Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Dấn thân vào miền tuyết lạnh

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 687 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Dấn thân vào miền tuyết lạnh
Võ Thị Điềm Đạm
Cõi trần thế lỡ đam mê sa đọa
Mãi rong chơi ta lạc lối quay về.

Phan Bá Thụy Dương




Cái mốt từ hàng trăm năm của người Na Uy vào dịp lễ Phục Sinh là lên nghỉ mát ở miền núi, ở khách sạn, thuê nhà nghỉ mát hay gia đình có nhà nghỉ mát riêng. Nghĩ tới chuyện có nhà nghỉ mát riêng, Thanh cứ cười hoài về cái tội "dại khờ" của ngưới Na Uy, trong đó có chồng mình. Ông bà nội, Thanh quen gọi ba mẹ chồng là ông bà nội, vì ngược ý nhau về chuyện tậu nhà nghỉ mát nên không tát được biển Đông. Cậu con trai duy nhất của ông bà lãnh trách nhiệm làm tròn ước mơ lớn nhất đời người của ba mẹ cũng như đa số người Na Uy. May mắn cho cậu quí tử này là cô vợ chẳng quan tâm gì đến cái chuyện sẽ tậu nhà nghỉ mát ở miền biển, miền suối, cạnh sông hồ hay miền núi cao. Cô nàng càng không có cơ hội dành tới dành lui với chồng để cất nhà nghỉ mát gần quê quán mình như ông nội bà nội của lủ con. Bởi một lẽ đương nhiên là quê cô nàng ở tận Việt Nam, chứ không phải cô nàng hiền lành lắm đâu mà khen là: Đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp theo.


Lấy nhau mới được sáu năm, nợ nhà còn chồng chất, chưa có khả năng đi du lịch nước ngoài, thế mà Thanh ngờ nghệch nghe lời dụ ngon dổ ngọt của chồng, thấm lời tán tới tán lui của ông bà nội, Thanh gật đầu ký giấy nợ thứ hai, giấy nợ mua "đồ chơi". Thanh còn cố vớt vát ra điều kiện, như để chứng tỏ cái quyền làm người bạn đường của mình: "Anh phải tự lo mọi chuyện, lo luôn cả mọi chi phí có liên hệ đến căn nhà nghỉ mát này. Nội cái chuyện lo cho anh cho con, em cũng đủ mõi rồi, em không rảnh rang đâu mà chung vai gánh vác với anh ba cái chuyện "ăn chơi" này". Tưởng gì, chuyện này dễ ợt, anh chồng gật đầu cái rụp. Thanh bị lừa, chính mình lừa mình. Với cái tính năng động, mau mắn và hay "tranh quyền", dễ gì Thanh chịu ngồi chơi, gát cẳng lên ghế đẩu đọc báo để anh chồng lo lắng, quyết định mọi chuyện ngay trước mắt mình. Và anh chồng cũng quên luôn lời hứa, hay tảng lờ, hay quen tánh, chuyện gì có liên quan đến "món đồ chơi" này, anh cũng hỏi ý vợ, cũng rủ vợ đi mua sắm, cũng nhờ vợ xăn tay áo phụ. Thế là bản hợp đồng không văn bản, không chữ ký bay theo mây khói trong khi cô vợ tưởng mình khôn ngoan, không chút vấn vương. Thật ra thì... Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi. Giậm ra nát ván, thuyền thì long đanh. Đôi ta lên thác xuống ghềnh. Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.


Kỳ lễ Phục Sinh, năm đứa con đầu lòng chưa thôi nôi, đến phiên Eirik được sở làm "tặng" một tuần tự do xử dụng một trong những nhà nghỉ mát cho nhân viên. Đã quen theo chồng đi chơi miền núi từ cái thủa duyên tình mới thấm, chuyện đem đứa con gái chưa biết đi lên miền núi vào mùa tuyết lạnh, đối với Thanh không có gì trở ngại. Với một cái "nôi" bọc kính cách nhiệt, để con bé nằm êm ấm trong hai lớp lông cừu mềm trắng tinh, Eirik kéo, mang con đi khắp vùng núi đồi trùng điệp và Thanh ráng đuổi theo phía sau. Cái nôi hình bầu dục thon dài cở một mét, rộng sáu mươi centimet, lớp nhôm cứng cách nhiệt bao mọi bề, cái nắp bằng nhựa trong cứng, mở chỉ một nửa, lớp đệm dầy lót lưng... mọi thứ, hội đủ điều kiện để làm an lòng bậc cha mẹ muốn đem theo con nhỏ trong những chuyến đi ski miền núi. Hai bên "cái nôi" là hai cần nhôm dài độ ba mét, đường kính hai centimet. Ở đầu kia, một bảng dây nịt da dầy nối hai cần nhôm dài, đeo vào bụng người kéo. Trợt đôi ski phía sau để canh chừng con bé hầu như lúc nào cũng ngủ mê mang trong cái khí lành lạnh trong sạch, trên lớp tuyết như tấm mền nhung khổng lồ trắng toát, nhìn Eirik kéo "cái nôi" lên dốc, xuống dốc, lách cây thông này, cua quẹo đường kia, Thanh cười thầm: Không khác gì cảnh người phu kéo xe ngày xưa, nhưng coi bộ nhẹ nhàng uyển chuyển, không vướng víu chi cả, còn đi nhanh hơn mình nữa. Đã sinh ra kiếp làm trai. Đèo cao núi thẫm, sông dài quản chi!


