Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Một thời để mất

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8438 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một thời để mất
Bùi Ngọc Tấn

3.

Mỗi người có thói quen viết của mình. Tôi dù thâm niên viết chưa nhiều, cũng có thói quen riêng. Tôi thích viết về đêm. Từ sau mười giờ rưỡi trở đi cho tới khoảng một giờ sáng là thời gian làm việc kết quả nhất của tôi. Thói quen ấy được hình thành bởi những nguyên nhân sau đây:
Là một nhà báo, nghề nghiệp chính, công việc chính của tôi là viết báo. Tuy không phải gò bó tám giờ vàng ngọc tại cơ quan, nhưng những giờ phút tranh thủ bót xén giờ chính quyền khó mà chủ động trước được. Cũng may, ngày ấy chúng tôi còn trẻ, mà hình như Pau-tốp-xki có lý khi nói rằng lúc còn ít tuổi người ta viết rất dễ dàng, sự dễ dàng ấy mất dần đi cùng với thời gian. Tôi phải viết về đêm là chính. Buổi tối cũng làm việc được đấy nhưng còn cái loa phóng thanh, cái loa nón phải đến vài trăm oát kêu oang oang từ trước 5 giờ sáng tới 8-9 giờ, kêu suốt buổi trưa và buổi chiều làm một lèo từ lúc tan tầm 4 giờ rưỡi cho tới 10 giờ rưỡi đêm, cái loa Ngã Sáu cách cửa sổ buồng tôi, cái cửa sổ nhà Tây rộng gần kín một bức tường, một khoảng cách tiêu chuẩn để đạt tới độ cực đại của âm thanh. Phát thanh nhạc thể dục sớm, ca nhạc sớm, phát thanh nông thôn, phát thanh công nghiệp, bản tin thời sự, quân đội nhân dân, vì an ninh Tổ quốc phát thanh văn hoá xã hội, buổi phát thanh lý luận, khắp nơi ca hát, Tổ quốc ta tươi đẹp, buổi phát thanh thanh niên, phụ nữ, ca nhạc theo yêu cầu thính giả, buổi phát thanh các nước xã hội chủ nghĩa anh em, lại còn có lúc Hải Phòng coỏng pô thòi (Buổi phát thanh tiếng Quảng Đông), rồi tiếp âm đài Mạc Tư Khoa, đài Bắc Kinh nữa. Cả nhà tôi, kể cả các cháu còn bé tý cũng thuộc lòng các khúc nhạc hiệu cho mỗi chương trình. Ví dụ như khi nghe tiếng chuông điện Krem-lanh ngân nga: Bầu trời âu Xô Liên là nơi biết bao người, cháu Hải Yến mới lên hai tuổi giục tôi vì tôi đã hứa đèo cháu đi chơi: - Đi? Bố! Đài Tư Hoa (Mạc Tư Khoa - cháu nói ngọng) rồi. Muộn rồi.
Một đêm Vũ Thư Hiên ngủ ở nhà tôi. Sáng hôm sau, tung chăn dậy, nhìn ra cửa sổ, nghe tiếng loa từ Ngã Sáu vọng vào, Hiên nhíu mày bảo tôi:
- Hình như tao đã gặp buổi sáng như thế này ở đâu rồi.
Đúng là tiếng loa đã có từ lâu lắm rồi. Nó đã ngấm vào máu thịt, như là tiền kiếp vậy. Bao nhiêu năm chúng tôi đã nghe những bản nhạc hiệu ấy, những giọng nói đanh thép mở đầu ấy và cả những giọng điệu trong nội dung người viết người đọc nữa. Nó đã biến thành một phần của chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ cuộc đời đâu chỉ có mỗi chuyện nghe phát thanh. Còn nhiều việc phải làm nữa chứ. Như chuyện các cháu học bài. Tiếng loa thường xuyên quấy rối các cháu. Thường xuyên ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, nghe tất cả các buổi phát thanh với một cường độ âm thanh sung mãn nhất và chắc chắn cao gấp nhiều lần so với quy định cho thính giác, với tôi đó là tra tấn. Ấy thế mà có những buổi sáng trở dậy, thấy tĩnh lặng quá chừng, tôi không hiểu thiếu một cái gì, mãi mới biết là thiếu tiếng loa phát thanh, tôi lại thấy nhơ nhớ. Thì ra người ta có thể nhớ cả sự tra tấn.
Gần đây thành phố Hải Phòng đã cho ngừng hoạt động hệ thống loa công cộng trong nội thành. Tôi cho đấy là một biểu hiện trong việc xây dựng thành phố văn minh, một bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mười giờ rưỡi đêm kết thúc những buổi phát thanh đại loại như Văn nghệ, Tiếng thơ, Tổ quốc ta tươi đẹp... Với hệ truyền thanh công cộng, đó là buổi phát thanh cuối cùng trong ngày. Không gian như sôi lên xèo xèo rồi rơi vào tĩnh lặng. Một thứ tĩnh lặng thoạt đầu gần như khó hiểu, gần như tuyệt đối. Tôi ngồi vào bàn làm việc và hiểu rằng đã đến lúc mình hoàn toàn là của mình, mình sẽ làm việc với kết quả tối đa.
Hình như thành phố dạo ấy ngủ sớm hơn bây giờ. Mười giờ rưỡi đã thấy yên tĩnh lắm. Hay chỉ là cái yên tĩnh do cảm giác tất cả các loa truyền thanh trong thành phố vừa tắt tạo nên?
Ôi những đêm khuya hạnh phúc, im lặng tuyệt vời. Vợ con ngủ, một mình thức ngồi ở bàn làm việc, kéo cày. Ý thức về trách nhiệm người chồng, trách nhiệm người bố khi cả nhà ngon giấc, có một người đêm khuya không ngủ. Stalin vĩ đại thức canh cho thế giới hoà bình (thơ chế Lan Viên: Có một người đêm khuya không ngủ / Thức canh cho thế giới hoà bình. Stalin ta đó). Mình thức làm việc, nuôi sống cái gia đình nhỏ bé của mình, nuôi sống những người mình yêu quý hơn cả cuộc đời mình. Mình viết về những gì mình yêu, những gì mình ghét, mình tái tạo cuộc sống tuyệt vời, những con người tuyệt vời mà gần họ bao giờ mình cũng thấy mình tết hơn, giản dị hơn, muốn làm việc hơn.
Không có cả tiền mua một cái đèn bàn, hơn nữa mặt hàng đèn bàn năm ấy chưa được Uỷ ban kế hoạch nhà nước đưa vào kế hoạch sản xuất, tôi có cách làm đèn bàn của riêng tôi. Cái bóng điện tròn ở giữa nhà, tôi nối dây dài ra một chút. Khi cái bóng điện được dùng làm bóng đèn buồng, tôi cuộn một đoạn dây điện lại, thả nó đúng vị trí giữa nhà. Còn khi muốn nó là bóng đèn bàn, tôi chỉ việc thả đoạn dây điện ra cho nó dài thêm, kéo bóng về phía bàn, buộc nó vào một cái đinh đóng ở tường, rồi lấy tờ báo cuộn lại như hình cái bù đài, chắn bớt ánh sáng cho vợ con nằm ngủ. Thế là có một ngọn đèn bàn, một ngọn đèn viết. Thế là tạo ra trong căn buồng thứ ánh sáng mờ mờ chỉ có một ô sáng ở bàn tôi. Ô sáng chiếu vào khuôn giấy trắng giữa bàn, thiêng liêng trang trọng, kích thích tôi làm việc. Tôi viết. Im lặng. Ý thức được rằng mình đang làm một việc tốt đẹp nhất trong những việc tốt đẹp ý thức về tài năng của mình, về sự non kém của mình. Ý thức về sự bất lực, về trách nhiệm và cứ muốn cưỡng lại những điều mình viết. Cuộc sống trên trang giấy sao mà gượng gạo, mờ nhạt. Vì tài năng. Và cũng vì cả những gì khác nữa.
