Con đường chúng tôi đã đi qua
Anh Đức
Chỉ 21 ngày sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, giặc Pháp đã xâm lấn trở lại, bắt đầu từ Nam Bộ. Những bụi tầm vông ở ngoại ô và miệt vườn quê tôi bị đốn trụi. Cây tầm vông được vạt nhịn, đem hơ lên lửa nóng cho thêm cứng, để làm vũ khí.
Không rõ vây tầm vông vạt nhọn nầy đã đâm chết được bao nhiêu tên giặc, nhưng ai cũng biết rõ đó là một biểu tượng quyết tử. Một tháng sáu ngày Nam Bộ kháng chiến, trong một trận đánh đồn, anh tôi tử trận. Hai năm sau, tôi bỏ học đi kháng chiến. Trong cuộc chống Pháp, tôi công tác ở các cơ quan tuyên truyền, văn nghệ,báo chí, thường ở nông thôn, thường đi theo bộ đội. Rồi tôi bắt đầu thử viết truyện ngắn. Hồi ấy khi viết những dòng đầu, tôi có cảm gíc vừa lo sợ vừa thícht thú. Hồi ấy tôi viết thật hăng hái nhưng vũng thật non nớt. Trong truyện ngắn nếu tôi đưa lọt được vô đó những từ ngữ, những lời lẽ mộc mạc chân chất của quần chúng của nông dân thì được coi là đắt. Cơ quan chi hội Văn nghệ Nam Bộ của tôi có nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có ông Nguyễn Bính, ông Đoàn Giỏi. Ông Nguyễn Bính sau bài trường ca Đồng Tháp Mười khá nổi tiếng, vẫn luôn bải trọng thơ lục bát. Ông Đoàn Giỏi là người từng viết truyện ngắn đầu tiên đem tới trình cụ Hồ Biểu Chánh được cụ cho đăng trên tờ Nam Kỳ tuần báo Xuân 1943, thì nói với tôi:
"Truyện ngắn có rất nhiều kỹ thuật kỹ xảo, khi viết mình phải chú ý tới kịch tính, vô đầu cần phải tạo được không khí, rồi sự "thắt nút" sự "mở nút", từ từ hay đột ngột đều do mình tính theo tình huống của truyện. lại còn phải lo cái "kết", "kết" có hậu hay không có hậu v.v... và v.v...
Như vậy là ngay khi tôi bớc vô con đường viết, tức thì đã có nhiều vấn đề đặt ra, và cũng không có ít vấn đề lớ ngớ, ấu trĩ. Tuy nhiên có một vấn đề được xác lập rất rõ là chủ đề và đề tài. Chủ đề và đề tài ấy chính là các mặt của cuộc sống kháng chiến. Làm sao có thể khác. Khi vận mệnh của dân tộc nằm giữa sự sống và chết, mà chúng ta thì quyết giành cho được sự sống.
Từ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, tôi ra tới Hà Nội năm 20 tuổi, vào cái năm mà sao bao hy sinh mất mát, chúng ta cũng mới giành lại được nửa nước. Nhưng một nửa nước ấy quá quan trọng. Nó quan trọng đối với cuộc cách mạng giải phóng và thống nhất Tổ Quốc đã đánh, nó còn rất quan trọng đối với những người viết trẻ chúng tôi. Thành thật mà nói thời gian ở miền Bắc tôi được học hỏi rất nhiều, nhưng không phải học ở trường vì tôi chưa hề kịp dự một trường trại viết văn nào. Tôi học ở sách, ở người, người đây là các nhà văn lớp trước, trong đó có những nhà văn thật sự có tài và nỗi tiếng mà tôi được đọc hầu hết tác phẩm của họ từ lúc còn nhỏ. Là một người viết trẽ, tôi hết sức quý trọng các anh chị ấy.T Trước hết là do đọc sách của họ, sau do nhờ sống chung biết được phẩm cách của họ. Phẩm cách lớn nhất là hầu hết họ đứng về nhân dân, đi theo ngay với cách mạng, với kháng chiến. Tôi về công tác ở Hội nhà văn vài tháng sau khi Hội thành lập, năm 1957, ở giữa những Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Kim Lân, Xuân Diệu, Tú Mỡ... Sau cuộc chống Pháp, có những người không còn nữa nhưng tôi vẫn ngó thấy họ hằng ngày nơi bức ảnh phóng lớn treo ở hội. Tôi nhìn bác Ngô Tất Tố, mỗi lần nhìn thì nhớ tới Tắt đèn, nhớ cái truyện ký rợn người Ăn bánh đất viết về nạn đói trên đều vó một đồng nước. Nhìn Nam Cao, tôi nhớ cái chết của Lão Hạc, cái chết của đứa bé trong truyện ngắn Mò sâm banh... Ngày ấy, tôi còn nhớ không có sự phân biệt, sự kỳ thị giữa già và trẻ.Ông Nguễn Tuân có lần nói với chúng tôi: "Trong sáng tác không có già trẻ gì hết, mỗi anh đều có cái sự sinh của mình, biết đâu cái thằng trẻ nó bật ra những cái bất ngờ mà mình không có được!"
