Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Đất Trời

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 12971 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đất Trời
Nam Dao

Chương 2

Gió cuối đông đưa chim trao trảo bay về đậu kín ngọn núi Nùng.  Khoảng cuối giờ Tí, chim bắt đầu rít lên những tiếng kêu chim chíp. Cứ thế chim kêu cho đến giờ Dần. Ngừng đâu được dăm khắc, chim lại tiếp tục suốt một ngày ròng. Ðến đêm, chim vẫn kêu, tiếng mỗi lúc một chói nhọn.  Xua không bay, người ta hò hét ném đá. Chim chết chẳng biết cơ man nào mà kể, hàng trăm  con xác vãi đầy trên mặt đất.  Trong thành Ðông Quan, hàng dân kháo rằng sắp đại loạn, nhao nhác rục rịch rủ nhau phiêu tán. Thượng Thư  Hoàng Phúc sai lập đàn đảo sao, giết một đứa gái đồng trinh để tế thần xã tắc, máu chảy nhưng cứ như nước lã, để qua đêm mà không đông lại. Dăm ngày sau bỗng nhiên chim bay đi hết, chỉ để lại Ðông Quan những cơn gió  lạnh sắt se. Gió lùa qua những tàn cây bàng.  Gió thổi tan tác những chiếc lá vàng cuối cùng còn bám víu lấy những chiếc cành khẳng khiu đâm vào bầu trời xám đục.  Gió lạnh lùng.  Tàn nhẫn, vô cảm.  Gió thản nhiên thổi thốc cái lạnh buốt xương vào đám người vừa qua một cơn hoảng loạn lại bị lùa ngay vào cơn tất bật ngày cuối chu kỳ   bốn mùa với cả trăm nghìn lo toan. 
Ra hiên ngoài, Hoàng Phúc nhìn về phía dinh Trương Phụ, miệng lẩm nhẩm một mình.  Làm sao cho Phụ hiểu được ? Bắt chém vì tàng trữ khí giới, được.  Nhưng cất giấu kim ngân cũng chém ?  Rồi cất giấu sách vở, bia mộ thì chỉ phạt đánh một đến hai trăm trượng ?  Khi Phúc  nhỏ nhẹ khuyên xin làm ngược lại, Phụ thẳng tay ném một chồng sách xuống đất, hỏi ‘‘ ....cái thứ này mà quí hơn vàng à ? ’’.  Phúc thưa ‘‘ Quặng đào lên luyện thành vàng chỉ mất sáu tháng là có.  Còn sách, trình Thượng quan, thì khác.  Ðã mất, chẳng cách gì làm ra cho có được ! ’’.  Phụ trừng mắt, khạc đờm, không đáp.
Một tên quân hầu rón rén bước gần gập đầu thưa bẩm.  Hoàng Phúc xốc lại đai áo, phẩy tay thủng thỉnh đi xuống công đường.  Cửa vừa mở, một người dáng xương xương vội đứng dậy vái chào.  Phúc chỉ gật đầu, tay chỉ mời ngồi, miệng nói :
- Lát nữa, ta nói chuyện tay ba.  Bây giờ, Lương đại nhân cho ta biết thêm về công việc ...
- Bẩm Thượng quan, đám tôn thất nhà Trần xin  lại điền trang họ Hồ đã lấy và xếp thành công thổ.  Tôi có bảo họ là ta còn xét...
- Ðược !  Làm thế này.  Ta trả lại cho họ một phần mười điền trang, coi như tổ nghiệp của họ.  Ngược lại, họ phải để gia đình họ cư ngụ Ðông Quan...  Thế là chẳng giãy giụa được.
Mỉm cười, Phúc tiếp :
-  Còn phía đám nho sĩ ?
-  Bẩm Thượng quan, đám đại khoa bỏ trốn gần nửa.  Còn lại thì theo cả, chưa gì đã hăm he chức phận.
-  Bọn trốn là những đứa nào ?
- Có Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ...
-  Ừ, ta biết...  Ðưa tay lên chặn, Phúc thủng thỉnh  - Chúng có vào núi sâu hay lên rừng cao cũng phải tìm cho được. Chính tay ta sẽ viết thư  « cầu hiền » cho từng đứa.
Nhìn chằm chằm vào mắt người đối thoại, Phúc rành rọt, mắt xếch lên:
-  Lương đại nhân vất vả, nhưng rồi ta sẽ đền bù...  Với đám chưa hợp tác, xin ông cứ  mềm mỏng.  Việc của chúng ta là bình định... Và lần sau, ông chính xác hộ.  Có những kẻ không trốn, mà không theo ta, nhưng ngài quên không nói tới...
Phúc vỗ tay.  Cửa hông vào sảnh đường hé mở.  Một tên quân nghiêng mình để một người vào rồi theo liền chân.  Ðứng dậy, Phúc đổi sắc mặt, ra chiều hớn hở :
-  Ðây là Thái học sinh Nguyễn Trãi, kẻ không trốn mà không theo !
Vái chào Phúc, Trãi nhìn lên.  Phúc tiếp :
-  Còn đây là Lương Nhữ Hốt đại nhân.  Chắc hai người biết nhau từ trước ?
Hốt khẽ gật đầu, quai hàm bạnh ra, mắt nhìn xuống.  Phúc cười giả lả :
-  Ðấy, có Lương đại nhân, đã là quan cả cuối đời Trần lẫn đầu thời tiếm vương họ Hồ ! Ông làm chứng cho.  Tôi trả lại điền trang cho tôn thất nhà Trần, lại chính tay viết thư xin các bậc cao minh phủ Giao Châu này ra giúp việc công để cùng nhau xây đời thịnh trị.  Quay về phía Trãi, Phúc nghiêm trang - Nay, tôi vái ngài một vái để tỏ lòng cầu...
Vội vàng, Trãi vái lại, miệng bật lên :
- Ấy, Thượng quan đừng làm thế. Tôi không dám nhận !
Phúc đổi giọng,  bất chợt gằn :
- Thế tức là ngài không xuất.  Cười nhạt, Phúc nhìn vào mắt Trãi - Lẽ nào ngài lại định phiêu lưu vào Mường Thanh.  Tôi được báo rằng bọn hào mục cầm đầu là họ Lê đã hội thề với nhau ở Lũng Nhai tháng trước.
Lắc đầu, Trãi nhớ đến cha đang còn bị giam lỏng ở Kim Lăng. Chàng  bấm bụng nhỏ nhẹ :
- Thưa Thượng quan, kẻ hạ nhân này gà trói chẳng chặt, chuyện động loạn là ngoài tầm.  Vốn chữ nghĩa thì ít, việc cho là hợp lý hợp tình vỏn vẹn chỉ nguyệän được gõ đầu trẻ, rao giảng đạo Thánh hiền.  Dám xin Thượng quan thấu cho...
Như đọc được tâm tưởng Trãi, Phúc khinh khỉnh :
- Giá như Phi Khanh không ở Kim Lăng thì biết đâu...  Hừ, chiếu hoa trải mà không biết ngồi lên, chắc rồi chỗ đứng cũng chẳng có đâu...  Thôi, ta để hai vị cùng gốc gác nói chuyện với nhau.
Nhếch mắt nhìn Nhữ Hốt, Phúc gật gật rồi không thèm chào ai quay người đi thẳng.   Hốt ngượng ngập nhìn Trãi, giọng dịu ngọt :
-  Tôi lớn tuổi, lại là đồng sự đời vua trước nên xin gọi chú là chú nhé !  Chú định gõ đầu trẻ thì có khó gì.  Quan trên thế nào cũng cho toại nguyện.  Tôi nói trước để chú biết, Hoàng Thượng thư đang sắp xếp việc giảng dạy cho cả phủ Giao Châu ta...
Ðưa tay lên, Trãi khẽ ngắt lời :
- Thưa ngài, ngài gọi tôi thế nào cũng được.  Nhưng ngài cho tôi hỏi một câu thôi.  Từ tiên triều Lý - Trần, nước ta là Ðại Việt.  Bây giờ ngài gọi là phủ Giao Châu, tôi nghe cứ anh ách khó mà thuận lòng, vẫn tự hỏi  việc ấy tình đâu, lý đâu ? 
Hốt cắn răng, mắt nhìn vào cái giá gươm, mặt căng ra. Một lát sau, Hốt nghiến răng nói :
- Tình với lý không treo trên giá gươm kia được !
*
    Chợ Cầu Ðông nhộn nhịp hẳn lên vào những ngày cuối năm. Tiếng rao hàng chen vào nhau như hát đuổi, không lắng tai nghe thì chẳng cách nào hiểu được. Người đi chợ tất bật mặc cả, ỉ eo, chê bai để giảm giá. Kẻ bán kì kèo bớt một thêm hai, khi mềm mỏng, lúc chua ngoa, giọng len lét chua như giấm. Họa hoằn lắm mới có tiếng cười. Thường, chỉ toàn là cãi cọ, thậm chí chửi rủa, văng tục, xô đẩy lẫn nhau.  Dọc sông Tô, đám bán hoa phường Ngọc Hà hạ giá những nhánh đào hồng, những cụm cúc vàng, những nhành mai trắng được tỉa tói cắt xén.  Mới chưa chính ngọ giá đã giảm đi đến phần ba.  Cô  bé bán hàng níu tay Xuyến nài nỉ mua mở hàng, ánh mắt có chiều nửa van lơn, nửa tinh quái. Xuyến khẽ gỡ tay, môi cười lộ hàm răng hạt na đen lay láy. Má lúm đồng tiền hồng như cánh đào hồng, nàng kéo vạt áo tứ thân chỉ một cành đào búp non đã hé nở. Trả tiền xong, Xuyến ôm cành đào, mắt óng ánh sắc trời trong vàng dưới ánh nắng tươi chứa chan  buổi chớm xuân.
