Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Sắm Tết

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 495 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sắm Tết
Long Nguyễn

Vừa sáng tinh mơ, còn co ro trong cái chăn rách, vừa bú ngón tay vừa lim dim ngủ thì thằng Nhớn bị mẹ lôi ngay dậy. Chẳng nói chẳng rằng, lôi thằng bé vào trong phòng tắm, mắm môi mắm lợi kỳ cọ tắm rửa. Đã 12 tuổi đầu không phải bé nhỏ gì nữa mà không biết tự tắm 1 mình, nhưng không tắm cho nó thì chẳng bao giờ nó tắm cả. Vài lần hứa cho tiền đi bắn game, nó dội quàng vài gáo nước cho đủ ướt rồi ngửa tay đòi tiền công tắm. Thế nên năm hết tết đến, cứ đè nó ra mà tắm mới chắc ăn. Con giống cha là nhà có phúc, hai bố con ở bẩn như nhau. Từ lâu Nhớn coi cái mái tóc của mình là cái nùi giẻ tự nhiên, lúc nào cũng có sẵn. Mực giây ra tay, bôi lên đầu, chùi mũi cũng bôi lên đầu, ăn uống mỡ màng ra tay cũng bôi lên đầu. Tóc thằng bé cứ quện lại 1 nùi vừa cứng vừa dòn như bánh đa hay ví von 1 cách khác, dòn như những đôi vớ rách của bố nó. Bà Ru thường tự an ủi :"Thế mà lại đỡ chấy, chả bù cho bố nó, đàn ông đàn ang gì mà đầu tóc là ổ chấy. Ấy là mỗi tháng hai lần đều được bà cho tiền đi hớt : "Húi rõ ngắn nghe chửa? Tiền hớt tóc mà mua rượu thì về đây tôi hớt bằng búa" Chả là đã mấy lần trên đường đi hớt tóc, lão Mong ghé ngang hàng khô đuối của thím Chung, định thấm giọng 1 cốc gọi là "xỉm sấm", bùi tai nghe thím ngọt nhạt thế nào, có bao nhiêu tiền vợ cho hớt tóc, đánh nguyên 1 xị rượu với nửa chục vịt lộn . Có nhẽ điếc tai điếc đít vì cái giọng ông ổng của bà Ru chõ mồm ra ngõ chửi, thím Chung quẳng nắm tiền vào cửa và thề tự hậu không bán hàng cho lão Mong nữa . Nhìn dòng xà bông từ đầu cổ thằng bé chảy ngoằn ngoèo một dòng nâu đục xuống chân, xà bông cao cấp nhiều bọt mua ở tiệm bà trùm Vuông, xoa lên mình mẩy thằng bé thì chẳng thấy bọt đâu, màu trắng xà bông cũng xỉn ra, nhờ nhợ như nước ngâm vớ lão Mong . Mân mê con chim thằng bé, bà Ru đăm chiêu : "Sắp phải lo tiền bạc sắm vợ cho thằng Nhớn đây . Chồng với con, rõ khổ !". Cái con bé Quỳnh, con gái rượu của lão phó húi cuối xóm, nổi tiếng chua ngoa đanh đá, lấy nó về cho thằng Nhớn kể cũng xứng đôi, lại bớt được cái khoản thách cưới. "Ai mà lấy nó tôi cứ gọi là cho không, lại cho 2 sào ruộng cuối nghĩa địa làm của hồi môn nữa". Cái mảnh ruộng ấy bà Ru thích lắm, mỗi khi gặp việc đi ngang, thấy thằng Tréo con lão Tru thả trâu ăn lúa, bà kêu oai oái. Cứ làm như ruộng nhà mình rồi ấy.