Sau kỳ lễ Phục Sinh đó, Eirik mê vùng núi này, vùng núi nằm giữa Valdres và Hallingdal, vùng núi tuyết thênh thang trùng điệp, chưa bị loài người mon men tới cất nhà nghỉ mát nhiều. Eirik xây mộng vàng. Để tâm, âm thầm theo dõi thị trường "nhà nghỉ mát", mấy năm trời, đến khi đứa con gái thứ hai được bốn tuổi, vùng núi Fledda với độ cao một ngàn mét được tung ra thị trường, mười tám khu đất được phép cất nhà nghỉ mát. Eirik bắt đầu thổ lộ với vợ giấc mộng vàng của mình, thổ lộ một cách có kế hoạch, đưa vợ vào con đường hoa thơm bóng mát bằng cách lựa đúng thời đúng lúc, ngày chủ nhật. Nịnh vợ chuyện này, giúp vợ chuyện kia, chịu khó hỏi vợ thích xem chương trình TV nào tối nay (chuyện này năm khi mười họa, thường thì Thanh phải thừa cơ hội thủ cái TV-remode để không cho Eirik coi đá banh cuối tuần, dễ gì!), mời vợ dĩa hột đào rang thơm bên cạnh ly bia nhẹ... Và cô vợ dầu đường đời đã dài nhưng lòng vẫn còn non dạ vẫn còn dại, lắng tai nghe, nào là: “Đây là khung trời con gái thứ hai của mình được thành hình, em nhớ không, tính cho đúng ngày đi. Trẻ con được sống hòa đồng với thiên nhiên từ thủa nhỏ sẽ yêu thích cây cỏ thú vật, đời sống sẽ phong phú, biết coi trọng những giá trị của đất trời ban cho. Cơ thể trẻ con phát triển nhanh mạnh khi được hít thở không khí trong lành, chạy chơi thoải mái, vận động hết năng lực đang lớn, làm giàu trí tưởng tượng, óc sáng tạo. Giá nhà nghỉ mát không bao giờ xuống. Xe đậu chỉ cách nhà có hai trăm mét, không phải đi bộ xa như đa số các nhà nghỉ mát miền núi. Mình có thể thay đổi cách thức sắp xếp phòng trong nhà theo ý, có thể lựa chọn nhà lớn nhỏ theo ruột tượng. Thí dụ như chỉ năm mươi mét vuông mà có được hai phòng ngủ là kiến trúc sư giỏi lắm đó. Thời đại tân tiến, cầu tiêu khô nằm trong nhà chứ không phải cách xa nhà cả mười mét như các nhà nghỉ mát đã cất từ lâu. Hệ thống hơi ga để nấu nướng, nấu nước nóng, chạy tủ lạnh. Hệ thống dùng năng lượng mặt trời cho đèn đuốc, TV, radio. Tuần tới mình lên coi địa thế, lựa chọn, ai quyết định trước, người đó được lựa chỗ trước. Chỉ cần ba giờ vừa lái xe vừa nghỉ ngơi là mình tới nơi, không phải qua phà, không phải xuống đường hầm nào hết. Anh đã tính đâu ra đó, không sợ đổ nợ, ông bà nội sẽ dùng căn nhà của ông bà để bảo đảm cho mình mượn tiền nên giá tiền lời thấp. Mình thực hiện được giấc mơ của ông bà nội... ha...ha... con hơn cha là nhà có phước.


Trở lại cái "dại khờ" Thanh gán cho chồng cũng như đa số người Na Uy khi tậu nhà nghỉ mát là: Với đầu óc tự khen là mình giỏi tính toán, Thanh vạch cho Eirik thấy rằng nếu tính tất cả những chi phí, cộng tiền lời nhà băng, cái giá dùng nhà nghỉ mát mỗi ngày bằng tiền ở khách sạn. Lỗ nữa chớ, vì mình phải tự làm giường, tự lau nhà, tự dọn dẹp. Có nhà nghỉ mát rồi, không muốn và không thể đi chơi những nơi khác, vì như thế thì phí của trời quá. Mỗi kỳ nghỉ lễ, mình có cảm tưởng như phải lên nhà nghỉ mát thăm "nó" cho phải đạo, không được du lịch chỗ này chỗ kia. Cái nhà phải có để an cư là đủ lắm rồi, bây giờ đèo thêm "món đồ chơi" này, đèo thêm gánh nặng trên vai, cũng vì "nó" mà ruột tượng lúc nào cũng xẹp lép, cả năm mới được đi ăn nhà hàng vài ba lần. Cái khờ dại lớn nhất của con người là tự ràng buộc cuộc sống tự do mình vào của cải vật chất... để rồi... Vua Ngô băm sáu tàn vàng. Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì. Chúa Chổm uống rượu tỉ ti. Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô!


Những lúc cằn nhằn chồng như thế, Thanh cố tình quên đi những ưu điểm về phần phát triển của con cái mà chính Thanh cũng đồng ý với Eirik từ đầu. Thanh cố tình quên đi cái giá nhà nghỉ mát tăng nhỏ giọt đều đều mỗi năm. Thanh cố tình quên đi những lần họp bạn, họp gia đình đầm ấm bên ánh lửa ngời ngời nổ lách tách trong lò sưởi giữa không khí yên tĩnh núi rừng. Thanh cố tình quên cái hãnh diện ngấm ngầm khi khoe khoang với bạn bè trong sở: Tui là người ngoại quốc, tui cũng có nhà nghỉ mát như ai vậy chớ bộ, tui cũng thuộc vào một phần ba của bốn triệu rưởi này, cái một phần ba những người có nhà nghỉ mát! Chữ rằng "hổ tử lưu bì". Làm người phải để "danh gì" hậu lai!


Nhà nghỉ mát nằm trên vùng núi cao một ngàn mét, ba bề khuất mình giữa những cây thông, cây bạch đàn già mấy trăm năm để tránh gió bão khắt nghiệt miền núi, một bề mở rộng tầm mắt từ khung kính lớn phòng khách là cả một vùng đất trời bao la, núi tiếp nối núi, mặt đất tiếp nối chân trời, màu nâu xám đất đá tiếp nối màu xanh bầu trời. Dòng suối róc rách uốn lượn quanh nhà, cung cấp nước dùng cả năm. Cái đầu óc "đầy sáng tạo" của Thanh nhìn ngay cơ hội, một hồ tắm tí hon cho tụi nhỏ. Nghĩ là làm, nhưng đâu có chịu làm một mình, Eirik thì đương nhiên phải theo (không theo ý vợ, vợ giận lẫy không giúp mình sơn nhà thì buồn lắm!), vợ chồng cô em của Thanh cũng phải theo (chị biểu mà!), 4 đứa nhỏ từ năm tuổi đến chín tuổi cũng phải theo (làm hồ tắm cho mình mà!), theo kế hoạch đào hồ lấp bờ. Một khoảng suối bên hông nhà nở khá rộng, khá sâu, nhưng không đủ sâu để lủ nhỏ quậy quậy tay chân bơi vài sãi cho đỡ ghiền. Thanh điều động mọi người thay quần đùi, nhảy xuống suối lạnh ngắt, khênh những tảng đá dưới lòng suối, đắp ngăn nước, chỉ cho nước thoát qua khe đá. Một buổi trưa chớ mấy, cái hồ bơi thiên nhiên thành hình, sâu một mét, có chỗ sâu đến mét rưởi, dài bốn mét, rộng ba mét, nước luân lưu, lý tưởng quá rồi! Còn được thưởng bữa thịt nướng thơm vàng bên cạnh bờ hồ, ai nấy ngã lưng dựa đá ngồi nghỉ ngơi, ngắm đàn con tung tăng dưới nước, bơi bơi vài sãi, vội nhảy lên bờ trùm khăn co ro vì nước suối miền núi lạnh quá. Để vớt vát sáng kiến lấp núi vá trời của mình, Thanh hứa: "Kỳ tới má mua một cái thuyền nhỏ cho mấy đứa chèo chơi." Và cái hồ bơi này mỗi năm được tụi nhỏ dùng vài ba lần, vài năm, trẻ con cao lên mà mực nước không chịu cao theo, nên... nhưng... có còn hơn không, có còn hơn không.

