Mất ngủ
Nam Ninh
Tôi khẽ rút tay ra khỏi chăn để nhìn đồng hồ. Chiếc kìm dạ quang đang nhích sang con số mười hai. Để chữa cái chứng khó ngủ tôi thường đếm từ một đến một trăm rồi lại lùi từ một trăm về một. Cứ như vậy vài lần, ngủ lúc nào không biết. Nhưng lần này thì chịu. Nguyên do cũng tại nó. Tại cái thằng Tuấn bạn tôi đang nằm thẳng cẳng ở bên cạnh. Mười lăm năm rồi giờ lại đắp chung một mảnh chăn, trong hơi ấm nồng nàn của bạn. Kỷ niệm thì cứ dội về, tâm tư thì chưa trút hết, tấm tức không chịu được. Tội này cũng tại vợ tôi. Cái sự chu đáo đến không cần như thế này thì quả là tai hại thật. Tôi còn đang sôi nổi hỏi về cái đất nước Ca - na - đa xa xôi kia đã biến bạn tôi trở thành "Việt kiều yêu nước" là cớ ra làm sao? Vợ tôi đã xăm xắn trải ga, mắc màn "Mình ơi, bác ấy đi hàng trăm hàng ngàn cây số, để bác ấy nghỉ đã, mai anh em tha hồ mà nói chuyện".
Tuấn bảo, nó từ sân bay Nội Bài về khách sạn ở Hà Nội làm thủ tục xong là tìm cách về Quảng Ninh ngay. Hay nó ý tứ vì sợ các cháu thức khuya? Thấy vậy vợ tôi lại nói: "Mình ơi, bác ấy đi hàng ngàn cây số...". Hàng trăm hàng ngàn thì nước mẹ gì - Tôi nghĩ - Hồi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" còn cuốc bộ hàng ngàn cây số nữa là. Lại nhớ cái hồi mới vào bộ đội, tập đeo đá ở Yên Tử trẹo cả vai, trầy cả chân, tối về rủ nhau đắp lá,sáng hôm sau hai bàn chân vẫn sưng vù. Đến lúc xin nghỉ tập đại trưởng bảo: "Các cậu là lính công tử, không chịu tập đeo đá, vào Trường Sơn có mà khóc"
Thế rồi 30 tháng 4, rồi phục viên, rồi thất nghiệp. Tuấn vào làm tại hợp tác xã Ánh Hồng để theo đuổi con đường đại học. Ai ngờ cả ban chủ nhiệm đi tù. Tuấn bị công an gọi lên gọi xuống, lý lịch lại được moi từ đời ông nội, đến khi xác minh được Tuấn không dính líu gì đến cái vụ tham ô của ban chủ nhiệm thì lại vướng vào cái lý lịch mới được thẩm tra, hình như ông nội nó đã mất từ thời tiền khởi nghĩa có dính dáng gì đến Quốc dân đảng, nên lúc thi được đại học thì bị ách lại. Thành ra lang hang. Giá nó cứ an bài như tôi vào làm công nhân ở nhà máy điện... Bây giờ nằm cạnh nó, mọi việc cứ hiện ra như một cuốn phim chiếu chậm. Không gian tĩnh mịch lạ thường. Cái xóm Dốc Học nhà tôi nằm giữa Hạ Long mà cứ như một vùng quê yên tĩnh. Năm 1982, năm cao trào trốn đi Hồng Công. Cái xóm Dốc Học nhà tôi cũng trở nên ồn ã vì kẻ đi, người ở. Một hôm tôi gặp nó, vẻ mặt lấm lét như thằng ăn vụng, nó nói: "Có lẽ tao phải đi thôi" Tôi chưa tin nó nói thật. Một thằng có chí hướng như vậy đâu dễ thoái lui. Tôi nói: "Mày nghĩ kỹ chưa?". Nó