Hay Dở Tự Ở Mình
Mõ Saigòn
Khổng Tử đang dạy học trò, bỗng thấy người hơi oải, liền đứng dậy bước ra hòn non bộ. Ngó vào nơi xa vắng, mà tự nhủ lấy thân:
- Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa. Uống rượu mà gặp được người hiểu mình, thì dẫu nốc cả ngàn chung, cũng chẳng ăn thua gì hết cả. Còn trò chuyện mà gặp người tầm phào ba láp, thì dẫu nói nửa câu, cũng giống như chưa nói gì đó vậy. Ta, bởi mang tiếng là hiền sĩ. Chuyên nói chuyện nghĩa nhân, nên… thiên bôi thiểu chưa bao giờ có đặng. Thiệt là đáng tiếc!
Rồi đang lúc thả hồn theo đầu mây ngọn cỏ. Chợt nghe tiếng rào rào chan chát tận bên tai:
- Lễ to, lộc nhiều. Thầy đã có học trò khắp hang cùng ngõ hẻm. Sao lại chẳng vui?
Khổng Tử giật mình quay lại, thấy Mạnh Tử đang khoanh tay đứng lặng gần bên, bèn nhỏ giọng nói rằng:
- Ta lỡ mang tiếng dạy Đạo Thánh Hiền, nên suốt tuổi thanh xuân chưa một lần nhậu mút chỉ cần câu, đâm dâng niềm tiếc nuối. Ta lại buồn lòng trộm nghĩ: Đời người như giấc mộng. Thoáng một cái đã tóc bạc tùm lum - mà chẳng chịu vui chơi - thì hối hận mang mang e khó lòng tránh đặng!
Mạnh Tử chau mày lại mà suy nghĩ, rồi cẩn trọng thưa:
- Mới lúc nãy trời đang tốt đẹp. Giờ đã âm u. Thời tiết thay đổi bất thường. Thật chẳng khác đời người khi đen khi sáng. Lúc lạnh lẽo co ro. Lúc ấm áp tâm can như bên nồi bánh chưng vậy. Nay thầy đã hiểu được tình tri kỷ, mà muốn chuyện… dzô dzô, thì cõi nhân sinh ắt mừng vui lắm lắm!
Khổng Tử dịu nét mặt lại. Hít một hơi sâu, rồi khoan khoái nói:
- Tâm bệnh ta ngươi đã rõ. Ước vọng ta ngươi đã hay. Chờ chi không tính?
Mạnh Tử bỗng nở một nụ cười thật tươi. Ngước mặt lên trời. Tha thiết nói:
- Xin Hoàng Thiên phù hộ. Cho việc lớn hóa nhỏ. Việc nhỏ hóa không, để nhậu nhẹt vui chơi đừng đụng chạm đến bàn dân bá tánh!
Khổng Tử nghe vậy, phớn phở cả mặt mày. Cất tiếng đáp:
- Gặp bất cứ việc gì, mà biết thu dọn vén gom, thì dẫu đã thác đi vẫn còn là quân tử!
Mạnh Tử liền nhìn thẳng vào mắt của thầy. Chợt thấy cả một trời mơ ước, bèn động mối quan hoài mà tự nhủ lấy thân:
- Thầy tới tuổi da mồi tóc bạc, mà vẫn sợ tiếng đời dị nghị khen chê, thì chẳng trách cõi nhân sinh… nổ tùm lum tứ tán.
Đoạn, trìu mến nhìn thầy. Chậm rãi thưa:
- Nước Quắc đất rộng người thưa, lại cầu hiền như khát nước, là một điều hay. Rượu nước Quắc dẫu độ hơi cao, nhưng cái hậu như… trời bay mây cuốn, là hai điều hay. Đất Quắc gần rừng hơn biển, nên gánh chịu cái âm, thành thử quý mến nam nhi hổng biết bao nhiêu mà nói, là ba điều hay. Học trò theo thầy mài dùi kinh sử. Chưa thấm chuyện yêu đương. Nếu qua kia kết nối tình giai ngẫu, thì trước là có hương khói dành tặng tổ tiên. Sau tiết kiệm được kim ngân vì bên ấy người ta lo hết cả, là bốn điều hay. Theo thầy, vừa đặng chữ Thánh Hiền. Vừa được hiền thê, thì công đức ấy tính trăm năm cũng khó lòng so sánh đặng, là năm điều hay. Với năm điều hay ấy, thì chữ lợi danh đã bày ra trước mắt. Sao lại bỏ đi?
