Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chìm trong bão biển

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 364 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chìm trong bão biển
Lê Vũ Hương Duyên

- Hậu xụi!
Tiếng một thằng con trai vang lên đâu đó rồi bỗng lao ra từ một ngách hẻm cười cười, giằng lấy những túi xách, bịch xốp trên tay Hậu, chạy theo. Hậu cười, nhận ra thằng Xanh, bạn thuở cháo còng.
- Cám ơn! Đỡ quá. Khỏe hả?
Thằng Xanh không nói gì, nghếch mặt ra giữa trời chiều, cười ngoác cái miệng rộng tuyênh toang, phóng khoáng thay cho câu trả lởi đủ nghĩa. Tim Hậu bỗng cồn lên một thứ tình cảm hỗn độn giữa những phố mới san sát nhà tàn, những gương mặt thân quen xuôi ngược, những tiếng biển rì rầm, những hơi gió mặn… Và lũ con nít ào ra cuối xóm “Hơ… chị Hậu xụi! Chị Hậu xụi về kìa! Hơ… hơ…” đua tranh nhau nắm bằng được vào tay vào áo Hậu. Và những người lớn cũng ùa ra ngoài cửa, ai cũng cười tươi. Hậu cứ mãi quay bên này cười, quay bên kia cười, mặt đỏ hây, môi run lên vì mỏi. Tình cảm cứ dâng lên dạt dào. Hậu thầm cảm ơn trời đất đã xui Hậu trở về, nếu không giờ này còn nằm ở thành phố có lẽ Hậu sẽ điên. Mà thôi đừng, đừng nghĩ tới thành phố nữa. Hậu bước vào con hẻm cuối cùng dẫn thẳng vào nhà Hậu, thằng Xanh vụt chạy trước, lắc lư nặng nề vì đồ đạc, lũ con nít hùa theo.
- Thím Tư, chú Tám ơi! Con Hậu xụi về này.
Hậu nghe ruột rối lên, sôi bỏng, thấy mẹ và cu Tý tíu tít chạy ra, dượng cũng như chạy đằng sau ngất ngưởng. Mấy đứa con nít nhường lại tay cho cu Tý và mẹ, dượng đỡ lấy đồ từ tay thằng Xanh. Hậu thả em, ôm mẹ khóc oà. Mấy đứa con nít tản đi, thằng Xanh cũng gật gật rồi rút lủi.
Chiều hôm sau, Hậu chạy ngược nhà thằng Xanh, đeo theo một nùi con nít, rủ soi còng. Thằng Xanh cười, đôi mắt sáng ngời lên…
- Ờ, ờ! Thùng và vỏ xe có chưa? Mà thôi để tao lo chuyện đó. Mày nhớ để bụng lửng lửng, còng mùa này lên nhiều lắm!
Nó kéo dài chữ “nhiều” và nhấn mạnh chữ “lắm”, mắt nheo nheo. Hậu bật cười, thấy thằng Xanh cứ như thằng con nít, hăm mấy tuổi đầu rồi chứ ít ỏi gì đâu! Cứ tao tao, mày mày. Hậu bỗng nhiên lại nhớ đến em Ti, máu chạy một cái rật lên đầu, ù tai, cay mắt. Hậu lắc lắc đầu như để xua đi, rồi cười gượng.
- Ừ, sẩm tối Xanh qua gọi tui nhe! Mấy đứa đợi anh Xanh hú rồi theo qua nhà chị, chị đợi đó.
- Dạ! Lũ con nít đồng thanh.
Vẫn váng vất nghĩ đến em Ti. Giờ này chắc em Ti đang tréo mảy trên quầy, đánh môi son, vừa la lối thằng Quang và cu Nhật, vừa rung đùi hát theo trong máy. Hậu rùng mình, quay lưng:
- Nhớ há Xanh! Tui đợi đó.
Rồi vùng chạy, lũ con nít hà rầm chạy theo, nước mắt Hậu tạt lại đằng sau như mưa đổ. Hậu không biết giờ này Hùng ra sao, chợt thấy nhớ anh quá. Hôm qua dượng và mẹ cũng hỏi thăm anh. Mẹ thì cứ hỏi xoắn lấy em Ti:
- Ti nó sao rồi con?
- Dạ, em cũng khỏe.
