Nổ như đại bác
Vũ thị Thiên Thư
Tiếng mở đầu cho mỗi câu đối thọai của anh Tám là tiếng chưởi thề. Người anh gầy quắt queo, tóc tai dù có cắt tỉa , chải gỡ cho gọn gàng, cũng không giấu được cái vẻ gàn bướng ngang tàng cuả một tay cố tình làm dáng anh chị. Với dáng dấp cùng ngôn ngữ đó, nếu không quen với anh, thì dù cho có người ân cần bảo lảnh tôi cũng rất ngại ngùng khi phải tiếp xúc.
Câu chuyện tôi quen với anh cũng thật tình cờ, đầu dây mối nhợ do một người bạn cùng quê, chị ấy đến thăm, dẩn theo một nhóm người, gồm có anh Tám và bầu đoàn thê tử, chị nhờ chúng tôi chỉ đường cho anh Tám đi thăm chợ phiên ở Lowell , nghe nói nơi đó dân của các nông trại chunh quanh thường mang các sản phẩm đi buôn bán hay đổi chác, từ những con thú vật nhỏ như gà vịt, chim chóc, mèo chó, cho đến các thú vật lớn như heo dê, bò ngựa, thú nuôi gây giống cho nông trại …Vừa gặp anh, chưa kịp dứt câu chào hỏi, anh đã mở miệng cho ra một tràng dài. Tôi không quen nghe thứ ngôn ngữ của anh, thật là nhức nhối, lùng bùng cả hai tai, nhưng khi tôi trò chuyện với chị bạn và vợ anh thì thật là như hai thái cực, chị cười nhẹ bảo cái ngôn ngữ dao búa của anh không hù được ai, bản tính anh rất tốt bụng, kiểu cách của những tay anh chị dân chơi, những bạn bè có cần gì đến cầu cứu, dù chuyện to hay nhỏ anh cũng sẵn sàng giúp đở. Vợ anh, vóc người nhỏ nhắn, nói năng từ tốn, chậm rãi, tính tình có vẻ hiền hòa đôn hậu. Nhìn chung, hai vợ chồng thật trái ngược, anh thì ăn to nói tục, chị thì nhỏ nhắn dịu dàng , giống như mang bình hoa bằng pha lê mà cắm cỏ dại vào, không ai dám nghĩ rằng họ là đôi vợ chồng, nói chi đã có với nhau sáu mặt con và sống chung hơn phần tư thế kỷ.
Chị Tám đi làm cho một hảng điện tử nhỏ, là chuyên viên ráp nối, ngày nghỉ thì phụ giúp anh trong công việc may vá. Hai cô con gái lớn vừa đi học về là chung nhau lại phụ cắt chỉ, đơm nút kết khuy, mấy đứa bé thì xếp quần áo lại cho thẳng nếp, tất cả người trong gia đình anh, hai vợ chồng và sáu đứa con, ai cũng có công việc để làm, anh còn khoe rằng :
- Anh còn muốn đẻ chục đứa cho vui nhà, ngặt vì qua tới đây, thương bà xã cực quá nên ráng nhịn đó
- Anh chỉ nói đùa thôi, chứ sáu đứa chăm nuôi cũng mệt lắm rồi, hơn chục đứa làm sao anh lo nổi ?
- Thím nó khéo lo, trời sanh voi sanh cỏ, con anh đứa nào cũng đầy đủ tay chân, chờ tụi nó lớn lên mình tìm thêm việc làm lo gì không có miếng ăn.
