Y đã hiểu được thế nào là “công việc làm ăn” ở cái xứ sở có lắm điều huyền bí này, hiểu được “cách sống” ở chỗ rừng thiêng nước độc và chốn thị thành sầm uất.
Việc khai thác lâm sản cũng phải có những mánh lới của nó, ví như hợp đồng chủ yếu trên giấy tờ là “khai thác gỗ cao su”, tức những cây cao su lâu năm không còn ra mủ được nữa sẽ phải đốn bỏ để trồng cây khác, đây là một loại gỗ rẻ tiền vì chất lượng thấp, để lâu ngày sẽ tự mủn ra như cám nên được khuyến khích khai thác, thuế rất rẻ… Bọn Hồ Vũ chủ yếu là đốn các loại gỗ quý như Giáng hương, Gáo Vàng, Dầu Gió… chất đầy phía dưới, còn phía trên mới để vài lớp gỗ cao su cho có, tất nhiên kiểm lâm dư biết việc này nên khoản “chung chi” bao giờ cũng phải “đều đều, đầy đủ”. Lần nào hạ được những cây thuộc nhóm 1 như cẩm lai, căm xe, mun, gõ, trắc… thì trúng mánh lớn vì loại gỗ này mang về tới thành phố cân ký bán cứ như là vàng. Khai thác rừng kiểu đó thảo nào Lưu Đại Nhân không giàu có vô thiên như vậy, “tiền rừng bạc biển” mà, dân gian từ xưa đã nói.
Tưởng ngon ăn, dân mới tập tành nhảy vô cái nghề này chưa quen đường quen lối, quen người quen dạng là bị dính nhiều chuyện có khi sạt nghiệp luôn.
Vì thế dân lâm tặc thời đó có bài thơ :
“Công an, phòng thuế, kiểm lâm
Trong ba thằng đó thì đâm thằng nào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Trong ba thằng đó thằng nào cũng đâm…”Trên đường đi có vô số trạm kiểm soát của CA, ngoài những trạm cố định đã chung “tiền tháng” thì với những trạm lưu động luôn cần có tiền mặt để “làm độ” liền, nếu không sẽ bị giam xe vì những sai phạm mà xe nào cũng có như chở quá tải, chở sai loại gỗ trong hợp đồng… Có lần trên đường về khi đi qua trạm ở ngã ba VT, Hồ Vũ không thấy bóng một tay CA nào mà sừng sững ở đó là mấy tay thương phế binh ở bên Miên mới về, một tay nói “tụi tui đóng doanh trại ngay gần đây, lúc này đời sống khó khăn quá nên ra ngoài này mượn đỡ trạm vài tiếng đồng hồ thu chút đỉnh tiền về cải thiện đời sống cho anh em. Mấy ông có nhiều cứ đưa nhiều, có ít thì đưa ít, xong rồi đi, tụi tui không kiểm tra cái gì hết…” - những lần như vậy là “đại hên” cho cánh buôn lậu, bọn Hồ Vũ ngoài đưa tiền, nhiều khi y còn chạy tuốt ra mấy chỗ bán vịt quay bên lề đường mua cả chục con mang về cho “các chú thương binh tối nay liên hoan tổng kết” – có lần y tò mò hỏi sao lại chiếm được trạm dễ dàng thế thì một tay thương binh cười khì khì, nói “thấy bóng tụi tui từ xa là các bố biến rồi, còn tay nào ngồi lỳ lại thì tui đến lấy trong túi ra trái lựu đòi cưa đôi thì cũng biến ngay – ông thấy đấy, tụi tui thằng thì cụt chân, cụt tay, mù mắt… trong người đủ thứ mảnh đạn, còn làm ăn cái gì được nữa, tiêu chuẩn thì đâu có đủ, lâu lâu phải ra kiếm thêm chút thịt nên các bố CA cũng thông cảm, nhưng chỉ được chiếm vài tiếng thôi, sau đó trả lại ngay.”.
