Sức gió từ hai cái quạt khổng lồ treo ở hai bên tường cao thổi ào ào vẫn không giảm được mùi mồ hôi người hanh hanh, không đánh tan được cái nóng hâm hẩm tháng tư làm lớp da dưới cánh áo thun ri rỉ ẩm. Phim gì mà chán quá, nói hoài thôi, ngồi bó gối, ngồi chồm hỗm trên ghế, ngồi gát chân lên ghế trước, đủ kiểu ngồi cũng không hết chán. Cái thằng Lục Đen cà chớn thiệt tình, đòi coi cho được phim này. Uổng tiền, phải chi hồi nãy theo tụi thằng Hải Bụng, thằng Hải Cò, thằng Tám Lé ra bến Ninh Kiều, dọc dọc vườn bông chọc phá mấy cặp ngồi rù rì, để tiền mua chuối nướng dì Ba Ốm, thế nào dì cũng chan thêm nước dừa béo ngậy, liếc ngó con Hương Teo con của dì một cái, cũng đã lắm rồi. Giờ này chắc con Hương Teo đang quạt lửa than, ánh lửa làm ửng đôi má, làm ánh mắt nó long lanh. Hừm... tụi nó ngu quá, cứ kêu con đó là Hương Teo. Nó teo là tại nó ốm, nó còn nhỏ, nhưng đôi mắt nó, đen lay láy, nhìn xớt qua cũng vui rồi, hình như nó cũng nhìn xớt qua mình nữa sao đó. Thôi, chút xong phim, chạy tạt qua gánh chuối nướng của dì Ba Ốm một cái... hừm, không còn đồng nào dính túi...hừm... cái phim cà chớn.
Thọc tay vô bịch ny lon, quậy tìm trong gói đậu phọng luộc, hy vọng còn sót vài hột, hừm, toàn là vỏ ướt nhẹp. Đang bực vì thằng Lục Đen ăn sạch không chừa một hột, em hết hồn khi cánh tay bị ai kéo ngược ra phía sau, đau điếng, quay lại nhìn. Ủa, má, má làm gì mà coi bộ gấp dữ vậy. Má kéo em xồng xộc tuốt ra ngoài, không nói không rằng. Hơi mát ban đêm không làm giảm cơn sửng sốt, nhưng em không dám cưỡng lại vì thấy gương mặt má có vẻ nghiêm trọng quá. Má nói nhỏ:
"Lẹ, lẹ đi con, chạy con! Đi đâu mà đi mất tiêu không nói cho ai biết, kiếm nát chợ từ chiều đến giờ, chạy con!" Không cần giải thích là đi đâu, tại sao phải chạy gấp, má chạy, em cắm đầu cắm cổ chạy theo. Sao lại không về nhà? Đêm tối mà má chạy xồng xộc vô vườn nhà cậu Bảy chi vậy? Xuống chiếc xuồng con đang chờ ngoài con rạch sau vườn, em nhận ra ba và bốn đứa em ngồi co ro chờ ở đó. Bây giờ em mới hiểu. Từ lâu, em đã nghe người lớn thì thầm chuyện vượt biên, nghe đồn gia đình người này đã đi vượt biên thoát được, gia đình người kia bị bắt. Ngay cả ông bà ngoại, các cậu, các dì cũng đã vượt biên hơn hai năm nay, hiện đang ở Na Uy nên ba má em cũng muốn đi luôn, qua Na Uy ở với ông bà ngoại.
* * *
Em giận run, dựt mạnh cái áo khoát treo gần cửa, chạy ra đường. Trời cuối thu nên gió rít lạnh buốt, đường ướt nhẹm nhưng không làm chùn được bước chân em. Em phải đi, đi thật xa, xa cái nhà có ba má, có mấy em. Càng nhớ lại lời má dặn hồi nãy, nghĩ tới gương mặt ba giận dữ, em càng tức. Nói đúng hơn là em vừa tức vừa buồn, buồn đến hoang mang là không biết mình sẽ làm gì.
Cơm nước vừa xong, chưa kịp coi chương trình TV thiếu nhi đài NRK lúc sáu giờ thì má dặn, rõ ràng:
- Từ nay con không được kêu ba má là ba má nữa mà phải kêu là cậu Hai, mợ Hai.
Em không hiểu trọn câu nói của má, không hiểu là má nói với ai nhưng sao tự nhiên em hỏi lại:
- Sao vậy ?
- Nhà mình chỉ còn gia đình cậu Bảy ở lại Việt Nam. Ông bà ngoại muốn bảo lãnh vợ chồng cậu mợ và các em qua Na Uy luôn mà chắc chắn là không được. Đi vượt biên nguy hiểm quá. Con làm con của cậu Bảy, con bảo lãnh cho cậu mợ và mấy đứa nhỏ qua thì nhanh hơn.
- Con đâu phải là con của cậu Bảy.
- Thì từ nay con là con của cậu Bảy, phải kêu ba là dượng Hai, má là dì Hai, nhớ chưa.
Giọng ba đầy mùi bia nhưng ráng làm ra vẻ nghiêm nghị:
- Biểu sao thì nghe vậy, bày đặt hỏi tới hỏi lui. Nhớ chưa, ai hỏi thì nói ba má và ba đứa em còn ở Việt Nam, một mình vượt biên qua đây với dì Hai dượng Hai.