không nói gì. Một tháng sau tôi được biết nó đi. Tôi khóc. Không ngờ hôm ấy nó đến là để chào từ biệt. Thế rồi biền biệt. Bây giờ được như thế này cũng là mừng cho nó. Nó đã có vợ, hai con, con lớn mới học xong trung học, vợ chồng thu nhập đủ ăn. Nhưng trong tâm trạng nó thấy toát lên một nỗi nhớ, nó nhớ quê hương. Nhớ bè bạn. Tôi bảo, thôi được, cứ nhớ nhau là quí rồi mày ạ. Tôi yên tâm vì thấy nó khoẻ mạnh, trông to ra, trắng, nhưng có phần già dặn. Chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi, luýnh quýnh hỏi thăm nhau chẳng ra đầu ra đuôi. Chuyện cũ, chuyện mới lẫn lộn. Tôi thú vị làm động tác so chiều cao theo kiểu hai thằng cùng nằm, bằng cách chạm bàn chân tôi vào bàn chân nó. Hoá ra nó cao hơn tôi. Thằng này ăn cơm Tây có khác. Ban nãy tôi chưa nhìn kỹ, không hiểu tóc nó đã có sợi bạc chưa, còn cái đầu muối tiêu của tôi thì xuất hiện từ năm ngoái. Nhưng không có lẽ nó lại cao hơn tôi. Này, đừng coi thường thằng cơm rau muống nhé. Tao sẽ xác minh lại. Lần này so từ trên xuống. Tôi nằm thẳng cẳng sao cho hai cái đầu bằng nhau. Đúng rồi, bàn chân tôi không chạm vào bàn chân nó mà là mắt cá chân. Có thế chứ. Ngày xưa nó còn thấp hơn tôi, bỗng nó thì thầm:
- Vinh ơi.
Tôi như bị bắt quả tang, giả vờ giọng ngái ngủ:
- Gì ... vậy .... cậu
Nó nhỏm đầu dậy:
- Này - Nó tỏ ra lo - Cậu đã đi "đăng ký tạm trú" chưa đấy.
- Vẽ chuyện - Tôi suýt bật cười - đăng ký cái con khỉ. Ngủ đi mày.
Có lẽ nó cũng như tôi, đều khó ngủ. Tôi không thấy nó cựa quậy gì cả, tự dưng lại gọi một câu tỉnh như sáo. Nó lại rì rầm:
- Không được đâu mày ạ. Tao là Việt kiều kia mà.
Tôi bật cười:
- Kiều cái gì, mày là thằng Tuấn vổ.
Nó lại chui vào trong chăn. Tôi giả vờ nằm im như đang ngủ để nó yên tâm. Nhưng thực ra lúc ấy tôi tỉnh hẳn. Cái xóm Dốc Học của tôi sao yên tĩnh thế. Đêm thì đặc quánh lại. Giá ở ngoài phố kia thỉnh thoảng còn được nghe tiếng ô tô chạy trong đêm đỡ buồn. Đằng này giun dế cũng không, ếch nhái cũng không, đến là tĩnh lặng. Đã thế nó lại xới lên cái việc "Đăng ký tạm trú" làm tôi càng mất ngủ. Thằng này bị ám ảnh nhiều đâm lẩn thẩn. Nó sợ hồi trước cái vụ sổ sách hợp tác xã, nó bị nhốt một đêm, sau đó cứ đụng vào cái gì cũng bị tuýt còi. Buôn gạo bị tịch thu, làm mì sợi bị đình chỉ vì chưa có giấy phép, lại mắc cái lý lịch như thế thì có hiếu học như nó cũng không vào nổi cái trường đại học nào. Hồi xưa tôi ngủ tại nhà nó, cũng hai thằng nằm như thế này, đang đêm bị kiểm tra hộ khẩu, vì nó là thằng có vấn đề, lại rơi vào thời kỳ người ta đang ùn ùn trốn sang Hồng Công.
