1.
Cái Vồn nằm bên bờ sông, chếch phía bên kia bờ là thị xã Cần Thơ, nằm cách quốc lộ 4 và bến phà Bassac khoảng ba cây số. Tại đây Trần Văn Soái đặt tổng hành dinh trong một thị trấn nhỏ. Có hai dãy phố với những cửa hàng buôn bán, có nhà lồng chợ, và cả trường học trẻ em. Phía ngoài nhiều dãy nhà ngang dọc, tườngg cao bao quanh, là Văn phòng Bộ tham mưu, với năm bộ phận trực thuộc, chung cư sĩ quan, trại binh lính, kho vũ khí, kho quân nhu, lương thực, có cả trại tù và nhiều bót gác của hiến binh..
Tư dinh vợ chồng Soái ẩn vào bên trong khu vực này, gần sát bờ sông. Ngồi trong phòng, khách có thể nhìn thấy chiếc thủy phi cơ màu trắng óng ánh nằm yên trong hăng-ga, và chiếc ca-nô du lịch loại lớn, lộng lẫy đậu sát bờ. Thường ngày, Soái vẫn đứng ngắm hai vật quý giá này vui vẻ trìu mến kỳ lạ, tay vê râu mép để tự hào là không người Việt Nam nào có được chiếc phi cơ tư nhân như hắn, mà chỉ tiền lương hàng năm để trả viên phi công Pháp cũng bằng tài sản của một địa chủ loại trung.
Trưa hôm đó, Thành Nam và Vũ về tới Cái Vồn. Soái cho người chờ đển mời cả hai vào tư dinh, nhưng khi Vũ vừa xuống xe, Nguyễn Văn Hinh và cả Ba Cụt đã từ văn phòng tham mưu bước ra, giữ anh lại hỏi tình hình, rồi Hinh bàn riêng với Vũ:
- Từ khi chúng ta và ông Tổng còn ở trên Sài Gòn, Diệm đã bí mật cho Thơ xuống tiếp xúc với bà Tổng. Thơ hứa nếu ông Tổng chịu về hợp tác sẽ dành cho ông nhiều ân huệ mà không ai khác có thể có được. Để tỏ ra có thiện chí, Thơ đưa trung tá Thinh, cháu bà Tổng, đi Sài Gòn rút ra năm triệu đồng tại ngân hàng, trong số tiền trăm triệu bà ký gởi. Lấy được tiền dễ dàng, bà Tổng tin Thơ. Khi ông Tổng trở về, phần thấy Tham mưu trưởng Nguyễn văn Huê trốn đi đầu Diệm, phần nghe bà Tổng phân giải nhiệt hơn, ông đâm ra chần chờ không quyết, để mặc ông Bảy một mình chịu trận. Tiếp đó lại tới vụ Phương tập kích phản thầy. Đức hộ pháp phải đào vong, lực lượng Tây Ninh tan rã, ổng hoảng hốt, bỏ hẳn ý định chống Diệm. Hai chúng tôi bẩy lên hết nổi, đang chuẩn bị rút về Hồng Ngự ăn thua đến cùng. Nay ông lại xuống kíp, chúng tôi hy vọng có lời khuyên của ông, ông Tổng sẽ đổi ý tỉnh ra được chăng?
Ba Cụt đứng bên Hinh. Hắn trầm tĩnh nghe Hinh nói. Hắn để tóc dài chấm vai, có đường rẽ giữa trán. Khuôn mặt sáng sủa, với cặp mắt một mí sâu đen, lanh lợi. Vẫn bộ bà ba bằng lụa trắng, quấn hờ chiếc khăn rằn, quanh cổ, hắn trông có vẻ huyền bí của một đạo sĩ, nhưng còn mang sắc thái của người nông dân Nam Bộ. Ba Cụt có cử chỉ và giọng nói khá dịu dàng, êm nhẹ, khiến cho người gặp hắn lần đầu khó mà tin được con người đó lại chính là kẻ từng giết người như sâu kiến. Hinh vừa đớt lời, hắn tiếp:
- Tôi biết ông Tổng rất trọng và nể ông trong những ngày ở chung tại hành dinh ông Bảy. Trung tướng Hinh và tôi đặt hy vọng vào ông, không phải chỉ là khuyên ông Tổng đừng hàng, mà là cứu ổng thì đúng hơn. Chúng tôi vừa được tin Diệm đã giết Thế, đày Phương qua Mỹ, dù cả hai đã trở mặt phản thày, phản bạn, thực tâm về hợp tác. Chúng tôi thấy ró hành động xảo quyệt của Diệm. Tưởng khi cho Thơ tiếp xúc, hứa hẹn, hắn cho Dương Văn Minh chuyển thêm về Long Xuyên hai ngàn ngự lâm quân - số quân của tướng Vỹ, nay thuộc quyền Lê Văn Tỵ; điều lực lượng của ông Ngộ ở chứ Mới rải ven Đồng Tháp; đưa lực lượng của Hai Ngoán từ Cái Đầu kéo về tăng cường cho cánh Cần Thơ. Rõ ràng Diệm một mặt đang ráo riết bao vây chuẩn bị tấn công, mặt khác làm ra vẻ giải hòa để cho ông Tổng chủ quan, bị vào thế bất ngờ của hắn. Tình hình quả là gấp gáp, khoanh tay như ông Tổng coi như chờ chết. Tôi mong ông tìm giải thích cho ổng, có thể vì tin ông mà ổng nghe theo chăng?
Bây giờ thì Vũ đã hiểu tại sao Nguyễn Văn Hinh và Ba Cụt không giữ lời hứa hợp đồng tác chiến với Viễn. Cả hai đều không hiểu tâm trạng của Soái, chỉ gào lên đòi đánh. Ngược lại, Soái biết cả hai mạnh miệng vì chúng chẳng có gì để vấn vương. Ba Cụt chẳng hạn, dám liều, may thắng thì làm vua, rủi thua vẫn là giặc! Còn Soái, từ một tay trong giới anh chị xe đò, lúc đầu mới tụ tập được dưới tay một số đàn em, sau trở thành "lực lượng bổ sung" của quần đội viên chinh Pháp, Soái được Pháp phong thiếu tướng, rồi trung tướng rồi là Bộ trưởng Quốc vụ khanh trong chính phủ liên hiệp của Diệm..
Soái có hàng chục biệt thự tại Sài Gòn, hàng trăm triệu bạc trong các ngân hàng đang trong tay Diệm. Cơ ngơi Cái Vồn kia được tạo dựng bằng máu và cả mười năm công sức. Chiếc tàu thủy đầy đủ tiện nghi dưới bến sông, chiếc thủy phi cơ mới ngồi bay thử vài lần... Soái biết rõ hơn ai, trong cuộc đối đầu không cân sức với Diệm, phần bại đã nằm về phía hắn. Tất cả rồi sẽ biến thành tro bụi! Ý nghĩ hàng Diệm không chỉ mới đến với hắn sau khi Viễn chạy vào rừng, hộ pháp phạm Công Tắc trốn qua Miên, mà ngay từ lúc hắn từ Sài Gòn trở về, nhìn thấy lại sự nghiệp nhãn tiền, để giật mình, hối tiếc. Đầu hàng! Đầu hàng! Hai tiếng đó vang vọng trong óc hắn, xua tan đi những điều cam kết, hứa hẹn. Niềm hy vọng lớn dần: đầu hàng thì vẫn còn nguyên địa vị, còn Cái Vồn, còn tất cả những thứ kia!
Với vẻ nghiêm túc, Vũ nhận lời:
- Vâng, tôi xin cố sức khuyên can ông Tổng.
Bắt tay tạm biệt cả hai, anh đi theo Thành Nam vào tư dinh của Soái. Soái chờ sẵn trong phòng khách. Hắn niềm nở đứng dậy đón Vũ và Thành Nam với nụ cười héo hắt trên môi. Soái thay đổi nhiều, trông hắn già đi, mệt mỏi. Cặp mắt quầng thâm, nếp trán hằn sâu, rõ ràng lo âu đã dằn vặt hắn nhiều rồi. Soái tự rót ba ly rượu, ngước mặt nhìn:
- Mời ông, mời ông Thành Nam, chúng ta cùng uống mừng tai qua nạn khỏi, lại được gặp nhau.
Trước thái độ vồn vã, thân mật của Soái, Vũ nhận thấy anh đã tạo được ở hắn sự tin cậy khá cao, điều mà anh không ngờ tới. Thành Nam tuần tự kể lại tỉ mỉ sự việc diễn ra đối với Viễn, tin tức sau đó với Trình Minh Thế và Nguyễn Thành Phương, những lời hứa chi viện trong điều kiện có thể của Gam-bi-e. Soái chăm chú lắng nghe, trầm tư và lo lắng. Hắn đặt chiếc ly đã uống cạn xuống bàn:
- Thú thật với ông Vũ, tôi rất đau khổ khi biết mình bất lực không tiếp tay được với ông Bảy trong lúc hiểm nguy. Lực lượng của tôi từ lâu đã chia từng trung đội, đại đội, rải mỏng ra khắp nơi, đóng đồn, giữ đường bình định. Chúng bám vào các nơi đó và tự nuôi sống ở đó. Tôi về đến Cái Vồn với ý nghĩ rút quân về tập trung trước đây còn nhờ Pháp, Nay thì xe cộ đâu? Phương tiện đâu? Rồi người tập trung, lương thực cũng phải tập trung; đạn dược, súng ống, quy về. Dự tính kế hoạch thì có rồi, nhưng khi bàn thực hiện mới biết là không đủ khả năng để hoàn thành một sớm một chiều. Trung tướng Hinh và ông Ba thúc tôi tập kích thị xã Cần Thơ, nhưng điều tra lại, quân số của địch đã gấp năm sáu lần mình, chưa nói đến hỏa lực và bố phòng kiên cố của chúng, mình phiêu lưu là mua lấy cái chết! Trước tình trạng đó, ông tính tôi có thể cứ nổ súng được không? Tôi ra mặt đánh Diệm, chúng sẽ cắt tôi ra từng mảnh, bao vây và tiêu diệt. Tôi đành cắn răng để ra lệnh cho các đơn vị của tôi tự bảo vệ lấy vùng đóng của mình, cố giữ cái thế còn nguyên sức lực, có thiện chí nói chuyện hòa bình, đổi lấy sự biết điều của Diệm.
Soái thở dài nói tiếp với giọng buồn buồn:
- Vợ chồng tôi có một bất động sản ở Pháp, có một số tiền đủ sống đến già gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ, có một chiếc phi cơ và một phi công Pháp túc trực, nếu chỉ vì cá nhân, tôi cần gì hàng Diệm. Vợ chồng tôi qua Pháp hưởng trọn cuộc đời. Tôi nghĩ tới anh em và hàng chục ngàn binh sĩ đã từng sống chết với nhau trên chục năm trời. Bỏ anh em mà đi không nỡ, ở lại với anh em phải lo đòi quyền lợi cho anh em. Đã không đánh nổi Cồn Thơ, không dám đụng tới Long Xuyên, thì cứ trấn giữ những gì mình có. Diệm đã cử Thơ xuống gặp bà nhà tôi, Diệm hứa giữ nguyên địa vị của tôi tài sản vợ chồng tôi, anh em sĩ quan và binh sĩ sẽ phiên chế vào bảo an, tôi lưỡng lự chưa trả lời dứt khoát. Được ông xuống đây, tôi rất mừng, tôi xin ông một vài ý kiến. Chỉ mấy tháng ông giúp tôi, không riêng gì tôi mà anh em đều trông ông, một người tài trí, thẳng thắn lại vô tư. Giữa ông và tôi không có gì ràng buộc chỉ là tri kỷ, tri hỉ, tình cảm bước đầu, ý kiến của ông sẽ khách quan, đứng đắn. Khác với anh em của tôi, vốn ràng buộc quyền lợi với nhau, cái chủ quan, vị kỷ, làm cho rối trí.
Soái ngừng lại bằng cái liếc xéo Thành Nam, có lẽ để dò xét phản ứng khi hắn nhận xét về số tay chân thuộc quyền. Hơn ai hết, Vũ hiểu sự gian manh của Soái. Hắn định phân trần để che đờ hành động hèn mạt, tiểu nhân, đã phản trắc chỉ vì quyền lợi thiết thân mà Thơ hứa giữ nguyên cho vợ chồng hắn. Hắn đâu có vì tình nghĩa đối với bọn tay chân dưới quyền, mà đau xót cho số tài sản rải rác ở miền Nam này, bằng gấp trăm lần số tạo được ở nước ngoài, nên không thể bỏ hết trốn đi. Hắn sẵn sàng bỏ Pháp thờ Mỹ, cúi đầu trước Diệm để lại tiếp tục tàn sát đồng bào, cướp bóc dân lành, miễn là còn ôm chặt những túi vàng, làm chủ hàng trăm triệu tài sản, trọn đời không sao hưởng hết!