- Còn nữa, ai có hỏi tuổi thì nói con chín tuổi.
- Chín tuổi? Con mười hai tuổi chớ không phải chín tuổi.
- Không có cãi tới cãi lui, tao tát một cái là trẹo họng cho hết cãi.
Có nghĩa là từ đây em sẽ nói láo. Láo đủ chuyện, làm sao em nhớ cho hết đây, lỡ em quên thì sao. Tại sao ba má không muốn em là con của ba má nữa? Ba má không thương em nữa sao? Mấy đứa em có còn là em của em nữa không? Tại sao? Tại sao? ĐM, bắt em nói láo thì em nói láo, sợ gì ai. Không cho em làm con của mấy người thì em tìm chỗ khác ở. Ở đâu? Nhà ngoại? Nhà cậu Ba? Nhà dì Hà? Hay xin vô nhà mồ côi như thằng Alexandre. Thằng này vậy mà sướng, đi học có xe taxi đưa đón, người ta cho tiền xài không hết, mỗi tuần được taxi đưa về thăm gia đình. Nhưng làm sao xin vô nhà mồ côi ở được. Tưởng gì, vượt biên được qua đây thì ba không thương em nữa, má không thương em nữa, ba má không muốn có em là con nữa. Biết vậy em trốn, không thèm theo má xuống chuyến xuồng đêm đó.
* * *
Thiệt là xấu hổ, em gần mười ba tuổi rồi mà phải ngồi chung với tụi mới chín tuổi. Dầu cho vóc dáng em không to hơn tụi trong lớp chi cho lắm nhưng em cảm thấy em lớn hơn tụi nó nhiều lắm. Lớn mà ngu. Đúng vậy. Đã ngu thì em phải làm mọi cách cho tụi nó nể, nể chuyện gì cũng được. Một tuần em được học riêng sáu giờ tiếng Na Uy với ba đứa em, con Hạnh mười tuổi, thằng Tín tám tuổi và cả con Út Lan bảy tuổi. Cũng là một mối nạn vì thằng anh lớn mà cùng học abc với đám em, coi bộ còn tụi nó vô tư học nói học nghe còn giỏi hơn thằng anh to đầu. Những giờ còn lại là em ngồi miết trong lớp, ngày này qua ngày kia. Ngồi nghe như vịt nghe sấm. Nghe chữ mất chữ còn. Thường thì đoán mò dần dần được năm ba chữ. Liếc chừng tụi nó làm gì thì em làm theo. Tụi nó cười thì em cũng cười. Tụi nó la ó thì em la to hơn. Tụi nó chạy phá trong lớp thì em cũng chạy cũng phá. Nhưng chừng tụi nó ngồi yên làm bài thì em không sao ngồi yên được vài phút chứ nói chi cả tiếng đồng hồ. Biết gì đâu mà làm. Chẳng lẻ hỏi cô giáo hoài, mà cũng không biết hỏi cái gì. Ngồi yên không được thì em kiếm chuyện phá thằng ngồi trước, giựt sách con nhỏ ngồi kế bên, đi lại thằng ngồi đầu bàn làm bộ mượn cây thước, đi ngang qua thúc cùi chỏ vô thằng này, hất giày con nhỏ kia, đủ chuyện để làm cô giáo bực mình. Cô càng bực mình, em càng thích phá. Tại vì khi cô giáo bực là tụi trong lớp khoái chí, tụi nó thích em.
Em sợ nhất là giờ ăn, một cực hình. Cô giáo bao giờ cũng đọc truyện cho cả lớp nghe trong khi tụi nó ngồi nhai nhỏ nhẹ, phải yên lặng. Cô biểu em làm gì, em còn không hiểu thì làm sao em hiểu truyện cô giáo đọc. Tụi nó lắng tai theo dõi câu chuyện, em ngóng tới ngóng lui mong chuông reng. Tụi nó cười ầm, mặt em thì trơ trơ ngó lơ chỗ khác. Ngày nào cũng thế. Bữa ăn trưa nào cũng vậy. Em kiếm chuyện đi uống nước, đi quăng rác, đi lấy tờ giấy lau tay, cố ý làm rớt hộp thức ăn, cô giáo phải ngưng đọc hoài thôi. Lúc này thì tụi nó không thích chuyện em lục ****c tới lui vì như vậy cô giáo phải ngưng đọc để la em, câu chuyện bị cắt ngang. Thường thì cô giáo phải gởi em lên văn phòng trong giờ ăn.