Không hiểu các nhà văn viết như thế nào, tôi - một kẻ mới tập tọng vào nghề khi viết luôn có ở trước mặt một nhà phê bình, một nhà tuyên huấn và sau này có cả một nhà... công an nữa. Họ nghiêm khắc nhìn tôi. Tôi đem điều ấy trao đổi với Nguyên Hồng. Anh không nhận xét gì ý kiến của tôi. Nhưng anh nói:
- Mình lăn lộn, mình nghiền ngẫm, mình đọc, có khi năm năm, chục năm mới xong một quyển sách, mấy ông phê bình đọc vài đêm xong sáng tác của mình, thế là các ông ấy phán. Nào là chưa sâu, nào là thiếu tính giai cấp, hiện thực bị phản ánh một cách phiến diện. Đến như Những người thợ mỏ của thằng Võ Huy Tâm mà cũng có nhà phê bình hạ một câu: “Có tư tưởng công đoàn chủ nghĩa”.
Anh tiếp sau một lúc suy nghĩ:
- Người phê bình phải hết sức thận trọng, không được quyết đoán. Thạch Lam khi nói về tôi cũng chỉ nói là có lẽ “có lẽ cái đặc sắc trong văn Nguyên Hồng là mầu sắc và sự rung động”.
Tôi góp thêm:
- Cái kinh nhất là các nhà phê bình cứ đánh, cứ nói, còn các nhà văn không có chỗ nào để nói lại, để thanh minh...
Hôm ấy Dương Tường cũng có mặt ở nhà tôi. Đôi mắt cười sau cặp kính cận dầy cộp. Tường bảo:
- Tôi đọc cái này cho anh Hồng với Tấn nghe nhé.
Tường giở cái túi vải tuỳ thân, rút ra tờ L Humamté (Nhân đạo - cơ quan trung ương của đảng cộng sản Pháp).
- Tôi đọc đoạn Ep-tu-sen-cô sang Pháp cho các anh nghe. Thú lắm.
Và Tường đọc thẳng ra tiếng Việt:
- Đây là lời Ep-tu-sen-cô - Tường nói - “Thế là tôi đến Pa-ri, trong túi không một đồng trăng, trong mồm không một câu tiếng Pháp. Ở Pa-ri, một đêm tôi dạo chơi trên bờ sông Xen. Một đám người đang đi lại phía tôi, ca hát rất vui nhộn. Tay họ cầm những con dao bầu, dao nhọn, những cái kéo, những cái dùi, tất cả sáng loáng, đánh vào nhau xủng xoảng. Nhìn họ, tôi đinh ninh đấy là những nhà phê bình văn học. Mãi tới khi nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ quốc tế, nghĩa là làm điệu bộ, tôi mới biết họ làm ở lò sát sinh”.
Tất cả chúng tôi cười phá. Cả ba cùng giàn nước mắt. Tôi nhận xét:
- Thì ra không riêng ta. Bên Liên xô những người sáng tác cũng chẳng ưa gì các nhà phê bình.
- Đâu cũng vậy thôi. Bởi vì phê bình như thế ấy mà.
Nguyên Hồng chậm rãi nói giọng buồn buồn. Rồi anh lại cười khinh khích:
- Ông Tuân. Chúng nó cứ đe ông Tuân là khi ông ấy chết, chúng nó sẽ chôn bên cạnh một nhà phê bình, ông ấy sợ lắm. Đã có nhà phê bình nói văn Nguyễn Tuân chỉ để cho bọn ăn không ngồi rồi, bọn bóc lột, bọn tiểu thương đọc. Đó không phải là văn công nông binh. Tôi cũng chết vì bài Phở của ông ấy.
Nguyên Hồng lại cười. Khi hoạn nạn đã qua đi, người ta thường cười. Mấy năm sau Nguyên Hồng nói với tôi là trong bài tựa Tuyển tập Nguyên Hồng in ở Mạc Tư Khoa, Nguyễn Tuân có nói đến chuyện ấy, chuyện bài Phở của Nguyễn Tuân làm ông chủ bút báo Văn phải lôi thôi. Đi Hen-xanh-ki họp Hội đồng hoà bình thế giới, ở cái xứ Phần lan tuyết trắng, Nguyễn Tuân nhớ tổ quốc và nhớ... phở. Phở về mùa nóng ăn xong vã mồ hôi. Đứng chỗ luồng gió, mát tỉnh người. Phở về mùa rét, ăn rồi đi ngủ như đắp thêm một cái chăn bông. Lại còn phở cho trẻ con chỉ có thịt, bánh, không có chanh, ớt, tuổi trẻ vội gì đã bắt chúng nếm vị chua cay. Và còn tỉa tót: Tên hiệu phở thường chỉ gọn một tiếng, phở Đất, phở Giơi, nó như nhát dao ấn xuống miếng thịt bò chín, chẳng thấy có tên hiệu phở nào dài như Công tôn nữ Nhân Lan. Rồi đến một thứ mũ ai đội cũng không được, trừ ông hàng phở. Đó là mũ phở. Đố biết thế nào gọi là mũ phở... Chưa hết.
Nguyễn Tuân còn lên án các loại phở ba ba, phở tắc kè v.v... nghĩa là loạn phở, phở nổi loạn* (*Phở của Nguyễn Tuân (tôi ghi theo trí nhớ). Trong lần tái bản này, tôi đã đọc lại Phở và thấy mình đã nhớ sai ít nhiều. Nhưng tôi vẫn không sửa lại. Chẳng qua chỉ muốn giữ nguyên tình yêu với Phở - bị - câm, Phở -không - được - đọc - lại. Phở – tưởng - tượng - thêm mà thôi).
Nhắc lại chi tiết này chúng tôi cùng bái phục Nguyễn là nhà tiên tri. Thực tế lúc đó đã vượt xa dự đoán của Nguyễn Tuân rất nhiều: Phở tép, phở rau, phở không người lái... Tất cả đều có tên là phở cải tiến.
Mấy năm gần đây, người ta đã đánh giá lại bài Phở. Không phải là đi vào những đề tài tủn mủn, vụn vặt của cuộc sống, tuỳ bút Phở nói về sự ăn uống, một đặc trưng văn hoá của dân tộc. Nó là bước kế tiếp Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam.
Thanh minh cho tác giả Nguyễn Tuân, cũng đồng thời là thanh minh cho chủ bút Nguyên Hồng. Chỉ tiếc Nguyên Hồng không còn nữa. Anh không biết rằng rút cuộc người ta đã hiểu anh, rằng anh chỉ muốn ngay cả trong những hình thái sinh hoạt bình thường của cuộc sống cĩmg gạn chắt được những nét đậm đà thắm thiết, rút ra được ý nghĩa làm cho thấy cuộc sống phong phú hơn, cần phải bảo vệ hơn, cần phải xây dựng tốt đẹp thêm*(*Báo Văn - Nguyên Hồng - theo trích dẫn của Nguyễn Đình Thi - Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong Văn nghệ, nhà xuất bản Văn hoá, 1957).
