Nắng bên kia dốc
Nam Ninh
Sau lần ngã do trượt chân từ bậc tam cấp xuống, ông tôi bị gãy tay, vỡ xương đầu gối... từ đó nằm liệt giường. Bệnh tật kéo dài, người chỉ còn da bọc xương, nhưng cái đầu ông vẫn tỉnh táo nếu không nói là minh mẫn so với lớp người cao tuổi như ông tôi. Vấn đề phục dịch cho ông tôi đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt trong nhà. Vốn không thích gây phiền phức cho người khác nên ông tôi khổ sở lắm.
Gia đình tôi ngoài ông tôi, còn bốn người, bố mẹ tôi và hai em tôi. Bố tôi là tổng giám đốc của một công ty lớn. Từ hồi ông tôi còn khoẻ, hai người đã mâu thuẫn, càng về sau mâu thuẫn bố con càng tăng. Ông tôi bỏ thành phố về sống ở ngoại thành, một mình ở ngôi nhà cấp bốn, nơi gia đình tôi đã sống trước đây. Ông tôi vốn hay cả nghĩ, có lần ông bảo: Ông nói với bố cháu là nói về cái đạo lý làm người, cho dù có làm đến bộ trưởng thì cái đó vẫn là hàng đầu đấy cháu ạ. Nhưng với bố tôi thì ông tôi lại nói:"Tao sợ mày lại như cái thằng Thống, thẳng Chiểu ngày trước". Ông Thống và ông Chiểu là hai đời giám đốc ở cơ quan bố tôi. Nghe ông tôi bảo họ xấu lắm. Mẹ tôi kín đáo hơn, khéo léo hơn trong cách cư xử, những muốn lấp đi cái hố ngăn cách giữ ông tôi và bố tôi. Cho dù chưa hẳn là thực tâm thì chí ít cũng để cho thiên hạ, nhất là cấp trên và cấp dưới của bố tôi không nhận ra điều đó. Vì cùng làm việc ở cơ quan bố tôi đang là Tổng giám đốc nên mẹ tôi có điều kiện chăm sóc ông, lại còn được tiếng khen:"Làm dâu như chị Thảo cũng hiếm". Sau đó theo ý kiến của đa số, tức là tôi, và em gái tôi, gia đình tôi đã rời thành phố về ngoại ô sống với ông tôi. Ngôi nhà cấp bốn đã phá bỏ để xây thành biệt thự. Tôi làm công tác nghiên cứu khoa học. Em gái tôi là sinh viên năm cuối khoa quản trị kinh doanh, chưa ra trường nhưng đã được dành một chỗ khá thơm ở Tổng Công ty nhờ bố tôi quan hệ trước. Nó thương ông tôi lắm. Từ khi bà tôi mất, chúng tôi lớn lên trong vòng tay của ông tôi. Ông tôi đã bỏ hết tâm lực chăm sớc chúng tôi để bố mẹ tôi rảnh tay hoạt động xã hội. Lúc nào ông tôi cũng tận tâm với con cháu. Giờ đây ngồi cạnh ông mới thấy ông thèm được nói chuyện, được than phiền, được kể về cái ông Thống, ông Chiểu ngày xưa, cái ngày ông tôi còn công tác ở cơ quan bố tôi bây giờ và điều quan trọng là ông tôi thích được... chết! Ông tôi mong mỏi từng ngày được ra đi trong sự Thanh thản, sớm bớt đi những ngày phiền tới con cháu. Đã có lần ông tôi bỏ cơm. Mọi người nói thế nào ông cũng không ăn, không uống, cả nhà xáo động. Người nọ trách người kia. Hồng Hạnh nói:"Tại bố đấy". Vì có lần bố tôi bảo:"Cả nhà cứ ăn cơm trước đi, rồi hãy bón cho ông cũng được". Thật ra người nào cho ông ăn trước cũng thấy chờn chợn, đến bữa ăn không sao nuốt được. Nhìn ông tôi nhai trệu trạo, cơm trong miệng thì ít, nhè ra thì nhiều, lại còn cái mùi nồng nặc của căn phòng nữa chứ. Hồng Hạnh nói:"Bố mẹ thương ông nhưng không thấy nỗi khổ của ông. Bố đi làm, mẹ đi làm, em đi học, hàng ngày ai gần ông nào? Về nhà thì mỗi người một việc. Ông nằm trơ trơ ở đó, đến bữa mới có người vào. Thử hỏi ông nằm đấy khác nào nằm chờ chết”. Nó bị bố tôi tát veo một cái. Ông tôi bảo:"Ông trời không cho ông chết được đâu" Tôi bảo:"Ông nằm hay nghĩ quẩn, trời nào hành ông, đất nào hành ông". Ông bảo ông Thống, ông Chiểu có tội mà lại được chết dễ thế à? Ông tôi lắc đầu, đăm chiêu nhưng vẫn không chịu ăn uống. Bố tôi quyết: “Ông không chịu ăn thì cho truyền đạm. Trời không chịu đất, thì chả lẽ đất lại chịu trời". Bố tôi lầm lì nói: "Ông không chịu ăn thì buộc tôi phải làm như thế".Và thế là ông tôi bị trói chặt vào thành giường để truyền đạm. Nhìn trước mắt ông tôi rỉ ra như sữa tôi rên lên:"Bố mẹ xem có hướng nào khác đi chứ, để thế này trông tội lắm". Thế là bố tôi quyết định dứt khoát: thuê người.