Chúng tôi dẫn đường cho gia đình anh đi thăm khu chợ phiên, họp ở Lowell mỗi tháng hai lần, vào mùa đông chợ họp buổi sáng thứ tư của tuần số chẳn. Mùa hè mỗi tuần một lần vào chiều thứ bạ Nông dân sống ở các nông trại nhỏ chung quanh, họ mang đến bán đủ thứ thú vật nuôi trong nhà từ chó mèo, cho đến thú chăn nuôi cho nông trại như heo giống, bò giống, dê, trừu, ngựa…gà vịt lớn bé để chung từng lồng, mỗi lồng từ một, hai, đến cả chục con, ngoài ra còn rau cải, trái cây, mật ong nuôi, bánh trái quà vặt …nói chung thì cũng ồn ào huyên náo, giống như bất cứ khu chợ phiên bình thường của quê nhà trước đây, chỉ khác nhau về ngôn ngữ, họ nói chuyện bằng tiếng Anh chứ không phải thứ tiếng Việt ngọt ngào yêu dấu của chúng ta.
Anh Tám hỏi tôi làm thế nào để biết cách mua bán bây giờ? Không thấy giá cả gì hết. Tôi giải thích với mọi người là hầu hết thú vật được bán bằng cách đấu giá công khai, khi người xướng ngôn điều khiển phiên chợ khởi xướng, anh ta sẽ theo thứ tự, lần lượt chỉ vào lồng nào và bắt đầu từ giá thấp nhất, mọi người muốn mua thì trả giá cao hơn, ai trả cao nhất thì mua được. Tôi nhắc anh Tám đi một vòng, xem thử lồng gà vịt nào anh ưng ý thì chỉ nhắm vào đó mà trả giá thôi. Anh tẩn mẩn đến từng lồng ngắm nghía, lồng nầy chỉ có gà giò, lồng kia thì vịt vừa lứa. Đến khi người điều khiền buổi đấu giá xách cái loa cầm tay , chuẩn bị lên giọng xướng, anh ta nói thật nhanh và liên tục giòn giã như những người điều khiển trò chơi lô tô trong ngày Tết xa xưa của quê nhà, cả gia đình anh Tám đứng ngẩn ngơ.
- Ông ta nói cái gì mà tía lia vậy ? Anh Tám nầy nổi danh là nổ như đại bác mà coi bộ thua cái ông máy nói nầy rồi đó.
- Anh ta đang gọi giá, anh hãy nhìn kỹ chung quanh mình, những người đưa tay lên là họ ưng thuận trả tiền với giá anh ta đang gọi, nếu người khác cũng muốn mua thì anh ta sẽ tiếp tục kêu giá cao hơn cho đến khi nào mọi người cùng bỏ cuộc thì người theo đến cuối cùng sẽ mua được món hàng
- Chi mà phiền qúa vậy, bán bao nhiêu thì bán, để giá vào cho tiện, ai muốn thì mua phứt cho rồi, bày đặt đấu giá, cái kiểu nầy ai biết đường đâu mà mua, tiếng Mỹ hàng ngày anh còn chưa nghe dược, nó rao hàng như cái máy hát nhựa cà lăm, nghe nổi gì.
- Anh chưa quen thôi, từ từ sẽ biết mà.
- Thôi, Chú Thím coi chừng, đấu dùm anh hai cái lồng nầy nhé, bi nhiêu thì bi.
- Anh Tám, nhiều lắm đó, lồng nầy có mười hai con gà, lồng kia sáu con vịt lận, anh mua nhiều quá, làm thịt sao cho kịp ? Nhốt lại không được,vì anh ở thành phố, luật mỗi nơi khác nhau, chưa kể hàng xóm không chịu được mùi gà vịt hôi hám, họ gọi cảnh sát thì phiền lắm.
- Thím nó không biết, anh có cách nhốt mà, nhưng cũng đâu có bao nhiêu, sáu con vịt chỉ cần có dăm bữa tiết canh là xong ngay, nói không phải khoe với thím chứ anh Tám nầy đánh tiết canh chuyên nghiệp, hãm tiết một cây xanh dờn, bao lâu cũng không đặc, miễn tới giờ ăn thì chỉ cần đổ nhưn một chút là có tiết canh ăn.
- Anh hãm tiết bằng cách nào? Có chịu dạy cho em không ?