Bị bắt vô phòng cô giáo xã hội để nghe cô hỏi chuyện hầu như mỗi tuần, thét rồi em ngán. Em ngán, ngán nhưng không cưỡng được. Thế là em im lặng, không thèm trả lời hay chỉ trả lời nhát gừng. Cô lắc đầu chịu thua. Cô giận dữ. Cô năn nỉ. Cô dỗ ngọt. Cô đặt giờ thông dịch mời ba má lên họp. Không ai cạy được răng em, không ai bắt được em nói. Nói gì? Em còn không hiểu chính em thì làm sao em kể cho cô giáo xã hội những câu hỏi đâu đâu. Biết đâu mà trả lời. Trả lời lạng quạng làm bể mánh của ba má là về nhà bị ba ****c cho bầm mặt, bị má chưởi cho nát nước. Trường học, cô giáo, ba má, làm sao hiểu được rằng những giờ ngồi như vịt nghe sấm, trơ trơ cái mặt trong lớp học là một sự hành hạ dai dẳng, liên tục mà người lớn đã giáng lên đầu một đứa nhỏ như em. Cái thế câm lặng vậy mà thành công. Riết rồi không ai thèm ngó đến em.
Ngoài sân chơi, em ráng đeo theo tụi lớp sáu, tụi cùng tuổi với em (tuổi thật) nhưng tụi nó khinh thường em lắm. Tụi nó kêu em là "con khỉ tóc hoe". Nghĩ cho cùng, tụi nói kêu em là con khỉ cũng không sai lắm. Mà con khỉ tóc hoe càng không sai. Em không muốn ai nhìn màu tóc đen thui trên đầu, em muốn giống tụi nó, em nhuộm tóc vàng vàng nâu nâu mà sao nó cứ ra màu cam cam nâu nâu, hoe hắt. Em phải ráng bắt chước tụi lớp sáu là tụi lớn nhất trường để tụi nó cho em theo sau giờ tan trường, lang thang các trung tâm mua bán, ngóng nhìn người qua kẻ lại. Em có thua gì tụi nó đâu, từ cách chưởi thề, cách đi xềnh xàng, cách nhổ nước miếng cái bẹt, cách giựt banh của tụi lớp nhỏ... Luôn cả cách chôm chỉa trong chợ. Chỉ có chuyện chôm chỉa là tụi nó nể tài em. Chuyện này tụi nó ngu lắm, và nhát nữa. Em hả? Tỉnh queo. Lượn một vòng vô chợ để tìm mua bịch kẹo, xoay lưng nhét lẹ phong kẹo vô túi áo khoát, quơ tay lấy hộp kem vuốt tóc... Mà em cũng không dại gì rảo nhiều lần trong một tiệm. Nay siêu thị này mai siêu thị kia.
Mấy món lấy được, em chia cho tụi nó, em đem về nhà. Coi bộ má thích dữ a. Má thiệt là khờ. Em nói tụi bạn cho em mấy thứ đó vậy mà má tin. Tháng này qua tháng kia, năm này qua năm kia, hết ba năm cấp hai, má vẫn còn tin như vậy. Ba cái món lặt vặt em đem về bỏ tùm lum ở nhà. Má xài không hết, má cho nhà ngoại, má cho bạn má. Có lần nhân viên Bảo Vệ bắt được em, mời ba má lên lãnh về. Em khoái má chỗ này, má binh em, má bịa ra là tụi bạn Na Uy bắt em ăn cắp, nếu không là tụi nó đánh. Em thích quá, im re. Thét rồi em đem món gì về má cũng chẳng thèm hỏi, cần thì xài, không cần thì quăng. Có khi má còn biểu em xin tụi bạn món này món kia. Nhưng rồi em cũng chán chuyện chôm chỉa lặt vặt. Không ai la rày. Không đủ đô. Trong người em luôn luôn nóng nảy, mau giận, thích đập phá một cái gì đó. Chỉ cần một ánh mắt khinh thường, một lời chê kiểu tóc chải, một xoay lưng là đủ làm đầu em nóng bưng, là đủ làm miệng em kiếm chuyện gây, là đủ làm tay em tung ra không cần lệnh của cái đầu.
* * *
Cái xứ gì mà lạ lùng. Học dỡ học dốt gì cũng cho lên lớp, học sao cũng không thày cô nào dám la mắng. Cứ mười lăm tuổi là xong lớp chín, phải học xong lớp chín. Sau đó là tự ý, muốn học tiếp thì học, không thì lang thang kiếm công chuyện làm mướn. Em chỉ mong cho xong lớp chín là được tự do.
Bây giờ thì em khôn lắm rồi. Cách đây hai năm, em chán cảnh ba em sáng bia, chiều bia, bia một mình, bia với mấy người bạn, bia ngày thường, bia cuối tuần. Mà phải uống bia không thì cũng đở. Đàng này bia vô là lời ra. Ba càng ra lời thì má càng lớn tiếng, em càng chuồn xuống đường sớm. Em đánh lộn với tụi Thái Lan trên Oslo, ngày hôm sau, manh cái mặt bầm đi học, em kể với cô giáo xã hội là em bị ba đánh. Làm như vậy được hai lần là nhà trường báo cho văn phòng bảo vệ thiếu nhi, đem em đến một nhà mồ côi ở một quận khác. Người Na Uy ngây thơ lắm.