Tự nhiên tôi lại nghĩ đến chuyện kiểm tra hộ khẩu? Thì sao nào? Chẳng cao cả. Quá lắm tôi sẽ gọi điện cho thằng Hội, bạn tôi làm việc trên Công An tỉnh. Cái thằng tóc quăn ấy thế nào cũng giễu tôi, có thế mà cũng nhờ đến nó. Nhưng Hội ơi, nó là Việt kiều, Việt kiều nghĩa là người ngoại quốc? Ngoại quốc thì đã sao nào? Có khối thằng Tây ba lô đang lang thang ngoài phố kia kìa. Nó đăng ký ở đâu? Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, ấy cũng là tại cái chứng mất ngủ. Tôi đặt giả thiết, nếu cơ quan pháp luật hỏi, tôi sẽ nói rành rẽ đầu đuôi. Chỉ nghĩ thương cho nó. Đến ngủ nhà bạn một đêm cứ phải vấn vương một cái gì đó làm chủ nhà thấy không yên lòng. Mai tôi sẽ kể với thằng Hội, tôi sẽ giễu nó: cả đêm tớ nghĩ về cái ngạch của cậu mà lo đấy Hội ạ, ví như thằng Tuấn đang nằm cạnh tớ đây, nó nằm im, thở nhè nhẹ, đều đều nhưng tớ cam đoan thằng này không ngủ. Ước gì đèn bật sáng. Một ấm chè đặc quánh để hai thằng nhâm nhi. Lại thèm thuốc, thèm thuốc đến nôn nao. Mẹ kiếp, cũng chỉ tại mày Tuấn ạ. Tự dưng lại nghĩ ra chuyện kiểm tra hộ khẩu. Thôi đúng rồi, có thể lúc vào đến đầu xóm Dốc Học nhà tôi nó đã để ý đến cái biển đề "Nơi đăng ký tạm trú, tạm vắng". Nghĩa là, nếu có người đến hỏi hai thằng cũng phải dậy, có thể phải ra đồn công an, nghĩ mà lạnh xương sống. Một tiếng chó sủa vu vơ đâu đó. Tôi lắng tai nghe, đêm như ngừng lại, khỉ thế, cái xóm này ban ngày thì ồn ào là vậy mà đêm thì yên lặng như tờ. Lại một tiếng chó sủa nữa, giờ thì gần hơn. Tôi rùng mình, cạnh tôi, nó cũng rùng mình. Bây giờ thì cả hai con chó đều sủa. Tôi nhớ ra rồi, con Béc nhà Hường với con Mích nhà cô Tươi. Nghĩa là có người đến đầu xóm. Lại thêm con Lai Ca, chó Nhật nhà Độ. Tôi nghe rõ tiếng ông ổng của con Béc, tiếng đanh đá của con Mích, tiếng lách ách của con Lai Ca. Có lẽ sắp có tiếng gõ cửa, một, hai.. ba này. Bỗng tiếng chó sủa thưa dần. Tôi thở phào một hơi, thằng Tuấn cũng thở phào một hơi, nhưng nó nén hơi lại rồi thở ra từ từ. Tôi biết chứ, vì chiếc chăn mỏng trên ngực tôi đang từ từ xẹp xuống, bây giờ tiếng chó sủa đã im bặt. Tôi nhớ ra rồi, vợ tôi nói cuối xóm có một ổ nghiện hút, cứ tầm hai ba giờ sáng là nó hoạt động. Được rồi, mai tôi sẽ phôn cho thằng Hội... Đáng tiếc cho cái đầu đãng trí, cái đầu u mê tì quốc của tôi, chỉ một tiếng chó sủa đã hoảng, lại hoảng chỉ vì bọn nghiện hút. Giá tôi nhớ ra ngay cái ổ nghiện hút chết tiệt ấy thì đã không phải hồi hộp từ nãy tới giờ. Mai tôi sẽ điện cho thằng Hội để dẹp hẳn nó đi. Mẹ khỉ, thế mà đã thần hồi nát thần tính. Không bù cho cái hồi ở Xuân Lộc, hai thằng đi trinh sát bị chó Béc nó liếm vào chân, cứ giả vờ chết, may mà có tầng thep gai không nó liếm vào mặt. Tôi khẽ quay đầu lại nhìn Tuấn trong bóng tối lờ mờ. Mày cũng là thằng hèn nhát Tuấn ạ. Đừng có giả vờ. Tớ biết tỏng rồi đấy. Cậu không ngủ. Cậu đã ngủ là ngáy. Đằng này lại thở đều đều, nhè nhẹ. Hay ở Ca - na - đa có thuốc chống ngáy? Tuấn ơi, suốt cuộc đời lận đận, vậy mà chúng ta đã từng được sống cuộc đời học sinh vô tư, đời lính vô tư. Yêu đời, yên nước nhiệt thành. Ngày xưa chúng