Người chết trôi đẹp nhất trần gian
Gabriel Garcia Márquez
Có một vật màu xám mang vẻ bí hiểm từ ngoài khơi đang rạt vào bờ. Những đứa trẻ nhìn thấy nó, lúc đầu tưởng là một chiếc tàu chiến dịch. Nhưng sau thấy nó chẳng treo cờ cũng chẳng có hệ thống cột buồm, chúng lại nghĩ rằng đó là con cá voi. Khi vật đó đã đậu lại ở bãi biển, bọn chúng liền ùa xuống nước, xúm lại thi nhau gỡ hết rong rêu, vẩy cá, cả xác những con sứa bám xung quanh, chỉ đến lúc này lũ trẻ mới nhận ra là người chết trôi.
Thế là cả buổi chiều hôm ấy, chúng nghịch cái xác chết, hết đào lên lại chôn xuống cát. Bỗng có người nhìn thấy, kêu toáng lên cho mọi người hay biết, lúc ấy chúng mới chịu thôi. Những người đàn ông khiêng cái tử thi này về một ngôi nhà gần nhất đều kêu rằng, họ chưa hề khiêng một người chết nào nặng như thế và họ bảo với nhau rằng vì ngâm lâu dưới biển nên nước đã ngấm tới xương. Khi cái xác đã được đặt xuống sàn nhà, người ta nhận thấy đó là một cái xác to đùng chưa từng có bởi nó choáng gần hết gian nhà. Nhưng mọi người lại nghĩ rằng theo đặc tính tự nhiên của những tử thi chết trôi bao giờ nó cũng trương phình ra. chỉ có hình thù của nó cho phép người ta nhận ra đó là một cái thây người bởi vì da của nó được bao phủ bởi một lớp bùn mang màu xanh của biển.
Không cần phải rửa mặt cho anh ta cũng nhận ra anh là một ngừơi lạ mặt. Làng này chỉ có 20 nóc nhà lá, sân lủng củng những sỏi cùng đá chẳng có bồn hoa cũng không có cây ăn quả. Những ngôi nhà này được dựng trên một doi đất đã heo hút lạI rất hẹp đến nỗi mỗi bận đi vắng, các bà mẹ đều lo gió thổi con mình ra biển. Làng hẹp đến nỗi không có đất để mai táng người chết và buộc phải ném tử thi xuống vực biển. nhưng biển ở đây rất hào hiệp và hiền lành đối với con người; vả lại đàn ông trong cái làng này không lấy gì làm đông lắm, chỉ cần 7 chiếc thuyền cũng vừa đủ chở họ. Do đó, khi có cái xác chết trôi này những người đàn ông trong làng đưa mắt nhìn nhau đã biết ngay trong số họ không thiếu một ai.
Đêm đó, đàn ông không đi biển. Họ vội tản đi các làng lân cận hỏi xem ở đó có người mất tích không. Đàn bà ở lại trông nom người chết trôi. họ lấy bã cói cọ thật sạch bùn cho người chết trôi, rồi lấy chiếc lược làm bằng đồI mồi gỡ hết rong biển bám vào tóc của anh ta. Trong lúc tắm gội cho người chết, các bà các chị thấy rằng rong rêu này là thứ chỉ có ở biển Thái Bình Dương và áo quần của anh ta rách bươm như thể anh ta đã bơi qua rừng san hô. Họ còn nhận ra rằng người chết trôi này rất kiêu hãnh bởi anh không mang biểu hiện cô đơn thường thấy ở những người chết trôi ngoài biển, cũng chẳng có biểu hiện gì là cầu cứu của những người chết đuối trong sông. Khi tắm gội cho người chết trôi này, mọi người bỗng nín thở im lặng vì nhận ra anh thuộc lớp người hiếm có không chỉ anh là người cao nhất, khẻo nhất, dũng cảm nhất mà còn ngay khi ngắm nhìn anh, họ vẫn không tin được trong cuộc đời lại có người đàn ông đẹp đến thế...