Muốn trốn khỏi lời gây tiếng gổ mỗi ngày trong gia đình, muốn được sống thoải mái với tụi cùng tuổi, muốn được có phòng riêng, muốn được có tiền tiêu khá rộng rãi, nên em mới làm đủ trò để được ở nhà mồ côi. Vậy mà em không ngờ rằng em nhớ ba má, nhớ các em đến nổi em chỉ mong đến chiều thứ sáu là được về thăm nhà. Em phải có một sợi dây kết nối, em sợ, sợ mình là đứa trẻ mồ côi thực sự. Coi bộ hình như ba má cũng thích giải pháp này nữa, khỏi tốn cơm gạo, khỏi tiếng la lời mắng. Tiếng là về nhà chứ kỳ thực em có ở nhà được bao lâu, đám bạn cũ rủ rê, đám bạn mới hẹn hò. Thành phố Drammen từ lâu đã trở thành quá nhỏ, quá nhàm chán cho em. Em lân la lên Oslo.
Mười tám tuổi, hết hạn được ở nhà mồ côi, bỗng nhiên em bị quăng ra đời. Được cấp một phòng trọ, một số tiền trợ cấp hàng tháng trong khi chờ kiếm được việc làm. Em không ngờ và nhân viên phòng xã hội không hiểu cái xốc hụt hẫng của một người đang sống trong nhà mồ côi có bốn người lớn chăm lo, bỗng chốc phải hoàn toàn tự lập chỉ vì vừa tròn một mức tuổi đã được ấn định. Tháng trước, tháng sau, thế là đường sống của em hoàn toàn thay đổi. Miếng ăn miếng mặc, chuyện làm chuyện chơi, mọi sự em lo mình ên. Tội gì đi làm cho mệt xác. Được hưởng trợ cấp xã hội, có thì giờ mánh mung thêm, có thì giờ tụm năm tụ ba, có cơ hội thử hút thử hít. Được có cái là em không ưa ba cái chuyện hút sách, không ai cấm cản cả, chỉ không ưa vậy thôi. Có biết bao chuyện làm hồi hộp, hấp dẫn, nguy hiểm và dễ kiếm tiền hơn.
* * *
Tôi nhào tới bồi thêm một cái đá thiệt mạnh, thằng Pakkis lăn qua một bên, nằm im rơ. Chẳng cần ngó coi nó sống hay chết, hoảng quá, tôi chạy băng qua sân vườn trẻ, nhảy rào, tìm ra đường lộ, cố giữ bình tỉnh khi đứng ở trạm xe chờ chuyến xe buýt ra khỏi thành phố Drammen. Đang thổi thổi hai tay cho ấm, nghe tiếng thình thịch phía sau, tôi quay lưng. Thằng Tự cũng vừa chạy tới trạm xe, tôi nhanh trí, giả bộ ngóng cổ chờ xe tới, làm như không quen biết gì nó. Nó hiểu, nó cũng chẳng ngó ngàng gì đến tôi, còn chu miệng huýt một điệu nhạc nữa chớ. Tôi xuống trước nó một trạm, ráng đi thật ung dung đến nhà thằng Hòa Cò như thường lệ.
Mới chín giờ tối thứ sáu mà hành lang khu chung cư vắng hoe, tôi ngồi ngoài cửa chờ chưa được năm phút thì thằng Hòa Cò cũng về tới. Không hơn một tiếng đồng hồ là cả đám tụ tập trong nhà thằng Hòa Cò. Thằng Hòa Cò này khôn tính, rộng tánh, sòng phẳng và cư xử đàn anh, tụi tôi tin tưởng nó, lợi tức tiền bạc giao cho nó cai quản. Nó khôn, những lần tụ tập ở nhà nó, không có cảnh ồn ào nhậu nhẹt làm phiền lòng hàng xóm, ra vô im lìm, không gây chú ý. Nó sống một mình nên cả băng tìm đến đây sau khi chạy tứ táng để đánh lạc hướng cảnh sát.
Thằng Hòa vừa để nồi nước nóng với những cây xúc xích đỏ nằm ngổn ngang, quăng ra bàn ba gói bánh khoai tây, chai tương cà, bịch hành khô, là cả đám nhào lại, tranh nhau làm phần ăn cho mình. Cũng thằng Hòa Cò, nó bàn hơn tính thiệt. Nhất định cả băng sẽ bị lấy cung, tệ lắm là bị giam vài tháng, nhưng tất cả nhất định không ai nhận là mình đã bắn hai phát vô đám Pakkis, biết cũng không nói. Đám Young A kéo từ Oslo xuống Drammen tính chuyện ăn thua đủ, tính chuyện dằn mặt băng Việt Maxi, tính tranh dành thị trường cho chi nhánh đàn em ở Drammen. Tất cả sẽ chối được cái gì là chối, chối hết, nhất là chuyện tụi cảnh sát Na Uy không đánh đập nên không sợ, không khai.
Tụi cảnh sát hay thiệt. Không về nhà riêng, tôi bắt xe xuống Moss, nhà ba má, chưa nhắm mắt là tụi nó gõ cửa. Biết trốn cũng vô ích, tôi theo ra xe trong tiếng khóc bỡ ngỡ của má, miệng há hốc của ba, ánh mắt kinh hoàng của bốn đứa em. Cảnh sát còn cho biết là cả băng Việt Maxi, sáu thằng đều bị bắt, thằng Hòa Cò cũng ngồi khám luôn. Ở tù vậy mà yên. Chớ không, tôi phải trốn tiệt trong nhà một thời gian, sợ đám Young A tìm trả thù, nghe nói tụi nó tính diệt từng thằng một. Yên thì yên phần không bị trả thù nhưng bụng thì lo không biết tụi kia có giữ đúng lời là sẽ không khai cái gì hết.
