Đông Á được định nghĩa là các quốc gia ở khu vực bờ biển phía Tây Thái Bình Dương và những đảo quốc bao gồm Hàn Quốc, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Philippines, Indonesia. Người châu Âu còn gọi là Viễn Đông (The Far East) vì thời kỳ đó họ phải đi vòng qua châu Phi, vượt qua Ấn Độ Dương mới tới được vùng đất này.
Vào giữa thế kỷ 19, khi các nước châu Âu xâm chiếm khu vực Á Đông, các quốc gia ở khu vực này có hai khuynh hướng chính:
- Khuynh hướng bảo thủ, đóng cửa lấy chủ trương “bế quan tỏa cảng” và nhắm mắt làm ngơ trước hiện tình thế giới. Những quốc gia đại diện cho đường lối này có thể kể đến Trung Hoa và Việt Nam.
- Khuynh hướng canh tân và mở cửa giao thiệp với nước ngoài, một mặt học hỏi những điều mới lạ, thay đổi cơ chế học thuật, thi cử, du nhập những cái hay của người. Đại diện cho chiều hướng này phải kể đến Nhật Bản, Thái Lan.
1/ Trung HoaTrung Hoa là quốc gia có một nền văn minh sớm sủa, tiến trước các quốc gia châu Âu đến mấy trăm năm. Ngay từ thế kỷ 11, họ đã chế tạo được máy in và sách vở đã tương đối khá phổ biến. Thương mại và kỹ nghệ cũng phát triển với nhiều công trình đồ sộ về giao thông bao gồm cả đường sá và thủy đạo. Nhiều thành phố lớn được xây dựng một cách qui mô, to lớn và văn minh hơn các thành phố châu Âu cùng thời. Tiền giấy được phát minh do nhu cầu buôn bán và riêng kỹ nghệ sắt, họ đã đạt được mức 125.000 tấn một năm để dùng trong quân sự với một đội quân lên đến trên 1.000.000 người. Họ đã tìm ra và biết sử dụng thuốc súng để chế tạo súng thần công vào cuối thế kỷ 14.
Năm 1420, Minh triều đã có một hải đội hùng hậu lên đến 1350 chiến thuyền, trong đó có 400 chiến hạm kiên cố và 250 hải thuyền được đặc biệt dùng cho viễn hành. Tuy nhiên kể từ năm 1433, sau những chuyến viễn du của thái giám Trịnh Hòa, triều đình nhà Minh không những ngưng việc phát triển hải quân mà còn cấm không cho chế tạo những chiếc tàu nào lớn hơn 2 cột buồm và quan quân được điều qua những thuyền nhỏ hơn dùng để đi lại và tuần tiễu trong các kinh đào.[11]
Cho tới thế kỷ 16, kỹ thuật đóng tàu của châu Á vẫn có nhiều điểm vượt trội so với thuyền bè của châu Âu. Tàu phương bắc có thể có đến 5 cột buồm, hai chính, ba phụ trong khi tàu sử dụng ở ngoài khơi nước ta thường là ba buồm, 1 chính hai phụ. Tàu của Nhật và tàu phương bắc thường có buồm hình vuông trong khi ở phương nam thì buồm thường theo hình quạt. Tuy nhiên, trong hàng nghìn năm tàu bè ở châu Á không cải tiến gì, ngược lại nhờ biết áp dụng kiến thức khoa học và kỹ thuật mới, thuyền của châu Âu có những bước tiến vượt bực hồi thế kỷ 18 và đến đầu thế kỷ 19 đã hơn hẳn thuyền bè của Trung Hoa.
Từ khoảng giữa thế kỷ 19, vì sự suy yếu của triều đình Mãn Thanh nhiều cuộc nổi dậy đã lan tràn khắp nước, nhất là miền Nam Trung Hoa. Đáng kể nhất có thể kể các cuộc nổi dậy của Thiên Địa Hội, loạn Thái Bình Thiên Quốc, giặc Niệm và người Hồi ở Tân Cương.
a/ Chiến tranh nha phiếnNgười phương Tây buôn bán nha phiến ở Đông Á từ thế kỷ 16 nhưng tới thế kỷ 19 thì lên đến một con số khổng lồ. Năm 1838, người Tàu nhập cảng đến 34.776 thùng (mỗi thùng 20 kg) và Thanh triều quyết định cấm việc buôn bán thuốc phiện. Năm1839, khi Lâm Tắc Từ được cử làm Khâm Sai đại thần đến Quảng Đông, ông ta liền ra lệnh tịch thu thuốc phiện của các thương nhân người Anh rồi trộn với muối, vôi bột đem đổ xuống sông. Số hàng đó lên đến 20.000 thùng trị giá khoảng 6.000.000 Mỹ kim.
