Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mình

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 542 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mình
Mộng Thu

Mở quyển sách dán hình, hai tờ bìa dính vào nhau, bà cụ Tần đưa ngón tay trỏ lên miệng thấm nước miếng để cho dễ gỡ rời ra, mầu giấy của những tấm ảnh đã ngả vàng ố, có cái lem-nhem, loang lổ, thế mà đối với bà cụ Tần vẫn quý giá vô cùng, tâm hồn già hay ôn cố tri tân. Ngày bỏ nước ra đi, cốt chạy người bỏ của, chỉ mang theo những thứ cần thiết, nhẹ, gọn, còn đầu óc tâm trạng nào nghĩ tới kỷ niệm kỷ niếcnữa, sở dĩ ngày nay có được ấy là nhờ mấy đứa cháu của bà cụ Tần tản cư theo lối đoàn tụ gia đình, có lòng tốt nhặt nhạnh ba mớ đem sang giùm. Bà cụ Tần thở dài, bẩy mươi lăm tuổi, lênh đênh trôi-giạt ba miền, hai mươi năm, Hà-Nội, ngàn năm văn vật, xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa rõ rệt, ba mươi năm, Sài-gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông, mùa mưa, mùa nắng, hai mươi lăm năm xứ người, lạnh nhiều, ấm ít. Ôi, ngoảnh đi ngoảnh lại, thời gian qua nhanh như gió thoảng, mấy chục năm bay lẹ như chớp, thân thể con người cũng trải qua bao nhiêu giai đoạn, biến đổi theo thời gian, lọt lòng mẹ, cất tiếng khóc chào đời, số phận, định mệnh đã định sẵn, và phải gánh chịu định luật của trời đất, bốn ải, sinh, lão, bệnh, tử, lần lượt ai nấy đều cũng bước quạ Hàng ngày, bà cụ Tần vẫn van vái Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, độ cho sang thẳng cửa cuối cùng không vướng vào cửa thứ ba, tâm nguyện duy nhất mà bà cụ Tần cầu xin. Từng tuổi này được bao lâu nữa, quãng đời còn lại, khỏe mạnh là may mắn, lúc nhắm mắt, xuôi tay, êm ả, nhẹ nhàng, nhanh chóng, chẳng bị cơn bệnh hành hạ khổ sở ấy là phúc đức. Trông bao nhiêu tấm gương trước mắt, thân xác, hình hài thẳng đơ, bất động, dây nhợ chằng-chịt, hô hấp hoàn toàn nhờ máy móc, nông nỗi đoạn trường này, não nề, thảm thiết xiết bao, phần xác bất động, phần hồn hôn mê, nào còn biết gì nữa đâu, giải thoát sớm hay muộn tùy vào gia đình quyết định, nếu đồng ý chấp thuận, bác sĩ đưa tay, tháo, gỡ ống dưỡng khí... Khổ nỗi, vì tình thương, con cái lại không nỡ, bỏ hay giữ, tranh luận, phân vân, do dự, trù trừ... Hỡi ôi, biết nói sao đây, kiếp trước, vụng hay khéo tu!
Bà cụ Tần bàn:
- Này ông cụ, nhìn người mà ngẫm đến thân, nếu giả thử, sau này, nói dại, phỉ phui, hai ta chẳng may lâm vào tình trạng “ngủ như chết”, nên lo tính toán từ bây giờ, dặn tụi nó cứ cho đi ngay lập tức ông nhỉ.
Ông cụ Tần lắc đầu:
- Không đơn giản như bà nghĩ đâu, trên giấy trắng mực đen đấy.
Cho là chồng nói vậy để hù, bà cụ Tần hỏi vặn:
- Sao ông biết?
- Thì cô con gái bác Tống là đốc tờ giải thích cho nghe mà.
Bà cụ Tần chép miệng:
- Xin chết mà cũng lằng nhằng rắc-rối thế ư!
- Bà muốn du địa phủ cách nào, sống hay chín, nói nghe chơi.
Bà cụ Tần mở to mắt tỏ vẻ lạ lùng:
- Sống là sao, chín là thế nào, không hiểu?
- ”Sống”, là nguyên vẹn hình hài đem chôn xuống đất, “ chín”, thì đầu mình tứ chi đẩy vào cái lò lửa nóng cực độ ngay cả gang thép cũng chẩy ra, vài giờ sau xương thịt chỉ còn đống tro tàn, nói nôm na là “thiêu” đó.