Trong câu chuyện giữa chúng tôi, Nguyên Hồng hay nhắc đến Nguyễn Tuân. Ít thấy đôi bạn thân thiết nào lại khác biệt nhau đến thế. Một người phá đình phá chùa. Một người tô tượng đúc chuông* (*Nguyễn Tuân có nói rằng mình là người phá đình phá chùa, còn Nguyên Hồng là người tô tượng đúc chuông). Khác nhau từ hình thức, cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp. Khác nhau từ thế giới nhân vật, văn phong. Một người là ấm trà trong sương sớm. Chém treo ngành. Một chút tiểu sử và một bản lý lịch, Chiếc lư đồng mắt cua. Người kia là Bỉ vỏ, Quán Nải, Địa ngục, Buổi chiều xám, Sóng gầm. Khác nhau hoàn toàn về tính cách. Tính cách ngoài đời và tính cách trong văn chương.
Nguyễn Tuân kênh kiệu, sang trọng. Nguyên Hồng thoải mái, giản dị. Tôi nhớ một lần Nguyên Hồng thoái thác được một bữa tiệc long trọng, hớn hở dựng “Cún” ở cầu thang, lên gác:
- Nhà ăn chưa?
Tôi ngạc nhiên:
- Ăn rồi anh ạ. Sao? Sau hội nghị có chiêu đãi cơ mà. Để tôi bảo nhà tôi làm món gì anh ăn.
Anh không đồng ý và bắt tôi đi theo anh, “Đừng hành bà ấy nữa”. Chúng tôi ra phố Ga. Anh dừng xe sà xuống một bà bán ổi ương. Cho ổi vào túi, chúng tôi đến một cửa hàng mậu dịch ở gần ga. Cái khách sạn Hoà Bình vừa tối vừa chỏng trơ những bàn gơ-ra-ni-tô vuông. Anh mua bia và hỏi mượn cô mậu dịch viên một cái đĩa men.
- Đĩa không thôi chị ạ. Để chúng tôi đựng thức nhắm mà.
Chúng tôi mang ổi ra rửa ở vòi nước công cộng. Tay ướt đẫm, chúng tôi mang ổi vào để lên chiếc đĩa men. Cô mậu dịch viên tròn mắt nhìn món nhắm của chúng tôi.
Chúng tôi uống bia. Hàm răng chắc của chúng tôi tách những miếng ổi kêu dòn. Anh ngả người trên ghế:
- Thế này có sướng không. Ở đấy bây giờ đang nâng cốc, đang diễn văn đấy.
Quả thật, chúng tôi hoàn toàn là mình. Được hoàn toàn là mình sung sướng biết bao. Không ai biết chúng tôi là ai. Tôi đã hẳn. Còn ở các bàn bên, những khách ăn uống chẳng ai biết anh là Nguyên Hồng, cái ông khách da nâu, quần áo nâu, quê mùa đang uống bia nhắm ổi ương kia?
Đó là chuyện Nguyên Hồng ăn mà tôi được chứng kiến.
Còn đây là lời Nguyễn Tuân nói về Nguyên Hồng mặc mà tôi được đọc.
“Trong cư xử Nguyên Hồng xuềnh xoàng và càng xuềnh xoàng về ăn mặc. Một người bạn tôi, trước là chủ hiệu may và giờ là xã viên đứng đắn của hợp tác xã may mặc Hà Nội đã nói trộm với tôi về nhà văn Nguyên Hồng mà ông ta thích đọc “Nguyên Hồng có tính lập dị không?
Đi ra nước ngoài không biết mấy lần rồi mà sao giầy, mũ, quần áo ông ta trông cứ như người mu dích Nga trước cách mạng tháng Mười ấy! Ai ở thủ đô mà cũng cứ quần áo như thế thì chúng tôi thất nghiệp hết sao. Không phải nhà văn phải mặc theo thời trang mốt nọ mốt kia, mà ý tôi muốn là được cắt cho ông ấy một bộ quần áo gọn gàng, ông nói ông ấy cứ đưa mấy thước hàng lại, tôi không tính tiền công may đâu, chính tay tôi đo lấy, cắt lấy, may lấy, gọi là tỏ cái tình của một người độc giả cũ ngày nay vẫn còn mê văn Nguyên Hồng”. “Thôi ông ạ, ông bạn đồng nghiệp của tôi không bận tâm về quần áo, mặc thế nào cũng xong, xuềnh xoàng quen đi rồi. Tính ông ta thế, tết thực đấy, nhưng không nên đụng vào chuyện này”.
Và Nguyên Hồng đã kể lại cho tôi nghe những ngày Nguyễn Tuân ở Mạc Tư Khoa như sau: Viết lời tựa cho Tuyển tập Nguyên Hồng, được nhuận bút, Nguyễn Tuân đi mua rượu uống với cha con Xi-mô-nốp và mua một cái áo măng tô Pháp may theo mốt Pa-ri mới nhất hồi đó. Cả hai cha con Xi-mô-nốp đều khen Nguyễn là nốp(*quý tộc), là ê lê găng* (*phong nhã), Nguyễn càng duyên dáng, tự tin và trí thức hơn bất kỳ lúc nào trong cái áo măng-tô mới.
Nguyên Hồng rất yêu quý Nguyễn Tuân và cũng vì biết tôi yêu quý tác giả Vang bóng một thời nên trong câu chuyện với tôi, Nguyên Hồng hay kể về Nguyễn Tuân.
Chuyện một buổi chiều Nguyễn Tuân đi bách bộ quanh hồ Gươm, điếu thuốc lá trên môi, không nghĩ ngợi gì mà chỉ cảm thụ cuộc sống bằng tất cả mọi giác quan, hết sức thanh thản. Bỗng có một chàng trai đi ngược chiều, đưa tay lên rút điếu thuốc Nguyễn Tuân đang ngậm. Thấy có người giật điếu thuốc của mình ra khỏi miệng, Nguyễn Tuân sững lại, ngơ ngác, không còn hiểu chuyện gì xẩy ra nữa. Anh thanh niên đứng dừng ngay trước mặt ông, mồi lửa vào điếu thuốc của mình, nhả khói và cắm trả lại điếu thuốc lá của Nguyễn Tuân vào mồm Nguyễn Tuân, vẫn không nói một lời, đi thẳng. Không thể tiếp tục cuộc dạo chơi quanh hồ được nữa, Nguyễn Tuân về nhà nằm thẳng cẳng.
Lại một chuyện khác. Nhân ngày 19 tháng 12 kỷ niệm toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Tuân cùng Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng rủ nhau vào một cửa hàng mậu dịch ăn uống, ôn lại những kỷ niệm về Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, cô mậu dịch viên vất lên bàn trước mặt ba người một nắm cùi dĩa, phóng sét “như người ta vất xẻng cuốc ở công trường”. Nguyên Hồng gọi Nguyễn Tuân là ông già quái quỷ.
- Tiếp A-bra-ham chủ nhiệm tạp chí Châu Âu), ông Tuân nhất định không nói tiếng Pháp. Cứ đòi phải có phiên dịch. Cuối cùng phải có một phiên dịch. Phiên dịch Nguyễn Đình Thi: Tổng thư ký Hội Nguyễn Đình Thi làm phiên dịch! Quái quỷ! Mà không chịu tiếp ở cơ quan, khách sạn. Tiếp ở nhà! Không Mac-ten, Na-pô-lê-ông. Rượu lậu? Rượu nếp lậu! Với bánh chưng, giò lụa, chả quế, hành nén. Vay tiền của Hội để tiếp. Trả sau. Bắt Nguyễn Đình Thi dịch lại sự tích bánh chưng, về những nghệ nhân giã giò và nghệ thuật làm giò lụa, về miếng chả quế có lớp ngoài bong ra như lớp bì dính vào miếng thịt dắt. Quái quỷ!
