Tình yêu
Lê Vũ Hương Duyên
Khu nhà trọ được cất trên nền một miếng đất hình tam giác, phòng em ở bên phía cạnh huyền, phòng tôi nằm giữa hai cạnh góc vuông, từ cửa sổ phòng tôi nhìn qua bên phía ấy có thể thấy rõ từng gợn sóng hơi nước từ nồi cơm em nấu bốc lên. Có một cây chùm ruột ở khoảnh sân nằm giữa hai dãy phòng, trĩu trái.
Tôi không nhớ rõ lúc nói với em điều đó thì tôi đã nói ra sao, nhưng vẫn nhớ rằng mình đã rất thật lòng. Khi tôi đến thuê phòng trọ, em mới chỉ là một bé con, một cô bé nhí nhảnh xinh tươi, và hoàn toàn có thể gọi tôi bằng chú nếu em muốn. Nhưng em đã gọi tôi bằng anh và mẹ em thì gọi tôi bằng con, cháu. Ngộ thiệt!
Em có một người anh trai nghiện ma túy, một người chị gái lấy chồng chỉ để có nơi đào mỏ . Mẹ em không chồng và thằng em trai của em là con của một người đàn ông đang có một gia đình yên ấm. Bao nhiêu đó điều đủ để cho người ta ngần ngại khi muốn đến với em. Nhưng tôi đã yêu em bằng tất cả tấm lòng, cũng ngộ thiệt.
Tôi nhận ra em đẹp khi em bước vào trung học, với chiếc áo dài trắng muốt lúc đến trường, nhìn em như một thiên thần, bừng sáng vào lòng tôi. Em cười, như nắng tràn về khắp nơi và đôi mắt em mang đến cho tôi một ngọn gió mát lành. Em thường đem đến cho tôi niềm vinh dự to lớn, được chép bài cho em mỗi khi em không thể đến trường, bạn bè em mang tập đến cho em mượn. Em luôn thưởng tôi bằng những câu khen ngợi kèm theo một nụ cười làm tôi muốn đứng tim - Đẹp!", ý nói chữ tôi viết vào tập em coi đẹp. Đó là sự thật, nhưng lời khen ngợi của em làm cho tôi phấn chấn ghê hồn.
Năm em lên lớp mười một, tôi đã trở thành người thân thiết của gia đình em, bất cứ ai trong nhà em cũng có thể sai tôi những việc vặt vãnh. Chở em trai em đi học, ghé shop đồ lưu niệm chở giùm chị em về, và nhất là mẹ em, người tôi thường xuyên đưa đi rước về ở nhà thờ. Người chỉ hơn tôi có chín tuổi, mà lại trông quá trẻ. Bà con trong khu nhà trọ có lẽ cũng có điều ra tiếng vào, với những ánh nhìn kỳ cục. Tôi chỉ có thể phớt lờ vì yêu em.
Cuối năm em học lớp mười hai, tôi chính thức nói với em điều tôi mang mãi trong lòng đó và em đã khóc òa. Ôi, em yêu! Em như đấm vào ngực tôi một cú thoi trời giáng với cái tin Em sắp xuất cảnh”, gì vậy không biết nữa? Trời hành tôi sao? Em kể rằng Mẹ và bác - Em kêu chồng của dì em bằng bác - đã hoàn tất mọi giấy tờ rồi! . Tôi nghĩ nếu lúc đó mình nói em hãy ở lại, chắc em đã không nỡ ra đi. Bởi vì tôi biết, khi dì em bảo lãnh mẹ em thì chỉ có em và thằng em trai là đủ tuổi đi kèm, còn chị và anh trai em vẫn ở lại nơi này. Em có ở lại cũng đâu phải bơ vơ. Nhưng tôi đã không nói, vì sao tôi cũng không biết nữa. Và em thì cứ nhất định với một tinh thần sẽ ra đi.
Dạo đó, mẹ em nhờ tôi chở đi công chuyện nhiều hơn, có khi chẳng công chuyện gì cấp bách, chỉ vào quán cà phê nói chuyện vẩn vơ, trong khi ruột gan tôi như lửa đốt, chỉ muốn được ở gần em. Mẹ em thật lòng không hiểu ý tôi sao? Lúc nào tôi cũng thấy mẹ em tươi cười hớn hở được. Còn tôi cứ như người ở cõi trên. Có khi em nói: Mẹ kỳ lắm, cứ như là mẹ ghen mỗi lần em và anh đi chơi về trễ . Tôi không nghĩ như em, tôi nghĩ mẹ em đang ngấm ngầm một mưu toan nào đó. Sau này tôi mới hiểu, đó chính là mưu toan chia cắt, mẹ em muốn em chỉ lấy chồng Mỹ, hoặc đúng đắn nhất là có được một thằng rể thật lắm tiền.