Sống lâu năm ở cái xứ hoa tuyết, Thanh bị nhiễm cái tính khoe khoang rất ư là "con nít" của người Na Uy: Màu da nâu hồng sau mỗi kỳ lễ Phục Sinh, một chứng minh cho sự dư tiền dư của, một chứng minh ta đây không cô đơn ở nhà một mình trong những ngày lễ. Và cũng vì cái món đồ chơi này, lễ Phục Sinh năm nào gia đình Thanh cũng đi nghỉ ở miền núi. Muốn hay không muốn, cũng phải! "Bao nhiêu người ao ước được đi nghỉ mát miền núi mà không có phương tiện, đừng điệu hạnh!" Eirik mắng Thanh mỗi lần Thanh cự nự than thở. Than thì than Thanh vẫn nhắm mắt theo thời, làm đúng bổn phận người nội trợ, sắp xếp đâu ra đó cho mỗi chuyến lên núi. Thức ăn thức uống đã chuẩn bị từ tuần trước, đồ hộp, món ăn đong đá, bánh mì đong đá, món tráng miệng đong đá, chỉ rau cải, trứng, trái cây, kẹo bánh, thịt nguội và nước uống là tươi. Đường đi từ con lộ liên xã 243 lên núi rất khó chạy xe vì dốc cao, ngoằng nghèo, rất trơn và thường thì vào mùa đông, chỉ loại xe máy mạnh, bánh xe đinh mới lên dốc an toàn. Không muốn mất công lái xe xuống làng để mua thêm thức ăn, Thanh chuẩn bị tất cả, từng bữa ăn, từng ngày, mọi vật dụng nên thùng xe đầy nhóc. Thanh thường tự khen: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.


Năm nay đường lên núi không trơn mấy, trời cuối tháng ba đến sáu giờ chiều vẫn còn nắng. Đương nhiên là không thể lái xe đến tận cửa, xe ngừng cách nhà hai trăm mét, Eirik đeo "đôi rổ tre" vào chân, mở đường đi trước. Từ sau kỳ nghỉ lễ mùa đông cách đây bảy tuần, tuyết rơi không biết bao nhiêu bận, con đường mòn được đi tới đi lui nhiều lần nên cứng nền, nay đã mất. Bây giờ phải đi, phải dẫm để làm đường mòn mới. "Đôi rổ tre" là một cứu cánh để từng bước chân không bị lún xuống năm ba chục centimet. “Đôi rổ tre” như cái rế đan bằng tre, bẹt, hình bầu dục, rộng độ ba mươi centimet, dài độ năm mươi centimet. Bề mặt "đôi rổ tre" tiếp xúc với tuyết phải rộng để cái thân thể bảy mươi lăm kilogram lún xuống ít ít thôi, đi đứng dễ dàng hơn. Hai tay xách bịch, lưng đeo ba lô, Eirik dẫm đi từng bước mở đường một mình. Dẫm dẫm trên đường trở lại. Thế là đường mòn được dẫm hai lần, nền tương đối cứng hơn. Lúc này ba mẹ con Thanh mới ra khỏi xe, xông vào nơi tuyết trắng, tay không cho người nhẹ dễ đi, mọi xách bị đều nhường phần Eirik vì chỉ Eirik mới có "đôi giầy rổ tre". Cả ba theo chân Eirik, bước được vài bước, chân phải lún sâu tới đầu gối. Xoay trở rút chân lên, được vài bước, lại lún sâu qua đầu gối. Cứ thế, hụp xuống trồi lên vì lớp tuyết quá dầy, quá mềm, hai lần dẫm tới dẫm lui không đủ cứng. Không thể quay lui để chờ Eirik đi dẫm thêm vài lần nữa được, nhưng lao đao quá, mõi quá, có khi lún cho tới háng, rút được chân này lên thì chân kia lún tiếp, Thanh hô to: "Bò con ơi!" Thế là ba mẹ con dùng chiến thuật bò. Bằng đầu gối và ống quyễn, hai bàn tay chống lấy thế, chiều cao thân hình thấp xuống, phần cơ thể tiếp xúc với mặt tuyết chia làm bốn điểm nên không bị lún nữa. Cứ theo đường mòn mà bò, cũng tới nơi, bò gần hai trăm mét chớ ít sao! Đi một quãng đường, học một sàng khôn!


Eirik tiếp tục theo đường mòn đi tới đi lui để mang tất cả đồ đạc vào nhà, tay xách lưng đeo. Căn nhà nghỉ mát nằm ướp lạnh bảy tuần sau kỳ lễ mùa đông, độ lạnh trong nhà mười độ âm, độ celcius, tương đương mười bốn độ Fahrenheit. Áo khoát, nón len, găng tay chưa được cởi ra, chỉ thay giầy bằng đôi giầy nỉ ấm trong nhà. Công việc đầu tiên của Thanh là đốt lò sưởi, một lò sưởi hơi ga, một lò sưởi củi. Củi đã chất sẳn trong nhà, nếu không là phải ra ngoài đào tuyết mà tìm củi, kinh nghiệm mấy năm trời! Tất cả đồ đạt trong nhà đều lạnh cứng, từ đôi đũa cho tới cái mền, cái ghế, toàn bộ lạnh ngắt. Không phải hơi nóng từ hai lò sưởi chỉ có bổn phận làm ấm không khí trong nhà không thôi mà tất cả mọi thứ đều phải được sưởi ấm thì mức xanh trên hàn thử biểu treo trên tường mới bắt đầu nhúc nhích lên dần dần. Công việc thứ hai Thanh phải làm là đun tan ba cái nồi nước đã được chứa sẵn, nay biến thành đá cục, bằng cách đặt ba nồi nước đá lên lò sưởi củi. Nấu ba ly ca cao nóng, sưởi từ trong ra ngoài! Một tiếng đồng hồ sau, hàn thử biểu chỉ năm độ dương, ba nồi nước đá đã tan thành nước, đủ dùng cho đến bữa điểm tâm hôm sau. Sau một tiếng đồng hồ đốt, bàn sắt trên lò sưởi nóng hừng hực, đụng tay vào là phỏng. Để tiết kiệm hơi ga, Thanh dùng lò sưởi củi làm cơm chiều. Giờ này Eirik vẫn chưa xách hết bị, giỏ từ cái thùng xe, về nhà. Làm thì làm cho trót, gọt thì gọt cho trơn!


Bóng hai cây đèn cày màu vàng lung linh trên bàn ăn, bốn cái dĩa sâu đã được hâm nóng bằng cách để lên lò sưởi củi. Thức ăn chiều chỉ là một nồi lớn gồm nửa lít sữa tươi, khoai tây, cà rốt luột chín, cắt nhỏ chừng bằng con cờ tướng, hai hộp thịt viên Joika, loại thịt nai rừng, món ăn của người Same, một giống dân du mục sống miền thượng du Bắc Âu. Tất cả được quậy nhè nhẹ, quyện với nhau thành sền sệt, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn. Qua nhiều năm, món ăn này đã thành một phong tục của gia đình, gọn, nóng, mang vẻ núi rừng của người Same. Đã hai tiếng đồng hồ mà hàn thử biểu chỉ lên mười bảy độ dương. Nón len, găng tay, khăn choàng cổ đã được cởi ra, vẫn mặc áo khoát vào bàn ăn. Căn nhà rộng chỉ năm muơi mét vuông mà phải sưởi ba tiếng đồng hồ thì nhiệt độ trong nhà mới lên tới hai mươi độ dương, và từ đó sẽ không đốt lò sưởi nhiều nữa. Ráng giữ nhiệt độ hai mươi hai, hai mươi ba, đồng thời ánh lửa lung linh trong lò sưởi củi vẫn tiếp tục để tạo không khí ấm cúng giữa núi rừng đã bắt đầu sập tối, mười giờ đêm! Như vậy là nhiệt độ bên trong và bên ngoài cách nhau gần bốn mươi độ Celcius. Bữa cơm chiều mang lại sinh khí: Đầu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chang vợ húp, gật đầu khen ngon.


