Những năm sau này, hấp hối trên giường bệnh, Aurêlianô Sêgunđô đã nhớ lại buổi chiều mưa tháng sáu cái buổi chiều anh bước vào phòng ngủ để nhận mặt đứa con trai đầu lòng của mình. Mặc dù đứa trẻ yếu ớt và hay khóc, không hề giống một người nào trong nhà Buênđya, anh chẳng phải suy nghĩ lao lung mới đặt nổi tên cho nó.
- Sẽ gọi nó là Hôsê Accađiô, - anh nói.
Phecnanđa Đên Cacpiô, cô vợ kiều diễm anh mới cưới năm ngoái, đã đồng ý gọi tên đứa bé như vậy. Về phần mình, Ucsula đã không thể giấu nổi cảm giác đau đớn bâng khuâng Trong lịch sử lâu dài của gia đình, việc gọi tên trùng nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác cho phép cụ rút ra những kết luận hẩu như đã được khẳng định. Trong khi những người mang tên Aurêlianô là những người âu sầu lại rất thông minh thì những người mang tên Hôsê Accađiô là những người nông nổi và táo bạo; nhưng tất cả đều bị số phận bi thảm in dấu. Những trường hợp duy nhất khó phân biệt là trường hợp của Hôsê Accađiô Sêgunđô và Aurêlianô Sêgunđô. Lúc còn ở tuổi ấu thơ cả hai đều quá giống nhau và lại hay nghịch ngợm đến ngay cả Santa Sôphia đê la Piêđat cũng chịu không phân biệt nổi hai anh em sinh đôi này. Trong ngày lễ đặt tên, Amaranta đeo cho mỗi người một tượng thánh có khắc tên và mặc cho họ bộ quần áo khác màu đánh dấu bằng chữ đầu viết tắt tên mỗi người; nhưng khi vào lớp, hai người đã đổi tên, đổi quần áo, đổi tượng thánh cho nhau. Thày giáo Menchô Escalôna, do đã quen nhận mặt Hôsê Accađiô Sêgunđô nhờ chiếc áo sơ mixanh, bỗng nhầm lẫn khi phát hiện ra cậu này đeo tượng thánh mang tên Aurêlianô Sêgunđô và rằng mặc dù cậu kia tự xưng tên là Aurêlianô Sêgunđô nhưng lại mặc áo sơ mi trắng và đeo tượng thánh khắc tên Hôsê Accađiô Sêgunđô. Bắt đầu từ đấy không còn biết đích xác ai là ai. Ngay cả khi họ đã trưởng thành và cuộc sống đã làm cho họ khác nhau, Ucsula vẫn tiếp tục tự hỏi lòng mình nếu ở một thời điểm nào đó họ không phạm một khuyết điểm trong trò chơi gây nhiều nhầm lẫn phiền phức của mình thì chắc hẳn họ đã thay đổi nhiều. Ngay cả khi bước vào tuổi thanh niên, họ vẫn là hai cỗ máy đồng thời. Họ dậy cùng một lúc, thấy cần phải vào cầu tiêu cùng một giờ, cùng chịu cơn trái nắng trở trời và họ mơ thấy những giấc mơ giống hệt nhau. Ở nhà, ai cũng tin rằng bọn họ thống nhất hành động là do cố ý muốn gây nhầm lẫn cho mọi người chứ không một ai hiểu nổi bản chất của họ; cho đến một hôm Santa Sôphia đê la Piêđat đưa cho người nây cốc nước chanh, rồi sau đó bà thấy người kia nói chưa có đường. Thực thế, bà quên không cho đường vào nước chanh. Santa Sôphia đê la Piêđat đem chuyện này kể lại cho Ucsula nghe. "Con cái nhà này đều thế cả", cụ nói vẻ không hề ngạc nhiên. "Chúng điên rồ ngay từ bé". Thời gian trôi đi cũng kết thúc luôn sự đảo lộn các sự vật. Cậu bé trong các trò chơi nhầm lẫn vẫn được gọi tên là Aurêlianô Sêgunđô đã có thân hình vạm vỡ của ông nội và cậu kia vẫn được gọi là Hôsê Accađiô Sêgunđô đã có thân hình mảnh khảnh của ngài đại tá, và điểm duy nhất hai người giống nhau chính là vẻ cô đơn của dòng họ. Có lẽ sự hoán vị hình hài, tên tuổi và đặc tính ấy chính là điều khiến Ucsula phải nghi ngờ rằng: ngay từ tuổi thiếu nhi, họ đã bị xáo trộn như người ta chương quân bài. Sự khác nhau rõ rệt giữa hai người được thể hiện rõ trong thời chiến tranh ác liệt nhất khi Hôsê Accađiô Sêgunđô xin đại tá Hêrinênđô Mackêt cho mình cùng đi xem các vụ hành hình.
Ngược với suy nghĩ của Ucsula, nguyện vọng của cậu đã được thoả mãn. Trái lại, Aurêlianô Sêgunđô cảm thấy bủn rủn cả người khi nghĩ tới việc mình có mặt trong buổi hành hình. Cậu bé chỉ thích ở nhà. Vào lúc lên mười hai tuổi, cậu hỏi Ucsula có gì trong phòng đóng kín cửa kia. "Giấy má thôi", cụ trả lời cậu, "đó là sách của Menkyađêt và những điệu quái dị cụ viết trong những năm cuối đời". Câu trả lời đáng lẽ sẽ làm cho cậu yên lòng thì lại càng kích thích tính tò mò của cậu. Cậu khẩn khoản đòi vào xem, tha thiết hứa với cụ sẽ không làm hư hại các thứ trong đó, đến mức Ucsula không đành lòng được, buột phải đưa chìa khoá cho cậu. Không ai bước vào căn buồng nữa kể từ khi người ta khiêng từ thi Menkyađêt đi; và lắp vào cửa một chiếc khoá sắt lâu ngày han gỉ đã làm liệt các bộ phận của nó. Song, khi Aurêlianô Sêgunđô mở toang các cửa sổ, thấy một luồng ánh sáng thân thuộc dường như vẫn thường chiếu sáng căn buồng vào tất cả mọi ngày; căn buồng không có bụi bậm phủ, không có mạng nhện giăng, mà trái lại tất cả đều sạch sẽ, có lẽ còn được quét dọn và lau chùi kỹ lưỡng hơn cả ngày đưa đám tang cụ, mực trong lọ vẫn không khô, gỉ sắt vẫn không làm các dụng cụ kim loại mất đi vẻ bóng nhoáng; cả than lửa trong bếp nơi Hôsê Accađiô Buênđya đun thuỷ ngân vẫn không tắt. Trên các giá là những cuốn sách được đóng bìa cứng bằng các tông màu nâu nhạt giống như da người thuộc và cả những trang viết tay cỏn tươi màu mực. Mặc dù phòng bị đóng kín cửa trong nhiều năm, không khí nơi đây dường như vẫn trong sạch hơn các nơi khác trong ngôi nhà. Tất cả đều rất mới đến mức vài tuấn sau đó khi Ucsula mang một xô nước và một cái chổi vào phòng để lau quét sàn thì cụ chẳng phải làm gì cả. Aurêlianô Sêgunđô đang say đắm đọc một cuốn sách. Mặc dù cuốn sách này mất bìa và không có nhan đề, cậu bé thưởng thức câu chuyện một người phụ nữ ngồi bên bàn lấy đũa gắp từng hạt cơm ăn; câu chuyện về một ngư dân mượn anh hàng xóm một cục chì để gài vào lưới đánh cá và con cá sau này bác trả cho anh hàng xóm mang trong bụng nó một hạt ngọc; chuyện cây đèn thần thoả mãn mọi ước nguyện và những chiếc thảm bay.
