Đi Tìm Một Thế Giới Khác
Chu Thu Hằng
1.
Chị vay đâu được tiền không?
Tôi nhìn trân trân vào mặt nó, lắc đầu:
- Không!
Nó thở dài, chán nản quay đi. Còn tôi thì buông mình xuống giường, vờ giở tờ báo để che dòng nước mắt đang trào ra. Nó đang rất cần tiền. Nhưng tôi không giúp được nó và cũng hoàn toàn không muốn giúp.
2.
Nó là em sinh đôi với tôi. Ba mẹ đã lìa xa chúng tôi trong một chuyến vượt biên đầy bão tố. Người ta đồn rất nhiều về con tàu bị hải tặc Thái Lan tấn công ấy khủng khiếp và ghê rợn, đó là điều ba mẹ tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi cố công đi tìm một cuộc sống giàu sang và xa vời.
Cô đưa chúng tôi về nuôi với sự thương hại. Nhưng cái gì dễ đến thì cũng dễ đi. Dần dần sụ thương hại được thay bởi sự khinh bỉ. Có lẽ cô thấy hối tiếc vì cử chỉ ân nghĩa của mình, cho dù cô là em của ba tôi. Tôi nén nhịn tình cảm của mình, lâu dần cũng thành bản năng. Nhưng em tôi thì không. Tròn mười tám tuổi nó đã bỏ học, tuyên bố sẽ đi tìm cuộc sống khác. Cầu chúa sao cho cuộc sống nó mơ ước không giống cái ảo ảnh đã khiến ba mẹ tôi bỏ mạng.
Nó kiếm tiền bằng trò cờ bạc. Những lần thắng đậm, nó thường dẫn tôi đi ăn. Vừa nhìn tôi ăn nó vừa mơ màng:
- Mẹ kiếp! Một ngày nào đó “trúng quả” thật lớn, em sẽ mua cho chị cái Chaly đi học, va sẽ sắm sữa đủ để bà cô kia lác mắt vì ghen tị. Mẹ kiếp! Một ngày nào đó...
Thỉnh thoảng tôi lo ngại, nhắc nó không nên quá đà thì nó lại gạt đi:
- Chị nhát bỏ mẹ! Bây giờ sống chân chất, mơ mộng như chị thì chóng chết lắm.
Ðể giờ đây, tôi úp mặt vào gối mà khóc. Tôi được dạy dỗ rằng, trộm cắp là một điều đáng ghê tởm. Vậy mà, chua chát thay, em tôi lại là một thằng ăn cắp. Tôi đã bắt gặp nó cạy tủ của cô một lần, may mà không thành. Sự biến mất đáng nghi ngờ mấy bộ quần Jean của tôi... và cách đây hai hôm thôi, chiếc xe đạp phượng hoàng, cái phương tiện đi lại mà tôi quí hơn vàng cũng theo nó ra đi không về. Tôi không nói gì nhưng khi cô biết, cô cười mỉa mai cay độc:
- Mày liệu mà bảo ban em mày. Ðụng đến thứ gì của tao thì đừng trách. Mà cũng đừng để lối xóm người ta bôi tro trát trấu vào mặt tao.
3.
Buổi chiều Lan sang rủ tôi đi học thêm:
- Xe của Diễm đâu?
Tôi lắc đầu cười, lãng sang chuyện khác. Lẽ nào lại nói ra sự thật?
Tan học, bốn đứa trên ba xe lóc cóc đạp ra Hồ Tây. Bảo ngồi dựa vào gốc cây vẻ phiêu diêu. Tôi lặng ngắm những ráng đỏ còn sót lại cuối trời, vằn lên như những tia máu. Gió lạnh buốt, mới biết trời sắp sang đông. Ðứa nào cũng co ro nhưng chẳng muốn đứng lên. Trang nhìn ra phía mặt hồ, giọng trầm xuống “B. của Trang chết ở đây, nhưng không biết đích xác ở chỗ nào”. Mỗi lần ra đây, Trang thường nói thế. Luôn luôn chỉ là câu nói ấy với nỗi đau vẫn nguyên vẹn như lần đầu chứ không vơi đi theo năm tháng. Ba đứa chúng tôi hiểu sự mất mát lớn lao đó. Mỗi người lặng im với ý nghĩ của mình. Có lẽ Bảo đang nghĩ về căn bệnh của cha. Có lẽ Trang đang nhớ lại cái ngày B. nói: “Tôi thương em! Sóng xanh!” Có lẽ Lan đang lo quãng đường về quá xa xôi. Còn tôi, tôi nghĩ về những tháng ngày tôi có một người bạn trai thân thiết. Bông bèo tím tay trao tay... chiếc lá me gỡ ra từ làn tóc rối...