Tám ngày ở đây, sinh hoạt ngày nào cũng như ngày nào, chỉ khác là khác món ăn, món tráng miệng, trò chơi mỗi tối, lộ trình đi ski lên núi. Một luật lệ gắt gao có hiệu lực cho những ngày ở đây được tuyên bố từ đầu: Không TV! Ở cái thời đại này, không TV tám ngày, làm sao tụi nhỏ sống nổi! Vậy mà áp dụng được. Rất có lý nữa đó. Đi ski một ngày bốn hay năm tiếng, vận động toàn cơ thể, đào thải trên dưới một lít mồ hôi, cơm nước xong suôi, mệt đừ, hai người lớn ngủ một chút, hai người nhỏ chơi cờ, chơi bài. Đêm còn quá trẻ, đọc sách cũng đã chán, các món ăn chơi được mang ra, đủ loại bài, đủ loại cờ... Thường ngày, công ăn chuyện làm, trường học, sinh hoạt nhóm này, luyện tập môn kia, ai cũng có những bận rộn riêng tay, khoảng thời gian ngồi chung tất cả lại rất hiếm hoi. Ráng lắm, nghiêm khắc lắm thì được bữa cơm chiều ăn chung mỗi ngày. Lên đây, lẩn quẩn trong cái diện tích ba mươi sáu mét vuông, vừa là phòng khách vừa là bếp. Đây là lúc các quyển sách, tạp chí được tặng, đặt mua, mà không có thì giờ đọc, được chiếu cố tận tình. Ở đây, trong không khí yên tĩnh núi rừng, bên ánh lửa lung linh từ lò sưởi, bốn người mới có thì giờ bàn chuyện này, đặt kế hoạch nọ, kể cho nhau nghe những nặng lòng chất chứa, chia cho nhau những mẫu chuyện vui còn nhớ, tranh luận từ đề tài cỏn con cho đến thế sự. Cho nên TV không có chỗ đứng trong những ngày này. Người lớn không nhắc tới là đúng vai trò người lớn. Hai người nhỏ cũng không nghe cằn nhằn than thở một lời. Ai muốn nghe nhạc thì đeo cái earphone vào tai, không làm phiền người khác, không bị chê nhạc ồn ào chướng tai, không bị chê nhạc eo éo lê thê. Quân vi thần cang. Phụ vi tử cang. Phu vi thê cang. Giả tam cang tối thiện.


Đồng hồ cũng không được ngó tới nhiều. Thức dậy khi đã ngủ chán chê. Ăn khi thấy bụng cào cào, thường là dựa vào cơn đói của người giữ phần cơm nước, mà người này lúc nào cũng lo giữ eo, ai chờ không nổi thì tìm cái gì đó ăn dậm. Vào giường khi mắt mõi mệt. Chẳng ai quan tâm hỏi "Mấy giờ rồi?" Một ngày như mọi ngày, ăn sáng, làm bánh mì đem theo ăn trưa, bình cà phê, bình cacao, cam, chocolate, tất cả xếp gọn gàn vào cái ba lô. Kéo dây cho chặt, Thanh không quên đặt tấm lót ngồi được cuộn tròn, cái xuổng nhẹ để xúc tuyết lên ba lô trước khi đóng khóa cài bên hông ba lô. Xong, coi như công việc của Thanh đến đó là chu tất cho đến khi về nhà sau chuyến đi núi mỗi ngày. Bây giờ là đến công việc của Eirik. Mọi người cặm cụi chuẩn bị ra ngoài. Phải dùng chữ cặm cụi mới diễn tả hết mọi thủ-tục-ra-ngoài. Thoa mặt bằng kem chống nắng số hai mươi loại cô đọng, chỉ cần thoa mặt vì các phần khác trên cơ thể sẽ được bao kín. Quần nhái, áo nhái cao cổ, phải bằng lớp vải len sợi mảnh để thoáng mồ hôi và giữ ấm tốt. Thêm một cái áo len, dầy mỏng, len sợi hay cotton tùy theo nhiệt độ bên ngoài. Nhưng đôi vớ len dầy, nón len, khăn choàng cổ thì bao giờ cũng phải có. Giữ được cái đầu ấm, đôi bàn chân ấm là bảo đảm, một bí quyết của người miền núi tuyết. Sau cùng là bộ quần áo đi ski dầy. Mang xong đôi giầy ski, đeo hai đôi găng tay, một đôi găng tay len năm ngón bên trong, đôi găng tay bao trùm cả bốn ngón và ngón cái bên ngoài, ba mẹ con Thanh ngồi ngoài bậc thềm hong nắng và chờ Eirik làm bổn phận công-dân-đàn-ông. Ghé vai gánh vác sơn hà, sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.


Gọi là bổn phận công-dân-đàn-ông chứ thực chuyện này Thanh làm cũng được, nhưng như thế là chạm tự ái nam nhi, Eirik giận lẫy thì phiền lắm. Không biết lý do tại sao, công việc thoa lớp sáp vào bề mặt đôi ski tiếp giáp với tuyết lại là công việc chỉ dành riêng cho đàn ông. Chắc tại từ hồi xưa, loại sáp này thường phải tự làm, khi thoa phải biết tùy theo nhiệt độ mà lựa loại đặc, loại lỏng, thoa dầy, thoa mỏng, đàn bà chỉ lo chuyện cơm nước, biết gì ba cái chuyện này! Ngày nay tân tiến, một hộp gồm đủ loại ống sáp thích hợp cho từng tiết trời, từng tình trạng tuyết khô cứng hay tuyết mềm nhẹ, ai xử dụng lại không được, chỉ cần biết đọc bảng chỉ dẫn. Ống sáp tròn dài, đường kính ba centimet, dài bảy centimet, bên ngoài được bao bằng một lớp giấy kim loại mỏng, màu sắc khác nhau. Màu trắng dùng từ ba mươi độ âm celsius đến hai mươi độ âm, màu xanh lá cây dùng từ hai mươi độ âm đến mươi độ âm, màu xanh dùng từ mười độ âm đến không độ, màu tím dùng khi nhiệt độ thay đổi giữa độ âm và độ dương, màu đỏ dùng cho những ngày trên không độ. Chỉ việc ngắm nhìn bầu trời, cảm cái lạnh len vào da mặt là đoán được nhiệt độ và cứ thế mà chọn màu ống sáp. Chỉ việc chà sáp một khoảng dài sáu mươi, bảy mươi centimet ngay dưới phần đôi giầy ski. Chỉ việc chống dựng đứng đôi ski xuống tuyết chờ vài ba phút là xong. Thế mà cũng tự hào cho là công chuyện dành riêng công-dân-đàn-ông, nhất định không cho vợ, con gái nhúng tay vào. Thanh cười thầm: Muốn làm thì làm, ai thèm dành đâu mà lo nói trước, mà giận lẫy!!! Đấng trượng phu đừng thù mới đáng. Đấng anh hùng đừng oán mới hay.