Thường cứ sau tiếng “quái quỷ” là một chuỗi cười dòn. Tiếng cười sảng khoái nhất của anh.
Lại còn chuyện Nguyên Hồng chơi cờ với Nguyễn Tuân mới thật là “quái quỷ”. Cho đến bây giờ mỗi khi ôn những kỷ niệm về Nguyên Hồng, Nguyên Bình vẫn còn nhắc lại với tôi chuyện ấy. Ngày ấy tôi và Nguyên Bình hay chơi cờ với nhau. Ngày ấy chúng tôi còn trẻ, quỹ thời gian còn nhiều, chưa phải tính toán những ngày còn lại. Nên “bõ bèn chi đối đôi ta phao phí một hai giờ” (Mai-a-kôp-xki). Nhà tôi lại có bàn cờ tướng. Trình độ của chúng tôi kẻ tám lạng người nửa cân, nghĩa là đã qua được kiều chơi cờ vồ, cờ lừa, nên cuộc chiến thường rất gay go. Ôi! Những phút giây suy nghĩ lao lung. Trí tuệ căng thẳng tập trung vào những quân cờ, không biết gì đến chung quanh. Tôi sắp bị mất xe, quân cờ mạnh nhất trong các hàng sĩ tốt, kết quả nước pháo tuần hà sở trường, hiểm hóc của Nguyên Bình và sự hấc lờ của tôi. Phải tìm cách thoát khỏi nỗi đau này. Không có tình thế nào là tuyệt vọng. Tôi cố nghĩ kế thoát hiểm. Còn Nguyên Bình triền miên với thắng lợi, thừa thế tính những nước tiếp theo.
Bỗng một bàn tay của ai đó thò vào bàn cờ, nhấc quân tượng của tôi đi một nước để tránh thế pháo nổ chiếu bí. Chúng tôi quay ra: Nguyên Hồng! Anh đến từ bao giờ và đang im lặng xem chúng tôi đấu trí. Anh ngồi xổm, chòm râu thưa tì vào một cánh tay khoanh trên gối suy nghĩ, tay kia ngập ngừng đưa trả quân tượng về chỗ cũ. Anh đã nhận ra cây xe của tôi đang là mồi ngon cho cây xe của Nguyên Bình.
Nguyên Bình thở dài đầy thương cảm với tổn thất của tôi, một tiếng thở dài đầy giả dối:
- Thế là mất cả xe cộ!
Chúng tôi toan dừng cuộc chơi để tiếp anh, nhưng anh xua tay, ý nói: “Cứ tiếp tục đi”. Anh ngồi chầu rìa, khi mách nước tôi; khi mách nước Nguyên Bình. Ván cờ kết thúc với thắng lợi của Nguyên Bình. Và Nguyên Hồng vào chơi thay tôi.
Té ra Nguyên Hồng đánh cờ rất dở. Anh thua Nguyên Bình chỉ sau hơn chục nước đi.
- Mình loại ruồi. Không chơi được với các ông. Võ sĩ hạng nặng.
Rồi:
- Mình chỉ chơi cờ với ông Tuân được thôi. Chúng tôi hiểu ngay rằng sắp được nghe một câu chuyện thú vị. Chuyện hai ông già đáng yêu đầy cá tính ấy chơi cờ. Nguyên Hồng đọc được vẻ háo hức của chúng tôi. Anh kể:
- Chúng mình không chơi như các ông. Bày bàn cờ xong đôi bên đều nhường nhau: Mời ông đi trước. Mời ông đi trước. Tất nhiên mình phải đi trước vì ông Tuân muốn thế, ông muốn nhường bạn một nước. Mình nghĩ. Nghĩ lâu. Và quyết định đi nước đầu tiên: ấn tốt ba. Ông Tuân quả là sành cờ. Ông đánh giá đúng nước đi ấy và thán phục: Cao! Cao! Ông nghiền ngẫm triền miên, thỉnh thoảng lại xuýt xoa: Cao, cao, khen nước tốt khai cuộc của mình. Ông Tuân rất sợ tốt. Các ông còn nhớ không nhỉ. Trong một sáng tác ông Tuân đã cho tốt lùi đấy. Ông rền rĩ: Con tốt này sắp sang sông đây. Mà nó sang sông là thành một con xe đây. Thành con xe nhưng nó vẫn là con tốt nên nó rất liều mạng. Cái đồ tiểu nhân đắc chí này. Nguy hiểm đây. Nguy hiểm lắm đây. Thế rồi ông ghểnh sĩ.
Đến lượt mình bật lên: Cao! Cao! Nước ghểnh sĩ rất hiểm. Để đưa pháo vào gọng sĩ đây. Rồi sau đó sẽ ký pháo cản tượng. Cao, cao. Ông Tuân nhìn mình, cười đầy thoả mãn rồi chậm rãi nhồi một tẩu thuốc, ngâm nga. Ông biết mình có phá được nước ghểnh sĩ của ông cũng còn lâu. Tất nhiên là lâu. Nhưng rồi mình cũng nghĩ được. Chẳng còn nước nào khác, ngoài nước lên tượng. Thấy mình vén tượng, ông Tuân hoảng: Không thể đánh được với ông này. Cao, cao.
Chúng tôi cười bò. Nguyên Hồng cố nén cười, thuật tiếp ván cờ giả vờ ấy, cuộc đấu giả vờ ấy. Cả hai ông cùng ngồi xổm lên, suy nghĩ căng thẳng trước mỗi nước đi và luôn miệng khen nhau cao! cao! Cho đến khi mãn cuộc.
Nguyên Bình rên rỉ:
- Hai cụ chơi như vậy mà cứ luôn miệng khen nhau cao cao thì thật là những bậc chí thánh.
Nguyên Hồng vừa lau nước mắt vừa nói:
- Cuộc chơi, cuộc vui các cụ tâng nhau thế còn được. Chứ cuộc đời, cuộc viết cũng tâng nhau như vậy thì chỉ có ăn cám hết.
Chúng tôi cùng xuýt xoa: Cao! Cao? Cả ba cùng cười vang. Và Nguyên Hồng lại cười - khóc.
Không chỉ kể chuyện Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng còn tặng tôi mót kỷ vật về Nguyễn.
Một hôm, từ Hà Nội về, đến tôi, sau một tuần trà, Nguyên Hồng nói:
- Có cái này. Có cái này cho Tấn.
Đôi mắt anh long lanh, miệng tủm tỉm cười: vẻ mặt đặc biệt sảng khoái. Rõ ràng anh rất biết giá trị món quà của mình, anh biết món quà của anh làm tôi vui. Anh lục cặp, cái cặp chứa đầy bản thảo phồng căng, miệng vẫn cười cười, rút ra một cái phong bì đưa cho tôi và cười ha hả. Tôi thật bất ngờ. Và sung sướng đỡ lấy cái phong bì. Nguyên Hồng trở lại im lặng. Cả hai chúng tôi lặng ngắm cái phong bì có nét chữ Nguyễn Tuân. Trong một cuộc họp Hội nhà văn, thèm rượu, Nguyên Tuân lấy của Nguyên Hồng một cái phong bì, vẽ trên đó một cốc rượu, dưới đề “À votre santé, monsieur Nguyên Hồng”* (*chúc sức khoẻ ngài, ngài Nguyên Hồng).