Khắp cái làng này không có lấy một chiếc giường đủ rộng để anh nằm vừa, cũng chẳng có chiếc bàn nào chắc chắn đủ sức chịu nổi sức nặng của anh. Anh không mặc vừa quần áo của đàn ông làng này dù đó là quần diện ngày lễ của những người đàn ông cao to nhất, dù đó là sơ mi diện hằng ngày của những người đàn ông vạm vỡ nhất. Cả những đôi giày ngoại cỡ đóng đẹp nhất cũng không vừa chân anh. Cái cơ thể ngoại cỡ và đẹp đẽ đó của anh khiến các chị các cô khoái chí và thế là họ lấy luôn vải buồm may cho anh chiếc quần và một chiếc áo sơ mi để anh đi sang thế giới bên kia với tất cả niềm kiêu hãnh của mình. Ngồi thành vòng tròn, các chị vừa khâu quần áo, vừa ngắm nhìn anh và thốt nhiên nhận ra chưa bao giờ cơn gió lại gào thét như lúc này và biển Caribe cũng chưa bao giờ sôi động như đêm ấy, các chị đoán rằng những thay đổi bất thường của thiên nhiên là những điềm báo ít nhiều có liên quan đến người chết trôi này. Họ nghĩ rằng, nếu con người quý hóa ấy mà sống ở trong cái làng này thì nhà của anh hẳn phải có cửa rộng, trần cao, sàn chắc chắn nhất, giường nằm của anh hẳn phải rộng rãi vững chắc nhất và người vợ của anh hẳn phải là người phụ nữ hạnh ohúc nhất. Họ lại nghĩ rằng anh là người có mãnh lực đến mức có thể gọi tên cá, cá phải nhẩy lên khỏi biển; khơi dòng nước ngọt, nước ngọt phải chảy ra ngay nơi chỉ có đá phèn, trồng hoa trên vách biển hoa phải nở…Họ thầm so sánh anh với chính các đức ông chồng của mình và cho rằng cái đám đàn ông ấy không có khả năng làm trong cả cái đời mình cái mà anh chỉ làm trong một đêm và tự đáy lòng mình các chị chán ngấy những con người đó, coi như họ là những sinh vật tởm lợm và vô vị trên mặt đất này. Bọn họ cứ mãi mê theo đuổi những ý nghĩ ma quái ấy cho tới khi có một cụ già nhất, mà vì là người già nhất nên cụ đã có thể bình tâm quan sát người chết trôi, bỗng thở dài nói:
-Người này có khuôn mặt của Êxtêban.
Đúng vậy, phần lớn chị em khi nghe nói nhìn lại người chết thêm một lần nữa đã không thể không nhận đó là Êxtêban. Nhưng các cô gái trẻ, vốn bướng bỉnh hơn, vẫn khăng khăng cho rằng nếu mặc quần áo tử tế cho anh, nếu đi giày màu vecni cho anh và nếu quàng cho anh rất nhiều hoa thì anh sẽ có cái tên là Lautêrô. Nhưng đó chỉ là ý tưởng tượng trống rỗng thôi. Do thiếu vải nên quần áo cắt cho anh đều không vừa. Chiếc quần đã cắt tồI lạI may vụng nên anh mặc chật căng. Chiếc áo sơ mi vừa cài khuy xong thì cả hàng cúc đứt tung, dường như cái sức sống tiềm ẩn trong trái tim anh đã dứt đứt những chiếc cúc ấy. Sau nửa đêm, tiếng gió hú ngày một yếu dần và biển Caribe cũng ngày một lặng hơn. Trái lại căn phòng này bỗng trở nên ồn ào hơn bởi vì không còn nghi ngờ gì nữa người chết trôi này chính là Êxtêban. Những chị đã mặc quần áo cho anh, những chị đã cắt móng tay cho anh, những chị đã chải đầu cho anh, không thể ghìm lòng mình được nữa khi buộc phải đặt anh xuống sàn nhà. Ngay lúc này, chị em mới hiểu rằng với tấm thân ngoại cỡ ấy, anh đã phải chịu bao nỗi bất hạnh, bất hạnh ngay cho đến khi đã chết.
Người ta buộc anh phải đi cửa bên khiến anh va phải bậc cửa đến bươu đầu, buộc anh phải đứng suốt buổi không biết làm gì với đôi bàn tay trắng hồng mềm mại khi bà chủ nhà tìm cái ghế đẩu chắc chắn mời anh ngồi mà lòng thấp thỏm sợ ghế gãy: “Êtêban ơi! Hãy ngồi xuống đi! Làm ơn ngồi xuống nào” , còn anh, lưng tựa vào tường, mặt mày hớn hở: “ Bà ơi! Cứ để mặc cháu, cứ để cháu đứng thế này cũng được mà” , vẫn tựa lưng vào tường trên đôi chân đỏ hỏn và cái lưng đã chai ra do phải lặp đi lặp lại một động tác duy nhất trong tất cả các buổi thăm viếng hàng xóm, “ bà ơi! Bà đừng ngại, cứ để mặc cháu đứng thế này cũng được” ; mà hình như anh làm thế cốt để khỏi mang tiếng to xác ngồi gãy ghế nhà người ta và hầu như chẳng bao giờ anh để ý tới điều mà có những người khi đứng trước mặt anh thì mời mọc tha thiết: “Đừng đi vội Êxtêban nhé! Hãy đợi một lúc cho tới khi nào cà phê nóng đã”, nhưng khi anh vừa đi khỏi thì lại lẩm bẩm: “ thế là đã cút đi rồi cái thằng ngớ ngẩn to xác, sao mà tốt thế, cái thằng to đầu dễ thương”. Các bà nghĩ tới điều đó trước lúc trời gần sáng… Sau đó ít lâu, khi lấy khăn che mặt cho anh, các bà các chị thấy anh đã vĩnh viễn chết rồi, nom anh yếu ớt y hệt các đức ông chồng của mình và họ đã khóc anh bằng những dòng nướt mắt chảy từ trái tim mình. Chính cô gái trẻ nhất đã khóc oà lên trước tiên. Những người đàn bà khác, do ấm ức mãi rồi, được thể cũng oà lên khóc theo, lúc đầu còn là những tiếng thở dài não nuột sau đó là những tiếng than khóc, bởi cái người chết trôi ấy đối với họ ngày càng hiển nhiên là Êxtêban. Họ khóc anh mãi tới mức anh trở thành người cô đơn nhất thế gian, trở thành con người hiền lành nhất, con người tận tụy nhất, Êxtêban đáng thương! Họ cứ khóc rưng rức như vậy cho tới khi những người đàn ông trở về nói rằng: “ Người chết trôi này không phải là người của các làng lân cận. Thế là các bà, các chị, các cô cảm thấy một niềm vui lâng lâng giữa hai hàng nước mắt:
-Lạy chúa! - bọn họ nói – Đích thị là người của chúng ta rồi.