- Sinh ra đời sao vào lòng đất vậy, cát bụi trở về cát bụi, tan rã từ từ coi bộ dễ chịu hơn, còn ông.
Ông cụ Tần cười hà hà:
- Giống như bà.
Bà cụ Tần hứ:
- Ba phải.
- Tôi hứa theo bà ngàn kiếp mà.
- Đùa dai hoài.
- Đời còn mấy nả, không nói cũng phí, không ăn cũng dại, không chơi cũng hoài, bà thấy rồi đó, lê tấm thân từ Bắc chí Nam, đã tưởng yên nào ngờ lại phải đổi chỗ nữa.
- Nơi đây là chốn chót ông nhỉ.
- Nếu bà chê thì còn chỗ khác để lựa chọn mà.
Bà cụ Tần hỏi:
- Thật à, ở đâu vậy ông?
Nheo mắt nhìn vợ, ông cụ Tần chỉ tay lên Trời:
- Trên ấy, mặt trăng còn thiếu gì.
Biết bị chồng trêu, bà cụ Tần lườm, không thèm đáp lời.
***
Ném mạnh nắm ruột bánh mì vụn ra bãi cỏ, đang chờ sẵn, đám chim sẻ đậu trên cành cây, lao vụt xuống, tranh nhau chí-chóe, đảo cánh một vòng, bay lên, mỏ con nào cũng đều có ngậm mồi, liệng thêm vài lần nữa, trong tay ông cụ Tần hết nhẵn, thấy vài con tới sau đang cố bới để tìm, ông cụ Tần thương hại, lấy mấy miếng bánh bisquits, vì có thói quen ăn vặt nên lúc nào cụ cũng thủ sẵn trong túi, bẻ từng mẫu nhỏ rồi tung ra, tụi nó mừng rỡ, chộp vội chộp vàng, sợ bị cướp mất, một tích tắc bay đi hết, thấy hai ba con vẫn còn đậu lại, ông cụ Tần la:
- Cha bây, cái giống tham lam, cả phần ăn của ta đem ra hết rồi, đi đi, ngày mai, ngày mai nhé, cố đến sớm hơn hôm nay.
Lạ chưa, làm như chúng nghe hiểu nên đồng loạt cất cánh lao vút lên không. Nhìn theo, ông cụ Tần lẩm bẩm:
- Tụi mi sướng thật, tung tăng lượn lờ khắp muôn phương, không như ta đây, xêđịch chả bao xa, chậm chạp hơn con rùa, gân cốt lỏng lẻo, lung lay.
Có vật gì mềm mại cọ cọ mé sau lưng, ông cụ Tần ngoảnh lại nhìn, thì ra một chú chó, xinh xinh, thè lưỡi liếm liếm tay cụ làm quen, thấy nó hiền hòa, ông cụ Tần ôm lên, lông trắng, mượt, con này là chó kiểng, có chủ đây, đắt lắm, cỡ này chắc phải vài trăm, ở ngoại quốc, súc vật sung sướng đủ mọi thứ, có hội bảo vệ, tơ lơ mơ đụng tới là có chầu nguy to, thức ăn còn có nhiều hãng xưởng sản xuất nào có khác chi người, quảng cáo rùm trời rùm đất vì cạnh tranh nhau, mỗi năm chi phí săn sóc cả ngàn đồng bạc, tiền cắt chải, móng, lông, tiền trả bác sỹ thú y khi nhức đầu, sổ mũi... v... v... thậm chí còn được làm đỏm, làm dáng, cột nơ, mặc áo, đặt ngồi trong xe đẩy của con nít mang đi dạo chơi nữa, đúng là xứ dư tiền, dư của, chả bù cho mực, vện, vàng, chuyên ăn cơm thừa canh cặn, hở ra là bị mấy bợm nhậu đẩy vào nồi nấu giả cầy như chơi, bảo vệ kiểu này coi bộ kỹ càng hết đường nhẩy đi đâu. Loài nào, giống nấy, có hiền có dữ, con này bộ dạng lành như cục đất, từ nẫy nằm im trong lòng ông cụ Tần không sủa một tiếng.
- Ở đâu ra con chó nhỏ xíu thế, bà cụ Tần đi tới miệng hỏi tay khoác tấm áo choàng lên người chồng, sáng sớm hãy còn lạnh mặc thêm cho ấm, thấy vắng bóng ở nhà, tôi biết ngay ông đang ở công viên với lũ “thần dân” của ông.
