Người chơi đại hồ cầm
Anh Đức
Mấy ngày này sau hiệp định Paris ngưng tiếng súng rồi, tôi gẫm càng thương anh Hoài. Là cũng do sáng hôm nay nhân đi công tác qua căn cứ cũ chúng tôi có gặp lại cây đờn của anh Hoài. Nói đúng thì đó là xác một cây đờn, xác một cây đại hồ cầm.
Anh Hoài về cơ quan chúng tôi vào một mùa khô cách đây đã bảy năm, đương hồi giặc mỹ ào ạt đổ thêm quân để hòng cứu vãn cuộc chiến tranh đặc biệt của chúng vừa bị ta đánh bại. Tôi còn nhớ trong ánh nắng chiều đổ xuống cửa rừng, tôi bắt gặp một anh đeo ba lô trĩu nặng trên vai đang cố rướn người đi tới, đôi bàn tay mở xòe ra phía trước. Anh không còn trẻ nhưng cũng không thể bảo rằng già. Tuổi anh tuy có lẽ đã quá ba mươi và mặc dù anh mắc phải một nhược điểm là trán đã bắt đầu sói nhưng thoạt nhìn qua tôi biết ngay đó là một con người trẻ tính. Cứ coi đôi mắt luôn ánh lên vẻ hồ hởi của anh thì biết. Với lại cứ coi cái cười rộng miệng của anh là biết. Ngay buổi chiều đó, vừa mới đặt ba lô, anh đã tạo lập được một cái bếp nấu trà. Rồi lát sau anh đã tới "căng tin" cơ quan mua lấy hai gói trà hiệu "Vinh Quần" thận trọng nhét vô túi áo. Anh khẽ nháy mắt hỏi tôi, tuồng như đã quen tôi từ trước.
- Nè anh, trà "Con Beo" này có khá không?
Tôi cũng nháy mắt đáp:
- Khá, thứ này uống được!
Chỉ vậy thôi là giữa chúng tôi coi như đã hiểu nhau được một bước. Tối hôm sau, tôi đến chỗ anh chơi. Mới ngó thấy tôi anh nhoẻn miệng cười, rồi tức thì đi nhóm lửa. Tôi để ý cách thức nhóm lửa của anh mà có sự tín nhiệm. Bởi anh sửa soạn nhóm lửa rất công phu. Anh chịu khó chẽ củi nhỏ, xếp thành tầng rồi mới châm lửa mồi. Cho nên chỉ một chốc sau, lửa đã bùng cháy một cách bảo đảm, khiến tôi không hề nghi ngại là nó sẽ bị tắt nửa chừng. Vào tuần trà, anh tự giới thiệu:
- Tôi tên Hoài, còn ông?
- Tôi tên Đức.
- Anh Đức hả? Nè, sau cuốn "Bức thư Cà Mau", ông mần tiếp cuốn gì rồi?
- Tôi mới viết xong một quyển truyện đặt tên là Hòn Đất.
- Tôi có nghe nói.
Anh Hoài bảo vậy, đoạn ngó tôi cười ngượng nghịu:
- Tôi tính về sớm cùng mần ăn, cùng vui với mấy anh em mình mà xin hoài bây giờ mới về được.
Tôi hỏi:
- Nghe nói đoàn này anh mới về đều thuộc ngành nhạc nhưng thuộc khoản nào, sáng tác hay biểu diễn?
- Tôi chơi côngtơrơ bát.
- Anh chơi côngtơrơ bát?
- Dà.
Tôi nghe anh nói mà vui mừng đến xúc động. Văn công miền Nam đánh Mỹ bắt đầu bằng cây "măngđôlin", tiến lên cây "ắccọt", bây giờ tiến lên cây côngtơrơ bát thì không vui sao được. Song sự am hiểu của tôi về âm nhạc, nhất là về nhạc khí còn rất giới hạn, nên hỏi thêm, cố ý để tìm hiểu.
- Anh Hoài à, cây côngtơrơ bát mình kêu là gì?
- Kêu bằng cây đại hồ cầm, anh. Chánh danh nó là cây đại hồ cầm!