Lão phó húi làm nghề hớt tóc ở cuối xóm nổi tiếng bủn xỉn, vắt chày ra nước. Chỉ có 1 mụn con gái là con bé Quỳnh, lẽ nào lão không biết trả treo thách cưới mà tự dưng đem cho không đứa con gái lại kèm theo 2 sào ruộng? Vấn đề như thế này. Dạo thằng Nhớn mới lên 2, trong lúc lão Mong hì hục đẩy cái xe ba gác chở củi đi bán dạo thì con chó bẹc giê nhà lão phó húi xồ ra, cắn 1 phát vào giữa bẹn. Chết thì chẳng chết nhưng lão Mong ốm lăn lóc, liệt giường liệt chiếu mất cả tháng. Sau đó chẳng thấy bà Thu đẻ đái gì nữa, người ta xầm xì là liệt giường xong thì nhân tiện liệt dương luôn. Lão phó húi cũng biết điều ra phết : "Thôi thì giời chẳng cho bác có thêm cháu thì tôi có con bé Quỳnh, mặt mũi chẳng đến nỗi nào, đợi nó nhớn thì gả cho thằng Nhớn . Thế là chả con ruột, bác cũng có thêm con dâu . Đi đàng nào mà thiệt". May phước lúc ấy cậu Ước đã tếch đi qua bên Đức, không theo anh đi đẩy củi, nếu không thì cũng tuyệt giống chứ chẳng chơi.
Hôm nay bà tắm rửa cho thằng bé là cũng có 1 lý do. Thứ nhất là năm cùng tháng tận, rủi khách khứa trông vào. Chó gầy hổ mặt người nuôi. Bà chẳng từng khoe khắp xóm bà thừa hưởng 1 nền gia phong đạo đức, bổn phận nuôi chồng nuôi con cho tươm tất là truyền thống các cụ để lại, huống gì thằng bé, qua cái miệng của bà, xinh và ngoan nhất xóm. Con của tổng thống vị tất đã dễ thương như thằng Nhớn. Hai hôm trước thằng Nhớn lêu lổng ngoài đồng, đánh nhau với con lão Tru, bị thằng Tréo con lão Tru thụi cho mấy quả sưng vếu môi. Về nhà , nó mếu máo nói với mẹ là thầy giáo ... đánh dù nó ngoan ngoãn nhất lớp. Hôm ấy bà Ru nổi giận đùng đùng định xách tai thằng Nhớn đến tận nhà ông giáo Phú chửi cho một mẻ, dạy cho lão ta biết thế nào là lương tâm giáo chức. Con người ta đẹp giai đáo để thế này mà lão thầy giáo nỡ thụi con bà . Nhưng suy đi nghĩ lại bà nén giận . Đợi vài ngày nữa là cuối năm , mình chửi cho lão rông cả năm cho bõ ghét. Hoá cho nên có cuộc tổng vệ sinh cho thằng Nhớn hôm nay, chuẩn bị đến nhà lão Phú mắng vốn.
Bà Ru dắt cái xe cub dởm ra khỏi nhà. Cúp dởm là vì sản xuất ở Trung Cộng, giá rẻ nhưng phải cái đạp khó nổ. Hôm nào ăn phải cái gì xấu đi táo tỏng, mỗi lần đạp xe đi đâu, về nhà bà Ru phải vội vàng thay quần, chả hiểu tại sao. Sáng nay giời đẹp lắm. Xuân mà lị. Thường thường vào giờ này, khi sương mù còn la đà tầm tay với, bầy ruồi sáng lơ lửng trên đỉnh đầu chẳng hiểu bay như thế với mục đích gì , bây giờ cũng vắng bóng. Nơi nơi hoa lá xanh tươi, gió xuân hây hây thổi , vài gánh hàng rong quẩy ngang thấp thoáng dưới nón lá những khuôn mặt vui tươi như khắc khổ chưa từng in vết.
- Một . Không nổ.
Thằng Nhớn tinh quái giơ 1 ngón tay chơi trò tiên đoán trong khi bà Ru mắm môi mắm lợi đạp máy . Hồi trước thì xe cũng có bình điện, chỉ nhấn nút là nổ cơ đấy. Lão Mong nhà ta nghe ông lang Láng xúi dại, gỡ ra bán cho tiệm sửa xe mua được 1 lít rượu đế Gò Đen, đút nút lá chuối khô. Hai bợm nhậu bù khú với nhau hết chén ông chén tôi, chén chú chén anh cho đến chén mày chén tao thì chai rượu sạch cạn. Từ đấy bà Ru phải đạp chứ không nhấn nút được nữa . Phải tội cái xe của Trung Cộng, hồi còn mới cũng đã khó nổ , bây giờ càng ngày càng tệ .