- Vợ chồng nó có thuận hòa không?
- Dạ cũng bình thường.
- Thằng cu Nhật…
- Cu Nhật khỏe, học hết lớp lá rồi mẹ ạ, nó nói chuyện nhiều lắm, nó khôn lắm rồi. Nó thương con lắm. Nó cứ theo đòi con bao giờ dì Hai về ngoại thì nhớ cho con theo nữa. Nó…
Hậu kể thật nhiều về thằng cu Nhật để mong khỏa lấp mọi điều mẹ muốn hỏi về em Ti. Hậu sợ Hậu sẽ không kìm nén được, Hậu không muốn nói với mẹ những lời nói dối. Hậu sợ Hậu sẽ lại khóc, Hậu sợ sẽ làm đau mẹ. Và hơn tất cả, Hậu không muốn làm tắt niềm tự hào đang cháy sáng bừng trong mắt mẹmỗi khi nói về em Ti. Tội nghiệp mẹ! Hậu nghe nhói ở lòng.
Hồi nhỏ, lúc mẹ chưa lấy dượng, chưa đẻ em Tý, nhà thật nghèo. Hậu nhớ, Hậu thường cõng em Ti ra đụn cát đồi dương, chờ mấy anh chị lớn sẩm tối đốt đuốc đi soi còng là ké theo. Ban đầu Hậu bị thằng Xanh đấm đá ra trò. Một lần, sau năm lần, bảy lượt nhịn, Hậu quyết định đặt em Ti xuống, bảo tránh ra xa rồi khoanh tay đứng đợi. Đợi khi thằng Xanh hung hăng nhào tới, đợi cho nó đụng vào người, Hậu mới ôm lấy cổ nó, vật xuống cát cái “bịch”. Rồi ngồi trên lưng nắm tóc xách ngược đầu lên, đến thằng Xanh phải la oai oái. Hậu nghiến răng “Mày chừa chưa?”, em Ti lúc đó được dịp chạy tới, chân trước bước lên, chân sau dạng ra thủ thế chạy, đấm với vào mông thằng Xanh thùm thụp. Đến mấy anh chị lớn và lũ nhỏ cũng vây lại xem, mà thằng Xanh ngổ ngáo đành vừa khóc vừa van xin: “Mày thả tao ra, tao không dám nữa đâu, mày tha tao đi, tao thề là từ nay về sau không dám đụng đến mày nữa”. Mà thật, từ đó về sau thằng Xanh cứ thấy Hậu trừng mắt là khiếp vía. Có bữa, mấy anh chị lớn soi dài xuống bãi dưới, Hậu cõng em Ti đi theo đến phù cả cẳng chân, nằm mấy ngày không cử động được, hai đầu gối thừ lừ, nóng đỏ, thức thì chớ, ngủ thì rên, làm mẹ cứ chong chong suốt sáng. Mấy anh chị lớn hay tin, lệnh cho thằng Xanh qua nhà Hậu mượn cái nồi, rồi bưng đến một nồi đầy cháo. Mùi cháo còng thơm lên tận óc. Em Ti háu đói cứ chồm vào giữa nồi mà húp, húp lấy, húp để, mẹ thì cứ nhìn nó mà cười. Suốt những năm tháng dài tuổi nhỏ, Hậu cứ theo đuổi mãi mê những chú còng. Mà hình ảnh Hậu lom khom lượm lặt, trên lưng là lắt lẻo một em Ti, cũng làm như một con còng lớn xác, vô tâm. Những con còng suốt cả cuộc đời chỉ biết dày vò tả tơi lòng cát vốn đã chẳng mấy được bình yên. Hậu mỗi ngày một lớn, những anh chị lớn mỗi ngày một lớn rồi lẫn mất vào trong cuộc đời. Và không biết tự bao giờ, Hậu trở thành kẻ đầu đàn cầm đuốc, dí thẳng vào mặt cát săm soi, chân bạo ngược đá ngay những vật gì đen thui di động, nó sẽ bật ngửa ra, nằm chờ những kẻ nheo nhóc cầm thùng theo sau lượm. Có con khi được lượm đã chết ngắt tự bao giờ, những con còn sống có lạo xạo chửi nhau trong thùng cũng không còn gì là sáng sủa. Rồi đem về khi đêm đã quá khuya, còng đã ngót hơn một nửa thùng, đổ mớ mớ vào một cái cối đá to, giã cho bấy nát, đổ vào gạc, vắt nước vào nồi lớn, lược lại cát, nấu. Cũng nêm hành tiêu như “cháo nghèo” Thị Nở nhưng mùi vị thì phải nói “giết người”, suốt cuộc đời sẽ không quên được. Nấu xong, ai ăn tại trận thì ăn, vừa ăn vừa chí chóe. Còn không thì về nhà xách đến mỗi đứa một cái nồi con. Hậu và em Ti cứ lớn lên bằng những tháng ngày lặn lội khuya khoắt với những nồi cháo còng như vậy.
