Dương Chu là người thích làm việc nghĩa. Hâm mộ đạo Thánh hiền, nên đi đến đâu cũng để ý điều chân thật, mà chê bai điều giả trá. Một hôm Dương Chu đang trầm ngâm trong thư phòng, suy nghĩ đến lẽ tồn vong biến hóa. Chợt tiểu đồng báo có Tăng Hổ là bạn nhậu đến chơi, bèn hớn hở mời vào. Sung sướng nói: - Một ly nhâm nhi… tình bạn. Mình đã là bạn với nhau, thì không thể bỏ cái ly ra ngoài bàn đó vậy! Tăng Hổ như hạn hán lâu ngày vớ được trận mưa. Khoan khoái đáp: - Làm trai mà không hết dạ với bạn bè, đến nỗi rượu ở ngoài ly, thì biết khi mô mới thành người quân tử? Rồi chén thù chén tạc, ra chiều tương đắc lắm. Được đâu vài tuần, Hổ bỗng đưa tay đập vào trán một cái. Thảng thốt kêu: - Ở đời có những chuyện không làm sao tin nổi. Huynh có nghĩ dzậy không? Dương Chu giật mình, đáp: - Đúng! Nhưng hai ta đang mở mang trí hóa như vầy. Sao lại nói cái không vui cho mất phần hứng thú? Tăng Hổ bỗng mặt mày ra chiều quan trọng. Hắng giọng nói: - Có một chuyện đệ chẳng bao giờ hiểu được. Nay nhân chén rượu này. Có thể đôi lời cho rõ đặng hay chăng? Dương Chu hào phóng, đáp: - Đã coi nhau là tri kỷ, thì cứ việc… tống ra. Chớ để trong tâm mần răng mà thân được? Tăng Hổ nghe Chu nói trong lòng phan phái, bèn nâng chén rượu lên. Dzô một phát, đã tận đến tim gan rồi trút tuôn bầu tâm sự: - Ngày thì sáng, tối thì đen. Lẽ tự nhiên đó ai mà chẳng biết. Nay có kẻ lấy đen làm ngày. Lấy tối làm quang, còn ra chiều hoan hỉ, là cớ làm sao? Dương Chu cẩn trọng đáp: - Người mà lấy ngày làm đêm. Lấy đêm làm ngày, ra điều không phân biệt thiện ác đúng sai. Ắt là kẻ xa lìa thế tục. Muốn tìm đặng Chân như. Thật đáng lưu vào kim cổ! Tăng Hổ bỗng bật miệng cười. Lắc đầu đáp: - Cái gì mà thế tục ở đây? Cái ông chủ nhà trọ ở đất Tống. Chưa lập chánh thất nhưng đã… tậu hai nàng hầu. Một người tên là Thôi Oanh, hết sức là đẹp. Người khác tên là Tử Nương, rất chi là xấu. Theo lẽ bình thường, thì thiên hạ thích phù thịnh chứ mấy kẻ phù suy. Thích ăn trắng mặc trơn chớ tiếc chi tháng ngày rách rưới cũ. Nhưng đàng này, lại chuộng người thiếp xấu hơn người thiếp đẹp. Nói theo chữ thông thường, là bỏ chỗ sáng mà đâm đầu vô chỗ tối. Là đi ngược với anh hùng hào kiệt khắp năm châu. Là chẳng đáng ngẩng mặt lên nhìn đời với thiên hạ… Rồi với tay dzô vài tớp rượu, lại rộn ràng nói tiếp: - Người xưa có dạy rằng: Tốt khoe xấu che. Còn ông này làm ngược lại, thì chắc hẳn chẳng phải hàng quân tử. Có phải vậy chăng? Dương Chu nghe lùng bùng trong dạ, nên đắm mình mà suy nghĩ. Mãi một lúc sau, mới nhỏ nhẹ nói rằng: - Con người ta một khi bị loạn thị, thì nhìn tốt thành xấu. Được thành thua. Bạn thành thù. Thậm chí nhìn ai cũng tưởng người ta có cảm tình với mình tất cả. Hạng người ấy. Chỉ cần… cái kiếng là xong. Chớ khỏi phải ưu tư gì hết cả! Tăng Hổ đầu lắc quầy quậy. Tay xua lịa xua lia. Lớn tiếng đáp: - Tay này kéo máy mỗi ngày. Làm sao mà loạn thị? Chi bằng ta đến đó thử coi, cho rõ ràng đen trắng. Dương Chu gật gù ưng chịu, liền nốc một cái, rồi gọi vợ ra, mà nói rằng: - Ta đi qua đất Tống để làm việc nghĩa, hầu cứu độ chúng sanh. Cho tròn điều ước nguyện. Nàng ở nhà. Trước là lo trong ngoài tươm tất, sau chuẩn bị tiệc