Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Chủ nhật tươi hồng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 508 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chủ nhật tươi hồng
Chu Thu Hằng

Thật sung sướng khi vào một ngày chủ nhật đẹp trời nọ, bạn ăn no, đi hội chợ thời trang với một người bạn gái.
Bạn trở về nhà, trải đầy đồ mới mua ra giường mà sung sướng thiếp đi một giấc. Sau đó bạn trở dậy, uống một ly nước lạnh để giữ eo, mặc áo mới, đến phòng làm việc, bật máy vi tính, chọn phông chữ mình yêu thích (hôm nay bạn mới yêu thích phông chữ này, nhưng nếu dùng nó để soạn thảo văn bản công việc thì cả văn phòng của bạn sẽ nháo nhác lên vì không ai đọc được).
Ngoài trời đang mưa, hình như hơi lạnh, mà bạn càng cảm thấy chiếc áo mình mới mua bằng chất liệu len mỏng thật hợp thời trang, và bạn thoải mái gõ một văn bản gì đó mới.Con người sung sướng hạnh phúc đó là tôi. Và bây giờ tôi đang ngồi gõ lạch xạch ở máy tính của mình vào một chiều chủ nhật mưa.
Đèn trong văn phòng sáng choang, máy lạnh kêu rì rì nho nhỏ, và các anh chàng đồng nghiệp cũng đua nhau gõ lạch xạch ở các ngăn máy của mình. Tôi ngả người trên ghế, kéo bàn phím để trên đùi, và tự hỏi rằng tại sao tự nãy giờ không có ai để ý đến cái áo mới của tôi, một cái áo thật đẹp, màu be pha với vài đường viền màu xanh da trời kiểu thể thao.
Tôi đã chọn một chiếc buộc tóc cùng chất liệu, màu trắng, cũng phệt thêm vài chấm màu xanh da trời và trông tôi thật nhí nhảnh, trẻ trung. Vậy mà các anh chàng ế muộn ngồi xung quanh thì vẫn cắm đầu vào máy ai nấy đều giương kính cận lên mà chăm chú gõ gõ. Tôi cũng đành gõ theo vài dòng vớ vẩn mặc dù ban đầu ý định là đến văn phòng làm việc nghiêm túc, có thể là viết một bài cảm tưởng về cuốn truyện vừa đọc tối qua, một cuốn truyện nửa thiếu nhi, nửa người lớn.
Truyện dịch đọc rất ngô nghê nhưng có những chi tiết khiến tôi say mê đọc hết ba tập, tức là đến tận 2g30 sáng nay mới đi ngủ. Chẳng hạn, em bé bảy tuổi trong truyện không muốn ăn xúp và em ấy nói: “Không, ăn xúp chán chết đi được”. Ông bố của em bèn nhắc nhở: “Con không được nói như thế, như thế không lịch sự, con phải nói: “Không, cảm ơn mẹ, con không muốn ăn xúp”. Con không muốn trở thành người lịch sự ư?”. Và đáp lại, em bé nói: “Không, con chẳng muốn làm người lịch sự, con muốn trở thành người giống như bố”.
Đêm qua đọc đến đấy thì tôi cười mất mấy phút mới có thể đọc tiếp, và vừa đọc vừa cố hình dung ra em bé bảy tuổi mắt xanh, tai bẩn, thích nuôi chó và ăn kẹo trứng chim ấy trông có xinh không nhỉ? Còn bà mẹ của em bé thì được tả là rất đẹp, béo mập, nấu ăn ngon với hai bàn tay to ấm áp.
Còn ông bố, chẳng có chữ nào tả ông bố hết. Làm người đọc phải thắc mắc không hiểu ông bố tốt bụng (mua tặng sinh nhật con một chú chó nhỏ) ấy trông ra sao? Theo ước lệ của một nền văn học nào đấy thì ông bố ấy sẽ có gương mặt chữ điền, râu quai nón để mỗi khi bế em bé lên lại cọ cọ cái cằm đầy râu vào bụng mềm mại của em, và hai bàn tay cũng to và đầy vết chai của một người làm nhiều việc vất vả.
Trong khi tôi đọc cuốn truyện ấy, Dũng góp thêm sự thú vị bằng những tin nhắn nói rằng anh vừa đi nhậu về, đang đói meo mà chẳng có gì ăn. Tôi bèn nhắn lại một cách rất kịch rằng anh cần dậy ăn cái gì đó đi, giá mà lúc này em ở cạnh anh, em sẽ nấu mì và chần một quả trứng gà cho anh. Đương nhiên, Dũng nhắn lại là anh rất thích thế. Hệ quả tiếp theo là một câu tôi cũng lường trước được, một câu rất hoan hỉ vì tôi đã bật đèn xanh nói rằng: Bây giờ anh ước gì mình có vợ rồi nhỉ để được vợ chăm sóc, quan tâm.