Trả lại cái phong bì cho bạn, Nguyễn Tuân nháy mắt, hất đầu ra phía cửa như muốn hỏi: Đi chứ? Cái phong bì đã cũ, mặt sau Nguyên Hồng ghi những việc phải làm trước khi đi công tác.
- Tìm lại bản hợp đồng và Bỉ vỏ.
- Cất buộc lại các sách tài liệu, đem đi một số.
- Cất chén, bát, cây, cột.
- Hỏi tin Trà.
- Đưa chùm chìa khoá cổng hội.
- Buộc lại chai lọ, rang lạc.
- Dặn dò các con.
- Khâu quần đùi.
- Để lại tem vải (...)
Rõ ràng cái phong bì anh không định cho tôi. Nhưng rồi anh đã cho.
Một cái phong bì nhưng tôi có được kỷ niệm của hai nhà văn lớn.
Cái phong bì Nguyên Hồng cho tôi ấy là phong bì của nhà xuất bản văn học “Kính gửi đồng chí Nguyên Hồng. Trường bồi dưỡng viết văn, Hội nhà văn Việt Nam”.
Trong một thời gian dài Nguyên Hồng phụ trách trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ, tiền thân của trường Nguyễn Du ngày nay. “Ông đốc Hồng”, bè bạn gọi đùa anh như vậy, anh cũng tự nói đùa về mình như vậy.
Không hiểu anh dạy dỗ các bạn tôi ở trường như thế nào. Về với tôi, anh chỉ nói chuyện vui, chuyện đời, chuyện trong làng văn. Anh đọc cho tôi nghe mấy câu thơ lãng mạn của Huy Cận. Anh kể chuyện anh nhờ một cô gái đan cho anh một cái áo len để anh tặng người yêu, nhưng rồi chính cô gái anh nhờ đan áo ấy lại trở thành vợ anh, chị Nguyên Hồng bây giờ. Anh kể chuyện khi Bỉ vỏ được giải thưởng, anh mới 17, 18 tuổi đi ngang qua Hôtel du Commerce, nay là khách sạn Hữu Nghị, các gái nhẩy đã nhận ra anh và lôi anh vào bar như thế nào.
- Hồi ấy có hai người còn ít tuổi mà nổi tiếng. Đó là Xuân Diệu và tôi.
Nguyên Hồng chỉ kích thích tôi làm việc chứ không dạy tôi nghề viết. Nói đúng ra, có một lần. Mà cũng chỉ là vui câu chuyện.
Khoảng 24, 25 tết năm ấy, Nguyên Hồng về nhà tôi. Anh mang theo những bức tranh tết vẽ những tiên đồng đầu để trái đào. Mầu hoa đào, màu xanh lục của quần áo, những dáng bộ cách điệu, cây xanh mang trái hồng... Tranh in trên giấy dó. Anh ngắm nghía căn buồng của tôi, rồi dán bức tranh lên tường phía trên cái đôn bằng gỗ gụ có trạm nho sóc. Đó là vật duy nhất của nhà tôi trước cách mạng còn sót lại. Tây đã đốt hết cả. Tôi chỉ thấy treo tranh tết bây giờ hơi sớm. Vì còn những gần một tuần nữa mới đến tết. Mọi người còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, nghĩa là thời gian tất bật, vất vả nhất. Chúng tôi ngồi uống rượu với chả mực.
Cô gái bên hàng xóm, sát vách nhà tôi xô vào chỗ vợ tôi (lúc đó đã ăn xong) thì thào nhờ vợ tôi đan giúp một mảnh thân áo len để kịp mặc tết. Đó là một cô giáo xinh xắn đang tuổi yêu và đã có người yêu. Mỗi lần thức khuya để viết, nghe tiếng guốc cô lên thang muộn, tôi lại thấy trong lòng ngân nga thơ Quang Dũng:
Những lúc chơi giăng đùa gió trở về
Tiếng guốc lên thang gác lanh canh...
Cô giáo đứng dậy ra cửa và lúc ấy mới để ý đến bức tranh. Cô kêu lên:
- Nhà anh chị có vẻ tết quá rồi nhỉ.
Nguyên Hồng bảo tôi sau khi cô giáo đã về nhà:
- Tấn thấy không. Chi tiết là vô cùng quan trọng. Nhất là một chi tiết đặt đúng chỗ..
Lại có lần anh kể cho tôi nghe về một người viết văn trẻ. Anh này say sưa giới thiệu với Nguyên Hồng quyển tiểu thuyết còn đang nằm trong đầu mình, nói theo cách nói của các nhà văn là đang thai nghén.
- Quyển này của tôi sẽ có chiều rộng của bối cảnh, chiều cao của tư tưởng, và chiều sâu của nhân vật.
Nguyên Hồng nheo mắt hóm hỉnh nhìn tôi:
- Chiều rộng, chiều cao, chiều sâu, nhưng phải có chiều tiêu nữa chứ!
Tác phẩm phải tiêu hoá được. Tiêu chuẩn ấy Nguyên Hồng đặc biệt coi trọng. Đừng sống sít, đừng khê, đừng nhão nhoét. Có thể gây ra bệnh đường ruột, bệnh dạ dày. Nghĩa là phải bảo đảm “chiều tiêu”.
                                     * * *
Ngày xưa Hải Phòng có nhiều sân vận động. Sân Bon-nan, sân Rơ-nô, sân Phong Đại Thành, sân Phết-bôn X-tát có mái che. Sân Bon-nan là sân trưởng thành của tôi.
Danh thủ Nguyễn Danh Túc lừng lẫy một thời bồi hồi nhớ lại chuyện cũ. Tất cả bốn sân bóng đều không còn, nhưng Túc chỉ thấy nhớ sân Bon-nan. Và Nguyên Hồng cũng chỉ nhớ sân ấy. Bãi Bon-nan là một dải đất chạy dài giữa trung tâm thành phố, một bên là phố Trần Phú, một bên là phố Quang Trung, đầu này giáp vườn hoa Nhà kèn đầu kia chạm tới quảng trường nhà hát thành phố. Nó chính là vườn hoa Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ. Bãi Bon-nan là tên gọi chung cho cả hai sân bóng: Sân Máy Đèn và sân Bon-nan.
Nguyên Hồng đã ngồi ở đó không biết bao nhiêu buổi chiều, kể từ khi mới từ Nam Định theo mẹ ra Hải Phòng, lúc kéo lê đôi guốc cùn đi xin việc ở các sở, hay khi dạy học ở xóm Cấm. Nguyễn Danh Túc cả quyết:
- Nhà văn Nguyên Hồng có đá bóng. Ông đá hậu vệ cho một đội bóng ở Nam Định đấy. Chỉ trực tiếp đá bóng mới hiểu hết các ngón nghề của anh em chúng tôi. Mới mê đi đến mức ôm chầm lấy những người bên cạnh mà hôn, không biết người ấy là phụ nữ như ông Nguyên Hồng đã làm trong sân vận động Khác-cốp.
Phá sân Bon-nan cả hai đều thấy tiếc. Đều thấy là một tổn thất cho phong trào thể thao, nhất là phong trào bóng đá của Hải Phòng. Nhưng chẳng thể nào khác được. Phải biến sân vận động này thành cây xanh, nối tiếp với hai đầu cũng là cây xanh, liền một dải, thành lá phổi của thành phố ngày một đông đúc, ồn ào, bụi bậm. Bởi vậy Nguyễn Danh Túc chỉ biết thở dài, và Nguyên Hồng im lặng.