Vũ nhìn thẳng vào Soái, trong khi hắn đã cúi xuống nhìn chiếc ly rượu cầm xoay nhẹ trong tay. Hắn không dám nhìn thằng vào mặt anh khi bịa ra chuyện lo nghĩ vì anh em binh sĩ. Vũ nghĩ đến hai bàn tay đẫm máu của hắn, nghĩ đến bao nhiêu gia đình đã chịu tang tóc vì hắn, đề tự nhủ là phải chặn bàn tay hắn không để cho Diệm tiếp tục dùng. Phải đẩy hắn đối đầu với tập đoàn tay sai của Mỹ! Vũ cố lấy giọng bình thường hỏi Soát:
- Như vậy Diệm đã cử Thơ đến tiếp xúc với ông Tổng chưa? Khi họ đã biết ông Tổng án binh bất động, chủ ý giảng hòa, nếu có thiện chí, Thơ phải không bỏ lỡ cơ hội đến gặp ngay ông Tổng.
Soái ngửng lên ngó Vũ, như sững sờ. Hắn không biết nói với anh ra sao. Vũ nhấn thêm:
- Quyết định hợp tác hay không là quyền của ông Tổng, vậy mà Thơ, hay bất cứ ai khác đại diện cho Diệm, không đến ông Tổng lại chỉ ve vãn trung gian là có ý gì? Ông Tổng có nghĩ đến điều này chưa?
Lúc này Thành Nam đã hiểu được ý của Vũ. Hắn lắc đầu se sẽ và nhìn Soái với vẻ thương hại. Soái ngập ngừng:
- Thơ chỉ mới bà nhà tôi lên Long Xuyên gặp khi tôi còn ở bên ông Viễn, và hẹn sẽ tiếp xúc với tôi sau khi tôi trả lời dứt khoát.
- Vậy là chưa có hai mặt một lời. Thế mà khi hai chúng tôi về đây thấy Cái Vôn vẫn im ắng, hoàn toàn thụ động. Trong khi Diệm ra lệnh điều lực lượng của ông Ngộ rải ra ven Đồng Tháp, đưa hai ngàn lính bảo hoàng tăng cường cho Long Xuyên, đưa lực lượng của ông Hai Ngoan lên Cần Thơ phối hợp với số quân có sẵn, gấp năm sáu lần quân trù bị tại Cái Vông. Hàng chục khẩu đại bác, hàng trăm súng cối các cỡ đã hướng về Cái Vồn ngay từ ngày chúng tôi ghé Cần Thơ kinh lý. Chúng ta không thể cho việc điều binh của Diêm chỉ để uy hiếp, ép ông Tổng giải hòa, mà chính là đang siết chặt vòng vây. Chiến dịch "Thoại Ngọc Hầu" chỉ còn chờ giờ khai hỏa. Hành động của Diệm đối phó với ông Viễn khi đã kéo Thái Hoàng Minh đầu thú, chứng tỏ Diệm không chịu mở đường cho hai lực lượng trên về hợp tác. Với ông Tổng, Diệm đã một lúc dụ được hai cánh quân, đại tá tham mưu trưởng ra hàng, vòng vây của Diệm với quân số gấp mười lần nhất định Diệm không dại gì để hậu quả rắc rối, trong khi hắn tin là chỉ một trận cũng đủ giải quyết trọn một lần. Ông Tổng hãy nhìn cái gương Trình Minh Thế quỳ gối thề trung thành với Diệm, phản bạn để lập công, vậy mà Diệm vẫn giết chẳng tha. Nguyễn Thành Phương phản thày, chôn sống hàng chục người bạn từng sống chết với mình, Diệm cũng loại bỏ không dùng. Ông Tổng có thể đặt mạng sống của mình vào tay Diệm được không?
Soái phờ phạc, đờ ra hỏi lại:
- Tôi vẫn chưa tin vào những lời đồn đại. Không lẽ Diệm, một người tự tôn là lãnh đạo quốc gia, lại chà đạp lên danh dự của mình, làm sao thu phục nhân tâm được nứa?
Vũ cười mỉa mai:
- Diệm làm gì có danh dự mà chà đạp? Nếu có liêm sỉ đã không dùng những lời hạ cấp chửi rủa Đức Bảo Đại, người đã tin và cử Diệm ra làm Thủ tướng, cứu Diệm ra khỏi cảnh chạy trốn, ăn nhờ, ở chực, đặt ngồi lên tột đỉnh vinh quang. Nếu có danh dự, bản thân mình đã không mạnh miệng lăng nhục ân nhân! Còn thu phục nhân tâm ư? Diệm đang thu phục bằng sức mạnh của vũ khí, bằng thủ đoạn gian manh. Để giữ lại cái ghế Thủ tướng sắp gãy, Diệm đã thẳng tay sát hại hàng ngàn sinh linh, trong số mười ngàn quân của ông Bảy, hai mươi ngàn quân của Đức hộ pháp, và cả hai ngàn quân của Thế, trong khi Diệm có thừa điều kiện để nhân nhượng, hòa giải.
- Phải, từ khi bắt tay nhau trong chính phủ liên hiệp, Diệm nhắc đi nhắc lại là phải thành thực với nhau. Lúc đó chúng tôi đã suy tính, nếu cần chịu thiệt thòi chút ít để hợp tác được với nhau, chúng tôi cũng sẵn sàng, cốt tránh việc chia rẽ, chém giết lẫn nhau chỉ có lợi cho Việt Minh Cộng sản. Tại sao nay Diệm có thể nuốt lời, quyết tiêu diệt chúng tôi? Đúng như ông vừa nói, có khó gì mà không bàn bạc với nhau?
- Diệm đang tự quảng cáo cho mình là "nhà chí sĩ cách mạng quốc gia", học đòi Việt Minh cũng đòi "bài phong, đả thực", lừa bịp dân chúng, nhưng ai tin một khi Diệm từng là quan lại của tiều đình Huế, học trò của các thầy người Pháp, cận thần của vua Bảo Đại, luồn cúi trước phủ toàn quyền. Muốn xóa đi dấu vết cũ đó Diệm đang kể công đã tìm ra con đường cách mạng, đưa đến thế giới tự do, mà Mỹ là nước đứng đầu, coi cả thực dân lẫn cộng sản là kẻ thù, không lẽ Diệm lại đi ngồi chung chiếu với Đức hộ pháp, với ông Tổng và ông Bảy Viễn được sao? Người ta xầm xì, mất thế.
Thành Nam có vẻ thích thú, sẽ nhếch môi tủm tỉm một mình, trong khi Soái tỏ ra thấm thía:
- Nghe ông, tôi hiểu ra được cái thâm ý của Diệm. Bây giờ xin ông giúp tôi một vài cao.
kiến, tôi phải làm gì lúc này? Đánh Diệm ư? Sức tôi còn lại bao nhiêu mà mong đánh, khi lực lượng Tây Ninh của ông Tắc tan rồi, ông Bảy sống chết chưa rõ ra sao!
- Vâng, theo tôi nghĩ, nếu không đánh thì giữ, bị đánh thì chống lại để sống còn chứ chưa chắc đã thua! Khoanh tay chờ đầu hàng mới thực là thua, hay chờ cho Diệm tấn công mới xin về hợp tác đó mới là đưa cổ vào thòng lọng, là tự giao sinh mạng cho Diệm định đoạt như Phương, như Thế, cho sống được sống, cần giết cách gì Diệm cũng giết được. Còn vấn đề mạnh yếu ư? Không nên so sánh ở quân số và vũ khí, mà phải so sánh mạnh yếu ở lòng người...
Vừa lúc đó, đại tá tham mưu trưởng Trần Mạnh Cường và trung tá chánh văn phòng Phan Hà hấp tấp gõ cửa bước vào. Soái hất hàm định hỏi, Cường đã báo cáo:
- Thưa ông Tổng, trung tướng Hinh và chú Ba đang chuẩn bị về căn cứ Hồng Ngự, muốn xin được gặp ông Tổng để giã từ.
- Nói với hai ông ấy chờ một lát, tôi bàn lại rồi hãy đi.
- Nhưng Tư-gà-mổ và cả chục anh em cũng xin ông Tổng kéo số lính của họ đi theo chú Ba, họ nói không chịu ra hàng Diệm. Tất cả quyết tự định đoạt lấy cuộc sống của họ, không thể trao vào tay Diệm. Tôi can gián không được, coi mòi khó ổn, thưa ông Tổng.
Thành Nam, Soái hốt hoảng ra lệnh:
- Chú ra nói với hai ông và anh em chờ tôi một lúc sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn cho thỏa đáng.
Phan Hà thấp giọng:
- Thưa ông Tổng, các ông Lưu Đức Trung, bác sĩ thiếu tá quân y Thạnh, và năm sáu ông nhân sĩ từ Sài Gòn xuống hôm rày, cũng có ý đi theo chú Ba.
Soái hoa tay như có ý thúc giục:
- Các ông tới lo triệu tập đi, tôi sẽ đến ngay.
Thành Nam cùng với Cường, Hà hấp tấp đi ra. Cánh cửa khép lại. Vũ tranh thủ:
- Thưa ông Tổng, quyết tâm của họ chính là sức mạnh đấy - Vũ thấy sự kiện xảy ra rất là đúng lúc, anh tiếp - Ông Tổng, hãy trở về với khối anh em, chiến hữu, với hàng triệu tín đồ dựa vào họ, cùng với họ chống lại Diệm. Ông Tổng có khối sức mạnh đó trợ lực, có cả vựa lúa, tôm cá đầy đủ nuôi quân. Quyết tâm của gần hai mươi ngàn binh sĩ không chịu đầu hàng Diệm sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần, mà tinh thần mới là quyết định. Ông Tổng hãy để cho tất cả anh em thấy lòng quyết tâm không hàng Diệm, kịp thời chuẩn bị, khẩn trương đối phó với âm mưu tấn công của Diệm.
Sắc mặt Soái biến đổi từng lúc rõ ràng. Hắn đã có lại được lòng tin, sau khi đã hiểu là nếu về hàng, số phận hắn sẽ trong tay người định đoạt. Trước mắt, hắn còn sợ hơn nữa là sẽ mất hết uy quyền ngay từ lúc này đối với những đàn em đã từng tùng phục hắn. Hắn mạnh dạn đứng lên, vẻ mệt mỏi lúc đầu biến mất:
- Tôi xin nghe lời ông, tôi sẽ thề một lòng với anh em, quyết tâm chống Diệm. Xin mời ông cùng tôi lên hội trường.
Vũ khôn khéo:
- Tôi xin phép ông Tổng được nghỉ ngơi, sau mấy ngày quả thật mệt mỏi. Mọi việc xin ông Tổng tự mình quyết định, giữ lấy lòng tôn trọng của các sĩ quan dưới quyền, còn ý kiến xung quanh chỉ là tham khảo.
Cái bản chất xảo quyệt của Soái giúp hắn hiểu ý xa xôi của Vũ. Hắn mỉm cười:
- Thành thật biết ơn ông Vũ.
Vừa lúc đó Thành Nam trở về. Hắn bất chợt thấy rõ vẻ linh hoạt của Soái, liếc nhìn Vũ tỏ tình thân thiết hơn, rồi báo với Soái:
- Thưa ông Tổng, trung tướng Hinh, chú Ba và tất cả mọi người đã tập trung chờ ông Tổng.
- Chúng ta lại đấy. Chú Thành Nam hãy đưa ông Vũ về nhà riêng của chú. Ở đó yên tĩnh, tiện nghỉ ngơi, ổng nói mệt không đến với anh em được. Bảo chúng lo mọi thứ nghe!
2.
Tối hôm đó, hai vợ chồng Soái ngồi uống trà trong phòng riêng sau bữa ăn quá muộn.
Trung tá Thinh, cháu vợ Soái vừa tới ngồi bên cạnh. Đồng hồ treo tường có dàn chuông nhạc điểm 11 giờ. Trời chuyển vào đêm, xung quanh im vắng. Vợ Soái thay miếng trầu khác, rồi ra lệnh cho Thinh:
- Mày đọc thư để ông Tổng nghe coi.
Thinh trịnh trọng cầm hai tờ giấy nhỏ để trên bàn, đọc chậm rãi:
"Sài Gòn, ngày 10 tháng 5 năm 1955.
Nguyên đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Thơ
Trân trọng kính gửi trung tướng phu nhân.
Kính thưa phu nhân,
Vừa qua, theo yêu cầu của phu nhân, tôi đã trình lên Thủ tướng chính phủ, ngài tức khắc ra lệnh cho ông giám đốc Ngân hàng quốc gia, xuất năm triệu đồng, thuộc chương mục ký gởi của phu nhân, cho người đứng tên nhận lãnh. Thủ tướng còn căn vặn ông Giám đốc Ngân hàng thi hành đúng luật lệ đối với phu nhân như mọi khách hàng, gởi hoặc rút tiền bất cứ lúc nào cũng được. Số tiền lương hàng tháng của trung tướng Quốc vụ khanh vẫn tiếp tục được nhập chương mục của phu nhân, theo lệnh của phòng hành chánh quản trị Bộ Quốc phòng như trước đây.
"Tôi vốn là một nhân sĩ miền Tây, bà con dưới ta vẫn dành cho tôi sự tin cậy, quý mến. Tôi hy vọng những điều nói ra đây, phu nhân sẽ tin được, dù được mức độ, tôi cũng lấy làm vinh hạnh vô cùng.