Người Anh tức giận đem quân tấn công Quảng Đông và đánh vào một số căn cứ phòng thủ dọc theo duyên hải khiến cho Thanh đình phải bãi chức Lâm Tắc Từ. Kỳ Thiện lên thay vội vàng điều đình đưa đến một tạm ước. Tuy nhiên hai bên đều không đồng ý và quân Anh lại tiến đánh Ninh Ba khiến cho Thanh triều phải ký hòa ước Nam Kinh (Treaty of Nanking) ngày 29 tháng 8 năm 1842 mở năm cửa ải là Quảng Đông, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba và Thượng Hải cho người ngoại quốc vào buôn bán. Ngoài ra còn phải nhường Hongkong cho người Anh và bồi thường 21.000.000 Mỹ kim bao gồm 6.000.000 Mỹ kim tiền thuốc phiện, 3.000.000 Mỹ kim tiền nợ của các thương gia Trung Hoa và 12.000.000 Mỹ kim chiến phí.[12]
Nhà Thanh đặt ra chức Tổng Lý Nha Môn để trông coi việc giao thiệp với nước ngoài và nhiều quốc gia được quyền thiết lập lãnh sự quán ở Bắc kinh. Hòa ước Nam Kinh mở đầu cho một loạt các hòa ước bất bình đẳng khác.
b/ Quân sựNhà Thanh chia quân của họ thành ba loại: Mãn Châu, Mông Cổ và Hán Tộc, mỗi loại chia ra tám nhóm với màu cờ khác nhau gọi là Bát Kỳ.
Mãn Châu Bát Kỳ là quân lực quan trọng nhất, tất cả là người Mãn Châu, được thế tập cha truyền con nối.
Mông Cổ Bát Kỳ là những đội quân ngoài sa mạc là thành phần bị người Mãn Châu chinh phục trước khi chiếm được Trung Hoa. Họ cũng là những đội quân được ưu đãi.
Chỉ có Hán Tộc Bát Kỳ là những đơn vị người Hán bao gồm nhiều thành phần khác nhau, không có tính thế tập và phức tạp hơn cả. Vì lương bổng ít ỏi, số lính ma có khi đến quá nửa, lại không được tập luyện nên khả năng chiến đấu rất kém. Vũ khí của họ cũng cổ lỗ, vẫn còn dùng gươm giáo, cung tên, đao kiếm và rất ít súng đạn. Một trong những nhận xét của các tác giả ngoại quốc là tuy người Tàu có vũ khí họ cũng không biết cách sử dụng cho hiệu quả. Điển hình là khi quân Thanh vào đánh Trung Nguyên, về phương diện trang bị, quân Minh tuy có nhiều súng ống hơn nhưng lại thất bại vì thiếu tập luyện và tinh thần cũng kém hơn.[13] Quân nhà Thanh cũng ở vào tình trạng đó ở thế kỷ 19. Chỉ có sau khi F.T. Ward và C. G. Gordon đem quân vào giúp nhà Thanh đánh với quân Thái Bình Thiên Quốc (được gọi là Vạn Thắng Quân) hồi thập niên 1860, súng trường mới được trang bị cho Hoài quân của Lý Hồng Chương.