Kiểm lâm thì có vô số chiêu để “hành” dân mới vào nghề, như khâu giấy tờ cho chạy tới chạy lui đóng ba cái dấu tròn đỏ không cũng đủ hết ngày, hoặc họ chờ cho thợ rừng chất đầy gỗ lên xe rồi thì mới xuất hiện yêu cầu “xạc xuống” để kiểm tra, tịch thu hết mấy súc gỗ quý, chỉ vài lần như vậy là lỗ to.
Nhưng lâm tặc cũng đâu có vừa gì, đều thuộc loại “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” cả, nên xảy ra chuyện đánh nhau giữa kiểm lâm và lâm tặc là như cơm bữa.
Một buổi sáng, trước khi chuẩn bị đi Hồ Vũ bỗng thấy một đôi mắt đen láy nhìn mình đăm đăm, y cảm thấy lòng xao động trước cái nhìn ấy, một cảm giác lạ lùng như chưa bao giờ có…
Đó là đôi mắt của một cô gái – Hồ Vũ đã nghe kể về cô gái này, cô ta là con của Lưu Đại Nhân tên Lưu Hoàng Yến…
Tối hôm trước quả là một đêm kỳ lạ, trời se se lạnh và mưa rơi lất phất, hôm đó không biết tại sao những đóa hoa quỳnh bồng nhiên nở rộ. Sân nhà Lưu Đại Nhân trồng rất nhiều cây quỳnh, trong cái đêm mưa lất phất này, trong cơn gió thổi se se này tràn ngập một màu trắng.
Những bông quỳnh trắng muốt, nuột nà như làn da của người con gái bừng tỉnh thức trong đêm, những cánh hoa xòe nở như chìm đắm vào thờigian, thật chậm chạp và lặng lẽ, hương hoa thơm ngát , thoang thoảng như mùi hương của người trinh nữ, chỉ một lần rực rỡ trong đêm rồi vụt tắt…
Chỉ một lần rực rỡ trong đêm rồi vụt tắt…
Hồ Vũ đứng đó, y lặng yên chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong trắng, dịu dàng của đóa quỳnh… nghe nói người xưa khi ngắm hoa quỳnh trong đêm họ không uống rượu bằng ly mà lấy từng viên sỏi nhỏ chấm vào ly rượu rồi đưa lên môi nhấm nháp… đó là cách để thời gian chậm lại… bởi vì ai cũng biết đoá quỳnh chỉ nở trong một đêm duy nhất, sáng hôm sau là đã bắt đầu tàn lụi… những khoảnh khắc thời gian thật quý biết bao.
Lúc đó cũng có một đôi mắt nhìn y đăm đăm, một đôi mắt thăm thẳm và dịu dàng.
Lưu Phi Phượng Vũ đứng nhìn y, bà ta nói “hoa quỳnh hay nở vào những đêm mưa phùn như thế này, trong làn gió mát và đẫm ướt…Đừng bao giờ vội ngủ trong những đêm như thế, bởi vì cuộc đời của chúng ta không đủ dài để có được nhiều hơn hai đên như vậy…”
Hồ Vũ cảm thấy bà ta thật là kỳ lạ nhưng y chưa bao giờ hỏi bà nhìn y để làm gì? Trong đời có những việc không nên hỏi… cũng như có những việc không cần phải biết.
Lưu Phi Phượng Vũ đẹp như một nữ hoàng, Giả sử có một chiếc gương thần, thì khi bà ta hỏi :
“Gương kia ngự ở trên tường
Thế gian ai đẹp được dường như ta”
Thì gương thần chắc chắn sẽ đáp
Người đó phải là Lưu Hoàng Yến…Nhưng Lưu Hoàng Yến không phải là một công chúa, nàng là con của Lưu Đại Nhân, và nàng thật giống cha, cũng cao như vậy…
Nhưng nàng lại thanh mảnh, gương mặt thật sắc sảo với đôi mắt đen tuyền.
Nàng nói “sáng nay tôi sẽ phải đi với anh, có một số giấy tờ cần phải quyết toán xong trong quý này.”
Đừng tưởng cái nghề “phá sơn lâm” này là đặc quyền của đàn ông, có khá nhiều người đàn bà theo cái nghề này. Nhưng vì nó là cái nghề có phần phiêu lưu và nguy hiểm nên những người phụ nữ này dần dần trở nên nam hóa, họ ăn nói sỗ sàng cứ y như là đàn ông vậy, không còn cái vẻ nữ tính gì nữa.