Nguyên Hồng hiểu sự cần thiết của dải cây xanh đó. Khi người ta dựng cốp pha, chuẩn bị cho việc đổ cột, đổ mái bê tông trùm lên vỉa hè ngã tư Minh Khai - Hồng Bàng, biến khu bách hoá tổng hợp Minh Khai thành một thứ Gô-đa thu nhỏ thì Nguyên Hồng cuống cuồng lên. Anh cảm thấy người ta đang phá vỡ sự hài hoà của đường phố.
Anh viết thư lên ông bí thư Thành uỷ, ông chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố, anh viết thư gởi báo Hải Phòng, Sở Nhà đất, Sở Xây dựng... Ngày ấy cuộc sống của tôi đang cực kỳ khó khăn. Biết tôi không quan tâm đến một điều gì khác ngoài kiếm sống, Nguyên Hồng vẫn không kìm nén được những điều cần thổ lộ.
- Đường Hồng Bàng là đường phố đẹp nhất Hải Phòng. Ngã tư Hồng Bàng - Minh Khai là ngã tư đẹp nhất. Người ta đang làm hỏng nó.
Rồi lại:
- Đường Hồng Bàng có thể sánh với những đường phố đẹp nhất Praha.
Khi phá sân Bon-nan, chuyển nó thành công viên, anh không cuống cuồng lên, mặc dù sân bóng với anh có biết bao nhiêu kỷ niệm...
“Sân Bon-nan là sân trưởng thành của tôi”. Nguyễn Danh Túc nói vậy. Sân Bon-nan còn là sân trưởng thành của bao danh thủ bóng đá Hải Phòng khác. Những Đức- tầu-bò, Dịp đè-người, Kính trâu, Mùi Pố, những Mạc, Giống, Chi... Những trẻ em cù bơ cù bất, những trẻ bán báo, bán lạc rang, bán kem, đánh giầy, đánh mũ, những học sinh tan học quẳng guốc, quẳng cặp vào một góc, lao vào sân tranh nhau quả bóng tròn. Hò hét, bụi bậm, mồ hôi, lăn lóc nhưng biết bao sôi nổi, biết bao hào hứng. Chỉ một loáng người xem đã vòng quanh kín sân vận động. Đám khán giả cũng sôi nổi hò thét, bình luận, khen ngợi, chê bai, cũng ủng hộ đội này, dèm pha đội khác... Họ là những người tan tầm làm chiều, những anh đạp xích lô, những ông già đi mua thuốc ho ghé ngang qua, những em trai đi mua phở cho mẹ ốm ở nhà, cứ xách cái cặp lồng đứng ngây ra nhìn người, nhìn bóng, những người đi dạo tìm nơi đông đúc ồn ào, những người nghiện bóng, những hô-li-gân bóng đá...
Nguyên Hồng bảo tôi:
- Chắc là ở Bra-xin phải có nhiều sân Bon-nan lắm. Mình đoán vậy. Có thể gọi sân Bon-nan là sân tình-yêu-bóng-đá.
Một cái sân ở ngay trung tâm thành phố, ngày nào cũng có người đá, ngày nào cũng có người xem. Sân ấy làm tăng lên mãi trong thành phố tình yêu bóng đá, môn thể thao của hành tinh.
Nguyên Hồng với chiếc xe “cún” hay ngồi ở đó những buổi chiều. Dựng xe đạp vào tường bao, bức tường chỉ thấp đến đầu gối, nghĩa là vừa bằng chiều cao của cái poóc-ba-ga xe cún, anh ngồi xếp bằng tròn trên mặt tường bao và poóc-ba-ga xe, cười nghiêng ngả. Có người biết anh nhưng làm như không biết, để anh được hưởng trọn niềm vui bình dị nhất của một người bình thường. Anh có thể tranh luận với bất kỳ ai về từng cầu thủ của các đội bóng, đặc biệt là đội bóng Hải Phòng. Tôi rất khâm phục kiến thức uyên bác của anh về mặt này. Anh có thể phân tích chiến thuật của từng đội trong từng trận, phẩm chất của mỗi cầu thủ như phân tích mặt mạnh yếu của từng tác phẩm của mỗi nhà văn vậy.
Nguyên Hồng đặc biệt yêu quý Nguyễn Danh Túc. Vì tài đá bóng của Túc. Và có lẽ còn vì cái quá khứ của Túc, nó rất gần với thế giới nhân vật của anh. Ngày ấy ở đường Hồng Bàng con đường mà Nguyên Hồng coi là đẹp nhất Hải Phòng, có thể sánh với những con đường đẹp nhất Praha) chỗ gần đồng hồ Ba Chuông có một ông già bán cà phê, bánh mì sốt vang... thỏ. Dạo ấy nào ai dám nghĩ đến thịt trâu, thịt bò. Nó là sức kéo, là sự phồn vinh của hợp tác xã, là ấm no của nông thôn. Sốt vang thỏ ông già nấu thật ngon, “thịt róc xương” như món thịt thỏ trong Chuông nguyệt hồn ai (của E. Hê-ming-uê).
Cửa hàng ông có cái tên rất hay: Cà phê - điểm tâm Bác Học. Cũng chẳng có thêm chữ nghĩa kiến thức gì khi uống cà phê hoặc ăn sốt vang của ông. Ông tên là Học. Mọi người gọi ông là bác Học vì ông già, ít nhất là già hơn các cầu thủ bóng đá trong các đội tuyển Hải Phòng hồi đó Thế là cửa hàng ông mang tên ông. Cửa hàng Bác Học. Ông Học gầy gò, má hóp. Cửa hàng ông như một cái ống hình hộp hẹp, dài và sâu. Tôi và Nguyên Hồng thỉnh thoảng có lui tới đó. Điều lạ nhất là những chú thỏ. Chúng chạy nhẩy trong cửa hàng, luồn dưới gầm bàn gầm ghế, quẩn cả chân khách. Nguyên Hồng vội co rụt chân lên ghế khi có một con thỏ nhẩy vào góc chúng tôi ngồi: Quái quỷ! Ông Bác Học túm đôi tai dài của một chú thỏ giơ lên, lấy lòng bàn tay vỗ nhẹ vào gáy nó. Thế là thỏ nằm ngay đơ. Ông đem cắt tiết và lột da, có lẽ không quá một phút đã xong một con.
Chúng tôi đến đó không phải vì món sốt vang thỏ, dù nó rất ngon và nổi tiếng. Điều hấp dẫn Nguyên Hồng là ở khía cạnh thể thao. Ông Bác Học thực sự là một ông bầu của bóng đá Hải Phòng, có thể coi như ông Ta-pi của Ô-lanh-pich Mác-xây hay Bec-lut-cô-ni của AC Mi-lan. Tất cả tiền lãi của Cà phê - điểm tâm Bác Học, ông dành để nuôi đội bông Hải Phòng. Anh em cầu thủ đi về đó như đi về nhà mình. Ăn uống xong là đi tập. Đi tập về lại ăn. Rỗi thì tham gia giết thỏ, pha cà phê, rửa bát... Túc không nhà không cửa ngủ luôn ở đấy. Ông coi Túc như con: ông coi tất cả anh em cầu thủ như con. Đội bóng Hải Phòng đi đấu ở các nơi đều có mặt ông. Nếu đá ở Hà Nội ông đi lên bằng xe đạp. Ông Bác Học cùng với ông Đắc ba-đầu-gối, trùm đua xe đạp Đông Dương, mỗi người một xe cuốc guồng dọc đường 5, tới chỗ đội nghỉ ngơi, động viên anh em, góp thêm ý kiến về chiến thuật, nhắc nhở từng cầu thủ (tất nhiên là chỉ góp ý, nhắc nhở ngoài rìa, khi không có huấn luyện viên) rồi đưa vé vào khán đài A hò hét đến khản cổ, cổ vũ đội nhà.