- Thím hơi đâu mà học cho nó mệt óc, muốn ăn tiết canh thì chỉ gọi anh một tiếng là có ngaỵ anh còn tính mở nhà hàng nữa đó, hôm nào anh mời chú thím sang nhà, anh trổ tài đầu bếp, nấu thức ăn đãi chú thím một bữa.
Mà anh đãi thật, cuối tuần đó anh khẩn khoản mời vợ chồng tôi sang nhậu với anh. Tôi tò mò nhiều hơn là thèm thức ăn nên cũng ráng đi cho biết. Anh chuẩn bị bữa nhậu rất chu đáo, nghe nói nhà tôi rất thích tiết canh nên nhất định để dành con vịt to nhất lại để lấy tiết đánh chén. Chúng tôi đến nơi, bước vào nhà, anh dang mặc áo thun lá, đầu cột khăn mù xoa tam giác trên trán, nhìn anh giống như hải tặc.Trước mặt anh , là một tấm thớt gỗ, tay cầm con dao bàng to nhịp nhàng lên xuống, anh đang bầm xương cánh và cổ để làm nhân. Vợ anh đang thái thịt vịt, gan, mề…trên bàn đã có sẵn rau húng quế, ngò gai, và một chén đậu phọng rang vàng bóc vỏ. Trên bếp gas còn hai nồi nước đang bốc khói.
- Anh không thích làn nhưn bằng thịt nạc.Nhưn phải dùng xương cổ và xương cánh bằm chung lại, trộn củ hành tây, chút tiêu, gừng , tiết canh phải nhai như vậy mới ngon , thịt nạc không ăn xảm xì..,
Hai tay anh tiếp tục bằm, miệng vẫn nói liên tục. Tôi nhớ lại anh tự hào “nổ như đại bác” mà tức cười, anh đúng là nổ như đại bác, liên tục giòn giã .Tôi vào phụ với vợ anh, nhặt rửa các thứ rau tươi, xếp theo từng loại, cắt chanh ớt cho vào mấy cái dĩa nhỏ. Vợ anh mang chiếc chiếu hoa ra trải xuống sàn nhà, tôi đến giúp chị một tay, bày biện chén dĩa. Anh Tám nghiêng lưỡi dao bàng, tém cho gọn khối thịt đã bằm nhỏ, chia ra từng phần đều nhau, chọn mấy cái dĩa hơi sâu lòng, trên mỗi dĩa anh trải đều một lớp thịt vịt đã bằm nhuyển, chút gừng, củ hành thái nhỏ, một chút rau húng quế, bàn tay anh nhanh nhẹn khỏa cho bằng mặt, xong xuôi, anh mang tô nước dùng múc ra sau khi luột vịt, đang để nguội, chan từng giá nước dùng, pha thêm vào tô tiết vịt đã hãm, đánh cho đều, cẩn thận đổ vào dĩa thịt. Từng dĩa tiết xếp thành hàng màu đỏ thật tươi thắm, chỉ ít lâu là tiết canh đã đông cứng lại như thạch, anh thúc giục gọi mọi người mau ngồi xuống đánh chén. Dù anh cố gắng mời mọc, nhưng vốn không quen ăn, nên tôi xin phép được từ chối. Anh lại hối vợ con dọn thêm các thức ăn khác,vì biết các bà không quen với món mồi nhắm đặc biệt của dân nhậu nầy, anh đã nấu sẵn bún măng, thịt vịt luộc mang ra chặt thành từng miếng, xếp vào dĩa, bên cạnh chén nước mắm để chấm, pha lại với chanh đường và gừng giã nhỏ, anh còn làm các món dưa chua và giò thủ. Vừa ăn vừa giải thích cách làm từng món một, miệng anh nói không ngừng, mỗi chấm câu là một tiếng chưởi thề, ngôn ngữ của anh bình thường đã đầy đủ màu sắc, thêm vào dăm ly rượu Cognac, tăng thêm bao nhiêu là mùi vị, tôi nghe đến lùng bùng cả hai tai.