Giọng anh Hoài rõ ràng là phấn chấn hẳn lên. Tôi cũng vậy, tuy không sành gì về âm nhạc, nhưng lâu nay tôi hằng nghe anh em nhắc đến cây đờn này một cách nể trọng. Tôi cũng đã có dịp nghe tiếng đờn ấy trong những bản giao hưởng. Theo chỗ tôi hiểu, cây đại hồ cầm đóng một vai trò thể hiện không thể thiếu được trong bất cứ một bản nào mang chất hùng ca và trữ tình. Đó là một cây đờn trầm hùng. Đôi lúc nó nín im, nhưng khi nó cất tiếng thì nó dựng dậy mọi cây đờn khác. Cây đại hồ cầm chính là cây đờn có thể bật lên tiếng cồng âm vang vách núi. Có thể nghe nó hát về tiếng sóng gầm trong giông tố. Có thể nghe nó ca về tiếng bão rừng. Hơn thế nữa, nó còn có thể cho ta nghe thấy tiếng quân hò reo trên trận địa. Thảng hoặc, người chơi búng dây lẻ rời ra, gợi hình dung một bếp lửa đang âm ỉ chợt cháy bùng, gợi tiếng tách nứt nảy mầm của các chồi cây. Nhắc tới cây đại hồ cầm, tôi liền mường tượng tới mọi thứ ấy, có thể nghe thấy mọi tiếng ấy. Trong lúc đó anh Hoài vẫn lo châm nước. Sau mấy chung trà, anh "khà" một cách khoái trá, bảo tôi giọng say sưa:
- Ông Đức à, trong một dàn nhạc giao hưởng mà không có cây côngtơrơ bát thì coi như dẹp. Tôi hứa với Anh Đức, nếu vắng tiếng cây côngtơrơ bát, mọi cây dương cầm, vĩ cầm đều hỏng cẳng. Nói xin lỗi, nó là cây đờn nền. Từ ngày chơi cây đờn này, tôi mê nó lắm, chưa bao giờ tôi biết chán nó, Anh Đức à. à, không biết Anh Đức có được nghe lời định nghĩa đầy thi vị về cây đại hồ cầm chưa?
Tôi đáp rằng chưa. Anh Hoài lấy làm đắc ý, lẳng lặng rót thêm cho tôi một chung trà nữa, rồi anh ngồi nhớm tới, đưa ngón tay út khều nhẹ tôi, như lưu ý tôi hãy lắng nghe anh nói lên những lời long trọng. Sau một tiếng đằng hắng, anh xướng lên hầu như thuộc lòng:
- Cây đại hồ cầm, đó chính là cây đờn mẹ. Thật vậy cùng đứng bên những cây đờn khác và cùng trỗi tiếng, cây đại hồ cầm quả là một con gà mái dang rộng đôi cánh hiền mẫu tử mà ôm ấp lấy cả một bày con...
E tôi chưa tin, anh Hoài biện giải:
- Những lời đó không phải do tôi tự đặt ra đâu, đều là ở trong sách...
Giữa lúc tôi còn đang ngỡ ngàng thú vị về lời định nghĩa đầy chất thơ đó, thì anh Hoài lại bảo:
- Thiệt mà. Mấy cây đờn khác, sách cũng đều có lời xướng tụng. Ví dụ như cây dương cầm, cây vĩ cầm, cây phong cầm, cây nào cũng có hết...
Vậy rồi anh Hoài liền đọc tiếp cho tôi nghe các lời xướng tụng về từng cây đờn một. Tôi nghe thấy thiệt hay và tôi bèn tin rằng chắc có một quyển sách nào đó đã ca tụng các thứ nhạc khí như thế thiệt. Tôi đoán chừng có lẽ đó là một quyển sách thời cổ ở bên miệt Hi Lạp, La Mã, hoặc là trong một bộ bách khoa toàn thư chi đó. Nói chung tôi tin thể nào cũng có những lời lẽ như vậy, và mỗi lúc tôi càng cảm thấy tăng thêm phần thú vị. Chỉ có điều là cuối buổi trà đêm hôm ấy, một nỗi lo ngại áy náy bắt đầu chớm dậy trong tâm tôi, khi anh Hoài hỏi:
- Nè, nhưng mà ông nhắm coi ở đây sắm cây côngtơrơ bát cho tôi đờn có khó không?
Lúc đó tôi đã đứng lên định ra về. Nghe anh hỏi, tôi lưỡng lự rồi đáp:
- Sắm cây côngtơrơ bát ấy à, theo tôi thì không khó!