Tới đây cần phải chú thích thêm là Dũng chưa có vợ, trông khá đàn ông và không hiểu sao lại rất lãng mạn. Cái chuyện lãng mạn và đọc nhiều sách có vẻ là không ăn nhập gì với vị trí trưởng phòng kinh doanh của một công ty dược nước ngoài của anh. Quay lại thời điểm lúc tôi đang đọc cuốn truyện, tin nhắn của Dũng làm tôi cười ha ha và bắt đầu thử ghép bộ mặt của anh với hình ảnh ông bố trong truyện.
Cũng có vẻ là khá hợp, nếu tưởng tượng bảy tám năm nữa anh là bố của một nhóc bảy tuổi, mắt đen, mặt mũi hơi lem luốc và phệ phệ giống anh y xì đúc. Có thể lúc ấy em bé của anh sẽ nói: “Không, con không muốn làm bác sĩ, con muốn làm nghề đi nhậu giống bố”.
Còn bà mẹ, tôi cố vắt óc thêm cũng chẳng thể ghép nổi gương mặt tôi vào đấy. Tôi không có hai bàn tay to lại thêm chuyện mỗi khi leo lên bàn cân trước cửa siêu thị thì nó lại ré lên: “Không đùa nữa. Cho cả chân kia lên đi!”. Tức là trọng lượng của tôi, sau rất nhiều nỗ lực uống Appeton Weighgain cũng chỉ same same 2/3 trọng lượng của một người bình thường thôi, nên thật khó tưởng tượng là tôi sẽ là một bà mẹ to béo và ấm áp đứng trong bếp, nấu ăn xì xụp cho bố con Dũng nói chuyện với nhau.
Cho nên sau đấy tôi nhắn tiếp: “Em sẽ không lấy chồng, đến 30 tuổi có một đứa con với người mình yêu rồi sống cuộc đời độc lập, tự do, hạnh phúc. Thế là ok”. Rồi tắt điện thoại để chấm dứt cái kiểu chat chit qua điện thoại thế này. Tốn tiền ra phết đấy, bạn cứ nghĩ nhắn tin thì tiết kiệm hơn một cú điện thoại ư. Và vào ngày đẹp trời cuối tháng khi bạn cầm bill điện thoại, bạn mới ngất xỉu khi nhận ra rằng trung bình mỗi ngày bạn đã nhắn tới ba, bốn chục tin nhắn thì đã muộn rồi.
Câu chuyện về em bé bảy tuổi cuối cùng kết thúc chẳng thế nào cả hoặc có thể người ta muốn dịch tiếp tập bốn nhưng còn thăm dò xem lượng phát hành ba tập trước thế nào, nên cuối tập ba cũng chẳng đề còn nữa hay hết. Tôi đi ngủ lúc 2g30, mặc váy hai dây mỏng, đắp chăn, mặt bôi kem dưỡng da, xịt một ít nước hoa yêu thích thơm thơm dễ chịu và nghĩ xem mai mình có thể nướng tới mấy giờ để rồi đi hội chợ thời trang với một cô bạn gái.
Trời đã tạnh, nắng rực lên làm những ô cửa kính phía sau lưng tôi sáng bừng. Những anh chàng đồng nghiệp đeo mắt kính đã thôi gõ lạch xạch và túm tụm lại với một trò chơi gì đó mới load trên net xuống. Một chàng đi về phía bàn tôi để lấy tài liệu, nhưng hình như vẫn không hề nhận ra tôi, nữ đồng nghiệp tươi trẻ và son rỗi có một chiếc áo mới. Tôi cũng chả tha thiết thu hút anh chàng lúc nào trông cũng như đang đeo mặt nạ đen này, tiếp tục gõ tiếp.
Sếp phó đi qua, cười rất tươi với tôi (chú thích là với ai cũng thế, bất kể bạn mặc áo mới hay áo cũ). Hôm nay chủ nhật, sếp cũng ăn mặc casual, quần kaki và áo pull trông trẻ trung và phong độ hơn mọi ngày. Trông sếp thật ra cũng hợp để vào vai một ông bố ấm áp, tốt bụng, nhưng nếu như vào thời điểm tôi có thể trở thành một bà mẹ to béo và ấm áp thì lúc ấy chắc sếp đã già lắm rồi, không còn sức để tung em bé bảy tuổi lên đâu, cho nên tôi loại hình ảnh sếp ra khỏi đầu ngay khi cái cửa đóng rầm sau lưng sếp.
Nắng bắt đầu hắt vào ô cửa làm màn hình hơi lóa, tôi phải xoay lại màn hình và ngồi quay mặt lại, vừa làm vừa nhìn thấy bóng mình trên vách ngăn bằng kính, trông nồng nàn kiểu trẻ con, mắt môi rạng rỡ.