Năm 1958, trong chuyến đi thực tế về cảnh Hải Phòng, tổ trưởng tổ tôi là anh Nguyên Hồng. Anh đã chỉ cho tôi cái ngõ lầm thanh nơi ngày xưa anh viết Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu, làm cho tôi sực nhớ tới chuyện ngày ấy đến giấy viết bản thảo anh còn không cođ để viết, còn bây giờ mình có bao nhiêu là giấy tốt mà viết không được thì quá dở. Một đêm trên bến cảnh, tôi hỏi anh: "Tôi thấy ông Gorki bảo mở đầu một truyện ngắn không nên là một câu đối thoại, anh Hồng thấy thế nào?". Ngẫm nghĩ một lúc lâu anh bảo tôi: "- ái à, mình cũng có đọc thấy Gorki nói như thế, nhưng theo mình nghiệm không nhất thiết như thế miễn sau đó ta miêu tả ngay cái tình huống phát ra lời đối thoại đó!" Tôi để ý thấy các anh chị lớp trước như anh Nguyên Hồng, mỗi khi giải đáp điều gì dù nhỏ về sáng tác cho lớp trẻ chúng tôi, cũng đều chu đáo, cẩn trọng. Cũng từ chuyến đi thực tế đó, sau nhiều tháng theo tàu bồng bềnh trên biển, tôi viết được mấy truyện ngắn, khi về Hà Nội, anh Nguyễn Huy Tưởng kêu tôi đọc cho anh nghe, rồi động viên và góp ý rất rỉ mỉ. Lúc đó anh cũng vừa đi Điện Biên về, hàng ngày đến nhà số 19 Tôn Đản, nơi chúng tôi dành cho anh một phòng để viết cho xong cuốn tiểu thuyết Bốn năm sau. Có lẽ do tôi may mắn, mà cũng có lẽ không khí môi trường văn học trong những năm ấy êm lành,cho nên giữa trẻ và già không có chuyện. Riêng việc tiếp thu, kế thừa, tôi cũng có một nhận thức rõ ràng. Ngoài vốn sống là điều cốt tử làm nên tác phẩm, ngoài năng lực thể hiện mà mình tự lượng sức có được tới đâu, tôi đọc và rút lấy những gì tốt nhất, phù hợp cho sáng tác của mình. Nói như anh Xuân Diệu là phải biết bỏ cái gì, lấy cái gì và biết biến thành cái của kình. Tôi không bao giờ quan niệm văn học lại có thể cắt rời truyền thống, không có trước có sau. Gần đây tôi thực sự ngạc nhiên về một số ý kiến cổ súy cho sự cắt rời, lại còn kêu lớp trẻ đừng chịu ảnh hưởng áp lực của thế hệ viết trước. Tôi không hiểu đó là áp lực gì. Đã là một người cầm bút, người ấy phải có đủ trí tuệ để phân định dở, hay rồi toàn quyền tiếp nhận hoặc gác bỏ, chứ không chịu áp lực của ai cả. Chỉ có điều: nếi ai chối bỏ sự hay thì điều đó đồng nghĩa với sự dại.