Thật là tôi chỉ có thể nói với anh Hoài như vậy. Tôi đâu thể và đâu dám làm tắt niềm hy vọng được đánh cây đờn, sự say mê khao khát mà anh đã để trọn đời mình vô đó. Chớ thực ra thì tôi biết chắc chắn rằng sắm một cây đại hồ cầm không phải là chuyện khó, mà cái khó nằm ở chỗ khác, là hoàn cảnh chiến trường có cho phép mang vác một cây đờn dềnh dàng như vậy đi trình diễn lưu động được không. Theo tôi thì điều này rõ ràng là gặp trở ngại. Vào cái năm đó, chiến trường miền Nam chúng ta đã trở nên thực sự ác liệt, khác hẳn hồi chiến tranh còn nằm trong hình thái đặc biệt. Giặc Mỹ ùn ùn vào cứu nguy cho quân ngụy đang có cơ bị quân ta tiêu diệt. Mới đây, ban lãnh đạo Văn nghệ đã có chủ trương xé lẻ các đơn vị biểu diễn nghệ thuật. Vậy thì anh Hoài, cùng cây đại hồ cầm mà anh say sưa ca ngợi rõ ràng là có gặp khó khăn. Tôi đã thấy khó khăn này từ đầu, và tôi càng thêm khổ tâm khi mà thời gian trôi qua, điều đó càng được chứng thực. Một năm, rồi hai năm, cây đờn vẫn chưa được sắm và anh Hoài vẫn đành ấp ủ hy vọng, chờ đợi. Song anh Hoài không chịu bó tay ngồi không, anh chuyển sang sáng tác ca khúc. Đáng tiếc là các ca khúc anh sáng tác ra không được hay, vì anh không chuyên về khoa ấy. Nhưng chúng tôi vẫn động viên anh cứ làm tới. Trong khoảng mấy năm đó, anh Hoài vẫn vui đều, vẫn trà lá đều với chúng tôi. Trán anh rụng thêm tóc nên có sói thêm ra, mà bên ngoài coi bộ anh vẫn không lo, vui vẻ hỉ hả như thường. Con người ấy được chúng tôi liệt vào loại ham vui có hạng trong cơ quan. Mặc dù anh đã đứng tuổi, và lo toan bề vợ con một cách lẳng lặng, ngoài mặt vẫn bảo rằng đám nữ ở cơ quan chưa có ai vừa ý anh. Anh đã từng đội bom B.52 chung với tôi nhiều trận. Có trận chịu đựng dồn dập hàng chục đợt. Mỗi lần trận oanh tạc của B.52 chấm dứt, trong khói bom còn bốc mù mịt, anh nhảy lên cười ha hả. Vừa phủi bụi đất bám trên áo quần, anh oang oang kể:
- Nghe tiếng nó hù tới là tôi đã bay ngay xuống giao thông hào liền. Mấy cha coi, tôi vừa bò tới xảy thấy có ai trườn cưỡi lên mình tôi. Tưởng ai té ra thằng Quốc Trung. Nó bò sau mà dám trườn qua người tôi, cái thằng thiệt hết biết!
Anh Hoài ở cơ quan một thời gian rồi xin đi thực tế ở Long An. Anh đi độ tám tháng thì về. Vào một buổi trưa, tôi nghe tiếng anh nói cười ngoài ngõ. Tôi mừng rỡ chạy ra đón. Anh Hoài cởi bồng bỏ xuống đất, nói rùm:
- ác liệt, ác liệt quá sức rồi mấy cha ơi. Bà con mình dưới ruộng lóng rày quần nhau với Mỹ kịch liệt. Anh em du kích đánh nó bằng hầm chông lựu đạn, thì nó xài bom pháo. Hễ một trái lựu đạn nổ là nó bắn cả ngàn trái pháo. Vậy mà bà con anh em mình chịu chơi lắm. Tôi bám hầm với anh em, tụi Mỹ càn vô ngồi ngay trên miệng hầm tôi hoài...
Nói thế rồi anh Hoài vội vàng vén ống quần lên tận bắp chuối:
- Đây nè, bị thương đây nè. Bị một trận bom bi ở kinh Bo Bo tưởng hy sanh rồi!
Tôi cúi nhìn vết thương bom bi nơi chân anh Hoài. Nói chung chẳng có gì đáng kể, vết thương chỉ bằng ngón tay út và đã hàn miệng. Tôi cười:
- ối, có vậy mà ăn nhằm gì. Nghe ông nói tôi cứ ngỡ...
Anh Hoài cũng cười, chống chế:
- Cứ ngỡ sao? Ê phải chém vè lại rừng tràm, mua năm chai "bi" chích mới lội về nổi đó cha.
Nhưng rồi liền sau đó anh rỉ tai tôi bảo rằng kỳ thật anh chỉ bị bom bi gãi ngứa thôi. Sau khi bị thương, du kích dìu anh ra mé rừng tràm cạnh sông Vàm Cỏ, nghỉ lại nhà dân. Một chị chủ nhà và một ông lão nông dân đãi anh ăn cá lóc bự cuốn bánh tráng rau sống đều đều. Nhờ đó mà anh mập lên chứ không sút sức chi hết. Thường là sau những chuyến đi đồng bằng về, anh Hoài hay giả đò cường điệu mức độ ác liệt của cuộc chiến đấu lên, để rồi đi tới cái kết luận là anh em văn nghệ mình chưa có mặt tại đó thì sáng tác coi như chưa thiệt. Sau chuyến đi Long An, anh Hoài có sáng tác được mấy ca khúc, trong đó có một bài đặt tên là Long An chiến thắng tưng bừng. Riêng về bài này tôi có nói với anh:
- Cái nhan đề đó sao tôi nghe không ổn. "Long An chiến thắng" là được rồi, đằng này lại thêm hai chữ tưng bừng nghe nó ham vui in hệt ông vậy!