Thủy binh của họ thì vẫn dùng các loại thuyền chèo bằng tay hay các loại thuyền buồm cũ kỹ. Các pháo đài dọc theo bờ bể cũng không sử dụng được vì thiếu tu bổ, binh lính trú phòng thiếu huấn luyện. Năm 1870, Trung Hoa mướn Đại Tá Luxmore, một sĩ quan hải quân Anh, chỉ huy chiến hạm lớn nhất có tên Dương Vụ. Viên quan nhà Thanh cao cấp nhất trên chiến hạm đó là một Đề Đốc. Đại Tá Luxmore mô tả ông ta như sau :
Tôi không biết ông Đề Đốc làm gì trên chiến thuyền này vì ít khi thấy ông ta ở trên tàu. Mỗi khi ông đến ông thường đóng cửa chặt trong phòng riêng, trong đó có tượng Mã Tổ mà người ta tin rằng độ trì cho thuyền trên biển. Ông lão ở trong phòng chẳng làm gì ngoài việc tụng kinh và nhập định... Chẳng hiểu sao viên tướng già này lại được giao chức vụ này vì ông ta chẳng biết gì về máy hơi nước hay Anh ngữ là ngôn ngữ chỉ huy duy nhất dùng trên chiến hạm.
Theo tác giả cuốn Hải Trình Lupwing (The Navigation of Lupwing), vấn đề của lực lượng Trung Hoa là thiếu kỷ luật, thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo và thiếu đạo đức. Ông viết :
Ai ai cũng biết rằng một quân đội chỉ có nhân sự mà không có kỷ luật và tổ chức thì không những vô dụng mà còn có hại nữa. Hơn nữa, ngay cả hạm đội hay quân đội có năng lực nhất cũng sẽ bị đánh bại nếu người chỉ huy không có khả năng, hiểu biết và khôn ngoan. Nói về lực lượng vĩ đại của quân đội Trung Hoa, người ta thấy rằng các cấp chỉ huy thiếu khả năng lãnh đạo nặng nề.
Lời phê bình sau cùng của ông ta như sau :
Đánh giá theo tiêu chuẩn phương Tây, quân đội Trung Hoa hình thức khá hơn thực chất. Tổ chức, nếu chữ đó có thể để mô tả hệ thống của người Tàu thì quả thực là một trò cười. Quân lực Trung Hoa chỉ giản dị là một đám người ô hợp có trang bị nhưng không có kỷ luật gì cả.[14]
c/ Canh tân quân độiSự thất bại của Trung Hoa trong những cuộc chiến tranh với nước ngoài đã làm cho sĩ phu thức tỉnh. Cũng như nhiều quốc gia Á Đông thời kỳ đó, nhiều nho sĩ Trung Hoa đã yêu cầu Thanh đình cải cách về quân sự, chính trị cũng như xã hội.
Hai người đi đầu trong việc hoạch định một chính sách mới là Ngụy Nguyên và Phùng Quế Phương. Ngụy Nguyên đưa ra những biện pháp nhan đề Trù Hải Thiên (Kế Hoạch Phòng Thủ Duyên Hải) năm 1842 đại lược như sau:
- Cải cách quân đội bằng cách học hỏi cách chế tạo vũ khí, đóng tàu của người phương Tây. Ngoài ra phải đãi ngộ xứng đáng, trả lương hậu hĩ để có được những binh sĩ ưu tú
- Tập trung phòng thủ trên đất liền và dụ địch vào trong các thủy đạo để tiêu diệt tại một khu vực đã sắp xếp trước
- Liên minh với nhiều nước để họ kiềm chế lẫn nhau và mượn tay kẻ thù này tiêu diệt kẻ thù kia
- Mở cửa cho người ngoại quốc vào buôn bán
Phùng Quế Phương đi sâu hơn vào những cải cách chính trị và xã hội trong đó ông nhấn mạnh:
- Học hỏi và tự chế tạo những vũ khí cần thiết, thúc đẩy người học về kỹ thuật để thoát ra khỏi những đe dọa của nước ngoài.
- Cải cách giáo dục để đào tạo nhân tài bao gồm nhiều lãnh vực kỹ thuật và khoa học khác đồng thời biến cải kỹ nghệ quốc phòng
- Cải cách cách huấn luyện binh sĩ, đào tạo những lực lượng nhỏ nhưng tinh nhuệ hơn là duy trì một đội quân khổng lồ nhưng kém cỏi
- Áp dụng lý thuyết Thể Dụng, duy trì tinh thần Khổng Mạnh nhưng áp dụng kỹ thuật mới.
Những quan điểm mới đó sau này được phát động để trở thành một phong trào dưới cái tên Dương Vụ Vận Động. Tuy nhiên những vận động có tính chất “lửa rơm” đó không đi đến đâu vì chỉ do nhiệt huyết sĩ phu mà không phải là những chương trình được nghiên cứu chu đáo và áp dụng một cách qui củ. Những cải cách quân sự vẫn chỉ hời hợt bề ngoài nên không thành công.