Văn học của một xứ sở, theo tôi dù muốn hay không, đó vẫn là một cuộc hành trình liên tục, tự nhiên giữa các thế hề cầm bút, chỉ có khác là mỗi thế hệ gánh vác những sứ mệnh khác nhau, và sứ mệnh ấy không thể tách rời vận mệnh chung của đất nước. Tôi còn nghĩ nhà văn cũng giống như mọi con người, đều có thời vận của mình. Những người cầm bút ở lứa tuổi chúng tôi có một thời vận khá đặc biệt. Chúng tôi hầu như lọt gọn vào cuộc chiến trường kỳ, kéo dài tới ba thập kỷ. Như trên tôi có nói cuộc chống Pháp sau khi đem lại cho chúng ta nửa nước là miền Bắc vào cuối năm 1954, thì liền đó, Mỹ tự cho mình có sức mạnh và tài cao hơn Pháp, tức thời nhảy vào miền Nam. Thật ra, miền Bắc những năm ấy gọi là hòa bình, nhưng đó là một thứ hòa bình không yên trong mỗi bữa ăn, trong từng giấc ngủ, vì tình cốt nhục, vì máu chảy ở trong kia cũng chính là máu ngoài này đang chảy. Tôi sống những năm miền Bắc yên lành, nhưng đạm bạc và dè sẻn bởi miền Bắc phải lo toan đêm ngày cho một nửa nước đau thương bên kia vĩ tuyến 17. Tuy biết vậy, nhưng vào đầu năm 1962, khi lên đường về Nam, tôi mới biết rõ hơn. Vượt trường Sơn giữa mùa mưa lũ, tôi đã nhìn thấy một quyết tâm vĩ đại, mà khi ở Hà Nội tôi không thấy hết., Chúng tôi đi đường cùng với bộ đội và dân công người Thượng. Năm ấy chưa có đường lớn, chưa có ôtô, binh trạm. Con đường có chỗ hầu như là độc đạo. Bộ đội phải đưa pháo nhích lên từng bước trên những triền núi cao mưa tuôn xối xả, các cụ già và em gái người Thượng cõng trên vai những kiện súng,những hòm đạn nặng oằn người. Họ ở trần, đóng khố, khiêng vác từ ngày nầy sang ngày khác, đêm đến nghỉ lại trong những lều lợp bằng vỏ cây. Họ được cấp gạo nhưng tự túc thức ăn, thường ăn củ mây non, nấu trong ống tre,nhạt thếch vì không có muối, mặc dù họ là người coi quản các kho muối giấu trong rừng, nhưng muối ấy họ không rờ tới một hạt, chỉ dành cho bộ đội.
Năm 1962, tôi để lại sau lưng mình miền Bắc, Hà Nội, Hồ Gươm như để lại những năm tháng yên bình với bao kỷ niệm đẹp, và đối diện với con đường, rừng núi ngút ngàn, nơi trận đánh lớn từ xa được chuẩn bị rất sớm với quyết tâm dự dội, nhưng âm thầm, kín đáo. Một lần nữa tôi khâm phục Đảng, về quyết tâm ấy. Khi đất nước còn bị chia đôi, khi Bắc Nam chưa được xum họp một nhà thì vì ý nguyện lớn của dân tộc, không bao giờ Đảng dừng lại ở một Điện Biên, mà phải làm một Điện Biên khác, lớn hơn để giải phóng cho được miền Nam. Trên từng chặng đường, tôi tự nhủ... chuyện nầy mình phải ráng viết, và dự tính khi về tới Nam Bộ, sẽ viết tiểu thuyết. Điều tôi ngại nhất là chưa kịp thâm nhập chưa kịp viết gì đã chết. Bởi vì về Nam rất dễ chết, có khi chẳng phải chết vì bom đạn mà chết vì sốt rét trên đường, nhất là loại sốt ác tính.Thứ sốt này không cho con muỗi onophène mà do con muỗi mang vi trùng phanciferum. Tôi không ngờ chính điều tôi lo ngại đã xảy đến. Suốt trên ba tháng đi đường, tôi luôn bị đói, nhưng chưa hề bị sốt.ở gần cuộc hành trình, lúc về tới bờ sông Sài Gòn thì tôi bị sốt, và là sốt ác tính. Tôi lâm vào cơn hôm mê suốt bốn ngày đêm, và thoát chết nhờ một quân y sĩ cũng từ Bắc về, trên đường qua trạm, nghe tên tôi, anh đã tự nguyện vào trạm cứu chữa cho tôi bằng hết số thuốc mà anh ấy mang theo trong ba lô. Khi tôi tỉnh hẳn thì anh ấy đã ra đi. Về sau, nghe anh ở sư 9, tôi có đi kiếm, nhưng sư đoàn cho biết anh đã tử trận.
Trách nhiệm trong cuộc sống chiến đấu, riêng và chung cứ như thế, đổ xuống vai người viết chúng tôi, trong đó trường hợp Nguyễn thi cũng giống hệt như tôi, vì Nguyễn Thi củng bị sốt nặng, được y tế trạm cứu thoát, rời khỏi nầy trước tôi vài tháng. Cũng chính tại trạm giao liên bên bờ sống Sài Gòn nầy, vào một buổi đầu đêm, khi cơn sốt đã dứt, tôi nằm trên võng ôm chiếc rađiô transitor, vừa mở ra bỗng nghe Đài tiếng nói Việt Nam đang phát bài tường thuật Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ hai Tiếng anh Nguyễn Đình Thi đang trình bầy báo cáo. Rồi là anh Nguyên Hồng, giọng sôi nổi, hùng hồn. Tôi mỉm cười tự nhủ: "Các ông ấy đâu có biết mình đang nằm bẹp ở xó rừng nầy!"