Nghe lời phê bình của tôi, anh Hoài cười dễ dãi. Rồi anh phân trần rất chân thành với tôi rằng bây giờ anh chưa có dịp chơi cây đại hồ cầm thì anh phải xoay qua viết ca khúc. Ban đầu anh nói từ tốn dần dần bỗng nhiên anh phát nổi nóng:
- Làm ca khúc cho mấy ông nghe tôi phón chết cha tôi đi. Mấy ông khó tánh hay bắt bẻ đủ thứ. Mấy ông có giỏi thì làm thử coi!
Chúng tôi cười phá lên. Mặt anh Hoài đỏ gay:
- Thì tôi đã bảo rồi, nghề tôi là chơi côngtơrơ bát. Từ ngày về đây tôi chưa có được đứng bên cây đờn của tôi mà. Mấy ông thử kiếm cây côngtơrơ bát về tôi đánh cho coi. Nếu tôi mà chơi dở thì tôi xin chịu tội...
Bây giờ khi anh Hoài nhắc tới chuyện đó là tôi nín im, không dám cười nữa. Bởi thực đúng như anh nói, anh có phải là một nhạc sĩ sáng tác đâu, anh là một nhạc sĩ đại hồ cầm. Và là một nhạc sĩ đại hồ cầm có cỡ, hết lòng yêu nghề, đã từng có chân trong một dàn nhạc giao hưởng. Cái sở vọng của anh Hoài là chỉ mong sao được đánh vào chính cây đờn của mình, cây đờn mẹ như anh thường nói. Tôi cũng thành tâm mong mỏi như anh. Cấp lãnh đạo cũng mong như vậy. Chỉ có vấn đề là hiện nay hoàn cảnh chưa cho phép. Anh Hoài biết rõ, nên anh không thắc mắc, mà chỉ lo lắng. Vào những đêm rừng an tĩnh, anh trở mình trên võng tâm sự:
- Mấy ông viết văn mà bỏ lâu thì viết lụt phải không? Tụi tôi cũng vậy. Lẽ ra ngày nào cũng phải dượt đờn. Thế mà tôi đã bỏ bẵng gần hai ba năm nay không hề đụng tới. Kiểu này chắc tôi phải bỏ nghề quá.
Một lần nữa, tôi lại nói với anh Hoài một câu an ủi:
- Tôi thì tôi tin ông không đến nỗi phải bỏ nghề. Thế nào rồi đây ông cũng sẽ có dịp đứng bên cây côngtơrơ bát của ông mà bật búng lên cho anh em nghe những tiếng hào hùng!
Đang nằm trên võng, anh Hoài ngồi bật dậy ngay:
- Đó! Chẳng thà nói như ông... Thiệt mà, tôi dám hứa với Anh Đức, xin miễn có cây côngtơrơ bát là tôi đứng đánh mấy ông nghe nhất định thấy hứng lên liền!
Anh Hoài tiếp:
- Nói là nói vậy, chớ hô có đờn, tôi dượt mấy hồi. Mình còn dám chịu nghèo vì bạn, lẽ nào không dám đổ mồ hôi lên cây đờn ruột của mình sao. Xin miễn là có cây đờn cho tôi dùm cái đi!