Đêm nay, thằng Xanh đi đầu cầm đuốc soi và đá còng. Chân Hậu bây giờ đã khó đá. Hậu theo sau cầm thùng và lũ con nít âm thầm như thể nếu làm ồn còng sẽ chạy mất tiêu, chỉ để lượm. Rồi đem về cũng một tay thằng Xanh giã, nấu. Hậu xem như đã “lụt nghề” rồi. Và đem ra một chồng tô, muỗng bắt đầu mới ầm ĩ la hò. Lũ con nít nhặng xị:
- Chị Hậu xụi! Cái xe hơi chị mua cho em giờ nó không chạy nữa.
- Chị Hậu xụi! Cái điện thoại di động của em nó điếc rồi.
- Chị Hậu xụi! Con siêu nhân chị cho em nó chết rồi.
- Chị Hậu xụi!…
Chỉ có thằng Xanh là không có gì, không nói gì, cứ cười ngoác cái miệng rộng tuênh toang, lơ đãng một cách vụng về. Hậu nhìn thấy dưới mắt nó đã có những đường nhăn, thằng Xanh chuẩn bị già! Bất giác, Hậu vuột hỏi:
- Oâng có bồ chưa Xanh?
Đỏ mặt, thằng Xanh ngửa mặt cười.
- Con nào dám thương tao.
Hậu nheo mắt, nhướng mày:
- Xanh lấy vợ được rồi đó.
Thằng Xanh cười răng rắc, mắt không nhìn Hậu nhưng mặt cứ đỏ lừ. Một lúc, nó vụt chạy vào trong xách ra một cái nồi, lớn hơn những cái nồi cỏn con bên cạnh.
Cháo còn nóng hổi, Hậu đậy kín nắp, ràng dây, bỏ vào bịch xốp, tạt mua thêm xị đế xách về. Đã khuya, dượng vẫn thức, nằm trên ghế salon, nghe radio, chờ Hậu. Chia tay với thằng Xanh và lũ nhỏ lao nhao “Mai đi nữa nha chị Hậu xụi”, nó lụi đụi chạy vào nhà. Dượng mắng:
- Coi chừng té!
Hậu không buồn. Giữa Hậu và dượng bao giờ cũng có một mối đồng cảm thật thâm sâu. Dượng là thương binh cụt mất một chân, đi bằng chân giả, nếu có chạy dượng cũng đâu khá gì hơn Hậu. Mẹ đã ngủ trong buồng với em Tý. Hậu đặt bịch xốp lên bàn, mở ra, mời dượng:
- Ba! Cháo còng ngon lắm. Có xị đế con mua, ba uống ly, nhắm vài chén cháo còng ngủ cho khỏe.
- Ờ, ờ! Cám ơn con… thu xếp ngủ đi, để đó ba, con gái thức khuya nhiều không tốt.