 Dắt tay đứa cháu len khỏi đám đông, Xuyến rẽ trái vòng về phía cửa Ðại Hưng.  Ðàn ông Giao Chỉ nay chia thành hai.  Một, tóc đã tết bím.  Còn lại, họ trọc đầu.  Trọc ấy là bởi đâu có cái lệnh nào cấm qui y cửa Phật, ai không thích đuôi sam thì vào chùa xin xuống tóc.  Diễu qua mặt bọn lính Minh, bọn trọc đầu chắp tay miệng  niệm Nam mô. Còn bọn tết bím, nghênh ngang che đi nét ngượng nghịu, khi nói chêm vào dăm ngữ thoại giọng Quảng Tây.  Chợt Xuyến nghe thấy tiếng la hét, rồi tiếng chân chạy rầm rập.  Một anh trọc đầu, tay cầm dao, miệng gào ăn cướp, kêu làng kêu nước, đuổi theo hai anh tóc bím.  Ðội lính canh chợ ở đâu xồ ra, gươm giáo tua tủa, chặn tất cả lại.  Anh trọc đầu phân trần :
    - Bẩm các quan, chúng nó mua hai cân thịt rồi trả bằng tiền Thông bảo Hội Sao.  Xòe ra một nắm giấy, anh trọc đầu mếu máo - tiền này đã bị cấm dùng, nay chỉ là giấy.  Bẩm các quan, các quan phân xử cho...
    Tên đội trưởng bọn lính nghe phiên dịch, xì xồ nói, mắt hướng về phía hai anh tết bím.  Hai anh ngơ ngẩn không đáp, rõ ra chẳng phải người Ngô.  Ðám hàng dân bu quanh ồn ào mỗi người một tiếng.  Anh trọc đầu tiến lại, hai tay đưa ra nắm tiền.  Tên đội trưởng nắm lấy lạnh lùng tung lên, tiền bay như bướm lượn, nhưng ai nấy bàng quan đứng nhìn, trừ bọn trẻ con la lên chạy theo đuổi bắt.
    - Ðấy, quan thấy.  Tiền này có ai thèm lấy nữa đâu...
Tên đội trưởng hách dịch :
    - Sao mày không có tóc ?  Quay sang hai anh tết bím hắn gằn giọng - Còn sao chúng mày dám giả người Thiên triều để đi ăn cướp đổ tiếng xấu cho chúng tao ?
Hai anh tết bím quì xuống lạy như tế sao.  Anh trọc đầu nhìn, rồi cũng bắt chước lạy.  Tiến về phía hai anh tết bím, tên đội trưởng giằng lấy gói thịt.  Hắn thẳng chân đá vào mặt một anh, miệng quát cút đi. Quay sang anh trọc đầu, hắn cười hềnh hệch :
    - Bao giờ  tóc mọc cho dài rồi tết bím đến xin thì ta trả cho hai cân thịt !
Anh trọc đầu mếu máo.  Sợ cũng bị đá, anh lẩn ngay về phía sau.  Hàng dân xì xào tản dần ra.  Xuyến nhặt một đồng tiền giấy,  nhắm phía cửa Nam lặng lẽ bước. Nàng nắm đồng tiền không còn giá trị như thực chứng sự đổi đời một sớm một chiều ập xuống những kiếp người vất vưởng.
    Lên hết dốc, căn nhà xiêu vẹo trên đầu gò hiện ra.  Xuyến ngần ngừ, tim đập mạnh, má bỗng ửng hồng.  Ði chậâm lại, Xuyến nhìn quanh, mắt hờ hững bám vào bụi tre đong đưa trong gió.  Nắng óng vàng trên những lá tre non thuôn thả rì rào cất tiếng.  Vắt vẻo đầu cành, một chú chào mào véo von, chiếc đuôi mượt mà xanh biếc cong lên múa.  Xuyến hít vào, hít thật sâu, ngực căng lên khiến sợi dây buộc yếm nghiến vào hai vai tạo ra một thứ cảm giác vừa đê mê vừa đau đớn.   Xuyến thở  ra, bảo đứa cháu ‘‘ Cầm khéo đấy, đừng để gẫy cành non có búp đào chưa nở ’’.  Con bé dạ một tiếng, cắm cúi bước lên.  Nó ngừng lại khi hai con chó con chạy ào ra xủa ăng ẳng.
    Một thằng bé con chạy vội đến.  Thấy Xuyến, nó réo lên ‘‘ có khách! ’’, giương mắt nhìn rồi hỏi:
    - Cô tìm ai ?
Xuyến đỏ mặt, dịu dàng :
    - Thầy có nhà không cháu ?
Khi thằng bé lắc đầu, Xuyến thấy mình hững đi, lòng bỗng trống vắng, bụng quặn lại.  Một đám năm ba đứa trẻ chạy xô ra.  Ðứa lớn, quãng mười bốn mười lăm, chắp tay chào rồi thưa :
    - Thầy chúng cháu vắng nhà.  Cô có nhắn gì cháu xin thưa lại thầy.
Xuyến đặt tay nải xuống mặt trõng, vừa mở ra vừa nói :
    -  Có chút quà Tết mang biếu thầy, các cháu nhận giúp.
Lôi ra một cặp bánh chưng, cân gạo và đưa vào tay thằng bé cành đào vừa mua ở chợ, Xuyến giọng bồi hồi :
- Chắc thầy đi lâu mới về hả cháu ?
    - Không, thưa cô.  Thầy dặn chỉ trưa là về, giao cho chúng cháu phạt đám cỏ gianh.  Tay chỉ ra một cái gò góc vườn, thằng bé tiếp - Chúng cháu gặp một cặp rắn, đánh dập đầu được một con, con  kia biến đâu mất.  Cô ra mà xem, rắn lục, may mà nó không cắn đứa nào...
    Theo chân lũ trẻ, Xuyến ra đầu gò.  Nằm lẫn vào đám cỏ mới đánh quang, xác con rắn còng queo, đầu nát nhè, hai con mắt nửa xanh nửa xám to bằng đầu đũa vẫn trừng trừng mở.  Xuyến kêu eo ôi rồi lùi lại.  Thằng bé lớn nhất bọn lấy gậy khều cỏ rồi đẩy hai quả trứng nhỏ như hai trái sung ra.  Nó nhìn Xuyến hỏi :
    - Trứng rắn cho gà ấp thì có đẻ ra rắn không cô ?
Xuyến lắc đầu bảo không biết.  Ðột nhiên, Xuyến chóng mặt rồi cảm thấy người lạnh toát.  Nhắm mắt lại, Xuyến rõ ràng thấy con rắn trườn đi. Xuyến kêu khẽ, cố mở mắt ra.  Không, xác rắn vẫn đó.  Xuyến xây xẩm, chân nhũn xuống.  Lũ trẻ phải dìu Xuyến vào nhà đặt nằm xuống trõng.
    Khi  mặt trời đậu đỉnh ngọn tre, Trãi về đến đầu nhà.  Thằng bé lớn - có lẽ là trưởng tràng - chạy ra thì thào.  Trãi bước vội vào.  Xuyến lúc đó còn thiêm thiếp ngủ, mình đắp chiếc chăn đơn, mồ hôi lấm tấm trên trán.  Vẫy tay xua bọn học trò, Trãi nhìn cặp bánh chưng, cân gạo rồi cành hồng.  Thở dài, Trãi kéo ghế ngồi cạnh chiếc chõng tre, đăm đăm nhìn Xuyến.
    Trãi hồi tưởng lại lần đầu chàng đến thăm Phạm Văn Xảo cách đây sáu năm ở Bát Tràng.  Khi đó, Xuyến còn là một cô bé mười lăm, rón rén bưng nước ra mời khách, mắt cứ e thẹn găm xuống nền gạch đỏ áu lâu đời bóng nhây nhẫy.  Năm sau, nghe có đám con nhà khá giả đến xin cưới.  Bà mẹ ghẻ, kẻ trông nuôi Xuyến từ tấm bé, bằng lòng. Xảo là anh cùng cha khác mẹ  cũng tán đồng.  Nhưng Xuyến khóc với anh, bảo thà là chết chứ không đi đâu cả.  Xảo vốn rộng lượng không ép.  Rồi năm sau nữa, lại một đám khác đến xin Xuyến về làm dâu.  Xuyến lại khóc.  Và cứ thế, đã bốn bận Xuyến lắc đầu. Mẹ ghẻ nhiếc ‘‘... sống làm bà cô à ?  ẾÂ đến nơi, cứ đỏng đà đỏng đảnh !  ’’.  Xảo vẫn chiều, và hình như hiểu tấm lòng cô em, chỉ dặn ‘‘... đàn bà biết yêu khổ lắm đấy !  ’’.