Chúng tôi đã có cây đờn cho anh Hoài, chừng vài tháng sau đó. Nhờ sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình của tất cả anh em, chúng tôi đã sắm được cho anh Hoài một cây đại hồ cầm. Cây đại hồ cầm này không phải sắm bằng tiền, mà sắm bằng tình, tình yêu người nghệ sĩ muốn có cây đờn để phục vụ cách mạng. Việc đóng nên cây đờn thiệt là một sự kiện lịch sử. Kẻ bàn vô người nói ra. Có anh bảo đóng cây đại hồ cầm đâu phải là chuyện dễ. Gỗ nó phải là gỗ thông. Và kỹ thuật đóng đờn này là phải nhường cho các xưởng đóng đờn lớn. Nhưng ý kiến của số đông anh em là cứ mạnh dạn đóng, dẫu chất lượng có kém cũng không sao. Có người bảo hễ mình đánh được thằng Mỹ thì cái gì cũng làm được, kể cả việc đóng cây đờn này. Rốt cuộc đi đến kết quả là cương quyết đóng. Người được chọn ra đóng đờn là anh Thà, vốn là thợ mộc, đã từng đóng nhiều cây đờn dân tộc, và cũng đã từng đóng hẳn cho mình một cây vĩ cầm để kéo chơi. Vậy là anh thợ Thà đóng vai người thợ chính đóng cây đại hồ cầm, cái cây đờn anh chưa hề ngó thấy bao giờ, chưa hề nghe tiếng hát của nó bao giờ. Nhưng anh Thà có nhiều sáng kiến, chịu khó và khéo tay. Anh Hoài của chúng tôi lập tức hì hục vẽ kiểu đờn cho anh Thà coi theo đó mà đóng. Khu rừng chúng tôi không có thông, thành ra phải đóng bằng gỗ thau lau. Thứ gỗ thau lau (cũng có tên gọi là bằng lăng) này thì rừng chúng tôi có sẵn. Cây thau lau được cái nhẹ. Trong căn cứ của chúng tôi, có những cánh rừng thau lau lớn, vỏ thau lau vằn vện loang lỗ như lốm đốm ánh trăng. Anh em đã ngả một cây thau lau lớn nhất, xả ván. Anh thợ Thà liền bắt tay vào việc, với sự hướng dẫn thường trực của anh Hoài. Chừng mươi bữa sau, cây đờn hoàn thành. Khổ dựng cây đại hồ cầm hiên ngang sừng sững trước mắt mọi người. Chỉ còn lại công việc cuối cùng là tiện trục đờn. Anh Thà hì hục loay hoay thêm mấy bữa rồi cũng tiện xong. Suốt những ngày đó, anh Hoài chộn rộn lui lui, tới tới. Có anh lo lắng cho cây đờn đóng xong mà chưa có dây đờn, nếu đợi gởi mua thì chưa biết chừng nào mới có, trong khi đợt đi biểu diễn đã gần kề. Thì khi ấy anh Hoài giơ tay như chào, nói tĩnh rụi:
- Yên chí, anh em cứ yên chí!
Anh Hoài lục lọi trong ba lô ra một cái túi. Thì ra anh đã thủ sẵn một bộ dây đờn từ hồi nào. Cái buổi sáng anh Hoài vô dây đờn, tôi có mặt ở đó cùng vui với anh, và cùng xúc động với anh nữa. Anh Hoài khẽ đưa tay lên vuốt tóc, rồi bắt đầu vô dây, vặn trục. Tiếng trục của cây đại hồ cầm kia bật lên ken két, và mắt anh Hoài chợt rân rấn hoe đỏ. Bấy giờ nhìn anh Hoài, tôi có cảm tưởng như anh Hoài là một kỵ sĩ bấy lâu tạm dừng gót chân phiêu lãng, giờ đang thắng lại yên cương cho con tuấn mã để sửa soạn rủi rong. Thỉnh thoảng anh Hoài đưa mắt nhướng nhìn tôi, có ý như vui vẻ bảo: "Ông tin đi, rồi ông sẽ thấy một con gà mái dang rộng đôi cánh hiền mẫu tử ôm ấp cả một bầy con". Khi thử đờn, anh Hoài khêu búng từng dây một, lắng nghe kỹ lưỡng, vặn trục ken két để điều chỉnh. Cuối cùng anh tuyên bố: "Coi như đạt bảy mươi phần trăm".
Anh em chúng tôi vỗ tay hoan hô. Anh Hoài chớp mắt cảm động. Chợt anh dựng cây đờn vào gốc cây, đi xăm xăm tới trước mặt thợ Thà, rùn hai gối chân xuống la lên:
- Thà, leo lên lưng tao cõng mày đi Thà, leo lên!
Anh thợ Thà sướng đỏ mặt, nhưng ngượng nghịu lựng khựng, không dám leo lên lưng anh Hoài. Anh Hoài bất chấp, xông vô cõng xóc anh Thà chạy xung quanh cây đờn. Chúng tôi vỗ tay la hét ầm ĩ.