Hậu dọn cho dượng một cái chén, một cái muỗng, một cái chung rồi đi thay đồ, treo mùng ngủ. Chợt nhớ hồi nhỏ em Ti hay sanh nạnh “Chị Hậu trung mèo đi, em mệt quá hà!”, nhói lòng. Nhớ lại những năm tháng đã qua, Hậu kinh hoàng vì những đổi thay khôn lường của em Ti, những năm tháng hai chị em rong ruổi soi còng, những năm tháng cõng em qua con đường đến trường cát bỏng. Hai chị em chỉ cách nhau một tuổi nhưng Hậu lớn xác, mạnh bạo và đen thui, còn em Ti thì trắng trẻo, nhỏ nhắn và tiểu thơ. Hậu nhớ đến nao lòng những buổi trưa hai chị em trèo lên động cát, nắng chang chang, để hái trái keo ăn. Rồi chia nhau, mắt em Ti cứ hau háu vào những trái keo gồ mà lúc đó Hậu cũng không có lòng nhường nhịn. Những buổi tối, hai chị em cùng lũ bạn chơi dàn quân ngoài động mả, mỗi đứa một phe, bắn giết nhau ì xèo. Những buổi sáng hai chị em dắt nhau lên đồi hái mồng bát ăn, vì không chịu nổi thèm thuồng trước những ổ bánh mì, tô bánh canh chả cá thơm lừng, những trái bắp luộc ngọt ngào mà lũ bạn vẫn được ngốn vô tư. Có lần hai chị em ăn phải trái thầu dầu tây, về nhà trúng độc, say lộn ruột gan, mỗi đứa mỗi đầu hồi chổng mông lên mà ói… Năm Hậu học lớp chín, em Ti học nửa chừng lớp tám đã nghỉ, nó trúng tuyển vào lớp múa của một đoàn nghệ thuật. Mười bảy tuổi nó báo tin lấy chồng giữa lúc Hậu chưa biết yêu là gì, mặc dù xung quanh có hàng bồ những anh chàng mắt sáng quắc, mặt rạng ngời lúc nào cũng dõi theo từng bước chân của Hậu. Giữa lúc Hậu đang phải nghỉ học, vừa qua cơn tai biến để lại dấu tích suốt đời làm “Hậu xụi”. Lúc đó mặt em Ti còn non như một em bé, thằng chồng nó cũng vậy. Hậu hỏi “Sao mà gấp vậy?” thì nó trả lời bằng cách nói của một người lớn, sành sỏi, tỉnh như không “Có bầu tám tháng rồi!”. Hậu nhìn nó. Sững sờ!
Đám cưới em Ti mẹ buồn không đến dự, dượng cũng không, chỉ có Hậu ngơ ngáo, lăng xăng làm đại diện họ đàng gái. Ngày em Ti sanh mẹ nói “Mẹ không có thời giờ, con dọn đồ xuống ở nhà giúp em”. Hậu khăn gói xuống nhà em Ti khi chồng nó theo đoàn đi lưu diễn. Giúp nó ẵm cháu, quạt than, nấu cơm, đi chợ. Làm mọi việc, kể cả giặt những cái quần đen loang đỏ cả thau nước đầy và những cái tã giặt ra lềnh bềnh, bã bệu nổi đầy thau mà không thấy gớm. Vài người lớn căn dặn Hậu rằng cố gắng đừng làm em Ti buồn để em Ti lên cơn sản hậu. Rằng “Mày ráng giúp nó mai mốt nó giúp lại mày”, rằng… Lúc đó Hậu dù mười tám tuổi đầu sao vẫn quá vụng về, lại khù khờ và chậm chạp. Làm em Ti cứ buồn, cứ hậm hực khóc hoài. Năm sau, Hậu được đi học lại lớp mười hai. Em Ti bỏ chồng khi Hậu vào Đại học chưa đầy một tháng, em kể, không có tiền nuôi con, em phải bỏ múa đi làm tiếp viên ở nhà hàng mà chồng em cứ đánh đập em hoài. Hậu cay đắng thương em. Nhớ lúc mới vào trường, nhận thư em viết “Chị Hậu ơi, em nhớ chị quá! Bữa nhà mình liên hoan cho anh Vũ con ba lên đường đi nghĩa vụ, em có về nhà nhưng chị đã đi rồi. Chị