51
Câu chuyện cậu kể về người đàn bà tôi nghe trên chuyến xe lửa xuyên Việt. Tôi cứ hình dung, vẽ ra khuôn mặt người đàn bà chưa lần gặp, nay đã xoá sạch, mất dấu. Xe lửa chạy trong đêm, chở tôi, đang nơi đâu? Trời đen ngòm bên ngoài. Tiếng rào rào cát đá, bánh xe nghiền nát thanh sắt. Xình xịch, bánh xe cứ quay vòng. Đầu tôi, vai tôi va vào thành giường cứng ngắc. Những đốt xương trong tôi va vào nhau như điệu nhạc rap.
Xe đổ dốc ào ào. Đêm thẳm sâu. Những gì đang lướt trôi ngoài không gian kia, tôi chẳng thể nắm bắt được.
Cậu tôi bắt đầu câu chuyện về người đàn bà. Mẹ và cậu gọi bằng cô. Tôi phải gọi bằng bà cô.
Bà cô tên gì?
Tôi hỏi.
Chẳng biết, chẳng ai biết, chẳng có tên.
Cậu nói, giọng vội vã, lướt nhanh.
Gần hai ngày ngồi trên xe lửa, xuyên thấu hai múi đầu nước Việt. Ngoài ăn, ngủ, tiểu tiện, và ngồi chong mắt nhìn bên ngoài khoảng trời cho, cây cối, mái nhà, hiên, sân trước và sau, bên hông, mộ hoang, chân đất, đỉnh nón rách tưa, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời,” những đứa bé, con cu cái hĩm trò chuyện lân la cùng đất cát.
Đất cát mỗi miền mang màu sắc khác nhau: đỏ, trắng, nâu, vàng, đen... tồn tại bao nghìn năm, lăn lóc qua lại, ẩn sâu, nổi trôi, thăng trầm, chìm khuất, trôi giạt, mưa sương thấm lạnh, nắng hè nung nóng, đất vẫn là đất, muôn đời là đất, không thể biến tan. Mỗi hạt cát là một linh hồn. Hồn mẹ, hồn cha, hồn ông, hồn bà, hồn con, hồn em, hồn cháu...
Trời đêm, giọng cậu nhập nhòa cùng bóng in trên vách toa. Tiếng bánh nghiền nát mặt đường. Lại lao xuống vực, rào rào.
Cô ấy là con riêng, ngoại hôn của ông nội, cùng cha khác mẹ với các chú, và cũng là cô của cậu. Ông nội có bốn vợ, tổng cộng mười tám người con. Cậu là con bà ba, mẹ cháu là con bà hai, bà đầu, tức bà nội cả chẳng sinh được con. Cháu hiểu chưa? Bà nội cả phải cưới vợ bé cho ông nội, cháu hiểu chưa đã nào?
Tôi gật đầu, dạ lí nhí, dù chẳng chiểu, chỉ lờ mờ đoán sự nối liền, liên hệ, là đống ruột thịt bầy nhầy trong chậu nước lã, vắt không ra một giọt hồng thắm. Bốn vợ chưa đủ sao còn có con ngoại hôn, tôi chỉ thắc mắc. Cậu nói lung bung, nhớ gì nói nấy, quàng xiên.
Thế này nhá, để cậu kể lại lần nữa rõ cho cháu nghe...
Cứ thế, tiếng cậu kể, tiếng rào rào xe lửa đang lao xuống vực. Bóng cậu, bóng đêm cứ nhập nhằng vào nhau trên vách toa. Tôi trong trạng thái mơ màng, bất an. Câu chuyện nhiều mảng chắp nối, rối tung. Cậu vẫn kể, bánh xe lửa cứ nghiền nát tàn nhẫn mặt đất nó đang phải băng qua. Cái bóng trên vách bỗng nhòa nhập mùi không gian, thời gian xa xăm, khuất dấu. Khuôn mặt người đàn bà không tên, mất dấu, xóa nhòa.
Bà nội cả, thượng thọ sáu mươi thì mất. Năm đó gió mùa đông bắc thổi rét tận tủy. Bà cô lên tám, trong nhà gọi là con ngoẻo cổ, con đần, con lì. Có người bảo mẹ bà cô ấy chết là bị đứt ruột, hay sinh con bị dây quấn. Sau khi bà cả mất, ông nội hết đi buôn xa, về lại làng câu cá, đò lật, chết chìm, ông nội không biết bơi, nước chỉ cao quá đầu gối một gang tay. Xác ông dạt về cuối bãi, mấy ngày sau mới tìm thấy.
Mọi chuyện nằm trong quá khứ và hiện tại trên đất nước này tôi có cảm tưởng không một ai nắm rõ, đầy giai thoại, huyền bí, mập mờ như chuyện lập quốc. Mỗi người kể một ý, tự diễn giãi, đầy cảm tính, không cần lý luận, lý giải như bản tính, bản chất con người muôn đời không thể thay đổi.