Vâng, tôi đã phải nằm bẹp ở xó rừng ấy tới hơn một tháng sau mới đi tiếp được. Dù chặng còn lại chỉ có ba ngày là tới Hội Văn nghệ Giải phóng. Tôi ở Hội nghỉ dường ít lâu, rồi lên đường đi về miền Tây Nam Bộ, vùng đất tôi quen thuộc từ hồi chống Pháp. Tôi đi ngang ấp Bắc, lúc xóm làng còn nghi ngút khói sau trận đánh oanh liệt đầu tiên phá vỡ chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận M133 của giặc. trực thăng và xe lội nước Mỹ bị bắn cháy nằm lển nghểnh trên đồng. Tôi đi qua Đồng Tháp Mười, dự một trận đánh trực thăng đổ bộ, ghi lại được các chi tiết mà về sau tôi đưa vô truyện ngắn Khói. Tôi về Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau bắt đầu viết bút ký. Do một sự tình cờ, bài ký đầu tiên lại là bài ký dưới hình thức một lá thư gởi anh Nguyễn Tuân. Số là một hôm ở giữa rừng đước, nơi một cái nhà cất trên các trang rễ đước, bài anh em ở văn phòng Ban Tuyên huấn đem đến cho tôi ba bốn tờ tuần báo Văn nghệ. Tôi mừng quá chụp lấy đọc, thì thấy trong một số báo có đăng bài ký của anh Nguyễn Tuân nhan đề Khi nào đất nước thống nhất, tôi sẽ vô đâu trước hết?
Đây là một thiên tùy bút ký sự hoàn toàn hư cấu, nghĩa là chỉ do anh nghĩ ra, vẽ ra chớ anh đâu đã đặt chân tới Cà Mau. Nhưng khi đọc xong, tôi lại hết sức xúc động, vì tình yêu anh dành cho mũi đất cuối cùng, cái chốnanh ví nó là ngón chân cái chưa khô bùn vạn dậm. Anh hư cấu, nhưng hư cấu tài tình, vì dụ các tên làng, tên xóm, tên xẻo rạch anh kể ra trúng phóc hết, cả cái bầu trời Cà Mau mùa mưa "ong ong tái tái" cũng trúng luôn mới là hay.Nhưng tôi không lạ, vì ba cái vụ nầy anh tỉ mẩn hỏi chúng tôi ở Hà Nội và ghi sổ tay. Ngờ đâu bây giờ anh đem ra xài. Có điều rất lạ là khi coi ngày tháng số báo Văn nghệ so với ngày đọc tôi thấy chỉ cách có bảy ngày. Vậy bằng con đường nào tờ báo đến tận Cà Mau nhanh như vậy.
Hỏi lại kỹ, hóa ra đây là những tờ báo lèn trong các hòm súng đã đi từ Hải Phòng vô bằng đường biển. Đêm hôm ấy, tôi ngồi giữa rừng đước, viết bức thư gởi Nguyễn Tuân, đó là bức thư Cà Mau. Viết tới sáng thì xong. Vì muốn gởi bức thư này đo thật mau, tôi đến cơ quan thông tấn xã Giải phóng miền Tây đóng gần đó, năn nỉ cô điện báo viên chuyên đánh tin bằng điện minh ngữ đánh giúp tôi về Đài phát thanh Giải phóng ở trên. Banđầu cô ta do dự, bảo đang đánh tin chiến sự. Tôi nói cái nầy cũng là một thứ tin chiến sự đấy, cô ta cầm lên coi, chưa hết nửa trang cô dòm tôi, tươi cười nói: "Anh viết gởi cho ông nhà văn ở ngoài Bắc hả?" Được, em đánh cho anh, nhưng em phải đánh chen, hai bữa mới xong. Năm bữa sau, đêm nằm bắt chương trình Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, tôi nghe xướng ngôi viên đọc trọn Bức thư Cà Mau với lời giới thiệu rất xôm, rằng đây là thư của một nhà văn trẻ ở Cà Mau gởi nhà văn Nguyễn Tuân, rằn đây là mối giao lưu từ mảnh đất chiến đấu ở xa nhất Tổ quốc gởi về thủ đô Hà Nội trái tim của đất nước v.v... Tại Hà Nội, bức thư đó được ông Khương Minh Ngọc ở Đài tiếng nói Việt Nam ghi âm. Sáng hôm sau, ông Ngọc chạy tới nhà ông Tuân mở băng cho ông Tuân nghe. Hai ông lấy làm thích thú, nhưng không biết "anh Đức là ai" rồi đoán chắc là một thằng viết trẻ nào đó ở Cà Mau!". Sau đó mới vỡ ra tại 51 Trần Hưng Đạo, do cô Loan vợ tôi cho biết.