"Tôi cũng như đa số nhân sĩ miền Nam, kính trọng Thủ tướng Ngô Đình Diệm, do ngài có công tranh đấu với chính phủ Pháp, giành được độc lập thực sự cho miền Nam, lại có tinh thần chống Việt Minh Cộng Sản. Thủ tướng tin cậy trung tướng Trần Văn Soái, phu nhân và tôi vì ngài đã thấy rõ chúng ta từng có công chống Việt Minh, gìn giữ quê hương. Như vậy là hai bên đều đứng chung một trận tuyến nên dễ tạo thành thiện cảm. Ngài không bao giờ so sánh giáo phái Hòa Hảo, một tôn giáo có giáo lý cổ truyền, với các phe nhóm khác, nhất là với Bình Xuyên, một đảng cướp từng cấu kết với kẻ thù. Lại càng không có ý nghĩ dùng võ lực đối đầu với trung tướng. Ngài sẵn sàng cứu xét những yêu cầu nếu trung tướng đưa ra, dù những yêu cầu đó có gây ít nhiều khó khăn cho chủ trương chung của chính phủ. Ngài tin rằng, trong cuộc trao đổi giữa hai bên, đôi khi chính phía trung tướng, vốn là người trọng lẽ phải, sẽ tự ý rút đi vài điều khi xét thấy có hại đến quyền lợi chung của đất nước. Điều này không phải không thể xảy ra, khi thiện chí của cả đôi bên phát triển tốt đẹp.
"Kính mong phu nhân bàn với trung tướng, tin cho tôi biết kết quả, tôi sẽ trực tiếp gặp trung tướng càng sớm càng hay. Tôi tin rằng những điều kiện hợp tình hợp lý, như hôm đó phu nhân đã nói qua, tôi giãi bày với Thủ tướng khả dĩ thỏa mãn được.
"Trân trọng kính chúc trung tướng phu nhân vạn phúc.
Kính thư,
Ký tên:
Nguyễn Ngọc Thơ."
Vợ Soái ngừng nhai trầu, dùng hai ngón tay vuốt hai bên mép tạo thành cái ngáp dài, cái duyên dáng của các bà già Nam Bộ:
- Tôi nhận thấy ông Đốc phủ Thơ cũng có chỗ hợp tình. Ông Tổng tính sao?
Từ đầu, Soái vân vê hai chìa râu mép, cặp mắt nhìn vào khoảng không, chăm chú lắng nghe, đăm chiêu suy nghĩ. Thư đã đọc xong lâu rồi, hắn vẫn chưa biểu lộ thái độ chống đối hay ưng thuận. Thấy chồng im lặng, vợ Soái nhắc khéo. Bỗng Soái cất tiếng cười lành lạnh:
- Nếu như tôi chưa đọc được báo chí ở Sài Gòn đang có chiến dịch tố cáo Cao Đài Tây Ninh, mà chúng gọi là phiến loạn, cướp của giết người, thì những lời lẽ xảo quyệt của lão Thơ có thể làm cho tôi lầm lẫn. Nếu tôi cứ nghe lời ngon ngọt của bà, thì tôi đã như thằng Nguyễn Thành Phương một "hàng thần lơ láo" bi gạt bỏ, hay như Trình Minh Thế bị Diệm giết một cách nhục nhã.
Vợ Soái hứ dài:
- Sao ông Tổng lại tự ví mình với mấy thằng đó. Chúng là bọn đầu hàng, còn ông là hợp tác có điều kiện.
- Cả bà và cả tôi nữa, trong suốt mấy chục năm chúng ta đã từng hứa với bao nhiêu người rồi? Không lẽ bà vẫn còn khờ dại tin vào những lời hứa đó hay sao? Riêng bà, những kẻ nghe lời bà, lọt vào tay bà rồi, chúng xin được sống bà đã tha cho đứa nào chưa?
Vợ Soái giật mình, mặt mụ tái đi, chưng hửng. Những điều chồng mụ nhắc lại quả thực thà, khiến mụ bất thần tỉnh ngộ. Soái quay nhìn trừng trừng vào mặt tên Thinh gằn giọng:
- Mày chấm dứt ngay việc liên lạc với lão Thơ. Muốn được sống thì sát cánh với anh em chống Mỹ-Diệm đến hơi thở cuối cùng. Tao không bắt buộc mày theo tao, mày có quyền bỏ tao như thằng Huê, nhưng đừng phản tao, bắn sau lưng anh em.
Mặt viên trung tá hết đỏ lại tái đi. Hắn ấp úng:
- Cháu chỉ làm theo lệnh cô, không dám phản lại ông Tổng.
- Thôi được, ra mà chuẩn bị với anh em. Có tin chúng sắp tần công ta rồi đó.
Thinh len lén ra khỏi phòng. Soái quay lại với vợ:
- Tôi có thể thỏa hiệp với Diệm, sau khi tôi cho Diệm biết hắn không làm gì nổi tôi. Tôi phải ngồi đối diện với Diệm trong cái thế ngang hàng. Khi tôi đưa ra điều kiện, điều kiện đó phải được thỏa mãn!
Vợ Soái ngó chồng với vẻ kính phục. Soái đến ngồi cạnh mụ, làm một cử chỉ âu yếm, rồi - Đánh nhau, Cái Vồn có thể hư hao, thành công xây lại mấy hồi. Binh lính có thể chết nhiều, nhưng vợ chồng ta không chết mà nhờ đó tôi sẽ bước lên nhưng nấc thang cao hơn, vững hơn. Diệm không thể kéo dài nội chiến vì sợ cả Pháp lẫn Việt Minh. Tôi lại có đủ điều kiện kéo dài. Cứ theo kiểu chú Ba Cụt, đánh được thì đánh, không đủ sức đánh, ẩn đi tránh né. Không lâu Diệm phải lo chuyện điều đình, đó là điều chắc chắn. Bà hiểu chưa?
Mụ Soái dựa đầu vào ngực chồng, cố gợi một cử chỉ mơn trớn, rồi khen:
- Trước giờ tôi vẫn trọng ông là tài ba mưu lược rồi mà.
Soái đứng lên:
- Tôi đã chuẩn bị chiếc ca-nô du lịch sẵn sàng rồi, bà phải bảo chúng thu xếp gấp. Nội đêm nay phải dời hết vào căn cứ Tầm Vu lúc trời chưa kịp sáng. Tôi và chú Ba sẽ cùng anh em lo ở ngoài này, khi có súng nổ, chúng tôi mới rút vào sau.
Nói xong hắn bước vội ra ngoài. Đại úy gái Bảy Liệng nhanh nhẹn tiến vào. Bộ bà ba đen với chiếc dây lưng da to bản ngang lưng, bao súng côn 12 kéo xệ ngang hông, khuôn mặt tròn trĩnh ngăm đen, cặp mắt hơi xếch khá tinh tường, khiến viên nữ binh trông khá trẻ so với tuổi gần ba mươi.
- Con chờ lệnh bà Tổng từ lâu bên ngoài.
- Vậy hả? Ông bàn công chuyện khá lâu. - Mụ vẫn khoan thai nhai trầu - Mày còn nhớ con Lài, mấy tháng trước bọn chúng lén bắt về cho ông Tổng đó hôn?
- Dạ biết. Dạo đó lính của con đã báo với bà Tổng rồi.
Mụ thở dài, im lặng giây lát rồi nói tiếp:
- Ừa, thỉnh thoảng ổng làm bậy chút đỉnh, tao đâu có ngặt nghèo quá, thà cho ông chụp giựt chốc lát rồi thôi, làm tới nữa thêm rộn. Nhưng vừa rồi sắp nhỏ báo với tao, con Lài đã có thai bốn năm tháng gì đó, tính ra khớp với ngày nó bị đưa về cho ông Tổng, mới rắc rối!
Bảy Liệng trợn mắt:
- Có thai?
- Chớ sao. Ông Tổng được tin, gởi tiền cho. Nó nhắn ông Tổng sẽ ở vậy nuôi con cho ổng. Có động trời không mày?
Bảy Liệng ngó sững vợ Soái. Mặt mụ vẫn tươi vẫn bình thản, tuy mái tóc đã điểm sương.
Mụ đã năm chục tuổi đời, nhưng nét thanh xuân như vẫn còn vương trong đáy mắt, phủ trên làn da trắng mịn.
- Con Bảy mày biết đó, tao không thể có con với ổng. Nhưng tao thề không cho ổng có con với người khác. Tao đã nuôi thằng Hai cho đi du học Pháp, nuôi mày, đủ rồi.
Bảy Liệng vẫn cúi đầu lắng nghe. Thị nhớ tới thân phận mình, một đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ngay từ lúc chào đời tại nhà lồng chợ. Mụ Soái đem về nhận làm con, bây giờ cất nhắc lên đại úy, chỉ huy một đại đội lính con gái của riêng mụ. Cái tên Bảy Liệng không phải là từ thứ bậc trong gia đình mà có. Bảy chỉ tháng bảy, tháng mụ Soái lượm được đứa bé; còn Liệng là mụ ta muốn nhắc lại hành động tàn nhẫn của kẻ sinh thành ra thị, đã vất bỏ thị?
Vợ Soái ngước mắt nhìn đứa con nuôi đang đứng yên chờ lệnh:
- Mày đem theo vài đứa kín miệng, đến nhà con Lài ngay bây giờ, đem xác đứa nhỏ về đây cho tao!
Bảy Liệng được mẹ nuôi cho học võ nghệ, biết đi quyền, đánh kiếm tinh thông. Mười năm đeo súng cận vệ, thị đã thuộc làu tính tình của mẹ nuôi. Lệnh đã ban ra, chỉ có nhắm mắt thi hành, không xong thì mạng sống của mình cũng không còn. Danh nghĩa là con nuôi, nhưng mụ Soái chưa bao giờ cho phép Bảy Liệng xưng hô "Mẹ con" với mụ, không phải vì mụ ta không thương yêu thị, mà mụ sợ biểu lộ tình cảm sẽ khó chỉ huy!
Mụ cười lạnh:
- Còn chần chờ gì nữa? Làm xong đi, còn phải rời vào Tầm Vu trước sáng.
Bảy Liệng hơi hoảng hốt, đứng nghiêm:
- Tuân lệnh?
Mụ Soái cúi lấy miếng trầu khác, dịu giọng:
- Mày run tay thì bảo bọn nhỏ làm cho.
- Thưa bà Tổng, con làm được.
- Tốt thôi?
Mụ bình thản nhìn theo dáng đi chắc chắn của đứa con gái nuôi, vươn vai đứng lên khi cửa phòng vừa khép lại.
Tư dinh trở lại im lặng. Ngược lại, hành dinh đang tấp nập kẻ ra vào. Tướng Hinh và Ba Cụt đốc thúc việc chuyển quân, chuyển kho vũ khí, quân nhu vào căn cứ. Soái đích thân chỉ huy bố trí chiến hào, đào ụ súng dọc bờ sông, từ Cái Vồn đến bến phà Bassac..
Dân chúng đã được lệnh di tản, toàn khu Cái Vồn bỏ trống, hai ngàn quân kéo ra bố trí dọc sông. Hai giờ sáng Soái trở về Bộ tham mưu, hắn cười rung cái bụng cao dầy khi Ba Cụt báo tin:
- Vừa có điện, quân phía tôi đã chiếm Tân Châu, Hồng Ngự. Tư Sỏi đã mở thông hành lang từ Tầm Vu xuống đến chỗ tôi. Ba đại đội đã rút được ra khỏi thị xã Cồn Thơ kéo về Phụng Hiệp. Đại tá Cường báo về, vùng Cái Ràng, ven Đồng Tháp, đá được rải quân trấn giữ.
Soái ngoặc tay kêu tên cận vệ:
- Mày mở ngay năm chai sâm-banh mừng thắng lợi.
Rồi đích thân Soái qua phòng bên, mời số khách Sài Gòn, Huỳnh Văn Nhiệm, Lương Trọng Tường, Lưu Đức Trung (cựu bí thư của Bảo Đại), bác sĩ quân y Thạch, nữ ký giả Cẩm Vân, nhân tình của Hinh, cả vài chục người đang nằm chờ thời cuộc... Tiệc rượu kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, vui vẻ náo nhiệt. Những chai sâm-banh lâu năm, những hộp bánh nhập khẩu, những gói thuốc Caraven A, hương thơm của rượu, bánh, khói thuốc kích thích, xua tan tư tưởng chủ bại trong tâm tư Soái, trong lòng mọi người.
Bốn giờ hai mươi phút sáng, tên đại úy trưởng ban truyền tin đích thân đưa đến trình Soái bức điện tối khẩn của trưởng Phòng nhì Pháp. Soái nhờ Ba Cụt đọc lớn cho mọi người cùng nghe:
Nguồn tin bảo đảm, Diệm đã ra lệnh tấn công Cái Vồn năm giờ sáng nay, 17-5-55 STOP Dương Văn Minh phát động chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. STOP
Tàu chở vũ khí đã lên đường, đón nhận tại tọa độ quy định. STOP FINAL
Soái vê ngược hai ngạnh râu mép, có vẻ bình tĩnh, tự tin:
- Tôi cảm ơn trung tướng Hinh, chú Ba, và các anh em đã giúp tôi hoàn thành công việc chuẩn bị chu đáo và kịp thời. Chúng ta đã đồng tâm quyết sống mái với bọn Diệm. Hãy thề sát cánh bên nhau, sẵn sàng diệt Diệm!