Ông Bác Học không biết người đi với tôi là Nguyên Hồng, nhưng Túc biết. Hai người biết nhau từ ngoài sân vận động. Nói đúng ra Nguyên Hồng biết Túc lâu rồi, nhưng Túc mới biết Nguyên Hồng sau trận ấy. Cái trận Công An Hải Phòng đá với Cảng Hải Phòng năm 1956. Túc và cả Đức tầu bò nữa đá cho đội Công an. Túc bay người đánh đầu vào lưới đội Cảng, mở tỷ số ở hiệp 1. Túc lộn mấy vòng và thấy nong nóng ươn ướt ở mắt. Rách mắt. Phải ra sân. Túc lên ô tô vào bệnh viện khâu ngay. Hiệp 2 Túc đã có mặt trên sân. Nhưng dù có cố gắng đến mấy cũng không xoay chuyển được tình thế. Kết quả 3-2 nghiêng về đội Cảng.
Sau trận đấu, Túc vừa đau, vừa buồn. Có một người quần nâu áo nâu, đen đủi chen lách qua đám cầu thủ, bước tới kéo tay Túc:
- Đi! Đi! Uống rượu ăn thịt bò khô. Ngay đây thôi.
Túc nhìn người ấy, lắc đầu:
- Cám ơn bác. Mệt lắm.
- Hay ăn kem cốc? Ăn cốc kem cho nó mát. Cú tết tuyệt vời! Mặc dù mình ủng hộ đội Cảng nhưng cú tết của cậu làm mình sướng quá. Tết thế mới là tết.
Túc nể người cổ động viên của đội Cảng, đi ăn kem cốc với người ấy. Mãi sau anh mới biết đó là Nguyên Hồng, là nhà văn Nguyên Hồng mà Túc đã đọc và thấy ông sao gần gũi.
Hai người quen nhau từ đấy. Nhưng phải đến năm 1958, Nguyên Hồng mới hiểu hết tài năng của Túc. Sau khi thắng thể Công 4- 1, thắng đội tuyển Hà Nội có đầy đủ đội hình mạnh nhất, những Tý bồ, Tòng, Nghẽn, Thọ, Ve 4-0, đội bóng Bát Nhất (Trung Quốc) thừa thắng về Hải Phòng thi đấu với đội tuyển thành phố Cảng. Đội tuyển Hải Phòng thắng Bát Nhất 2-0. Cả hai bàn đều do Túc đưa bóng vào lưới. Phút thứ 20 hiệp 1 và phút thứ 40 hiệp 2. Đó là trận thắng dòn dã nhất của đội bóng chủ nhà với đội khách Bát Nhất.
Túc đá ở sân Bon-nan từ năm lên mười tuổi. Túc mồ côi cha mẹ cũng từ năm ấy. Rời làng Hàng Kênh, Túc ra thành phố bán báo: Thời cuộc, Lẽ sống, Tia Sáng... Cơm vỉa hè, tối bạ đâu ngủ đấy. Khổ nhất về mùa rét. Chui rúc gầm cầu, gió vẫn cứ thông thống. Bán báo đến trưa, chiều vào sân Bon-nan. Đội bán báo đá với đội đánh giầy. Đội đánh giầy đá với đội bán kem. Nhiều khi chỉ đứng xem. Xem các đội đàn anh thi đấu. Đội ô-lanh-pích, đội Thanh niên Hải Phòng, đội Xì tát đội Nam Sinh... Túc học được nhiều nhất cách đi bóng, cách che chắn bóng ở Túc Cầu Đại Vương trong đội Nam Hoa (Hồng kông).
Trận thất bại thảm hại của Túc và của đội tuyển Hải Phòng, tôi và Nguyên Hồng có được chứng kiến. Lại cũng trên sân Bon-nan. Lại cũng đông kín khán giả. Những khán giả khiêng bàn, xách ghế ở nhà ra tạo một chỗ ngồi. Những khán giả vắt vẻo trên những cành cây cơm nguội vây quanh sân. Ngày ấy chưa có sân Lạch Tray mà người ta còn nhầm là sân Quần Ngựa. Đội tuyển Hải Phòng phơi áo trước đội An-giê-ri 6-1. Tỷ số thật đậm.
Chỉ nhìn hai đội ra quân đã thấy thất vọng. Tôi ghé tai Nguyên Hồng:
- Ta thua mất rồi.
Đội An-giê-ri với các cầu thủ cao mét chín, hai mét. nước da ngăm ngăm khởi động. Trông thật tiêu chuẩn hoá, trông thật tự tin, áp đảo uy nghi. Các cầu thủ Hải Phòng chỉ đến vai họ. Chắc chắn họ có thể lực tuyệt vời, quần nhau suốt chín mươi phút như không. Còn bên ta thì sao? Tôi như đã nghe thấy hai tiếng “thấm mệt” luôn được nhắc đến trong các buổi tường thuật tại chỗ, cũng như đọc trên các báo. Chúng ta quá nghèo, đến mức không nuôi nổi một đội bóng đủ sức đá 90 phút.
Nguyên Hồng động viên tôi:
- Cao to là một lợi thế, nhưng ăn thua phải là kỹ thuật. Thời tạm chiếm ở sân Bon-nan này, Túc đá với các đội bóng của Pháp, tất nhiên là lính thôi, nhưng chúng nó đá rất hay đấy. Nhiều cầu thủ chuyên nghiệp bị động viên vào lính. Đừng coi thường. Chính Túc cũng có một thời vào lính đá cho đội Ma-rin. Chúng nó kèm Túc rất chặt. Nhưng cứ bóng đến chân Túc là vào lưới. Mấy ông lính Tây cáu không đá nữa, đuổi đánh Túc. Dân phố thỉnh thoảng lại thấy một ông Việt Nam thấp bé chạy bán sống bán chết, đằng sau là mấy ông Tây cởi trần, mặt đỏ gay hò hét đuổi theo. Không còn biết là chuyện gì nữa.
Chúng tôi cùng cười vì chi tiết thú vị ấy. Nhưng tâm lý thất bại vẫn cứ đè nặng. Tỷ số 1-0. Rồi 2-0. Rồi 3-0.
Mỗi khi bóng đến chân Túc, Nguyên Hồng lại gào to:
- Túc. Túc! Cố lên? Túc!
Tôi than thở.
- Đội bạn cao thế Túc làm sao đánh đầu được!
Nguyên Hồng quát lên:
- Nó đánh bằng tay đấy! Nó là chuyên đánh đầu bằng tay đấy Tết -tay đi Túc?
Túc không đánh đầu bằng tay được. Các cầu thủ An-giê-ri với chiều cao áp đảo đã hất bóng ra biên. Nguyên Hồng vẫn nhấp nhổm, nhấp nhổm, tay chỉ chỉ như muốn nói với Túc điều gì. Nhưng quả bóng đã được đá lên rồi.
Trận đấu kết thúc với tỷ số 6- 1. Chưa bao giờ đội Hải Phòng thua đau đớn như vậy. Trên đường về nhà Nguyên Hồng mặt rầu rầu:
- Không còn Đức đầu bò, không còn Mùi Pố, không còn Te, Kính. Thua là phải thôi.