Cảnh sát phải mướn thông dịch, thẩm vấn từng đứa một, dọa dẫm, dụ dỗ hợp tác để giảm án, thét rồi cảnh sát chắc chịu thua đám Việt Maxi, miệng đứa nào cũng kín như dán băng keo thứ thiệt. Trước sau như một, tôi khai tôi đi lại nhà dì ở gần đó, nghe tiếng súng, chạy lại coi, bị tụi nó xô đẩy, tôi tức quá đá cái thằng nằm ngay chân tôi một phát rồi bỏ đi, không biết gì nữa hết. Tôi nhận tôi thường đi chơi chung với năm thằng trong băng Việt Maxi. Khi tôi khai như vậy, tôi nghĩ thằng Pakkis đó không phải chết vì cú đá của mình. Quả thật đến bây giờ tôi cũng không biết chắc thằng nào trong bọn đã bắn, nhưng tôi có thể đoán ra, tôi dại gì thú thiệt sự suy đoán của mình. Anh em Việt Maxi được cái đó, không bao giờ phản bội nhau.
Mấy tuần lễ xử án, tôi bật ngữa. Té ra là chỉ mình tôi khai là tôi đá thằng đó. Mấy đứa kia chối hết, chối từ đầu đến cuối, chối mọi chuyện. Tụi nó bị kết tội đồng lõa âm mưu đả thương người khác. Bằng chứ sờ sờ đó mà tụi nó còn kháng án, không nhận tội âm mưu, không nhận tội đồng lõa, chối hết. Cảnh sát điều tra từng gia đình Việt Nam có liên quan đến chúng tôi, không khai thác gì được, không ai hở môi. Tôi phục người Việt Nam ở chuyện này.
Cái chết của thằng Pakkis là cái án tử có âm mưu, nhưng thằng nào cũng chối, không nhận một lời kết án nào có liên quan đến vụ này. Hơn hai năm trời, không tìm ra cây súng, không tìm ra thủ phạm đã bắn hai phát đạn vô đám Pakkis, làm một thằng lãnh trọn hai phát đó, chết ngay tại chỗ trước khi cảnh sát có mặt. Tụi nó chối hết. Không ai khai gì hết.
Nhận tội cú đá là nhận cho phần tôi, tôi muốn ở tù cho qua chuyện, tôi đã bắt đầu chán đám bạn cả ngày rong rong kiếm tiền bằng mọi cách. Những chuyện mánh mung gian lận không còn hấp dẫn cho tôi nữa. Đi đâu, ở đâu, ngay cả trong họ hàng tôi, tôi không có một tiếng nói, tôi không dám ngững mặt ngang hàng với ai hết. Chục năm trời. Bây giờ tôi muốn thay đổi, muốn sống một đời sống như thằng Tâm thua tôi một tuổi, con cậu Tư. Nó cũng học tới lớp chín như tôi, lúc nghỉ học nó cũng là cà đầu đường xó chợ, nhưng được vài năm thì nó xin vô làm hãng bia Ringnes, làm bốn năm, lên được chức trưởng nhóm, coi ngó hơn hai chục nhân viên chớ ít sao. Tôi muốn đi làm, hãng xưởng nào cũng được, lương bao nhiêu cũng được, miễn sao tôi có nồi cơm chắc chắn mỗi ngày, miễn sao tôi được ngồi ngang hàng với mọi người mà trong lòng không ngượng nghịu mặc cảm. Ông Lars ở văn phòng xã hội khuyên tôi biết bao lần, ông hứa nếu tôi muốn là ông tìm ngay việc làm cho tôi.
Ngày cuối cùng, tòa án xử tôi tội đồng lõa đả thương với bản án không có gì nặng lắm. Tôi nhẩm tính: Bản án ba năm trong tù và hai năm tại ngoại, mình ở trong tù đã hơn hai năm, như vậy không còn bao lâu nữa. Kể ra cũng đáng thôi. Bề nào thì thằng Pakkis cũng đã chết. Tôi chấp nhận bản án. Thời gian trong tù, tôi được dạy nghề thợ mộc, cái nghề tôi thích từ nhỏ, cũng là nghề của ông nội. Những ông thày trong tù khen tôi khéo tay, khen tôi siêng học, làm nhiều báo cáo tốt cho tôi, hứa tìm việc cho tôi khi mãn hạn tù. Tôi nôn nao chờ ngày ra.