biết không? Bữa đó em lận trong lưng quần ba chục ngàn giấu chồng em về nhà cho anh Vũ. Giờ nghĩ lại em thương chị quá, chị là chị ruột của em mà chị đi học xa em cũng không giúp chị được đồng nào. Hay là chị đợi em vài bữa, em sẽ gởi cho chị năm chục ngàn…”. Hậu đã khóc ròng. Hậu cảm thấy sao mà mình bé nhỏ, không khôn lớn hơn em Ti được chút nào. Nhưng một ngày em Ti bỗng ôm con lên thành phố, Hậu điếng cả người. Em Ti làm sao xoay xở được? Người thành phố họ đa mưu lắm. Mà em Ti lúc đó thì bé bỏng biết dường nào. Hậu khuyên em trở về, thật nghiêm khắc, vợ chồng lục đục rồi cũng sẽ êm xuôi, em hãy ngoan, hãy nghe lời chồng dạy và hãy nhịn. Đặng cho con em có đủ cha, đủ mẹ, đừng giống như chị em mình lúc nhỏ, cực lắm. Em Ti không chịu, bỏ trốn quanh quất trong thành phố. Hậu vừa thương vừa giận em Ti. Em Ti cũng giận Hậu, hai chị em thành ra xa cách. Một lần, Hùng bỗng chở em Ti đến chỗ Hậu, bảo rằng đã bảo lãnh cho em Ti ở phòng nữ trong KTX của anh, xin cho em làm ở một nhà hàng và gởi cu Nhật vào một nhà trẻ nội trú. Hậu tím mặt, cháy lòng vì giận. Hùng là bạn thân của Hậu khi hai đứa còn học trung học, Hùng tốt bụng, chân thành và rất tôn trọng Hậu. Song việc Hùng bao che cho em Ti rồi lại tiếp tục đẩy em vào cái chốn bùn nhơ ấy thì thật là quá đáng, Hậu không sao chịu đựng được. Giận điên cuồng. Nhưng rồi Hậu đã buông xuôi, cảm thấy mọi sự đã nằm ngoài tầm tay với. Sau này, Hậu bảo em Ti đem cu Nhật về chỗ Hậu cho đỡ hao tốn mà Hậu cũng muốn được gần gũi cháu. Được hơn học kỳ thì Hậu ra trường, thế là ra khỏi KTX, hai dì cháu mướn phòng trọ ở. Có lúc em Ti lại, thấy hai dì cháu trụng mì gói ăn chung cơm nguội, cứ như đứt ruột, cứ bần thần. Ít lâu sau, em Ti kể đang ở với một “khứa” Đài Loan, Hậu kinh ngạc thấy tim mình không đau lên nữa. Một bận khác, em Ti dắt Quang đến “Người yêu em, được hôn ?” “Hiền” “Ừ, hiền lắm, tụi em sẽ cưới nhau” “Còn…” “A Kim hả? Chờ khứa mua nhà cho em xong về Đài Loan, nắm được giấy tờ nhà trong tay em sẽ tìm mối bán, rồi dông luôn” “Tội chết ” “Tội gì! Có vay có trả cả đó chứ”. Hậu giật mình thấy mình đang xót đau cho mất mát của người ngoài mà quên cả đau xót cho chính máu mủ mình. Và Hậu thấy mình, một cách hèn hạ đến khốn cùng, cứ buông xuôi, buông xuôi mãi trước những đổi thay của cuộc đời. Mà tâm hồn thì chai lạnh.
Buổi sáng, Hậu thức dậy khi mẹ đã đi làm, dượng lụi hụi xếp những vỉ cá lên giàn phơi.
- Con dậy rồi à! - Dượng hỏi.
Hậu xuống giường, đánh răng, rửa mặt rồi lọt thọt chạy ra giàn phơi, thoăn thoắt:
- Ba để đó con, ba nghỉ uống trà đi.
- Ờ, cám ơn con. Công việc của con dạo này ra sao? - Dượng vừa phủi phủi tay vừa hỏi.
Hậu nhăn mũi cười:
- Vẫn thất nghiệp đó ba. Từ lúc ra trường con gởi đi nhiều hồ sơ xin việc lắm, được mời phỏng vấn cũng nhiều. Nhưng ba tin không? Vừa thấy con, họ chỉ việc nhìn vào đôi chân con là cho ra ngay câu trả lời trong mắt.