-Hai . Không nổ .
Thằng Nhớn chĩa thêm 1 ngón nữa. Mỗi khi mẹ nó ưỡn đít lấy trớn là nó vội vàng đếm trước như 1 trò chơi lý thú lắm. Có lúc nó nói không nổ thì cái xe thổ tả lại nổ và ngược lại . Bà Ru cũng chẳng lấy thế làm điều bực bội : "Trẻ con nó thế. Coi vậy chứ nó có hiếu lắm ". Bà Ru có cái tủ tha được của mẹ từ hồi lấy chồng, đã cũ xỉn giá như nhà người ta thì cũng đáng chẻ ra làm củi nhưng được cái là có ổ khoá. Ngày ngày bà cất tiền trong đấy. Chẳng lo trộm đạo gì đâu, hiềm hồi xửa hồi xưa mấy lần bắt gặp lão Mong mắt nhắm mắt mở, nửa đêm thức giấc mò tiền vợ gói trong cái ruột tượng vắt ngang lu đựng gạo. Từ dạo ấy, cái chìa khoá tủ bà buộc kỹ trong giải rút quần, chỉ rời ra mỗi lúc đi đồng . Ấy thế mới khổ.
- Nhớn ! Ra bố bảo.
Mải coi hình sexy dùng làm giấy gói thịt lợn trong giỏ đi chợ của mẹ, Nhớn dạ 1 tiếng rõ to , chạy ù đến trước mặt bố, khoanh tay.
- Mày có thương bố không?
Mỗi lần lão Mong nói câu đó là 1 lần bố nó sắp bày trò gì đó. Nhớn đáp :
- Dạ có.
Lần này nó quên câu nằm lòng :"Thương cha mẹ một thương Sì Ta Lin mười".
Lão Mong cúi xuống sát mặt con, thì thào :
- Mẹ mày đang đi iả. Cái chìa khoá ở chốc bàn độc ấy.
- Để làm gì hả bố ?
Nhớn ngây thơ hỏi.
- Ngu thế. Mau mở tủ ra lấy ít tiền ra quán bà Chung mua cho bố cút rượu. Chóng ngoan.
Cứ thế là chẳng làm gì ra tiền mà hai bố con , thằng nhớn thì rượu nốc tì tì, thằng bé thì đánh đinh đánh đáo. Thỉnh thoảng lão bày trò đưa cho vơ 1 nắm tiền : "Mình đánh rơi tiền trong bếp này . Đàn bà gì già đầu rồi mà còn đoảng". Chiêu này học được của lão lang Láng, "chiến sĩ nhậu". Bà Ru đi khoe cùng làng cùng xóm về đức thật thà của chồng con . Có lần bả ví lão Mong với Khổng Tử, thằng Nhớn với Mạnh Tử.
- Ba. Không nổ.
Thằng Nhớn chìa thêm 1 ngón tay nữa . Lần này "vận nội công" quá mạnh, khí từ đan điền chạy dọc ngang làm sao đó rồi tuồn ra đằng đít nghe 1 tiếng :"Tít" . Thằng Nhớn vội chữa :
- Nổ!
Thế này thì quá lắm ! Dựng cái xe không chịu nổ đâu vào đó, bà Ru giơ bàn tay chuối già, mà 1 thời nào son trẻ, lão Mong gọi là bàn tay năm ngón mưa sa, vả vào mặt thằng bé :
- Nổ cái mả bố mày .
Sững sờ 1 lúc, thằng Nhớn oà lên khóc, chạy ù vào nhà :
- Bố ơi mẹ đánh con.
Ngồi trầm ngâm bên đĩa đậu rán vàng khè. Đợi mãi vẫn chưa thấy bà Ru móc túi đưa tiền mua rượu, nộ khí xung thiên :
- Bà làm gì con ông đấy hở?
-Làm gì ? Nó hỗn thì dạy nó chứ sao ? Định bênh nó phỏng ?
- Mới sáng ra đã sanh giặc. Thế bao giờ mới mua rượu cho ông ?