Nổi nhất là là một cô tên Liên, thuộc hàng băm rồi, cô ta to cao dễ sợ, lại mập mạp phốp pháp nên có cái biệt danh là “Liên voi”. Liên voi có gương mặt “nặng như chì”, hễ mở miệng ra là chửi thề, hôm nào mấy tay thợ rừng xếp gỗ không đúng theo ý, làm việc vận chuyển bị chậm chạp là Liên voi chửi vung vít :
- đm… mấy thằng mặt l…, có bấy nhiêu đó mà cũng làm không xong… chúng mày chỉ giỏi cái việc ấy thôi, bà mà tức lên để bà làm cho mà coi…
Liên voi nhiều khi làm thiệt, cô ta cầm cái cưa máy to đùng bằng một tay nom nhẹ hều, cưa gỗ cứ là xoen xoét, thợ rừng mà lơ mơ là bị bỏ xa.
Tuy to lớn như vậy nhưng thằng bồ của Liên voi lại nhỏ con ốm nhách, đúng cái câu “tốt mái thì hại trống”. Thằng này sống bám vào cô ta, chuyên dùng chiếc Honda 67 chở Liên voi vòng vèo trong rừng, vừa là chồng hờ vừa kiêm chân chạy long tong. Tuy địa vị thấp kém như vậy nhưng thỉnh thoảng y cũng lên mặt, lúc nào không có Liên voi y nói “tại nó mê tao chứ cái thứ đàn bà mất zin rồi tao đâu có thèm…” – những lúc trời mưa tầm tã, cánh thợ rừng không làm gì được thì chỉ có nước rủ nhau vào chòi để nhậu, về khoản uống rượu thì Liên voi thuộc hàng vô địch thủ, cô ta uống tì tì không thèm bỏ qua tua nào, đến khi nhiều thằng nằm lật chỏng gọng mà Liên voi vẫn tỉnh bơ. Có lần đang ngồi nhậu chung bên cạnh, Hồ Vũ bỗng thấy có cái nặng nặng đè lên… té ra Liên voi hứng quá gác cả một chân lên đùi Hồ Vũ…
Còn một cô nữa là “San sò”, sở dĩ có cái biệt danh này vì tánh cô ta trùm sò vô cùng, tính toán chi li từng đồng cắc, tìm đủ mọi cách để xù tiền công thợ, gian lận gỗ… những hôm nào mưa dầm, bàn nhậu mà có “San sò”là y như rằng đông đảo vì cô hễ say ngà ngà rồi là cho đám thợ rừng tha hồ mò mẫm lung tung, có khi uống rượu vào nóng quá, “San sò” cởi phăng luôn cái áo, phần trên chỉ còn mỗi cái “coọc” nhỏ xíu, nước da ngăm ngăm săn chắc, để lộ đôi gò bồng đảo căng phồng làm đám thầy thợ tối tăm cả mày mặt.
Lưu Hoàng Yến thì không phải như vậy, cô ta tốt nghiệp đại học ngân hàng hẳn hòi, là kế toán kiêm thủ quỹ của công ty. Lưu Đại Nhân năn nỉ lắm cô ta mới chịu về giúp cha chứ Lưu Hoàng Yến sau khi học xong thì về làm ở một ngân hàng nhà nước.
Công việc của Lưu Hoàng Yến chủ yếu là giải quyết giấy tờ ở ngoài lâm trường, nhưng cô ta cũng hay thích vào sâu trong rừng, có lẽ do có cái máu mạo hiểm của cha chảy trong huyết quản. Những lúc như vậy vô khối tay thợ rừng lân la đến, chủ yếu là để “ngắm” Lưu Hoàng Yến.
Thời đó chưa có cái vụ thi hoa hậu, chứ như bây giờ thì cỡ như Lưu Hoàng Yến đậu là cái chắc. Gương mặt sắc sảo, sống mũi cao, đôi môi mỏng mà khêu gợi, mái tóc lượn như sóng biển, dáng lại cao ráo, eo lưng thì thon thả, ngực nở chân dài… Lưu Hoàng Yến mặc cái quần jean bó với cái áo thun trắng nom thật đẹp.