Những người đàn ông tin rằng đó chẳng qua chỉ là nỗi sợ thoảng qua của bọn đàn bà mà thôi. Đêm qua, do phải chạy đi hỏi các làng dân cận có người mất tích không, nên giờ đây họ đều mệt bã ngừơi. Họ chỉ mong trút bỏ ngay lập tức cảnh ồn ào như ong vỡ tổ do cái xác chết gây ra trước lúc ông mặt trời lên cao tải nắng lửa xuống, nhất là trong cái ngày oi bức không một ngọn gió này. Bọn họ vội vàng lấy cột buồm buộc thành một cỗ đòn chắc chắn đảm bảo khiêng cái xác chết trôi này ra tới vực biển nơi làng thường “an táng” người chết của mình. Bọn họ còn muốn buộc thêm cái mỏ neo to vào củ khoai chân của xác chết để nó chìm hẳn xuống đáy biển, nơi cá phải mù mắt và những người thợ lặn giỏi nhất cũng không bao giờ lặn tới. Bằng cách này, họ nghĩ thế, dòng nước ngược không thể đẩy lại xác chết trở lại bãi biển như đã có một vài trường hợp trước đây từng xảy ra.
Song trong lúc đàn ông càng khẩn trương làm vịêc thì đàn bà bày vẽ đủ chuyện để làm mất thời gian. Hốt ha hốt hoảng như gà mẹ mất con, bọn đàn bà chạy tới lục trong rương hòm để tìm những chiếc bùa hộ mạng cho những người đi biển. Ở chỗ này mấy cô tranh nhau đeo cho anh những chiếc bùa cầu gió thuận, chỗ kia mấy bà tranh nhau đeo cho anh những chiếc vòng tay phước. Và sau nhiều lần quát tháo ầm ĩ: hãy cút khỏi nơi đây, hãy tránh ra đằng kia, này, nhìn đây này, suýt nữa làm ngườI ta ngã vào xác chết…, bọn đàn ông giận tràn hông và bắt đầu chửi bới vì sao lại đeo nhiều vòng quý cho người chết vô chủ này thế: à mà các bà không biết hắn đeo nhiều như thế kia thì cá mập lại không biết đuổi theo rỉa hết à. Mặc cho các ông muốn nói gì thì nói, các bà cứ tiếp tục đeo những trang sức quý của mình cho anh, cứ bắng nhắng đi qua lại va phải các ông. Lúc này các bà, các chị, các cô không khóc nữa mà chỉ đôi lúc bật ra những tiếng thở dài não ruột. Chính điều này càng chọc tức bọn đàn ông hơn, khiến họ càng giận hơn, buộc họ phải nói: ở đây chưa từng có chuyện như thế chỉ vì một người chết trôi xa lạ, một cái xác vô chủ, một của thừa thiu thối. Ngay tức khắc, một bà không nén giận được, đã lật tung cái khăn che mặt của người chết và thế là cả đám đàn ông câm họng im bặt.