Soái châm rượu cho từng người, mời mọi người uống cạn rồi cùng thét: Thề diệt Diệm. Chúng ta phải chiến thắng! Chúng đập hết chai, ly, rồi giải tán, ai vào việc nấy, với khí thế hăng say. Soái bảo Thành Nam đưa hắn về nhà gặp Vũ. Từ lúc xuống đây, Vũ lấy cớ mệt nằm lỳ tại nhà của Thành Nam. Anh tránh mọi cuộc tiếp xúc với bọn tay chân của Soái, không ra mặt để giữ thế an toàn sau này. Mọi việc diễn biến, mỗi khi về, Thành Nam đều kể lại với anh.
Thấy Soái tới đột ngột, Vũ đang nằm dưỡng thần trên chiếc ghế dài, ngồi dậy đón hắn
- Ông Vũ ạ, thiếu tá Salvani điện cho biết, năm giờ sáng nay Diệm sẽ tấn công Cái Vồn, và Dương Văn Minh sẽ kéo quân từ Long Xuyên xuống. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, nhất định cho bọn Diệm một đòn bất ngờ, hết khoe mạnh.
Thấy Soái vui vẻ, tự tin, Vũ mừng:
- Ông Tổng thấy đó, Diệm và Thơ đúng là những tên gian xảo. Nếu tin vào chúng, ông Tổng bị bất ngờ chứ không phải chúng.
- Bây giờ thì tôi đã rõ. Ở đây sẽ là mục tiêu tấn công của chiến dịch. Tôi và Bộ chỉ huy phải ra trận địa, sau đó sẽ rút vào căn cứ Tầm Vu. Tôi cho Thành Nam đưa ông vào trỏng ngay bây giờ, có sẵn ghe máy chờ ngoài kia. Nhưng ông và Thành Nam sé không ở lại Tầm Vu, mà đi thẳng về Thánh địa. Thành Nam sẽ mở tại đó một văn phòng liên lạc, tuyên truyền, kêu gọi bà con ủng hộ tinh thần và lúa gạo nuôi quân. Tôi nhờ ông ở cạnh Đức ông, và ban Tổng Trị Sự, thực hiện những việc mà ông đã bàn với tôi: hướng dẫn Đức ông ra lời tuyên cáo, tố cáo Diệm âm mưu diệt các giáo phái, khích động tín đồ đứng lên bảo vệ đạo. Tôi tin, chỉ có ông mới làm nổi công việc này giúp tôi.
Vũ khẳng khái nhận lời. Thời gian không cho phép Soái dùng dằng. Hắn vội bắt tay thật chặt, nhìn Vũ với ánh mắt thân thiết, biết ơn, rồi hấp tấp quay đi..
Không có gì phải sắp xếp, Thành Nam đưa Vũ đi ngay. Tất cả vừa rời khỏi Cái Vồn chừng mười lăm phút, thì súng lớn trong thị xã Cần Thơ bắt đầu khạc lửa. Binh sĩ của Soái tỏ ra hăng hái hơn bao giờ hết, bẻ gãy ngay cuộc xung phong đầu tiên của địch. Lính Diệm tổn thất khá nặng nề trước tiếng cười giòn giã của Soái. Hắn đích thân sử dụng khẩu 12 ly 7, ngay cạnh chiến hào gần tổng hành dinh, vãi đạn vào những chiếc xuồng đổ bộ. Cũng như Soái, Ba Cụt vẫn bận bà ba trắng với chiếc khăn rằn đã quấn chặt trên đầu, hắn trực tiếp chỉ huy đơn vị giữ cầu phà Bassac. Hành động độc đáo kiểu anh chị của hai tên đầu lãnh, đã khích lệ mấy ngàn binh sĩ đàn em mạnh dạn xông ra diệt địch. Sau trận xung phong thử sức đầu tiên, Trần Văn Soái và Ba Cụt giao lại trận địa cho đàn em để rút vào Tầm Vu, chỉ huy chung các mặt trận.
Ba lần địch xung phong ác liệt, Cái Vồn vẫn đứng vững, quân Diệm vẫn chưa vượt được qua sông. Máy bay rải truyền đơn in lời hiệu triệu của Diệm kêu gọi dân chúng miền Tây tiếp tay với quân đội quốc gia tiêu diệt phiến loạn Hòa Hảo, lên án Soái - Cụt cướp của giết người, gây bao tội ác, làm tay sai cho thực dân, phản thầy, phản quốc... Hai mũi tiến công với đầy đủ phương tiện giết người và dụ dỗ người của chiến dịch "Thoại Ngọc Hầu , do Nguyễn Ngọc Thơ và Dương Văn Minh chỉ huy vẫn ở trong cái thế giằng co, chưa giành được phần thắng.
Buổi trưa, Vũ và Thành Nam về đến Thánh địa Hòa Hảo. Tin Tòa thánh Tây Ninh đã bị Diệm cho quân chiếm đóng, hộ pháp Phạm Công Tắc bị đánh chạy trốn qua Nam Vang, rồi bầy giờ Diệm tấn công quân Soái - Cụt, gán cho lực lượng này cái tên "phiến loạn Hòa Hảo", đã làm cho ông Huỳnh Công Bộ tin là Diệm có chủ trương diệt các giáo phái. Vũ không phải vất vả nhiều mà Đức ông và Ban tổng trị sự nhớ lời hứa trước đây, đã sẵn sàng ủng hộ Soái - Cụt. Thành Nam bắt tay ngay vào việc: in lời hiệu triệu của Đức ông kêu gọi tín đồ Hòa Hảo đứng lên bảo vệ đạo; in truyền đơn vạch rõ âm mưu Diệm đưa Gia-tô-giáo lên hàng quốc giáo, độc tôn, diệt các tôn giáo cổ truyền; tung người về các nơi thành lập đội dân quân xã thôn, rào làng chiến đấu, chống quân Diệm, tiếp tay với Soái. Lòng tự ái tôn giáo nổi dậy trong khối tín đồ vốn sẵn căm thù bọn gây chiến giết hại bà con, chỉ trong xã Hòa Hảo, hơn ngàn thanh niên giáo mác liền tay đã ghép thành đội ngũ.
Trong một tuần, quân của Soái cầm cự, gần hai ngàn lính của Diệm tứ vong, Soái cho lệnh rút quân về ven Đồng Tháp để bảo tồn sinh lực. Hai cánh quân Soái - Cụt bắt được tay nhau, từ từ lui sâu vào Đồng Tháp chỉ trong vòng hai tuần lễ. Quân của Soái xây dựng căn cứ dọc theo bờ kinh Cây Tre, kéo dài ba mươi cây số trong khi Ba Cụt trở về Hồng Ngự, Tân Châu, bố trí sát vùng biên giới Cao Miên. Chiến dịch "Thoại Ngọc Hầu hoàn toàn thất bại, đã không tiêu hao được địch, không chặn được đường vào Đồng Tháp, ngược lại bị thiệt hại nặng nề để chỉ giải tỏa quốc lộ 4 khi Soái đã rút hết tự lúc nào, và chiếm được đống gạch vụn Cái Vồn trống rỗng. Dương Văn Minh bị Diệm gọi về để đưa Dương Văn Đức xuống thay. Nếu trước đó Dương Văn Minh không có cái công hai tuần lễ tóm gọn được tàn quân của Viễn, khiến Pháp phải dùng thủy phi cơ cứu Salvani và Viễn thoát khỏi vòng vây; nếu không được gán cho danh hiệu "anh hùng rừng Sác", thì Minh đã bị Diệm gạt bỏ đi rồi.
Trong khi đó, Soái thấy lực lượng của minh không sứt mẻ bao nhiêu, từng xã, từng thôn tín đồ lại mài dao rèn giáo đứng lên, lúa gạo dân cho đầy đủ để nuôi quân. Hắn như không dám tin những diễn biến thực tế đã đem lại thành công đến vậy. Sau ít ngày ổn định căn cứ, hắn vội vàng trở về Thánh địa tìm Vũ. Đôi mắt hắn như cười với anh. Hắn nắm chặt tay anh, giọng xúc động thật sự:
- Tôi còn được như ngày hôm nay là nhờ công ơn của ông đấy? - rồi thấp giọng tâm sự - Trong mấy tuần chiến đấu, không hao hụt về người, nhưng hao hụt quá nhiều súng đạn. Đó là mối lo lắng hiện nay của tôi. Thiếu tá Salvani hứa chuyển vũ khí chi viện, đến giờ vẫn chưa thấy gì. Máy truyền tin không liên lạc được, vì không có điện, phải chạy bằng loại máy dùng pin, nhưng chưa có. Tôi suy nghĩ mấy ngày rồi, hôm nay phải đích thân về nhờ ông. Trung tá Văn Phú lo việc liên lạc, trốn hẳn trên Sài Gòn. Tôi nhìn quanh không thấy có người nào khả dĩ thay thế, chỉ có ông. Ông đã biết Salvani, chưa lộ diện với Diệm là có quan hệ với tôi. Lại là người ngoài Bắc ta, ông có đủ thuận lợi giúp tôi liên lạc với Bộ tư lệnh Pháp, có đủ trình độ để thuyết giải cho họ hiểu mà chi viện cho tôi. Có được tiền bạc và súng đạn lúc này là ông lại cứu chúng tôi lần nữa, giúp chúng tôi đứng vững được!
Quả là sự trùng hợp bất ngờ! Đã mấy ngày nay Vũ đang nghĩ cách làm sao trở lên Sài Gòn báo cáo và nhận chỉ thị mới của Trung tâm mà không để cho Thành Nam lẫn Soái nghi ngờ. Trung tâm đã chấp thuận cho Vũ đi Cái Vồn với nhiệm vụ ngăn bọn Soái không hàng Diệm, tạo cơ hội cho cách mạng vận động chính sách đoàn kết dân tộc chống kẻ thù chính: đế quốc Mỹ. Vẫn biết vậy, nhưng trong một tháng không liên lạc với Trung tâm, Vũ cảm tưởng như một mình rơi xuống giữa đại dương, hẫng chân, mất phương hướng. Nghe Soái nhờ, Vũ mừng thầm, nhưng làm ra vẻ trầm tư suy nghĩ, để cho Soái và cả Thành Nam phải lo lắng, đợi chờ. Một lát sau anh mới biểu lộ sự khảng khái của mình:
- Đã không còn cách gì khác, tôi đi giúp ông Tổng vậy.
Cả Soái và Thành Nam như tỉnh lại, vui mừng lộ rõ trên mặt. Soái căn dặn Thành Nam làm giấy giới thiệu Vũ đại diện cho hắn với đủ quyền hạn và tin cậy, cùng một bức thư gửi Bộ tư lệnh Pháp xin chi viện. Để Thành Nam đi lo giấy tờ, Soái dặn Vũ:
- Ông về Sài Gòn, đến văn phòng cao ủy Pháp xin gặp đệ nhất tham vụ Jean Baptiste Brondeau. Ông ta nguyên là trưởng phòng đặc vụ của tòa thống đốc xưa. Ông tự xưng danh là Trần Văn. Với cái tên này của ông, Brondeau sẽ cho mời ông vào gặp ngay.
Brondeau thấy ông là hỏi ngay: "Ông ở đâu tới?" Ông trả lời: "Trong Sa mạc lửa?" Brondeau sẽ nhận ra, đứng dậy, bắt tay ông, và nói lại: "Thì ra ông ở Sahara về." Ông Vũ ạ, đó là qui ước gặp gỡ tôi chỉ được phép dành cho người tôi đặt hết lòng tin, và mạng sống của tôi thôi. Sau đó, Bộ tư lệnh Pháp sẽ yên tâm giao cho ông những số tiền lớn, bàn những việc hệ trọng, mà không chút e sợ. Ngược lại, Brondeau là người có tín nhiệm, không có dính dáng gì đến CIA.
- Vâng, tôi nhớ rồi...
- Còn một điều nữa. Hiện có năm mươi anh em bị thương còn nằm trong căn cứ. Bác sĩ Thạch đòi tôi phải có gấp một bộ đồ mổ và thuốc men, xin ông cứu lấy mạng họ.
- Tôi sẽ cố gắng xin Bộ tư lệnh Pháp cấp cho.
Soái nắm chặt tay Vũ:
- Không chỉ xin mà còn phải chuyển vận những phương tiện đó từ trên xuống đây kia.
Tôi biết việc này sẽ gây nguy hiểm cho ông trong chuyến đi, nhưng nếu không lo cho thương binh, tinh thần của nhưng anh em khác sẽ sa sút. Tôi băn khoăn không ít về vụ này.
- Tôi hiểu, ông Tổng cứ yên tâm. Tôi sẽ xoay sở để có đồ mổ và thuốc men về chữa cho họ.
- Tôi cầu xin Trời Phật, Đức Thầy, bảo hộ an toàn cho chuyến đi của ông.
Sau đó, Vũ nhận giấy tờ, nhận ly rượu tiễn của Soái và của Thành Nam. Cả hai lưu luyến đưa chân anh ra tận chiếc ghe máy. Vũ vượt sông qua bến đò Bình Thủy, lên bờ đáp xe đò về Sài Gòn bình an.
3.
Được tên thượng sĩ hầu cận báo có Ngô Đình Nhu đến xin gặp tại nhà riêng, Salvani cho là việc hơi lạ, nhưng hắn chợt hiểu ngay là vì lý do gì rồi. Tên Trưởng Phòng nhì Pháp ra tận cổng đón Nhu vào phòng khách. Sau tuần rượu khai vị Salvani giữ thái độ xã giao, lịch thiệp, mỉm cười kính cẩn:
- Ồng cố vấn đến đây chắc có điều gì cần đến tôi?