    Thấy Xuyến cựa mình, Trãi nhẹ nhàng đặt tay lên trán Xuyến.  Cơn sốt đã hạ.  Trãi lại nắm tay bắt mạch.  Lạ chưa, sốt hạ mà sao mạch cứ nhảy cuống nhảy cuồng lên thế này.  Hé mắt, Xuyến thấy Trãi, lại nhắm mắt lại để mặc Trãi muốn làm gì thì làm.  Nàng lâng lâng nhâm nhi hơi ấm đến từ bàn tay người đàn ông ngồi cạnh, đùi chợt dạng ra như một phản ứng tự động, và lưỡi buồn buồn đưa đẩy chạm vào hàm răng hạt huyền ngậm chặt.  Lúc Trãi bỏ tay ra, Xuyến hững người, ruột thắt lại. Sự ấm ức không đâu trào lên cổ như sắp tung ra thành một tiếng rên, một tiếng gọi, một tiếng van lơn. Nghe ra, Trãi quay lại :
    -  Xuyến dậy rồi à - Trãi dịu dàng -  cảm nắng đấy.  Ðợi uống một bát nước hoa cúc cho hạ nhiệt đã...
    Ngước nhìn Trãi, Xuyến bật cười trong cổ.  Trãi ngẩn người ra thì Xuyến giơ tay chỉ vào đầu.  Hiểu ra, Trãi vui miệng :
    - À, nam nhi Giao Chỉ một nửa trọc đầu.  Mùa hè tha hồ mát, lại chẳng sợ chấy sợ rận.  Nhìn quà cáp trên trõng bên, Trãi ngập ngừng - …mà sao trên ấy bày vẽ thế này.  Tội cho Xuyến vất vả mang đến đây, tôi lại chẳng có gì để có qua có lại cho đúng lễ... Xuyến hiểu, cho tôi gửi lại...
    Nghe Trãi nói, Xuyến bỗng bực mình. Ðịnh bụng bảo quà là quà của Xuyến này chứ trên ấy là trên nào, nhưng  Xuyến chỉ cắn môi nói dỗi :
    - Thầy không nhận thì em phải quẳng hết xuống sông Tô  Lịch. Gượng cười, Xuyến cố giấu giọng trách móc, ngập ngừng, đánh bạo tiếp - Với lại thầy có mà thầy không biết đấy...
Xuyến kìm lại, nhưng nước mắt đã ứa.  Nhẽ ra, nàng nhủ lòng, phải bảo thầy không biết nên có qua mà không lại. Bặm môi, nàng nghẹn ngào:
-  Năm hết tết đến, xin thầy dăm chữ đón xuân.
    -  Ðồ kiết thì chỉ còn ít chữ, Xuyến đợi một tí nhé.
    Gọi học trò mài mực, Trãi giải lên phản một cuộn giấy hoa tiên.  Nhìn Xuyến nay đã vén lại tóc, Trãi để ý nàng có thoa chút hương hồng lên má.  Ðứa cháu gái của Xuyến không biết thủ thỉ gì, Xuyến nhăn mặt đứng dậy, vẻ vội vã. Bên ngoài, nắng rực rỡ. Hai con chó con nằm trên nền đất ngửa bụng ra rỡn với bóng tre nghiêng ngả theo những cơn  gió đùa cợt nhả.  Xuyến bảo :
    - Thầy ơi, em phải về...
Hai chữ thầy ơi nghe ấm ức ở cổ.  Xuyến nghĩ thầm, thêm vào một chữ, gọi được là thầy nó ơi, thì người đó là cha đứa con mình đẻ.  Thầy nó ơi, em sẽ ở lại mãi mãi.  Còn nếu chỉ thầy ơi, thì em phải về thôi.
    Trãi giơ tay ra dấu cho Xuyến đợi rồi bắt đầu chấm mực.  Chàng cắn răng viết một mạch, bút vung lên rồi hạ xuống, người căng ra nhấp nhô sóng lượn.  Nét cuối không khác một đường gươm chém xống nước, kèm theo một hơi thở nhẹ ngậm ngùi.  Xuyến giơ tay đỡ mảnh hoa tiên.  Trãi viết :
              Góc thành Nam, lều một gian
              Gót chân qua, tình miên man
              Bui một tấc lòng, ai  người  biết
              Chèo quơ nước ngược chuyến đò ngang
Tay cuộn mảnh hoa tiên, Xuyến đứng trân trân, mắt cúi nhìn xuống đất. Ngửng phắt lên, Xuyến bậm môi nói nhanh:
-  Sao thầy cứ một thân một mình mãi thế này. Hay là…
Nhìn vội ra sân, Trãi nói lảng :
-  Ấy, một mà cũng còn đói nữa là hai, ba…
Giọng trách móc, Xuyến ngắt :
-  Em không đùa, chuyện đói no em lo, không sợ. Chỉ sợ…
 Con bé cháu đã ra đến ngoài sân, quay vào giục.  Trãi nghe như gió thì thầm hỏi bao giờ nước mới xuôi cho thuyền thuận chuyến sang ngang.  Ra ngoài đứng nhìn theo Xuyến cho đến khi khuất bóng cuối dốc, Trãi thở dài. Không, không phải chỉ đàn bà biết yêu mới quả là khổ.
*
Sau khi  tế sống cha trên ải Phá Lũy, Trãi mang Hà Trí Viễn về Nhị Khê.  Giục vợ con, đàn em nhỏ và mẹ ghẻ sửa soạn trẩy về Ái Châu,  Trãi gửi gấm cả gia đình vào tay nhà ông chú họ. Hai ngày trước khi lên đường thì quan quân nhà Minh ập tới.  Trát quan Thượng Thư  Hoàng Phúc triệu Trãi về Ðông Quan, kèm một hàng chữ mai mỉa ‘‘ …giả như không về thì chỉ còn gặp nhau nơi chín suối !  ’’.  Chỉ kịp dặn Viễn thay mình đưa cả gia đình đi, Trãi phải theo đám quan quân nhà Minh vượt sông Nhị vào Giao Châu phủ.  Gặp mặt, Hoàng Phúc tươi cười : ‘‘ Quí bằng hữu !  Thật là may, câu chuyện bỏ dở nơi ải quan ta nay thừa thì giờ mà bàn ’’.  Nghe Phúc thuyết phục cả một ngày về lẽ xuất xử, Trãi ầm ừ.  Phúc lại bảo : ‘‘... ở Mô Ðộ, Giản Ðịnh tự xưng Ðế.  Quân Thiên triều đánh một trận, tan tác chạy về Nghệ An. Tri châu Ðặng Tất theo phò, cùng bọn ngụy thần kéo quân đến Bình Than. Quân Thiên triều lại phải ra tay, chưa đánh chúng đã vỡ. Giản Ðịnh thua, chưa có thế lực gì, thế  mà đem giết tôn thất là Thúc Dao và Nhật Chiêu là kẻ đem binh về phò, rõ là nhà Trần đất Giao Chỉ này đã tận rồi! Người như thế, ông định theo mà dấy lại cơ nghiệp à ?  ’’.  Trãi lắc đầu.  Phúc sai đốt trầm, trịnh trọng mở tờ chiếu Hoàng Ðế nhà Minh để lên thư án, bảo Trãi đọc.  Chiếu viết :
‘‘ ... còn dư chúng không hàng phục, vốn ngu muội bị bắt ép, dụ dỗ nên tình cùng đáng thương, nếu nhất loạt bắt tội cả, trẫm thực không nỡ.  Khi chiếu thư này tới, đều tha cho cả.  Quan lại ở các nha môn hãy thể lòng chí nhân của trẫm phải khoan hồng, thương xót, chớ làm ráo riết, vơ vét của dân, hết thẩy những việc không cần kíp phải ngừng bỏ cả  ’’.
Ðợi Trãi dứt lời, Phúc nhìn Trãi thân mật ‘‘...lúc này là lúc mang cái học ra cứu đời xây cuộc thịnh trị  ’’. Trãi vẫn nhỏ nhẹ kiếu việc nha môn.  Giọng nửa giễu cợt nửa răn đe, Phúc hẹn  ‘‘... thì cứ để sang năm, ta lại gặp lại.  Còn từ nay trở đi, ông bạn không được ra khỏi thành Ðông Quan nếu không có phép nhé! ’’.  Từ đó, Trãi tìm một góc nơi thành Nam, độ nhật bằng cách dạy học đã được vài năm.
Chỉ còn ba ngày nữa là Tết. Bọn học trò đã bắt đầu bồn chồn không yên. Buổi học sáng nay là buổi cuối, chúng làm vui lòng thầy,  gò người hí hoáy ngồi viết trên những chiếc trõng tre trong căn lều cửa ngỏ thông thống.  Ði đi lại lại, Trãi thỉnh thoảng lại dừng bước ôn tồn nhỏ nhẹ bảo ban đám trẻ. Áo quần mỏng mảnh, chúng lập cập run rẩy trong những cơn gió cuối đông mang cái lạnh giá thốc vào mái gianh chơ vơ trống trải. Bỗng có tiếng lính hô trước cửa. Ngoảnh nhìn ra, Trãi ngạc nhiên. Bước từ trên kiệu xuống, Hoàng Phúc phâåy tay bảo đám vệ sĩ dừng ở ngoài cửa.  Kéo  lại giải chiếc mũ Thượng Thư, Phúc nhếch miệng rồi đằng hắng :
    -  Chào cố nhân ... 
Quay lại, Trãi khẽ nghiêng người, tay chắp :
    - Kính chào Thượng quan.