Bình thường thì bà Ru vẫn tốt nhịn, hôm nay chả hiểu sao, ở ngoài sân bà Ru cong cớn, quai miệng nói chõ vào:
- Này này cha con ông vừa phải thôi chứ . Gái già này khổ lắm rồi . Ra chuồng chồ mà uống nước đái đỡ đi. Gái này không có tiền.
Bốc miếng đậu phụ rán còn sót lại bỏ vào mồm, lão Mong lẳng cái đĩa không ra cửa trông y như ám khí trong phim chưởng :
- Mả mẹ chúng bay đồ lăng loàn trắc nết.
-Soảng ... Không thèm nhìn mảnh vụn cái đĩa tung toé dưới chân, bà Ru vội đạp xe . May phước, lần này máy nổ :
- Tôi đi, mặc hai cha con ông sống sao thì sống.
Tiếng máy xe rú lên, 1 làn khói xanh vần vũ quyên mùi hương "trinh nữ" mà bà Ru , vì đạp máy quá mạnh, lại xì ra đằng đít. Chả biết bà Ru đi đâu, chắc về nhà bố mẹ ở xóm dưới như mọi lần giận chồng trước. Phen này hai bố con ăn 1 cái tết chắc thê thảm lắm . Tiền đâu cho thằng bé đánh bầu cua, tiền đâu cho thằng lớn mua rượu?
- Mẹ mày có để chìa khoá ở nhà không hở?
Hỏi thì hỏi thế chứ lão biết tỏng. Có bao giờ bà Ru lại rời cái chìa khoá, trừ khi đi iả.
ooOoo
Cái Nhung dắt xe vào nhà, đon đả :
- Chào anh, Nhớn đâu ra cho cô lì xì.
Lão Mong còn căm lắm. Suốt 1 ngày từ khi "nó" bỏ đi về nhà mẹ, chưa tợp được tí rượu nào sất . Lão lườm lườm :
-Qua đây làm gì? Chị cô đâu?
- Chi Ru ấy hả? Chị ấy về nhà bu hôm qua. Chị ấy sai em qua lo đi chợ Tết sắm sửa cho anh và cháu. Tết này chị ở bên ngoại không về đâu.
Nghĩ đến rượu, lão Mong tươi nét mặt :
- Thế cũng được . Ra cái vại nước đằng sau rửa mặt mũi sạch sẽ rồi ta cùng đi.
- Dạ.
Nhung te tái bước ra sau. Nhìn theo cái tướng đi chữ bát của nàng, chân trái vòng sang bên trái, phải vòng sang phải, rạch ròi. Cái mông đít to bằng cái vại vẹo qua vẹo lại y hệt tướng đi của bà Ru. Nao nao nhớ vợ, lão Mong buông tiếng thở dài.
Cả tuần lễ nay đường phố lúc nào cũng chật ních những người. Sau chiến tranh cộng lẫn đói kém, đồng bào ta bây giờ đẻ tợn. Mới hồi nào 32 triệu người, nay đã 80 triệu. Như những nhà thờ, chùa chiền quốc doanh khác, Lăng ông ngày nay là 1 trong những cơ sở làm ăn của nhà nước. Khách xin xâm nườm nượp. Tinh những Mỹ đen, Mỹ trắng với lại việt kiều, tiếng xì xà xì xồ y như 1 thành phố ngoại quốc hay nói cho đúng hơn, y như thời Tây, Mỹ cai trị. Lão Mong hôm nay diện lắm, quần bò hiệu Levis của thằng Ước, nghiên cứu sinh mãi tận bên Đức gởi về cho anh gọi là quà Tết. Mới ngày nào 2 anh em Mong, Ước làm nghề bổ củi bó lại, đẩy ba gác đi khắp xóm bán, cầy cục thế nào được trúng tuyển đi lao động hợp tác, giờ đã 3 năm trôi qua. Ở bên ấy, đàn đúm theo cái bọn chống lại tổ quốc, biểu tình biểu tọt, tuyệt thực thế chó nào được nhà nước Đức liệt vào loại tị nạn chính trị. Thế là ở tịt bên ấy, lâu lâu gởi về cho bà Ru vài trăm đô Mỹ, kèm theo những lá thơ đầu Ngô mình Sở chả hiểu ra làm sao. Lão Mong chỉ nhớ mang máng là: chuyển lửa, lật đổ chế độ độc tài chi đó. Cái thằng thiệt ngu hết chỗ nói. Nhà nước bây giờ đổi mới rồi đâu còn như hồi nó còn bán củi nữa. Tự do đủ thứ. Về tự do ngôn luận thì chống Mỹ, chửi việt kiều tha hồ mà nói, nhà nước chẳng cấm. Thế mới gọi là đổi mới.
