21
Trong năm đứa con, thằng Trinh là đứa đẹp trai nhất nhà! Mẹ thường nói thế, không hiểu với ý gì. Bà nói trống không, nói với đám con , nói với hàng xóm, nói với khách hàng. Giờ thì Đức lập lại lời mẹ, với tôi.
Cũng như Đức, tôi chẳng thể hình dung ra được “đẹp trai” là như thế nào, theo ý bà. Dù đẹp thì hay tranh cãi, phải bầu bán, tuyển chọn đúng tiêu chuẩn, còn xấu thì dễ mau chóng gật đầu. Tôi cũng đã từng mê người đẹp trai, xấu trai, và rồi lấy người không đẹp, không xấu, là Đức.
Mặt Trinh, thoạt nhìn ai cũng phải có phản ứng, như bị điện giật. Nặng nhẹ tùy người. Sự kinh ngạc. Sợ hãi. Tò mò. Những vết khâu, như vá vội chiếc quần rách đáy. Vụng về như những mũi kim khâu đầu tiên của tôi lên chín. Đường chỉ to, không đều, lệch hướng, thiếu kinh nghiệm. Vết da gấp, mảnh thịt cắt bỏ, kéo mạnh lệch mí, xiết chặt mảnh da cằm. Đường chỉ khâu vội, vụng, không kinh nghiệm còn đó, cho đến ngày buông tay lìa đời. Chiếc áo đầu tiên chín tuổi của tôi đã rã tan vào lòng đất.
Những đường ngang dọc, một bên mặt. Sao chỉ một bên? Súng nổ, hất tung, Trinh hẩng hai chân ngã sấp, mặt bên trái ủ đất, mảnh đạn rơi, ghim chặt mặt bên phải.
Cái mặt thằng Trinh đôi khi như khiêu khích, chọc tức ai. Đức nói.
Cơ mặt bên phải của nó lâu lâu co giật liên hồi, anh nhìn phát hoảng, cứ tưởng nó lên kinh phong. Đức nói.
22
Chị Hạnh chờ tôi ở cửa, có cả anh Sơn, chồng chị, và chú Biền tài xế. Sửa soạn đi ăn sáng. Chị Hạnh nói.
Chú Biền chào tôi với ánh mắt dò xét, ái ngại, hỏi han.
Căn nhà chỉ còn bốn người khách phương xa. Ba người ở trong nhà này biến đâu mất. Có cái gì đó không ổn. Sáu con mắt đâu đó, đợi chờ tôi lên tiếng.
Ba người cứ đi ăn sáng trước, em chưa thấy đói. Nói xong, tôi đi ra sau hè. Ba người còn lại chắc đang ẩn nấp đâu đó. Tôi trở vào trong, đi vòng ra ngoài, nhìn sâu ra ngõ, dõi mắt theo cái xe lui dần, lùi dần, rồi biến mất, thầm thán phục chú Biền lèo lái cái xe thật tài tình, tựa như lèo lái cuộc đời, trên mảnh đất này.
Trinh đứng ở cửa chờ tôi với ly cà phê đen đá đang uống dở. Chị ăn gì không em chạy đi mua. Tôi lắc đầu. Cái áo Trinh đang bận, chồng tôi bận cách đây nhiều năm. Tôi mua ở Sears tặng anh trong dịp giá hạ năm mươi phần trăm. Tôi đã mua ba cái ba màu khác nhau. Màu Trinh đang bận là màu rêu thẫm.
23
Múc từng gáo, dội từ đỉnh đầu. Nước ào ào tuôn dọc thân thể, da loáng nước. Màu da nước.