Ðám học trò ngơ ngác ngước lên.  Trãi ra hiệu, chúng đứng cả dậy, tay vòng lại, khom người xuống chào.  Phúc vén áo thụng bằng nhiễu xanh, lẳng lặng đi lại, mắt chăm chú nhìn những trang giấy đang viết dở.  Cầm lên, Phúc nhìn Trãi, nói trống không :
    - Thì cũng ‘‘nhân chi sơ, tính bản thiện...’’. Viết chữ Hán rồi sao lại còn thứ chữ gì lằng ngoằng bên cạnh đây hả ?
Thừa hiểu là Phúc cũng biết, Trãi điềm đạm :
-  Bẩm Thượng quan, đó là chữ Nôm của chúng tôi.
    -  À, à...  Phúc ngắt, thế những chữ ấy viết gì ?
-  Người sinh ra, tính vốn lành.
    -  Thế có khác câu ‘‘ nhân chi sơ, tính bản thiện’’ không ?  Chữ lại lúc thì tượng thanh, khi lại tượng hình !  Thầy dạy thế thì chỉ làm học trò loạn đầu rối óc.  Quay lại nhìn đám học trò, Phúc nghiêm nghị - Bay muốn tiến thân sau này làm thư lại hay phiên quan thì chỉ cần chữ Hán thôi, nghe chưa ?
Cầm lên dăm quyển sách trên thư án, Hoàng Phúc nhìn Trãi :
    - Thì cũng vẫn Luận Ngữ, cũng vẫn Trung Dung.  Cười khẩy, Phúc tiếp - thế mới biết Thánh hiền là chung cho cả thiên hạ,  phải không thầy ?
Trãi mỉm cười, đủng đỉnh :
    - Lời Thượng quan chí lý.  Thánh hiền thì chung đấy thật,  nhưng có làm theo đạo Thánh không thì thiên hạ này lại mỗi nơi một phách, mỗi người một cách...
Phúc ngắt, giọng gằn xuống :
-  Ông nói cho rõ lẽ.
    - Thưa Thượng quan, tôi chữ nghĩa bõ bẽ nên cố tìm mà vẫn chưa thấy sách vở nào bảo đàn bà không được mặc váy mà phải mặc quần, đàn ông không được búi tóc đóng khăn mà phải tết bím đuôi sam.  Trãi lại cười - nhưng ấy là chuyện nhỏ...
Ðỏ mặt, Phúc vặn :
-  Thế chuyện lớn là  chuyện gì ?
Trãi trầm tĩnh :
    - Tháng trước ra bảng lập Văn miếu, đó là phúc cho hàng dân được tỏ đạo Thánh.  Nhưng lại hiệu cho châu phủ làm đàn thờ thần sông, thần núi, thần gió, thần nông.  Thôi thì cũng được.  Nhưng tôi vẫn chưa rõ tại sao quan Hữu tham tri họ Bành nhà Minh bắt thờ cả những thần không ai tế lễ tôn cúng.  Thưa thượng quan, đó là điều thật lạ?  Thờ tế như thế phải chăng đó là phong tục nơi Ðại quốc, thưa ngài ?
    Phúc chưa biết đáp lại ra sao thì một thằng bé rúc lên cười, tay ôm miệng sặc sụa cố kìm lại.  Trãi quay lại lừ mắt.  Phúc nổi giận :
    - Thằng bé kia, sao mày cười ?
Thằng bé độ lên mười, nước mũi nước mắt ròng ròng, cố nín đáp :
    - Dạ, tại cái câu ‘‘ nhân chi sơ, tính  bản thiện ’’.
Vỗ tay lên thư án, Phúc quát nhỏ :
-  Mày cười vì ‘‘ tính bản ác ’’ à ?
    -  Dạ không !  Vì thế này... - nó lúng búng - Vì chúng cháu nói thế này...
Phúc dịu giọng, nhìn quanh một lượt, mỉm cười dỗ ngọt :
- Thế nào ?  Ðứa nào nói trước  ta thưởng !
Bọn trẻ nhìn nhau ngần ngừ. Một đứa, mặt mũi láu lỉnh, nhanh miệng :
    - Chúng cháu nói ‘‘ Nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn  ’’...
Nó chưa dứt lời thì cả đám học trò ồ lên bụm miệng. Hoàng Phúc tím mặt, nhưng chỉ một thoáng, Phúc nhếch mép rồi rặn ra cười, tiếng ha hả găm cơn giận kìm được vào ruột.  Lúc đó, đám học trò mới dám cười theo. Không nhịn được, chúng  cười nghiêng cười ngả. Bọn vệ sĩ đứng gác cửa cũng nguếch miệng lên  hô hố.
Bước ngoắt ra, Phúc nhìn vào mặt Trãi dằn từng tiếng :
    - Tháng tới Giao Châu phủ sẽ mở ra học viện Ðông Quan  ! Rồi ra thì có lệnh cấm dậy cái thứ chữ Nôm loằng ngoằng như giun đất. Nhớ lấy !
*
    Từ sáu năm nay, Hà Trí Viễn là dân ngụ cư ở Nhị Khê, trông coi mồ mả, nhà cửa và mấy sào ruộng nhà họ Nguyễn.  Vì xưa nay gia đình Trãi  vốn được lòng mọi người, dân làng coi Viễn như khách quí.  Nhất là Trãi đã thưa với tiên chỉ rằng đã nhận  Viễn như nghĩa đệ, giao phó cho mọi việc kể cả việc làng.  Có Viễn, chàng nay chỉ về Nhị Khê ngày giỗ ngày tết, mặc dầu từ Ðông Quan  đi chỉ mất chưa đến một ngày đường.
    Viễn là một người đặc biệt.  To cao dềnh dàng, Viễn lúc nào cũng như cố thu người cho nhỏ lại. Bản tính lầm lì, chỉ cần lắm Viễn mới mở mồm ra nói.  Mỗi ngày, công việc đồng áng xong là Viễn lại về trộn bùn nung gạch.  Cực nhọc như vậy, là bởi Viễn chưa đầy hai mươi mà đã có đến sáu đứa con.  Con đông thế, dĩ nhiên Viễn không chỉ một vợ.  Cô vợ đầu Viễn lấy khi mới mười sáu chửa ngay.  Khi mợ cả  nằm dạ, cô em đến giúp chị.  Thế là cô em chửa, thành mợ hai.  Lần này, hai chị em không cho cô út đến giúp chị.  Tưởng thế là xong ư ?  Năm Viễn mười tám thì mợ cả và mợ hai đều lại chửa.  Sắp đến ngày sinh, Viễn đi Ðông Quan thăm Trãi, khi về dẫn theo một người con gái.  Viễn trừng mắt ‘‘... nhận chị nhận em với nhau đi ! ’’.  Năm sau, mợ ba cùng hai chị thi nhau đẻ.  Viễn điềm đạm bảo, có con là có của.  Từ khi ấy, Viễn làm thêm một trái sau nhà.  Người làng bông đùa, cả ba mợ cứ thấp thỏm đợi mợ tư.  Viễn bảo ‘‘ tri túc hà thời túc ’’.  Không hiểu gì, ba mợ rủ nhau lên chùa Thiên Pháp hỏi sư bác.  Sư bác giảng ‘‘ biết đủ, thế là đủ  ’’,  rồi cười hềnh hệch nói lái ‘‘…chẳng chỉ đủ mà là đù quá là đủ đi chứ lị !  ’’.
    Sư bác chùa Thiên Pháp xưa là võ tướng triều Trần, qui y sau lần đi đánh Chế Ma-Na đất Chiêm.  Nghe nói là Sư phạm sát giới đến độ đêm nào cũng nằm mơ thấy máu me và ma quỉ về đòi mạng.  Nhưng bỏ dao xuống là thành Phật.  Và quả thế, Sư nay hiền hòa, động chân động tay thì chỉ dạy võ trong sân chùa cho bọn thanh thiếu niên quanh vùng đến xin học.  Và Sư chỉ dạy đánh gậy, nhất định tránh những khí giới làm bằng chất kim.  Trong số đệ tử, Viễn giỏi võ nhất.  Bọn đồng học bảo  là vì Viễn to con hơn cả.  Sư giảng, không phải thế, chính tại nghiệp Viễn nặng nhất.  Viễn thản nhiên nhìn mọi người.
    Quãng xế chiều, trời  bắt đầu tối dần. Ðầu dốc, Trãi chậm  bước  lại, tay nải chĩu một bên vai. Từ cao nhìn xuống những cánh đồng chiêm hắt hiu khói nước bốc từ những gốc rạ cắm vào mặt ruộng.  Một cánh cò bay ngang, trắng muốt, thoắt biến sau ngọn đồi chơ vơ chắn sau, thoắt lại hiện ra ở dòng sông phía trước cóng lạnh  thu mình  nằm im đón những cơn gió bấc.  Về Nhị Khê lễ Gia Tiên, chiều mồng một Trãi ra dọn dẹp ngôi mộ tổ nằm trên lưng đồi, đầu hướng về phía núi Tản, phía sau là một rặng bồ đề thân cây nào cây ấy sần sù đèo cả trăm năm trong những thớ gỗ đồng tâm xoay vòng đến chóng mặt. Viễn giúp Trãi phạt tranh, nhổ cỏ, vẫn lầm lì như thường lệ.  Nhìn cánh tay Viễn săn chắc, bắp thịt cuộn lên thành những gút thừng, Trãi bỗng nhận ra sự yếu đuối của thể xác là một bất công của đấng cao xanh.  Chữ với nghĩa, giờ tích sự gì ?  Ðang miên man nghĩ, Trãi bỗng nghe :
    -  Bác đã gặp Trần Nguyên Hãn chưa ?