Nhu cũng nhếch môi cười, gật đầu, khoan thai đáp lại:
- Thưa vâng! Tôi cho là Thiếu tá đã biết tôi đến về việc gì rồi. Hải quân Việt Nam đã bắt giữ một chiếc tàu chở nhiều vũ khí và đạn dược tại hải phận Rạch Giá. Chiếc tàu đã được kéo về quân cảng Sài Gòn. Chính phủ Việt Nam sẽ trao trả cho Bộ tư lệnh Pháp - Nhu cười thành tiếng - nhưng tất nhiên phải hỏi lý do việc di chuyển này. Thuyền trưởng chiếc tàu khai là thừa hành lệnh của Thiếu tá. Chẳng lẽ chỉ một mình Thiếu tá phịu trách nhiệm?
Salvani cười gằn:
- Ông cố vấn định dọa tôi chăng?
- Không đâu? Tôi tới đây với thiện chí điều đình.
Nhu nhớ lại lời khuyến cáo của Lansdale: "Salvani là tên xảo quyệt, nguy hiểm, dám chết và dám liều. Hiện đang có nội chiến, chúng ta không được phép đẩy Bộ tư lệnh Pháp đến bước đường cùng. Cần khôn ngoan hơn, và có thể nhân nhượng phần nào". Nhu nói tiếp với giọng dịu dàng hơn:
- Nếu như chúng tôi có ý trả số vũ khí đó về cho Bộ tư lệnh Pháp, tất nhiên việc không đáng gì lại trở thành rắc rối, vì phải báo cho phái bộ Hoa Kỳ, và TRIM. Tôi chỉ đến bàn với Thiếu tá, chúng ta dàn xếp với nhau cho êm đẹp.
Tên cáo già tình báo Pháp đã biết rõ thâm ý của Nhu, trưng cái lợi thế ra đe dọa nhưng cốt là để giảng hòa, vì ít ra Nhu cũng phải kiêng nể Bộ tư lệnh Pháp lúc này vẫn còn đủ sức không ăn thì đạp đổ. Tuy nhiên, Salvani phải tính đến cái thế yếu của Pháp trước Mỹ, và chính bản thân hắn cần tìm cách gỡ trách nhiệm về việc chuyển vũ khí tiếp tay cho bọn Soái Cụt khi đại tướng Ely có thể hy sinh hắn để dễ phủi tay.
- Vâng, ông cố vấn cho tôi biết ý định.
- Thủ tướng của tôi sẽ mua lại của thiếu tá số vũ khí đó với giá một triệu đồng, tiền mặt. Mọi việc sẽ được giữ kín, dĩ nhiên, vì danh dự của cả hai bên.
Salvani trầm ngâm suy nghĩ. Đây là cách xử trí quả là cao tay của CIA, đúng hơn là của Lansdale. Chúng chưa dám đẩy đại tướng Paul Ely vào sát chân tường. Salvani nhớ lại thân phận của tên đàn anh hắn, trung tá Trinquier. Bản thân hắn càng chưa đủ tầm cỡ để công khai đối đầu với CIA. Vì vậy hắn nên nhận đề nghị của Nhu. Dầu như vậy là bị mất mặt với bọn chúng, nhưng được yên tâm lúc này là tốt.
- Tôi chấp thuận.
Nhu vui vẻ:
- Cám ơn Thiếu tá. Về phần tôi, tôi mong Thiếu tá đừng nên quan tâm đến việc tương tự như thế nửa!
Thì ra chúng đặt điều kiện, Salvani cau mặt, nìlưng đành phải gật đầu. Cuộc tiếp xúc ngắn ngủi kết thúc. Đối với Nhu, như vậy là phần thắng đã về phía hắn. Hắn đứng lên bắt tay Salvani ra về. Cũng thời gian này, Vũ đến văn phòng Cao ủy Pháp.. Tại phòng tiếp đón, cô thư ký Pháp trẻ đẹp kênh kiệu, hất hàm hỏi anh:
- Ông cần gì?
- Ông Brondeau, đệ nhất tham vụ có hẹn với tôi.
Cô gái mỉm cười đứng lên, thái độ đã đổi:
- Thưa ông cho tôi biết quý danh để thông báo.
- Trần Văn vâng. Xin mời ông Trần Văn ngồi tạm ở phòng khách - cô thư ký hướng dẫn
Vũ qua cửa bên - Tôi đi báo ông tham vụ ngay đây.
- Cám ơn, tôi đợi.
Vũ không ngồi, anh đi lại trong căn phòng có bộ xa-lon sang trọng, đốt thuốc hút, ngắm bức tranh sơn mài treo trên tường, ánh trăng, cặp nai và dòng suối. Vừa lúc đó, cô thư ký trở lại với nụ cười thật tươi:
- Ông tham vụ đã sẵn sàng tiếp ông. Xin mời ông theo tôi.
Vũ được dẫn lên lầu, vào phòng khách riêng. Brondeau đã ngồi chờ. Cánh cửa vừa khép lại sau lưng anh tên tham vụ đã hỏi và anh đã đáp đúng theo lời chỉ dẫn của Soái. Hắn vui vẻ, thân mật mời Vũ cùng ngồi. Có lẽ đã ngoài năm mươi, nhưng Brondeau trông vẫn còn rất trẻ, hoạt bát, cao lớn, đặc biệt có cặp mắt nâu nhạt sắc sảo.
- Trung tướng mạnh chứ ông? Tôi rất lo cho tình hình dưới đó, tin tức không bắt được bằng điện đài. Gặp ông tôi rất mừng, xin ông cho biết qua những diễn biến trong cuộc đụng độ vừa qua.
Vũ kể lại khá chi tiết, nhấn mạnh sự thắng lợi của Soái, đã gây cho binh lính Diệm thương vong nặng nề, làm cho chiến dịch qui mô Diệm đã chuẩn bị hàng nửa năm, hoàn toàn thất bại. Nhưng anh kết luận:
- Tuy nhiên, phía chúng tôi đã phải dốc toàn lực vào trận chiến không cân sức, gần một tháng không ngưng nghỉ, súng đạn tiêu hao khá lớn. Bây giờ thì thương binh còn nằm đó, thiếu phương tiện thuốc men chạy chữa. Lương thực không còn đủ. Nếu địch tiếp tục tấn công, thật khó lòng đứng vững? Thiếu tá Salvani hứa giúp cho súng đạn, một tháng rồi vẫn bặt âm. Ông Tổng phái tôi lên cấp tốc để xin Bộ tư lệnh chi viện gấp thì mới mong đối phó được trong những ngày sắp tới.
Brondeau trầm ngâm suy nghĩ. Khá lâu hấn mời chậm rãi nói:
- Đáng buồn là chiếc tàu chở vũ khí, đạn dược chi viện đã bị bọn Mỹ phát hiện, chúng đã ra lệnh cho bọn Diệm chặn bắt khi tàu cặp bờ biển Rạch Giá. Chính vụ này còn gây hậu quả rắc rối cho Bộ tư lệnh Pháp.
Vũ ra vẻ chưa hiểu hỏi lại:
- Tại sao người Mỹ lại có quyền bắt giữ tàu của Bộ tư lệnh Pháp, thưa ông tham vụ?
Brondeau nhìn sững Vũ trong giây lát:
- Ông là người thân tín của ông Soái, tôi tin mà nói thật với ông nhé. Bộ tư lệnh Pháp không còn chút quyền gì ở miền Nam này nữa, ngoài nhiệm vụ yểm trợ cho quân lực ông Diệm. Trong khi chờ đợi rút quân lần lần mà phải rút hết trước cuối năm 1956 thì quân đội Pháp phải tập trung về ngoại thành Sài Gòn, trong khu vực được qui định. Như vậy việc chuyên chở vũ khí ra khỏi khu vực qui định coi như bất hợp pháp. Trong khi đó chúng lại chờ tàu chúng ta cặp bờ biển Rạch Giá, có đủ chứng cớ chúng mới bắt lại. Như vậy chứng tỏ là tàu chở vũ khí có mục đích chống phá Diệm, vi phạm điều cam kết!
Hắn đưa gói thuốc lá về phía Vũ:
- Mời ông! Vậy là ông đã rõ vì sao Bộ tư lệnh Pháp đã phải khoanh tay ngồi ngó Diệm tập trung quân tiêu diệt hai lực lượng của ông Tắc và ông Viễn, những người đã có công giúp người Pháp không ít trong gần mười năm chiến tranh ở đây. Bây giờ thì đến ông Tổng. Đại tướng Ely đã cố gắng quá sức mình, quả là liều đấy đã ra lệnh cho pháo đội bắn yểm trợ, xe tăng ngăn chặn quân Diệm để giúp ông Bảy, chở hàng tấn đạn lên Tây Ninh cho ông Tắc, và một tàu vũ khí chi viện cho ông Tổng, khiến người Mỹ làm khó bản thân ông không ít. Bộ tư lệnh Pháp và riêng Đại tướng Ely đã chứng minh sự chân thành của mình đối với anh em cộng sự, nhận chịu tai tiếng rồi, bây giờ thì không còn cách gì hơn được!
Vũ vờ hốt hoảng:
- Có nghĩa là các ông cũng sẽ ngồi ngó để mặc Diệm ngang nhiên tàn sát chúng tôi?
Brondeau cười buồn:
- Làm gì khác được nhỉ? Theo tôi nghĩ, đã tới lúc không cần giấu nhau nữa. Tôi muốn nói thật để báo cho ông Tổng phải tự cứu, tự lo chớ trông cậy vào Bộ tư lệnh chúng tôi nữa mà hỏng công việc còn nguy hơn.
Hắn chầm chậm dụi mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn, rồi tiếp:
- Ông biết không, tôi đã chịu ông Tổng cái ơn cứu tử đấy? - Cặp mi sụp xuống, hắn tỏ ra xúc động - Hồi xưa tôi ra lệnh bắn một tên gián điệp Nhật, đến ngày Nhật đảo chính, nắm quyền, chúng truy lùng tôi để trả thù, treo giá một số tiền khá lớn cho ai bắt hay giết được tôi. Ông Tổng đã giấu tôi cho đến ngày quân Pháp trở lại. Vì thế những điều tôi nói với ông, đáng lý tôi chỉ có thể nói với ông Tổng thôi. Nhưng theo qui ước giữa hai chúng tôi, ông Tổng chỉ có thể giao cho chính vợ ông hay một người tuyệt đối tin cậy thay ổng liên lạc với tôi nên tôi đã tiết lộ với ông những điều chưa được nói ra, cốt trả ơn ông Tổng..
Vũ cần tạo lòng tin tuyệt đối với hắn, anh lấy tờ giới thiệu và phong thư đưa ra:
- Tôi hiểu ông tham vụ ạ. Đây là giấy giới thiệu, đây thư gửi Bộ tư lệnh, ông Tổng giao tôi chuyển lên xin chi viện tiền, súng đạn, thuốc men, ông Tổng đặt hết mọi hy vọng vào ông. Nếu không được chấp thuận, ông Tổng khó tránh khỏi nguy hiểm, chỉ một sớm một chiều.
- Tôi biết chứ. Dù không coi giấy tờ, tôi cũng tin ông từ lúc gặp mặt và biết ông Tổng cần những gì để cứu vãn tình hình. Ông cứ giữ giấy tờ đó, tôi phải đưa ông vào Bộ tư lệnh.
Tôi cũng có chút ít hy vọng vì ông Tổng khác với những người đã hợp tác với chúng tôi. Ông Tổng không những có nhiều đóng góp cho Bộ tư lệnh ở đây, mà cho cả chính phủ Pháp từ những ngày bọn Nhật hoành hành tại Đông Dương này. Tôi chắc đại tướng Ely cũng nghĩ đến điều đó để giúp ông Tổng với khả năng có thể của Bộ tư lệnh.
Nói tới đây, Brondeau vội vàng đứng lên mời Vũ cùng ra xe. Brondeau tự lái xe, có cắm lá cờ xéo với dấu hiệu của Cao ủy Pháp, chạy thẳng vào căn cứ cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Vừa nhìn thấy Vũ bước vào, Salvani mừng rớ, không kịp ngó tới Brondeau, chạy tới nắm tay Vũ kéo vào phòng hắn. Từ căn phòng bỏ ngỏ cửa sát bên, tên trung tá liên lạc của Soái, Nguyễn Văn Phú, cũng vội vã chạy qua. Sau hắn là một tên đại úy Pháp, đươe giới thiệu là Buzzo, phó Phòng nhì. Năm người ngồi quây quần tại bộ xa lông kê sát góc văn phòng.
Vũ đưa giấy tờ cho Salvani và chờ hắn đọc. Hắn đọc rất kỹ khiến Văn Phú phải thay đổi thế ngồi hai, ba lần, tỏ ra nôn nóng sốt ruột. Đọc xong, Salvani ân cần chờ Vũ cho biết rõ tình hình. Anh tuần tự kể từ đầu đến cuối một lần nữa như đã kể cho tên tham vụ vừa rồi.
Salvani chợt hỏi:
- Hiện nay trung tướng Hinh và ông Ba vẫn ở bên cạnh ông Năm chớ?