mừng cho giây phút đoàn viên, thì chữ phu thê mới vuông tròn đó vậy. Vợ của Dương Chu nghe chồng nói thế, bèn mát cả tim gan, mà nhủ thầm trong dạ: - Chồng mình! Nếu đem so với Phan An Tống Ngọc, thì chẳng có ký lô nào hết cả, nhưng nói đến chuyện tạo phước về sau, thì nội ngoại hai bên chẳng ăn thua gì hết ráo! Rồi phớn phở mặt mày. Tha thiết nói: - Chàng vì tha nhân, mà trang trãi lòng mình, khiến thiếp dẫu phải tạm lánh trong bốn bức tường bao bọc, cũng thấy lòng hứng thú. Có điều. Thiếp giật mình lo sợ, là chàng mãi mê làm việc nghĩa. Lo chuyện tha nhân, mà bỏ quên thiếp đang ngày đêm mong đợi, thì… bạc tóc răng long mần răng thiếp tính? Khi vò võ một mình giữa trướng phủ màn che. Giữa chăn chiếu vô tri chẳng biết gì hết cả… Đoạn, nước mắt chảy dài trên đôi má. Dương Chu thấy vậy, liền nắm vội ngón tay, hớt hãi nói rằng: - Ta làm việc nghĩa, để học thêm nhiều kinh nghiệm, mà quý trọng nàng hơn. Chớ chẳng dám xa nàng trong ít tháng… Tăng Hổ ngồi bên nghe vậy, mới nóng cả ruột gan, mà thì thầm bảo dạ: - Mẹ ta hay nói: Những người có học, luôn dư chữ để biện minh cho hành động của mình - nên dễ làm điều vấp phạm - cũng là đúng lắm! Rồi trong lúc Hổ đang miệt mài suy nghĩ. Chợt nghe giọng oanh vàng thỏ thẻ tựa sương rơi: - Tiền bạc mất đi có thể làm ra được. Chớ lòng tin đã mất rồi, thì không thể nào có lại được đâu. Chàng nay đi vào đất Tống để làm phận sự của trượng phu, thiếp không dám can thiệp vào. Duy có một điều lo ngại là lang quân thể chất vàng ngọc, lại khoái rượu bia. Nay vì nghĩa cả mà dấn thân vào nơi giá lạnh. Lội nước lên rừng. Gội gió tắm mưa. Vất vả phong trần. Tiêu điều nơi đất khách - mà thiếp không được gần bên để hết mình san sẻ - thì cho dù thiếp có vững vàng như núi. Cứng tựa sắt non, cũng khó lòng đứng được… Dương Chu nhìn vợ khóc lóc, bỗng chí nam nhi nhụt đi gần phân nửa, bèn hắng giọng một cái, mà nói với Hổ rằng: - Thân ai nấy lo. Hồn ai nấy giữ. Thằng cha chủ nhà trọ có thế nào là chuyện của nó. Sao ta lại ôm rơm, rồi than mình nặng bụng. Chẳng là người mua chuyện hay sao? Tăng Hổ nghiêm mặt, đáp: - Ở đời có ba cái nhiều mà không tốt. Một là đường. Hai là muối. Ba là lòng do dự. Huynh trước thì muốn, sau lại thôi, thì biết khi mô mới làm nên… lịch sử? Dương Chu lặng người đi một chút, rồi dồn hết sức lực lên đôi môi, mà nói với vợ rằng: - Làm trai mà đánh mất chữ Tín, thì còn quân tử được hay chăng? Ta đã nhận lời đi qua đất Tống, thì không thể vì trăm giọt nước mắt của nàng, mà ruồng rẫy bạn xưa. Vội bỏ qua bao điều thốt hứa… Vợ của Dương Chu nghe chồng nói, biết là không canh cải gì nữa được, bèn thì thào tự nhủ: - Nói xuôi cũng được. Nói ngược cũng dễ nghe. Đúng là chồng ta vậy! Hai hôm sau. Chu với Hổ đến đất Tống, liền đến nhà trọ ấy ở mấy ngày, thì thấy y như lời Hổ nói, bèn rúng động tâm can, mà nhủ rằng: - Trong nhà bao nhiêu gia nhân, mà ai cũng thương quý người thiếp xấu, xem nhẹ người thiếp đẹp, thì câu nói: Con gái đẹp như có chùm chìa khóa… giả trong tay. Khó có cánh cửa nào đóng được. Hổng chừng lại trớt hướt trớt hơ. Chẳng trật trúng ngon ăn gì hết cả! Rồi càng gia tâm theo dõi, gặp lúc đứa ở trong nhà đi mua đậu, bèn vọt lẹ chạy