Vẻ đầy cao hứng, cậu bé hỏi Ucsula rằng có phải những chuyện này đều có thật không, và cụ đã trả lời cậu rằng phải đấy, rằng trước đây lâu lắm rồi, những người digan mang đến làng Macônđô những cây đèn thần và cả những tấm thảm bay.
- Có điều là, - cụ thở dài, - thế giới ngày một khánh kiệt và do đó không thấy có các vật ấy nữa.
Khi đọc xong cuốn sách có nhiều truyện bỏ dở vì mất trang, Aurêlianô Sêgunđô chuyển sang dịch các bản viết tay. Đó là công việc không thể làm được. Các con chữ giống như quằn áo móc trên dây thép, và nhìn chung nó giống bản nhạc ghi trên giấy hơn là một áng văn chương. Có một buổi trưa nực nữa nọ, trong lúc dò đoán các bản chép tay, cậu bé cảm thấy không chỉ có mình mình ở trong phòng. Menkyađêt ngồi ở đấy, quay lưng lại phía cửa sổ, hai tay đặt trên gối. Cụ vẫn mặc chiếc áo khoác ngoài cổ quái và đội chiếc mũ vành cánh quạ cụp, mồ hôi bết tóc chảy thành giọt qua hai thái dương, y hệt hình ảnh cụ từng được Aurêlianô và Hôsê Accađiô nhìn thấy từ khi họ còn nhỏ tuổi. Ngay lập tức Aurêlianô Sêgunđô nhận rõ cụ, bởi vì ký ức di truyền ấy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và nó đến với cậu từ trí nhớ của ông nội cậu.
- Chào cụ, - Aurêlianô Sêgunđô nói.
- Chào anh bạn trẻ, - Menkyađêt trả lời.
Kể từ dạo ấy, trong vài năm, hầu như chiều nào họ cũng gặp nhau. Menkyađêt nói với cậu bé về thế giới, cố truyền lại cho cậu tri thức cổ xưa của mình, nhưng cụ từ chồi dịch những trang viết tay.
"Chẳng một ai nên biết ý nghĩa trong khi chúng chưa được trăm năm", cụ giải thích. Aurêlianô Sêgunđô mãi mãi giữ kín các cuộc hội ngộ này. Cũng có lúc cậu bé cảm thấy thế giới riêng của mình bị đánh đổ, bởi vì Ucsula đã vào phòng đúng lúc Menkyađêt đang có mặt. Nhưng cụ đã không nhìn thấy.
- Cháu nói chuyện với ai thế? - cụ hỏi.
- Chả nói với ai cả, cố ạ? - Aurêlianô Sêgunđô trả lời.
- Cố nội mày cũng thế đấy, - Ucsula nói, - Ông ấy cứ nói chuyện một mình thôi.
Trong khi đó, Hôsê Accađiô Sêgunđô lại mãn nguyện khi được xem một buổi hành hình. Cả đời mình, cậu sẽ nhớ mãi ánh lửa chớp sáng của sáu viên đạn cùng bắn một lúc và tiếng súng nổ vọng lại từ các ngọn núi xung quanh, rồi nhớ đến nụ cười buồn bã và đôi mắt thảng thốt của kẻ bị bắn, người vẫn hiên ngang đứng trong lúc máu chảy ra thấm đẫm áo sơ mi, người vẫn mỉm cười ngay cả lúc người ta cởi trói cho mình khỏi cọc xử bắn và nhét mình vào chiếc quan tài đầy vôi bột. "Vẫn còn sống", cậu nghĩ. "Người ta sẽ chôn sống anh ta". Cậu sợ lắm, sợ đến mức từ dạo đó cậu nguyền rủa nghề lính và chiến tranh, không chỉ vì các vụ xử bắn mà chủ yếu vì thói quen kinh tởm chôn sống những người bị hành hình. Vậy là không một ai biết từ lúc nào cậu bắt đầu kéo chuông nhà thờ, bắt đầu giúp cha Antôniô Isaben, người được mệnh danh là En Cacharô(1) đến thay cha xứ, bắt đầu chăm sóc các chú gà chọi được nuôi trong sân tu viện. Khi đại tá Hêrinênđô Mackêt biết chuyện, chàng đã mắng mỏ cậu bé một hồi vì tội học những nghề nghiệp vốn bị những người Tự do lên án.
- Vấn đề là, - cậu bé trả lời, - dường như cháu đã trở thành một người Bảo hoàng.
Cậu tin điều đó như thể đó là một sự khẳng đinh của nỗi bất hạnh. Đại tá Hêrinênđô Mackêt bực dọc, đã kể lại câu chuyện cho Ucsula nghe.
- Càng tốt, - cụ tán thưởng. - Lạy Chúa, nó sẽ trở thành một nhà tu hành để cuối cùng Thượng đế đến nhà này.
Ngay lập tức mọi người biết rằng cha Antôniô Isaben đang chuẩn bị làm lễ ban thánh thể đầu tiên cho cậu. Cha dạy cậu học bổn trong lúc vặt lông cổ các chú gà chọi. Cha lấy những ví dụ đơn giản dễ hiểu để giảng giải cho cậu trong lúc cha đặt các cô gà mái ấp vào ổ như đã từng xảy ra với Thượng đế trong ngày Sáng thế thứ hai, ngày những chú gà con được hình thành trong quả trứng. Ngay từ dạo ấy vị mục sư để lộ những triệu chứng lẩm cẩm đầu tiên của tuổi già mà nhiều năm sau này nó đã dẫn cha đến việc nói rằng có thể quỷ dữ đã chiến thắng cuộc khởi nghĩa trái với ý của Thượng đế, người ngồi trên ngai vàng thượng giới, không để lộ hình hài của mình trước mắt những kẻ ngu khờ. Được tôi rèn bởi lòng dũng cảm của thày học, ít tháng sau Hôsê Accađiô Sêgunđô đã trở thành một người rất am hiểu những thủ thuật tôn giáo để đánh lừa ma quỉ đồng thời cũng là người giàu kinh nghiệm nuôi gà. Amaranta may cho cậu một bộ quần áo vải lanh có cổ cồn và cà vạt, mua cho cậu một đôi giày trắng và mạ chữ vàng tên cậu trên những dải lụa buộc vào cây nến. Hai đêm trước ngày lễ ban thánh thể đầu tiên cho cậu, cha xứ Antôniô Isaben đóng kín kho đồ thánh để cùng với cậu làm lễ xưng tội, có sự giúp đỡ của cuốn sổ ghi tên các tội lỗi. Đó là một danh mục rất dài đến mức vị mục sư già, vốn quen đi ngủ từ lúc sáu giờ đã ngủ khì trên ghế xích đu trước khi kết thúc.
Những câu hỏi là một điều khải thị đối với Hôsê Accađiô Sêgunđô. Cậu không ngạc nhiên thấy cha xứ hỏi mình đã chung đụng với đàn bà chưa, và cậu đã hãnh diện trả lời rằng không, nhưng cậu lại hoang mang khi cha hỏi mình có chung đụng với súc vật không. Tháng năm, vào ngày thứ sáu đầu tiên, cậu chịu lễ ban thánh thể mà lòng quặn đau vì tính tò mò. Sau đó, cậu hỏi Pêtrômô, tu sĩ ốm yếu giữ kho đồ thánh, sống ở trên tháp chuông, và theo như lời đồn đại gã ăn đom đóm để sống, và Pêtrôniô đã trả lời cậu: "Là bởi vì có đạo hữu đê mạt đã ngủ với lừa cái đấy". Hôsê Accađiô Sêgunđô vẫn cứ ngạc nhiên hơn bao giờ hết, vẫn cứ đòi phải giải thích nhiều hơn nữa đến mức Pêtrôniô mất bình tĩnh.
- Tôi đi vào các tối thứ ba hàng tuần, - gã thú nhận. - Nếu cậu hứa không nói với ai thì ngày thứ ba tới tôi sẽ dẫn cậu đi.