Đám đàn ông si mê cô ta nếu xếp hàng lại có lẽ còn dài hơn cả cái đám xếp hàng đi mua gạo thời đó…
Có cô ta đi cùng thì Hồ Vũ đành xuống xe sau ngồi chung với Tám Tàng …
Tám Tàng cũng có một thời xếp vào cái nhóm “mua gạo” đó, y có cái tật bình thường thì không sao, hễ nói nhanh thì lại cà lăm cà lặp : “tôi thích lấy… lấy con vợ…ợ…ợ… có nhà mặt iền… mặt iền… để sau này dễ làm ăn…làm ăn..ăn…”.
Đã đẹp lại con nhà giàu có, học thức nên xem ra chưa có ai lọt vào mắt xanh của Lưu Hoàng Yến cả, dạng như Tám Tàng thì chỉ đứng xa mà ngó chứ khó mà tới xách dép cho cô ta được vì đã có thằng khác tranh “xách” mất rồi.
Kể ra lấy được cô ta về làm vợ cũng sướng thật, thông thường con gái nhà đại gia hay bị “xấu người, xấu nết”, nên nếu lấy làm vợ thì phải cắn răng “chịu đấm ăn xôi”. Còn lấy Lưu Hoàng Yến thì lại xem như vừa được cục vàng ròng mà lại có phở để ăn mỗi ngày… có vợ đẹp như tiên này, lại có cơ được thừa hưởng cái gia tài khổng lồ của nhạc phụ nữa.
Con đường nhanh nhất để thành đại gia là lấy con của đại gia - đám thanh niên có tí tí kinh nghiệm trường đời đều hiểu rõ điều này.
Tám Tàng cũng thế nhưng xem ra cái mộng này khó có thể thực hiện được, thà như Chín Lênh Đênh lại có cơ hơn mặc dù y từng có gia đình rồi.
Bởi vì Chín Lênh Đênh là kẻ biết nói chuyện, biết nịnh đầm… cái quan trọng nhất để thằng đàn ông thành công trong chuyện này là biết đoán và chiều ý của các nàng – cái đó thì y có thừa.
Hôm đó trời mù mịt sương mù, bật pha cốt tối đa mà con đường phía trước chỉ nhìn thấy mờ mờ, qua khỏi Hố Nai là đường đi bắt đầu khó khăn và lầy lội, sau một cơn mưa, hình thành những vũng nước to còn hơn cái ao mà lại ngập ngụa sình nên xe đi rất khó khăn. Rừng Mã Đà có rất nhiều mèo rừng, có con to trên chục ký, lông xám đen, mặt rất dữ tợn chứ không hiền và đẹp như mèo nhà. Xe đi vào giờ này hay gặp những con mèo rừng đứng bên vệ đường, hai con mắt chúng sáng quắc, nhìn đèn ô tô không hề sợ hãi… Gần đến phà Mã Đà thì phía trước nghe ùm một cái, thoáng thấy bóng của con mèo rừng phóng vụt qua, xe của Bảy Nổi bị đảo tay lái, sụt vào một hố bom lật nghiêng qua, chìm luôn vào vũng sình. Tám Tàng và Hồ Vũ vội bỏ xe chạy ào tới, Hồ Vũ kéo được Lưu Hoàng Yến ra trước, nàng bị chấn động nên hơi thiêm thiếp, y bồng nàng lên mang ra ven đường, sau đó quay lại phụ với Tám Tàng kéo Bảy Nổi ra. Bảy Nổi chỉ bị thương nhẹ nhưng lúc xe bị chìm xuống vũng sình ngộp thở nên khi lôi lên được người y ướt sũng nom rất nhếch nhác.