Từ nhỏ tôi vốn được nuôi lớn từ cái nôi vọng cổ. Là người ở quê nên dù có đi xa mải miết phương trời nào, chỉ cần nghe một bài ca tân cổ giao duyên vào buổi trưa là nỗi nhớ quê nhà lại da diết trong tôi. Vậy nên tôi thường không bỏ được thói quen nghe chương trình ca nhạc cải lương ở trên đài vào những buổi trưa. Đối với tôi, những vần điệu đó giống như những lời ru của mẹ tôi thuở nhỏ, đã thấm vào huyết mạch tôi, làm giấc ngủ trưa của tôi ngon hơn, sâu hơn, tiếp thêm sinh lực cho tôi vào những buổi chiều khi trở lại công ty với bộn bề công việc. Nhưng một trưa hè, tôi chợt nghe chát chúa giọng của chị em:
- Trời đất ơi! Coi thằng chả kìa, hết chuyện nghe rồi hay gì vậy mà!
- Kệ người ta đi! - Giọng em khe khẽ thì thầm như sợ làm đau ai.
Tôi với tay vặn nhỏ cái volume, mà mặt mày nóng ran, cảm giác như mình đã làm chuyện gì động trời vậy, tự nhiên xấu hổ sao đâu. Và rồi tôi vặn nhỏ hơn, nhỏ hơn rồi tắt trong lén lút. Bên kia, nhà em vang lên chát chình nhạc rock, rap rất model, thời thượng. Chị em với váy ngắn cũn cỡn nhún nhảy theo nhạc điệu, đằng sau tấm rèm che cửa sổ. Mẹ em với đồ bộ mỏng tang ôm sát, phơi ra những đường cong da thịt, cầm mấy chai dầu gội đắt tiền ra bể nước vừa đi vừa cười bằng mắt, lúng liếng liếc mấy gã đàn ông cả trẻ lẫn sồn sồn trong khu nhà trọ đang nhìn ngắm, cười dê. Em nhìn sang cửa sổ phòng tôi cười mỉm mỉm, trông em như một thiên thần tinh khiết.
Tôi dành dụm được một số tiền kha khá, không tiếc nuối gì khi đưa mẹ em vay để làm giấy tờ, thực lòng tôi chỉ sợ mất em. Và khi mẹ em nói cần thêm, tôi cũng không ngại đi chạy vạy, với suy nghĩ nếu chi kham khổ thì trả hết mấy hồi. Và thực sự tôi cũng không hề tính xem đã đưa cho mẹ em tất cả là bao nhiêu. Tôi chỉ biết có em. Tôi biết những cuộc cãi vã, to tiếng mắng mỏ em là vì tôi. Chị em và mẹ em nạt nộ: Thiệt chưa thấy ai ngu cho bằng, đi chơi cả buổi mà có nhiêu đó cũng không khai thác được! , nghe giọng em thật hiền: Tự nhiên hỏi về tiền bạc của người ta làm gì? Con không muốn mẹ dính dáng tới tiền của ảnh nữa". Nhưng nếu trong tài khoản nó còn tiền, biểu nó mua nhà đi, tao cho nó cưới mày liền! , Mẹ... Thôi đi! . Dường như là em khóc, tôi nghe ruột nhói lên. Chỉ cần có vậy là tôi cưới được em sao? Ước gì tôi có thật nhiều tiền.