Lão Tự, người giúp việc phục dịch ông tôi đã ngoài sáu mươi tuổi. Người loắt choắt nhưng da thịt còn săn, tính tình lại cởi mở, chịu khó. Mặc dù trước đây ông tôi không tán thành việc thuê người, giờ lại thấy phấn khởi. Bởi lão Tự hay nói, thích nói, suốt ngày lão ngồi tâm sự với ông tôi. Hết chuyện làng, chuyện nước lại đến cả chuyện Trung ương, Chính phủ. Mặc dù lão chẳng hiểu được bao nhiêu, ấy vậy mà cũng nhận định ông này lên, ông kia xuống. Lão ao ước nuôi được một thằng cháu ăn học để nối nghiệp tổ tiên, bởi vì đời ông của lão Tự ngày xưa (như lão nói) đã từng làm tri huyện."Cậu Phúc ạ - ông nói với tôi - phúc đức thế nào lại được phục dịch cụ đây. Có cơm ăn, có việc làm. Mong cụ thọ lâu để thằng cháu tôi có được nên người".
Thỉnh thoảng tôi lại mua cho lão một món quà nhỏ, gọi là thưởng vì lão đã làm cho ông tôi vui, nhưng lần nào lão cũng lắc đầu: "Vui gì? Cụ nói chưa đi được là do có tội, trời hành". Tôi cáu "Ông tôi có tội gì, trời cho ông tôi thọ là nhờ phúc đức, tại sạo lại bảo có tội hả? . Lão Tự run bắn người: "Cậu....cậu.....ấy là..... cụ nó".
Bố tôi nói, nếu năm nay trời còn để ông tôi sống dứt khoát sẽ làm lễ thượng thượng tám mươi cho ông. Tôi cũng cho đây là một ý định đúng. Phần giúp cho ông tôi phấn khởi, phần nữa cả nhà tôi cũng lấy đó là niềm vui, hạnh phúc. Ngày sinh nhật ông tôi không nhớ chính xác vì thế bố tôi định ra một ngày, đó là vào ngày chủ nhất- chủ nhật đầu tiên của mùa thu, mùa thu Hà Nội. Thiếp được in và được gửi đi từ bộ phận hành chính của cơ quan tổng công ty. Thiếp in đẹp và rất sang trọng.
Con đường vào khu biệt thự cũng được sửa sang lại. Bố tôi đã làmviệc với chính quyền xã và tự bỏ tiền ra sửa con đường gồ ghề, sống trâu trở thành con đường bằng phẳng cho xe vào tận ngõ. Bãi tập kết xe là hai thửa ruộng đang trồng lúa phải cắt đi, được bố tôi bồi thường rất hậu. Vì thế có người còn cảm thấy tiếc vì không có đất cho mượn để có tiền bồi thường. Mà tiền bồi thường tính ra còn gấp đôi ba lần thu được từ mùa vụ. Nhà tôi cũng được sửa sang được trang trí lộng lẫy đèn hoa. Thấy mấy hôm có người ra, người vào lục tục, ông tôi gạn hỏi, tôi nói:"Chuẩn bị mừng thượng thọ tám mươi cho ông đấy". Mắt ông tôi rướn lên: "Sao không hỏi ý kién ông?" Tôi hóm hỉnh bảo ông đấy là do bố tôi muốn để ông bất ngờ. Ông tôi nằm ngây người ra một lúc, người như dán xuống tấm đệm. Tôi nghĩ bụng, có thể ông tôi bị bất ngờ thật. Sau đó ông cho gọi lão Tự. Lão Tự được sai đi quan sát tình hình rồi về báo cáo với ông. Vì thế lão tích cực, xăng xái, lúc lúc lại chạy ra hiên ngó, rồi lại chạy tọt vào phòng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng ông tôi quát tướng:"Cái gì". Tôi hỏi lão Tự, lão nói:"Tôi kể cho cụ con đường vào làng bây giờ đẹp lắm, hết ổ gà, ổ chó rồi, người đi làm vui như đi dân công, lại được ông nhà trả công hậu". Buổi chiều lại thấy ông tôi quát. Lão Tự nói:"Tôi kể với cụ về cái bãi tập kết xe ô tô....".
Tôi bảo: "Tóm lại, từ giờ cấm lão nói với ông tôi bất cứ điều gì về công việc chuẩn bị. Người già dễ xúc động. Ảnh hưởng tới sức khoẻ của ông tôi là tại ông đấy".