Từ ngày ông nội bà nội mất, những người con phải tự lo sống, họ hàng chẳng thể giúp đỡ được ai. Năm đói Ất Dậu, cả làng ai cũng bình đẳng xin ăn. Trong làng có hai vợ chồng già, có chút ruộng nương, nhưng không con cái. Trước khi biết sắp mất, hai người giao chút ruộng nương cho người anh cả với điều kiện chỉ cần cúng giỗ mỗi năm. Rồi một đêm, hai vợ chồng già và anh cả cùng đứng lạy xá sao như kê vàng trên trời nhận lễ chứng kiến.
Thời gian trôi, nhưng nỗi khổ vẫn không trôi. Nó dính cứng, bám chặt như đất. Đói rách vẫn đói rách. Ngắc ngoải, vật vờ sống. Cỏ cây cũng thế. Thời tiết khắc nghiệt và thời thế nghiệt ngã cứ đổ đè trên vai người dân, như ngay lúc này, bóng cậu và bóng tôi nhập một cứ lung linh trên song cửa lưới toa xe. Tôi nhoài người cố nhìn bên ngoài. Thế giới đen ngòm. Xóa sạch ý niệm.
Bỗng một ngày cô có cái tên mới, ai đó đặt cho, “nhài” bởi cô thích bụi nhài sau nhà. Lúc bé cô hay ngủ vùi dưới bụi cây. Lớn lên một chút, thích hái hoa sâu thành chuỗi quấn quanh cổ, quanh bụng. Mười sáu tuổi, anh cả gả cô cho người làng cạnh. Làm con gái đã vất vả, giờ gặp thằng chồng vô tích sự, còn phải hầu hạ bố mẹ chồng, và bẩy đứa em chồng. Quần quật như trâu từ mở mắt đến nhắm mắt. Đã thế, hầu không khéo, thì bị đánh đập, nhiếc mắng, hành hạ. Vài lần, quá oan ức, tủi thân, cô mò về làng cũ trong đêm, ngồi dưới bụi nhài sau nhà khóc thút thít. Khóc no, cô lại lặng lẽ quay đầu về lại làng chồng.
Một chiều cuối đông, cô về lại làng cũ, áo quần nón lá tả tơi, đi chân đất, cái bụng chửa to, quanh người quấn rơm đỡ rét. Cô Nhài đứng, quỳ, ngồi, lạy lục khóc lóc van xin về lại nhà, anh cả nhất định không cho, xua hai tay như xua quỷ, tà ma. Anh vác cây quất vào người cô như đánh chó dại. Cô vẫn đứng lì một chỗ vái, khóc, van xin... Cuối cùng, anh cả chạy ra sân sau, tước nhanh tàu lá chuối, bọc cánh tay cô kéo lôi xềnh xệch ra ngõ, tận ngoài đường cái, tát thêm mấy cái vào mặt, xô cô ngã nhào, cút xéo, đừng hòng về lại đây, lấy chồng thì phải theo chồng, có chết cũng phải chịu, nghe rõ chưa, rõ chưa... đồ thứ vô phúc, vô phần. Anh vừa chửi, vừa đánh, vừa thở dốc. Vào nhà, như chưa hả dạ, anh ra vội sau hè, kiếm cái xẻng, xúc phần đất cô Nhài đã giẫm lên khi nãy, hất đổ ra ngoài đường. Vừa xúc, vừa đổ, vừa thở, vừa chửi tiếp, mày mà về lại đây là tao giết, tao giết...
Cô Nhài chẳng về lại nhà chồng, làng chồng, mà cũng chẳng bao giờ về lại nhà cũ, làng cũ. Chẳng ai biết cô đi đâu, làm gì với cái thai tám tháng sau buổi chiều cuối đông hôm đó.
.....
Yêu thương có cần phải học không?
Hiểu biết, trí tuệ có giúp con người đỡ ra hay tệ đi? Có phải bớt nghèo khổ thì con người đối xử với nhau tử tế hơn không?
Tôi chập chờn thấy mình trôi tuột theo dòng văn hóa Việt. Trở về nguồn cội, tấm lòng mềm nõn như lá tre lá ổi lá dừa. Sự thủy chung như đất cát ngàn năm phơi mình trong biên giới quê mẹ đất cha. Tôi không có sợi dây nối từng khúc ruột liền nhau, hay cuộn tròn, thắt gút, buộc chặt lòng. Tôi tìm về Việt Nam qua sách vở, câu chuyện kể, kinh nghiệm giòng họ, gia đình và chồng.
Sinh ra nào ai có được sự lựa chọn quốc gia, chủng tộc, giới tính?