Những công chuyện này mới đáng gọi là bổn phận công-dân-đàn-ông: Thứ nhất: Đeo cái ba lô với thức ăn, nước uống, trái cây, tấm lót ngồi, cái xuổng xúc tuyết, tất cả nặng độ mười kilogram, vượt dốc, cua đèo, chuyến đi lên cũng như chuyến đi xuống. Thứ hai: Nếu chọn không đi theo dấu đường mòn của những người trước hay đường chính xe đã ủi cho dễ đi vì nền cứng, muốn tự dấn thân vào vùng tuyết trắng chưa có dấu chân người thì Eirik đi trước phá đường. Thứ ba: Khi lên đến một đỉnh núi chọn làm nơi nghỉ trưa, Eirik bắt ngay vào việc đào, đắp một cái sô-pha-tuyết cho cả bốn người. Lớp tuyết dầy cả mét, dùng cái xuổng đào một hố dài hai mét, rộng nửa mét, sâu nửa mét, vừa đủ cho đôi chân ngồi thả xuống. Đắp khối tuyết vừa đào lên làm lưng dựa, trải tấm lót ngồi cách nhiệt màu xanh lá lên, Eirik dùng cái mông, ngồi, nhích từ từ, nhúng nhúng cho toàn "nệm" cứng lại, đứng dậy, xong, cái sô-pha-tuyết. Nghe thì tưởng công chuyện nặng nhọc lắm, chứ thật ra tuyết nhẹ, cây xuổng nhôm nhẹ, loáng cái là xong. Thế cũng gọi là công chuyện dành riêng công-dân-đàn-ông! Ba mẹ con loay hoay mở ski, tháo bớt khăn choàng cổ, găng tay, kiếm chuyện chọc tức Eirik, chờ Eirik đứng lên là dành nhau chỗ ngồi ở giữa, cho ấm! Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh!


Đi ski miền núi mà không có mấy trái cam, kvikklunsj, bình thủy cacao nóng thì không đúng điệu của người Na Uy. Kvikklunsj là loại bánh xốp có lớp chocolate bao chung quanh. Nếu lười và chọn đi tuyến đường không quá hai giờ, không mang theo ba lô cồng kềnh thức ăn, thì thủ trong túi áo khoát một cái kvikklunsj cũng đủ đỡ đói, một trái trái cam cũng đủ đỡ khát. Và đôi kính mát thì không bao giờ, không thể thiếu. Không phải diện đâu. Phải có! Nhất là tuần lễ Phục Sinh. Nắng cả ngày, nắng ấm làm người đi ski phải cởi áo khoát, cột ngang bụng, nhét cái nón vô túi quần, tháo đôi găng tay... Cả một vùng tuyết trắng toát nhìn ngút mắt, long lanh dưới ánh mặt trời, chỉ toàn màu trắng là trắng, thỉnh thoảng mới có một vài cây thông già. Ánh sáng mặt trời phản chiếu từ lớp tuyết hắt lên mặt. Nếu không đeo kính đen vào những ngày nắng chói, đôi mắt nâu to hay xanh thẫm gì cũng dễ bị chứng say nắng. Cả ngày nhìn trực tiếp, nhìn toàn tuyết trắng, trắng toát, trắng óng ả, không một chút sắc xanh cây cối, không chút xám xậm núi đá, chiều về cặp mắt cay xót, không mở được, không chịu được ánh sáng, chỉ có nước trốn vô phòng tối mà khóc thuơng cho số phận. Đành ngủ một giấc dài trong khi bao người khác đã xong món tráng miệng, đã nghỉ ngơi lấy lại sức, bắt đầu món ăn chơi buổi tối, chừng đó đôi mắt mới dịu lại, lò mò ra chung vui. Đời người có một gang tay. Ai hay ngủ ngày, chỉ có nửa gang!!!


Đối với người ngoại quốc, người không mang sẵn đôi ski khi mới lọt lòng mẹ (người Na Uy tự đùa về cái sự đi ski của mình!), tập đi ski cũng như cũng như bắt đầu học một ngôn ngữ mới. Càng lớn tuổi học càng lâu vô, nói càng ngọng nghịu. Càng lớn tuổi, người tập đi ski càng sợ té, chân cứng ngắt, cứ bám chặt xuống, thân hình không biết nương theo nhịp đôi ski trợt, độ dốc cong, dễ mất thăng bằng. Càng cố gắng lựa từ ngữ cho chính xác, phát âm cho đúng thì câu văn càng cứng ngắt, giọng nói càng ngọng nghịu. Càng sợ càng dễ té, càng ráng bám chặt ski xuống mặt tuyết càng té nhiều. Lên dốc thì không đến nỗi khó khăn lắm. Đường bằng bằng trài trài thì đôi ski trợt thẳng. Đường hơi dốc thì cho đôi ski bước theo hình chữ V. Đường lên dốc cao dài thì đôi ski đi theo kiểu xương cá. Đường dốc cao ngắn thì đi người ngang, nhắt từng bảng ski. Đủ kiểu. Trợt xuống mới gay go. Năm này qua năm kia không thấy tài trợt ski của mình được thư thả như người Na Uy, qua bao kinh nghiệm đắng cay, bao kiểu té ngoạn mục, Thanh dùng chiến thuật tâm lý. Mỗi lần nhìn khoảng đường dốc chông gai phía trước, bụng nhủ lòng: Không sao, thả lỏng đầu gối, chống bên trái, nghiêng nghiêng chút nữa, giỏi… giỏi lắm… ôi cái cua ngoặt quá, đặt mông xuống cho té là vừa rồi, không ai thấy cả, tai qua nạn khỏi… dốc lài lại rồi… ha…ha…té mới có một lần. Cứ thế, mười lần thành công chín lần. Xuống tới nơi an toàn. Cũng lạ, đi ski gần hai mươi năm, té sáu trăm hai mươi tám lần, nhưng Thanh chưa hề bị trật chân, gẫy tay, xưng mông chi cả. Cả nhà ai cũng khen nghệ thuật té của Thanh rất điêu luyện, đáng viết thành sách hướng dẫn dân mới tập đi ski. Thì ra mới biết béo gầy. Đến khi cả gió, biết cây cứng mềm.



Bây giờ hai người nhỏ lớn bộn rồi, để tụi nó quyết định hướng đi, quyết định lộ trình, Eirik đi thụt lui, nhường bước cho lớp trẻ. Nhưng bao giờ Thanh cũng là người đi cuối cùng trong đoàn. Đi sau cùng, tự do, nhanh chậm tùy hứng. Có người đi phía sau mình, phải đi nhanh không thôi người đó chờ, phải đi chậm lại, mất hứng. Đi chơi mà phải cố gắng, phải ráng, không ham, dại gì. Và đi sau cùng để được một mình mơ mộng, hưởng thú cô đơn. Ba người kia thỉnh thoảnh nhớ đến người đi sau cùng, dừng chân đứng chờ. Hừm… chờ kiểu gì không biết, đứng đó chờ Thanh vừa đi tới là cả bọn tiếp tục đi lên. Nghĩa là chỉ ba người đó đứng nghỉ còn Thanh thì không được nghỉ chút nào hết... hừm... họ quên hẳn câu ...đường mòn nhơn nghĩa không mòn kia mà!