Quả nhiên, ngày thứ ba tới, Pêtrôniô vác một chiếc ghế gỗ mà cho đến lúc này không một ai biết nó được dùng làm gì, đi xuống khỏi tháp chuông, dẫn Hôsê Accađiô Sêgunđô ra một vườn gần đấy. Cậu bé đam mê với những đêm phiêu lưu ấy, đến mức sau đó rất lâu người ta mới thấy cậu xuất hiện ở tiệm nhẩy bác Catarinô. Cậu trở thành người chơi gà chọi. "Hãy mang những con vật ấy đi nơi khác", Ucsula bảo khi lần đầu tiên cụ nhìn thấy cậu mang những con gà chọi đẹp về nhà. "Những con gà ấy từng mang về nhà này biết bao cay đắng mà bây giờ mày còn mang thêm đau khổ cho chúng ta nữa sao". Hôsê Accađiô Sêgunđô không cãi lại cố nội mình, lặng lẽ mang những chú gà chọi đi nuôi ở nhà Pila Tecnêra, bà nội cậu, người sẵn sàng chiều theo ý cậu để cậu có mặt ở nhà mình. Ngay lập tức cậu đã tỏ rõ kiến thức của cha Antôniô Isaben ngay ở sới chọi gà, chuẩn bị nhiều tiền không những đủ để làm giàu thêm những con gà mình nuôi mà còn lo thoả chí tang bồng. Ở thời điểm này, Ucsula đã so sánh cậu với người em cậu và cụ đã không thể hiểu nổi làm sao hai người sinh đôi trong thời thơ ấu giống nhau như đúc mà giờ đây khác nhau hoàn toàn. Cụ cũng chẳng phải ngẩn ngừ gì lâu trong ý nghĩ ấy bởi ngay lập tức Aurêlianô Sêgunđô đã bắt đầu lười nhác. Lúc ngồi trong phòng Menkyađêt, cậu là người trầm tư mặc tưởng y hệt đại tá Aurêlianô Buênđya thời trẻ. Nhưng trước khi có hiệp định Neclanđia ít lâu, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã lôi cậu ra khỏi thế giới nội tâm, buộc cậu phải đối mặt với cuộc sống thực. Đó là việc một người đàn bà trẻ, vốn làm nghề bán vé xổ số treo giải một chiếc phong cầm, đã niềm nở chào cậu. Aurêlianô Sêgunđô không hề ngạc nhiên bởi vì vẫn thường xảy ra việc người ta nhầm cậu với người anh mình. Nhưng cậu chẳng cần đính chính ngay cả khi cô ả định dùng tiếng khóc sụt sùi làm mềm nhũn trái tim mình, do đó ả đã dẫn cậu về phòng ngủ. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên, ả quý mến cậu lắm đến mức trong khi mở xổ số ả đã gian lận để cậu giành được cây phong cầm. Sau vài tuần, Aurêlianô Sêgunđô nhận ra rằng người đàn bà này đã xen kẽ ngủ với cậu và anh cậu mà cứ tưởng rằng hai người là một, và lẽ ra phải làm cho rõ nhẽ thì cậu lại lờ đi để kéo dài tình trạng hai anh em cùng chung đụng xác thịt với một người đàn bà. Cậu không trở lại phòng Menkyađêt. Chiều nào cậu cũng ở ngoài sân mê mải học đàn phong cầm bất chấp lời chửi bới của Ucsula, người đã cấm chơi nhạc vì trong nhà lúc đó đang có tang, và ngoài ra còn coi khinh đàn phong cầm là đồ chơi của những kẻ giang hồ kế nghiệp cụ Phranxixcô - Con Người. Tuy nhiên, Aurêlianô Sêgunđô đã trở thành một tay chơi đàn phong cầm nổi tiếng và vẫn cứ nổi tiếng sau khi cưới vợ, có con và trở thành người được kính nể hơn cả trong thị trấn Macônđô.
Trong khoảng vài tháng, cậu cùng với anh mình chia sẻ các đêm hoan lạc với người đàn bà ấy. Cậu theo dõi anh mình, làm anh mình nhỡ kế hoạch, và khi chắc chắn rằng Hôsê Accađiô Sêgunđô đêm ấy sẽ không đến với người đàn bà thì cậu sẽ mò đến ngủ. Có một buổi sáng nọ, cậu phát hiện ông anh mình bị ốm. Hai ngày sau, cậu bắt gặp ông anh mình đang bám chặt vào vì kêo trong cầu tiêu, người đầm đìa mồ hôi và nước mắt giàn giụa đang khóc lóc, và thế là cậu hiểu. Anh cậu thú nhận rằng người đàn bà đã ruồng bỏ anh ta vì cái tội lây bệnh lậu cho ả. Anh cậu cũng kể lại chuyện Pila Tecnêra đã chữa bệnh ấy như thế nào. Aurêlianô Sêgunđô lén lút ra những bãi rửa nóng bỏng chất permanganato và uống nước lợi tiểu. Cả hai người lành bệnh sau ba tháng âm thầm chịu đựng đau đớn. Hôsê Accađiô Sêgunđô không đi lại với người đàn bà nữa. Aurêlianô Sêgunđô nhận được sự tha thứ của ông anh, và gắn bó với người đàn bà cho đến mãn đời.
Người đàn bà ấy tên là Pêtra Côtêt. Ả với người chồng sống bằng nghề xổ số đến Macônđô vào giữa lúc chiến tranh đang ác liệt và khi anh chồng chết ả vẫn tiếp tục hành nghề. Đó là một người phụ nữ lai đen sạch sẽ và trẻ trung, đôi mắt hình quả hạnh đào màu hung vàng khiến bộ mặt ả dữ tợn như mặt báo, nhưng ả có trái tim hào hiệp và nghệ thuật mồi chài ái tình rất tuyệt vời. Khi Ucsula biết được Hôsê Accađiô Sêgunđô đã là người chơi gà chọi và Aurêlianô Sêgunđô chơi phong cầm trong những đêm vui náo nhiệt ở nhà nhân tình thì cụ tức phát điên lên. Điều đó giống như thể hai người này đã tập trung trong họ tất cả những gì xấu xa, kém cỏi của gia đình và không nối dõi được những đức tính quý báu của gia đình. Vậy là cụ quyết định sẽ không một ai được gọi bằng tên Hôsê Accađiô và tên Aurêlianô. Tuy nhiên, khi Aurêlianô Sêgunđô có con trai đầu lòng và đặt tên cho nó là Hôsê Accađiô thì cụ đã không dám trái ý cậu.
- Được thôi ta đồng ý, - Ucsula nói, - nhưng với điều kiện phải để ta nuôi dạy nó.
Dẫu rằng đã là cụ già trăm tuổi và suýt loà vì màng đã kéo sắp kín con ngươi, nhưng cụ vẫn giữ nguyên thể trạng sức khoẻ, không hề trái thói trái nết cũng không hề lẫn cẫn. Không ai giỏi bằng cụ trong việc dạy dỗ người đàn ông danh giá có thể khôi phục danh dự của gia đình, một người đàn ông không bao giờ nghe nói đến chiến tranh, đến gà chọi, đến gái điếm đến các nghề nông nổi, đó là bốn thảm hoạ, mà theo sự suy nghĩ của Ucsula, đã dẫn tới sự sụp đổ của dòng họ cụ. "Thằng bé này sẽ trở thành thày tu", cụ trang trọng hứa. "Và nếu như Thượng đế để ta sống, nó sẽ là Giáo hoàng". Khi nghe thấy thế tất cả đều phá lên cười, không chỉ ở trong phòng và trong toàn ngôi nhà lúc này đang có mặt những người bạn vui nhộn của Aurêlianô Sêgunđô. Chiến tranh, vì bị lãng quên bởi chính trí nhớ tồi, bỗng nhiên sống dậy trong tiếng mở nút chan sâm banh.