Bà nội thường lý giải theo cách nhìn của đạo Phật. Một tín đồ sùng đạo, “nghiệp báo, nhân quả” khi bà không có câu trả lời.
.....
Người đàn bà không đầu đã xé nát tấm ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, đấng cứu rỗi vất xuống lỗ cầu tiêu, múc nước dội sạch.
Người đàn bà ngoẻo cổ, con đần, con nhài, cái bụng trương phình như mang trống nay trôi dạt phương nào? còn sống hay đã chết?
Xác người anh trai kế của Đức có chìm sâu dưới lòng biển khơi?
Mảnh đất nhiều màu đỏ-trắng-đen-vàng-nâu nhưng nhiều gai và lắm đá sạn. Cây cối phủ bụi, hỗn loạn đa đoan, xương chất thành núi, máu chảy thành sông, muôn vạn hồn, sinh linh sống hay chết đều vật vờ, ngắc ngoải đã, đang và sẽ lướt bay muôn muôn trùng trùng điệp điệp trong nắng chan hòa. Xứ sở không bao giờ thiếu nắng.
Tôi bỗng nhớ chị Cát Tiên-Catherine, chị họ của tôi.
Biết chị đang sống ra sao ở thiền viện?
52
Chị hơn tôi tám tuổi, ra trường MBA ở đại học Columbia. Chị thông minh, lôi cuốn, độc thân, tự lập, tinh thần trách nhiệm. Chị không hút thuốc, không uống rượu, tập thể dục đều đặn. Luôn điều nghiên công việc kỹ lưỡng, có kế hoạch xa gần. Ở với bạn trai hai năm, không hợp chị dọn ra không một lời oán trách. Chị không thích bị ràng buộc, gò bó. Thỉnh thoảng đi du lịch, nhưng việc làm vẫn là mối đam mê chính. Chọn lựa không có con cũng là làm một ân huệ cho nhân loại về sau, tránh bớt nhân mãn, ô uế môi sinh. Một lần, chị nói với tôi như thế. Đêm về, nằm ngẫm nghĩ, chị cũng có lý.
Chị Cát Tiên, tên Việt Nam, sang tới Mỹ hai bác đổi thành Catherine, sau khi ra trường, chị đổi lại tên Việt. Chẳng như bà cô Nhài của tôi, chẳng có cả cái tên.
Chị kiểm soát công việc như một phụ nữ trong xã hội kỹ nghệ hiện đại tân tiến. Tốc độ công việc phóng nhanh như xe chạy trên xa lộ, và đổi thay như thời tiết bốn mùa trong năm. Mỗi lần sau khi ăn trưa với chị, tôi thường suy nghĩ miên man trên đường về. Xem ra vẻ độc lập, tự tin bên ngoài của chị có điều gì không ổn, nhưng tôi không phải là chị. Chị luôn mãi mê lo lắng đối đầu giữ chắc công việc, đồng thời tham vọng thăng chức trong hãng. Chị ngụp lặn trong thời khóa biểu kín mít, họp hành, gặp gỡ, đổi trao.
Điện thoại luôn cầm chắc trong tay. Liên lạc mọi người qua ngã email, theo dõi internet thường xuyên để nắm bắt mọi chuyện, từ kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa gần xa. Chúng xoay chị như cái chong chóng, nhập vào từng bước đi, giọng nói của chị, như thể phải rượt theo một cái gì đó, vừa cần thiết, vừa mong manh, chỉ để khẳng định, tồn tại, không được ngã quỵ. Dừng lại đồng nghĩa thụt lùi.
~~~~~~
Hai tuần trước khi tôi đi Việt Nam. Chị thu xếp đồ đạc đi vào thiền viện nào đó ở New Mexico. Bác tôi gọi cho mẹ và khóc. Nó muốn trút bỏ tất cả, quá mỏi mệt, kiệt sức, mọi thứ nó bỗng thấy đều vô nghĩa.
Chị đi, mà tôi chới với mất mấy ngày.
53
Nửa đêm mở mắt, ngửi mùi thuốc lá trong bóng đêm quyện với hơi thở đàn ông đâu đó, quanh tôi.
.....
Hắn ngồi yên như thế có lẽ đã rất lâu. Ngồi sát chân tường. Mùi đêm và màu đêm bó rọ thân tôi. Tôi thấy từng bước nhẩy của mình trên sa mạc cát. Cơn bão cát đuổi từ phía sau. Tôi nhắm mắt. Nằm yên.
Âm thanh từng tia máu trên da tôi từ từ đua nhau nổ tí tách.
Hơi thở hắn tiến lại gần. Cát cuồn cuộn. Kề cận. Tiếng di chuyển của móng chân mèo đực. Sát kề. Cát bốc xoáy cả một góc trời. Cơn sóng thần.
Hắn nghĩ gì, muốn gì ở tôi?
Thân thể tôi cuộn bởi cát.