Khổng Tử bèn chớp mắt mấy cái, rồi bảo dạ rằng:
- Điều quan trọng nhất của đời người, là biết chụp cơ hội. Không để nó chạy đi. Chớ có là quân tử tiểu nhân cũng chẳng nhằm chi hết cả!
Rồi gật đầu ưng thuận. Quyết chẳng đắn đo gì nữa cả. Qua ngày mai, Mạnh Tử thay thầy công bố chuyến du hành qua đất Quắc. Chợt thấy Bật Tử Tiện đứng ào lên ghế. Vội vã thưa:
- Đi sang đất Quắc để xiển dương Đạo Thánh Hiền, mà thiếu hụt kim ngân, thì dẫu chơi hết sức cũng đến ngày… đứt chến!
Mạnh Tử nghiêm mặt lại. Chắc nịch đáp rằng:
- Mỗi người ủng hộ cho thầy một con gà, một giạ lúa, thì có đi đến sang năm, cũng chẳng bao giờ đói cả!
Ngày nọ. Thầy trò Khổng Tử đi đến biên thùy của đất Quắc, mới dừng chân hạ trại. Nam phụ lão trừ… ấu của đất Quắc, mừng hơn bắt được vàng, bèn hè nhau ngã heo bò ra mà đãi. Rượu thịt no say, khiến Khổng Tử cảm thấy thảnh thơi trong cõi đời ô trọc. Lúc ấy, có Điền Phương là võ quan cai quản địa hạt đó, mới nhân lúc Khổng Tử vừa mới… khà xong. Kính cẩn hỏi rằng:
- Thầy hiểu nhiều biết rộng, xin phân giải dùm con. Làm vua. Dễ hay là khó?
Khổng Tử liền với tay ực cho một phát. Khẳng khái đáp:
- Làm vua một quốc gia, nếu gặp hạng bất nhân, thì không thể nào nói phải trái với họ được. Quốc gia suy yếu. Ngoại biến đến nơi, họ vẫn cho là yên. Thiên tai loạn lạc khắp nơi, họ không cho là hại. Thậm chí con đường diệt vong đang bày ra trước mắt, họ vẫn cứ vui chơi, mà chẳng nghĩ đến bá tánh đang tàn trong nước mắt. Còn gặp phải hạng người nhu nhược, thì trước là sợ ngoại bang. Sau o đám nịnh thần đang ngày đêm bâu xé. Còn như gặp phải người nhân hậu, biết nghĩ đến bàn dân lê thứ, thì… mệnh yểu mạng vong. Chẳng có ngon cơm gì hết cả!
Rồi yên lòng mà nhậu. Điền Phương thấy vậy, mới về lại chốn quan nha. Gọi thuộc quyền đến, mà nói rằng:
- Đất ta rừng vàng biển bạc, mà mấy năm liền không đủ thuế để nộp cho triều đình. Là cớ làm sao?
Thuộc quyền nhao nhao đáp:
- Nhân lực không đủ. Mần răng mà khai thác?
Lúc ấy, Điền Phương mới cười mĩm chi một phát. Hớn hở nói:
- Ta quan sát mấy ngày, thấy học trò của Khổng Phu Tử chẳng ma nào đeo nhẫn. Ắt còn sự… trinh nguyên. Sao không tính cho ngày sau sung túc?
Thuộc quyền sáng rỡ cả mặt mày. Khoan khoái đáp:
- Vậy ta phải làm sao?
Điền Phương liền dõi mắt vào cõi mông lung, như cố thấy một bình minh tươi sáng. Quyết liệt nói rằng:
- Hãy hạ lệnh cho tất cả con gái chưa chồng. Tập dịu ngọt khoan thai, thì dân số sẽ tăng liền trong năm tới!
Rồi một hôm, Khổng Tử đang uống rượu cần. Chợt có đứa trẻ ngồi ở lưng trâu tà tà qua trước ngõ. Mở miệng hát vang:
- Thương lang chi thủy thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh. Thương lang chi thủy trạc hề, khả dĩ trạc ngã túc. Còn thương lang chi thủy nửa trạc nửa thanh, thì… túc túc anh anh cái gì cũng đặng.
Khổng Tử bỗng biến đổi sắc mặt. Hớt hãi nói:
- Chân lý cuộc đời. Sao thằng này lại biết?
Rồi nghệch mặt ra mà suy nghĩ. Lúc ấy, có Mạnh tử đang hầu rượu gần bên, bất chợt thấy da mặt của thầy đang chuyển dần qua tái. Sợ hãi nói rằng:
- Lời của đứa trẻ chăn trâu. Hà cớ chi thầy phải ưu tư nhiều đến thế?