Một tuần lễ sau, đoàn Văn Công Giải phóng tổ chức một đêm tổng diễn tập trước khi lên đường phục vụ bộ đội. Ngoài lời mời của đoàn, anh Hoài còn nhắn riêng chúng tôi thế nào cũng phải tới dự. Đêm hôm ấy lẽ tất nhiên là chúng tôi đến. Thoáng thấy chúng tôi anh Hoài nháy mắt, tỏ vẻ rất vui. Anh mặc bộ quân phục giải phóng mới cắt rất khéo còn nguyên nếp gấp. Vào đầu, dàn hợp xướng trình bày bản Hành khúc giải phóng. Thấy anh Hoài bê cây đại hồ cầm do anh thợ Thà đóng bước ra sân khấu, tôi bất giác rưng rưng nước mắt. Anh Hoài dựng cây đờn to lớn ấy xuống, và anh đứng trong thế sẵn sàng, hệt như người lính sắp tới giờ xung trận. Tay cầm chiếc vĩ đờn, hai bàn chân anh dạng hình chữ bát, nghiêm chỉnh đưa mắt nhìn về phía đồng chí nhạc trưởng. Khi chiếc gậy chỉ huy của đồng chí nhạc trưởng bắt đầu vẫy nhẹ và tất cả những cây đờn cùng tấu lên, thì cây đại hồ cầm của anh Hoài vẫn chưa lên tiếng. Mãi một lúc sau, tôi mới nghe thấy tiếng nó. Tiếng của cây đờn đó bùng dậy, ban đầu nghe như tiếng đại bác gầm từ xa, rồi suốt từ đó khi thì nó đóng vai trò những hồi trống trận, khi lại là nhịp bước quân đi trùng điệp. Tôi nghe lòng mình náo nức, xúc động. Trước mắt tôi tức thời diễn ra một cuộc hành quân vĩ đại, trong đó có cả tôi, người người lớp lớp cuộn tới như sóng trào. Nhưng điều làm xúc động tôi là ngoài tiếng đờn ấy, ngoài nội dung của lời ca bản nhạc ấy, còn có tình yêu tôi giành cho người nghệ sĩ chơi đờn. Anh Hoài ham vui, anh Hoài hay đùa tếu trong cơ quan giờ là một anh Hoài khác hẳn. Anh đang dồn mọi sức lực vào tiếng đờn có lúc anh hạ vĩ đờn dùng các ngón tay bật búng dây đờn một cách thành thạo ung dung và trang trọng khác thường. Chính là trong cái đêm hôm ấy, tôi mới nhận ra một anh Hoài thật, một anh Hoài trọn vẹn, một nghệ sĩ đại hồ cầm.
Sau đêm đó, anh Hoài cùng đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ bộ đội và các cơ quan lân cận mãi tới một tháng mới về. Người anh xám nắng, béo khỏe ra, và tiếng cười của anh càng thêm nhộn nhịp khu vực nhà chúng tôi ở. Anh có vẻ vui hơn trước nhiều, đôi mắt ánh lên niềm tự tin. Anh Hoài như mới được một sức gì bật dậy. Tôi hiểu được cái sức mạnh đó. Giản dị và dễ hiểu lắm, vì anh đã được đứng bên cây đờn của anh để phục vụ. Lần đó mới vừa về tới, anh đã sang chỗ chúng tôi ngay, chân đi hơi khập khiễng. Anh đặt xuống bàn một gói trà và một gói thuốc lá, rồi lẳng lặng đi nhóm lửa, rồi hệt như mọi lần khác anh chê củi chúng tôi không đạt chất lượng. Anh Hoài không hề kể lại chuyến đi biểu diễn, hoặc anh đã đờn ra sao, mà chỉ kể công trận mình đã khiêng vác gìn giữ cây đờn. Anh nghiêm sắc mặt, làm như rầy rà chúng tôi:
- Mấy ông khỏe quá, mấy ông đi thực tế chỉ cần có cây bút với cuốn sổ, còn tụi tôi mới cực, nhất là tôi, cây đờn lớn gần bằng chiếc xuồng, vác tới nơi muốn té luôn. Báo mấy ông hay, tôi khiêng đờn băng rừng lội suối, vấp té banh da tét thịt hết đây nè!
Nói dứt lời anh giơ bàn chân trái lên, trỏ cho chúng tôi coi một vết thương còn quấn băng. Anh tháo băng. Tôi ngó thấy giữa gan bàn chân anh có một vết tét thịt cỡ bằng ngón tay đã bôi thuốc đỏ. Vết thương của anh Hoài lần này tuy cũng không phải trầm trọng, nhưng chắc chắn là đau thốn, vì nó nằm giữa ngay lòng bàn chân. Tôi liền nói:
- Phải tiêm "bi" đề phòng "têtanốt"!