.....
Go ahead, get over with! Tôi muốn hét to.
Tiếng nổ của bắp rang. Bước chân nhẩy của con châu chấu. Hạt đậu xanh nẩy mầm, mọc nhanh thành giá.
Tôi banh rộng hai chân, buông trôi, để mặc, tận cùng...
Đầu óc tỉnh táo lạ thường, tưởng chừng vừa ngậm môät họng đầy đá đập vụn, còn tan dần trên đầu lưỡi, tê tê, lan tận óc, óc trắng hếu, khoanh tròn như óc heo.
Tiếng thở dốc. Tiếng rên nén kềm trong cuống họng. Cứ la hét, cấu chặt... nếu muốn. Chưa bao giờ thân thể tôi mềm mại, rủ mềm đến thế.
.....
Tôi để mặc, như đêm đang trôi, thời gian đang trôi, lạnh lẽo, vô nghĩa, vô thường.
Một lần, một lần mà thôi, Đức ơi!
Một lần, chỉ một lần rồi thôi, Trinh nhé.
Ước mơ đời người?
Một lần, làm thân phận người.
Ngay lúc này, tôi chỉ là con đàn bà trời sinh ra, có cái hang sâu hoắm, hắn đang cần, đẩy đưa thế nào, tôi đang có mặt nơi chốn này.
.....
Một điếu thuốc khác lại được đốt cháy. Hắn vẫn ngồi sát chân tường. Mắt bóc từng mảnh da, vẩy trên thân thể tôi. Nước bọt hắn trào nổi bong bóng ra ở hai khóe họng, nuốt ực, cố không gây tiếng động, dù rất khẽ.
.....
Bất cứ người đàn bà nào muốn cho, dâng hiến, bố thí điều gì, dù lớn hay nhỏ cũng vướng mắc sự rắc rối, muộn phiền.
Nhưng sao tôi vẫn thiết tha cho, dâng hiến, bố thí một cái gì, từ xác thân tôi.
Thân cây gẫy đổ trong rừng sâu, nếu không có ai hiện diện, thì có ‘tiếng động’ không nhỉ?
54
Cái đầu hấp dẫn hay thể xác hấp dẫn?
Trả lời hộ tôi.
Trinh. Đức.
.....
Những con thiêu thân đâm đầu vào lửa chỉ để rã cánh.
Con cá vì miếng mồi mà cắn phải lưỡi câu.
Nhụy thơm làm con ong tắt thở trong cánh hoa.
Ý chí và lòng khát khao.
55
Tôi suy nghĩ đến hai chữ bình đẳng. Lời phát biểu để đời của cố tổng thống Thomas Jefferson, Con người được sinh ra bình đẳng – All men are created equal. Về lại nơi chốn này, chẳng có người da đen để giải phóng nô lệ, nhưng tôi bỗng nhận thức ra rằng, muôn đời không thể ‘là’ mà ‘nên’. Nên đã quá khó khăn. Mọi người sinh ra đều nên có cơ hội tìm kiếm hạnh phúc, nên được quyền vươn lên để tiến bộ. Đứa bé này sanh ra đã mang chứng AIDS từ trong bụng mẹ, đứa bé kia sanh ra đã là con của tỉ phú Bill Gates. Làm sao mà ai cũng như ai. Làm sao san bằng mọi dị biệt. Làm sao cào bằng để giống nhau. Một câu nói lúc còn bé nghe từ miệng người lớn, tôn giáo nào cũng hay cũng tốt cũng dạy con người làm điều lành, điều thiện, tránh xa điều xấu, điều ác. Thế tại sao lịch sử nhân loại lại luôn có thánh chiến?
Bởi không bình đẳng khi lọt khỏi lòng mẹ nên ai cũng cứ luôn cố gắng, làm tất cả chỉ để được có cái quyền tiến bộ, được sự có mặt. Cao hơn một nấc là mong được sự đóng góp. Qua rồi cái thời mộng mị một xã hội lý tưởng, “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu.” Hứa hẹn “sỏi đá cũng thành cơm.” Bình đẳng, thế sao lương thủ tướng Phan Văn Khải cao hơn ông đạp xích lô ở sát cạnh nhà, sức lực đổ ra chưa chắc ai ít hơn ai. Cái lăng ông Hồ Chí Minh lính gác cấm được nhúc nhích, còn cái mả anh Tịnh, cỏ dại che luôn cả tấm ảnh. Người sống không bình đẳng, khi chết, lại càng không.
Cách đây không lâu, đứa cháu gái mười sáu tuổi hỏi tôi, khi nào mình biết mình trưởng thành hả cô? Tôi ngẫm nghĩ một lát, khi cháu bắt đầu biết suy nghĩ kỹ. Về nhà, tôi đã quên không nói thêm với nó, và có trách nhiệm với mọi việc mình làm.