- Sau khi ông Viễn rút về kinh Cây Khô, thì ông Hinh và ông Ba đã trở về Hồng Ngự để củng cố hàng ngũ, và lập hệ thống bố phòng dọc hành lang nối liền hai lực lượng. Mặt khác, ông Ba sẽ cho quét sạch địch phía biên giới Miên - Việt để yên tâm hướng về phía đối diện với quân Diệm. Bây giờ thì hai cánh quân có thể dựa vào nhau, hỗ trợ nhau khi bị tấn công. Nhưng cần có thêm súng đạn mới hy vọng đứng vững được, vì cơ số chỉ còn đủ một trận ngắn tằn tiện, nên ông Tổng mới cấp tốc giao tôi lên xin chi viện.
- Dưới đó có biết tin chiếc tàu chở vũ khí của tôi bị Diệm chặn bắt không?
- Chúng tôi không biết, chỉ có ngày đêm dài cổ trông chờ mà không thấy!
Salvani cầm giấy tờ đứng lên, hắn nói với Văn Phú:
- Anh Phú đưa ông Vũ về chỗ anh nghỉ ngơi, tôi phải lên gặp và trình Đại tướng ngay - hắn quay lại bắt tay Brondeau - Xin mời ông tham vụ cứ về, chiều nay lại nhờ ông trở lại đón ông Vũ giúp cho.
Brondeau bắt tay Vũ:
- Chiều nay, đúng năm giờ tôi trở lại.
Văn Phú dẫn Vũ về phòng riêng của hắn. Vừa ngồi xuống ghế hắn đã hấp tấp:
- Tình hình đi đường ra sao, chắc là nguy hiểm?
- Chưa đến nỗi phải mở tung cửa thành kéo quân đánh mở đường cho tráng sĩ tung vó câu đi cứu viện, nhưng cũng phải sống chết đối đầu. Quân lính Diệm và trinh sát địch bủa vây khá chặt. Chúng quyết quét trọn mẻ lưới không cho cá lọt, tôi phải lách từng đoạn, không thiếu cảnh đau tim!
Văn Phú không chút nghi ngờ, hèn nhát thú nhận:
- Ông Tổng giao cho tôi nhiệm vụ liên lạc, nhưng từ khi xảy ra nổ súng với ông Bảy, Diệm cho lệnh truy bắt hết những ai thuộc cả ba lực lượng, rất gắt. Tôi sợ, trốn luôn trong này.
- Nhưng anh cũng phải lo trở về với ổng chứ, hợp sức với anh em, sống chết có nhau cho trọn tình trọn nghĩa.
Hắn lắc đầu và tìm cớ giải thích:
- Bọn tay chân của Diệm vốn ghét tôi, lại biết mặt tôi, ló ra chúng chẳng chịu tha đâu, di chuyển từ đây xuống Đồng Tháp, ba trăm cây số, gần gũi gì?
Vũ chưa chịu tha:
- Anh nỡ nằm yên ổn một mình trong này, mặc cho anh em sống chết sao?
- Đành vậy, tôi tự biết mình chẳng làm được gì hơn.
Vũ đến chỗ có chiếc giường vải nhà binh, ngả lưng. Anh cảm thấy mệt mỏi sau hai ngày đi đường. Văn Phú cũng đứng dậy:
- Phải, anh nằm ngủ đi tôi đi lo cơm nước cho anh đây.
Nhưng Vũ không ngủ được. Anh nhớ lại những lời tên Brondeau đã nói. Thế là mâu thuẫn giữa hai tập đoàn tay sai Pháp, Mỹ đã đến giai đoạn cuối cùng, giai đoạn tàn lụi. Cả ba "lực lượng bổ sung" của Pháp không còn là mối đe dọa cho Diệm. Nếu Soái - Cụt không còn được chi viện vì Pháp đã bỏ rơi, tình hình miền Tây Nam Bộ sẽ rất sớm ổn định. Bọn CIA và Diệm rảnh tay, mở chiến dịch tố cộng, một cuộc chiến không mặt trận nhưng không kém phần ác liệt. Bằng cách nào để Soái tránh khỏi bị tiêu diệt sớm hơn, nếu Pháp không còn khả năng chi viện, hay như lời linh mục Thuận nói hôm nào, là Pháp chỉ tận dụng xương máu bọn tay sai để mà cả lấy được số tiền chi phí rút quân, rồi phủi tay, bỏ mặc bọn tay sai giãy chết?
Văn Phú trớ về cùng với tên lính khệ nệ mang theo phần ăn của hai người. Trong lúc ăn, Vũ thăm dò Phú:
- Theo anh, Bộ tư lệnh có tiếp tục chi viện cho chúng ta nữa không?
- "Chi viện" thì chắc chần là không rồi.. Giúp chút đỉnh gì đó để biểu lộ cảm tình, thì có thể đấy. Chính phủ Pháp rất kiên quyết đã ra lệnh cho Bộ tư lệnh ở đây không được can thiệp vào nội bộ của Diệm. Đại tướng Navarre đích thân đọc lệnh đó trong một cuộc họp toàn thể các tướng tá chỉ huy. Ông ta tuyên bố sẽ truy tố bất cứ ai, cấp gì đi nữa, ra trước tòa án binh nếu có hành động chống đối thỏa hiệp Pháp - Mỹ. Vừa rồi chiếc tàu chở vũ khí bị Diệm bắt giữ, cả Bộ tư lệnh ở đây đang điên đầu lo lắng. Họ sợ phái bộ Mỹ báo về Paris, chính phủ Pháp sẽ không nới tay thi hành kỷ luật từ Đại tướng Ely trở xuống, chứ lơ mơ sao? Họ đang trong tình trạng bị kẹt, hy vọng gì họ lo cho ông Tổng.
- Nếu không được chi viện, ông Tổng sẽ theo chân ông Viễn là cái chắc rồi.
Văn Phú nhún vai:
- Họ hiểu hoàn cảnh của chúng ta, họ buồn đấy nhưng bất khả kháng, không làm gì được.
Thôi, coi đó là số mệnh đã an bài. Tôi nằm cạnh họ, tôi biết rồi.
- Rõ như thế nào?
- Hệt như năm 1945, Pháp phải đầu hàng Nhật. Bọn Nhật đưa ra thuyết Đại đông á, nào độc lập tự chủ, người Việt làm chủ nước Việt. Bây giờ thì Pháp đầu hàng Mỹ, bọn Mỹ lại đưa ra thuyết thế giới tự do, coi ra vẻ hấp dẫn hơn cái lối của Nhật nhiều.
Hắn hạ thấp giọng:
- Hết rồi! Pháp không còn quyền mẹ gì ở đây ráo. Chuyện chiếc tàu đó, từ Đại tướng Ely đến Salvani đều xanh mặt hết, mất ăn mất ngủ cả mấy hôm nay, ngày nào cũng họp bàn chờ bọn Mỹ hành cho. Cứ vào một việc nhỏ mọn này cũng thấy tất cả bất lực, nói gì giúp được ai?
Vũ thở dài, làm ra vẻ thất vọng:
- Nguy rồi!
- Chứ sao? - ngừng lại giây lát, Phú nhường mắt ngõ Vũ - tôi chỉ nghĩ tới một chút hy vọng.
- Một chút thôi sao?
- Nhưng không phải cho cái danh từ "chúng ta" đâu nhé, mà chỉ riêng cho ông Tổng thôi.
Đại tướng Ely, thiếu tướng Gam-bi-ê, và Salvani rất có cảm tình với ông, cảm tình cá nhân ấy mà, vì ông Tổng đã góp công nhiều cho họ. Các ông ấy sẽ đối xử với ông Tổng đặc biệt hơn. Đó là hy vọng của tôi. Căn cứ vào tình trạng của tôi và Thành Nam, tôi tin đìêu đó. Cả hai chúng tôi là sĩ quan trong quân đội Pháp, được phái qua lực lượng của ông Tổng, nay họ lại chuyển chúng tôi về Phòng nhì như cũ, bắt đầu tính lương từ ngày Diệm không chịu trả lương cho chúng tôi. Với chúng tôi họ còn săn sóc như vậy, đối với ông Tổng họ phải nghĩ tới.
Phú đã vô tình thú nhận, cả hắn lẫn Thành Nam đều là người của Pháp. Chúng đâu có vì Soái, và càng không phải tín đồ Hòa Hảo. Vừa ăn xong Phú đã vội lăn ra ngủ theo thói quen, như không sao cưỡng nổi. Vũ cũng nằm nhắm mắt. Anh điểm lại những lời của Brondeau, Văn Phú, anh càng thêm yên tâm về những báo cáo của mình gửi về Trung tâm rất là xác đúng.
Sau giờ nghỉ trưa, Vũ đã được Salvani mời lên phòng làm việc có mặt Buzzo và Văn Phú.
Salvani khá vui báo tin cho Vũ biết:
- Tôi đã trình lên đại tướng Tư lệnh. Ông chấp thuận trợ giúp trung tướng, nhưng chỉ trong điều kiện có thể của Bộ tư lệnh, tất nhiên là rất hạn chế. Đại tướng cũng đã cho lệnh tôi được phép nói thẳng với ông, để trình cho trung tướng, vì úp mở trong lúc này là nguy hiểm. Đó là chính phủ Pháp đã có lệnh cấm Bộ tư lệnh không được can thiệp vào nội tình của miền Nam Việt Nam. Như vậy việc giúp đỡ đây phải được tuyệt đối giữ bí mật. Mong ông đừng nên tiết lộ với bất cứ ai ngoài trung tướng.
Để hắn được yên tầm, Vũ tỏ ra cương quyết:
- Tôi hiểu. Ông tin ở tôi, cũng như ông Tổng đã tin ở tôi, đặt sự sống còn của toàn thể lực lượng vào nhiệm vụ giao cho tôi lên tới đây.
Salvani gật đầu bằng lòng:
- Tôi biết ông trong những ngày cùng ở bên ông Bảy, và đại tướng chỉ cho phép tôi nói với người mà tôi tin là sẽ bảo đảm lời nói của đại tướng không bị tiết lộ ra ngoài. Như vậy chứng tỏ tôi tin ông nhiều chứ?
- Cám ơn thiếu tá?
- Đại tướng gửi ông chuyển cho trung tướng mười triệu đồng Đông Dương. - hắn nhấn mạnh - Đây là số tiền một lần duy nhất, trích quỹ riêng của Bộ tư lệnh với tất cả sự cố gắng. Một bộ đồ mổ dã chiến với thuốc men, thuốc thì không hạn chế. Về đạn dược, súng ống, cũng sẵn sàng cung cấp cho trung tướng, nhưng phải do các ông tổ chức chuyên chở lấy. Riêng tôi đã nghĩ cách giải quyết giùm ông. Tôi sẽ bàn với ông tham vụ Brondeau, nhờ ông ta chở từng xe một đưa tới Sở thú giao cho kỹ sư Quan Hữu Kim, từ đó ông lo ghe nhỏ chuyên chở bằng đường sông. Tuy mỗi lần một ít, nhưng thà có còn hơn không. Đó là cách an toàn nhất, tôi đê nghị ông nghiên cứu lại coi. Chỉ có một việc yêu cầu ông lưu ý, nếu bị bại lộ, Bộ tư lệnh sẽ không nhận có dính vào.
Vũ gạn hỏi:
- Về vấn đề vũ khí, đạn dược, theo thiếu tá không còn cách nào hơn nữa sao?
- Vâng, chính tôi đã năn nỉ, và đại tướng rất có thiện chí với trung tướng, mới chập thuận như thế. Vì lộ ra với phương pháp tôi vừa nói đó, cũng rất phiền hà cho chúng ôi.
Vũ tỏ ra miễn cưỡng:
- Thôi thì đành vậy chứ biết sao. Khi tôi ra đi, ông Tổng tôi căn dặn hãy trông cậy vào thiếu tá. Tôi xin đại diện ông Tổng và toàn thể anh em, biết ơn thiếu tá.
Salvani hài lòng, mỉm cười:
- Xin ông nhớ báo để trung tướng biết, Đương Văn Đức đã được Diệm cấp cho hai mươi xe lội nước, chắc chắn chúng đang khẩn trương mở trận càn Đồng Tháp.
- Chúng tôi đã biết điều tất yếu đó. Nhưng thiếu tá yên tâm. Lực lượng của ông Tổng vốn sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước sình đây, Dương Văn Đức lại dùng quân miền rừng núi, hắn đã đem cái sở đoản chọi với cái sở trường, tự nó đã mất đi ưu thế.
- Quả là lời nhận xét xác đáng. Ông Soái có được người cộng sự như ông thật đáng mừng. Tôi không còn ngạc nhiên khi nghe ông kể lại trận đánh kéo dài vừa qua, lực lượng của trung tướng tổn thất không đáng kể mà đã làm Dương Văn Minh xấu hổ với cái danh xưng "anh hùng rừng Sác"?
Vũ nhớ ra chợt hỏi:
- Ông Tổng tôi cứ băn khoăn về tình trạng của ông Bảy, xin thiếu tá cho biết tin về ổng và những người theo vào rừng Sác?
- Chúng tôi rút vào rừng Sác an toàn, nhưng chưa kịp củng cố căn cứ, thì hơn chục chiến hạm nhỏ của Mỹ cấp cho Minh bao vây và cấp tốc tấn công ngay. Với phương tiện đầy đủ của địch, rồi quân số đông gấp mười ìân, tưởng chẳng cần nói lại nhiều về lý do thắng bại. Chiếc thủy phi cơ của Bộ tư lệnh chúng tôi chỉ đưa được ông Bảy và tôi đi trước khi toàn thể anh em trong ba chiến hạm phải kéo cờ trắng độ nửa giờ. Bây giờ thì ông Bảy đã yên vui với vợ con ở Pháp.