- Nào, hãy chúc mừng sức khoẻ Đức giáo hoàng, - Aurêlianô Sêgunđô nâng cốc nói.
Các vị khách mời đồng thanh chúc tụng. Sau đó, chủ nhà chơi phong cầm. Pháo nổ rền và trống khua rộn cả làng. Sáng sớm, những vị khách chếnh choáng hơi men sâm banh mổ liền sáu con bò cái rồi bày thịt ra đường sẵn sàng mời đám đông cùng dự cuộc vui. Không một ai ngạc nhiên. Kể từ khi Aurêlianô Sêgunđô đứng lên trông nom gia đình, những cuộc vui tương tự như thế là chuyện thường tình, mặc dù chúng chưa hề có lý do chính đáng như tiệc vui lần này nhằm chúc mừng sự chào đời của một đức Giáo hoàng. Trong ít năm cậu đã tích cóp được một gia sản thuộc hàng lớn nhất ở vùng đầm lầy không cần phải công phu gì lắm, mà trái lại chỉ đơn thuần nhờ vận may, đó là sự sinh sôi cực kỳ mau mắn của các đàn gia súc. Bò cái đẻ sinh ba, gà mái một ngày hai lần đẻ trứng, còn lợn thì lớn nhanh như thổi. Không một ai có thể lý giải được sự giàu có dường như là kết quả của phép màu nhiệm. "Bây giờ phải hà tằn hà tiện", Ucsula nói với thằng chắt ăn tiêu hoang toàng. "Vận may chẳng theo suốt đời mày đâu". Nhưng Aurêlianô Sêgunđô không nghe lời cụ. Trong lúc càng mở nút sâm banh thết bạn thì súc vật của anh càng đẻ như điên và anh càng tin rằng cái vận đỏ của mình không khởi sự ở việc làm ăn biết tính toán mà khởi sự ở ảnh hưởng của Pêtra Côtêt, nhân tình của anh, người có tình yêu đủ sức làm mủi lòng con tạo. Anh rất yên lòng rằng đó là cội nguồn của cải của mình và do đó không bao giờ anh để cho Pêtra Côtêt ở xa đàn gia súc, và ngay cả khi đã cưới vợ và có con, anh vẫn sống với ả trong sự đồng loã của Phecnanđa. Với thân xác rắn rỏi và vâm váp như thân xác của cố nội và ông nội mình, nhưng hơn họ ở tính tình vui vẻ và hồn nhiên, Aurêlianô Sêgunđô hầu như không có đủ thời gian để chăm nom đàn gia súc của mình. Chỉ cần anh mang Pêtra Côtêt đến các chuồng trại, để ả ngồi trên ngựa dẫn ả đi chơi các trang trại là đủ cho súc vật của anh phải sinh con đẻ cái rất nhanh.
Như tất cả các sự vật tốt đẹp từng xảy ra trong cuộc đời dài của mình, số của cải bất kham ấy dường như được con tạo định trước. Ngay trong thời kỳ cuối của chiến tranh, Pêtra Côtêt vẫn phát hành vé xổ số và đôi lúc Aurêlianô Sêgunđô vẫn phải ăn cắp tiền của Ucsula để trang trải mọi tốn kém. Bọn họ thoải mái chung sống với nhau, không hề bận tâm ngoài việc lo lắng để đêm nào cũng ngủ với nhau, ngay cả trong những ngày cần kiêng cữ, để hú hí với nhau cho tới khi trời sáng. "Cái con đàn bà ấy sẽ làm cho mày phải điêu đứng đấy", Ucsula mắng mỏ thằng chắt anh mỗi khi thấy nó bước vào nhà như một kẻ mắc chứng mộng du. "Nó đã làm cho mày ngớ ngẩn, rồi một ngày nào đó ta sẽ thấy mày quằn quại vì đau đớn với con cóc ôm trong bụng đấy". Hôsê Accađiô Sêgunđô, vốn phải mất rất nhiều thời gian mới phát hiện ra việc thằng em trai xỏ mũi mình, không thể hiểu được nỗi đam mê của em trai. Anh nhớ Pêtra Côtêt như một người đàn bà dễ dãi, đúng hơn là người ươn lười trên giường và hoàn toàn nhạt nhẽo đối với tình yêu.
Làm ngơ trước những lởi mắng mỏ của Ucsula, và trước những lời chế giễu của anh mình, Aurêlianô Sêgunđô chỉ nghĩ sẽ gặp được một nghề cho phép anh duy trì ngôi nhà cho Phecnanđa và để chết với nàng, trên nàng và dưới nàng trong một đêm xả láng cuồng nhiệt. Khi đại tá Aurêlianô Buênđya mở lại xưởng kim hoàn, do niềm vui thanh thản của tuổi già lôi cuốn ngài, thì Aurêlianô Sêgunđô nghĩ rằng nếu theo nghề chế tạo những con cá vàng cũng là một điều tốt. Anh ở trong căn phòng nhỏ nực nụa nhiều giờ liền xem những tấm kim loại cứng được ngài đại tá kiên trì rèn đục đã dần trở thành những cái vẩy óng ánh.
Anh thấy công việc rất tỉ mẩn trong khi đó nỗi nhớ Pêtra Côtêt lại hết sức thôi thúc và da diết đến mức chỉ ba tuần sau anh biến khỏi xưởng. Đó là thời kỳ Pêtra Côtêt đang phát tài bằng việc lấy thỏ treo giải để mở xổ số. Những con thỏ này sinh ra và lớn nhanh như thổi. Chúng nhiều vô kể. Dù có tăng vé và số lần quay số lên nhiều lần ả vẫn không dùng hết thỏ vào việc trả thưởng. Thoạt đầu, Aurêlianô Sêgunđô không nhận ra những con thỏ này đã sinh sản như thế nào. Nhưng có một đêm, khi không một ai trong làng muốn bàn tán về các cuộc xổ số lấy thỏ, anh cảm thấy có tiếng sấm động ngay bên tường. "Anh đừng có mà giật mình nhé!", Pêtra Côtêt nói, "đó là những con thỏ đấy!". Bọn họ không thể ngủ thêm được nữa, băn khoăn trán trở vì nỗi lo cho đàn gia súc. Vào lúc trời hửng sáng, Aurêlianô Sêgunđô nở cửa và nhìn thấy ở sân lúc nhúc những thỏ là thỏ, lông xanh mượt trong ánh bình minh. Pêtra Côtêt cười ngặt nghẽo, không hể kìm được ý muốn chòng ghẹo anh:
- Những con thỏ này là những con vừa sinh ra đêm quạ lấy - ả nói.
- Eo ơi, sợ quá? - anh nói - Vì sao mình không thử với bò cái xem?