Với tôi, bóng đá chỉ là giải trí, tôi không cay cú như anh. Tôi nói giọng hài hước
- Vấn đề là “học tập đội bạn” mà anh.
Anh lắc đầu:
- Mình thua An-giê-ri là đúng. Nhưng đậm quá. Thi đấu mà cứ thua mãi thì buồn lắm. Nhục lắm. Cứ “học tập đội bạn” và “tình hữu nghị đã  thắng” thì thi đấu làm gì?!
                                       *  *  *
Nguyên Hồng đúng là người của chợ, vỉa hè, đường phố. Đồng chí bảo vệ cơ quan Hội văn nghệ Hải Phòng nhiều lần đi chơi tối về thấy ông chủ tịch Hội Nguyên Hồng trải báo nằm ở vỉa hè chờ mở cổng để vào nhà. Đồng chí bảo vệ tỏ ra ân hận vì về muộn, để anh phải chờ đợi thì nhận được câu trả lời thành thật nhất của Nguyên Hồng: “Không sao. Nằm thế này cũng có cái thú của nó”.
Có rất nhiều dẫn chứng về chủ đề này. Thanh Tùng kể anh hay được Nguyên Hồng dẫn đi ăn cháo lòng ở chợ Sắt, “ăn ở đây mới nghe được nhiều chuyện mà viết”. Bà bán cháo lòng vẫn gọi Nguyên Hồng là cậu Hồng, thái độ rất thân mật, khiến Thanh Tùng nghi rằng đó là người tình ngày xưa của “cụ”.
Với tôi, Nguyên Hồng hay kéo đi chơi phố. Đi mà ngắm, mà nhìn, mà yêu cuộc sống. Đi thong thả trò chuyện và đi thong thả không trò chuyện. Một lần chúng tôi đi chơi vào buổi chiều hè, mặt trời đã lặn từ lâu, nhưng trời cứ sáng mãi không chịu tối. Từ Ngã Sáu đi thẳng lên Hồng Bàng. Tới cầu Giốp, chúng tôi rẽ ra bờ sông Tam Bạc. Đây hình như là thế giới của anh. Đây là nơi Năm Sài Gòn, Tám Bính từng sống. Anh đi xe đạp chậm, rất chậm. Tôi hỏi anh sao không tái bản Bỉ vỏ. Bỉ vỏ được tái bản một lần, bán hết veo. Anh trả lời:
- Thôi. Phải làm cái khác thôi. Chẳng lẽ cứ bóc lột tô Tám Bính mãi. (tô: hình thức bóc lột của địa chủ ngày xưa: phát canh, thu tô).
Những cảnh sinh hoạt gia đình bày ra trên đường phố bờ sông. Rửa rau, giặt giũ, nấu nướng, ăn cơm mời chào đon đả. Một thanh niên trên một chiếc sà-lan đang tắm. Bọt xà phòng trắng xoá từ đầu đến chân, trông anh ta như đang ở trong một vỏ kén xốp, gió thổi mạnh bay đi từng mảng.
Nguyên Hồng cười mãi:
- Yêu không hở Tấn?
Quành qua phố Bắc Ninh, chúng tôi về nhà hát thành phố. Thật bất ngờ: Quảng trường rộng, chật ních người. Nguyên Hồng kêu lên:
- Cái gì thế, Tấn nhỉ?
Chúng tôi phanh xe, dừng lại ở vòng ngoài cùng. Thoạt đầu chúng tôi tưởng là những người tới nghe một buổi hoà nhạc nào đó, những người mê âm nhạc đến trước cả giờ biểu diễn. Nhưng khi nhìn thấy mấy cái máy quay đặt ở phía cửa nhà hát, chúng tôi biết đó là những người dự quay xổ số. Tôi cũng có hai vé trong túi. Tôi muốn dừng lại, theo dõi vận may của mình. Nhìn lớp lớp đầu người đang hướng về máy quay, im phăng phắc và bất động, Nguyên Hồng giục tôi:
- Đi thôi.
Tôi ngoan ngoãn đi bên anh, nghe anh chép miệng:
- Tội nghiệp. Bao nhiêu người trông mong vào sự may rủi.
Tôi đặt tay lên túi áo sơ mi, mặt đỏ lên và muốn cãi lại anh, muốn bảo vệ cho những người đang đứng ở quảng trường nhà hát. Muốn thanh minh cho việc mua xổ số như tôi đã nói với Nguyên Bình: “Ba hào mua một cái hy vọng. Rẻ quá còn gì nữa”. Và Nguyên Bình đã mắng tiếp tôi: “Làm sao mày lại bỏ ra ba hào mua một cái thất vọng. Trong khi mày đã đủ thất vọng rồi!”. Tôi vẫn mua. Vừa cho vé vào túi tôi vừa đọc Trần Dần: “Chẳng cuộc tôm-bô-la vui nào mở trúng tên tôi”.
Chẳng vận may nào đến với mình đâu. Nhưng vẫn hy vọng. Cuộc sống là phải hy vọng. Với lại con số tiền thưởng cứ đập vào óc tôi. Đó là cả một gia tài lớn. Tôi sẽ giải quyết được bao nhiêu việc. Một cái xe đạp cho vợ tôi đi làm, khỏi phải đèo nhau, đưa đón chờ đợi, nhiều khi lỡ hẹn. Mua thêm cái chăn bông. Có được bát phở khuya để ấm bụng mà ngồi viết...
Tôi nghèo và tôi hiểu Nguyên Hồng cũng chẳng giàu gì. Vợ con anh đang ở Hà Bắc. Không làm nông nghiệp lại không sổ gạo, không tem phiếu. Nhuận bút tái bản Bỉ vỏ tái bản Những ngày thơ ấu chỉ là một cơn gió nhẹ vào căn nhà trống tềnh toàng của anh. Đã bao lần anh nói với tôi về niềm ao ước được đong gạo sổ. Nhưng thôi. Tôi nhất định không phát biểu, không nói với anh rằng chính tôi cũng đang có hai vé xổ số trong túi sơ mi. Rằng tôi cũng đang trông mong vào sự may rủi. Có lẽ chưa bao giờ anh biết rằng tôi chơi xổ số.
Thế rồi khoảng một năm sau, trong một chuyến anh về Hải Phòng, chúng tôi lại đi chơi. Nhà tôi chả gần Ban xổ số kiến thiết, ngay giữa phố Rue de Lille theo cách nói của anh. Tức là phố Điện Biên bầy giờ. Đi qua đó chợt anh kêu lên:
- Gượm. Tôi có cái vé xổ số. Để tôi so xem đã.
Chúng tôi dắt xe lên hè. Nhiều người đứng dò tìm các con số trên bảng thông báo. Anh cũng là một trong số họ.
Tôi không dò, không đối chiếu, không xem. Vì tôi không mua nữa. Tôi đã thử vận may. Và tôi đã biết vận may của mình. “Chẳng cuộc tôm bô la vui nào...” Tôi chả bỏ tiền ra mua thất vọng nữa.
Nguyên Hồng quay ra. Anh xé tấm vé xổ số của anh. Chẳng hiểu sao, tất cả những vé không trúng đều bị xé. Đó là cái được phép làm của mỗi người đối với tấm vé mình mua. Những mảnh giấy bay trắng mặt hè. Chúng tôi lên xe đi không nói. Chúng tôi im lặng nhìn bánh xe lăn. Chiếc bánh xe nào cũng phải lăn từng vòng, không thể nào khác được.

<< 2. | 4. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 172

Return to top