Mỗi lần nghe tiếng hai người nhỏ cười hét hô…hô… một cách khoái trá ở phía trước, Thanh biết sắp tới một đoạn dốc chông gai, than thầm: "Quỷ sứ! Biết đường sẽ có dốc lớn, trồi lên hụp xuống nên chọn hướng này." Eirik và hai người nhỏ lúc nào cũng tìm những đỉnh núi cao, đường khó khăn, có vậy mới thỏa chí tang bồng. Lên được đỉnh núi như đã dự tính. Ba người tính đường thả xuống. Thanh quyết chí không nằm trong kế hoạnh "xuống" của ba người. Thường thì họ không thèm thả xuống theo đường vừa mới đi lên hay một đường nào đó đã được xe ủi sẵn. Hầu như lần nào ba người cũng chọn hướng trực chỉ xuống, chọn một điểm hẹn cho cả bọn. Lao mình thẳng xuống, tuyết bụi tung cao theo gót ski, càng dốc cao càng khoái chí. Còn Thanh, dại gì bắt chước lao xuống theo ba người đó. Có ngày mang nạng, càng già xương càng dòn dễ gẫy, càng khó lành. Thanh xuống dốc theo hình chữ Z, chữ Z và chữ Z… để giảm bớt tốc độ, lâu hơn, nhưng bảo đảm, bề nào cũng về đến đích. Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.


Lên tới đỉnh núi không có nghĩa là lên điểm cao nhất. Núi trùng điệp, đỉnh núi này nối tiếp đỉnh núi kia. Lên được đỉnh này thì thấy đỉnh trước mắt, đỉnh bên kia cao hơn, phải chọn một đỉnh núi làm điểm quay lại. Tham lam, đi lên hoài, lên hoài, không bao giờ tới đỉnh cả. Thời tiết trên núi thay đổi bất ngờ, không lường trước được tuyến đường của mình, dễ bị lạc lối, cóng lạnh, mất sức… nguy hiểm, nguy hiểm. Mùa Phục Sinh tương đối ấm, ít gió, ít sương mù và nắng ngày kéo dài từ bốn giờ sáng đến mười giờ tối nên nếu có đi lạc cũng đủ thì giờ tìm về. Tuần lễ mùa Giáng Sinh và lễ Mùa Đông mới khắt nghiệt. Khí trời trở chứng như đôi nhân tình mười sáu tuổi. Ánh nắng mặt trời quyết định cái ấm cái lạnh rất phân minh, mây xám trên trời chỉ cần di chuyển tới chỗ mình đang đứng là nhiệt độ giảm xuống năm độ ngay. Thêm vào đó từ tháng mười hai đến tháng hai, trời mau tối, đừng dại dột mà xông pha giữa vùng mây đen bao phủ, bầu trời gần sát trên đầu, mà đường trở về thì nghìn dặm, không người qua lại, chỉ có nước đào hang tuyết xin trú qua đêm. Vì mây cho núi lên xa, mây còn mù mịt núi nhòa nhòa đen.

Có một lần, vào tuần lễ mùa đông, hôm đó trời hơi mây mù, hơi gió, cả bọn quyết định đi tuyến đường gần hơn. Nhưng đây là lần đầu đi tuyến đường này, cứ cắm cúi mà đi. Đi được chừng hai giờ đồng hồ, trời bỗng nhiên trở gió. Từng cơn gió cắt lạnh rít trong không trung mang theo tuyết bụi quất mạnh vào mặt. Sương mù dầy đặc, chỉ thấy được người đi trước cách chừng vài mét. Thường thì bộ quần áo đi ski chịu được gió. Nhưng với cơn bão tuyết, gió len qua nón len, qua cổ áo, quất mạnh vào người, lạnh cóng, rất khó di chuyển. Lại không thể đứng chờ cơn bão tuyết thương tình dời đi nơi khác, biết đến chừng nào, phải cử động để ấm người. Quyết định quay lại. Nhưng khoảng trước mù mịt, loay hoay chống đỡ cơn bão tuyết, khả năng định hướng trở nên hoang mang. Thôi thì tìm đường xuống dốc, cứ xuống dốc rồi tính sau. Nhưng xuống hướng nào? Đường đi lên hồi nảy đã bị tuyết lấp mất dấu, đi lạng quạng, lọt hố, tuyết chôn như chơi. Đây là lúc Thanh biết thân phận, im miệng, để cho người-công-dân-đàn-ông chứng tỏ cái gọi là đường đường một đấng nam nhi, sợ gì ba cái chuyện nhỏ nhặt này, xoay trở. Tâm lý lắm, người lớn bình tĩnh thì người nhỏ không run. Eirik ra lệnh: "Đi theo màu áo đỏ của ba. Má đi sau hai người nhỏ. Xuống dốc phải ráng kèm lại, đừng vượt qua người trước mặt, té là phải la to để mọi người đứng lại chờ. Ba sẽ xuống thật chậm để dò đường. Thỉnh thoảng ba sẽ ngừng chờ. Đường đi về chắc chắn sẽ rất xa hơn đường đi lên, nhưng mình phải tìm đường xuống." Thế mới biết tại sao khi chọn mua quần áo đi ski, bao giờ Eirik cũng đề nghị có màu đỏ, màu kỵ của Thanh. Màu đỏ dễ nhận ra giữa sương mù núi thẫm. Về đến nhà an toàn, hỏi ra, cả hai người lớn, hai người nhỏ đều thú nhận là rất sợ phải đào hang để trú qua đêm, nhưng ráng giữ trong bụng. Thiệt là... thương nhau tam, tứ núi cũng trèo... thất, bát sông cũng lội, cửu, thập đèo cũng qua.