Lưu Hoàng Yến vẫn còn chưa thật tỉnh, cái túi trong tay nàng bị xổ ra, Hồ Vũ bèn lấy xếp lại thì y thấy trong đó ngoài giấy tờ còn có một xấp phong bì dày cộm. Hồ Vũ chợt hiểu cô ta lên đây để làm gì, nếu chỉ để giải quyết ba cái giấy tờ thì y cũng có thể làm được… nhưng chuyện này thì Lưu Đại Nhân lại cần đến sự khôn khéo của người đàn bà. Y nhớ có lần nghe Ba Chìm nói “Ở xứ sở này một doanh nghiệp muốn làm ăn mà không có phong bì thì chú biết gọi là gì không ? – đơn giản hãy gọi đó là một sự khởi đầu thất bại.”
Đó là chất bôi trơn cho mọi vấn đề…
Là thứ bùa phép hoàn hảo nhất.
Ba Chìm là một con người kỳ lạ, người ta khi uống rượu vào thì hay nói nhiều, riêng y càng uống vào thì càng im lìm – dường như y bị chìm lỉm vào quá khứ…
Đã lâu lắm rồi, thời còn chiến tranh, Ba Chìm lúc đó là một người lính trinh sát ở rừng Trường Sơn… biết bao đồng đội hy sinh, xương phủ trắng rừng… y từng kể thấy đồng đội nằm chết trên võng, xác chỉ còn lại bộ xương khô và cái đầu lâu trắng hếu… rồi đường chín Nam Lào… chiến tranh gian lao và khốc liệt, thế mà Ba Chìm vẫn sống mà trên người không một mảnh đạn.
Sau 75 y được động viên chuyển qua ngành CA, với kinh nghiệm của một người lính trinh sát dạn dày trong khói lửa, y hoàn thành công việc một cách xuất sắc với tinh thần tận tụy quên mình, được cấp trên tin tưởng, trở thành đội trưởng đội điều tra xét hỏi…
Chỉ đến lần đánh tư sản lần hai, gọi nôm na là đám “tư sản dân tộc”, Ba Chìm – một con người không lay chuyển trước vàng bạc, của cải mà bỗng động lòng trước vẻ tội nghiệp của cô con gái, một cô gái trí thức có vẻ đẹp hoàn hảo, con của ông chủ tư sản giàu có. Y giúp đỡ và bao che cho gia đình cô ta khá nhiều, cuối cùng thì sự việc đổ bể và Ba Chìm bị đưa ra khỏi ngành, khai trừ đảng, sự nghiệp tan thành mây khói. Lúc đó đồng đội chửi y là bị trúng “viên đạn bọc đường”, bao nhiêu năm chiến tranh không làm y bị mất một mẩu da, mà bây giờ thì thân bại danh liệt, có sống cũng như “thằng chết rồi”. Chỉ riêng Ba Chìm là cảm thấy đang đắm trong một tình yêu thực sự, y không thể giải thích được điều mình làm là đúng hay sai mà chỉ cam tâm chấp nhận… Cuối cùng thì y cũng cưới được cô gái, hai vợ chồng thuê một căn nhà nhỏ ven đường, vợ bán cà phê còn y thì bơm xe đạp, sửa xe máy sống qua ngày.
Gánh nặng của quá khứ tưởng chừng sắp đè bẹp thì cuộc đời y chuyển qua một trang mới khi tình cờ gặp Lưu Đại Nhân… với mớ kinh nghiệm bao năm chiến đấu trong rừng rậm Việt, Miên, Lào… Ba Chìm nhanh chóng trở thành cộng sự đắc lực số một, là người được họ Lưu tin tưởng và ưu ái. Thế nhưng y vẫn cảm thấy như có một cái gì đó đáng buồn trong cuộc đời, đáng buồn với đồng đội, Hồ Vũ có lẽ là người mà y hay nói chuyện nhiều sau Lưu Đại Nhân. Có lần Ba Chìm nói “tôi vẫn nghĩ rằng mình đã không sai… mình đã không lựa chọn sai… nếu bạn ngộ nhận, không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, thì đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn tin vào bất cứ một điều gì và lúc đó bạn cũng không còn tình yêu nữa, bởi vì một tình yêu đích thực được nuôi sống bởi niềm tin và hy vọng…”.