Ít ngày sau đó, dọn dẹp lại sân nhà, Pêtra Côtêt nuôi ở sân một con bò cái thay cho đàn thỏ. Vài tháng sau, con bò cái đẻ đinh ba. Mọi sự đều bắt đầu từ đấy. Nhanh như chớp, Aurêlianô Sêgunđô đã trở thành ông chủ, nắm trong tay nhiều ruộng đất và nhiều đàn gia súc và hầu như anh không có đủ thời gian để mở rộng hơn nữa các chuồng gia súc và bãi thả gia súc. Đó là một sự giàu có ngây ngất mà ngay chính anh cũng phải buồn đời và không thể tự kiềm chế nổi thái độ quá trớn để bộc lộ nỗi tiềm vui sướng của mình. "Hỡi những con bò cái, hãy giạng đáng ra kẻo cuộc đời quá ư ngắn ngủi", anh gào lên. Ucsula tự hỏi không biết anh đã phạm tội gì, nếu không ăn cắp thì cũng một tên ăn trộm gia súc và cứ mỗi bận nhìn thấy anh mở nút hai sâm banh chỉ để xịt bọt nó lên đầu mình một cách thích thú thì cụ chửi bới anh vì tội phá gia chi tử. Cụ không để cho anh yên thân lấy một lúc, do đó có một ngày Aurêlianô Sêgunđô lúc dậy với niềm vui điềm tĩnh, cầm một sọt tiền giấy, một xô hồ và một chổi phết hồ, hát trong họng những bài hát cũ của cụ. Phranxixcô - Con Người, rồi dán những tờ bạc một đồng pêsô lên tường nhà, dán từ trên xuống dưới, cả bên trong lẫn bên ngoài. Ngôi nhà cũ, vốn được quét vôi trắng từ hồi mua cây đàn pianô tự động, nay có vẻ mặt lạ lẫm dễ lầm với giáo đường của đạo Hồi. Trong khung cảnh lộn xộn của gia đình, trong lúc Ucsula bực tức, trong niềm vui của dân làng đổ ra đường để chứng kiến cảnh hợm mình của kẻ vén tay đốt nhà táng, Aurêlianô Sêgunđô cũng vừa dán xong những đồng tiền giấy lên nhà, kể từ bức tường mặt tiền đến tận nhà bếp, kể cả cầu tiêu và phòng ngủ, rồi ném số tiền thừa xuống sân.
- Bây giờ thì, - anh nói, - ta mong rằng không một ai trong nhà này sẽ xỉ vả ta về tiền bạc nữa.
Chuyện xảy ra là như thế. Ucsula sai bóc các tờ bạc bê bết dính các mảng vôi tường, và quét vôi trắng tường nhà. "Hỡi Thượng đế lòng lành của con", cụ cầu khẩn, "hãy làm cho chúng con lại nghèo như cái thuở mới thành lập làng này, để ở cuộc đời khác ngài khỏi bắt tội chúng con vì đã hoang phí tiền của". Những lời cầu khẩn của cụ được nghe theo nghĩa ngược lại. Quả có thế. Một người làm công lột những tờ bạc khỏi tường đã vô ý đụng phải bức tượng thánh Hôsê, một bức tượng thạch cao khổng lồ do một người nào đó đã đem đến nhà vào lúc chiến tranh sắp kết thức, và nó vỡ tiếng ra khi chạm phải mặt đất. Bên trong nó đựng toàn tiền vàng. Không một ai còn nhớ người nào đã mang tới nhà bức tượng to bằng cỡ người thực. "Ba người đàn ông đã mang nó tới", Amaranta nói. "Người ta nhờ tôi nói lại với nhà ta sẽ trông bức tượng này cho đến khi nào mùa mưa qua đi, và tôi đã bảo họ là hãy đặt ở đấy, ở trong xó kia, để không ai va chạm phải, và bọn họ đã cẩn thận để nó ở đấy và cũng từ dạo ấy nó vẫn nguyên ở đấy, vì chẳng bao giờ thấy họ trở lại tìm nó". Gần đây, Ucsula đã thắp nến và quỳ lạy trước bức tượng thánh Hôsê mà vẫn không nghi ngờ rằng: bên trong bức tượng thánh ấy lại có gần hai trăm ki lô vàng. Sự hiển linh muộn màng của lòng tin đa thần giáo trong cụ càng khoét sâu thêm nỗi lo lắng của cụ. Cụ nguyền rủa đống tiền vàng đáng giá này, nhét chúng vào ba tải gai, rồi chôn chúng ở một địa điểm kín đáo, để chờ đợi ba người lạ mặt sẽ đến đòi nó. Mãi về sau này, trong những năm tháng vất vả của tuổi già, Ucsula vẫn thường xen vào các buổi nói chuyện của các vị khách lạ lúc ấy đến nhà để hỏi rằng trong lúc loạn lạc họ có để ở đây một bức tượng thánh Hôsê bằng thạch cao nhờ gia đình trông hộ trong thời kỳ mưa gió không?
Những sự kiện ấy, vốn thường làm cho Ucsula lo lắng nhiều, lại là chuyện thường tình trong thời kỳ này. Macônđô bị chìm ngập trong sự tàn phá màu nhiệm. Những ngôi nhà tranh vách đất của các bậc sáng nghiệp giờ đây được thay thế bằng những ngôi nhà gạch, sàn láng xi măng và có rèm chắn nắng đan bằng những phiến gỗ nhỏ. Những ngôi nhà này càng làm cho không khí vốn đã nóng càng oi nóng hơn vào lúc hai giờ chiều. Cái làng cũ của cụ Hôsê Accađiô Buênđya lúc này chỉ còn lại những cây hạnh đào phủ đầy bụi sẵn sàng chịu đựng những hoàn cảnh còn khó khăn hơn nhiều, và con sông nước trong như pha lê mà những tảng đá thời tiền sử của nó đã bị đập vỡ thành từng mảnh vụn dưới sức nện điên cuồng những cú búa quai xuống của Hôsê Accađiô Sêgunđô, khi anh khởi sự công việc nạo vét lòng sông để thiết lập đường thuỷ trên con sông này. Đó là một giấc mơ khùng khùng điên điên có thể so sánh với những ước mơ của các vị tiền bối mình, bởi vì lòng sông ngổn ngang đá tảng cũng như các thác ghềnh trên nó đã ngăn cản sự đi lại bằng tàu thuyền từ Macônđô ra biển. Nhưng Hôsê Accađiô Sêgunđô, trong quyết tâm táo bạo thiếu tính toán, đã say sưa lao vào công việc. Cho đến lúc này anh vẫn chưa hề bộc lộ khả năng tính toán của mình. Ngoại trừ mối tình ngắn ngủi với Pêtra Côtêt, chưa bao giờ anh quen biết phụ nữ. Ucsula coi anh là một điển hình cho sự kém thông minh mà gia đình mình, trong lịch sử trường tồn của nó, đã sản sinh ra. Anh hầu như không có khả năng tự làm nổi bật mình ngay cả khi anh là người sành sỏi chơi gà chọi. Khi đại tá Aurêlianô Buênđya kể cho anh nghe về chiếc tàu Tây Ban Nha nằm cách biển mười hai kilômét, mà mạn tàu của nó bị hoá thành than đã được chính mắt ngài nhìn thấy trong lúc còn chiến tranh, thì câu chuyện này đối với những người khác trong thời gian dài có vẻ ma quái nhưng đối với anh là một điều dễ hiểu. Anh bán hết gà chọi với giá cao nhất, tập hợp trai làng và bỏ tiền ra mua cưa đục rồi khởi sự công việc to lớn gồm việc phá đá, khoét lòng sông bạt ghềnh, vượt thác… "Cái đó thì ta biết tỏng", Ucsula nói. "Cứ như thể thời gian chạy vòng tròn và giờ dây chúng ta trở lại từ đầu". Khi anh tin chắc rằng có thể cho tàu bè đi lại trên sông dược, Hôsê Accađiô Sêgunđô liền trình bày thật tỉ mỉ các kế hoạch của mình và người em dã cho anh đủ số tiền chi dùng cho công việc. Anh vắng mặt một thời gian dài. Người ta đang bàn tán rằng kế hoạch mua một chiếc tàu thuỷ của anh chỉ là một thủ đoạn để lấy tiền của ông em thôi, cũng là lúc một tin được lan truyền rộng rãi: một chiến thuyền đang tiến về gần thị trấn. Dân Macônđô, vốn đã quên khuấy những kỳ tích của cụ Hôsê Accađiô Buênđya, ồn ào kéo nhau ra bờ sông và với con mắt nghi ngờ họ đã nhìn thấy một con tàu đầu tiên đang từ từ tiến đến. Đó là con tàu đầu tiên và cũng là con tàu cuối cùng đã cập bến ở đây. Thực ra nó chỉ là một bê gỗ được hai mươi người đàn ông đi bộ dùng dây chão to cùng hò nhau kéo đi. Đứng ở cuối thuyền, với ánh mắt sáng đầy hào hửng, Hôsê Accađiô Sêgunđô diều khiển chuyến đi tốn kém này. Cùng về với anh còn có một tốp gái làng chơi diêm dúa đội những chiếc ô lộng lẫy để che ánh nắng gay gạt, trên vai quàng những tấm khăn lụa quý giá mặt trét bự son phấn, đầu gài hoa, những con rắn vàng cuốn lấy cánh tay và hàm răng cấy hạt ngọc. Cái bè gỗ ấy là phương tiện giao thông duy nhất mà Hôsê Accađiô Sêgunđô đã có thêm đẩy ngược dòng về tới Macônđô và cũng chỉ một lần ấy thôi. Nhưng sẽ không bao giờ anh chịu thừa nhận đó là sự thất bại của mình trong công việc khởi đầu, mà trái lại, lúc nào anh cũng tuyên bố đó là chiến tích của mình, là "một thắng lợi của ý nguyện". Anh trút lên vai em mình tất cả những tốn kém của chuyến đi được tính toán chi li. Cái duy nhất còn lại trong chuyến khởi đầu bất lợi này là luồng gió mới do những gái làng chơi theo mốt Pháp mang đến thị trấn. Nghệ thuật chiều đàn ông tuyệt vời của họ đã làm thay đổi lối chơi gái truyền thống, và ý nghĩa phúc lợi xã hội của nó đã đánh đổ tiệm bác Catarinô, biến đường phố thành một cái chợ chung với những ngọn đèn pha kiểu Nhật Bản và những chiếc máy hát phát ra những bản nhạc buồn nhớ. Họ là động lực cổ vũ ngày hội Cacnavan dẫm máu từng dìm Macônđô trong sợ hãi liền ba ngày và kết quả duy nhất còn lại mãi mãi của nó là việc nó tạo điều kiện cho Aurêlianô Sêgunđô làm quen với Phecnanđa đên Cacpiô.