Có hai đứa trẻ ăn xin lem luốc tiến lại gần chúng tôi. Tám bàn tay lục vội trong túi. Không thấy tiếng sột soạt của tiền và cũng chẳng thấy một cái gì đó có thể làm dịu đi hai đôi mắt đen dàu dàu kia. Trang cố nặn ra một câu đùa:
- Bọn chị là học trò, chỉ có sách vở thôi. Các em có lấy không?
Hai đứa trẻ quay đi. Tôi nhếch môi cười chua chát “Chúng nó cần tiền cũng giống như em mình. Chẳng biết giờ này nó đang ăn xin hay là ăn cắp?”
Bảo nói:
- Có một câu châm ngôn như thế này: “Ðừng bao giờ bố thí bằng tay trái...
- ... vì tay trái gần tim quá” – Lan tiếp lời.
Trời tối sụp khi bọn tôi đưa Trang về nhà. Phải rút nhanh để tránh những lời nặng nề của mẹ Trang. Ðừng khóc nhé Trang! Nếu Trang đã vượt qua được nỗi đau khi mất B. chắc Trang sẽ cứng rắn hơn trước những nỗi đau khác. Tôi và Bảo im lặng trên suốt đường về. Nhiều khi cả bốn chúng tôi vẫn thường có những giây phút im lặng thế này. Bạn thân mà, đôi khi sự im lặng lại nói được nhiều hơn những điều cần nói. Tôi định kể với Bảo về em trai tôi, nhưng rồi lại thôi. Bảo cũng như tôi, cũng như Trang, cũng như Lan, cũng như mỗi con người, ai cũng đều có những nỗi đau riêng của mình, chẳng biết còn có thể chia xẻ và cảm thông với người khác được không?
Tạm biệt Bảo, tôi quên không chúc anh thi tốt. Nhưng chắc anh cũng sẽ thông cảm.
Về nhà, tránh cái nhìn dò xét của cô, không ăn cơm tối, tôi vào phòng mình, mở tủ thuốc. Vi seduxen cầm tay mà sao hơi run. Tôi nhớ ngày mai có bài kiểm tra hoá. Mặc kệ! Tôi đang muốn quên tất cả. Một đứa bạn gái không thân lắm đã dạy tôi cách quên. Chỉ cần ba viên thuốc, sau mười lăm phút là tôi đã quên tất cả. Tôi đã thử quên sau ngày nhìn thấy cậu bạn thân của tôi rải đinh ra đoạn đường gần nơi cậu ấy vá xe. Tôi đã thử quên sau khi biết mình bị mất toàn bộ học bổng vì một cú va chạm nhẹ của một cô bé xinh xắn chừng mười lăm tuổi trong chợ Ðồng Xuân. Và bây giờ, tôi càng muốn quên. Ba viên thuốc, mười lăm phút sau, tôi đã siêu thoát. Tôi đã đến với một thế giới khác, không giống thế giới hiện tại, không giống thế giới ba mẹ và em tôi mơ uớc. Ở thế giới này, tôi gặp lại ba mẹ tôi, tôi thấy cô cười hiền hậu, tôi thấy em tôi trong trắng, mỏng mảnh không tì vết. Tôi thấy Trang đang đi cùng B. (B. vẫn sống). Tôi thấy mẹ Trang đang kể chuyện cổ tích cho hai đứa trẻ mắt đen ở Hồ Tây chiều nay. Tôi thấy Lan ca hát. Tôi thấy Bảo đang học thi bên người cha khỏe. Tôi thấy cậu bạn tôi đang chơi dương cầm. Những chiếc đinh hôm nào cậu ấy rải đầy trên đường bỗng hóa thành những bông hoa trắng muốt. Và tôi quì xuống hôn lên một đóa hoa...
4.
Dậy đi! dậy đi, Diễm! Công an đến tìm em mày kìa, Diễm.
*
Diễm! Ðừng trách tôi đã viết ra đây chuyện riêng của em. Tôi chỉ muốn nói với những người trẻ tuổi như em, đừng bao giờ mất hy vọng vào cuộc sống. Hãy chiến đấu và hãy chiến thắng! Diễm, tôi muốn nói những điều mà ngày xưa chưa có ai kịp nói với em, Diễm ạ.
Chu Thu Hằng