Hắn tự tay rói rượu mời mọi người, rồi nói tiếp với Vũ:
- Ngày mai tôi sẽ nhờ ông tham vụ chuyển số tiền mười triệu ra giao ông. Dụng cụ y tế, thuốc men sẽ chở lần lần để tại nhà riêng của ông Kim, ông sẽ nhận tại đấy. Khi nào ông tổ chức xong đường chuyên chở thì tin cho tôi hay, tôi sẽ nhờ ông Brondeau đưa ra từng xe một.
Đúng năm giờ, Brondeau lại tự lái xe đến đón Vũ ra về. Để tranh thủ thời gian, Vũ mời Brondeau lại nhà riêng Quan Hữu Kim trong Thảo Cầm Viên, bàn việc giao nhận vũ khí và đạn dược. Tên đệ nhất tham vụ chấp nhận sẽ bắt tay vào việc chuyển vũ khí ra ngay, mà không chờ tổ chức xong đường dây chuyên chở. Kỹ sư Kim nhận cất giấu, để nhờ dưới Soái đưa ghe lên nhận..
Vũ không bỏ lở cơ hội, lợi dụng vào tình nghĩa, ân huệ giữa Brondeau và Soái, anh đề nghị hắn cấp cho một lái xe và giấy tờ công lệnh di chuyển với danh nghĩa của cao ủy Pháp sử dụng chiếc Traction 15 của Thành Nam để tại nhà Quan Hữu Kim, chuyên chở bộ đồ mổ và thuốc men theo Vũ về. Brondeau nhận lời. Không muốn lộ diện, Vũ ở luôn trong nhà Kim và trong căn phòng hắn dành cho anh, đêm đó anh tập trung tư tưởng, làm báo cáo về Trung tâm.
4.
Với giấy tờ do Brondeau cấp, trên danh nghĩa cao ủy Pháp, chiếc Traction về thẳng đến chợ Mới Long An, có ghe xuồng của Thành Nam đón, luồn lách đi tiếp trên sông rạch một ngày hai đêm, về đến Thánh địa Hòa Hảo an toàn. Thành Nam đã vào Đồng Tháp gặp Soái. Thiếu tá Phan Thành Vọng, tay chân tin cậy của Soái, được cử ở lại làm chỉ huy trưởng toàn lực lượng tại Thánh địa. Hắn rất vui mừng thấy Vũ trở về. Hắn được lệnh Soái túc trực đón Vũ, và cho đưa anh vào Đồng Tháp. Vọng đã lựa chọn mười hai tay đúng, với hai khẩu trung liên đầu bạc bảo vệ chuyến đi cho anh. Hắn tự tay chuyển bốn thùng đồ mổ, thuốc men và chiếc va li chứa tiền. Hấn không dám tò mò hỏi nhưng Vũ chẳng giấu giếm:
- Ông Tổng đã có mười triệu đồng để lo đỡ cho anh em và đây là dụng cụ y tế và đầy đủ thuốc men cho số thương binh đang nằm chờ điều trị. Vọng có vẻ xúc động, đăm chiêu ngó số tài sản quá lớn đó. Nhìn anh với ánh mắt đầy cảm tình, hắn không nói ra lời, nhưng anh hiểu, hắn ngầm cảm phục. Khi bắt tay đưa tiễn anh, Vọng mới ngập ngừng:
- Chúc ông lên đường bình an. Chúng tôi chờ ông trở lại.
Ghe máy lướt đi trong đêm, gặp đúng cơn mưa đầu mùa xối xả, tên sĩ quan bảo vệ che kín khoang Vũ ngồi:
- Trời mưa làm ông hơi cực nhưng an toàn.
Vũ cười:
- Không sao, anh em còn cực hơn nhiều.
Chiếc ghe phải luồn lách trong các kinh rạch nhỏ những khi tránh vùng có địch kiểm soát bằng giang hạm tuần tra. Gần hết một đêm, khi vừng đông vừa rạng thì ghe cập bờ. Giữa Đồng Tháp Mười mênh mông trên một khoảnh đất thon dài, nhỏ nhoi, với vài chục túp lều tre lá đơn sơ của một xóm chài bập bềnh trên mặt nước, Soái đã đặt Tổng hành dinh. Đó cũng là trung tâm của căn cứ kéo dài theo con kênh trên ba chục cây số.
Được tin báo Vũ đã vào, Soái đang ngủ vùng dậy ra tận ghe đón. Thành Nam cũng mừng rỡ ra theo. Những bàn tay nắm chặt, tình cảm giữa Soái và Vũ càng siết chặt hơn. Nhìn những hòm đồ chuyển lên, mắt Soái sáng lên, đầy hy vọng. Hắn kéo Vũ vào căn lều lớn, vợ soái Cũng tươi cười chào hỏi, vội trông coi mấy phích cà phê đốt bằng cồn để tiếp đãi anh. Vừa ngồi yên chỗ, Vú báo tin mừng:
- Tôi đã đưa một bộ đồ mổ và đầy đủ thuốc men cho anh em thương binh - Anh chỉ chiếc va li đã được đặt gần đó - Bộ tư lệnh Pháp chuyển tạm về ông bà Tổng mười triệu đồng. Còn đạn dược, vũ khí không thiếu gì, chúng ta sẽ bàn việc chuyên chở xuống sau.
Vũ không nói lại những lời Salvani đã nói. Anh muốn giữ cho Soái hy vọng, yên tâm, đứng vững để đối đầu lâu dài với Diệm. Quan sát vẻ cảm động của vợ chồng Soái và Thành Nam ngồi cạnh đó, anh cho rằng khi chúng đã tin vào hành động của anh thì nhất định không thể không tin lời anh nói. Anh tiếp:
- Thiếu tá Salvani cho hay, chiếc tàu chở vũ khí và đạn dược đã bị Diệm chặn bắt mất, khi cặp bến Rạch Giá. Ông ta lấy làm tiếc về việc xảy ra, đá gây rắc rối không ít cho đại tướng Ely. Bây giờ họ rất ngại, nên dè dặt. Nhưng tôi đã cả quyết với họ, tôi sẽ tổ chức chuyển vận an toàn. Họ thấp thuận cấp vũ khí và đạn không hạn chế, nhưng phải tự ta nhận chuyên chở lấy. Việc này tôi đã sắp xếp với kỹ sư Quan Hữu Kim. Hiện lúc này vũ khí đang được chuyển dần ra Thảo Cầm Viên, chỉ còn chờ ghe lên chở về. Tôi đề nghị ông Tổng cho lệnh tổ chức ngay một lực lượng nhận công việc này càng sớm càng tốt, vì việc chuyên chở đòi hỏi phải kéo dài thời gian, không thể một lúc chở đi được nhiều.
Mụ Soái ngồi cạnh chồng, vừa chăm chú nghe, vừa đặt từng ly cà phê trước mặt ba người. Mụ sốt sắng lên tiếng:
- Tôi thấy cũng không đến nỗi khó khăn lắm, vì đường sông coi vậy chớ còn dễ dàng, ghe máy của ta không thiếu. Để tôi huy động hết đại đội gái của tôi cải trang thương nhân làm việc này thì hợp lắm.
Soái cười nịnh vợ:
- Bà đã chịu bắt tay vào thì việc chi không xong. Vậy thì công việc này bà lo cho nhé.
- Ừa, các ông để tôi lo.
Nhìn qua bộ mặt vẫn còn đầy đặn, tươi tỉnh của vợ Soái, Vũ yên tâm. Mụ ta đã thay đổi Có lẽ đứng trước việc đã rồi, sống chết đang đối đầu không còn hy vọng vào việc đầu hàng, mụ phải thực sự bắt tay trợ lực với chồng. Vũ chuyển tin của Phòng nhì Pháp cho Soái:
- Thiếu tá Salvani có dặn tôi báo để ông Tổng biết, Diệm đã cấp cho Dương Văn Đức hai chục xe lội nước, số xe này đang chuẩn bị đưa xuống đây. Như vậy là chúng đang ráo riết chuẩn bị một trận đánh vào Đồng Tháp.
Soái tỏ ra khá bình tĩnh:
- Tôi đã dự đoán rồi. Tôi đã dành mười khẩu trọng liên 20 ly và một trăm trái mìn, tạo thành lưới lửa đón sẵn, chắc chắn không có chỗ cho toại xe đó tung hoành đâu - Hắn vẫn vê vê từng chiếc râu mép theo thói quen. - Ông Vũ sẽ chứng kiến Dương Văn Đức chết thui trong "Sa mạc lửa" này?
Soái nhìn Vũ nháy mắt gật gù. Anh hiểu. Hắn nhắc lại mật khẩu qui ước liên lạc với Brondeau mà anh vừa thực hiện. Thì ra bọn Pháp đã giúp kế cho Soái từ trước, chỉ có điều chúng biết quá rõ tâm trạng của bọn tay sai sớm đầu tối đánh, nên thiếu tin tưởng mà thôi.
- Mùa mưa đến rồi - Soái nói tiếp - Chỉ trong hai tháng mưa liên tục, tất cả ở đây có thể sẽ là biển cả. Đức sẽ chịu bó tay. Sức tôi có thể đương đầu một tháng, lúc này chúng còn chưa mở dầu trận đánh, vậy là quá chậm Tôi sẽ thắng trận này nữa, để ông Vũ coi, vì rõ ràng chúng không thông hiểu đặc tính của vùng kinh rạch, sình lầy này.
Vũ thực tình khen hắn, đòng thời cũng để khuyến khích:
- Ông Tổng quả là nhà quân sự vừa mưu lược, vừa thông thiên văn, địa lý.
Soái cất tiếng cười ha hả:
- Không phải như lời ông quá khen đâu. Mưu lược chính là ông, còn biết thạo đất và nước vùng này là nhờ tôi sinh ra ở đây lại đã mấy chục năm hoạt động tại đây - Hắn vỗ nhẹ lên vai vợ - Bà thấy đấy, gần chục năm dưới tay có cả chục ngàn quân tôi chưa bao giờ đụng độ trận nào với Việt Minh có đến ngàn lính. Nhiều lần họ chỉ có vài trăm, vậy mà lính của tôi chết không ít, phần tôi bốn năm lần trốn chạy. Ấy mà trong trận vừa rồi đương đầu với gần hai chục ngàn quân của Dương Văn Minh, với hàng trăm pháo và cối, tôi đã thắng! Nhờ ông Vũ đây.
Vợ Soái ngước nhìn Vũ với vẻ cảm phục, thân thiết:
- Vào trong này tôi mới nghe Thành Nam nói lại, mới biết ông Vũ...
Mụ ta ngập ngừng, Thành Nam liền nhắc khéo:
- Thưa bà Tổng, thời gian rất gấp rút, nhất là việc đi nhận vũ khí, xin bà ra lệnh cho chị em lo ghe thuyền ngay để bắt tay vào việc.
Soái hoa tay thúc giục vợ đứng lên:
- Phải, phải, vui quá quên mất công việc trọng đại rồi. Nào Thành Nam, chú đưa cái bản đồ ra đây, tôi bàn với ông Vũ vụ đánh xã An Thạnh.
Vợ Soái bước ra khỏi lều. Thành Nam mở chiếc cặp da lấy một tấm bản đồ quân sự trải trước mặt Soái. Soái chỉ vào bản đồ:
- Đây là chỗ đóng quân của ta. Đây là xã An Thạnh. Vùng này đất tương đối cao, sát ven Đồng Tháp, nhưng do nhiều sông rạch nên bị cô lập như một cù lao. Trước đây Pháp xây căn cứ cho một tiểu đoàn lính Phi châu trấn giữ, giờ giao lại cho tiểu đoàn bảo an của Diệm. Tôi đã bàn với anh em, quyết đánh chiếm nơi này để đặt Tổng hành dinh. Tại đó, còn nguyên một kho đạn cũ của Pháp, có địa thế đóng quân trong mùa lũ lại rất gần với cánh quân của chú Ba. Ông Vũ coi được không?
- Tôi không thông thuộc địa thế, không thể góp ý được. Nhưng cứ như lời ông Tổng với những lý do như chiếm lấy kho đạn, đóng quân tránh mùa nước lớn, dựa được cánh quân ông Ba, quả là chiếm được nơi đó có nhiều cái lợi. Có điều ông Tổng nên nghiên cứu cách đánh sao chắc thắng mà ít thương vong.
Soái cười sảng khoái:
- Ông Vũ quả có lòng nhân đức. Tôi đã cho trinh sát đi điều tra hai lần rồi, đã tính lãi đánh chắc ăn. Có lẽ chiều nay tôi cho lệnh hành quân. Tôi mời ông cùng đi với tôi, chúng ta cùng duyệt trận đánh. Sau khi ăn mừng chiến thắng, tôi sẽ đưa ông và Thành Nam về Thánh địa.