Anh uống rượu Cognac pha với soda như chúng ta uống nước, còn nhắc lại cái thuở đương thời, lúc tuổi thanh niên huy hoàng uống thi cả đêm, sau một ly rượu Cognac không pha thì nốc vào một ngụm Coca Cola, thật là Tây Mỹ đề huề, tôi đã từng thấy các bác bạn bè của Ba tôi khi ngồi uống Cognac với nhau trong dịp giỗ Tết, nhưng chưa thấy ai uống như vậy bao giờ, ngay cả nhà tôi cũng lắc đầu xin chịu thua.
Suốt mùa hè, anh vẫn thường trở lại khu chợ phiên, lần nào cũng ghé ngang thăm, uống dăm ba lon bia lạnh, đi chợ về khi thì biếu một ít rau quả, khi thì con gà giò thấy tôi ái ngại, anh bảo
- Chú nó mắc đi làm hảng xưởng, không phải nghề tự do như anh, không có thời gian đi mua thím cứ lấy mà ăn, anh mua nhiều lắm họ nuôi như vậy mà mang đi bán rẻ rề.
- Thôi anh mang về cho các cháu, tụi em cũng đi chợ mua được mà.
- Đừng có khách sáo, chú thím không chỉ chỗ đó thì anh cũng không biết đâu mà đi mua, có mấy người bên đó biết chỗ đi mua, nhưng họ giấu biệt, chỉ chỏ lung tung, còn nói khó khăn đủ thứ, xấu bụng quá trời, chú thím chẳng những dắt đi mà còn chỉ cách mua nữa, anh không quên ơn đâu.
- Anh à! Thật ra có gì đâu, chuyện nhỏ mà.
- Làm ơn thường không cần phải nhớ, nhưng thọ Ơn mà không trả thì nợ lại kiếp sau, thôi anh về.
Tôi quên đi một thời gian, không thấy anh sang thăm, bất ngờ anh gọi lại báo tin là muốn mở một tiệm may ở thành phố bên cạnh, gần nơi chúng tôi cư ngụ, đi chừng nửa tiếng thôi. Anh dự trù vừa may vừa nhận sửa chữa quần áo, có thể kiêm luôn giặt ủi. Tôi chẳng biết anh lo đi xin phép tắc ra làm sao, mở một cửa hàng kinh doanh như anh mà không biết xin loại môn bài nào bây giờ. Ngay cả cái tòa thị chánh, anh cũng không biết nó nằm ở chổ nào nữa thì làm sao xin ? Nhưng rồi cuối cùng thì anh cũng khai trương được cửa hàng. Anh gọi điện thoại mời chúng tôi đến dự tiệc, lần đầu , anh khoe với chúng tôi những công trình sửa chữa của anh và thằng đệ tử. Mọi thứ trong cửa hàng do chính tay anh làm lấy. Suốt tháng cưa đóng, dán giấy, sơn phết… trông cũng rất là sạch sẽ khang trang, thôi thì cũng mừng cho anh có nơi chốn làm ăn.
- A lô! Thím nó đó hả ?
- Da, anh Tám có cần gì không, sao lại gọi giờ nầy vậy? Tốn tiền lắm.
- Thím làm ơn nói chuyện với ông Mỹ nầy, ổng nói tùm lum, anh chẳng hiểu ổng muốn cái giống gì nữa.
Người trong điện thoại hỏi mấy câu, nhờ tôi nói lại với anh Tám, ông ta cần sửa cái áo, thâu ngắn hai cái lai quần cho ông và hỏi anh lấy bao nhiêu tiền công.