Về sau, để đôái phó với những tổ chức nổi dậy, nhiều đơn vị quân sự địa phương được thành lập và ít nhiều mang lại những sinh khí mới như Tương Quân của Tăng Quốc Phiên, gia tăng lưu động tính, nhấn mạnh vào đức tính của quân sĩ, Hoài Quân của Lý Hồng Chương, sử dụng vũ khí phương Tây, Sở Quân của Tả Tông Đường nhấn mạnh vào vai trò hệ thống tiếp liệu.
Tuy nhiên những cải cách đó vẫn chỉ giới hạn và không bao giờ thành công hoàn toàn cho tới khi nhà Thanh bị lật đổ năm 1911.
2/ Việt Nama/ Tình hình chính trị và xã hộiCho tới giữa thế kỷ 19, nước ta vẫn còn là một quốc gia hết sức lạc hậu. Công nghệ gần như không có gì, buôn bán thì không biết, chỉ biết làm ruộng để lấy gạo mà ăn. Lệ Thần Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam Sử Lược:
… thuở ấy tuy một tiền được bốn bát gạo mà vẫn có người chết đói vì rằng giá gạo thì rẻ nhưng kiếm được đồng tiền thật là khó …
Nhà cửa phần nhiều là nhà tranh nhà lá, ít khi có nhà ngói nhà gạch … Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giày …
Nước nghèo dân khổ, lại phải lúc có nhiều tai biến, người ngoài vào xâm lược, triều đình ngơ ngác không biết xoay xở ra thế nào, lòng người ly tán, phân ra bè nọ đảng kia, giết hại lẫn nhau …[15]
Sau khi ký hòa ước Giáp Tuất (1874), đáng lẽ triều đình Huế phải cấp thời cải cách để đề phòng những âm mưu kế tiếp của thực dân, vua Tự Đức lại không nhìn ra được đại thể vẫn tin tưởng rằng có thể nhờ người Tàu sang giúp để chống nhau với người Pháp.[16] Năm 1876, nhà vua sai Bùi Ân Niệm, Lâm Hoằng, Lê Cát sang triều cống. Đến năm 1880 lại sai Nguyễn Thuật, Trần Khánh Tiến, Nguyễn Hoa sang tận Bắc Kinh dâng đồ cống và biểu văn xưng thần.[17]
Vua Tự Đức tuy không phải là người hôn ám nhưng bản chất là một văn nhân, chuộng cái học cử nghiệp, mà kém về đường thực dụng. Để chống lại quân Pháp, nhà vua thu dụng quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, phong cho Lưu làm Đề Đốc (nhị phẩm).
… Quân Cờ Đen đóng đồn trại trên thượng lưu sông Hồng Hà, thu thuế các thuyền bè qua lại, nhũng nhiễu kẻ lữ hành, muốn làm gì thì làm …[18]
Trong khi liệt cường tiếp tục xâu xé Trung Hoa thì vua Tự Đức vẫn chủ trương “bế quan tỏa cảng”, sợ mở cửa thì người nước ngoài sẽ lũng đoạn. Năm 1873, khi Jean Dupuis gây hấn ở Bắc Kỳ, tiến sĩ Đặng Xuân Bảng tâu lên:
Lấy tình thế mà nói, thì đánh là hơn, nhưng xét thời thế thì cũng có lúc nên hòa. Tỉnh Hải Dương, cửa Cấm Giang, tàu bè tiện lối giao thông như xứ Gia Định vậy. Hạ thần nghĩ người Pháp đã lấy Nam Kỳ thế nào rồi cũng lại xin thông thương xứ Bắc Kỳ. Kế sách hay không gì bằng mở hội buôn ở cửa Cấm, gửi thư cho các nước Thái Tây đến đây thông thương. Tự mình phát thư thì mình làm chủ, lợi quyền ở mình, hễ nước nào chực chiếm lợi riêng thì đã có nước khác ngăn trở.