Sau khi nhận được "Bức thư Cà Mau" anh Tuân làm luôn một bài ký gởi cho tôi. Tôi bèn phúc đáp anh ấy một bài khác. Cứ thế giữa tôi và anh mỗi người viết sáu bài. Nhớ một đêm qua sông Cửu Long, vừa đặt chân lên bờ đất một cù lao ở giữa sông, tôi bật đài, đúng vào lúc chinh anh Tuân kêu: "Anh Đức ơi, Anh Đức à!" nhưng rồi tôi phải vội vã tắt ngay, vì cô giao liên nạt tôi và chỉ về phía trước bảo cách đấy năm trăm mét là vòng rào ấp chiến lược, bộ muốn chết cả đám hay sao.
Từ đó trở đi, trong cuộc chống Mỹ, tôi đã cố gắng thực hiện dự tính sáng tác của mình, từ bút ký đến truyện ngắn, đến tiểu thuyết. Tất cả các sáng tác ấy bạn đọc đều đã biết, mà chính tôi cũng tự biết, cái gì được và cái gì chưa được. Tôi vẫn nghĩ, sáng tác văn học đâu có dễ, ví dụ truyện ngắn viết mười lấy lại được một hai cái cũng là khó. Hôm nay nhân 50 kỷ niệm một chặng đường dài của đất nước và của văn học, tôi muốn nói rằng sáng tác của chúng tôi dù hay dù dở, dù mạnh dù yếu, thì đó vẫn là sự hết lòng, cố gắng trong công việc, để góp sức cùng bộ đội dân công, cùng bà con cô bác trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng mình thật may mắn, được sinh ra, sống là viết trong một thời đẹp đã, chẳng những đẹp từ nét vinh quang cao cả mà còn đẹp từ sự chịu đựng bao cuộc đau thương, mất mát, ly biệt. Tôi chẳng chút hối tiếc những năm tháng ấy. Tôi có thể nhận ra và loại bỏ các yếu kém trong sự thể hiện một cách không tiếc rẻ, nhưng luôn yêu quý, luôn cất giữ trân trọng giữa lòng mình những nơi chốn, những con người mà tôi từng biết, từng lấy nguyên mẫu để xây dựng thành những nhân vật như một ông già kia ở Xảo Đước, một ông lão nọ ở Vườn Chim và những người con gái như chị Tư Hậu, chị Sứ...
... Với lại giờ đây, tôi hãy còn hiển hiện trước mắt tôi trong một cánh rừng xa, cứ mỗi ngày qua dường như thêm sâu thẳm, anh Nguyễn Thi vác tới cho tôi một bị trà, thuốc,bảo tôi ráng lưu lại Đại đội anh hùng, khai thác một anh hùng xã thủ đã từng bắn chết 202 tên Mỹ, đê viết. Giờ đây, tôi hãy còn nhìn thấy Lê Anh Xuân trước buổi đi về vùng phụ cận Sài Gòn, trao cho tôi bài thơ Dáng đứng Việt nam, để rồi không bao giờ trở lại. Và tôi còn nhìn Vĩnh Hòa bị trúng đạn tử thương ngã vật vào một bờ đìa cạn, trên tay còn cầm súng - sau một ngày cùng bộ đội đánh tả quyết liệt hàng chục đợt tấn công của giặc.
Để có được một nền văn học gọi là nền văn học cách mạng, nền văn học mới, các thế hệ nhà văn Việt Nam đã phải trả giá bằng máu. Từ Trần Đăng, Thôi Hữu, Thâm Tâm, Nam Cao, Trần Mai Ninh... rồi tiếp đến Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hòa, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ... Bản danh sách các nhà văn Việt Nam hy sinh vì trang viết chân chính còn dài. Tôi hy vọng Hội Nhà văn chúng ta trân trọng giữ gìn, kể cả việc xét cần lập nên một bảo tàng văn học cách mạng. Hy vọng các nhà lý luận - những người ở trong cái bộ phận vô cùng quan trọng của văn học làm nên một bộ sách tổng kết, biên khảo, đánh giá thật đầy đủ mọi giá trị mà anh chị em nhà văn Việt Nam chúng ta đem lại bằng máu xương, tâm huyết trong một thời lửa đạn, bi tráng, hào hùng.