Hậu thổ lộ với dượng điều đó một cách tự hào. Tự hào vì đôi chân khập khiễng, mà cách đây năm năm tai nạn đã xảy ra, trong một lần trên đường từ trường về. Lần đó, Hậu thấy một đám đông vây lấy một đàn ông hành hung một đàn bà. Người đàn ông hung hãn “Con đĩ kia! Hôm nay mày phải chết với tao, tiền của tao mày đem cho thằng nào hết, hử?”, người đàn bà tội nghiệp cứ chấp tay vái lạy, van xin. Máu nóng sôi lên trước cảnh bất bình và khi mọi người vẫn trố mắt thóc mách ra xem thì Hậu lao vào ôm lấy người đàn bà, đón ngay hòn gạch lớn từ tay người đàn ông bạo ngược vào đầu, rồi ngã xuống. Hậu tỉnh lại ở bệnh viện với bao điều tệ hại, một tay một chân nằm về một phía không còn cử động được, miệng lưỡi cứng lại, không thể nào cười nói. Mẹ phải đút từng muỗng cháo khó khăn. Lũ bạn vào thăm cứ nắm lấy tay Hậu “Mày nhớ tao không? Nhớ thì nháy mắt với tao một cái…”. Những anh chàng mắt sáng, môi tươi cũng lũ lượt đến thăm, nhưng rồi lại lần lượt lảng đi một cách âm thầm. Chỉ có Hùng là người ở lại, duy nhất, mỗi khi Hậu mở bừng mắt ra. Từ đó Hậu đứng lên, ngẩng cao đầu, cà thọt bên Hùng vững chãi, nắm chặt tay nhau đi cùng trời.
- Con còn giúp Ti bán quán không?
Nghe dượng nhắc đến em Ti, tim Hậu lại đau thót lên, Hậu cười buồn, thấy mắt đã cay, và mọi điều xảy ra lại cồn lên, cuồn cuộn trong lòng Hậu.
- Em Ti không cần con giúp nữa.
Hậu thấy cổ họng mình nghẹn lại, khát khao chia sẻ được dịp bùng lên, dâng trào. Nhưng không lẽ kể cho dượng nghe rằng em Ti đã quay trở lại tìm Hậu, sau một thời gian cùng Quang bỏ trốn với 10 ngàn đôla gạt được của A Kim, để báo tin rằng “tụi em sẽ khai trương một quán cà phê vào ngày mai, chị và anh Hùng qua phụ tụi em với”. Để rồi ngày khai trương khách đến thật đông, em Ti ngồi tréo mảy trên quầy, gọi ra đằng sau “Cà phê đá!”, “Đá chanh!”, la ra đằng trước “Hậu, tính tiền!”, “Hậu, khách vô, làm ơn đứng lên dùm em một cái, đừng có ngồi nữa được không?”, “Hậu, bàn số bảy có khách sao không báo?”, “Hậu, bàn này chưa tính tiền. Hậu đưa tiền cho em hồi nào?”, “Hậu, nãy giờ có mở hộc tiền em ra không?”, “Trời ơi, chìa khóa hộc tiền đâu mất rồi Quang? Hậu có thấy không?”… Và cứ thế suốt từ sáng sớm đến quá nửa đêm, Hậu hoa mắt, tim như không còn đập được nữa, nước mắt đầm đìa vì ngợp. Em Ti vẫn ngồi trên ghế quầy cao “Hậu coi làm được thì chớ, còn không để em kêu người khác chứ khách đông mà ngợp lên ngợp xuống kiểu này chắc không được rồi đó”. Không mảy may nghĩ rằng chị mình đau đớn thế nào, không nhớ được rằng chị mình tật nguyền, trong khi mọi người xúm lại hô hấp nhân tạo cho Hậu cứ cuống lên. Em Ti vẫn thản nhiên bày tiền ra đếm. Ngày hôm sau, Hậu nghỉ ở nhà vì giận. Song sự đời luôn là thế “Có thực mới vực được đạo”. Hậu sau một