Thấy lão Mong lang thang trước chỗ gởi xe, chờ Nhung với thằng bé, 1 anh công an mồm ngậm điếu thuốc có cán, túi thêu chữ Tony Đực, từ đâu xồ đến :
- Chơi gái không anh? Mới có mấy em mới, giá đặc biệt cho việt kiều nè anh.
Nhìn thoáng lão Mong cũng giống việt kiều lắm. Giày Nike, quần Levis, áo pullover hiệu con cá sấu , vai lại đeo cái máy ảnh. Ai mà chả nhầm? Nhìn 2 con chó đang cưỡi nhau trước cửa hàng ăn uống dành cho du khách, lão Mong thắc mắc :
- Dắt mối hả? Đông thế này chỗ đéo nào mà chơi. Xin lỗi tôi không phải là chó mà quen chơi ngoài đường như các anh được.
Đồng chí Tony Đực xun xoe :
-Kính thưa anh việt kiều! Dạ phải em là chiến sĩ công an nhân dân vũ trang. Em chuyên dắt mối phục vụ nhân dân.
Vỗ vào cây súng lủng lẳng, Tony Đực tiếp :
- Anh đừng lo, đồng chí trụ trì lăng ông Bà Chiểu này cũng là đảng ta cả. Cứ việc vào trong chánh điện, có người dẫn vào tịnh thất. Trong đó đủ cả, đặc biệt có các em dưới 16 tuổi.
Cái Nhung dẫn thằng Nhớn từ chỗ gởi xe lững thững bước tới. Lão Mong vội cắt ngang :
- Xin lỗi tôi không phải việt kiều. Đi chỗ khác chơi.
Tony Đực tiu nghỉu lẩn vào đám đông, chắc tìm mối khác.
-Mình đi đâu bây giờ hả em ?
- Gởi xe đây thôi . Bây giờ đi chợ Tết . Mình vào chợ Maximax của bà trùm Vuông nhé!
Việt Nam ta có 1 cái nghề tìm khắp nơi trên thế giới không đâu có. Đó là nghề thợ lôi. Nghề này phát sinh từ bến xe Lam từ đời thủa nào chẳng ai biết nhưng nếu không có thợ lôi thì rắc rối lắm . Các bác tài xe Lam chẳng phải tranh giành khách của nhau vì lịch trình bến bãi đã được sắp xếp từ trước. Trước khi có lịch trình này, các bác tài gặp nhau trên đường lộ đua nhau về trước để tranh bến. Việc này gây tai nạn giao thông rất nhiều và lại vặc nhau bươu đầu sứt trán. Cho nên mới có 1 ông trưởng bến, sau này gọi là tổ trưởng, đứng ra lên danh sách cho mỗi xe theo thứ tự mà chạy chứ không bừa bãi như trước nữa. Nhưng 1 vấn đề do đó nảy sinh . Khách đi xe cứ thấy xe nào trống thì ngồi chẳng cần biết xe nào chạy trước, xe nào chạy sau, lại còn thấy xe chật quá dù chưa đủ khách để chạy, người ta tự ý xuống xe, ngồi xe khác cho rộng. Từ đó có nghề thợ lôi. Nhiệm vụ thợ lôi là chỉ cho khách xe nào sắp chạy, động viên khách đừng vì sốt ruột mà dời xe leo lên xe khác ... Mỗi chuyến đều có tiền công cho thợ lôi.
Bắt đầu từ xe lam, nghề thợ lôi phát triển sang mọi ngành nghề khác. Ta thấy thợ lôi ở bến xe đò, quán ăn, tiệm hớt tóc ... Tóm lại kinh doanh nào cũng có thợ lôi cả. Có khi các ông thợ lôi này lôi cả sư, đầu chả có tí tóc nào, vào tiệm hớt tóc. Có khi 1 cặp tình nhân vừa rời tiệm ăn mồm vẫn còn ngậm cái tăm, bị thợ lôi đưa tay nhúp cái tăm vứt đi, lôi vào 1 quán khác. Biết sao đây, thời buổi kinh tế thị trường định hướng theo …xã hội chủ nghĩa.