theo, mà hỏi rằng: - Một người đẹp, một người xấu, mà ông chủ nhà mày, lại chuộng người ít đẹp hơn. Thiệt khiến cho lê thứ khó lòng thông hiểu đặng… Đứa ở cười cười, đáp: - Người thiếp đẹp, tự biết là mình đẹp, nên lên giọng kiêu sa. Coi kẻ dưới như là cây cỏ, nên tôi chẳng biết cái đẹp của họ là gì. Còn người thiếp xấu, tự biết là mình xấu, nên hết dạ bao dung, đỡ nâng người khó nhọc, thành thử chẳng ai nhớ đến cái xấu của bà ấy nữa… Dương Chu bỗng mở bừng đôi mắt. Sung sướng nói: - Phàm là kẻ giỏi, mà bỏ được cái ý coi người như củ khoai, thì đi đến đâu cũng được tha nhân tỏ lòng thương mến. Thậm chí có tiêu tan vì bài bạc, thì cũng gặp người cho mượn cho vay. Cho chén cơm ăn để vô sòng chơi tiếp. Cầm bằng như ỷ mình tài giỏi, mà coi thường bá tánh, thì sinh thời nào, đi đến đâu, cũng lạc lõng đơn côi như lá vàng rơi rụng… Tối ấy, trăng sáng vằng vặc. Dương Chu nhìn ra cổng. Chợt thấy ông chủ nhà trọ đang tà tà bách bộ, bèn hớn hở chạy ra, mà nói rằng: - Vỗ tay cần nhiều ngón, bàn bạc cần nhiều người. Nay chốn tâm can đeo mang niềm uẩn khúc. Có tỏ được chăng? Ông chủ nhà trọ đáp: - Chết sống nào có chừa ai. Trăm năm cũng phải về nguồn cội. Sợ chi mà không nói? Dương Chu thở phào một cái, như cất được gánh nặng ngàn cân. Chậm rãi nói rằng: - Cá chết vì mồi. Đàn ông chết vì bóng sắc. Nay ông đi ngược lại… trào lưu tiến hóa. Chuộng xấu ghét thanh. Bỏ phú theo bần, là cớ làm sao? Ông chủ nhà trọ liền đảo mắt một vòng. Khi chắc chắn là chẳng có ai, bèn nhỏ giọng đáp: - Tôi là đàn ông, thì cũng thích người đẹp. Chớ lẽ nào rước người xấu về, mà… hiếu đặng hay sao? Rồi kéo Dương Chu đi xa thêm một chút. Chưa kịp nói gì. Chợt nghe Dương Chu loành quanh hỏi tới: - Ông chưa có vợ cả, mà dzớt hai nàng hầu. Thiệt khiến cho tha nhân phải ngỡ ngàng thắc mắc! Ông chủ nhà trọ liền ghé miệng vào tai, thận trọng nói rằng: - Tôi chưa lập ai làm chánh thất, mà có hai nàng hầu, là muốn bảo toàn gia sản. Chẳng giấu gì ông. Tôi là con một, nên ruộng vườn của tổ tiên để lại nhiều hơn trăm mẫu. Tôi giật mình hoảng sợ, khi chợt nhận ra rằng: Lúc cực khổ khó khăn, thời người ta lại dang tay đùm bọc, thông hiểu được nhau, nên dẫu thiếu ăn vẫn… ấm lòng chiến sĩ. Còn lúc vật phẩm dư thừa, thì chẳng những không chia xẻ đỡ nâng, mà còn đố kỵ tranh giành, đến nỗi phải kéo nhau ra tòa ly dị…. Rồi ngừng một chút cho ý đượm vào lòng, lại rộn ràng nói tiếp: - Nay tôi chọn nàng hầu. Chỉ là đề phòng khi đụng chuyện nát tan, thì gia sản kia vẫn nằm yên không biến. Dương Chu gật gù như ra chiều thấu hiểu, rồi lại hỏi rằng: - Nhưng ông không thương người thiếp đẹp, mà lại yêu người thiếp xấu, là cớ làm sao? Ông chủ bỗng nắm chặt đôi bàn tay lại. Mạnh dạn đáp: - Thôi Oanh biết mình đẹp, nên tối ngày chỉ lo o bế nhan sắc của mình, mà quên đi trau dồi tính nết, thành thử sống hoài cũng chỉ vậy mà thôi. Chớ chẳng mần chi hơn được. Còn Tử Nương biết mình không đẹp, nên mở lòng ra với người khác, khiến ai cũng hết tình mến mộ yêu thương, thành thử cứ phây phây như chim trời bay lượn… Đoạn thở hắt ra một cái, rồi buồn bã nói rằng: - Phải chi Thôi Oanh có tính tình của Tử Nương, thì ngôi chánh thất đã mần xong tất cả!