ngày trôi qua uống nước trừ cơm vì cạn túi, lội qua Hùng, thấy Hùng nằm dí trên giường tầng KTX cũng đói meo. Hậu lòng đau như cắt. Cuối cùng Hậu nghĩ, thôi thì, làm gì, ở đâu cũng vậy, thay vì mình lọt thọt đến một quán cà phê lạ để xin một chân rửa ly tách, sao không trở lại chỗ em Ti? Hậu kéo Hùng theo, dù sao ở chỗ em Ti cũng có được bữa cơm “bao ăn” cho người làm. Em Ti vừa soi gương, đánh phấn vừa bảo: “Cũng được thôi, chỉ sợ khách đông mà Hậu ngợp một cái là không ai chạy…”. Hậu nói ngay “Không! Chị chắc là không ngợp nữa đâu” thấy cổ họng mình nghẹn đi. Ngày hôm sau, em Ti phát cho Hậu năm ngàn đồng tiền ăn sáng. “Em chỉ nhận một mình chị thôi, không nhận anh Hùng đâu nha!”. Bữa cơm bao ăn nào Hậu cũng chỉ ăn lưng chén, bởi vì Hùng vẫn còn thất nghiệp. Hùng không biết điều này, càng không nghĩ được điều em Ti nghĩ, nên vẫn lăng xăng chạy bàn, dọn ly, lau rửa và pha cà phê uống như một người nhà. Điều đó làm Hậu đôi khi cũng nhói lòng. Xót xa hơn nữa là khi những vị khách phong lưu xỉa tiền boa trắng trợn, Hậu dáo dác tìm ánh mắt nảy lửa của Hùng, chỉ bắt gặp một cái nhìn đồng ý. Cho đến một ngày em Ti gọi “Hậu vào đây em nói chút chuyện. Hậu cũng biết ngay từ đầu em đã bảo là không nhận anh Hùng, quán xá em buôn bán phải có lời, Hậu nói anh Hùng bớt uống cà phê lại”. Hậu dù biết trước vẫn điếng đi giây lát “Anh Hùng chỉ uống một ly cà phê mỗi ngày, nếu…”, “Không phải một ly mà là ba ly!”, “Chết, em nói vậy mà không sợ mang tội sao Ti?”, “Chính mắt em thấy ảnh mới uống cà phê hồi trưa này nè!”, “Là bởi vì buổi sáng ảnh không… thôi được rồi, chị sẽ đền cho em số cà phê thất thoát đó”, “Vấn đề không phải vậy, tại sao em phải cưu mang anh Hùng? Anh chỉ là người dưng”. Máu nóng phừng phừng dâng lên mặt, Hậu muốn vả vào mặt em Ti một cái “Ai đã cưu mang em lúc em mới chân ướt chân ráo lên thành phố?”. Nhưng rồi Hậu kìm lòng. “Thôi thôi, chị hiểu, đừng buồn nữa, chị sẽ nói anh Hùng” bởi vì Hậu nhớ ra mình mới là người nhờ vả em Ti, em đang cưu mang mình. Khách gọi, đưa lên ly đá có dính cọng xác trà, Hậu ào ra xin lỗi và bưng vào. Em Ti nhìn hằn học “Ai lấy?”, “Chị đâu biết”, “Con Bé có lấy không?”, “Dạ không”, “Trong phòng có ba người, con Bé không lấy, em không lấy, còn ai?”. Em Ti vừa hậm hực đổ mấy tách đường còn dư vào hũ lớn vừa cằn nhằn “Đường đem vô cũng không biết đổ vào hũ, làm biếng vừa phải thôi”. Hậu máu nóng đang dồn lên tận óc, cơn tức giận bên trong có thể sẽ khó lường, giọng em Ti lại gay gắt “Đường dính cà phê ai đổ vào đây?” Hậu chồm dậy “Em sao vậy? Em vừa đổ vô đó!”, “Ờ phải rồi, cái gì cũng em, Hậu đâu có lỗi đâu”. “Nhưng mà…” Hậu nghẹn ngang, nước mắt tuôn trào, không thể hiểu được em Ti nữa, tai ù, mắt hoa, rơi phịch xuống ghế, ngợp.