Trời Phật đâu sao không chứng giám cho lòng thành của tôi. Trước khi mãn hạn tù, tôi nhận được một tờ giấy báo là tôi sẽ bị trả về Việt Nam vì bản án đồng lõa, cố tình đả thương người cho đến chết. Ngẩn ngơ mù người, tôi đòi có thông dịch để dịch lại bản án. Đúng vậy. ĐM thằng thông dịch hồi đó. Nó dịch mà không giải thích, dịch là bản án đồng lõa đả thương người. Nhiêu đó. Tôi không hiểu rõ nghĩa từng chữ khi người ta đọc bản án dầu đã được dịch ra tiếng Việt. Mấy người đó đâu biết khả năng tiếng Việt của tôi có hơn gì tiếng Na Uy đâu. Tôi chỉ mới học tới lớp ba là phải đi vượt biên mà. Tôi có đồng lõa cho nên tôi không kháng án ngay lúc đó, cho nên tôi nhận tội liền vì tôi đã khai là tôi đá thằng đó. Nhưng còn tệ hơn nữa là lý do tôi bị đuổi về Việt Nam vì tôi là một phạm nhân không có quốc tịch Na Uy. Lạ đời không? Cả nhà ai cũng vô quốc tịch hồi tôi còn đi học, hồi tôi ở nhà mồ côi. Đúng vậy. Ba má tôi quên, quên ghi tên tôi vô đơn khi gia đình xin vô quốc tịch vì trên giấy tờ, tôi không phải là con của ba má. Người ta quên tôi, quên sự hiện diện của tôi. Má tôi khóc, ba tôi ân hận, thừa!
Tôi kháng án. Hai năm tại ngoại tôi từ hẳn đám bạn du đảng, từ hẳn, không giao tiếp với người Việt Nam với hy vọng làm lại từ đầu, với hy vọng nếp sống chừng mực sẽ là bằng chứng tốt khi tòa xử lần nữa. Tôi được huấn nghệ, tôi được cấp nhà, tôi có bạn bè Na Uy đàng hoàng, tôi sống như một người Na Uy, tôi đi trượt ski, tôi chơi thể thao, tôi thực tập ở hãng Eskones. Thư kháng án của tôi được chấp nhận. Bạn bè Na Uy hứa giúp tôi kháng án tiếp. Muốn giúp là một chuyện, công pháp là một chuyện. Cho đền gần ngày xử, suy ngẫm những lần hỏi cung, linh cảm một kết quả vô vọng, tôi quyết định trốn qua Đức, tìm đến tụi Việt Nam bên đó mà tôi đã giao du từ mấy năm trước. Số mạng tôi nằm trên bàn cân mà cán cân là một sợi chỉ hy vọng mong manh. Một hạt cát thêm vô đầu cân kia, thế là quyết định trả tôi về Việt Nam được ký, theo lời người bạn kể.
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tụi Việt Nam bên Đức làm ăn táo bạo hơn tụi bạn của tôi ngày xưa. Tôi phải lăn vô để kiếm sống. Cùng là cặn bả của xã hội, nhưng phong sống của tụi này khác tụi Việt Maxi, làm tôi nhớ bạn bè, nhớ gia đình quá sức. Tôi lẻn về thăm gia đình. Không biết sao, cảnh sát chờ canh, chận bắt trước khi tôi về đến nhà. Được phép gặp ba má năm phút, tôi bị hai người cảnh sát mặc quần áo dân sự áp tải ra phi trường Fornebu.
Ba má tôi van xin. Các em tôi khóc lóc. Má tôi xin được gởi về Việt Nam thay tội cho tôi. Chuyện đâu có dễ như ba má nghĩ. Gương mặt ba héo khô già trước tuổi vì thằng con hoang đàng, mái tóc má lấm tấm trắng vì ân hận. Faen! Héo hắt! Bạc tóc! Tôi hoang đàng? Đúng! Ai đẩy tôi vào con đường hoang đàng? Nói đi! Chính tôi? Tôi không chối! Tại sao ba má chưởi mắng bắt tôi từ bỏ đám bạn của tôi? Tuổi trẻ tôi cần có bạn, không giao du với những người bạn ấy thì tôi giao du với ai? Ba má của tụi bạn cũng cấm cản không cho tụi nó giao du với tôi, ai tốt, ai xấu? Fuch you! Ai hơn ai? Ai đáng giá hơn ai? Ai sẽ tránh ai? ĐM! Tránh nơi này thì phải có một nơi trú ngụ khác. Nơi nào? Tôi là một hiện thể bằng xương bằng thịt bằng trái tim bằng khối óc, tôi phải có một chỗ dung thân giữa thế gian này. Nhưng tôi không có quyền lựa chọn.
Từ khi vừa bước chân đến Na Uy, tôi đã được huấn luyện cách nói láo. Láo là tôi qua đây một mình, kêu ba bằng dượng Hai, kêu má bằng dì Hai từ trong nhà cho tới ngoài đường để ba má nhận được tiền bảo dưỡng tôi, để cậu mợ được bảo lãnh qua Na Uy nhanh chóng. Láo về tuổi tác. Láo về công ăn chuyện làm đen của ba má. Láo đến độ đôi lúc tôi tưởng là thiệt. Thế mà tại sao tôi không nói láo, tại sao tôi không chối là tôi đã đá thằng Pakkis đó, có ai nhìn thấy rõ ràng là tôi đã đá đâu, có thằng bạn nào khai đâu. Tại sao? Tại sao khi tôi thành tâm muốn làm lại từ đầu, muốn được sống như một người bình thường thì được trả lời bằng một hình phạt này? Tụi kia chối, chối hết. Tụi nó được gì? Được máng án tù sáu tháng, một năm, hai năm là cùng. Còn tôi, tôi khai thật, cho nên tôi được tưởng thưởng bằng cái án biệt xứ, suốt đời. Đó là công lý, **** you! Đầu óc tôi bị những dấu hỏi dấu chấm than đánh tới đánh lui trong suốt hai mươi ba tiếng đồng hồ từ phi cơ này chuyển sang phi cơ kia.