Ở góc trái, vòi nước rỉ rả. Tôi dễ bực mình khi tắm mà nước chảy rỉ rả. Phải ào ào. Tiếng nước chảy và cảm giác mạnh. Cái thau xanh nhựa đặt ở góc phải tràn nuớc. Khua tay ấm áp như da thịt mình, ở phần dưới. Chút riêng tư trong căn phòng bằng hai cái giang rộng tay từ lúc đặt chân vào căn nhà này. Tôi ngâm mình trong thau nước đầy. Những sợi lông bồng bềnh, khẽ vuốt ve, mân mê, màu ngô non, mướt nước. Thuở nhỏ anh Thiện thường bẻ đôi trái bắp, lấy râu quấn quanh cằm, giả làm râu ông già.
Nước tràn ngập thân tôi. Ông ngoại râu bạc trắng, dài phủ cằm. Thỉnh thoảng ông vuốt râu, trầm ngâm, tư lự. Vài chục năm nữa anh Thiện có giống ông ngoại bây giờ không nhỉ? Chắc là không. Ông ngoại ở Việt Nam, con cháu quây quần. Anh Thiện sẽ như nhiều ông Mỹ già khác, ngồi ngủ quên trong chiếc ghế bành rộng trước màn ảnh TV đang mở. Tiếng nước khua rộn ràng, màu da loáng nước. Anh Thiện tay run chống gậy, hay ngồi trong xe lăn dõi mắt nhìn quanh sân viện dưỡng lão vắng vẻ, đìu hiu, cùng màu nắng tàn. Nước chao nghiêng sóng sánh thân thể. Anh Thiện dáng vẻ sợ sệt lẫn ngóng chờ bà y tá lạnh lùng, cho thuốc uống vỗ về trên vai máy móc. Chùm lông mịn ướt trôi tuột trên từng kẽ tay. Dãy bắp sau nhà thủa nhỏ. Những buổi chiều làm xong bài tập, tôi lẻn ra vườn sau, bãi đất trồng toàn bắp của ông hàng xóm mặt quanh năm đỏ kè. Tôi đi giữa hàng bắp. Gió cuối thu thổi lá bắp nâu khô xào xạc. Đã xong mùa bắp. Trái thì những người lao công Mễ đã bẻ sạch. Tiếng lá sột soạt như áo quần khô cứng, kỳ lạ, thích thú. Nắng đổ xuống trên đỉnh đầu. Nắng lóa trên những lá bắp nâu khô. Tôi nằm dài giữa luống bắp. Úp mặt. Mùi nồng đất ải. Tiếng rung khẽ, ngân dài từ trong tôi, từ lòng đất. Cả hai chao nghiêng. Nhắm mắt. Tôi thấy tôi cùng đất lật.
Nắng vẫn lóa trên đỉnh đầu và trên tàn lá bắp nâu khô.
Âm thanh tiếng còi tàu. Bánh xe rền rung mặt đất. Thành phố San Leandro không thuộc về đâu. Gần San Francisco thơ mộng nhất nhì thế giới. Gần Berkeley bụi đời, cấp tiến, nhiều sắc dân. Gần San Jose tỉ số dân Việt đứng thứ nhì hải ngoại. San Leandro thế nào, ở đâu, có gì, đặc biệt ra sao, mấy ai quan tâm?
Cảnh tượng trong phim Fried Green Tomatoes. Xe lửa xình xịch, xình xịch ào ào, tiến tới, tiến tới... Chiếc mũ mây bay, người con trai chạy đuổi theo, mũ mây rộng vành lượn lờ dọc theo đường rầy. Vẫn đuổi theo gió. Những bước chân bay theo chiếc mũ. Nhẹ tênh. La đà. Đuổi theo mũ là đuổi theo tình. Làm sao cản được gió? cản được tình? Tiếng máy xe lửa xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới... thi đua cùng nhịp tim đập của đôi tình nhân. Định mệnh. Bàn chân người tình mắc kẹt cứng giữa đường rầy. Xe lửa vẫn cứ xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới... Tiếng người, tiếng xe, tiếng thét cùng máu xương, nhịp tim... đập điệu tình yêu. Là sự nghiền nát.