Chợ Maximax cũng mướn 2 thợ lôi là bố con thằng Vẹn. Còn trẻ tính hay xông xáo, có lần thằng Vẹn lôi được 1 bà lão, vượt qua 3 cái ngã tư, 7 lần quẹo vừa phải vừa trái, đẩy bà lão vào chợ mặc dầu bà lão khăng khăng :"Tôi đi chợ rồi", cho nên bà trùm Vuông thích lắm . "Nó mặt mũi vêu vao như Việt Cộng, nhưng được việc lắm !" Nhác thấy Nhung và 2 bố con thằng Nhớn từ xa, chẳng màng gói bánh rán lão Vẹn giai vừa mới mở ra dành cho 2 bố con ăn sáng, chạy te lại :
- Mời cụ và chị vào chợ chúng em. Hôm nay đặc biệt đại hạ giá.
Ba bố con ngó dáo dác :
- Cụ nào thế nhỉ?
Gã thợ lôi nhìn lão Mong, nhanh nhảu :
- Thì cụ chứ ai vào đây nữa. Để cháu dắt qua đường cho an toàn.
Nhung nói chữa :
- Đây là anh tôi . Mới ngoài 40 . Gọi bằng cụ phải tội chết .
Hậm hực, lão Mong nói kháy :
- Ấy, ăn mãi gạo mua ở chợ này mặt mũi tôi mới dúm dó như thế, chứ tôi còn trẻ chán.
Cả bọn 3 người theo chân thằng Vẹn bước vào.
Thời đổi mới có khác. Y như thời Pháp thuộc. Khắp nơi tinh những da trắng. Hàng quán, chợ búa đổi tên Mỹ ráo. Từ chai xì dầu, con gà, mớ rau người ta cũng cắm những tấm bảng nhỏ : Muống vegetable, water mắm, Ba Khía crab ... Thế mới gọi là đổi mới. Làm như dân Việt Nam không có những chữ ấy chẳng biết bó rau muống, con ba khía như thế nào.
Cửa hàng của bà trùm Vuông thì trái lại chẳng có mống da trắng nào. Toàn những Việt Nam không mà cũng chật ních những người, nhích đi một bước, không đụng bà này thì cũng va phải cô kia, tiếng excuse me không ngớt. Bây giờ họ xin lỗi nhau bằng tiếng Mỹ chứ không :"Ê ! Bộ giựt dọc sao mà lấn dữ dzậy cha ?" như hồi trước nữa . Bà trùm Vuông hôm nay phởn ra mặt, cái túi việt kiều lem luốc dầu mỡ căng phồng những tiền Mỹ, còn tiền Việt nam do nhà nước in thì vứt vào cái thùng sắt tây để dưới chân. Đằng xa, chỗ quầy thịt heo quay, lão Tống Văn Bình luôn tay chặt thịt, mồm vẫn nghêu ngao bài hát cố hữu :"Tiền thua cháy túi ... túi ... túi ... (chỗ này nhái tiếng echo) ... có ai hiểu ta ..." . Chợ sắp đóng cửa mà khách vào vẫn nhiều, khách ra thì chẳng có mấy.
Nhung nhanh nhẩu :
- Anh lại hàng thịt mua cho em ít thịt lợn quay. Bảo nó lọc xương ra rồi hẵng cân.
"Nó" đây là lão Tống. Lão này gian lắm, miếng thịt nửa ký đem về nhà cân lại chỉ còn 400 grams . "Giời nắng thế lày thịt ló ngót chứ chợ em có buôn bán điêu ngoa như thế bao giờ ".