Lão Tự sợ hãi im lặng. Từ đấy không thấy ông tôi quát tháo nữa. Nhưng sớm hôm sau đã thấy lão Tự so ro đứng ở cửa phòng tôi, bảo ông cho gọi tôi tới. Lão Tự thì thầm kể cho tôi hôm qua lúc nửa đêm, ông tôi bắt lão Tự vần vào xe đẩy đưa cụ vào chỗ bàn thờ. Ông tôi bảo lão Tự thắp cho một nén nhang rồi rì rầm khấn: "Khấn gì?". Lão Tự lắc đầu bảo nghe không rõ:"Cậu ạ, trông cụ nghiêm trọng lắm, hệ trọng lắm, tâu với thánh hiền, với tổ tiên kia mà. (Nhưng mà cụ nói gì?- Tôi căn vặn) Cuối cùng hình như cụ xin được chết thay... ông nhà". Lẩn thẩn. Tôi khoát tay bảo lão cùng đi về phòng ông tôi.Từ hồi nằm liệt giường, tính tình ông tôi hơi lạ, lúc thì tỉnh táo, minh mẫn lạ thường, lúc thì cứ như người lẩn thẩn, lại ngang ngạnh nữa chứ, hay ông tôi có tình làm ra như vậy? Thấy tôi vào, ông nhìn tôi trân trân, trông dễ sợ. Rồi bất ngờ bảo tôi dựng ông dậy. Tôi lựa lời giải thích: ông ơi, lúc này cả nhà đang rất cần tới sức khoẻ của ông. "Gọi thằng bố mày vào đây!" - Ông tôi quát to. Tôi ra nói với bố tôi. Bố tôi cười:" Biết rồi, cụ lại trách bố bày vẽ". Thấy bố tôi đến, ông lấy hết sức bình sinh quăng ngay cái gối vào mặt bố tôi. Bố tôi nhẹ nhàng ngồi cạnh giường ông nói:"Bố ơi con chỉ làm việc tốt, việc thiện. Gọi là nhân ngày bố thượng thọ con mừng cho bố, nhưng cái chính là để đền đáp công ơn làng xóm, nơi bố sinh ra, nơi bố lớn lên và nơi bố thượng thọ". Bố tôi nói giọng nhẹ, ngọt ngào. Ông tôi lặng lẽ nghe, không nói gì. Nhưng lúc bố tôi đứng dạy định đi thì ông tôi gọi lại:"Này, bố hỏi thật- ông tôi nói- Có thật anh nghĩ như thế không hả Tòng? Bố tôi cười phá lên mãn nguyện: "Bố yên tâm đi". Bố tôi dặn lão Tư, phải cho ông uống thuốc điều độ, không để ông tôi phải nghĩ ngợi lung tung. Lão Tự cúi rạp người tiễn bố tôi ra khỏi cửa. Tôi thấy người nhẹ lâng lâng, một cảm giác dễ chịu.
Ngày làm lễ thượng thọ cho ông tôi đến gần, mọi việc được ông chánh văn phòng cơ quan bố tôi xếp đặt chu tất. Cả nhà tôi sống trong nền nhạc nhẹ phát ra từ đàn âm ly để ở trong nhà kho. Đèn lồng treo cao ở trước cửa. Một máy phát điện nhỏ để dự phòng khi mất điện. Ngôi nhà như mới ra. Ngoài hàng rào bọn trẻ con hàng xóm lố nhố nghiêng ngó. Buổi sáng chủ nhật hôm nay những chiếc xe con đời mới màu đen, bóng nhoáng nối nhau quặt vào con đường làng, từng chiếc, từng chiếc một. Từ sân thượng nhà tôi nhìn ra, chúng như những con bọ hung lò dò trên con đường mới sửa. Trên bãi xe, người hướng dẫn chỉ cho từng chiếc một đỗ thành hàng. Lão Tử rỉ tai tôi:"Cậu không cho người canh gác, nhỡ nó cho một mồi lửa thì sao?". Tôi phì cười. Lão Tự hôm nay cũng được vận bộ quần áo mới, trông cứng đơ đơ. Ông tôi được dựng dậy, ngồi trên chiếc xe đẩy mới toanh. Với bộ phận áo mới, lại được mẹ tôi sửa sang tóc tai tỉ mỉ. Trông ông tôi có chút sang trọng. Quả đúng là bố của vị tổng giám đốc công ty.
