay tôi: "Ba vô ăn cơm!"

Tôi đã ăn bữa cơm đầu tiên trong cái gia đình bỗng nhiên tôi có được. Nhưng hầu như tôi không ăn gì, bát cơm tôi còn nguyên thức ăn con gái tôi gắp cho. Nó cũng không ăn được. Cứ lo gắp cho tôi, và nhìn tôi cười. Tới tối, tôi soạn trong túi sựng hành lý, lấy ra chiếc khăn mùi xoa Trâm trao cho tôi bữa chia tay, mà tôi cất giữ trên bốn mươi năm. Tôi đưa chiếc khăn cho con gái. Nó thận trọng trải khăn trên hai làng bàntay. Chiếc khăn đã hơi ngả màu qua thời gian, nhưng ở góc khăn vẫn nguyên vẹn màu chỉ thêu xanh lục hai con chim bay liền cánh cùng hai chữ H và T lồng vào nhau. Tôi nói:

- Chiếc khăn này má con tặng cho ba.

Con Diệu nức nở khóc, rồi nó chạy vào buồng, lát sau đem ra một chiệc khăn y hệt: "Má cất rất kỹ, sau khi má mất con mới tìm thấy". Thì ra Trâm đã thêu một cặp khăn, một chiếc trao cho tôi và một chiếc giữ lấy. Tôi không biết còn có chiếc thứ hai đó. Hồi nãy, chú hỏi tại sao đôi đi lâu, thì lý don là như vậy. Cả đoàn đầu về, chỉ có tôi ở lại. Tính từ bữa đi tới nay là nửa tháng. Có biết bao chuyện nói với con cháu, và tụi nó cũng có không biết bao nhiêu điều hỏi mình, kể cả việc mần mò xem coi các vết thương trên người mình. Trong những ngày đó, nhiều lần tôi lặng lẽ đi khắp khu vườn, với hy vọng tìm thấy dấu tích gì còn lại của Trâm, nhưng chẳng còn có gì, ngoài những trái quả, những vòm lá biếc thỉnh thoảng cất tiếng rì rào trong gió. Mấy đêm đầu nằm trong ngôi nhà cũ, tôi cứ thao thức không ngủ được, về sau mới quen và tôi có được những giấc ngủ hết sức yên lành cho tới rạng sáng. Bình minh đến ngôi nhà giữa vườn cây trái thật mát mẻ, dễ chịu, khi những tia nắng đầu tiên rọi chiếu thì cũng vừa lúc tiếng chim ríu ran trên cành lá. Thế là tôi được hưởng những ngày ấm cúng, được con cháu chăm sóc từng ly từng tí. uống ấm trà nóng đã có sẵn nước sôi, các món ăn ở quê mà tôi ưa thích như mấm kho, cá rô kho bầu, gỏi tôm trộn sầu đâu thường được dọn trong bữa cơm, đến nước tắm cũng được múc, pha sẵn.Tất nhiên chăm chút cho tôi nhiều nhất là con gái tôi... Chú Bảy à, hôm nay tôi ghé chú để nói cho chú biết mọi sự, đồng thời cũng để báo cho chú hay là tôi sẽ rời thành phố, về Thạnh Lộc. Vợ chồng con Diệu nhất quyết đón tôi về. Hai đứa đã lên đây. Mới đặt chân tới, con Diệu đi khắp phòng, thu dọn quần áo, đồ vật, rồi ngồi khóc mùi mẫn vì thấy tôi chẳng có của nả gì đáng giá, ngoài cái ti vi, cái rađiô và những quyển sách... Tôi quyết định rồi, tôi sẽ về dưới đó chú Bảy à, tôi sẽ sống những nămtháng còn lại với con cháu.

Anh Tám Hân ngừng lại. Tôi bị bất ngớ từng chập về câu chuyện của anh, nhưng tới giây phút này tôi tin tất cả, bởi những tình tiết sống động, nhất là câu chuyện xảy ra từ cái đêm ân ái xa xưa của hai người, nay anh Tám vừa nói ra. Tuy tin nhưng tôi vẫn thấy lạ lùng, không ngờ cuộc đời có những ẩn khuất mãi tới hơn bốn mươi năm mới hé sáng. Từ đó tôi ngẫm nghĩ, rất có thể còn biết bao điều bí ẩn của cuộc sống cả trăm năm sau người ta mới biết hoặc bị chôn vùi luôn nếu không có một cơ may, và trong những chuyện như thế, chiến tranh, binh lửa thường là nguyên nhân gây ra bao trắc trở, éo le, nhiều khi tan tác vô vọng song cũng có khi được tái tạo, hồi sinh.

Tôi hồ hởi biểu đồng tình với ý định của anh Tám. Tôi nói với anh rằng anh hãy về nơi ấy, về với mảnh vườn xưa, nơi mối tình đầu va duy nhất của anh ngỡ đâu đã tan biến, nào ngờ vẫn đâm hoa kết trái như một sự cứu rỗi nhiệm mầu.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 135

Return to top