24
Chị khoác thêm cái áo. Trinh nói, mắt hắn ngưng ở thóp ngực tôi.
Trinh và tôi bước ra cổng. Bảy giờ bốn mươi lăm sáng. Trời nắng tỏ. Nóng bắt đầu hăm dọa. Tôi len theo Trinh, băng qua những con đường lổn nhổn cát, sỏi, đất, đá. Bụi bay trắng không gian. Hàng rào, bờ tường lột da lòi thịt. Những ổ rác, cống rãnh bốc mùi. Chợ buổi sáng ồn ào náo nhiệt cả một góc trời. Tôi bám sát lưng Trinh, từng bước một. Trinh đi mé trái, mé nửa khuôn mặt ngày chào đời.
Chẳng nơi chốn nào anh đi qua có cái mùi của đất Dục Mỹ. Cây me ngái mùi chua tanh nước đái mèo, chó. Cây hoa sứ nở trắng toát tẩm mùi cứt đái mũi dãi trẻ con. Con gái nhặt nhanh những cục đá nhỏ trên đường đến trường ngồi rãi chơi ô làng, học tính nhẩm. Con trai liệng lon, quay vụ, bằng mọi giá loại cho được thằng bạn. Mùa chuồn chuồn, bẻ cây khô rượt đuổi bắt. Mùa hè, ve rên inh ỏi buốt tận óc. Cái chòi nhỏ đầu ngõ, trên manh chiếu tả tơi, cái rổ nhựa đựng những quả ổi cóc xoài cằn khô hoặc ủng thối. Thối từ ruột thối ra, ve vẩy bởi ruồi nhặng muỗi. Những cái kẹo chẩy nước, những cái bánh vỡ vụn. Nơi đây, cái gì cũng quá độ. Tiếng reo hò trẻ con. Tiếng chửi bới người lớn. Tiếng rao hàng. Tiếng chó sủa. Tiếng gà gáy. Tiếng heo đòi ăn... Người và vật đồng lòng, đồng thanh. Nói như hét, như gào, như tiếng xe chạy phanh gấp nghiền nát mặt đường. Bụi bay tứ phía. Tha hồ hít ngửi. Tai ầm ầm, mắt cay xót, mũi nghẹt cứng mà miệng ai cũng há. Chỉ vài dãy nhà đám dân đen, dân tứ xứ đổ về, chịu khó một chút là có thể đếm được cả thẩy bao nhiêu nóc nhà buổi sáng với sức xống tuôn trào, vỡ bờ tranh sống cùng trời đất. Anh thấy nó đẹp, đẹp tội tình em ạ. Đẹp trong trí nhớ anh. Trong từng giấc mơ, mỗi ngày mỗi xa giạt. Trong từng bước chân trần tuổi dại, áo hở rốn, tóc gọt trọc lởm chởm không đều.
Tôi hình dung ra phố Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Quy Nhơn... Xe ngược xuôi, đan như rọ. Hỗn loạn, nhưng là “hỗn loạn trong trật tự.” Họ đọc được tín hiệu của nhau bằng ngôn ngữ riêng nào đó, của họ. Tôi là kẻ lạc lõng, lạ lẫm, đứng bên lề.
Buổi sáng ở nơi chốn chôn chặt tuổi thơ chồng tôi. Đứng đếm dấu chân anh đã dẫm qua trên những con đường cụt cùng hai con mắt chứa cả bầu trời mây.