mình thường đọc những câu thơ cho nhau, đứa đọc câu trước, đứa nối câu sau, cứ thế hết bài. Không hiểu bây giờ cậu còn nhớ hay đã quên. Giá mà được đọc lại cho nhau, được sống bên nhau từ những ký ức ấy. Lại nhớ hồi ở Plâyku, trong cánh rừng già, bỗng ào một trận bom. Bom rải thảm, cây cỏ xơ xác, khói lửa còn âm ỉ cả một khu rừng trụi lá. Tỉnh dậy tôi thấy quần áo mình xơ xác, lại đang nằm giữa một hố bom. Một bàn tay rờ vào mặt: "Còn sống đấy em - Tiếng đại trưởng thì thào - tốt rồi, còn sống" - Tôi chợt tỉnh, giật mình: "Anh có thấy thằng Tuấn đâu không?". Tôi run run hỏi. Nó còn sống, đang bò miệng hố bom, rồi tiếng nó khàn khàn gọi tên tôi. Tôi gào lên vì xúc động. Giờ lại nằm cạnh nó đấy. Ngủ đi mày. Tôi thầm mong ở đất khách quê người kia nó được hạnh phúc. Mày đi, đất nào chẳng nhấp nhô, biển nào chẳng có sóng, ngủ đi, từ giờ đến sáng tao cam đoan với mày là bình yên, vô sự. Một tiếng cho sủa vu vơ ở đâu đó. Đêm mà. À này, thằng Tư Mập chết rồi, bốn viên đạn găm vào người mà sống được đến bây giờ là dai. Nó hỏi thăm cậu đấy Tuấn ạ. À không, nó chỉ còn đủ hơi thở để gọi tên cậu thôi - Tôi định huých khuỷu tay vào sườn Tuấn nhưng vội rút lại - Nó chết thật rồi cậu ạ. Lúc hấp hối nó gọi tên cậu. Tội nó, cái thằng khỉ ấy, nó lại lên cơn thèm thuốc là giữa lúc ba đứa chúng mình phục ở chỗ giáp ranh. Lẽ ra bọn mình thịt được địch, vì chúng còn chủ quan hơn mình, chúng lại phì phèo thuốc lá. Thằng Tư Mập ngửi thấy hơi thuốc rướn người lên, tưởng đồng đội mình cả: "Ê, cho bộ đội điếu thuốc". Bỗng rẹt một băng. Nó gục xuống. Hai thằng mình thay nhau vác nó chạy. Thằng chạy, thằng bắn chặn địch. Trông nó rũ xuống như cái bao tải lép trên vai cậu. Gọi là Tư Mập cho vui, vì nó gầy quá, trông như mớ giẻ. Chúng mình vừa chạy vừa thi nhau rủa:"Đồ ngu, chết cũng đáng đời Tư Mập". Lúc quăng xuống trạm quân y , nó đã xỉu. Tưởng chết, hai thằng khóc ti tỉ, thế mà nó sống lại. Nó thành thương binh. Nó được ra Bắc rồi được về quê, được phân đất làm nhà, lấy vợ, có con. Đến lúc chết cũng không ai biết được vì sao, những viên đạn kia đã găm vào ngực nó như thế mà còn sống được đến bây giờ... Đời là thế, thế cũng đã hết một cuộc đời. Lại có tiếng chó sủa, tiếng ông ổng của con Béc. Có hề gì. Tiếng đanh đá của con Mích nhà cô Tươi. Chẳng sao cả. Lại cả tiếng lách ách của con Lai Ca. Chúng đua nhau sủa. Sủa dữ lắm. Có hề gì nào. Làm sao mà mi hèn nhát vậy? Tôi tự hỏi rồi lại tự biện hộ. Tôi cò hèn nhát đâu,nhưng tôi ngại, thương bạn quá. Nó không ngủ. Tôi dán mình xuống chiếu. Lại có cả tiếng bước chân rậm rịch, hối hả như nện vào ngực tôi. Tiếng gót giày nện trên đất sỏi, lại có tiếng rì rầm ngoài ngõ. Một tiếng đàn ông:"Tàu về lúc ba giờ kia mà". Một tiếng đàn ông nữa: "Nó kiểm hoá tám giờ sáng đấy". Thôi chết. Bọn đánh hàng tàu, cái bọn ăn đêm chết tiệt này làm tôi thót tim. Tàu Sông Chanh đã về. Thảo nào chiều hôm qua thấy nhiều người lao xao về giá đô quy đổi. Tôi thở phào, thằng Tuấn cũng thở phào làm chiếc chăn mỏng trên ngực tôi xẹp xuống. Mai tôi sẽ gọi điện cho thằng Hội về cái bọn đánh hàng tàu này.