Tại phòng khách lớn, bố mẹ tôi trang trọng com lê, áo dài đứng tại cửa đón khách. Lão Tự đứng sau xe ông tôi, mắt không rời ông tôi một giây. Lão so ro, khoắn khoả. Chỉ cần bàn tay ông tôi khẽ động đậy là lão đã đứng trước mặt xem ông cần gì. Cạnh ông tôi còn có tôi và cô em gái. Tất cả sự sắp đặt này đều phải tuân thủ theo sự sắp đặt của ông chánh văn phòng. Thợ ảnh chạy lăng xăng tìm chỗ thích hợp. Hồng Hạnh bảo:"Em ứ chịu thế này đâu, tí nữa em biến". Ông Chánh văn phòng yêu cầu đẩy ông tôi lên một chút để như ngồi hoàn toàn độc lập, như ông tôi đang khoẻ mạnh bình thường. Và nếu nhìn hoàn toàn về mặt hình thức, trông ông tôi như đang mạnh khoẻ, lại có chút phớt hồng mẹ tôi khéo léo thoa phấn trên mặt ông tôi, vì thế trông ông như mới ra, có chút viên mãn. Đoàn khách đầu tiên là các vị giám đốc xí nghiệp nằm trong tổng công ty. Bố mẹ tôi dẫn từng người, từng người một đến trước mặt ông. Họ kính cẩn cúi chào. Sau khi bố tôi làm xong công việc giới thiệu, khách chúc mừng ông tôi. Ông tôi nhận những bó hoa và tặng phẩm từ tay khách. Lão Tự đón lấy những món quà đó đặt lên bàn. Khi đã chất đầy bàn, Hồng Hạnh lại chuyển nó vào trong buồng của mẹ. Cứ thế, như một quy trình khép kín. Tuy nhiên, ban đầu động tác của lão Tự có vẻ lúng túng, vụng về nhưng càng về sau càng trở nên thần thục. Mỗi vị khách ông tôi đều cất lời cảm ơn và hình như bất cứ một ai ông tôi đều muốn tâm sự một đôi câu gì đó. Nhưng vì khách đông, bố tôi lại khéo léo mời khách vào ngay bàn tiệc. Ban đầu thấy ông phấn khởi, nhận bó hoa từ tay khách kèm theo chiếc phong bì rất vô tư, cởi mở. Mẹ tôi bảo:"Cứ bảo thế chứ cụ tiếp khách giỏi ra trò". Bố tôi gật đầu tán thưởng. Lão Tự mỗi khi đón tặng phẩm từ tay ông tôi lại như một cái máy:"Hoa một bên này, phong bì một bên này, hiện vật một bên này...". Tôi bảo lão đừng có lầm rầm như vậy, lão nói: "Ấy là để cho nó đỡ quên cậu ạ". Nhưng sự thể bắt đầu từ lúc vắng khách. Ông tôi vẫy anh em chúng tôi lại hỏi xem phong bì gì mà nhiều thế, có phải thiếp chúc mừng ông hay không?
- Ô hay- Hồng Hạnh nhanh nhảu nói- Tiền đấy, đô đấy.
Ông "à" một tiếng.
- Bây giờ là như thế đấy ông ạ.
- Bảo họ ông không nhận tiền- ông tôi nói.
Nó la toáng lên:
- Ông mà làm như thế họ tự ái chết. Mà này ông ơi, cũng là dịp để họ tỏ lòng nghĩa vu nữa kia đấy!
Ông tôi ật cổ ra ghế, mặt lờ đờ. Lúc đó lại xuất hiện một vị khách.
- Xin chúc cụ thượng thọ
Vị khách nọ tưởng ông tôi không nghê thấy lại nói to hơn:
- Con xin chức cụ đại thượng thọ
- Cái gì?- Ông tôi quát
Bố tôi vội chạy tới đỡ lời:
- Cám ơn... Xin được cám ơn.
Từ đấy ông tôi trở nên ương ngạnh, hỏi không nói, gọi không thưa, đưa tặng hoa không thèm nhận, Bố tôi đâm lúng túng, Phần vì ngượng với khách, phần giận ông. Bỗn ông bắt lão Tự đưa ngay về phòng. Lão Tự do dự hết nhìn ông lại nhìn bố tôi thăm dò.Thấy bố tôi không nói gì, lão khẩn khoản nói điều gì đó làm ông tôi quát tướng "Cái gì?". Bố tôi đành bảo lão Tự đưa ông đi. Thay mặt ông, bố tôi nhận tặng phẩm từ tay khách và hứa sẽ chuyển tận tay cụ. Khách đến mỗi lúc một đông. Phòng khách lớn bỗng trở nên chật cứng đàn ông, đàn bà toàn những vị có chức sắc. Tầm trưa, thấy lão Tự rón rén ra ôm những bó hoa vào phòng ông tôi. Trông lão như con chuột nhắt, nghiêng ngó trước sau, chộp lấy một bó hoa rồi biến mất. Bố tôi mỉm cười bảo:
- Mẹ nó thấy chưa, cụ khoái lắm đấy chứ, chơi hoa nữa kia đấy nhé.
Bố tôi bật sâm banh, bữa tiệc bắt đầu. Tiếng chúc tụng râm ran, tiếng leng keng chạm cốc, không khí thật vui, ồn ào. Ai cũng chúc ông tôi sống lâu trăm tuổi. Cũng may, giờ này nếu ông tôi còn ngồi đây, thế nào ông cũng quát tướng. Tôi vào phòng ông, xem ông tôi làm gì với những bó hoa kia, nhưng vừa đẩy cửa đã giật thót, khi thấy xung quanh người ông tôi chất đầy hoa. Ông tôi nằm dưới hoa. Tôi run lên, cuống quýt gạt nhanh những bó hoa xuống đất. Lão Tự co rúm, lại phân trần:
- Cụ bảo cụ thích hoa, mang vào cho cụ càng nhiều càng tốt.
Tôi gầm lên:
- Ông định giết ông tôi đấy à?