Lần nào cũng vậy, khi lên đến đỉnh núi, nghỉ ngơi ăn uống, ngữa mặt cho nắng làm má nâu hồng đặng được bạn bè khen đẹp, sau đó là quãng đường tìm về nhà chỉ toàn xuống dốc, xuống dốc và xuống dốc. Quãng đường bù lại cho ba tiếng đồng hồ cong lưng cày cục tay đẩy hai cây chống nhịp nhàng lấy đà đưa chân mang ski lúc bước lúc trợt, đi lên, đi lên, lên mãi, lên mãi, mồ hôi đẫm áo, mồ hôi hòa với lớp kem nắng chảy xuống mắt, sót cay. Khi xuống dốc, để được tự do té đủ kiểu, tự do thắng lại khi thấy cái dốc quá cao phía trước, không cản đường người khác, như một thỏa hiệp đã có từ lâu đời, bao giờ Thanh cũng chờ cho mọi người trong bọn trợt xuống trước một khoảng xa, Thanh mới ra tay đi vào trận địa. Trên đỉnh núi cao, chờ cho màu áo khoát đỏ của Eirik khuất sau đồi, chân đẩy đưa chà bảng ski để không bị tuyết đóng cục phía dưới vì khí trời hơi ẩm, ngắm tới ngắm lui lập ra một lộ trình xuống dốc thật chắc ăn. Thanh kéo tay áo phủ qua khoảng một phần ba cặp găng tay, co ra co vô mấy ngón tay, chỉnh lại đôi kính mát ngay ngắn trên sóng mũi, quyết định: Cuối tháng ba mà lớp tuyết vẫn còn mềm và khá dầy, lý tưởng để giữ được tốc độ theo ý mình. Trước mặt là "đường lộ chính" rộng độ một mét rưởi, đã được xe ủi cho cứng nền. "Đường lộ chính" chỉ tiện lợi lúc đi lên thôi và chỉ làm tăng tốc độ trợt xuống, tăng niềm khoái trá cho những người đã mang ski khi mới lọt lòng mẹ. Đối với Thanh, người đeo đôi ski vào chân ở cái tuổi khi tròn ba mươi, "đường lộ chính" đã lắm người đi lại, nền tuyết cứng trơn, đôi ski cứ theo đó mà vù vù lao xuống, dễ mất thăng bằng ở những cái cua ngặt, không đủ thì giờ định được độ cao của những con dốc trước mặt, té thì cũng đau mông lắm lắm. Thôi thì mở "đường máu", nghĩa là trợt xuống ngoài "đường lộ chính", tự tìm đường xuống tới điểm hẹn với ba cha con nhà nẩu phía dưới. Hơi cúi người ra phía trước, dùng hai cây chống đẩy cho đôi ski trượt tới. Chớ thấy sóng cả mà lo - Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.


Bề mặt lởm chởm đá lớn, đá nhỏ, những bụi dâu núi... đã được phủ tuyết, lớp này qua lớp kia, ngày này qua tháng nọ, gió thổi tuyết lấp đầy những khoảng trủng nên phẳng bằng như tấm mền nhung trắng toát thênh thang ngập mắt. Và "con đường máu" còn trinh trắng, lớp tuyết kêu khẻ, nửa náo nức, nửa đớn đau vì đôi ski kẻ lãng du xông xáo phá đường. Nghệ thuật, bí quyết thả dốc là hai đầu gối đừng chống gượng kềm chặt, mỗi lần tới cái hụp lên hụp xuống, hơi mất thăng bằng thì bụng phải nhủ lòng: "... không té... không té... x..o..n..g... giỏi lắm... giỏi... lắm... cứ thế mà thong dong ... ô... bụi cây...không sao...quẹo một vòng... mở đường cua rộng rộng cho khỏi té... tuyệt!" Nhắm hướng mà thả dốc. Khí trời lạnh lạnh, hương trời thanh khiết, đường rộng thênh thang, cua bên phải, quẹo bên trái để giảm tốc độ, hưởng thụ thú cô đơn tuyệt dịu giữa thiên nhiên. Cứ thế mà tiến...xuống. Ôi sao mà tuyệt vời, khí trời sao thanh thoát thế này, lớp tuyết sao êm ái lạ, được ngủ một giấc giữa núi đồi mênh mông này chắc thú lắm đây. Thanh mơ mộng... Bịch! Không biết ma quái nào bắt chân! Cái mông nằm gọn gàn xuống mặt tuyết mềm trước, sau đó là cả thân hình lún sâu, hai tay vẫn còn cầm cây chống, hai chân vẫn còn dính chặt cặp ski, theo đà, thoải mái duỗi thẳng. Vị thế nằm thoải mái như khi ta thả nhẹ một cái muỗng xuống bãi cát mịn, cái muỗng nằm dài, hơi lún sâu, như đóng khuông, không muốn cựa quậy, thật yên bình. Ngắm nhìn từng đám mây trắng trôi lơ lững trong nền trời xanh xanh, dõi mắt tìm những đám mây mang vài hình ảnh ngộ nghĩnh, câu hát vang vang trong đầu …mây... mây còn trôi mãi không quay về đây... Thanh thiếp ngủ... Không biết bao nhiêu phút, thức dậy, vẫn còn trong cơn mê ngủ, bầu trời vẫn còn trong thanh, khí trời vẫn còn mát lạnh, nhìn quanh, Thanh than thầm: Hướng nào đây ta? Thôi thì cứ thả xuống chân núi, sai thì đi ngược lại. Chắc ba người dưới chân núi bắt đầu thắc mắc là mình té nặng lắm sao mà lâu vậy, lo gì... Còn trời, còn nước, còn non - Còn trăng, còn gió hãy còn đó đây."


Gọi là chân núi thì không đúng lắm. Núi ở Na Uy trùng trùng điệp điệp, núi này nối tiếp núi kia, có những vùng núi quanh năm tuyết phủ, năm này sang năm kia, lớp này đè ép lớp kia cả trăm ngàn năm, thành vùng băng tuyết rộng lớn. Với diện tích gần bằng Việt Nam, bờ biển dài hơn Việt Nam nhưng dân số chỉ có bốn triệu rưởi, chỉ bằng một phần hai mươi của Việt Nam. Trên bản đồ Na Uy, màu nâu xám chiếm tám phần mười, màu xanh, màu vàng chỉ nằm rãi rát ven bờ biển, ven biên giới Thụy Điển. Đi hết ngọn núi này, thấy ngọn núi kia xuất hiện, không bao giờ chấm dứt. Nhà nghỉ mát miền núi thì dĩ nhiên nằm trên núi, nhưng lại là chân núi của những núi cao khác. Trên cao, đỉnh núi này nối tiếp đỉnh núi kia. Dưới thấp, chân núi này liên kết chân núi kia. Điểm hẹn nơi chân núi không xa nhà mấy, chờ lâu quá, Eirik hơi nóng lòng, định bụng chia nhau đi lên tìm Thanh, sợ Thanh té nặng không ngồi dậy nổi. Bóng áo ai thấp thoáng từ cao. Hai người nhỏ đi ngược lại để đón Thanh với câu hỏi chọc thường lệ: "Má té mấy lần?" Và Thanh ngây thơ hãnh diện khoe: "Có một lần hà." Ba cha con nhà nẩu nháy mắt cười. Khôn ngoan đối đáp người ngoài - Gà cùng một ổ chớ hoài đá nhau.