Được vợ săn sóc ông cụ Tần cảm động, nhích người sang bên bảo:
- Ngồi chơi một chút đi bà, chẳng biết chú ta từ chỗ nào ra, làm như quen thân lâu đời với tôi lắm, cứ xán lại thấy mà thương, ẵm bế chịu liền, chả bù cái con chó khỉ ngày xưa, như chằn tinh ấy, bà còn nhớ không?
Đưa tay vuốt nhẹ lông con vật, bà cụ Tần cười:
- Nghe giọng ông vẫn còn vẻ tức giận chuyện xưa lắm nhỉ, bây giờ già khú đế còn nhắc nữa, nhớ, tôi nhớ chứ, con khuyển nó, đã xấu mã, lại quê mùa, giống như tôi đấy mà ông.
Ông cụ Tần phản đối:
- Bà nói đấy nhé, tôi có giận hờn gì con cẩu ấy đâu, có Trời Phật làm chứng, lúc nào trong tâm tôi cũng nhớ ơn, bề gì cũng nhờ nó tôi mới quen được bà mà, đừng gán cho tôi cái tội vong ân bội nghĩa chứ, bà mà xấu thì còn ai đẹp trên cõi đời này nữa.
Được chồng vuốt ve bà cụ Tần mềm lòng:
- Đùa chút chơi nào có vu oan giá họa gì ông, nhờ thế tôi mới thấy được vẻ anh hùng, sự hy sinh, tấm lòng tốt của ông, khiến tôi cảm phục vô cùng.
Ông cụ Tần nhũn nhặn:
- Ở vào trường hợp đó ai chẳng phải hành động như tôi, sự việc xẩy ngay trước mắt, thấy trẻ nhỏ vừa chạy vừa khóc, nỡ lòng nào để nó bị thương chứ.
- Thà là bị chó cắn để bảo vệ đứa bé, không dũng cảm thì gọi là gì đây, vết sẹo ở bắp đùi còn rành rành kia kìa.
- Thì đã được bà săn sóc, băng bó vết thương, nói thật lúc ấy tôi sướng tê người, nước rửa xót chết khiếp cũng không tý ty cảm giác, vì còn mải lo ngắm khuôn mặt, làn da mịn màng, kề cận sát bên.
- Chẳng qua vì muốn đền bù, chuộc lỗi vì người nhà lỡ để chó xổng chuồng, vì nhỡ con nít có mệnh hệ gì không những tội cho nó mà lương tâm còn bị ray rứt, dầy vò, bởi thế cám ơn ông là đúng lắm.
- Cái quần bà vá, ngay sau bữa trở về tỉnh tôi đã giặt sạch sẽ và gấp cất đi, lâu lâu lại lôi ra rờ rờ đường kim mũi chỉ, nghĩ tới người khâu, nhớ lời nói “chết chửa ống quần của anh bị rách toạc một đường dài, để “mình” mạng lại cho”. Trời ơi, thương người thương cả tiếng “mình” ai xưng.
Bà cụ Tần bật phì cười, ông cụ Tần ngơ ngác:
- Bà đang nghĩ gì mà vui thế?
- Tôi nhớ lời thằng cháu cũng xưng hô với tôi như thế, ông để ý không?
- Có chứ, tại tôi thích nên cứ kệ cu cậu chả sửa, ông cụ Tần chợt mơ màng, mỗi lần nghe hắn nói chữ ấy khiến tôi bồi hồi nghĩ lại... đã mấy chục năm trôi qua tôi vẫn chả quên được.
Bà cụ Tần thắc mắc:
- Chuyện gì làm ông nhớ dai thế hử, lưu luyến, tiếc nuối, chém chết cũng không ngoài chữ tình, giữa đường đứt đường tơ, người yêu bỏ đi lấy chồng, ôm mối sầu tương tư, phải thế không ông cụ?
- Chưa gì đã gay gắt, móc mỏ, bà đoán sai rồi, sầu tương tư còn lâu, hạnh phúc tràn trề thì có, có câu, “mình” với ta tuy hai mà một.
Bà cụ Tần tiếp:
-Ta với mình tuy một mà hai.
Ông cụ Tần xua tay phản đối:
- Chỉ kể câu thứ nhất thôi, câu thứ hai vô duyên lắm, không thèm, kết hợp chả tốt sao, tôi chúa ghét chia lìa.
- Đương nhiên ai nào muốn nhưng việc đời khó dự liệu, bây giờ bật mí “bí mật” được chưa.