Tôi bảo cho lão biết, ông tôi định tự tử bằng hoa đấy. Lão gương mắt ngơ ngơ một lúc rồi thụp xuống. Lão bảo ông tôi còn dặn lão không được nói với ai. Tôi yêu cầu lão phải im ngay không ở kia người ta tưởng có chuyện, rồi lão thu hoa vào góc nhà tìm cách tuồn ra cửa sau. Quay lại với ông, tôi nói:
- Ông không thương con, thương cháu hả ông? Tại sao ông phải làm như thế.
Như bị bắt quả tang, ông tôi không nói gì, nước mắt rỉ ra. Tôi giận tím người hầm hầm mắng lão Tự. Lúc ấy ông tôi mới vẫy tay bảo tôi lại gần.
- Đừng mắng oan ông Tự.
Tôi lầm lì đi đi, lại lại. Không hiểu có phải ông tôi đã quá lẩn thẩn không, sao người già khó chiều đến như vậy. Ông tôi lại lầm rầm:
- Cái thằng ... Thống
- Biết rồi - Tôi dằn giọng - ông Thống là giám đốc độc ác đẩy người ta đến bước đường cùng. Khổ quá, lúc nào ông cũng thằng Thống, thuộc rồi ông ơi! Nó bức bách bác Tư hiền lành tới mức ho lao mà chết... đúng không nào.
Tôi chì chiết vậy vì quá bực mình, lúc nào ông tôi cũng như bị ám ảnh bởi hai ông giám đốc ở Tổng Công ty từ cái đời nảo đời nào. Ông tôi đã về hưu trên hai mươi năm nay, không hiểu sao ông tôi lại nhớ tới từng chi tiết. Đấy ông đang giơ một ngón tay. ý bảo tôi còn ông giám đốc thứ hai nữa.
- Nhớ rồi - Tôi nói - Còn ông Chiểu thì ngủ cả với con gái bạn phải không nào? Đẩy người không hợp với mình ra trận, biến kẻ xu nịnh thành vây cánh, biến người có công thành có tội.
Ông nằm in, mắt lim dim mãn nguyện khi tôi tóm tắt xong bản cáo trạng hai vị giám đốc ở Tổng Công ty thời trước. Hồi đó ông tôi là người trung thực có tiếng ở Tổng Công ty. Đời ông Thống cũng đã không thích ông tôi. Đến đời ông Chiểu cũng vậy, lên chức được vài bữa ông ta đã cho mời ông tôi đến: "Tính ra bố già còn hai năm chín tháng nữa mới đến tuỏi, nhưng mà bố già ạ, trong lúc đang giảm biên chế, bố lại mới xin cho thằng con trai vào đây, thì về sớm một chút cũng là hợp đạo lý bố già nhỉ".
Tôi bảo lão Tự: "Để bên ngoài người ta không nhìn thấy, lão lấy một cái bao tải, cho hoa vào rồi hãy xách đi". Nhưng lão cứ ngồi ti tỉ khóc.
- Cụ ơi là cụ, sao cụ lại bảo con làm như thế? Suýt nữa cụ giết cụ, tức là cụ giết cả con nữa đấy. Cả đời con giờ mới kiếm được chỗ làm, lại gặp người có phước như ông bà nhà đây, như cậu Phúc đây. Lại trả công hậu nữa chứ, lại ăn ngon mặc đẹp nữa chứ. Vậy mà cụ định đi thì con thất nghiệp à, thà cụ cho con cùng đi...
Tôi cáu tiết:
- Thô ... ô... ôi!
Ở phòng khách lớn, tiếng ồn ào vẫn không ngớt. Bố tôi cầm chai Macten rót vào li, bắt mọi người uống theo kiểu vòng tròn. Tiếng chúc tụng ông tôi không ngớt. Họ chúc ông sống lâu trăm tuổi, thượng thọ, đại thượng thượng thọ. Tôi thấy xót xa...
Thấy Hồng Hạnh ló ra ngoài cửa buồng mẹ vẫy tôi lại. Tôi vào, Nó xỉa năm đồng loại một trăm đô la xoè ra như quân bài: "Chiến lợi phẩm đấy! Anh vào mà lĩnh!". Mẹ tôi nguýt:
- Tôi cho chị để lo sắm sửa học hành. Con gái mà tiêu pha lăng nhăng thì đừng có trách tôi đấy.
Mẹ tôi vo từng chiếc phong bì, vứt vào góc phòng thành một đống. Trên bàn một chồng đôla, một chồng tiền Việt. Mẹ tôi bảo Hồng Hạnh phải ghi tên từng người để sau này bố tôi biết đường mà đối xử với người ta. Hồng Hạnh cười hi hí.
- Người nào nhiều thì một chuyến đi Tây, người nào nhiều nữa thì đề bạt ... phải không mẹ?
- Con ranh! - Mẹ tôi quát
- Em là thế hệ thực dụng kia mà - Nó nói - Ban nãy có mấy chú giám đốc bàn nhau phen này phải moi của lão Tòng ba công trình có tài trợ. Không để thằng ngoài Tổng nó nhảy vào.Vì thế mẹ phải ghi để bố còn cân nhắc xem tài trợ cho ai?