Eirik cũng như đa số người Na Uy, tiếng là người đạo Cơ Đốc nhưng cả đời chỉ đi nhà thờ cao lắm là bốn lần, bốn lần có liên hệ trực tiếp tới cá nhân mình: Khi rửa tội, khi thêm sức, khi đám cưới và khi đám ma mình. Đạo Cơ Đốc là công giáo của các nước Bắc Âu. Bởi cái tính dễ chịu của Cơ Đốc Giáo, khi sanh ra, được cha mẹ đem vô nhà thờ rửa tội thì đương nhiên thành người Cơ Đốc Giáo. Đến tuổi gần trưởng thành, con cái tự quyết định sẽ làm lễ Thêm Sức ở nhà thờ hay ở toà Thị Chánh. Và khi đám cưới nếu không muốn xin Chúa chứng nhận thì xin ông thơ ký của tòa thị chánh chứng dùm. Nhưng khi chết, cũng như khi được rửa tội, không nói được nên đương nhiên không được quyền có ý kiến, thường thì gia đình muốn giao trả lại cho Chúa. Thanh cũng thuộc loại tự cho mình người đạo Phật nhưng đi chùa khi nào thấy hứng, ăn chay khi thèm, kinh thì chỉ thuộc câu Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bố Tát. Hai người lớn không có lập trường, đương nhiên hai người nhỏ cũng không biết mình người đạo gì. Không rửa tội. Không cúng đầy tháng. Không thôi nôi. Làm lễ Thêm Sức ở tòa thị chánh... sau này nếu có cơ may được làm đám cưới thì chắc tùy người chồng. Lễ Phục Sinh là lễ chính thứ nhì của đạo Thiên Chúa, sau Giáng Sinh. Và cũng như đa số người Na Uy, tuần lễ Phục Sinh là thời gian nghỉ ngơi, chẳng mang một chút màu sắc tôn giáo. Nhưng Thanh vẫn muốn theo một vài phong tục dành riêng cho những ngày lễ Phục Sinh. Một phần thấy hợp tình hợp cảnh, một phần ham vui. Ai ơi chơi lấy kẻo già - Măng mọc có lứa người ta có thì - Chơi xuân kẻo hết xuân đi - Cái già xồng xộc nó thì theo sau.


Bình hoa Phục Sinh vàng tươi trên bàn salong. Hình tượng gà mái, gà con, trứng mới nở... tất cả đều vàng rực, đều mang màu xanh lá cây mượt mà, tượng trưng cho mầm sống mới, được chưng bày khắp phòng khách. Khi chiên trứng ăn sáng, Thanh cẩn thận mở hai lổ nhỏ hai đầu, thổi tròng trắng tròng vàng chảy ra để giữ vỏ trứng được nguyên vẹn, để dành. Tối thứ năm, ai cũng xăng tay áo trổ tài sơn trứng, điểm trang vỏ trứng. Những quả trứng mầu sắc sặc sỡ treo tòn ten các cửa sổ được chiêm ngưỡng không dấu diếm. Qua lại, ngắm nhìn công trình mỹ nghệ của mình năm nay, tự khen. Ham vui là ở chỗ đó. Thứ sáu ngày chay, bao giờ cũng món cá, món tôm. Thứ bảy là ngày trọng đại, mọi thủ tục được áp dụng từ khi mới mở mắt thức dậy. Thủ tục này là tự hai người lớn nghĩ ra để "hành" hai người nhỏ: Cho tụi nó hiểu giá trị món quà! Sáu cái mật thư, nội dung tùy theo trình độ tiến bộ mỗi năm, đã được soạn đêm qua khi hai người nhỏ yên giấc. Hai quả trứng lớn bằng trái dưa hấu dài, chứa đầy kẹo ngọt, là kho tàng, được dấu ngoài rừng. Sáng sớm, Eirik mới đem những mật thư dấu ngoài rừng theo những địa điểm đã định trước đêm qua nhưng phải chờ đến sáng vì sợ gió thổi, tuyết rơi làm mất dấu tích. Sau điểm tâm, quần áo đi ski như thường lệ, nhưng hôm nay sẽ tham gia buổi họp mặt ngoài trời cho toàn thể hơn trăm gia đình có nhà nghỉ mát quanh vùng núi Fledda ở một chân núi cách nhà nửa giờ đi ski. Trước khi rời nhà, trò chơi tìm mật thư được hai người nhỏ dầu đã lớn, hồi hộp chờ mỗi năm, bắt đầu. Mật thư thứ nhất được giải tại nhà. Phải trả lời đúng câu hỏi trong mật thư thứ nhất, mới tìm đến được địa điểm dấu mật thư thứ hai. Cứ thế mà tìm đến kho tàng kẹo ngọt. Có năm, hai người nhỏ ma lanh, không thèm giải mật thư, cứ theo dấu ski mà tìm đến kho tàng. Từ đó, Eirik phải đánh lạc hướng, đi vòng vòng, hai người nhỏ không theo được dấu ski, hai người nhỏ đành phải theo luật chơi. Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.


Buổi họp mặt ngoài trời là do hơn một trăm gia đình có nhà nghỉ mát quanh vùng thay nhau đứng ra lo liệu. Chừng mười lăm năm mới tới phiên gia đình mình một lần. Bãi rộng, mấy thân cây khô chồng chất lên nhau, được đốt cháy, khói bay mịt mù, vừa sưởi ấm, vừa để mọi người nướng thịt xúc xích ăn trưa. Mọi người ngồi từng nhóm riêng gia đình mình hay chung với vài gia đình láng giềng, dọc bìa rừng, mặt hướng phía bãi chơi. Đủ loại trò chơi ngoài trời cho con nít, cho lớp trẻ đá lông nheo (ai cũng đeo kính mát thì làm sao đá lông nheo nhỉ!) Người lớn gặp nhau chào hỏi rộn ràng, ngắm nhìn con cái nhau, khen tụi nhỏ mau lớn... Bao giờ Thanh cũng bị một vài ánh mắt theo dõi vì chỉ có mình Thanh là đầu đen, da nâu đậm. Đó là những người được bà con mời lên núi chơi mấy ngày lễ Phục Sinh nên chưa biết "danh" của Thanh đó thôi. Buổi họp mặt tan, nắng còn tốt, tiếp tục làm một chuyến lên núi cuối cùng của mùa Phục Sinh và cũng là của mùa ski năm nay.


Ngày thứ bảy là ngày ăn mừng, món đùi cừu nướng là món theo phong tục cổ truyền cho hôm nay. Gọi là đùi cho sang chứ chỉ là một khúc của cái đùi. Và vì không có lò nướng, Thanh nướng sẵn ở nhà vài tuần trước, cho đong đá. Bây giờ chỉ việc chiên nhỏ lửa cho nóng thấm tận bên trong. Và món tráng miệng không thể thiếu mỗi năm đã được Thanh bí mật làm từ hai hôm trước, hôm nay mới đem ra: Kem flan!
Sáng chủ nhật, khăn gói trở về xuôi. Còn nghỉ một ngày thứ hai. Thứ ba có họp thường lệ, nhìn ngắm nhau, khen nhau màu da đỏ nâu, khoe nhau nơi mình đi nghỉ mát. Thanh cũng biết khen, nhưng khoe thì điệu nghệ hơn. Người bạn đồng nghiệp ngồi kế bên Thanh, khen:
- Chắc Phục Sinh chị đi chơi núi nên da chị hôm nay đỏ nâu đẹp quá!
Lòng thì thích, mũi thì nở ra, nhưng miệng thì giả bộ khiêm nhường, trả lời thật văn hoa:
- Tại da tôi vốn đậm màu.
Trời phạt kẻ không thực lòng, ông ấy tin, không hỏi gì thêm, Thanh mất dịp khoe. Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây!!!


 
Võ thị Điềm Đạm



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 946

Return to top