Ngạc nhiên, Trãi lắc đầu.
-  Hãn đến đây mấy ngày trước.  Em chỉ chỗ bác ở Ðông Quan, nhưng có dặn phải cẩn thận, giặc nó rình mò.
    -  Hãn đi lâu chưa ?
-  Ðược ba ngày rồi.
    -  Chắc Hãn về Côn Sơn.  Ngày tết ngày nhất mà.
    -  Không ! Hãn về đó thì bị bọn phiên lại địa phương bắt ngay.  Chúng đều biết Hãn theo Trùng Quang đế...
    Thở dài, Trãi khẽ gật đầu. Lẳng lặng châm một bó hương, Trãi châm đợi cho lửa bắt cháy phừng lên.  Chàng chắp tay vẩy cho lửa tắt.  Mùi hương bốc lên bay thoang thoảng trong gió nhẹ hững hờ.  Ðồ cúng đã sắp  ra.  Ðơn giản có một  buồng chuối, ba nắm cơm, trầu têm và ít cau đã bổ nhỏ.  Trãi khấn thầm, mắt nhìn vào quãng không, trí tuệ nắm bắt khoảng cách giữa mình và bộ xương của vị cố tổ dưới lòng đất. Chàng rùng mình.  Ðo bằng thời gian, khoảng cách đó xa, xa lắm.  Nhưng đo bằng hạt giống di truyền, nó lại gần, gần đến đáng sợ.  Vì sự hiện hữu không chỉ là phút này, giờ này, tháng này hay năm này.  Nó có trước từ một duyên khởi mù tăm.  Và sẽ tiếp tục đi vào tương lai xa tít tắp.
 
    Khấn vái xong, Trãi kéo chiếc áo kép co ro ngồi xệp xuống. Viễn khum tay che gió rồi bật hồng để hóa vàng.  Những mảnh giấy vuông vắn mạ ánh vàng bốc lửa, cong queo quặn mình lại  biến ra tro than.  Viễn nhìn trời, thình lình trầm giọng :
- Hoàng Phúc về Nhị Khê đã ba lần.  Nó đi dò gì không biết, nhưng lấy thước ra đo đạc khu mộ này, rồi cặm cụi ghi chép.  Một đêm, nó ở lại đây.  Vào quãng giờ Hợi, nó lập đàn cúng kiếng, xõa tóc vái sao trên trời, miệng lại bí ba bí bô như đọc thần chú...
    - Hoàng Phúc là một tên dị đoan mê tín pháp thuật.  Nó  lập đàn thờ đủ thứ thần, Trãi cười nhạt - thần sông thần gió...
Viễn lắc đầu, cắt ngang :
-  Nhưng từ hai tháng nay, khe nước dưới chân đồi không hiểu sao lại cạn dần.  Nền nhà lắm khi nghe lục bà lục bục như đang vữa ra thành mảng.  Rồi đêm đêm có tiếng lao xao mà không thấy người.
-  Chú nghe tận tai ?
-  Vâng.  Cả ba con vợ em cũng đều nghe thấy.
-  Thế còn đám trẻ con ?
    -  Chúng nó thì không.  Không thấy chúng nó nói gì.
Im lặng một lúc, Viễn quay nhìn Trãi, giọng trầm tĩnh :
-  Em định từ từ để vợ con em về bên ngoại, rồi  em đi.
    -  Chú đi đâu ?
    -  Em theo bác Hãn.
Viễn tần ngần :
    - … Ði thì em có thể nhờ người làng đây trông nom mộ phần các cụ.  Nhìn bó hương cháy dở, Viễn tiếp - bên nhà vợ em họ nhận giúp rồi.  Với lại giỗ tết thắp cho nén hương thì cũng chẳng có gì...
Trãi vỗ vai Viễn :
    -  Người sống lo việc sống là quan trọng.  Cúng kiếng chỉ là cách làm cho người sống hiểu rằng quá khứ còn đó.  Ðôi khi con người phải chủ động dứt lìa quá khứ.  Nhưng quá khứ thì lại chẳng bao giờ thực sự tách bạch khỏi đời sống con người.  Chú bất tất lo lắng chuyện này...
Vừa dứt lời, bó hương bỗng bắt lửa phừng phực cháy.  Viễn nói như reo :
    -  Các cụ vui mà cười đấy !
Trãi không tin, nhưng lạ là lúc đó trời không một chút gió. Ðêm hôm đó, Trãi lắng tai nhưng không có tiếng người lao xao.  Cũng không có tiếng đất cục cựa vỡ mình ra từng mảnh.  Chỉ có tiếng mèo cái gọi đực.  Thao thức cho đến khi gà gáy  sáng, Trãi trở dậy rồi lên đường về lại Ðông Quan.
*
    Mồng ba Tết, năm Quí Tỵ.  Ðông Quan vào Xuân nhưng tối nay trời bỗng lạnh hẳn xuống.  Những cơn mưa dầm ngỡ đã qua lại kéo nhau về sụt sùi dai dẳng.  Gió ù ù thổi văng vào thế gian cái  ẩm lạnh buốt người ta tưởng đã quên được từ buổi tàn đông.  Trãi khép tấm liếp, quàng tấm áo bông lên vai, lẳng lặng ngồi dựa mình vào chiếc cột giữa căn nhà trống vắng.  Tiếng mưa nỉ non gợi lại những ngày qua.  Qua đi như đám lục bình trôi sông, như đám mây vờn trên nước.  Qua đi bữa đói bữa no.  Qua đi những đêm dài chong ngọn đèn dầu chờ sáng.  Còn ở lại ?  Chút hương phấn hôm nào Xuyến đến.  Khóe mắt có đuôi thấp thoáng định mệnh ánh lên từ sự bí ẩn nhất của con người.  Ðó là đam mê.  Và rồi đam mê cũng sẽ qua.  Nếu không còn gì, thì thế thôi. Nhưng nếu sau đam mê,  cái sắp tới  là ngưỡng cửa bước vào thảm kịch ?
    Trãi ngả người lên chiếc võng, mắt áp vào chiếc gối vẫn thoang thoảng mùi bồ kếp từ mớ tóc Xuyến vấn cao để lộ ba ngấn cổ thuôn cong ngọc ngà.  Vẫn mưa.  Mưa rỉ rả.  Tiếng côn trùng vẳng đến mơ hồ nửa hư nửa thực.  Bóng tối sập xuống vách đất trát rơm dưới ánh đèn hiu hắt cứ chập chờn nhảy múa đùa cợt.  Trên xà nhà, một tà áo xanh rũ xuống.
 
- Ơ, người là ai ?
- A ha, mi không biết à ?
- Liên quan gì đến ta ?
- Ta là người đàn bà vừa chết.  Ta là kẻ báo mộng  xin với ngươi thêm ba ngày để ấp xong trứng. Hừ, chỉ thế mà mi không cho. Bọn học trò phát cỏ đuổi theo.  Ta quay lại van vỉ.  Thằng lớn nhất - cái thằng trưởng  tràng  - nó vung cây gậy quật xuống.  Tiếng xương sọ vỡ vụn nghe như tiếng chim non kêu.  Ðầu ta dập ra, nát bét, ép nhẹp.  Hai vợ chồng ta đến ở nhờ trong đám cỏ tranh, đợi cho hai cái trứng nở là đi.  Tội tình gì mà mi đánh đuổi.  Chồng ta mất vợ, mất con định về rình cắn cho mi chết.  Nhưng không, mi đi vắng.  Thất vọng, chồng ta trầm mình trong dòng nước sông Tô, đầu rúc vào lòng bùn, bỏ cái dương gian khốn nạn này cho bọn mi sống.  Nhưng ta thì không.  Này, mạng sẽ trả mạng.
     Hai cánh tay từ xà nhà dài ra uốn éo rồi xiết vào cổ Trãi.  Sặc sụa, Trãi cố há miệng hớp hơi vào, kêu trời hỡi trời, nào ai ngờ là trong đám cỏ gianh có nhà rắn !
     - Mặt đất này là của chung, loài người chúng bay lấy cái nghĩa lýù gì để làm thành tư riêng mà đánh đuổi muôn loài ?  Nghĩa lý không có, nhưng chúng bay có phương tiện !  Luyện kim làm dao búa, đao kiếm, chúng bay hóa ra chúa muôn loài, đến hổ báo voi gấu cũng phải lui về ẩn sơn lâm.  Huyễn hão, chúng bay đòi sẽ chinh phục thiên nhiên, ngăn sông, xẻ núi, phá rừng.  Rồi  coi, một ngày bay sáng mắt ra để nhìn cho rõ cái thân phận chúng bay. Cũng là từ thiên nhiên, bay như muôn loài,  khác gì từ con sâu cái kiến cho đến ngọn cây cành cỏ?
Trãi cố vùng, nhưng người tê liệt, ngực nặng như bị đá đè.  Trãi thét lên:
-  Không không, loài người chúng ta không ngu độn đến thế!
-  Bay còn ngu độn hơn thế.  Chính  con người mới là kẻ thù của chính mình.  Như người Minh với người Ðại Việt.  Như người họ Trần với người họ Hồ.  Như Hoàng Phúc với ngươi. A ha, chúng bay thù oán chém giết nhau thật, nhưng thế đã đủ đâu.  Chúng bay còn chém giết muôn loài, say máu đến độ coi như thế là tự nhiên.  Tết năm nay, dân Ðông Quan ăn bao nhiêu gà, bao nhiêu vịt, bao nhiêu lợn, bao nhiêu bò ?