Đó là Êxtêban. Bọn đàn ông không thể nghi ngờ được nữa. Nếu như có ai đó nói với họ rằng đó là ngài Oantơ Ralitx thì có lẽ chính họ hình dung ra ngài với thứ tiếng Anh nói giọng Mỹ của ngài, với khẩu súng săn và chú vẹt của ngài đậu trên vai, song đây lại là Êxtêban, một con người hiền lành trên thế gian này. Như con cá, anh nằm trên sàn nhà mặt chiếc quần chật ních, cái áo sơ mi phanh cúc, chân không quấn xà cạp, móng chân anh thô phải dùng dao mớI cắt nổi. Chỉ cần nhìn mặt anh một lần là đã nhận ngay ra vẻ bẽn lẽn của anh, rằng anh không có tội gì ngoại trừ điều anh là người cao lớn quá, nặng quá, đẹp quá và nếu như anh biết trước sự thể sẽ diễn ra như thế này, anh đã tìm tới nơi thật bí mật để trầm mình, thật đấy, nói một cách nghiêm túc đấy. Sự hiện diện của anh là có thực, rất thực đến mức ngay cả những người đàn ông hay ngờ vực nhất, những người trong những đêm thanh vắng ở ngoài khơi đang héo ruột héo gan lo ở nhà vợ mình vì đợi họ no chán vẫn không thấy về, ao ước được chung chạ với những người chết trôi, chính những con người ấy và cả những người đàn ông sắt đá nhất cũng đã phải mũi lòng thật sự trước Êxtêban chân thành.
Rồi đám tang của Êxtêban được cử hành với nghi thức trọng thể nhất có thể có đối với một cái thây vô chủ. Những cô gái đi hái hoa ở các làng bên cạnh khi trở về đã mang theo một số bạn bè vốn không tin chuỵên các cô kể; đến lượt những cô này, sau khi đã tận mắt nhìn thấy người chết trôi đẹp nhất trần gian, đi kiếm thêm hoa cho anh khi trở về lại kéo thêm nhiều cô khác…. cứ như vậy cho tới khi làng nầy đầy hoa và đông nghịt người đến nỗi không len chân nổi. Phút cúôi cùng của tang lễ đã đến và mọi người không đành tâm đưa anh côi cút đi về thế giới bên kia nên làng chọn cho anh một ông bố và một bà mẹ trong số những cụ già được kính trọng nhất, một số người nhận là anh em ruột của anh, số khác nhận là chú, bác, cô, dì, cháu, chắt, là anh em họ với anh… Thế là nhờ đó có anh mà cả làng này bỗng chốc trở thành những người ruột thịt của nhau. Tít ngoài khơi xa, khi nghe thấy tiếng khóc đưa ma, có một số thủy thủ bỗng dưng mất phương hướng và người ta còn biết rằng trong số họ có một người khi nhớ tới câu chuyện những nàng tiên cá thưở xưa đã lấy thừng nhờ đồng đội trói mình vào cột buồm chính. Trong lúc tranh nhau khiêng người chết trôi đẹp nhất trần gian này, trước vẻ đẹp rực rỡ của anh, những người đàn ông, những người đàn bà lần đầu tiên cảm thấy những con đường chạy trong làng mình sao mà trống trải, nhận thấy những ước mơ của họ sao mà chật hẹp thế. Người ta ném người chết trôi xuống biển không cần buộc thêm mỏ neo để đề phòng khi anh muốn, hay khi nào anh muốn thì anh trở về với dân làng. Chẳng cần phải nhìn nhau, dân làng cũng biết họ đã thiếu mất một người, rằng từ nay trở đi không bao giờ họ sẽ có anh bên cạnh. Nhưng họ lại nhận ra rằng, từ đây trở đi, tất thảy rồi sẽ khác đi, những ngôi nhà của họ rồi sẽ có cửa rộng, trần cao, sàn chắc để hồn Êxtêban dạo chơi khắp làng mà không va đầu vào bậu cửa, và trong tương lai sẽ không còn ai lẩm bẩm cái mồm, thế là đã chết rồi cái thằng ngố to xác, thế là đã về chầu tổ cái thằng ngố xinh xinh, thật là đáng thương bởi chính họ sẽ là những người sơn qúet lại tường nhà bằng những màu sắc vui mắt để mãi mãi kỷ niệm Êxtêban, và rồi chính họ sẽ phá hoang, khai dòng nước ngọt và trồng hoa trên vách đá vực biển, để một buổi mai nào đó, ngay giữa khơi, hành khách đi trên những con tàu khổng lồ bỗng thức dậy trong mùi hương nhài ngào ngạt, và chính cái sự kiện đó khiến vị thuyền trưởng trang trọng trong bộ đồng phục đắt tiền, ngực lấp lánh huân chương chiến công, một tay cầm ống nhòm, từ trên buồm chỉ huy bước xuống boong tàu, tay chỉ hòn cù lao nằm ở phía chân trời biển Caribê và nói bằng 14 thứ tiếng: hãy nhìn về phía đó, nơi mà lúc này cơn gió đang say ngủ dưới gậm giường, ở đó, nơi mà giờ đây mặt trời đang chói chang toả rạng khiến hoa hướng dương phải lúng túng không biết hướng về ngả nào, chính nơi ấy là làng của Êxtêban.