25
Gọi là bát nhưng nó còn bé hơn cái chén nhựa của Sa con dùng bữa hàng ngày. Những sợi bún trắng đục lòng thòng trơn trợt ở đầu đôi đũa, rồi ngọ nguậy trên lưỡi tôi. Rau xanh vừa ngắt sáng nay, sương còn ủ đọng. Tôi ngửi mùi đất tẩm trong từng thớ rau. Cái thau rửa bát và cái giẻ tẩm cả bùn lầy, mỡ và nước uống của khách, không chừng cả nước mũi, đờm, nước dãi, nước miếng hoà tan trong thau nước rửa. Đầu đũa đen ngòm. Cái bàn mòn nhẵn bởi trăm ngàn khuỷu tay chà sạch. Mắt chó tinh hơn mắt người. Mũi hóng, tai vểnh, miệng há, mắt căng không chớp phóng thẳng vào mặt tôi. Phần tôi đâu? Một con khác cà cà người vào đùi tôi. À thì ra... cục xương heo. Cứ như mọi người quanh ta, ai sao mình vậy. Tôi hất mạnh mấy cục xương xuống sàn. Bên kia bàn, con chó ghẻ giương đôi mắt bất lực, bụng chửa kề ngày sinh. Vú chẩy sát mặt đất. Bao nhiêu lứa đã đẻ?
Tôi ngồi sát cạnh Trinh. Trinh gắp tay trái, tay phải để giữa đùi. Hai bà khách mới ngồi xà xuống. Cái băng ghế dài nhét đủ bốn người. Người đàn bà áo tím nhìn Trinh hỏi nhỏ, vợ thằng Đức hả? rồi ném cái nhìn thật mạnh sang tôi. Chị dâu mày phải không? Bà bán trầu cau lại hỏi. Con dâu ông bà Trề. Việt kiều hả? Trinh bẽn lẽn, bối rối khó khăn gật đầu. Tôi hoàn toàn bị thụ động, ngồi nhìn từng khuôn mặt, quanh tôi, kể luôn bà bán bún. Và bất chợt cau mày vì da cánh tay mình quá trắng.
~~~~~~
Chưa qua khỏi hàng dâm bụt. Mùi chợ, tiếng xì xầm hàng loạt con mắt bỏ lại hết sau lưng. hiện ra trước mắt là những đứa trẻ con đang nhẩy lò cò, thẩy lon, nhẩy dây trên hàng hiên. Vài đứa đứng-ngồi-tựa-lấn-dính-chùm vào nhau. tiếng nhí nháo như chim chích chòe. Trinh và tôi tiến lại gần, trường không sân, không hàng rào, cửa lớp khóa bằng dây xích to bản, nặng nề. Một khoảng hở tôi hé mắt nhìn vào. Hàng chữ “Không gì qúy hơn độc lập tự do” và ảnh bác Hồ phóng to. Những cái ghế gỗ thấp lỏng chỏng. Cô giáo đâu? Trinh hỏi. Cô giáo nghỉ dạy hôm nay. Thằng bé trả lời. Những đôi mắt thao láo, bu quanh. Lớp học bị dột! Con bé bán bánh kẹo nói vói, tuần trước mưa to lớp bị dột nghỉ ba ngày liền. Bà bán bún riêu ngồi cạnh chêm thêm, mấy ngày nay tụi nhỏ có học hành gì đâu. Mùi bún làm tôi nảy ý mua trọn nồi và luôn rổ bánh kẹo. Cả đám trẻ nhốn nháo ăn cười nói hả hê. Chưa tới mười đô mua niềm vui thực tế cho đám trẻ con rỗng bụng, và người đàn bà cùng cô bé sống bằng sự đợi chờ. Mười đô, không đủ một buổi tối ở tiệm fast food cho vợ chồng tôi bên Mỹ.
.....
Bước chân vào nhà. Mặt trời chỉ mới mọc ngang tầm cửa sổ. Tôi nằm phịch xuống giường, thiếp đi một lát, tỉnh dậy, tiếng nước Trinh đang xối rửa sau hè. Tôi vòng ra nơi tiếng nước xối. Cần bao nhiêu tấm tôn lợp lại mái trường Chùa Trinh nhỉ? Trinh ngó trời, chẳng ngó tôi. Trinh tính hộ, bao nhiêu, cho tôi biết.