Trãi nghiến răng giơ chân đạp, mồ hôi ra ướt đầm lưng áo.  Vùng vẫy cho đến khi ngã lăn xuống nền nhà, Trãi thấy miệng mằn mặn vị máu. Choáng váng, Trãi ra ngồi ở thư án, tay ôm lấy đầu.  Mở tập giấy Trãi đã gửi gấm vào cả trí tuệ mình năm sáu năm nay, Trãi ngẩn ngơ rồi cố tập trung đọc từng chữ. 
    Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.
 
Sách Bình Ngô bắt đầu như vậy.  Nhưng mắt Trãi hoa lên.  Trên xà nhà, một con rắn uốn éo bò, mắt lấp loáng ánh lân tinh xanh lè, đầu vắt vẻo chúc xuống.  Trãi  cắn môi, tay nắm cái nghiên mực ném lên.
    Tiếng đá xoang xoảng vỡ toang thành mảnh sắc cắt thực tại từ mê hoảng trộn lộn vào một không gian lạ lùng, trên có bàn thờ tổ họ Nguyễn ở Nhị Khê, dưới là Nguyễn Ứng Long đang quì lậy. Lửa bất chợt bùng cháy, bốc lên đến xà nhà khiến con rắn trườn xuống, đầu ngóc vào làm đổ bát hương thờ. Ứng Long chồm lên  đỡ, nhưng không kịp, áo đột nhiên bắt lửa thành đuốc. Trãi không còn thấy con rắn, nay chỉ có cha mình quằn quại trong ánh lửa đỏ mỗi lúc mỗi sóng sánh   chảy ào ra   một thứ dung dịch bốc mùi tanh tưởi.  Hoảng sợ, Trãi co người nhưng hai chân bị kéo xoạc ra, bụng nhầy nhẫy chất nhờn loài bò sát uốn éo trờn qua trờn lại, tai thình lình lại chói nhọn tiếng hú địa đầu năm nọ. Trãi vùng vẫy tuyệt vọng. Tiếng rắn phì phì phun nọc phà sát màng nhĩ. Hơi tanh lắng xuống thật sâu khứu giác rồi bốc lên lợm mùi xác chết đang rữa thối. Lưỡi rắn nhớp nháp thò ra liếm láp hạ thể, trườn dần xuống bắp đùi, kích thích quá độ khiến xúc giác nhột nhạt hóa ra  hình phạt. Thét lên hãi hùng, Trãi nghiến răng vùng dậy nhưng lại ngã úp mặt xuống trang sách đọc dở.  Có phải một giọt máu ở đâu vừa rơi vào chữ  Ðại trong câu ‘‘ Nhân tất  thế thiên, thể hành đại mệnh ’’, đoạn nói về quan hệ giữa đấng tối thượng và con người trần thế này. Ðó là một phủ quyết về thiên mệnh.  Ðiều này quảù táo bạo ở thời đại Trãi đang sống. Nhưng thực ra đó cũng chỉ là cái vùng mình tuyệt vọng chống lại sự bé nhỏ thảm hại của thân phận con người.
 Giọt máu trên chữ Ðại thấm qua ba trang sách.
*
Phạm Văn Xảo cho người đến hẹn Trần Nguyên Hãn ở quán Hậu Ðình. Vốn lịch lãm nhưng kín đáo, Xảo khôn ngoan giao dịch với Thượng tướng Trương Phụ.  Ðể tóc dài rồi tết đuôi sam, Xảo hòa nhập dễ dàng với đám quan quân nhà Minh.  Phụ tin cậy giao cho Xảo công việc chuyển vận từ Giao Châu về chính quốc. Khi chuyển ngọc châu, kỳ hương, sừng tê về Yên Kinh, lần nào Xảo cũng tìm cách giữ được một phần riêng cho Phụ. Thuở theo Trùng Quang đế, Hãn lờ mờ biết rằng những tin mật thăm dò được từ bọn người Minh cầm đầu Giao Châu có thể là do Xảo báo. Vốn thận trọng, Xảo giao du rất giới hạn, không hề lộ ra một điều gì cho ai nghi ngờ được.
     Xưa nay, Ðông Ðô có phường Yên Hoa là nơi tục khách đến vui chơi hát xướng.  Phường có độ ba trăm nóc gia, tửu lầu nhan nhản hai bên đường, nhưng nhà hát nổi tiếng thanh lịch thì chỉ có dăm ba.  Ở những nơi đó, ca kỹ được luyện tập từ tấm bé. Thường họ biết chữ nghĩa, và từ khi Giao Chỉ thuộc Minh, đã có những cô hát được  sành sõi các làn điệu như Ức Tần Nga, Tần thu hoài, Vọng Giang Nam ... Nhiều tác phẩm lừng danh bên Ðại Quốc  triều Tống hiện thời rất thịnh. Nhất là Tống từ của nữ sĩ Lý Thanh Chiêu, nỉ non kể lể nỗi niềm đám vợ hiền con thảo của những kẻ chinh chiến, khơi dậy nỗi buồn xa xứ trong lòng bọn quan quân biên ải.
 
    Tiếng đàn sáo văng vẳng ngay từ đầu một cái ngõ đủ rộng cho hai cái kiệu đi. Trước cửa nhà hát, người ta treo những lồng đèn màu. Ánh sáng yếu ớt hắt qua những tấm sáo kín đáo che đậy vừa đủ để khêu gợi sự tò mò. Thỉnh thoảng tiếng cười đàn bà con gái cất lên, khi ròn rã  gọi mời, khi lại uốn éo tựa tiếng mèo hoang động đực. Hãn dừng chân trước một căn nhà, tay vén bức sáo, nhô đầu vào định hỏi đâu là quán Hậu Ðình. Bên trong, năm bẩy cô ca nhi đang tựa vai kề má một bọn lính, tay chuốc rượu, mắt đưa tình, chẳng ai thèm trả lời. Thình lình, từ buồng trong một tên phóng mình ra, tay giữ cạp quần, cứ thế cắm đầu chạy. Ðằng sau, một ả nạ giòng đuổi theo, miệng la oai oái  ‘‘…nó chơi quịt, chị em ơi !  Túm lại hộ !  ’’. Thuận chân, Hãn ngáng rồi giả vờ ngã theo tên lính, tay giúi đầu hắn xuống đất. Ả nạ giòng nắm cái giải quần tên lính, bù lu bù loa, kéo xềnh xệch. Cuộc ngã giá nhanh chóng kết thúc, với sự can thiệp của một mụ tú bà sành sỏi. Ả nạ giòng ngúng nguẩy, trả công Hãn bằng cách chỉ cho Hãn quán Hậu Ðình ở mé phải cuối ngõ.
    Ðến trước, Hãn ngồi đợi trong một căn phòng do Xảo đã đặt sẵn. Bên cạnh, tiếng đàn thất huyền chậm rãi hòa vào tiếng tiêu đang vút cao rồi bỗng thình lình hạ xuống hẳn hai cung. Một giọng hát lảnh lót bất chợt cất lên, lời đong đưa :
    Trời vần mây nổi sương giăng mắc
    Tinh hà xoay nghìn cánh buồm say
    Hồn ngỡ bàng hoàng về đất cũ
    Thoáng bên tai
    Ai đi về?
    Về đâu đây ?
    Chỉ biết đường xa chiều đã tà
    Theo chẳng kịp chân vần thơ cổ
    Gió lại chẳng dừng
    Thuyền Bồng nào ghé bến mơ xa.
*
Tiếng hát kéo dài van vỉ tiếc nuối. Nó vẳng xa như một giấc mơ đọng lại ở phút cuối giấc ngủ, lềnh bềnh giữa hư thực, mỏng mảnh nối quá khứ vào hiện tại. Hãn chạnh lòng hồi tưởng lại quãng thời gian phiêu bạt.  Tháng tám năm Kỷ Sửu, Hãn đến Bình Than xung quân.  Trương Phụ nhà Minh vây hãm, Hãn theo Ðặng Dung lui về cửa Hàm Tử.  Quân ta  phải gặt lúa sớm, lính bữa đói bữa no, lâu tất phải thua vì lương thiếu. Trương Phụ đến đâu, thây chết thành non chỗ ấy.  Lính Minh cướp bóc và giết chóc như trò chơi. Chúng rán thịt lấy mỡ, móc ruột quấn cây đốt đuốc, mổ bụng moi thai mang nộp lấy thưởng, sự tàn bạo khiến đến cỏ cũng không dám mọc thẳng trên đất Giao Chỉ.  Thủy quân của Phụ phá được Hàm Tử, vua Trùng Quang lui về Nghệ An cầm cự được hơn một năm.  Ðến tháng tư năm Quí Tỵ, quân ta mười phần còn ba, phải lùi vào Hóa Châu. Vua sai sứ giả mang phương vật đến Nghệ An xin cầu phong. Trương Phụ chỉ cười, không thèm trả lời, mang chém sứ. Nghe tin, Trùng Quang Ðế khóc rồi lại tính gửi sứ giả khác đến gặp Phụ.  Ðặng Dung cản nhưng vua không nghe. Dung lẳng lặng chẳng nói gì, suốt đêm mài kiếm, tiếng đá xoèn xoẹt chói buốt khiến không một ai ngủ được.  Tảng sáng, Hãn đến.  Dung nói ngay ‘‘... ông đến cáo biệt, ta biết rồi  ’’.  Hãn ngậm ngùi  ‘‘ Nhà Trần tuyệt mất, tôi là tôn thất mà nay cũng chịu.  Tướng quân đi với tôi, ta lo kế khác  ’’. Ðặng Dung ngửa mặt cười một thôi dài rồi bảo ‘‘... ông đi đi.  Nhớ cầm theo cái này...’’.  Ðó là bài thơ Cảm Hoài, than rằng dưới trăng mài kiếm đã mấy chầy, sự thế lao đao khi tuổi tác, nợ nước chưa trả mà đầu đã bạc với tháng ngày.