Chẳng hổ danh gái 18 thôn vườn trầu, cái Nhung tả xung hữu đột, hẩy cái mông đít làm 1 ông lão đang chúi mũi ngửi chậu măng ngâm nước ngã dúi mặt vào chậu, đưa cùi chỏ huých vào mạng mỡ 1 bà việt kiều đứng lớ ngớ, giật 1 con cá từ tay của 1 bác nhà quê mới lên tỉnh, chỉ 1 ngoắng, 2 cái túi xách lớn căng đầy những bún khô, măng, miến, cá, thịt ... dủ quẻ lại có cả 2 chai rượu Lúa Mới của công ty rượu quốc doanh Bình Tây mà nhà nước tịch thu được của dân từ hồi mới giải phóng . Nhớn cũng được chia phần xách cái túi nhỏ . Chẳng hàng ngũ gì sất, Nhung lách vô đầu 1 hàng người dài ngoằng chờ tính tiền :
- Tính cho em trước, em có việc gấp .
Một anh thanh niên mặt tinh những mụn trứng cá, đứng đằng sau định mở mồm phản đối, Nhung ngoái lại, nghiến răng, trợn mắt :
- Muốn gì? Hử?
Anh chàng khiếp quá ngó đi chỗ khác. Ngoảnh đi ngoảnh lại, anh chàng lẩn mất từ lúc nào. Bà trùm Vuông cười toe toét :
- Năm mới năm me ... Ngoái vào trong nhà trong : " Tròn ơi lấy cái que đuổi ruồi ra cho mẹ . Gớm ruồi đâu lắm thế !" . Nhớn thầm nghĩ : "Vây mà cứ tưởng năm mới năm me, lấy que chọc đít ".
Bà trùm Vuông tiếp :
- Chúng em chúc hai anh chị và cháu 1 mùa xuân hạnh phúc, làm ăn phát tài nhé.
Một thằng bé ở trần, mặc độc mỗi cái quần sà lỏn trễ rốn, những đường gân xanh ngoằn ngoèo quanh cái bụng ỏng nhiều sán lãi hơn là cơm canh, lỗ mũi 2 dòng thò lò cái thụt ra cái thụt vào, linh động không ngừng, “hoành tráng” như 2 dòng thác cách mạng, thỉnh thoảng từ cái mồm toàn răng sún, cái lưỡi thè ra, liếm ngược lên trên. Thằng Tròn, vua trốn học, bạn đánh đáo với thằng Nhớn, mang cái que đuổi ruồi cho mẹ. Mặc cho đám người lớn đứng tính tiền, 2 thằng bé rủ nhau ra trước chợ, bàn tính mưu trốn học sau kỳ nghỉ Tết.
ooOoo
Cái Nhung luôn tay luôn miệng. Vừa rửa rau, vo gạo, thái thịt, bày biện bánh mứt ra bàn . Có cả lỗ tai heo ngâm dấm đặt 1 góc mà Nhung nói là nhậu rất bắt rượu. Nó còn nói là trong Ti Vi người ta nói cái nhà ông võ sĩ Mỹ đen tên là Mike Tyson rất thích món tai ngâm dấm này. Rượu có đấy, thịt cá ê hề đấy mà lão Mong cứ nghệt mặt ra như người táo bón . Cái Nhung so đũa :
- Anh xơi đi cho thằng Nhớn nó ăn.
Mẹ cha cái lão Khổng Mạnh ngày xưa, bày ra lắm trò . Ăn uống thì cứ mạnh ai, nấy gắp có tiện hơn không? Sao lại cứ cha mẹ nhúng đũa rồi con cái mới được phép chi cho rắc rối. Nhắp 1 ngụm rượu nuốt đánh ực khè 1 tiếng rõ to, lão lại trầm ngâm không đáp. Lão đang hồi tưởng.
Lão hồi tưởng chuyện xửa chuyện xưa ấy mà. Dạo ấy,năm 1975 Sài Gòn giải phóng kéo theo là đói cả nước. Giá mà chỉ dân đói thì nhà nước cũng chẳng lo, đằng này các bố cán bộ lãnh đạo cơm rượu thịt thà cũng kém đi chất lượng. Tình cảnh này nói theo văn chương cách mạng là thời kỳ quá độ cho 1 Xuân tóc đỏ ra đời. Nhà nước ta nửa đêm lôi 1 bác sĩ tốt nghiệp ở đâu bên Liên Xô đưa lên đài truyền hình Sài Gòn đọc 1 bài phát minh coi như trí tuệ nhất nhân loại : 3 bó rau muống bổ bằng 1 kí thịt bò. Dĩ nhiên cũng trình làng những công thức toán, những phản ứng hoá học, những phương trình gì đó để chứng minh cho mấy chục triệu cái bao tử lép kẹp cả nước lé con mắt. Thế là trừ các ông trung ương, cả nước thi nhau ăn rau muống. Bà Ru từ khi đọc được tin ấy chỉ cho chồng ăn rau muống, có bữa chỉ rau muống thay cơm. May phước lúc đó thằng Nhớn chưa ra đời để ăn rau muống với bố. Riêng bà Ru thỉnh thoảng vẫn lén chồng, từ bún riêu cho đến bánh đúc thôi thì chẳng thiếu.