Vua Tự Đức đã phê lên tờ sớ:
Một nước còn giao thiệp không xong nữa là để nhiều nước đến.[19]
Khi Vũ Duy Tuân thi Đình, trả lời về việc hòa hay chiến, họ Vũ chủ chiến, nhà vua đã trách:
Kim nhật thỉnh chiến, minh nhật thỉnh chiến, chiến nhi bất thắng, tương trí trẫm ư hà địa? (Nay xin đánh, mai xin đánh, đánh như không thắng thì để ta ở chỗ nào?)
Mặc dù tình thế nước ta lúc đó không quá lạc quan như sĩ phu lầm tưởng, vua Tự Đức vẫn chỉ thu mình trong cung điện, làm thơ xướng họa, lấy cái hiếu nhỏ của người con làm trọng mà quên cái hiếu lớn với cả xã tắc. Trong khi đó miền Bắc Việt Nam luôn luôn loạn lạc, giặc giã liên miên. Trần Trọng Kim đã viết:
… Tuy vậy mặc lòng, không có đời nào lắm giặc giã bằng đời ngài làm vua. Chỉ được vài ba năm đầu thì còn hơi yên trị, còn từ năm Tân Hợi (1851) là năm Tự Đức thứ 4 trở đi thì càng ngày càng nhiều giặc. Mà nhất là đất Bắc kỳ có nhiều giặc hơn cả, bởi vì đất Bắc kỳ là đất của nhà Lê cũ, dân tình cũng còn có nhiều người tưởng nhớ đến tiền triều, nên chi những người muốn làm loạn, hoặc tự nhận là dòng dõi nhà Lê, hoặc tìm một người nào giả nhận dòng dõi nhà Lê, rồi tôn lên làm minh chủ để lấy cớ mà khởi sự.[20]
Trong vòng 15 năm từ 1851 đến 1866, Bắc kỳ có đến hàng chục vụ nổi loạn lớn như giặc Tam Đường (giặc khách ở Thái Nguyên, 1851), giặc Châu Chấu (Lê Duy Cự, Cao Bá Quát ở Sơn Tây, 1854), Tạ Văn Phụng (Quảng Yên, 1861), Cai Tổng Vàng (Bắc Ninh, 1862) … Ngoài ra còn các nạn giặc khách ở ngoài bể luôn luôn quấy phá:
… Cuối năm Quí Hợi (1863) là năm Tự Đức thứ 16, quân giặc họp hơn 500 chiếc thuyền ở đảo Cát bà và ở núi Đồ Sơn, có ý muốn đem quân vào đánh đất Kinh kỳ, nhưng chẳng may phải bão, thuyền đắm mất nhiều. Quan đề đốc là Lê Quang Tiến và quan bộ phủ Bùi Huy Phan được tin ấy liền đem quân ra đánh, bị quân giặc đánh tập hậu, quan quân bỏ chạy. Lê Quang Tiến và ông Bùi Huy Phan phản nhảy xuống bể tự tận.
Đến tháng 6 năm Giáp Tí (1864) là năm Tự Đức thứ 17, quan hiệp thống Trương Quốc Dụng, quan tán lý Văn Đức Khuê, quan tán tương Trần Huy Sách và quan chưởng vệ Hồ Thiện đánh nhau với giặc ở đất Quảng Yên, bị giặc giết cả. Trận ấy quan quân thua to, quân sĩ thiệt hại rất nhiều …[21]
b/ Nhu cầu cải tổ quân sựVề mặt quân sự, dưới triều Nguyễn binh lực và cách tổ chức của ta càng thêm lạc hậu, xem ra còn kém cả những thời kỳ trước. Một trong những nguyên do chính yếu là định chế xã hội và tư tưởng đã khiến cho phần lớn sĩ phu không thoát ra được cái hạn chế của học thuật. Với phương pháp giáo dục từ chương và chú trọng nhiều về văn tài, nặng phần tiểu xảo (làm thơ, câu đối …) và lối suy nghĩ chật hẹp, tổ chức quân đội của Việt Nam rất sơ sài. Nhà vua và triều đình chỉ trọng hư văn, thích thơ phú, chú trọng nhiều đến văn chương bát cổ mà không để ý gì đến việc trị nước và cải thiện dân sinh.