Rêmêđiôt - Người đẹp, dược chọn làm hoa hậu. Ucsula, từng run sợ trước sắc đẹp mê hồn của cô chắt gái, không thể làm gì để ngăn cản việc tuyển chọn này. Cho đến tận lúc ấy cụ vẫn tìm mọi cách để không cho cô ra đường, nếu như không phải đi lễ mixa cùng với Amaranta, nhưng cụ buộc cô phải dùng tấm mạng đen che kín mặt. Những người đàn ông ít thành kính, những kẻ giả danh thày tu để làm lễ mixa bất kính ở tiệm bác Catarinô, đã đi nhà thờ với mục đích duy nhất để xem, dù chỉ một thoáng thôi, khuôn mặt của Rêmêđiôt - Người đẹp, mà sắc đẹp huyền thoại của nàng từng dược bàn tán sôi nổi khắp vùng đầm lầy. Chuyện ấy xảy ra khá lâu trước khi họ tìm được dịp là đối với họ cái dịp này còn quan trọng hơn, bởi vì rất nhiều người trong số họ sau khi chiêm ngưỡng nhan sắc của Rêmêđiôt - Người đẹp, đã không bao giờ lấy lại được giấc ngủ bình an. Con người đã có thể tạo nên dịp ấy là một kẻ lạ mặt, đã vĩnh viễn đánh mất cái thanh thản của tâm hồn mình, đã rơi vào tâm thể trầm tư mặc tưởng và đau khổ dễ bị kích động, và mấy năm sau đã bị tàu hoả nghiến nát vì ngủ quên trên đường ray. Ngay từ lúc người ta thấy mặt chàng tại nhà thờ mặc bộ quần áo nỉ trắng xanh thì không một ai nghi ngờ rằng chàng là người lạ mặt đã từ phương xa, có thể là một thành phố cổ xưa nào đó ở tít trong nội địa, tới đây do bị cám dỗ bởi sắc đẹp của Rêmêđiôt - Người đẹp. Chàng là một người rất đẹp trai, hào hoa và nhã nhặn, thân thể cân xứng hài hoà đến mức nếu Piêtrô Crêspi ở bên cạnh chàng thì chỉ là một kẻ ốm yếu hom hem. Rất nhiều phụ nữ thì thầm với nhau trong lúc mỉm cười buồn bã rằng chàng là người xứng đáng với cô gái. Chàng không đi lại với ai ở Macônđô. Chàng có mặt vào lúc sáng sớm ngày chủ nhật, giống như một hoàng tử trong truyện cổ tích cưỡi trên lưng chú ngựa thắng bô yên nỉ và bàn đạp. Đó là tư thế hiện hữu của chàng, vì với tư thế đó ngay từ hồi đầu tiên thấy chàng trong nhà thờ tất cả mọi người đều đồng ý với nhau rằng đó là một đám tang thầm lặng và nặng nể, một cú giao kèo bí mật, một nỗi thất vọng ê chề mà kết quả của nó khòng thể là tình yêu giữa chàng và Rêmêđiôt - Người đẹp, mà phải là cõi chết. Đến lần thứ sáu có mặt ở nhà thờ vào các ngày chủ nhật chàng công tử xuất hiện tay cầm một bông hồng vàng. Chàng đứng nghe kinh mixa, như lâu nay chàng vẫn đứng như thế, rồi khi kết thúc lễ mixa chàng tiến lên chặn bước Rêmêđiôt - Người đẹp và tặng cô bông hồng đơn lẻ. Với vẻ tự nhiên cô nhận bông hoa, như thể cô đã được chuẩn bị sẵn để đón nhận sự dâng tặng ấy, rồi ngay lập tức, trong chớp mất cô vén mạng để lộ khuôn mật và mỉm cười cám ơn chàng. Đố là tất cả những gì cô gái làm. Nhưng cái phút chớp nhoáng ấy là một khoảnh khắc bất tử không những đối với chàng công tử mà còn đối với tất cả những người đàn ông có vinh hạnh được sống cái khoảnh khắc nhức nhối ấy.
Từ lúc đó, công từ lập ban nhạc ngay cạnh cửa sổ phòng Rêmêđiôt - Người đẹp, và đôi lúc ban nhạc chơi cho đến sáng hôm sau. Aurêlianô Sêgunđô là người duy nhất đồng cảm với chàng, và định làm cho chàng tỉnh mộng. "Không nên mất thời gian thêm nữa", anh nói với chàng vào một đêm nọ. "Con gái nhà này còn ngu hơn cả lừa đấy". Anh kết thân với chàng, mời chàng cùng tắm trong sâm banh, cố làm cho chàng hiểu rằng con gái nhà mình có "lòng dạ sắt đá" nhưng vẫn không lay chuyển được quyết tâm của chàng. Khó chịu trước những đêm nhạc kéo dài không dứt, ngài đại tá Aurêlianô Buênđya đã đe doạ dùng báng súng lục để chữa cho chàng cái bệnh tương tư.
Không gì có thể buộc chàng phải từ bỏ mối tình si ấy, ngoại trừ tình trạng loạn trí đáng thương của chính mình. Từ một người đàn ông hào hoa và đứng đắn, chàng trở nên xấu tính và rách rưới. Người ta đồn rằng chàng đã từ bỏ quyền lực và của cải ở quê hương xa xôi của mình, mặc dù trên thực tế không một ai biết đích xác nguồn gốc của chàng. Chàng trở nên người hay cãi vã người chạy bàn trong cái quán giải khát, và rồi một hôm thức dậy người đầm đìa cứt đái của chính mình ngay trong tiệm bác Catarinô. Điều đáng buồn nhất trong tấm thảm kịch của chàng là Rêmêđiôt - Người đẹp không bao giờ để ý đến chàng ngay cả khi chàng xuất hiện trong tư thế một hoàng tử ở nhà cô. Cô thản nhiên nhận bông hồng vàng không hề có ý xấu mà đúng hơn còn thích thú trước cử chỉ quá ư hào phóng của chàng, và cô vén tấm mạng lên cốt để nhìn rõ mặt chàng chứ đâu phải để chàng nhìn thấy mặt mình.