Nhắc lại thời niên thiếu, tâm hồn ông cụ Tần như thấy trẻ lại, nổi tính tinh nghịch, giọng nhuốm chút bỡn cợt, ỡm ờ:
- Vậy “anh”...
- Hả, ông vừa nói gì, tôi nghe không rõ, bà cụ Tần ngắt ngang.
Ông cụ Tần vẫn tỉnh bơ:
- ”Anh”...
Bà cụ Tần đưa hai tay bịt tai rên rỉ:
- Eo ôi, ngưng ngay lập tức, khiếp đảm quá, tôi phát ớn lạnh lên rồi đây.
Thấy vợ la làng, ông cụ Tần chê:
- Cổ hủ, câu nệ, cố chấp, tình yêu không phân biệt tuổi tác, quan niệm lạc hậu của bà cần phải sửa đổi mới theo kịp trào lưu tiến hóa bây giờ.
Bà cụ Tần bĩu môi:
- Bầy đặt, tóc bạc trắng xóa còn giở trò khỉ, tình với chả tọt, chướng tai gai mắt, không biết ngượng, rõ già không nên nết.
Bị vợ mắng, thâm tâm ông cụ Tần thấy có lý, xửa xưa cũng dùng ngôn ngữ ấy, thốt ra dễ dàng, đi một đường ngọt xớt, trơn tru, dẻo quẹo, mặc sức giương đông, kích tây, tán hưu, tán vượn, giờ đây, cái lưỡi cứng ngắc, uốn éo khó khăn, thấy ngượng ngùng, chẳng thuận tai, hóa ra, ngay cả cách gọi nhau giữa hai vợ chồng lớn tuổi cũng phải thay đổi cho hợp thời, hợp lứa, buồn thay.
Ông cụ Tần phục thiện:
- Công nhận bà chỉnh đúng lắm, thôi tôi trả lời câu bà hỏi nhé, chả là thế này sau khi rời nhà bà, tôi đến nhà anh Tam, bạn tôi, tôi vẫn vương vấn hình ảnh cô thôn nữ, má thắm, môi hồng, đầu chiết khăn mỏ quạ tím đậm, áo tứ thân mầu nâu tươi, giải thắt lưng hồng phơn phớt, duyên dáng, mặn mà, sau khi nghe tôi tả hình dáng, anh ta biết liền.
- À, con gái cụ Chánh Tổng, giầu nhất làng đấy, Tần, cậu thật diễm phúc, biết bao trai tráng ước mong cô ta để mắt xanh tới mà vẫn cảnh dã-tràng xe cát bể đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì, số cậu may mắn, cố gắng lên.
Tôi bình phẩm:
- Lạ lắm, cô ta không giống gái đồng quê, ngoài cách ăn mặc, còn cung cách, cử chỉ, ăn nói rõ ràng người thành thị.
Anh Tam gật đầu:
- Cậu nhận xét tinh tế lắm, tỉnh quê, quê tỉnh, ở đâu theo thời trang đấy, đừng coi thường, nổi tiếng văn hay, chữ tốt đấy, trái cầu kén chồng còn treo cao chưa ném.
Tôi dọ dẫm để dò ý anh ấy:
- Trai anh hùng, gái thuyền quyên, thiên, thời, địa, lợi, cậu đều hội đủ, tại sao bỏ lỡ cơ hội thế hả?
Anh Tam giẫy-nẩy:
- Biết người biết ta, trăm trận đánh trăm trận thắng, không phải đối tượng người ta kén tội gì làm con thiêu thân chứ, nếu có bộ vó như cậu thì tôi đã nhào vô lâu rồi đâu cần chờ cậu giục.
- Chưa tiến đã lùi, chưa đánh đã thủ bại, tôi không phục cái sự nhụt chí khí của cậu chút nào, tôi hùng hồn phân tích, mà nè, có thật cô “Mình” chưa có ý trung nhân?
Tức thì anh Tam trợn mắt ngó tôi:
- Cậu vừa gọi tên gì?
Thấy thái độ kỳ lạ của Tam, tôi giải thích:
- ”Mình”, chính cô ta xưng như vậy mà, chả nhẽ nhầm.
Thế là Tam phá lên cười đến phát ho, phát hen, mãi mới ngừng:
- Ngốc tử, đóa hoa sen trắng, Bạch Liên, mình mình, tớ tớ quái gì.
Tôi thở dài:
- Cơ khổ, thế mà cô ta chả cải chính, bé cái nhầm. “Mình” hay hay, ý nghĩa, thây kệ, trong thâm tâm tôi, cô ta vẫn mang tên ấy.