Theo Phan Khoang, từ thời Minh Mạng, binh chế nước ta gồm bộ binh, thủy binh, kỵ binh, tượng binh, pháo thủ binh. Theo tờ trình của Phạm Phú Thứ tháng 2 năm Tự Đức 27 (1974) thì toàn quốc nước ta binh lính chia ra như sau:
Các hạng lính trong nước (tổng) cộng ước (độ) hơn 119.000; trừ số thiếu ước (độ) 31.700 còn ước hơn 80.800; ở kinh các thứ lính (tổng) cộng ước (độ) 21.790 nhưng trừ lính hạ ban và các khoản khác, còn số đương ban là 9.540; các tỉnh thì tỉnh lớn có ước 4 - 5.000; tỉnh nhỏ cũng có số nghìn hoặc mấy trăm. Nhưng mà quân lính ấy ít tập luyện, bắn là thuật cần thiết mà mỗi năm chỉ tập một lần thôi, cho nên lâm sự thì rối lên, có khi vừa thấy quân địch đã sợ.[22]
Binh khí thì là gươm, giáo, siêu, mã tấu, súng đại bác, súng điểu thương. Súng đại bác này đều nạp tiền, bắn 10 phát chưa trúng một, khi dời đi thì phải xe đẩy nặng nề, khi các thần công không đi, lại phải cúng vái và đổ sâm thuốc; súng điểu thương này nổ bằng đá lửa, bắn xa độ 250 thước hay 300 thước là cùng, mỗi đội 50 người lính thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương, mỗi người chỉ bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số thì phải bồi, muốn bắn phải lấy thuốc súng (đựng trong một cái bao mang ở nịt lưng) bỏ vào lòng súng, dùng ống thông hồng ép thuốc vào cho chặt rồi bỏ vào viên chì (đựng trong cái bầu mang ở cổ), rồi bóp cò cho viên đá lửa nẩy làm cháy thuốc ngòi; vậy bắn được một phát súng đã tốn mất bao nhiêu thì giờ rồi, ấy là chưa nói khi bóp cò mãi mà đá lửa không bật lửa ra cho.[23]
Về thủy binh, đời Tự Đức có độ 7.500 người cho toàn quốc, bao gồm 6, 7 chiếc tàu hơi (sau hòa ước Giáp Tuất (1874) được Pháp tặng thêm 5 chiếc tàu nhỏ), khoảng 50 thuyền lớn, nhiều chiếc bọc đồng. Tuy nhiên “thủy quân cũng như các viên quản suất, đều là tay ngang, không biện được sóng gió, không biết thuật đi bể”.[24]
Trong lá thư đề ngày 18-5-1842, viên cố đạo Jean Miche đã kể như sau về việc huấn luyện của lính triều đình ta:
… Từ khi chúng tôi ở đấy, chúng tôi chưa từng thấy một tên lính tập dùng võ khí. Có kẻ đã đi tòng quân từ 20 năm mà chưa từng thấy rút gươm ra khỏi vỏ, trừ khi có những vụ xử trảm. Đây là cách duy nhất để tập luyện: buổi chiều trước khi mặt trời lặn, người ta đặt ở giữa sân trong mỗi trại lính một hình nộm bằng rơm che thân bằng một manh chiếu rách cố làm cho giống mặt người rồi những tên lính tiến lên tay cầm một chiếc roi mây, chăm chỉ nghe chỉ thị của một ông râu già nhất trong trại và quất vào con ma ấy cho đến khi nó bị rách bươm. Những lính nào quất phát sau trúng phát trước và tạo nên một đường rãnh sâu là anh hùng, chúng đã biết cách tra tấn …[25]
Nhìn lại những hoạt động và các trận đánh trong thời Tự Đức bất cứ sử gia nào cũng phải công nhận quân đội của triều đình quá kém cỏi, không thể nào đảm đương được việc trị an nói chi đến việc chống xâm lăng và giữ gìn hải phận. Francis Garnier với một đội quân trên dưới 200 người đã lấy được bốn tỉnh trung châu Bắc Kỳ chỉ trong 20 ngày và chỉ một người Pháp và bảy tên lính lấy được thành Ninh Bình. Những thắng lợi của Nam triều đều nhờ vào sức của bọn giặc khách Cờ Đen.
c/ Những đề nghị cải cáchDưới thời Tự Đức, nhiều sĩ phu ý thức được nhu cầu canh tân đất nước để tránh cái họa bị xâm lăng và giải quyết những vấn đề dân sinh. Những người có cái nhìn sớm sủa nhất là những người có cơ hội được ra nước ngoài. Hơn 20 năm sau khi người Trung Hoa phải ký hòa ước Nam Kinh, Phan Thanh Giản cùng sứ bộ qua đàm phán với Pháp (1863), khi trở về ông đã tâu lên vua Tự Đức những điều mắt thấy tai nghe đồng thời xin canh tân cho kịp với người nhưng đình thần cho là “tâng bốc người ngoại quốc và làm giảm uy thế mình”.[26] Ông đã phải chua xót viết mấy câu:
Từ ngày đi sứ tới Tây kinh,
Thấy việc Âu châu phải giật mình.
Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước,
Hết lời năn nỉ, chẳng ai tin!
Năm 1865, Phạm Phú Thứ cũng dâng sớ xin lập trường hàng hải, cử người đi học chữ ngoại quốc và phiên dịch sách vở, chú trọng đến công nghệ, kỹ nghệ…
Năm 1866, Nguyễn Điều, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ trình lên nhiều bản điều trần xin chuộng cái học thực dụng, chỉnh đốn võ bị, canh nông, kỹ nghệ và giao thiệp với nước ngoài.
Năm 1868, Trần Đình Túc cùng Nguyễn Huy Tế xin cho mở cửa biển Trà Lý để buôn bán. Ngoài ra còn có Đinh Văn Điền cũng mật tâu xin khai khẩn dinh điền, buôn bán, huấn luyện binh sĩ và cải tổ binh bị.
Ngoài ra còn vô số các sĩ phu ưu thời mẫn thế từ Nam chí Bắc lo lắng cho vận mệnh nước nhà nên tìm đủ mọi cách thuyết phục nhà vua và đình thần thay đổi chính sách.
d/ Bang giao Mỹ-ViệtBùi Viện được các sử gia nhắc tới như người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ và tiếc thay nước ta đã mất một cơ hội ngoại giao có thể đã đưa đến một thay đổi lớn đến vận mệnh thời đó.
Từ khi được độc lập năm 1783, Hoa Kỳ đã tìm cách mở rộng bang giao và buôn bán với nhiều nước trên thế giới kể cả Việt Nam. Năm 1803, thuyền trưởng John Briggs là người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất nước ta. Ngày 7 tháng 6 năm 1819, một sĩ quan hải quân khác là John White cũng đến Vũng Tàu. White đã xuất bản một cuốn sách nhan đề Lịch Sử Chuyến Du Hành tới biển Trung Quốc (History of a Voyage to the China sea, Boston: 1823) đề cập đến thất bại trong việc thương thảo mua đường (sugar) khi đến Việt Nam và đành đi ra tay không.
Năm 1832, dưới thời Minh Mạng, một phái đoàn của chính phủ Hoa Kỳ do thuyền trưởng Edmund Roberts mang theo một lá thư (của Ngoại Trưởng Livingston, viết thay mặt tổng thống Andrew Jackson) để xin yết kiến nhà vua ngõ hầu thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Phái đoàn Mỹ được tiếp đón khá trọng thể, kể cả đãi tiệc – mặc dù họ than phiền là đồ ăn của mình không ngon – nhưng lại không được gặp mặt vua Minh Mạng. Sử chép là sở dĩ vua Minh Mạng từ chối vì quốc thư không chính thức và không đủ lễ nghi (lá thư chỉ gửi cho Đại Hảo Hữu – Great and Good Friend -- mà không đề Đại Nam Hoàng Đế bệ hạ).
Đến năm 1845, thuyền trưởng Percival, chỉ huy con tàu USS Constitution đã cập bến Đà Nẵng để đòi triều đình Huế thả một giáo sĩ người Pháp. Không thành công, Percival bắn đại bác vào hải cảng rồi bỏ đi. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng như những nước châu Âu khác đều thấy hải cảng Tourane (Đà Nẵng) của ta rất tốt và Đô đốc Perry sau khi hoàn tất chuyến du hành đến Nhật Bản đã yêu cầu Tổng Thống Polk chiếm lấy một hải cảng ở châu Á và đề nghị Đà Nẵng. Tổng Thống Mỹ bác bỏ đề nghị này vì “việc chiếm đóng lãnh thổ một quốc gia khác ở châu Á không phù hợp với hệ thống chính trị” của Mỹ.[27]