Buổi chiều, em Ti mời Hậu vào trong quầy “Em có việc này muốn nói với Hậu, thế này Hậu à, chị thì yếu ớt, bệnh hoạn, em thì nóng nảy, chị lúc nào cũng bảo thủ không chịu nghe em”, “Nhưng mà chị là chị của em, cái gì đúng chị bảo đúng, cái gì chị làm sai chị nhận ngay, bởi vì chị là chị. Chị thấy em lúc này quá lắm, em còn sợ chị lấy tiền của em nữa kìa”. Em Ti mặt câng câng, nói giọng nhẹ nhàng “Biết đâu được! Trong khi nói thẳng ra chị cũng là người làm của em, mà lại là chị của em nữa, không lẽ em cứ xài xể chị như những người làm khác, cho nên…”. Hậu nuốt ực cái nghẹn ngang nơi cổ, nước mắt lại trào ra “Thôi được, chị hiểu, em muốn cho chị nghỉ đúng không?”. Giọng em Ti như một lưỡi dao “Đúng, hôm nay em cho chị nghỉ việc”. “Chị hiểu” Hậu ngửa mặt lên trần, che giấu những chua xót hèn hạ của mình, nghe lạnh toát dọc sống lưng. Vẫn tiếng em Ti “Nhưng mà chị đừng nghĩ không tốt cho em, chính vì em thương chị, em muốn tình cảm chị em mình sẽ tốt đẹp hơn”. Không chịu đựng được nữa, Hậu vụt chạy vào trong gom góp những vụn vặt của mình trước cặp mắt dò xét của em Ti, ngẩng cao đầu, bước ra khỏi quán. Lúc đó, Hùng vẫn đi xin việc chưa về, Hậu nghe tiếng em Ti lùng bùng bên tai “Nếu chị cần, thay vì trả lương chị ba trăm ngàn, chị ở nhà, em sẽ gởi cho chị số tiền đó hằng tháng”. Hậu quay lại, quắc mắt nhìn em Ti “Chị không cần! Chị có thể sẽ nhịn đói chiều nay, ngày mai và những ngày sau nữa, nhưng chị là chị của em, dứt khoát, hiểu không?”. Hậu khóc oà khi đặt bước chân đầu tiên ra ngoài địa phận quán, khóc tức tưởi trên đường về rất xa, mặc thiên hạ nghĩ gì. Được một quãng thì Quang phóng xe Dream theo “Chị Hậu lên em chở về cho, chị giận Ti chứ em đâu có lỗi gì”. Hậu bật cười khan trong cổ họng, thấy tội nghiệp thằng Quang.
Về với biển, Hậu cảm thấy tâm hồn thư thái, cùng thằng Xanh ngoác miệng rộng ra mà ha hả, vô tư và lũ nhỏ đi soi còng tíu ta tíu tít, cứ thấy lại những ngày bé thơ. Có những đêm Hậu một mình chong đuốc đi soi còng, đá bằng cái chân lỏng lẻo khi trúng khi không và lượm đầy rồi lại đổ đi. Rồi lại lượm… không biết để làm gì. Có khi trời đổ mưa, Hậu trở về ướt sũng, thùng không có một con còng nào. Dượng cứ chắc lưỡi xót xa. Có những đêm nằm mơ cứ chìm trong bão biển, không thể nào ngoi lên, tâm hồn thì trĩu nặng một tội lỗi mơ hồ.
Thế rồi, Hậu quyết định ra đi, rủ thằng Xanh soi còng bữa cuối, nấu cháo bữa cuối cùng thật ngon. Hậu đem cà-mên đến. Thằng Xanh vẫn ngoác miệng ra cười, nhưng ngửa mặt giấu đôi mắt không còn vô tư nữa, lũ con nít xúm xít buồn rầu. Hậu quyết định ra đi.
***
Xe khuya. Dượng tiễn Hậu ra bến dặn dò “Khéo khéo, cháo sẽ đổ đầy mình con ạ”. Hậu cảm ơn dượng rồi ra đi. Vừa đỗ bến, Hậu tức tốc đón xe ôm về quán, tay nắm chặt xách cà-mên cháo còng vẫn còn rất nóng. Lao vào quán với một ý nghĩ lạ lùng. Quán vắng tanh, thấy thằng Quang lịch sự:
- Chị Hậu mới đến! - Rồi lảng lảng đi ra đằng trước.
Cu Nhật chạy ào ra:
- Dì Hai, dì Hai! Hôm nay con được nghỉ học, Sao lâu quá dì Hai không qua chơi? Con nhớ dì Hai lắm. Mẹ đang ăn phở kìa.
Hậu nhìn qua cửa sổ phòng pha chế, thấy em Ti đang ngồi ăn sáng, bình thản, lạnh lùng, có nhìn ra nhưng rồi lại cúi xuống tiếp tục ăn, không nhúc nhích. Hậu quyết định bước vào, trên tay trĩu nặng càmên cháo còng. Có lẽ em Ti nghĩ Hậu lại đến nhờ vả em chuyện gì chăng? Có lẽ hai mươi hai tuổi đầu, em Ti vẫn đáng thương vì bé dại
 
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 242

Return to top