Thế là trắng một đêm, giờ htì còn ngủ nghê gì nữa. Cũng tại vợ tôi. Đôi khi sự chu đáo cảuu bà ấy trở nên tội lỗi. Cũng tại tôi, tại cả nó nữa. Lại cứ ngáp dài. Tôi cứ tưởng nó buồn ngủ thật. Hoá ra nó ngại các cháu phải thức khuya. Thằng này cũng hay ý nhị lắm. Thế mới khổ. Giờ lại ở đất khách quê người, lại làm Việt kiều việt kiếc. Giờ mắt cứ căng ra. Lại buồn đái nữa. Vậy mà không dám dậy. Sợ nó cả đêm mất ngủ bây giờ có khi đã thiu thiu. Còn bốn mươi phút nữa mới đến năm giờ. Bốn mươi phút là hai ngàn bốn trăm giây. Hai ngàn bốn trăm giây là hai ngàn bốn trăm cái tích tắc. Thời gian ơi sao lâu vậy, mày gặm nhắm chúng tao ư? Tức buốt đến tận sống lưng. Hết cả thèm thuốc lá, thèm chè đặc. Ước gì được đứng giữa trời đất bao la mà tè!
Lại cái gì thế này? Lục cục, lục cục rồi đánh "choang" một cái. Tôi giật thót. Thằng Tuấn cũng giật thót. Tôi biết tỏng. Nó giả vờ chữa ngượng bằng cách cựa mình. Nhà bà Tư béo bán canh bánh đa ở trước cửa nhà tôi đã dậy chọc lò. Thế là sắp sáng. "Sắp tới nơi rồi trận địa của chúng ta". Sáng mau lên, mau lên, úi giời, không chịu được nữa, tôi lồm cồm bò dậy. Tôi làm oà một cái như cái vòi hoa sen mở hết tốc lực. Lúc quay ra khỏi toa lét đã thấy thằng Tuấn đứng đợi. Tôi mỉm cười hỏi Tuấn:
- Ngon giấc chứ cậu?
- Ngon lành.
- Em để cà fê cho các anh ở dưới nhà ấy.
Lại vợ tôi. Hoá ra nàng cũng dậy sớm. Dậy từ lúc nào mà đã có cafê? Tôi bật đèn. Nhìn đôi mắt quầng thâm của bạn, tôi thoáng chút băn khoăn, rồi để phá đi cái mặc cảm nặng nề, tôi nói:
- Xa nhà nhớ vợ hả?
- Đâu có - Tuấn ngượng cười
Chúng tôi ra ngoài ban công ngắm bầu trời thành phố. Những ngôi nhà lô xô đang cày xới một mảng không gian. Xa kia là biển cả, là Hạ Long xinh đẹp của tôi. Cái thiên tại đã có, cái nhân tạo thì còn phải một khoảng thời gian nghiệt ngã nữa con người mới vượt qua để cho nó hài hoà. Một quầng trời ửng đỏ. Điệp khúc của bình minh vĩnh hằng. Tôi ngẫu hứng đọc câu thơ:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt. *
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng.
Thằng bạn tôi gật gù đọc tiếp:
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết....
Ngày xưa, cái tuổi cắp sách tới trường chúng tôi vẫn thường đọc câu thơ đó. Tôi tưởng nó đã quên. Nhưng nó vẫn là thằng Tuấn ngày xưa, vẫn nhớ.
* Thơ Chế Lan Viên