Khi đó, lòng tôi luôn chao chát một niềm mong, mong cưới được em làm vợ. Tôi sẽ nâng niu em như những món đồ pha lê dễ vỡ hay sẽ đưa em về quê với mẹ hiền của tôi, tôi cũng chưa biết. Nhưng tôi biết một điều, những gì em coi là hạnh phúc, tôi sẽ luôn cố gắng để mang về cho em, cho gia đình yêu dấu của tôi, trong đó có em và cả các con nữa. Tôi miên man với những tháng ngày tương lai tươi đẹp ấy, bỗng thấy một niềm nhớ dâng lên xen lẫn làm rạo rực trong lòng. Tôi lại với tay tới cái nút tuner ở trên dàn máy, băng tần, làn sóng luôn cài sẵn bật lên làn điệu âm thanh quen thuộc, thiết tha. Tôi liếc qua phía cửa sổ phòng em, thấy em đang cắm cúi học bài. Tôi lén lút lấy headphone đeo vào, ngả lưng, chợp mắt. Không biết tôi chợp mắt được bao lâu như thế, nghe thoảng nhẹ có hơi ấm một bàn tay thơm tho nào đó gỡ cái tai nghe làm tôi thức giấc. Tôi thấy em ngồi trên mép giường của tôi, em cười sao lạ, nước mắt ứa vòng quanh. Tôi tròn mắt không hiểu chuyện gì.
- Em nghe nữa được không? Anh làm gì khổ sở vậy? Mỗi người có một sở thích riêng mà! Thấy anh vậy em không chịu được đâu!
Em vừa nói xong thì cúi mặt tránh né, với tay vặn cái volume cho vừa đủ hai đứa tôi nghe cùng, gương mặt đẹp thoáng một nụ cười hiền, trông em càng đẹp. Nhưng tôi lặng người bởi nhận ra rằng em còn đáng yêu hơn rất nhiều so với những gì tôi biết, em quá sâu sắc. Tôi nhận thấy vòng tay tôi ôm ghì siết lấy em, báu vật của lòng tôi.
Bác em về, chỉ một mình thôi. Ăn ở, ra vô, thậm chí nhiều đêm ngủ lại tại nhà em vợ. Tôi nhận thấy trong mắt em luôn chan chứa nỗi niềm. Có lần em đã cho tôi coi hình của dì em ở Mỹ, và tôi hiểu. Dì em đã quá già, trong khi mẹ em còn mơn mởn, dù đã có bốn đứa con. Và dù chị Hai em đã hăm ba tuổi, mẹ em cũng chỉ mới bốn mươi. Và tôi hiểu, có trời cũng không ngăn cản được. Những ngày bác và mẹ em đi du lịch, chỉ còn mấy chị em ở nhà, tôi được có em gần như là trọn vẹn. Nhưng em luôn buồn, nỗi buồn lớn lắm, khiến tôi không cách gì làm em vui lên. Đã vậy tôi lại thường hay mở tân cổ cho em nghe cùng. Chỉ một lần trước lúc em đi, em làm tôi nhớ mãi, lúc đó, đã khuya rồi. Em gõ cửa phòng tôi và ào vào như mang theo dông bão. Gục mặt vào lòng tôi, em khóc như một đứa trẻ bị đòn oan, thật lâu mới nín được. Em run rẩy: Mẹ em và bác... quá lắm rồi! Em vừa nhìn thấy mẹ em thay đồ, và mấy vết bầm hằn lên đầy trên ngực mẹ". Tôi, tuy ra đời trước em những mười năm nhưng với mấy chuyện này tôi còn khờ khạo quá, nên cũng đau xót không kém gì nỗi đau mà em đang gánh chịu. Lẽ ra tôi phải lường trước được mọi điều, để chí ít cũng tìm ra cách nào đó an ủi em. Em quá nhạy cảm, tôi lo sợ em còn khổ dài dài.
Ngày tiễn em đi, ở sân bay Tân Sơn Nhất, tôi bình tĩnh lạ lùng, không ai tin là tôi cứng lòng được như vậy. Nhưng khi về đến phòng trọ, người ta nghe tiếng sấm rền từ phòng tôi. Tôi lịm đi một ngày trong đau đớn của cuộc chia ly. Những người hàng xóm xúm lại động viên tôi, rằng em còn trở lại. Tôi cũng không biết vì sao mình suy sụp đến vậy nữa. Tôi đổ bệnh mất một tuần liền. Sau đó tôi nhận được điện thoại em, kể rằng đã đến nơi an toàn và rằng em nhớ tôi kinh khủng. Cuối cùng tôi đã kết nối được với em. Những ngày nắng, những ngày mưa không làm tôi bệnh thêm một lần nào nữa, bởi ở nơi xa, em đã cho tôi một niềm tin cao vời.