- Tiêm rồi, anh em bộ đội tiêm cho tôi rồi... Ông coi, hành quân suốt đêm, tôi với thằng Hùng thay phiên vác cây đờn. Tới khuya đuối rồi nhè gặp phải khúc đường khó, tôi bị vấp té chõi bàn chân lên cái cây cụt. Nếu tôi cho mình tự ngả luôn thì không đến nỗi, ngặt làm vậy bể cây đờn, nên tôi đành chịu. Thằng Hùng nhào tới đỡ tôi dậy, xẹt đèn pin coi thấy máu chảy phún. Đó, mấy ông thấy gian nan chưa? Mấy ông ở nhà khỏe quá mà. Nghe nói ở nhà bắn cheo "rôti" ăn tới tới hả?
Tôi cười. Bao giờ anh Hoài cũng nói rất thêm mấy câu phóng đại kiểu đó, làm như lúc nào chúng tôi cũng sướng chỉ có anh là khổ. Nhưng lần này tôi phải công nhận là anh đã hết mình bảo vệ cây đờn. Bằng chứng cụ thể là vết thương nơi chân anh đó và về sau có cả cậu Hùng cho biết:
- Phải nói anh Ba Hoài ảnh cưng cây đờn thiệt. Bị cây xóc vô chân rồi mà ảnh không buông cây đờn!
Chúng tôi thương anh Hoài nhiều thêm là ở chỗ đó. Và chúng tôi lấy làm tự hào. Trên thế giới thực ra có biết bao nhiêu nhạc sĩ đại hồ cầm tài ba lỗi lạc, nhưng chắc gì trên thế giới có một nhạc sĩ đại hồ cầm khênh đờn lặn lội đi trình diễn như anh Hoài. Và cầm chắc là không ở đâu có một cây đại hồ cầm đặc biệt như vậy.
Nhưng một cây đại hồ cầm đặc biệt như vậy lại không thể đem trình tấu ở nước ngoài. Chuyện đó xảy đến vào khoảng năm sáu mươi tám. Lúc cuộc tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân bùng nổ, báo hiệu cuộc chiến tranh có quy mô cục bộ của Mỹ bị đánh bại, thì nước Campuchia láng giềng mời đoàn văn công giải phóng sang thăm và biểu diễn. Lần này lẽ dĩ nhiên là có anh Hoài cùng đi, vì lẽ ai cũng thấy đàn nhạc không thể vắng tiếng đại hồ cầm của anh được. Anh Hoài cùng đoàn lên đường sang Campuchia, nhưng cây đờn thì để lại rừng. Có một cây đờn khác giành cho anh ở Nông Pênh.
Từ trong căn cứ địa miền Nam, mười hôm sau chúng tôi vặn đài nghe trọn buổi biểu diễn đầu tiên của đoàn văn công Giải Phóng tại Nông Pênh. Tôi nghe rõ tiếng đại hồ cầm của anh Hoài đánh, trong bài "Giải Phóng miền Nam" mở màn buổi biểu diễn một cách hiên ngang và hùng tráng, trên cái vương quốc kế cận chúng ta.
Cây đại hồ cầm mà anh Hoài chơi trên đất Campuchia lần ấy là do một nhạc sĩ làm tùy phái trong Bộ Văn hóa Campuchia đem đến. Sau này anh Hoài có kể lại rằng ông ta phải nhọc công đem đờn đến hai lần. Lần thứ nhất, ông ta đem đến một cây đờn còn rất mới, nhưng anh Hoài thử thấy nó kêu không vang mà không ấm, anh mới nhã nhặn nói với người tùy phái nọ rằng cây đờn đó không đạt tiêu chuẩn hòa tấu. Người nhạc sĩ làm tùy phái này vui vẻ đem cây đờn đi và hôm sau đem tới một cây đại hồ cầm khác. Theo lời anh Hoài thì cây đại hồ cầm này coi cũ kỹ, nhưng lại rất tốt, nên anh nhận đờn và tỏ lời cảm ơn. Người nhạc sĩ Campuchia nói rằng ông ta đã tìm mượn cây đờn ấy của một người ý, rằng ông ta chẳng những không phiền hà gì mà trái lại còn rất mến mộ cái khó tính của anh Hoài ở sự chọn đờn. Những anh chị em trong đoàn văn công giải phóng đi chuyến ấy về thì rất khen anh Hoài ở sự luyện tập. Anh em kể chỉ còn ba ngày nữa là đoàn phải biểu diễn, anh Hoài luyện đờn đến nỗi các ngón tay muốn rớm máu. Và trong đêm biểu diễn đó, riêng cây đại hồ cầm của anh đã làm tròn sứ mạng của một con gà mẹ. Anh Hoài còn kể lại với tôi là sau buổi biểu diễn, người nhạc sĩ Campuchia tìm giúp đờn hôm nọ đã rình đón anh ở cổng, xin bắt tay anh và nói: "... Ông chơi hay quá, ông chơi côngtơrơ bát bắt đầu từ lúc nào vậy?" Vẫn theo lời anh Hoài, thì lúc ấy anh đáp: "... Tôi chơi hồi ở Sài Gòn, vô khu tôi mắc cầm súng đánh Mỹ suốt, nay mới vừa chơi lại".