Chẳng hiểu cái bao tử phản động của lão Mong không chịu hưởng ứng chính sách của đảng, biến rau muống thành thịt bò hay tại nốc nhiều rượu quá mà một hôm lăn quay ra phải gió. Trận ốm kinh hồn ấy bây giờ lão Mong còn nhớ. Chân thì dãy đành đạch, mồm thì sùi bọt mép, lại còn ra cái điều giối giăng:
- Mình à! Chắc tôi không sống nổi cho đến ngày tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa. Tôi chết đi đừng chôn cất làm gì cho tốn kém. Cứ quẳng mẹ xác tôi vào sau vườn thằng chủ tịch phường cho tiện.
Bà Ru cõng chồng đi đến nhà ông lang Láng, vừa bạn nhậu, vừa là dược sĩ phường, có bằng khen của tỉnh đàng hoàng. Công việc của dược sĩ phường là mỗi ngày bốc rỡ từ xe bò những lá lảu, cây cối vặt đâu trên rừng, băm nhỏ, hất ra sân, phơi phóng làm thuốc. Bốc 1 nắm Xuyên Tâm Liên, phát minh khoa học mới sáng chế, đựng lưng 1 thúng dưới gậm giường, chẳng gói ghém gì cả, tuồn đại vào túi bà Ru, vẫn cong lưng cõng lão Mong :
- Về cho uống mỗi ngày 3 viên, uống với rượu cho mau dẫn.
Có rượu thì lão Mong tỉnh ngay. Chỉ vài hôm lại thấy vợ chồng lão rượt đuổi nhau cùng xóm vì ghen bóng gió bà Ru với lão phó húi. Cái hồi tưởng 1 thiếu phụ cõng chồng trên lưng đi chữa bịnh bước xiêu vẹo, thấp cao trên con đường đến nhà lão lang Láng, hôm nay đây, giữa bàn tiệc xuân rượu thịt ê hề, có con bé em vợ vừa ngoan vừa đảm đang quán xuyến, có thằng con giai nhấp nhổm chờ bố gắp mà giá như còn bé, thằng Nhớn bắt cô Nhung, nhai cơm mớm vào mồm nó , giờ đây hiện ra mồn một trong trí nhớ . Dẫu sao cơm nhá lại của cô cũng không hôi mùi giầu cau như mồm bà Ru. Cái Nhung gắp miếng thịt quay bỏ vào bát của lão anh vợ:
- Ăn đi cho cháu nó ăn với . Năm mới chúc anh chị sớm thuận hoà , làm ăn phát tài cho em mừng.
Anh thì đây mà chị ở đâu? Ngước nhìn tấm hình chụp ngày cưới ẩn hiện lung linh dưới ánh đèn dầu, dưới có hàng chữ: Ru Mong trăm năm hạnh phúc treo hững hờ trên vách. Lão Mong ứa nước mắt. Bóng 2 cha con thằng Nhớn ngả vào vách hao hao giống hòn vọng phu ở Nha Trang. Chắc thuộc loại hòn vọng phu đực.
Xa lắm mãi xóm dưới, xa hơn cả cái cây bàng cuối thửa ruộng nhà lão phó húi, nơi thỉnh thoảng vọng về tiếng pháo đì đẹt, dưới 1 ngôi nhà tranh, bà Ru đang rửa bát, bỗng nghĩ gì, ngừng tay, đần mặt lại. Hẳn bà cũng chạnh nhớ đến bố con chúng nó.


Hết.

 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 756

Return to top