- Tao sợ mày - Tôi nói
- Cứ như anh, không có bố thì lấy tiền đâu mà nghiên cứu mấy con ký sinh trùng? À này - Nó nói - cả sếp của anh cũng đến đấy nhé.
- Sếp tao thì liên quan gì đến doanh nghiệp?
- Quên đi, ai tài trợ cho viện anh, sao mà anh hấp thế không biết.
Đúng vậy, tôi làm công tác nghiên cứu khoa học, suốt ngày cặm cụi trong phòng thí nghiệm, có bao giờ nghĩ đến tiền của do đâu mà có? CHo đến bây giờ mới chợt hiểu, để có tiền cho chúng tôi cứ đổ từ ống nghiệm này sang ống nghiệm kia rồi lại đổ vào hố toa lét, người ta đã phải xoay xở như thế nào. Có biết bao ký sinh trùng ở ngoài xã hội, nhà khoa học biết hay không?
Bỗng bố tôi đẩy cửa vào, vội vã lắm:
- Mình ơi, anh Thưởng, anh Thưởng đến!
Mẹ tôi cũng quýnh lên:
- Ơ kìa, các con, thu gọn vào!
Bố tôi nói phải đưa ông tôi ra ngay. Tôi muốn ngăn lại, tôi nói:
- Ông mệt lắm rồi bố ạ!
- Sâm, sâm đâu? Bảo lão Tự đổ sâm vào cho cụ -bố tôi nói - Mình giúp tôi khẩn trương, tôi vừa nhận được phôn, chỉ mười phút nữa xe anh Thưởng rẽ vào làng.
Tôi tím tái người, chạy vội sang phòng ông nhưng đã thấy người ta dựng ông tôi dậy. Chánh văn phòng, trưởng phòng tổ chức mỗi người một tay bế thốc cụ đặt vào xe đẩy. Mẹ tôi chỉ còn biết đứng ngây ra nhìn và nói.
- Xin các anh nhẹ tay. Ông ơi, thầy ơi, anh Thưởng đến mừng thầy thượng thọ đấy!
Chiếc xe đã được vội vã đẩy ra ngoài. Ở phòng khách lớn, thấy ông tôi ngơ ngác, tôi lại gần hỏi xem ông cần gì. Ông nhích một ngón tay chỉ vào buồng: “Tự … Tự !”. Tôi nhìn trước nhìn sau không thấy lão Tự. Chạy vào phòng ông tôi, lão Tự vẫn ru rú ở một góc. Tôi quát tại sao lão không ra với ông tôi. Lão Tự buồn rầu nói:
- Ông nhà cấm tôi. Ông bảo phải ở trong này, không được lăng xăng trước mặt cụ. Ông bảo chính tôi đã làm cụ hư ra!
Tôi tiu nghỉu đành phải ra ngoài, đành phải nói dối lão Tự đang có việc bận. Ông tôi lắp bắt, vẻ sợ hãi.
- Đưa ... đưa ông về
Tôi khuyên ông cố chịu đựng một chút. Tôi hứa chốc nữa ông muốn đi đâu rôi sẽ chiều theo ý ông.
Ông Thưởng người to và mập, ômmột bó hoa rất đẹp bước vào phòng khách lớn. Khách đứng giãn ra hai bên. Tới trước mặt ông tôi, ông nghiêm mình:
- Chào cụ Tam, kính chúc cụ thượng thọ.
Ông tôi gật đầu, nhích môi ý cảm ơn
- Cụ nhận ra cháu chưa ạ?
Ông tôi giương cặp mắt đục như khói lờ đờ nhìn ông Thưởng. Ông nhìn lâu quá, khiến tôi hơi chột dạ, sợ ông tôi lại quát một câu gì đó, nhưng bỗng mắt ông tôi linh hoạt hẳn lên.
- Ngày xưa chính cụ đã phát biểu với đồng chí Bộ trưởng rằng người trung thực ở cơ quan đây thì chỉ có thằng Mạnh Thưởng.
- Nhớ - Ông tôi nói - Anh làm gì nhỉ?
- Sau đó cháu được điều về bộ - Ông ghé vào tai ông tôi nói - thằng cha Thóng nó còn lằng nhằng mãi rồi mới cho đi.
- Giờ ... làm gì? - Ông tôi lại hỏi.
- Anh Thưởng là người đỡ đầu con - Bố tôi đỡ lời - Là cấp trên của con. Thưa anh, bố em bây giờ cũng hay lẫn.
- Không sao, không sao, tám mươi tuổi như cụ là khoẻ. Còn minh mẫn lắm. Tôi chúc cụ một, chúc vợ chồng cô Thảo, cậu Tòng hai. Công sức của cô cậu đây lớn lắm đấy. Phúc dức của cụ đang dồn cho cô cậu (Ông tôi lại ật ra ghế lờ đờ như ngủ). Ông Thưởng quay ra nói với các giám đốc xí nghiệp - Đời không có gì mất đi đâu các đồng chí ạ, có phúc, có phần. Các đồng hãy noi gương cụ đây đấy nhá.