Từ sau chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài về, anh Hoài lại tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân với cây đại hồ cầm đóng bằng gỗ thau lau. Anh hăng hái khênh cây đờn cồng kềnh đó lặn lội đi diễn suốt tháng này sang tháng khác. Lúc đó, cơ quan đã đặt mua cho anh một cây đại hồ cầm. Nhưng cây đờn đặt mua chưa về tới thì một biến cố xảy ra. Trong một chuyến đi biểu diễn, đoàn văn công đụng phải một trận oanh tạc của B.52. Anh Hoài xuống hầm kịp, nhưng hầm bị bom đánh sụp. Anh em moi hầm đem được anh lên thì anh đã bất tỉnh. Cấp cứu mãi một lúc sau anh mới tỉnh dậy. Vừa chợt tỉnh, anh đã hỏi cây đờn đâu. Cây đờn của anh nằm cạnh hầm mà không hề hấn chi hết. Nó chỉ bị đứt mất hai dây, ngoài ra không hề bị một mảnh bom nào đụng tới.
Trận bom B.52 không giết nổi người nhạc sĩ đại hồ cầm thân yêu của chúng tôi. Nhưng sức ép của quả bom kia đã làm cho sức khỏe của anh Hoài suy sụp mau lẹ. Bác sĩ ở bệnh viện ra sức chữa trị mà vẫn không có hiệu quả. Anh Hoài gầy rạc hẳn người đi, tới bữa cơm anh cầm đũa cứ run lẩy bẩy. Chúng tôi thương anh quá, nhưng không biết tính sao. Các đồng chí ý kiến nên đưa anh Hoài ra Bắc để trị bệnh. Biết được tin đó anh Hoài cự nự không chịu đi. Anh em lựa lời khuyên anh nên đi, chữa khỏi rồi anh lại vào tiếp tục đờn nữa, chớ ở đây bệnh kéo dài có khi hết chơi đờn lại được. Anh Hoài nghe vậy hơi hoảng, mới ưng chịu.
Buổi tiễn anh ra trạm giao liên, anh chảy nước mắt ròng ròng. Tôi còn nhớ anh dặn: "Ra ngoài trị dứt bệnh là tôi vô liền, mấy ông dặn anh em đừng bỏ cây đờn thằng Thà đóng!".
Chúng tôi hứa sẽ ráng gìn giữ cây đờn để anh yên tâm ra đi.
Kỳ thật chúng tôi không giữ được lời hứa ấy. Sau này trong một cuộc chuyển cứ, chúng tôi đành phải bỏ lại cây đờn. Bởi đường thì xa, mà cây đờn lại quá cồng kềnh. Hơn nữa vác cây đờn theo thì cũng chẳng có ai đờn. Trước khi di chuyển, anh em khiêng cây đờn đó gác lên cháng của một cây sầm. ở trong rừng, cây sầm với cây tai nghé là những cái cây mà loài mối chưa hề dám rớ. Đây cũng là do sáng kiến của anh Thà, nẩy ra từ lòng nuối tiếc cây đại hồ cầm độc đáo do chính tay anh đóng nên. Từ bấy đến nay đã trên hai năm. Trong buổi sớm ngừng bắn này, bất ngờ chúng tôi gặp lại cây đờn. Thiệt là như được một phép lạ chở che, cây đờn vẫn còn nằm nguyên trên cháng cây sầm, trong khi ở quanh đó bom B.52 xéo nát cả cánh rừng. Nói cây đờn còn nguyên là nói còn nguyên hình hài khổ dựng của cây đờn, chớ khi mó tới thì nó đã bắt đầu mục rệu. Tôi đứng trầm ngâm ngó cây đờn, lòng dấy lên bao kỷ niệm. Tôi bồi hồi tưởng như còn nghe thấy ở đâu đây tiếng nói cười ròn rã của anh Hoài. Trong những ngày này, chúng tôi muốn nhắn cùng anh một lời, rằng nếu sức khỏe anh đã bình phục thời anh hãy kíp mau trở về. Anh cần phải về gấp để mà đờn. Chúng tôi đang sắm đại hồ cầm cho anh đây, mong anh về đặng tấu lên những tiếng đờn hào hùng. Vì chiến thắng của Tổ quốc và nhân dân anh hùng của chúng ta, dẫu mà lần này các ngón tay anh có rớm máu đi nữa thì tôi nghĩ cũng thực đáng lắm đó, anh Hoài à.
1973