Giao tôi cho công an tại phi trường Tân Sơn Nhất, hai người cảnh sát Na Uy biến mất. Lạ lắm, khi hai người cảnh sát Na Uy đi rồi, tôi mới nhận thức được là mối liên hệ với đất nước Na Uy, con người Na Uy hoàn toàn bị cắt đứt, một phần lớn trong tôi bị cắt lìa. Cảm giác mất mát càng lớn dần khi người công an áo vàng đeo những huy hiệu đỏ chói, đẩy tôi, nói, giọng nói lạ lùng tôi chưa từng nghe, tôi không hiểu lắm, đại khái hình như là: "Tao kiếm xe cho mày đi liền, ĐM, tụi Na Uy đem rác về đổ ở đây."
Với năm trăm dollar được mấy người công an đổi ra tiền Việt Nam, tôi bắt đầu chi dùng cho chuyến xe đò về Bắc Mỹ Thuận, về Cần Thơ, về quê tôi. Quê tôi? Người ta biểu Việt Nam là quê hương của tôi thì tôi biết vậy. Người tài xế lái chiếc xe gắn máy chở tôi lại địa chỉ được ghi trên tờ giấy mà công an ở phi trường biểu tôi phải trình diện. Bỏ tôi đó, giống như hồi ông hiệu trưởng tôi dẫn tôi đến lớp học, giao tôi cho cô giáo mà không hề thắc mắc là tôi sẽ xoay trở như thế nào giữa muôn ngàn âm thanh hoàn toàn xa lạ, ông quay lưng bỏ đi.
Người ta mướn cho tôi căn phòng được dựng kế bên nhà một người bà con xa của ba ở một con hẽm sâu, cho tôi một địa chỉ để tôi liên lạc. Căn phòng ba bề là lớp ván mỏng, vừa đủ chỗ cho cái gường lính, bếp gaz, vài kệ bằng mủ cứng, cái bàn nhỏ và vài ba cái ghế. Tôi tập quen dần với cái nóng hâm hấp của mái tole từ khi vài vệt nắng chen qua khe hở ở cánh cửa duy nhất cho tới khi tôi phải bật cái bóng đèn treo lơ lững trên đầu.
* * *
Cách đây mười lăm năm, tôi ngơ ngơ ngáo ngáo trong lớp học, mọi lời nói loáng thoáng qua tai, không bắt được một câu cho trọn vẹn, bắt chước cười, bắt chước la, bắt chước vẽ, mong chờ tiếng chuông reng hết giờ. Ngày nay, giữa phố chợ đông người, tôi cũng ngơ ngơ ngáo ngáo, mọi lời nói cũng loáng thoáng qua tai, không hiểu được một câu trọn vẹn. Nhưng tôi không thể bắt chước cười, tôi không thể bắt chước thong dong ngồi quán với ly bia trên bàn, tôi không thể làm những chuyện trái ngược để được chú ý bởi tôi không muốn ai gọi tôi là "con khỉ tóc hoe", bởi đầu tôi có quá nhiều dấu hỏi, có quá nhiều dấu chấm than.
Ngày rời Việt Nam tôi mười một tuổi, nay trở lại, tôi hai mươi sáu tuổi. Mười lăm năm! Ngày đi, tôi là một thằng nhỏ còn chạy quanh chọc phá mấy cặp rù rì trong vườn bông ban đêm, chưa bao giờ đứng trước gương ngắm nhìn chính mình, chưa bao giờ ngồi yên được vài phút, tiếp nhận mọi sự việc quanh mình như con chim con há mỏ nhận mồi chim mẹ thả bỏ vô, hít thở hơi mưa dầm cơn nắng hanh như nụ hoa mười giờ bò lan tràn trên mặt đất nở ra khi có nắng đóng lại khi nắng tàn, chưa biết ước mơ cho tương lai. Ngày trở lại, tôi là một người đàn ông luôn luôn nhìn quanh thăm dò cho mỗi bước đứng bước đi, gương mặt mang đầy dấu tích hận đau làm tôi không dám đứng trước tấm gương tự ngắm nhìn mình, tiếp nhận mọi sự việc chung quanh bằng tấm lòng có nhiều lớp cạn lọc, không biết mơ ước tính toán gì cho tương lai.
Nếu ai đó hỏi tôi là người nước nào thì thật tình tôi không biết trả lời như thế nào. Mười một năm ở Việt Nam so với mười lăm năm ở Na Uy, bên nào nặng? Tôi là người Việt Nam vì nội ngoại, ba má là người Việt Nam, vì má sanh tôi trong nhà thương Cần Thơ, vì tóc tôi đen, vì mũi tôi tẹt. Những năm ở Na Uy, đối với người Na Uy thì tôi mãi mãi là người Việt Nam, dầu tôi có nhuộm tóc, dầu tôi ăn chơi không thua gì tụi bạn Na Uy. Nhưng tôi lại không tự cảm thấy tôi là người Việt Nam hoàn toàn, tôi không có một chút gắn bó nào với câu vọng cổ kéo dài với những giọng hát nhèo nhẹo và tôi không cười được khi xem những vở kịch trên video.