    Ðang còn ngẩn ngơ, Hãn nghe tiếng kẹt cửa. Xảo bước vào, tươi cười, giọng đùa cợt :
-   Ðể huynh đài một thân một mình chốn lầu hồng, đệ cứ áy náy. May có cố nhân đây bảo, ai chứ Hãn thì có đâu câu nệ những chuyện vặt ấy…
 Một người đứng sau bước lên.  Nhìn thoáng, Hãn reo nhỏ :
    - Trãi đấy à ?  Ta không ngờ gặp chú ở đây đấy.  Chú em tên Viễn dặn ta cẩn thận.  Quả có thế, ta đến chỗ chú hai lần, chúng nó rình mò thật !  Chú trói gà không chặt mà sao chúng nó lại hãi chú thế hả ?
Trãi cười không đáp. Lấy tay vẫy, Xảo gọi đám ca nhi vào theo, rồi thì thầm :
    -  Chuyện đại sự mà không có tiếng đàn tiếng sáo thì buồn lắm. Nhất là ở Hậu Ðình ...
Xảo quay người, tay kéo Hãn và Trãi vào một góc, miệng ngâm nho nhỏ hai câu  thơ nổi tiếng theo cách Thanh bình điệu: 
              ‘‘ Thương nữ bất tri vong quốc hận
              Cách giang do xướng Hậu Ðình hoa ’’
than người con gái chẳng biết gì mối sầu mất nước nên bên sông vẫn  cứ còn  hát mãi khúc hát Hậu Ðình.
    Ba người tụm lại, mặc cho đám ca nhi múa hát góc bên kia. Họ châu đầu nói thì thào, thỉnh thoảng lại với ống điếu, rít thuốc rồi nhả khói bay xanh một góc.  Tình hình sau khi Trùng Quang bị bắt ngày một thê thảm. ỞÛ Hoan, Ái   tinh thần nghĩa quân không còn, lực lượng tứ tán. Trương Phụ phái bọn Phương Chính và Thái Phúc vào giữ thành Nghệ An, làm thế ỷ dốc với Diễn và Hóa Châu, vây chặn.  Sự thể trước mắt thật khó, tiến chẳng được mà lui cũng không. Trên miệt Mường La và Phục Lễ, Cao Bằng, nhà Minh đặt đám Dao, Mán, Mường vào những chức vụ Tri Châu, biến họ thành một tầng lớp phiên thần khá đắc lực làm tay sai. Hơn nữa, ở miệt trên, hậu phương không có, đánh rút rất dễ mất chủ động nên phải bó tay. 
Nhìn Trãi, Hãn thở dài.  Xảo chán chường, ngả người ra với chiếc gối kê lưng. Nhìn hai kẻ kiệt hiệt vẻ chừng như  đã thấm mệt, Trãi ngẫm nghĩ một hồi lâu. Bấy giờ, chỉ còn tiếng hát lẫn trong tiếng đàn ai oán. Trãi bỗng thấy sợ. Nếu ngay những người này mà hoài nghi rồi buông thả,  giang sơn Ðại Việt sẽ còn gì ? Không, không thể thế được ! Nhưng làm sao đây ? Phải rồi, phải đổi cách nhìn. Trãi bóp trán,  giọng trầm tĩnh :
- Nói đến động binh trước mắt thì có thế thật. Nhưng nhìn dài hạn, đệ không bi quan như hai vị, ngược lại là đằng khác…
Nuốt nước bọt, Trãi nhìn ánh mắt thôi thúc cũa Hãn,  nhẹ nhàng nói tiếp :
    - Nay người Minh một mặt rêu rao nhân nghĩa, mặt khác thì bắt dân lên rừng tìm sừng tê, xuống biển mò ngọc trai, đòi hết voi trắng đến kỳ lân, thu mua đủ hàng hiếm quí với giá ăn cướp.  Thuế cũng tăng, phu dịch thì ngày một nặng nề, dân sợ ngậm miệng nhưng ca thán trong lòng.  Trương Phụ tàn bạo, động là giở trò chém giết.  Hoàng Phúc thâm độc, đốt sách vở Ðại Việt, lại chiêu dụ hiền tài mang về Yên Kinh.  Nhưng cái sách bắt đàn bà mặc quần cạo răng trắng, bắt đàn ông tết bím để đuôi sam thì không phải là khéo cho lắm.  Chẳng chóng thì chày cũng sẽ có chống kình.  Mà hễ có, là Trương Phụ lại sai Mộc Thạnh ra tay đàn áp.  Dĩ nhiên máu sẽ đổ.  Máu lại gọi máu, thù lại réo thù.  Cứ chồng chất lên thì lúc nào đấy, hô một tiếng là có lê dân, giặc dẫu mạnh cũng không thể nào cưỡng nổi.  Một khi có lòng dân,  sớm muộn rồi ta cũng thắng...
Hãn im lặng, tay laiï quơ điếu thuốc lào, châm đóm rồi rít sòng sọc. Xảo nhìn Trãi, ngờ vực hỏi :
    - Sớm muộn là bao lâu ?
Trãi hiểu hy vọng nào cũng cần một cái mốc thời gian làm chuẩn. Oái oăm thay, tương lai lúc này đâm ra tùy thuộc vào một võ đoán. Nhưng không làm không được. Hít hơi vào đầy lồng ngực, Trãi nghiêm nghị :
    - Nhà Hồ được sáu năm, dân bỏ.  Hậu Trần thì chưa đâu vào đâu, nhưng không gây tội nên có thua quân Minh cũng phải mất năm năm.  Từ nay, ai cũng rõ Ðại Việt thành ra phủ Giao Châu dưới đế quyền Vĩnh Lạc nhà Minh. Trương Phụ cứ vơ vét bạo ngược thế này, đệ nghĩ là chỉ năm, bảy năm cái chế độ thuộc Minh phơi bày đủ để lê dân biết đâu là quyền lợi của họ.  Từ đó, chiến thắng thì mất thêm năm đến mười năm.
Hãn chừng đã xuôi tai, ngắt :
    -  Nhưng cần chính danh. Phò ai làm vua sau này ?
    -  Tìm người nhân đức mà phò, dụng tâm công mang đạo nghĩa chống hung tàn ...
Mang đạo nghĩa chống hung tàn ? Trãi ngạc nhiên nghe chính mình có thể nói đơn giản đến thế vậy. Có lẽ từ một cõi tiềm thức thăm thẳm, chàng buột miệng, mặc cho trực giác dẫn trí tuệ đi một con đường thẳng tắp, không ngoằn ngoèo biện minh, không đôi co lý lẽ. Hãn bật cười, nhưng giọng dịu xuống :
    - Ta thấy ít kẻ thật nhân đức mà lấy được thiên hạ.  Thường, họ trí trá, giỏi nói và giỏi giả nhân đức.  Cái kiểu Lưu Bị ném ấu chúa đi, mắng cho vui lòng Triệu Tử Long, vì mi mà ta suýt mất một  tướng tài ấy mà !
Khuya hôm ấy, ba người dặn dò nhau rồi chia tay.  Xảo và Trãi đợi cho đến khi Hãn khuất bóng mới ra cửa.  Trên trời, sao khuya dày đặc một giải óng ánh. Xảo ngần ngừ, giọng chân tình :
-  Bài thơ nôm huynh làm hôm tất niên hay lắm !
Bất giác, Trãi thở  dài, lúng túng quay đi. Xảo níu tay Trãi, nói nhỏ :
    -  Này, tình thật nhé.  Cái chuyện chèo quơ nước ngược chuyến đò ngang ấy mà...  Việc gì phải khổ thế, hở huynh ?  Ở Ðông Quan chắc cũng còn lâu, huynh cần có người chăm nom cho.  Cứ nói một tiếng, em gái đệ sẽ theo về hầu.  Nó ở vậy chờ mãi, xem ra cũng tội nghiệp...
*
    Ra khỏi quán Hậu Ðình, Trãi cắm đầu đi trong đêm hun hút, bỏ đằng sau tiếng xênh tiền và những lời ca thương nữ bên kia dòng sông lấp loáng ánh đèn.  Ðông Quan bây giờ im và lắng.  Thỉnh thoảng có tiếng chó ằng ặc sủa, ngắt quãng như bị bóp cổ, nhỏ dần rồi tan loãng vào màn đêm lạnh chớm hơi sương.  Ðâu đây, ai say rượu lè nhè hát, tiếng khô đục chạm vào mặt đất dội lại thành lúc ê a, lúc ậm ừ, lúc lại ừng ực như đang nuốt vào lòng những giọt nước mắt.  Mùi hoa sữa dọc con dốc thoang thoảng, gió lên là biến đâu mất, và khi gió ngừng thì lại quanh đây, ngọt ngào, bảo bọc.