Tất cả đều yên lặng, như để một phút suy ngẫm về mình, về đời, về cái còn, cái mất. Tôi thì thấy đời thật trớ trêu thay. Tôi lay ông và nói nhỏ: "cảm ơn đi ông, rồi về"... Ông tôi khẽ mấp máy môi, một giọt nước rỉ ra ở khoé mắt ông, từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo đến khắc nghiệt. Ông Thưởng nắm lấy cánh tay đã liệt của ông tôi, nắn nắn. Một phúc tần ngần, căn phòng lặng đi vì xúc động. Bỗng bố tôi bật một chai sâmbanh, bọt trắng xoá. Tiếng ồn ào lại rộ lên. Tôi quay xe đẩy ông tôi đi như trốn chạy. Đến trước cửa phòng, ông tôi bảo quay lại, bảo vào buồng trong nữa. ở đây là nơi đặt ban thờ tổ tiên. Ngày xưa, khi còn khoẻ, tuần rằm nào cũng tôi đã thắp hương. Bây giờ bàn tay đã biệt rồi, muốn thắp lại phải nhờ người khác.
Ông tôi ngồi rất lâu trước bàn thờ tổ tiên. Chiếc bát hương từ thuở xưa đã cũ lắm lại xỉn màu. Bố tôi nhiều lần định thay nhưng ông tôi không nghe. Ông tôi bảo chỉ khi nào ông chết, bố tôi mới được quyền.
Cái ban thờ này so với biệt thự nhà tôi thì khập khiễng nhưng nó là kỷ vật còn sót lại của ông tôi, của cả nhà tôi từ khi bố tôi còn là cậu học sinh nghèo, rồi sinh viên nghèo, cả nhà chia sẻ đồng lương ít ỏi của ông tôi. Ông thường kể bố tôi đã từng phải đi bơm xe đạp để lấy tiền mua sách vở. Ngày nay, mỗi lần nhìn lên bàn thờ lại nhắc nhở chúng tôi một thời đã qua, một quá khứ đã qua. Thanh bạch và nghèo đã đi suốt chặng đường công tác của ông tôi để nuôi dưỡng bố tôi trưởng thành. Ông tôi đã ở tuổi 80, đã nhìn thấy sự trưởng thành của con mình. Người ra đã mừng lễ thượng thọ ông tôi bằng cả một núi vật chất mà cả một đời người lao động bình thường mơ cũng không dám với tới. Nhưng có thể nổi đau của ông cũng từ đấy mà ra... Nhìn ông vẫn trầm tư, câm lặng trước bàn thờ tổ tiên lạnh lẽo, tôi cảm giác như có một sợi dây vô hình thiêng liêng đang gắn bó tâm linh con nười hiện hữu này với cõi hư vô. Ngoài kia là chốn trần tục, ồn ã. Thỉnh thoảng lại bùng lên một trận cười thoả thích. Có lẽ lâu lắm cái đầu bạc trắng của ông tôi mới từ từ quay lại. Ông hỏi công việc ngoài kia đã xong chưa?
- Còn lâu, còn ca ngợi ông chán- Tôi nói.
- Không... họ tâng bốc bố anh đấy...
- Thế cũng là ca ngợi ông- Tôi định nói bố tôi là do ông nuôi dưỡng, dạy dỗ nhưng sợ lại xiá vào nỗi đau của ông, tôi hỏi- Ông thấy thế nào?
- Buồn lắm- im lặng một lúc lâu ông nói- Trời đang bắt tội ông.
- Trời nào?
- Nam- mô- a- di- đà- Phật, không biết kiếp trước...
Trên đất nước này có bao nhiêu người già ở tuổi ông tôi, hơn tuổi ông tôi, con cháu họ lấy đó làm vinh hạnh. Vào những lúc như thế này khoé mắt nhăn nheo của các cụ thấy ánh lên hạnh phúc. Vậy mà ông tôi....
- Ông hay mặc cảm- Tôi nói- người già ốm đau là chuyện bình thường, tại sao ông cứ hay nghĩ lung tung.
Ông lắc đầu. Tôi muốn nhìn xoáy vào cái hố sâu thẳm trong ông để tìm ra những điều uẩn khúc.
- Này ông ơi,- Tôi cố gợi chuyện- Họ mừng ông nhiều tiền thì có gì phải nghĩ ngợi. Bổng lộc của ông đấy. Đời cháu chỉ thấy ký sinh trùng thì làm gì có được, con Hồng Hạnh nó bảo đây là nhờ ông thượng thọ.
Ông tôi cười chua chát:
- Suy cho cùng, bao giờ ông trời cũng công bằng cháu ạ.
Ông khóc rưng rức như một đứa trẻ rồi lại cười, lại rầm rầm nói chuyện gì đó về ngày xưa. Tôi bảo ngày xưa là thời bao cấp. Ông gật đầu. Tôi bảo thế thì ông đừng dằn vặt nữa có được không?
- Nhưng mà... ngày xưa....- Ông tôi lại nói.