Tôi lập lại như lời dặn, thầm nghĩ không biết cái công việc thông dịch bất đắc dĩ nầy sẽ đi đến đâu. Anh Tám mở tiệm may, tôi không biết rõ anh may vá như thế nào, anh thường khoe khoang là cắt may theo kiểu Tây, chớ tụi Ăng lê không mặc như vậy, tụi Mỹ càng thích …tôi thật không ý kiến. Trước đây, chỉ biết anh có thêm mối nhận sửa lại những bộ âu phục, người gởi tận tiểu bang Ohio, họ gởi từng thùng, sau khi sửa xong thì anh lại đóng thùng và gởi trả lại. Công việc thuận tiện vì anh có thể làm tại nhà và nhất là có thể kiếm cơm gạo cho vợ con thoải mái. Không như lúc chân ướt chân ráo mới tới đây , anh vào làm cho một hãng may, nhưng trở ngại chính là ngôn ngữ bất đồng, mớ vốn Anh Ngữ hạn chế của anh gây nên bao cảnh cười ra nước mắt. Anh lang thang qua nhiều hãng xưởng, cuối cùng mới tìm được công việc tạm ổn nầy.
Tôi thật không thể hiểu nổi con người với cá tính đặc biệt của anh, Anh làm công việc gì vẩn tính toán như thói quen và cư xử theo luật giang hồ. Anh thích biễu lộ sự đảm lược, anh hùng tính, nhưng lại áp dụng vào những lúc thật trớ trêu. Không biết bao nhiêu lần, anh hành xử quyền tự do mà không cần biết đến luật pháp. Chuyện sẩu^y ra vào mùa hè nầy, chỉ vào khoảng sân trống sau nhà, bảo tôi,
- Anh dự trù sẽ xây một căn gác hai tầng, làm lan can chung quanh để chiều chiều ngồi nhậu lai rai hóng mát.
Tôi hỏi anh đã gọi nhà thầu đến khảo giá cả chưa? Và giải thích là anh phải xin giấy phép xây cất của thành phố, vì cần phải theo đúng tiêu chuẩn, điện nước, cũng như hệ thống vệ sinh, tất cả phải an toàn như luật định. Nhà thầu sẽ lo hết mọi chuyện, nhưng mình cũng phải theo dõi xem họ xây cất thế nào .Anh cứ nhất định bảo
- Bọn nhà thầu làm không hơn anh dâu, chỉ cần búng một ngón tay, anh sẽ làm xong ngay cho mà coi.
Anh làm thật, cuối hè anh mời chúng tôi đến mừng sinh nhật cho thằng Út, chúng tôi đến nơi thấy anh còn áo thun quần cụt, tay cầm búa đóng đinh , vẫn cái khăn quấn đầu như hải tặc , anh đóng cho sát mấy mũi đinh trên cầu thang mới “ cáu cạnh ” dẩn lên tầng trên của căn gác sau nhà, thành tích ba tháng lao động vất vã của hai thầy trò. Tôi phải thành thật khen anh tính toán chi ly, căn nhà gỗ rất xinh xắn, tầng trên lót ván, tầng dưới chưa kịp đóng thảm, nhưng cũng đủ chổ cho dăm ba bạn bè ngồi chén anh chén chú.
Đến Mùa Giáng Sinh, chúng tôi ghé thăm anh, nhìn vào khoảng sân trống đầy tuyết sau nhà, tôi ngạc nhiên hỏi anh căn nhà đã biến mất đâu rồi ? Anh lại kể ra một tràng, sau khi không quên chấm câu và tô thêm màu sặc sỡ:
- Thím mầy đừng có nhắc lại, anh rất đau lòng, chẳng biết thằng ôn dịch nào đi báo với cảnh sát, tụi nó mang trát tòa đến lôi thôi, cuối cùng phải tháo bỏ căn nhà, thật là đau hơn bò đá, biết bao nhiêu công cán, không dỡ thì nó đến kéo xập mà mình còn phải chịu phạt tiền hay đi tù…
- Vậy Anh không xin giấy phép trước khi cất sao ?
- Làm gì có, anh nghĩ mình xây trong sân nhà mình mà cũng phải xin phép nữa sao, ở đây là xứ tự do mà.