Khổng Tử như còn ở trong mơ, nên chẳng buồn đáp lại. Đã vậy còn thì thào tự nhủ lấy thân:
- Nước sông Thương lang nếu mà trong, thì ta dùng để giặt giải mũ. Nước sông Thương lang nếu mà đục, thì ta dùng để rửa chân. Còn nước sông Thương lang nửa đục nửa trong, thì giặt mũ rửa chân cái gì chơi cũng được…
Rồi miệng hít hà. Đầu gật năm ba cái, khiến Mạnh Tử chẳng hiểu đặng mô tê. Dọt miệng nói rằng:
- Chỉ một lời nói, mà khiến thầy phải dừng ngay… cơn nhậu. Là cớ làm sao?
Khổng Tử thở liền ra mấy cái. Thận trọng đáp:
- Nước trong người ta mới giặt giải mũ. Nước đục chỉ để rửa chân. Đều do nước tự mình mà làm ra cả.
Đoạn, ngừng một chút để tâm hồn lắng xuống, mới từ từ nói tiếp:
- Còn nước nửa đục nửa trong, thì ai làm gì cũng được. Ta nghĩ. Chân lý cuộc đời nó nằm ngay đó. Ở chỗ đục trộn trong. Chớ không thể tách đục trong ra hai phần khác đặng…
Tử Tiện vừa bưng dĩa mồi vô. Nghe vậy, buột miệng nói:
- Thầy có thể giải thích phần nào cho rõ thấu được chăng?
Khổng Tử sửa tướng lại. Một tay gắp mồi. Tay cụng ly. Thong thả đáp:
- Việc thiên hạ yêu thương ghen ghét. Xét cho cùng, đều do tự mình mà ra cả. Người ta tất tự khinh mình trước, rồi người ngoài mới khinh sau. Mình tự hủy nhà mình trước, rồi người ngoài mới hủy sau. Thế nhưng khi họa đã xảy ra, thì trước là đổ cho trời. Sau quy tội cho người. Chớ không tỉnh trí để hiểu được - mọi tai họa gây ra đều do ở mình hết cả - Có thân không biết tu. Có nhà không biết ở. Có vợ không biết… hầu, thì lúc mọi chuyện tanh banh. Tưởng có… đậu hủ quanh năm cũng chẳng ăn nhằm gì hết vậy!
Tối ấy, Khổng Tử không tài nào ngủ được, bèn loanh quanh ngoài vườn. Chợt thấy Tử Tiện đang ngồi bên gốc táo, liền dịu giọng hỏi han:
- Con sương sương từ chiều tới giờ, mà lại ra đây ngồi im trong bóng tối, là cớ làm sao?
Tử Tiện bùi ngùi đáp:
- Trái ngon nhờ cây, Cây tốt nhờ đất. Đất tốt nhờ mưa thuận gió hòa. Có phải vậy chăng?
Khổng Tử gật gù đáp:
- Đúng!
Tử Tiện lại nói:
- Một đứa trẻ chăn trâu, mà biết nói lời nghĩa khí, làm động đến lòng thầy, thì phải liệt vào hàng quý hiếm. Có phải vậy chăng?
Khổng Tử xúc động, đáp:
- Đúng! Ta nay da mồi tóc bạc, nhưng để lời một đứa trẻ đụng đặng trái tim, thì xưa nay chưa từng xảy ra vậy!
Tử Tiện lại nói:
- Đành rằng nhân chi sơ tính bản thiện, nhưng nếu cha mẹ không nuôi dưỡng cái Thiện ấy. Phỏng con mình có hiểu đặng vậy chăng?
Khổng Tử bỗng nghe lòng dâng lên một niềm nôn nao khó tả, bèn kéo vạt áo, lôi ra một xị nếp than. Tha thiết nói:
- Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Ta chỉ có bấy nhiêu, thì cũng cứ… cưa hai cho tới bờ tới bến.
Tử Tiện gật đầu vâng dạ. Được đâu vài tuần, lại rộn ràng nói tiếp:
- Con gái đất Quắc đối với con còn biết dạy như vầy. Huống hồ với chồng. Sao dại dột bỏ đi?
Khổng Tử buồn buồn đáp:
- Số tám đối với đàn ông không tốt. Ta đã bảy bà. Lẽ nào dzớt nữa mà coi đặng hay sao?
Tử Tiện lắc đầu nói:
- Bỏ bớt thành kiến, thì chuyện khó thành dễ. Chuyện dễ thành… trơn. Chuyện chẳng có chi cũng biến thành ấm mặn. Sao thầy lại chấp nhất với lời đàm tiếu - mà bỏ phí tuổi xuân - thì ở mai sau muốn dzô cũng không còn dzô đặng. Chẳng tiếc lắm ư?