Không phải tự tôi không cảm thấy tôi hoàn toàn là người Việt Nam mà ngay chính cả mọi người chung quanh đây, có ai coi tôi là người Việt Nam đâu. Người ta cười câu nói ngây ngô phát từ miệng người đàn ông gần ba mươi tuổi. Người ta nhíu mày không hiểu vài chữ phát âm ngượng nghịu từ người đàn ông da vàng mũi tẹt như họ nhưng lại đến từ một đất nước xa xôi. Xấu hổ, mặc cảm, tôi rút mình không muốn giao thiệp. Ngày ba bữa cơm thui thủi, tối trở lăn gối chiếc một mình, cứ thế mà hít thở cái không khí bưng bưng bụi bậm.
Phải tìm đường sinh nhai, tôi ráng lần tìm nơi xin việc, đủ mọi việc.
- Ông có thể cho tôi làm ở đây.
- Mày có thể làm gì?
- Ơ... tôi có học chuyện này, học hai năm.
- Chuyện này là chuyện gì?
- Chuyện... chuyện như ông đang làm.
- Ha... ha... chuyện tao đang làm mà cũng đi học, cũng học hai năm... ha... ha... Mà tao học hơn mày, tao học cả đời, học từ lúc cầm búa đập dập nát ngón tay cho đến khi tao nhắm mắt mà cũng bào láng cón mặt bàn, đến bây giờ cũng còn học, mày có thể biết không?
- Dạ, tôi có thể học nữa.
- Sao mày không có thể học nữa ở chỗ mày đã học đó... ha...ha... thằng này nói nó có thể làm được. Nó chỉ có thể thôi... ha...ha... có thê mà cũng xin vô đây làm. Mày có thể cho tao biết mày là người gì mà không biết nói chuyện. Mày có thể đi chỗ khác để tao ****c cho xong cái chân bàn này không. Mày có thể đừng đứng lạng quạng cản công cản chuyện của tao không?
Như thế, tôi xin hết chuyện làm này đến chuyện làm kia, không ai tin tôi khi họ nghe giọng nói nạc mỡ, câu văn ngượng ngập. Ngưòi ta nghi ngờ tại sao tôi đang ở ngoại quốc nghe nói sung sướng giàu sang lắm mà lại về Việt Nam lang thang tìm những việc làm "rẻ tiền". Lâu lâu bạn bè khi thì tụi trong băng Việt Maxi ngày xưa, khi thì tụi bạn Na Uy, khi thì ba má chợt nhớ đến tôi, gởi cho vài trăm đô để dành sống qua ngày. Tôi tiêu dè dặt từng đồng vì không biết khi nào được nhớ tới. Tôi lo sợ đến một lúc nào đó bạn bè, gia đình quên người bạn, người con đang bơ vơ giữa "xứ người".
Na Uy không có án tử hình. Nếu tòa án cho tôi lựa chọn thì tôi chọn cái án nặng nhất của Na Uy là hai mươi mốt năm thay vì cái án "trở về quê hương" này. Hai mươi mốt năm trong tù, dầu gì thì còn có một chỗ đứng, được cư xử như một con người, được có những ước mơ cho hai mươi mốt năm sau. Còn ở đây, ở Việt Nam, ở nơi người ta gọi là quê hương của tôi thì tôi chỉ là một tấm giẻ rách vụn, suốt đời là tấm giẻ vụn trong muôn ngàn tấm vải đầy màu sắc được mang ra may thành những tấm áo, tấm màn. Làm sao tôi có được ước mơ cho hai mươi mốt năm sau?
Ba má đã cắt một tấm vải từ bộ áo gia đình để vá lên bộ áo gia đình khác mà không cần biết đến kết quả của sản phẩm may vá đó. Ba má đã cắt một tấm vải từ bộ áo Việt Nam màu vàng rực rỡ để đem vá chồng lên bộ áo Na Uy màu xanh đỏ trắng tươi. Bởi màu sắc quá chói mắt nên người ta cắt tháo nó ra, đem nó vá chồng lên bộ áo nguyên thủy của nó nhưng người ta không hiểu rằng tấm giẻ vụn này đã không còn thích hợp với tấm áo Việt Nam ngày nay cho nên không ai muốn dùng nó. Chẳng lẽ từ nay và mãi mãi, nó chỉ là một tấm giẻ vụn vô dụng?
Tôi có dám ước mơ: Một ngày nào đó, người ta thâu lượm những mảnh giẻ vụn như tôi, kết may khéo léo thành một tấm khăn trải bàn, thành một cái bao gối. Hỡi đôi bàn tay khéo léo! Hỡi khối óc biết tận dụng của thừa vật thải! Hỡi tấm lòng biết nhìn xuống vực sâu! Các người có hiện diện trên thế gian này không?
*****
Hết