Một năm, hai năm... tôi và em vẫn gặp nhau đều đặn, tình cảm ngỡ như vẫn ngọt lành, như những dòng sông êm mát ở quê tôi. Tôi thường mơ những giấc mơ thật đẹp, khi có em tung tăng bên mình trên con đường quen thuộc ở chốn quê. Bên những ruộng lúa vàng ươm, hơi thở em mát lịm. Những trưa hè nắng vàng rực khoảnh sân khu nhà trọ, tôi trèo lên tuốt những trái chùm ruột chua lè, em bưng cái rổ ở dưới, sàng sàng hứng. Hứng cả những trái chín tình yêu tôi rụng xuống. Đem về ướp đường, rim. Và em cứ như một thiên thần.
Một bữa, em nhận điện thoại tôi và nghẹn đi một lúc, nhưng không kể lể gì, chỉ khóc. Em muốn gì, gặp rắc rối gì nữa đây, tôi cố gắng hỏi mãi, nhưng em bảo không sao, chỉ thấy quá thương tôi. Trời đất!
Mãi sau này, tôi mới biết những gì em phải trải qua lúc đó, trên đất Mỹ, tại nhà dì em. Rằng khi đưa mẹ em và hai chị em em qua đó, bác em đã dọn sẵn một cái phòng ngay trong nhà mình cho cả nhà em tá túc. Ban đầu họ còn lén lút với nhau, khi dì em vắng nhà. Hoặc những khi cả hai đều đi vắng thì ông bác ấy gọi về nói chuyện với mẹ em không biết bao nhiêu lần trong một ngày. Thời gian mới qua, em phải đi học lấy bằng làm nail để kiếm tiền, rồi còn gói bánh chưng đem ra chợ bán. Ba năm nay, em kiếm được một số tiền đủ để đứng được một tiệm ăn cùng người bạn. Và em quyết mua xe trả góp để mẹ em không đi cùng xe với bác ấy, mua trả góp nhà có sự hỗ trợ của dì em, để tách họ ra xa hơn. Em không thể chịu được cảnh mẹ em với người anh rể công khai chứng tỏ quan hệ, ngay cả những lúc ở trong nhà, trước mặt dì em và hai chị em em. Tôi hình dung theo những lời em kể, thấy mẹ em lượn lờ, uốn éo cặp mông đẫy đà trước mắt ông bác, mắt liếc bén đẩy đưa những ý tình, áo váy cứ mỏng tang, lất phất, những cọ quẹt vô tình, ngực ưỡn ra gọi mời lộ liễu, khiến ông bác chết giấc từng cơn, khiến dì em rã rời, khổ sở. Và bởi vì tôi quá yêu em, nên những gì làm em không chịu đựng được cũng làm quặn thắt trái tim tôi. Em lại quá sâu sắc, nên em đau đớn nhiều.
Em nói đừng chờ em, vì em còn phải trả nợ nhà và xe ít nhất cũng phải đến ba chục năm liên tục đi làm. Tôi cũng không biết nữa, em nói sao tôi tin vậy. Tôi máng hớ hênh bọc tiền em "trả nợ cho những gì mẹ em trót vay tôi, ở bên hông xe gắn máy, chạy trên đường với đầu óc nhẹ tênh. Bọc tiền giá trị bao nhiêu, tôi càng không quan tâm, giá trị lớn nhất đã mất rồi, theo sự sòng phẳng này của em. Có vay thì có trả, nhưng có thứ em có hề vay đâu, sao mà tôi mãi theo đòi! Nghiệt ngã. Em nói tôi hãy lập gia dình. Em dặn tôi đừng bất công với bản thân mình nữa, để cho em yên lòng. Tôi nghĩ đớn đau "Còn em?”. Tôi yên lòng được với cuộc sống của em như vậy sao? Mấy hôm nay, tôi thường bị chảy nước mắt khi lau mặt, càng lau càng ứa, như nỗi đau trong lòng cứ thốn lên từng lúc, từng cơn. Tôi muốn gào thật lớn, cho vang mãi về phía em ở bên kia đại dương rằng Tôi chỉ có em thôi! Trọn đời trọn kiếp”. Và còn điều này nữa em biết không? Cả khi tôi có ngồi đằng sau cái lư nhang nghi ngút khói, tôi vẫn đợi em về nếu như tình yêu mà em dành cho tôi và mọi điều em đã kể tôi nghe là thành thật.