Tôi bảo:"Biết rồi, khổ lắm.....".Nhưng miệng ông cứ lụng bụng cái gì đó về ông Thống, ông Chiểu. Làm cho mối ngờ vực của tôi cứ dâng lên, dồn nén.
- Ông ơi- Tôi mạnh dạn nói- Được nghe ông hay nói trước đây ông có tội nên trời đất tội ông, có đúng không?
- Có đấy
Tôi sững người
- Tội gì hả ông?
- Cái bàn thờ....- Ông run run cố nâng bàn tay chỉ lên cái bát nhang. Tôi giật thót tim - Ông đứng ở đây… chỗ này này, thắp một nén nhang, miệng nam mô khấn. Ông cầu cho thằng Thống... chết. Vậy mà nó chết thật, chỉ sau mấy hôm thôi, chết lúc say rượu.... cháu ạ.
Tôi nín lặng, cố chấp nối lại từng ý ông tôi nói.
- Sau khi ông Thống chết, tưởng rằng từ nay công ty trong sạch, mọi người yên ổn làm ăn. Ai ngờ lại mọc lên một thằng giám đốc … mới.
- Có phải nó ngủ cả với con gái bạn nó không?
- Nó... đấy, thẳng Chiểu
Tôi "à" lên một tiếng và nhớ lại, ông tôi thường kể về con người này, nó tạo ra một ê-kíp tàn bạo, làm cơ quan tiêu điều. Bọn chúng thì phè phỡn. Bác Tư, bạn ông tôi bị oan khuất đến phải ho lao.
- Thế rồi ông lại thắp... một nén, lại cầu... Nó lại chết ngay ngày hôm sau, ở trong... nhà tắm.
Có báo ứng thật sao? Tôi thấy ớn lạnh. Nhìn lên bàn thờ, những chân hương đỏ tím cái thấp cái cao, tàn nhang quăn queo, lạnh lẽo. Tại sao người ta lại đi nhuộm cho chân hường màu đỏ. Ở trong chốn sâu thẳm kia, con người có mối liên quan gì với chón hư vô?
- Thế thì ông có tội gì nào- Tôi nói- Giả sử việc làm của ông có linh thiêng thật, thì ông chỉ có công thôi chứ, có công dẹp bớt kẻ xấu.
- Bây giờ là bố anh...- ông tôi dằn giọng nói- Hư hỏng lắm!
- Ông ơi, về phòng đi, cháu thấy lạnh- Tôi vội gạt đi.
- Trời không cho ông được chết, thượng thọ gì đâu... Trời bắt ta sống khổ sống sở thế này để nhìn thấy thằng con trai ta... nó....
Vậy là tôi đã hiểu. Hôm nọ lão Tự đã đưa ông tôi vào đây để thắp nén nhang … thứ ba. Nén thứ nhất là của ông Thống, nén thứ hai là của ông Chiểu, còn nén thứ ba này sẽ là của bố tôi. Nhưng ông tôi không đủ can đảm cầu cho thằng con trai mình phải chết. Ông cầu cho chính mình. Nhưng trời không cho ông được chết thay con. Bắt ông phải sống. Sống mà nhìn thấy... mà đau.
Tôi nhìn lên bát nhang lạnh lẽo kia thấy rùng mình. Ông vẫn ngồi tĩnh lặng, tính lặng vô hồn. Tôi khẽ khàng đẩy chiếc xe quay ra. Bên ngoài vẫn ồn ào chúc tụng. Bố tôi tổ chức tiệc đứng, thành ra người đi, kẻ lại lao xao. Ngoài hiên, trước cửa phòng ông tôi có hai người một trai, một gái đang nói với nhau: "Sếp đồng ý cho nhập rồi, đời cũ mới hay chứ! Em tiến hành phần thủ tục, thực thi anh lo".
Lúc vần từ trên xe đẩy xuống, đũng quần ông ta đã ướt nhoe nhoét. Lão Tự luýnh quýnh chạy ra chạy vào, xách nước, đổ bô. Tôi phải thay cả đệm để trải chiếu. Mẹ tôi và Hồng Hạnh cũng phải vào để hỗ trợ. Ông tôi nằm tô hô, không quần, không áo, mặt nghệt ra. Bố tôi vào phòng nói:
- Khổ chưa kia chứ, nhanh tay một tí xem nào, tôi đang cần cụ một phút để tiếp khác- Trước khi đi bố tôi dặn- Đóng chặt vào, đừng để mùi xú uế nó xộc ra.
Ông tôi bật cười khềnh khệch. Hồng hạnh nói:
- Đã thế mà ông lại còn cười
Ông tôi lại khóc rưng rức!
Cả bốn người xúm lại vần ông hết nằm sập lại nằm ngửa để lau rửa. Trông như trước khi khâm liệm. Nhưng ông tôi chưa được chết, vẫn nằm đó, trơ trơ, vẫn sống.
Ngoài kia vẫn ồn ào, thỉnh thoảng lại rộ lên:
- Xin chúc cụ sống lâu trăm tuổi
- Xin chúc cụ thượng thọ, đạt kỷ lục ghi- nét.
- Nào, dô dô!