- Anh à, mình nhập gia tùy tục, đến xứ lạ thì phải theo luật lệ, không biết thì học hỏi, không có gì xấu hổ, anh học bài học nầy thật là đắt giá.
Tôi cầm phong bì chứa thiệp cưới trên tay, nhìn thấy tên và địa chỉ của anh gởi sang, vội vã mở phong bì, thì ra anh báo tin gã chồng cô con gái đầu lòng, nhìn lại tên chú rễ, tưởng mình nhìn lầm, thằng bé bấy lâu nay theo anh học việc, thật bất ngờ, tưởng chừng anh chỉ nói đùa thôi, không ngờ là anh nói chơi mà thành sự thật. Con bé đang học dại học, chỉ mới được một năm thôi, sao lại gã chồng ?
Anh giải thích đơn sơ :
- Mình là người lớn, không thể nói mà nuốt lời, anh hứa nó làm việc siêng năng thì sẽ gã con gái cho nó, đã hứa sao thì phải làm như vậy
- Sao anh không chờ cho cháu học xong rồi hãy làm đám cưới ?
- Đâu có được, con gái lớn phải gã chồng, hơn nữa ở chung trong nhà tiếng đời dị nghị, cho anh là thằng bất nhân, lợi dụng con người ta, làm rễ cũng ba năm thôi chớ!
- Nhưng hai đứa cũng chưa có công việc gì vững chắc để tạo cuộc sống, lập gia đình rồi sống bằng gì ?chẳng lẽ lại tiếp tục ăn bám cha mẹ ?
- Tụi nó cứ ở nhà với anh, nhà rộng lắm, anh cho tụi nó một phòng, con gái anh cứ đi học, thằng rễ đi làm thêm kiếm tiền cũng đủ rồi
- Anh không nghĩ đến chuyện cách biệt của chúng nó sao ? Con gái anh đang học đại học, con rễ chưa học xong trung học, tiếng Anh cũng chưa kịp học cho xong, nghề nghiệp chẳng có , cái khỏang cách quá xa anh ạ , anh gấp gáp gì , mình đang ở Mỹ mà, đâu có chuyện gơi?u^ rể, làm dâu.
- Ôi thôi, thím nó đừng có văn minh quá vậy, chuyện yêu đương tiểu thuyết, anh có biết má tụi nó là ai, cưới nhau về cũng năm bảy mặt con, mấy chục năm vợ chồng rồi.
Tôi nghĩ đến con bé mà thương hại, trong lúc bạn bè trang lứa đang tung tăng đến trường, con bé hàng ngày về phụ giúp cha mẹ trong công việc mưu sinh. Sống ở cuối thiên niên kỷ nầy, vẫn không thoát khỏi những định luật vô hình , những trói buộc, những khuôn khổ gò bó tưởng đã quên lại bên kia bờ đại dương xa tít, khi bỏ hết chạy lấy người .Nhớ lại con bé ngây thơ ngày mới gặp nhau, khuôn mặt trong sáng, dôi mắt yêu đời, những lần ngồi thỏ thẻ mơ chuyện tương lai, vào đại học như con đường thoát ra những trói buộc, những khó khăn bước ban đầu, những tưởng là tương lai mở rộng thênh thang không ngờ vẫn không thoát khỏi.Tôi hình dung con bé sau tấm voan che mặt, chiếc áo cưới trắng tinh, hay trong chiếc áo dài gấm đồng tiền, màu đỏ may mắn của cô dâu mà thật tâm cầu nguyện, mỗi người có một thánh giá để mang, cũng như một số phận đã an bày, tôi mong cho con bé vượt qua , tìm được chốn bình an hạnh phúc.
Đám cưới thật đơn sơ, dăm ba người bạn đến chia vui, mấy mâm rượu thịt, chú rễ đứng rụt rè chào khách, anh Tám say bí tỉ, khách đến mừng không thấy bóng cô dâu, con bé mắc cở trốn biệt trong phòng.
Hết