Nhắc đến Ba Chìm thì phải nhắc đến một người, người đó từng là thầy của y, sau này thông qua Ba Chìm người đó tiếp xúc với Lưu Đại Nhân và ngay lập tức một sự liên kết được diễn ra nhanh chóng.
Không có gì vững mạnh bằng sự kết nối giữa quyền lực và tiền bạc.
Có lần Ba Chìm nói với Hồ Vũ và Văn Thiên Thành “tôi có một người anh kết nghĩa rất thân, hôm nào rảnh sẽ dẫn hai chú đến chơi để mở rộng thêm tầm mắt và sự quen biết.” - Một ngày kia y dắt hai người đến một căn biệt thự to lớn, kỳ vĩ, một nơi trang nghiêm gần trung tâm thành phố. Bên ngoài là tường rào cao, lối đi sâu thăm thẳm, Văn Thiên Thành thì đã từng trải qua chứ Hồ Vũ thực sự choáng ngợp trước vẻ hoành tráng, vĩ đại của ngôi biệt thự. Cầu thang lót đá Italy đen sì, phòng khách cao vòi vọi và rộng mênh mông, đúng kiểu La mã cổ đại, phải đứng một lúc Hồ Vũ mới hết bàng hoàng, choáng ngợp, xem ra sự giàu có của Lưu Đại Nhân đối với con người này vẫn chỉ là con muỗi… y thấy mình lọt thỏm trong bộ Salon da hổ, cũng may là chủ nhân lại tỏ ra rất hiền hòa và thân thiết.
Người đó là Ôn Đạt Sanh.
Sau khi yên vị, Ba Chìm lấy trong người một cái hộp gỗ, lấy ra mấy miếng vuông vuông , đen sì sì, cứng như đá và nói “lần này bọn em tự tay nấu lấy suốt mấy ngày mấy đêm, bảo đảm với anh Sanh là chất lượng tuyệt hảo” – “thế đó là cái gì ?” – “mọi người gọi nó là cao hổ cốt, nhưng bọn em gọi nó một cách đơn giản là cao Hùm”.
Để có mấy miếng cao này Ba Chìm đã phải nấu ba con hổ, và nấu nguyên chất như vậy, chỉ pha thêm một thứ mà Kắm-Lỳ nói là “vô tiền khoáng hậu” chỉ có pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn là có thể biết được, đó là cây ngải Anh Túc được nuôi bằng máu người. “uống cao Hùm này tất phải mạnh như Hùm – đàn bà phải quì xuống mà trầm trồ thán phục”.
Ai mà không thích có một người đàn bà quỳ trước mặt mình, ngay cả Ôn Đạt Sanh cũng vậy. Nom ông ta thật là hiền hòa - Đạt Sanh có rất nhiều nghĩa, nhưng tựu chung nó thể hiện một sự thành đạt, một sự sanh sôi, thành đạt rồi sanh sôi hay sanh sôi rồi thành đạt thì cũng vậy. Ở cái xứ sở này những con người hùng mạnh đều tự xưng là cha, là chú, là ông, là bác cả, vì thế Ôn Đạt Sanh cũng nói với Hồ Vũ và Văn Thiên Thành “các chú cứ gọi ta là Bác Sanh là được rồi”.
Sau một thời vun vén, vơ vét… khi đã có đầy đủ rồi thì con người ta bắt đầu suy nghĩ lại. Bác Sanh không còn thèm làm ba cái việc linh tinh để kiếm tiền nữa, ông ta giao tất cả cho Lưu Đại Nhân, bây giờ ông chỉ làm mỗi một việc, đó là giúp đỡ mọi người, cụ thể là làm cái việc mà mọi người vẫn gọi là “làm từ thiện”.
Hồ Vũ chưa bao giờ gặp một con người đa cảm như thế khi nhắc đến những người nghèo khổ, cơ nhỡ hay trẻ mồ côi… Sau này khi y bắt đầu lớn hơn một chút, bắt đầu nhìn sâu hơn, bắt đầu thấy được những cái mà bằng con mắt trần tục không thể nhìn thấy được, Hồ Vũ mới dần hiểu thấu được hai chữ “con người”.
Hai cái chữ gọi là “con người”…