Thực ra, Rêmêđiôt - Người đẹp không phải là một người thuộc cõi thế tục này. Cho đến ngay khi cô đã quá tuổi dậy thì khá lâu rồi, Santa Sôphia đê la Piêđat vẫn còn phải tắm và mặc quần áo hầu cô, và ngay cả khi cô đã có ý thức về mình rồi bà vẫn cứ phải để mắt canh chừng kẻo cô lấy cứt mình vẽ những con vật lên tường nhà. Hai mươi tuổi đầu rồi mà cô vẫn chưa học đọc và học viết, vẫn chưa ngồi vào bàn ăn và tự dùng lấy thìa nĩa, vẫn cứ để truồng thỗn thện đi lại trong nhà, bởi vì bản thể con người cô không chịu được bất cứ hình thức lễ nghi nào. Khi người chỉ huy trẻ tuổi của đội gác thổ lộ tình yêu với cô thì cô đã đơn giản cự tuyệt anh vì những lời nói nông nổi của anh khiến cô quá đỗi ngạc nhiên. "Bà thấy chưa, sao mà anh chàng ấy ngốc thể", cô nói với Amaranta. "Anh chàng bảo cháu là anh chàng đang chết vì cháu, làm như thể cháu là thứ bệnh thổ tả không bằng". Khi thấy anh ta quả nhiên chết bên cửa sổ phòng mình, Rêmêđiôt - Người đẹp dã khẳng đinh lại cảm giác lúc ban đầu của mình:
- Bà thấy chưa? - cô nói vẻ bình phẩm, - anh chàng quả là ngốc!
Dường như có một sự thông minh sắc bén nào đó đã cho phép cô gái nhìn ra bản chất các sự vật ẩn sau bất kỳ hiện tượng nào. Theo cách nhìn của đại tá Aurêlianô Buênđya thì Rêmêđiôt - Người đẹp không phải là người chậm phát triển trí tuệ như người ta vẫn tưởng, mà hoàn toàn ngược lại. "Nó cứ như người vừa trở về sau hai mươi năm lăn lộn trong chiến tranh", ngài vẫn thường nói như vậy. Về phần mình, Ucsula cảm tạ Thượng đế vì Ngài đã thưởng cho gia đình cụ một cô gái cực kỳ trong trắng, nhưng đồng thời cụ lại lo âu trước sắc đẹp của nó, bởi vì cụ cho đó như là một lực lượng siêu nhiên đầy mâu thuẫn, một cạm bẫy của quỉ dữ nằm ngay giữa cái thiện chân. Vì thế mà cụ quyết chí tách cô ra khỏi cuộc sống, bảo vệ cô trước mọi ý muốn thế tục mà không hay rằng Rêmêđiôt - Người đẹp, đã được miễn dịch trước mọi thói xấu của con người ngay từ trong bụng mẹ. Chưa bao giờ cụ nghĩ rằng người ta sẽ chọn cô chắt gái của mình lầm hoa hậu ngự trị nơi trung tâm vũ hội Cacnavan. Nhưng Aurêlianô Sêgunđô, rất thích thú được trá hình con hổ, đã mời cha Antôniô Isaben về nhà để thuyết phức cố nội mình rằng vũ hội Cacnavan không phải là một ngày hội đa thần giáo mà là ngày hội truyền thống của đạo Thiên Chúa. Cuối cùng tuy vẫn còn hậm hực cụ phải nghe theo lời cha xứ đồng ý để người ta phong hoa hậu cho cô chắt gái.
Tin đồn rằng Rêmêđiôt Buênđya sẽ làm chủ ngày hội đã lan đi khắp vùng đồng lầy, bay tới tận những hang cùng ngõ hẻm vốn là nơi sắc đẹp lừng danh của cô vẫn chưa được biết tới và nó gây nên nỗi lo lắng cho những ai đến lúc này còn nghĩ rằng tên họ của cô là biểu tượng cho sự bại hoại. Đó là một nỗi lo không có cơ sở. Nếu có ai trong lúc đó không còn đáng lo ngại nữa thì người đó là ngài đại tá Aurêlianô Buênđya, một cụ già buồn bã, ngày một để mất dần mối liên hệ giữa mình với thực tại đất nước. Giam mình trong xưởng kim hoàn, mối liên hệ duy nhất của ngài với bên ngoài chính là việc buôn bán những chú cá vàng. Một trong số những người lính từng canh gác ngôi nhà đại tá khi hoà bình mới lập lại, ngày ngày đi tới các làng lân cận bán cá vàng và trở về nhà khuân theo tiền vàng và tin tức.
Có tin nói rằng chính phái Bảo hoàng được sự giúp đỡ của phái Tự do đã làm lại luật pháp để mỗi vị Tổng thống có quyền ở ngôi trong khoảng trăm năm. Có tin nói rằng một bản thoả ước với toà thánh Vatican đã được ký kết và nói rằng một vị Hồng y Giáo chủ đội vương miện lấp lánh kim cương, cưỡi trên một ngai bằng vàng cũng đã từ thành Rôm đến và các vị bộ trưởng thuộc phái Tự do đã cho chụp ảnh buổi lễ họ quỳ gối hôn lên chiếc nhẫn của ngài. Có tin nói rằng cô đào cảnh của một gánh hát Tây Ban Nha, trong đêm nghỉ lại ở thủ đô, đã bị một toán người đeo mặt nạ bắt cóc ngay trong phòng ngủ và ngay ngày chủ nhật cô ta đã khoả thân khiêu vũ ở nhà nghỉ mát của ngài Tổng thống nước Cộng hoà. "Chớ có nói chuyện chính trị với ta?", ngài đại tá nói với người lính. "Vấn đề của chúng ta là bán cá vàng". Lời đồn đại nói rằng sở dĩ ngài đại tá không muốn hay biết gì về hoàn cảnh đất nước lã vì ngài đã làm giàu nhờ xưởng kim hoàn của mình, khi đến tai Ucsula đã khiến cụ phải bật cười với cảm quan thực tế rất sắc nhậy của mình, cụ không thể hiểu được công việc kinh doanh của ngài đại tá hết đổi những con cá vàng lấy những đồng tiền vàng, để rồi sau đó lại biến những đồng tiền vàng thành những con cá vàng và cứ như thế luân hồi mãi theo cách thức: càng phải lao động nhiều hơn khi bán được nhiều hơn để thoả mãn cái vòng luẩn quẩn vô vọng.
Quả thế thực, đối với ngài đại tá điều khiến ngài thích thú không phải là kinh doanh mà là lao động. Ngài phải tập trung tâm tưởng đến cao độ để xếp các vảy, để khảm con ngươi vàng bé tí hin vào đôi mắt, để dát mỏng các vảy trước vây sau, để cắm đuôi cho con cá, mà do đó trong tâm tưởng ngài không có chỗ trống để cho nỗi thất vọng vì chiến tranh lẩn vào. Cái nghề nghiệp kỳ khu tỉ mẩn đòi hỏi ngài phải dốc hết trí lực đã làm cho ngài già khọm đi rất nhanh, nhanh hơn tất cả những năm tháng chinh chiến gian lao cộng lại, tư thế ngồi làm việc đã vặn cong sống lưng ngài và con ngươi mắt ngài đã mờ đi mất hết sức nhìn, nhưng sự tập trung tư tưởng cao độ trong công việc đã trọng thưởng ngài, cho ngài một tinh thần thanh thản. Lần cuối cùng người ta thấy ngài quan tâm tới một vài vấn đề có liên quan đến chiến tranh, ấy là khi các cựu chiến binh của cả hai chính đảng đã cầu viện sự giúp đỡ của ngài để đòi chính phủ phải thông qua lương hưu chiến tranh, một thứ lương luôn luôn được hứa hẹn nhưng cũng luôn luôn ở tình trạng mới khởi sự công việc. "Các ngài hãy quên quách nó đi", ngài nói với họ. "Các ngài thấy đấy, ta đã từ chối nó để tránh phải đau khổ trong mỏi mòn trông đợi cho đến chết". Lúc đầu, đại tá Hêrinênđô Mackêt đến thăm ngài vào tất cả các buổi chiều, cả hai ngồi ở cửa nhìn ra đường để cùng nhớ lại quá khứ của mình.