- Cảm rồi phải không, tiến tới đi, Tam hối tôi, cần tôi giới thiệu không?
Bà biết tôi trả lời sao không:
- Muốn vợ mà phải nhờ mai mối thì yếu quá, tôi với “Mình” có duyên mà, thế nào cũng nên đôi lứa.
Nghe chồng kể xong, bà cụ Tần dài giọng:
- Ối chao, được rồi tha hồ ba hoa chích-chòe.
Ông cụ Tần chống tay vào thành ghế làm điểm tựa để đứng lên.
- Cầm lấy, có cái chân thứ ba cũng quên, rõ đoảng, ấn cây ba-toong vào tay chồng, bà cụ Tần cằn nhằn, lúc nào cũng ỷ y, thị cường, đi đâu cũng thích đơn phương độc mã, chả chờ hay nói với tôi một câu, nương dựa vào nhau vẫn hơn, cẩn thận giùm chút coi, ngã một cái là khốn đấy, bước đi lảo đảo không vững cũng còn sướng hơn nằm một chỗ ông ơi!
Ông cụ Tần hất tay ra vẻ bất cần:
- Biết rồi, thì có bao giờ tôi sơ ý đâu, nếu chẳng may năm xung, tháng hạn, cũng đành bó tay chịu, trời kêu ai nấy dạ, à, tối nay có món gì hấp dẫn không hở bà?
- Có gì cũng dốc tuốt cho lũ chim, bụng cồn cào rồi phải không, thế ông muốn xơi gì để tôi làm nào, rau muống xào tỏi, đậu hũ rán vàng chấm tương cự đà nhé, ăn vậy cho nhẹ bụng, dễ tiêu, đã tưởng, nước mất, nhà tan, cửa nát, thì hương vị quê hương, chả bao giờ còn được thưởng thức, thật không dè, vẫn đầy đủ những thứ quốc hồn quốc túy, hứng chí, bà cụ Tần ngâm nga:
mắm tôm, mắm tép, tương chao,
kiệu chua, cà muối, dưa hành, giòn tan.
cải xanh, cải cúc, cải làn
tía tô, húng quế, răm mùi thiếu chi
nào na, nào vải, nào xoài,
sầu riêng, măng cụt, ngậy mùi thơm tho.
Ông cụ Tần vỗ tay:
- Hay, hay, thường thì thi sĩ ca tụng tình yêu, than mưa khóc gió, còn bà vợ tôi, rất thực tế, tả toàn về các loại thức ăn, ý nghĩa, ý nghĩa, giỏi lắm.
Được chồng tâng bốc, bà cụ Tần khéo léo tế nhị:
- Học lóm của ông, lõm bõm vài câu, chả vần, chả điệu, cho vui, một nhà thơ lão thành nổi tiếng như ông, tôi đúng là con đom đóm, lập lòe trước bó đuốc, đánh trống qua cửa nhà sấm, ông đã không cười lại khen làm tôi phát ngượng, hiếm người chịu khó như ông, tận tụy đến trường dậy tiếng Việt cho bọn trẻ, ông mới là người có tinh thần cao, tôi rất ngưỡng mộ Ông.
Ông cụ Tần tự hào:
- Chứ sao, mất xứ-sở, đâu thể để mất gốc, quên giống nòi chứ, các cháu tôi không những nói sõi mà ngay cả bài hát dài chúng cũng thuộc lòng như cháo, không sót câu nào mới thần tình.
Thấy chồng cao hứng, bà cụ Tần nghĩ thầm, tính nào tật nấy, được nịnh cười híp cả mắt, nói nào ngay, chả trách ông cụ, trăm vạn người đều như nhau, ai cũng ưa ngọt có kẻ nào dại đi thích đắng bao giờ, ngay chính bản thân ta đây cũng không ngoại lệ, thí dụ điển hình, lời nói lúc nãy của ông cụ, biết là không thật, vẫn thấy vừa lòng hơn là nghe chê, có điều phải công nhận, bao năm chung sống là một người chồng hoàn toàn, trọn tình, trọn nghĩa, đầy đủ bổn phận với gia đình, được người bạn đời như thế còn đòi hỏi gì nữa, tự nhiên tâm thần bà cụ Tần xúc động, cảm giác lâng lâng trong niềm hạnh phúc, âu yếm khoác tay chồng, ghé sát bên tai, thì thào:
-Về “anh”, để “mình” còn thổi cơm kẻo trễ.

Hết



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 693

Return to top