    Ðêm đen.  Tiền đồ ?  Trãi chỉ dự đoán và ước vọng.  Bao lâu ?  Câu hỏi của Xảo lại vang lên.  Sự xác quyết của Trãi ban nẫy nay không thuyết phục được chính Trãi. Nó chỉ nhằm động viên khi ý chí nhất thời xuống dốc. Con đường trước mặt thật vẫn gập gềnh.  Và bất cứ ở khúc quanh nào tình cờ cũng rình rập đe dọa. Lấy đạo nghĩa, chống hung tàn.  Nhưng mấy khi thắng được ?  Mà nếu không, Trãi chua xót nghĩ, thì hung tàn chính là qui luật tiến hóa ư ?
    Lên đến đầu dốc, căn nhà Trãi sừng sững như một khối cô đơn khổng lồ.  Ði chậm lại, Trãi bỗng sợ phải một mình đối mặt với khoảng tịch mịch trong kia. Trãi ngừng chân, ngửng mặt nhìn lên bầu trời đen ngòm, cảm thấy mình ngụp lặn tận đáy sâu một vực thẳm. Ở đó, đúng là không còn chút dưỡng khí. Trong lòng, ngọn lửa vừa nhen lụi dần. Những tế bào não tê dại dập tắt khả năng vùng dậy để ước mơ. Với người, Trãi mới đây gầy tro than nhóm lên hy vọng. Một mình, Trãi lại chỉ thấy giá băng. Và một niềm tuyệt vọng  mang mang.  Hai con chó từ sân sau sủa khe khẽ, chạy lại quấn lấy chân Trãi, đuôi vẫy rối rít.  Mở cửa, Trãi lách vào.
Góc nhà, ngọn đèn dầu ai châm lóe sáng.  Trãi che mắt hỏi :
    -  Ai ?
    -  Em.  Em đây.
    -  Ơ kìa, có thật là em ?  Trãi dụi mắt, tưởng mình mê ngủ.
    -...
    -  Sao em đến khuya thế ?
    -  Thì còn sao nữa...Ðừng cứ hỏi tại sao.
Người con gái ngồi trên giường, tay xổ khăn, mớ tóc huyền bung ra đổ xuống bờ vai như thác chảy.  Nàng nhẹ nhàng kéo áo rồi lần lên cởi, những ngón tay thuôn mềm trên yếm đào nửa vội vàng, nửa chậm rãi. Nhắm mắt, hàng mi cong vành cong như một vết chì thỉnh thoảng chớp nhẹ. Nàng mỉm cười, hàm răng đen nhấp nháy dưới ánh đèn. Trãi sực đưa mắt lên xà nhà. Mơ hay là thực đây?  Không, không phải là người đàn bà áo xanh đêm nào. Trãi cúi mặt nhìn xuống.  Nàng chỉ còn chiếc váy che hạ thể, hai tay từ từ vuốt lên bụng, rồi lên ngực, rồi xòe ra che hai bầu vú cong nhọn run rẩy.  Trãi thều thào :
-  Thôi, em...
    -  Không !  Nhất định...
Trãi ngần ngừ.  Chàng bước đến cạnh giường, tay để nhẹ lên vai nàng.  Bất chợt, chàng mơ màng :
    -  Em có thật đây mà...
Trãi lênh đênh mặc cho thể xác phiêu bồng, kéo yếm rồi lần xuống cởi dần sợi dây quấn váy,  cảm thấy tay người con gái nắm tay mình lúc như cưỡng,  khi thì giục, trong tiếng rên rỉ nguyên sơ của nhục cảm diệu kỳ. Hai cánh tay mềm mại vòng lên cuốn lấy cổ Trãi rồi khẽ ghì xuống, lôi trời lôi đất vào mênh mang, kéo hạ thể theo chuyển động co thắt của giải ngân hà, tinh tú thình lình tán loạn, sao băng tứ phía, vũ trụ thành trận pháo hoa. Trãi hỏi trong mê hoảng, em, có thật không em, hay em là giấc mơ có giọt máu rắn đêm nọ và hình ảnh chập chờn một giải áo xanh oan nghiệt. Người con gái thình lình kéo đầu Trãi xuống úp vào ngực mình, miệng chữ còn chữ mất :
    -  Còn ai nữa.  Em có thật...
Mùi hương thoảng vào mũi Trãi như thuở còn thơ chàng vẫn thường tìm hoa nhài kết vòng mang về ngâm vào nước pha trà cho cha.  Trãi giúi mặt vào lồng ngực phập phồng, nghe tiếng tim đập như khơi giục, ngột ngạt đến nghẹt thở.  Chàng ngửng lên, để mặc thác tóc huyền xô vào mùi  bồ kết cứ ban đêm là sực thơm, thơm huyền ảo mùi thơm thuở khai thiên, giữa sấm chớp xé vũ trụ thành những mảnh li ti, làm ra thiên hà, tạo ra cái trái đất bé bỏng nhưng đầy bí ẩn này.
    Trãi lăn vào cuộc nồng nàn nhận sự dâng hiến đầu tiên của người con gái khi đau chỉ nghiến răng ứa nước mắt.
    -  Sao em khóc ?
    -  Không.  Em sung sướng.  Ðội ơn chàng !  Cái chuyến đò ngang đó...
    Cứ thế, đêm qua đi.  Bao nhiêu sinh lực Trãi chẳng kìm đều cho ra hết. Người con gái ngỡ ngàng. Nàng dịu dàng bảo, em là của chàng mãi mãi. Có gì vội đâu, chàng ơi,  đời vẫn còn dài. Và đêm, đêm vẫn còn dài. Nhắm mắt, Trãi mê dần, thân thể choãi ra rồi tê dại, mùi máu tanh đêm gặp rắn lại bỗng thoang thoảng xông lên. Trãi hoảng hốt nhìn vào hạ thể người con gái, hai bên đùi lem vết máu trinh tiết ứa từ cửa mình. Trãi tiếc nuối như thể chính thân mình vừa mất mát rơi vỡ. Người con gái se sẽ ngồi dậy. Giọt máu trườn theo chiều thon bắp đùi chảy dài xuống giây vào bàn tay Trãi đang ve vuốt. Trong bóng đêm, mắt Trãi cay sè nhức bỏng. Chàng bỗng chơ vơ như lúc lạc đường thuở chập chững tập đi. Trãi thầm kêu, ơi hỡi, ta lại vừa đèo bồng đời một người con gái, lấy đi trinh tiết. Ðể cho lại, liệu ta có gì ngoài cái khoảng trống hun hút trong lòng.  Và bờ vực chập chùng cạnh bước chân, với những câu hỏi vò xé tâm can.  Trong cái thế người bị trị cổ kê dưới lưỡi đao đầu kiếm, cớ sao ta vẫn cứ một điều nhân nghĩa, hai điều tâm công?  Sách Bình Ngô trích dẫn những Thúc Di, Bá Tề, viện lời Khổng Khâu nói về Quản Trọng, kêu đuổi giặc cốt để giữ lấy văn hiến. Nhưng như thế,  ta bị chữ nghĩa cầm tù, ngôn từ vây bủa.  Cớ sao cứ phải lập lại những Luận Ngữ, Trung Dung ? Câu đáp tên Hoàng Phúc, rằng Ðạo Thánh là của chung thiên hạ nhưng làm theo Ðạo thì mỗi nơi một phách, chẳng qua đặng chẳng đừng ? Ði đến gốc đến rễ, phải chăng há miệng mắc quai ?
Lảm nhảm, Trãi nói như hóa dại. Người con gái ấp tay Trãi vào lòng, thỉnh thoảng gạt nước mắt cho Trãi. Nàng se sẽ ru, như thể lời ru mang cái nhiệm mầu cứu rỗi mọi nỗi oan khổ oán hờn.  Trãi  muốn xua tất cả đi để thực sự sống trọn vẹn một đêm. Nghĩa là sống trong hiện tại.  Với xác thân, thứ thuốc an thần êm ái dìu vào giấc ngủ. Chàng tận lực lật cho nàng nằm úp lên mình, mặc  cho đất trời vần vũ quay cuồng. Cuối cùng chàng chỉ nhớ tiếng nàng thì thào :
- Chàng ơi ! Hạnh phúc có trong từng những cái nhỏ nhoi !
Nằm vật xuống, Trãi thả mình vào một miền đắm đuối có tiếng nỉ non van nài :
- Sự sống có đâu chỉ ở chuyện đại sự!  Cứ như trẻ thơ.  Ðừng gồng mình! Hãy để mọi sự tự nhiên, như mây cao, như gió lộng.  Ðừng lo đời thiếu mình,  để kết cục chính mình thiếu tất cả.   Ðiều kỳ diệu của sự sống chỉ nắm bắt được khi ta biết yêu biết quí từng cái nhỏ nhoi...
    Khi Trãi tỉnh giấc, nắng đã lẻn qua vách cửa hắt một giải vàng lung linh lên nền đất đen sẫm. Chỉ chút hương bồ kết còn thoang thoảng.  Mảnh hoa tiên có bài thơ chàng đề đâu đó lại hiện ra nhắc nhở thì thầm. Gần hai mươi năm sau, chàng vẫn ngâm nga  bài thơ khi cảm thấy trống rỗng hững hụt.  Nhưng đến khi người ta gom tất cả thơ nôm của Trãi làm thành Quốc Âm thi tập để lại cho đời, có ai ngờ họ chỉ giữ có câu đầu, góc thành nam, lều một gian.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 818

Return to top