Hoàng hôn, ánh nắng hồng tươi trải khắp Đồng Tháp mênh mông. Những đám sen, đám súng, như một cánh rừng trải rộng xa tít tận chân trời, màu xanh óng ánh, lung linh vờn gió, phẳng phiu như muốn sánh với nền trời, không có gì cản tầm mắt nhìn xa. Những đàn sếu đi ăn xa trở về, vạch thành nhiều hàng kẻ dài chắp nối đã hạ thấp chiều cao, đôi lúc màu cánh đổi thành sáng bạc. Như để đua với chim trời, dọc kinh Cây Tre, gần hai trăm ghe thuyền nối đuôi nhau lướt về phía Nam, những mái chèo là mặt nước chuyển động, những gợn sóng như đùa cho ánh sáng xa ra. Vũ và Thành Nam ngồi chung một chiếc ghe với Soái theo ba tiểu đoàn được lựa chọn xuất kích đêm nay. Vài giờ sau, ánh hoàng hôn thu gọn lại, ẩn xuống chân trời. Mặt đồng tối hằn, vòm trời trong xanh, không trăng, những vì sao càng thêm rực rỡ. Soái ngước nhìn không trung, nói một mình, nhưng để Vũ cùng nghe:
- Không có mưa, trời lại tối, Phật thầy phù hộ chúng ta?
Không ró Soái có thật tin Phật thầy trợ giúp hay không, nhưng nhờ trinh sát kỹ, nhờ yếu tố bất ngờ, quân của hắn đã chiếm đồn An Thạnh sau một giờ nổ súng. Gần một tiểu đoàn của Diệm tử thương, số thoát chết trốn chạy, để lại nhiều vũ khí và kho đạn khá dồi dào.
Nhìn thành quả thu được, Soái cười vui luôn miệng. Sau vài giờ ổn định, hắn ra lệnh cho binh sĩ tố chức cuộc vui thâu đêm, cũng là để liên hoan với Vũ, Thành Nam, để tiễn đưa cả hai trở về Thánh địa.
Soái rút hai phần. ba quân số dọc căn cứ cũ về An Thạnh xây dựng căn cứ mới trên mặt đất, số còn lại trở thành các đội tiền tiêu trinh sát.
Vê tới Hòa Hảo, Thành Nam lại bắt tay vào công việc vận động xin lúa gạo nuôi quân, củng cố các đội dân quân và in truyền đơn tung vào khối tín đồ, kêu gọi sẵn sàng chống Diệm. Đường dây bằng ghe vận chuyển súng đạn từ Sài Gòn vè khá tốt, đúng kiểu kiến tha lâu đầy tổ. Soái viết thư gửi cho Vũ, báo tin, cân cứ An Thạnh đã hoàn thành, sẽ là hậu cứ vững chắc. Súng đạn có thêm, như được uống thuốc hồi sinh, binh lính rất phấn chấn tinh thần? Vũ cũng cảm thấy phấn khởi nhiều. Tình hình lộn xộn đã kéo dài được nửa năm, gây khó khăn cho Mỹ - Diệm khá nhiều. Riêng về bọn Soái, khả năng tồn tại vẫn còn.
Trung tuần tháng Sáu năm 1955, tin trinh sát của Soái cho hay là Dương Văn Đức đã chuẩn bị xong trận càn quy mô vào Đồng Tháp. Mùa mưa đã quá nửa tháng, mực nước đã khác rồi, Đức phải tranh thủ trước khi lũ về.
Một hôm thiếu tá Vọng đến mật báo với Thành Nam:
- Vợ trung tá Thinh, cháu mụ Soái, lại làm trung gian cho Nguyễn Ngọc Thơ, đem thư tới cho cô Năm, con gái ông Huỳnh Công Bộ, có thể là dụ hàng.
Vũ không ngạc nhiên, nhưng Thành Nam giận dữ:
- Anh bắt con vợ thằng Thinh giam lại đó cho tôi. Chúng ta phải cắt đứt mọi liên hệ từ Thánh địa ra bên ngoài, bất cứ là ai.
Vũ can thiệp ngay:
- Anh tính vậy không hay. Dương Văn Đức sẽ mở chiến dịch càn Đồng Tháp, cũng có nghĩa là toàn lực lượng của ta, kể cả Thánh địa. Khi chúng biết không thể mua chuộc được Đức ông, chúng còn sợ gì nơi này vì đã sẵn hai trung đoàn bao vây, chờ đó. Có điều Nguyễn Ngọc Thơ đang cố gắng lập công với Diệm nên tìm cách dụ hàng, ta nên tương kế tựu kế, tạo cho Thơ nuôi hy vọng, tức là chặn cuộc tấn công vào Thánh địa.
Có lẽ Thành Nam chưa hiểu hết ý của Vũ, hắn nôn nóng:
- Không lẽ cứ để cho chúng tự do qua lại với nhau, tính chuyện ra hàng?
- Chúng ta đâu có để chúng tự do, mà là hướng chúng làm theo ý ta.
- Tôi vẫn chưa hiểu.
Vũ giải thích:
- Theo tôi, anh đến bàn với ông Ngọc, ông Nhựt, báo rõ âm mưu của Thơ, và ý định của chúng ta. Sau đó cả ba tới gặp cô Năm chấp thuận cho cô ta liên lạc với Thơ để giải hòa. Tất nhiên phải hướng dẫn cô Năm đòi hỏi điều kiện, kéo dài các cuộc tiếp xúc. Đức mở chiến dịch, nhưng chưa đụng đến thánh địa, sau này nếu Đức không thắng, Thánh địa vẫn vô sự, còn ngược lại, chúng ta sẽ tính sau, không muộn.
Thành Nam nghe ra vui hẳn:
- Có nghĩa là chính Thơ sẽ cản Đức không cho đụng tới Thánh địa, khi hắn hy vọng chiêu hàng được.
- Đúng vậy. Nhưng anh phải viết thư báo rõ ý đồ của ta để ông Tổng biết. Nếu để ông hiểu lầm các anh sẽ mất đầu đấy.
Thành Nam cười tươi:
- Dạ, tôi sẽ tiến hành ngay.
Vọng im lặng ngồi nghe. Mãi khi cáo lui, hắn mới nói với Vũ:
- Thú thật với ông, từ ngày hai trung đoàn Diệm kéo đến vây Thánh địa, tôi lo mất ăn mất ngủ, giờ đây nghe ông bày kế, tôi vững tâm hơn.
Vũ đưa tay vạch một đường vòng cung chỉ con sông uốn khúc trước mặt nhà, nước chảy mạnh và đục hơn trong mùa mưa, rặng cây bên kia bờ như bức tường thành xanh rêu, rồi đập nhẹ lên vai Vọng thân mật:
- Đó một chiến hào thiên nhiên rộng lớn như thế, lại thêm sức mạnh của một vạn dân, chứ không chỉ cái tiểu đoàn nhỏ nhoi của anh đâu. Nếu họ dám dũng cảm bảo vệ vùng đất này thì bốn ngàn lính của Diệm chưa phải là mối bận tâm.
Vọng sôi nổi hẳn:
- Tôi hiểu ý ông. Nếu cả mười ngàn thanh niên nam nữ toàn xã cùng đứng lên thì sẽ đủ sức chặn đứng mọi cuộc tấn công của Diệm.
- Thế đấy? Nhưng anh phải làm sao cho bà con đứng lên? Họ yêu thương quê hương, họ thiết tha với hòa bình, họ sẵn sàng vùng lên bảo vệ, chống lại bất cứ sức mạnh nào chỉ đưa đến cho họ chết chóc, đau thương, những cảnh cướp đoạt bất công.
Vũ mạnh dạn nói lên điều này mà không sợ Vọng nghi ngờ vì anh đang đứng về phía Soái chống Diệm. Nhưng anh cũng muốn nói lảng đi bằng lời nhắc khéo:
- Việc vợ Thinh anh phải giữ kín nhé. Và ngoài vợ Thinh, không thể để bất cứ kẻ nào khác liên lạc đến đây, mới bảo toàn được kế hoạch.
- Xin ông tin tôi.
Vọng lễ phép chào Vũ ra về. Thêm một tuần lễ bình yên trôi qua. Đức đã chậm trễ, mãi cuối tháng sáu mới tấn công vào Đồng Tháp. Hai mươi xe lội nước, hàng trăm ghe máy, gần hai mươi ngàn lính chia thành nhiều cánh ồ ạt tiến vào vùng sình nước mênh mông. Hàng trăm khẩu đại bác đặt rải rác khắp nơi, tung hỏa lực mở đường, dọn sạch dọc kinh Cây Tre tới An Thạnh. Diệm ra lệnh cho Đức phải tốc chiến tốc thắng. Theo lệnh Mỹ cần giải quyết nhanh gọn đồng bằng sông Cửu Long.
Thông thạo địa thế hơn hẳn địch, hai cánh quân Soái - Cụt phân tán luồn lách tránh.
đòn, tìm cách đánh tiêu hao lẻ tẻ. Quân của Đức tổn thất mỗi ngày thêm nặng. Mười hai xe lội nước bị cháy vì mìn và trọng liên ngay trong tuần lễ đầu, làm chậm hẳn bước tiến của quân hắn. Rồi ba tuần tiếp đó là cảnh giằng co, thắng bại chưa phân. Cuối tháng bảy, nước lũ về sớm hơn mọi năm, thi với mưa rào như trút nước. Hơn hai ngàn lính Diệm thương vong, thêm cả trăm ghe chìm cháy, buộc Đức phải rút quân.
Trong lúc đó, Soái - Cụt cũng gần hết cơ số đạn cuối cùng. Soái ngửa mặt ngắm bầu trời vần vũ, với lòng thành kính, chắp hai bàn tay vái cả bốn phương, hắn lẩm nhẩm:
- Trời đã phù hộ tôi thoát khỏi tử thần, thêm một lần thắng Diệm.
Hắn nhìn mặt nước Đồng Tháp mênh mông, thủy thần ra uy giúp hắn. Diệt đưọrc trên hai ngàn quân Diệm, mười hai xe lội nước, gần trăm ghe thuyền, Soái đã thắng, đúng vào lúc hơi đã tàn, sức đã kiệt. Hắn nghĩ, nếu Đức gan dạ hơn, tinh ranh hơn, tung toàn lực đánh thêm một vài ngày. Phải, chỉ cần vài ba ngày... Soái ớn lạnh, run lên sợ hãi, ngay trong lúc hắn tin mình đã thắng!
Cả hai vợ chồng Soái trở về Thánh địa tổ chức ăn mừng. Sau những ngày hân hoan trong quân, hắn muốn cụng ly riêng với Vũ và Thành Nam, và loanh quanh với Vũ suốt ba ngày. Hắn tâm sự, nói thật cảm nghĩ của hắn, là nếu Đức kéo dài chiến dịch thêm vài ba ngày thì súng ống của lính hắn chỉ còn là những cọng sắt mà thôi. Đạn đã cạn, và hắn cũng đang rất cần tiền, trong lúc cả trăm triệu gửi ngân hàng coi như mất hết. Hắn năn nỉ Vũ đi Sài Gòn lại xin Bộ tư lệnh Pháp chi viện...
Soái và Vũ ngồi cạnh nhau, hắn nhìn qua cửa sổ đăm chiêu. Từ mái nhà nước mưa đang đổ xuống ào ào, mặt sông dâng cao... Soái lẩm bẩm:
- Sáu tháng nữa! ...
Vũ hiểu hắn muốn nói gì. Nhưng Soái có thật lòng tin ở sáu tháng mùa mưa trước mặt không? Có tin khả năng chống lại được các cuộc tiến công của Diệm trong mùa khô sắp đến không?... Vũ nhìn qua phía vợ Soái và Thành Nam ngồi cạnh đó. Thành Nam vừa thì thàm kể cho vợ Soái nghe chuyện Vũ lừa Nguyễn Ngọc Thơ, khiến Dương Văn Đức không đánh vào Thánh địa. Mụ gật gù tỏ vẻ thán phục Vũ. Nhưng khi anh nhìn sang, mụ quay tránh đi. Vũ nghĩ điều gì nảy ra trong lòng mụ khi biết Diệm - Thơ vẫn đeo đuổi dụ hàng? Niềm vui chiến thắng hôm nay có đánh bại được nỗi lo sợ những khó khăn trước mắt của mụ? Có đẩy lui được những miếng mồi mà Diệm - Thơ đưa ra nhử vợ chồng mụ? Cái gì đó đang nảy ra trong lòng mụ không khỏi ảnh hưởng đến Soái cũng đang băn khoăn về tình hình trước mắt, giữa lúc vui này. Vũ thấy cần khích lệ chúng. Anh nói với Soái:
- Thưa ông Tổng, sáu tháng nữa, ta có đủ thời gian đấy? Ông Tổng lo dưỡng quần, đạn sẽ lần lần chuyển về, lính ăn ở tốt với bà con, bà con lo gạo nuôi quân. Tôi nhận giúp ông Tổng đi Sài Gòn, xin được tiền thêm càng tốt?
Soái cười sảng khoái:
- Ha, ha, ha... ông Vũ đi Sài Gòn, vợ chồng tôi phải về An Thạnh. Đây là bữa tiệc đạm bạc tiễn đưa. Nào bà, Thành Nam, hãy chúc ông Vũ một ly tạm biệt?
Chúng chạm cốc chúc Vũ. Vũ lại bắt gặp vẻ ngượng nghịu của vợ Soái. Anh đi Sài Gòn chuyến này không yên tâm về chúng, tuy nhiên được anh nhận lời đi, trước mắt là một sự động viên đối với chúng! Lên Sài Gòn anh sẽ báo cáo và xin ý kiến của Trung tâm sẽ tiếp tục công tác thế nào?