Nhưng Amaranta lại đau khổ không thể ghìm được những kỷ niệm xưa được gợi lại do chính người đàn ông mệt mỏi mà cái đầu hói của ông ta đã đẩy ông ta vào vực sâu của sự già trước tuổi, và do đó bà đã làm khổ ngài bằng những cái không đâu, cho đến khi ngài chỉ đến chơi nhà vào những dịp đặc biệt rồi thì không đến nữa vì bệnh bại liệt buộc ngài phải nằm yên một chỗ. Lầm lỳ, lặng lẽ, không hề nhận ra luồng gió mới đầy sinh khí đang lộng thổi trong nhà mình, ngài đại tá Aurêlianô Buênđya hầu như mới chỉ lùểu được rằng cái bí mật của một tuổi già bình yên không phải là cái gì khác mà chính là sự gắn bó sâu sắc với cái cô đơn. Ngài thức dậy vào lúc năm giờ sáng sau khi ngủ giấc ngủ chập chờn, uống tách cà phê không đường vốn gắn với cả đời ngài, sau đó tự giam mình trong xưởng kim hoàn, rồi đến bốn giờ chiều, ngài kéo lê chiếc ghế đẩu đi dọc theo hành lang mà không hề nhìn vườn hồng đỏ rực hoa, không hề để ý tới vẻ kiên nhẫn đầy nghị lực của Amaranta mà mỗi buồn của bà đang dõi theo một tiếng động kêu u u được cảm nhận vào lúc chiều xuống, rồi ngài ngồi ở trước cửa nhìn ra đường cho tới khi muỗi đốt dữ dội mới thôi. Đôi lúc có người nào đó dám làm khuấy động nỗi cô đơn của ngài.
- Có khoẻ không, ngài đại tá? - họ hỏi ngài khi đi qua.
- Vẫn thế, - ngài trả lời. - Tôi đang đợi đám tang của mình đến.
Vậy là nỗi lo ngại được gây nên bởi sự xuất hiện lại một cách công khai của họ Buênđya qua việc phong hoa hậu cho Rêmêđiôt - Người đẹp đã mất đi những cơ sở thực tiễn của nó.
Tuy nhiên, rất nhiều người không tin như vậy. Ngây thơ trước thảm hoạ đe doạ mình, dân chúng đổ xô về quảng trường lớn trong niềm vin ồn ào khôn xiết. Vũ hội Cacnavan đã đạt tới đỉnh cao cuồng nhiệt, còn Aurêlianô Sêgunđô thoả chí với việc mình giả dạng con hổ, và anh sung sướng đi giữa đám đông tự buông thả, mà gào mà hát tới khản cả cổ họng. Ngay khi đó, trên con đường từ đầm lầy dẫn vào thị trấn xuất hiện một đoàn người giả trang đủ màu đủ vẻ, rước cỗ kiệu thếp vàng trên đó có một cô gái đẹp lộng lẫy đến mức người ta không dám nghĩ tới.
Những cư dân hiền lành của thị trấn Macônđô cùng một lúc gỡ bỏ mặt nạ để có thể nhìn rõ hơn cô gái lộng lẫy trong chiến vương miện gài ngọc bích và chiếc áo khoác bằng lông điểu thử, dường như cô là một hoàng hậu đích thực chứ không phải là một hoa hậu trong vũ hội giả trang Cacnavan. Không thiếu người có lý trì sáng suốt đủ để nghi ngờ rằng đoàn người đó đang định khiêu khích. Nhưng Aurêlianô Sêgunđô đã ngay lập tức vượt qua được tình trạng rắc rối phức tạp này, và anh tuyên bố rằng những kẻ mới đến là khách mời danh dự, rồi anh trịnh trọng đặt Rêmêđiôt - Người đẹp và hoàng hậu đóng giả cùng ngồi trên đài cao. Đến nửa đêm, những người lạ mặt giả trang người Bơđuyn(2) tham gia các trò vui ngây ngất của đêm hội và họ đã khiến trò vui thêm phong phú hơn với thuật hoả công rực rỡ và cả các trò ảo thuật leo dây khiến mọi người nghĩ đến các trò chơi màu nhiệm của người digan. Bỗng nhiên, trong lúc đêm hội đang náo nhiệt nhất, có một người nào đó đã phá vỡ không khí hội hè đầm ấm.
- Đảng Tự do muôn năm! - anh ta hô. - Đại tá Aurêlianô Buênđya muôn năm!
Những tràng súng nổ đã dập tắt ánh sáng rực rỡ muôn màu của pháo hoa, những tiếng kêu thất thanh đầy hoảng sợ đã bóp nghẹt âm nhạc rộn ràng, và nỗi sợ hãi đã xua tan niềm vui.
Nhiều năm sau này dư luận vẫn tiếp tục khẳng định rằng đội lính hoàng gia bảo vệ hoàng hậu đóng giả là một trung đội lính thường trực từng giấu vũ khí thông thường bên dưới bộ áo đẹp đẽ của người Bơđuyn. Trong một thông cáo đặc biệt chính phủ phản đối dư luận trên và hứa sẽ tiến hành điều tra dứt khoát vụ đổ máu này. Nhưng sự thật chẳng bao giờ được làm sáng tỏ, còn lời giải thích rằng đội cận vệ hoàng gia không hề có biểu hiện khiêu khích nào, đã tác chiến theo mệnh lệnh của viên chỉ huy và đã nổ súng không thương tiếc vào đám đông thì vẫn dai dẳng tồn tại mãi. Khi trật tự được lặp lại, cả thị trấn này không còn bóng dáng một người Bơđuyn giả dạng nào, trên quảng trường còn lại những kẻ bị thương và những xác chết, trong đó có ba thằng hề, bốn người đóng vai Côlông, mười bảy hoàng đế, một con quỷ, ba nhạc công, ba hoàng hậu Nhật Bản. Trong lúc hỗn độn đầy hoảng sợ, Hôsê Accađiô Sêgunđô đã kịp cứu thoát Rêmêđiôt - Người đẹp, và Aurêlianô Sêgunđô kịp ôm lấy cô gái đóng giả hoàng hậu với quần áo xộc xệch, chiếc áo khoác lông điểu thử đẫm máu để chạy trốn. Cô gái tên là Phecnanđa đên Cacpiô. Người ta đã chọn cô trong số năm ngàn cô gái đẹp nhất nước và mang cô đến Macônđô với lời hứa sẽ phong cô là hoàng hậu xứ Mađagasca. Ucsula chăm sóc cô như chăm sóc con gái mình. Dân làng, đáng lẽ sẽ hoài nghi vẻ ngây thơ của cô thì lại thương hại đức tính chân thực của cô gái. Sáu tháng sau vụ thảm sát, khi những người bị thương đã bình phục hẳn và những bông hoa cuối cùng để ở mộ chung đã héo, Aurêlianô Sêgunđô đã đi tìm cô ở một thành phố xa xăm, nơi cô đang sống với cha mình, rồi sau đó cưới cô ở thị trấn Macônđô trong một tiệc vui ồn ĩ kéo suốt hai mươi ngày.
Chú thích:
(1) El Cachorro, tiếng Tây Ban Nha, nghĩa: Cáo con.
(2) Người A-rập du cư thường sống ở nước họ hoặc sông rải rác ở Syri hoặc ở Châu Phi xích đạo