Lúc sáng đi mua sắm tôi đã đứng ngắm nghía rất lâu một bộ quần áo dành cho em bé ba tuổi, màu hồng rực rỡ. Trong khu Diamond Plaza, người ta thật khéo bày biện khu bán hàng đồ chơi, quần áo trẻ em. Cứ bước lên tầng ba là thấy hồng rực lên nào là Barbie, Elle, Kokorno trông thật bắt mắt. Mấy người bạn đi cùng hay nhại cái giọng Hà Nội đặc sệt của tôi khi bước vào khu này: “Ôi, hồng dã man!”. Tôi thích màu hồng, nhưng cái lý do để tôi dừng lại ở bộ quần áo ngộ nghĩnh bắt mắt ấy là một câu nói xa xưa của anh cũng trong một lần đi Diamond: “Bé nhà anh mặc mấy bộ đồ hồng, đỏ này đẹp lắm!”.
Sáng nay, tiền thưởng sáu tháng đầu năm nóng rẫy trong túi, tôi đã nghĩ đến chuyện đưa cho anh bộ đồ này với một cái giọng thảo mai: “Em mua cho bé nhà anh!”. Không biết lúc ấy mặt anh sẽ thế nào nhỉ? Tái đi vì bị mỉa mai, sượng sùng hay tối sầm vì một nỗi bất lực nào đó trong ngực. Chẳng biết, chẳng cần biết. Cái tôi cần là hình ảnh một con bé con ba tuổi, bụ bẫm, trắng trẻo, lon ton trong bộ đồ màu hồng cả ngày ở bên anh, nhắc anh nghĩ rằng tôi vẫn có mặt trong cuộc sống của anh.
Đến đây, lại phải xuống dòng, chú thích về anh. Anh khác Dũng, anh đã có vợ, có một em bé ba tuổi. Thôi khỏi phải tưởng tượng trông anh trong vai trò một ông bố như thế nào vì anh đã ở vị trí đó ba năm rồi. Ông bố này trông cũng ấm áp, tốt bụng (với một cái bụng hơi phệ vì uống bia nhiều), gương mặt hơi khắc khổ với quai hàm bạnh, những đường gân nổi tím mờ dưới đuôi mắt và một nụ cười rạng rỡ như trẻ con trong những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi. Ngoài những cái đó ra anh không có gì để so sánh với Dũng.
Nhưng anh lại làm cho tôi có cái ý tưởng là không thể lập gia đình. Ừ, lập gia đình làm gì nhỉ? Vì yêu, người ta lấy nhau, rồi người ta có em bé. Nhưng rồi những ông bố, bà mẹ ấm áp kia sẽ phản ứng thế nào nếu em bé mắt đen, mặc váy hồng của mình nói: “Không, con không muốn làm người lịch sự. Con muốn làm người “ngoại tình”, giống bố”.
Mưa rầm rập, trời mới khoảng sáu giờ mà đã tối sầm. Những anh chàng đồng nghiệp đã biến mất từ lúc nào, có thêm vài nữ đồng nghiệp chăm chỉ khác xách giỏ bước vào. Từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn thấy tòa nhà Diamond bằng kính màu xanh, ngay cả trong mưa cũng đẹp long lanh. Một nữ đồng nghiệp tóc xoăn mướt mát nhe hàm răng đeo niềng chỉnh lấp lánh tới vỗ vai hỏi về chiếc áo mới mua. Nhưng niềm vui về chiếc áo mới của tôi có lẽ đã trôi đi theo những suy nghĩ về anh mất rồi. Cho nên đành đáp lại câu chuyện hào hứng về chủ đề shopping của cô bạn đồng nghiệp một cách nhạt nhẽo. Và đến lúc này thì thật sự tôi chẳng biết gõ gì thêm vào văn bản này nữa, cho dù xung quanh các nữ đồng nghiệp bắt đầu công cuộc làm tình làm tội cái bàn phím.
Nhưng tại sao lại phải băn khoăn về những em bé mắt đen đáng yêu nhưng nghịch như quỉ và có mùi hoi hoi nhỉ? Trong khi cuộc sống tự do vẫn thật thoải mái, khi vào một ngày chủ nhật tươi hồng người ta vẫn có thể nướng tới chín giờ sáng, tỉnh dậy, đi mua sắm, ăn no căng bụng và sau đó ngồi chơi game hay làm công việc mình rất say mê. Thỉnh thoảng chiếc điện thoại di động đời mới ngân nga khe khẽ, báo hiệu một tin nhắn thú vị của những anh chàng độc thân.
Và bạn ngừng tay gõ bàn phím, đọc tin nhắn, mỉm cười thú vị, nhắn lại một cách dí dỏm mà biết rằng càng lún sâu vào những cuộc chat chit qua message kiểu này tình cảm càng mơ hồ và bill tính tiền điện thoại càng tăng.
Rồi cả đám đồng nghiệp độc thân rỗi rãi nhưng đam mê công việc và cô đơn (không thì tự nguyện đến văn phòng vào chủ nhật làm gì?) sẽ kéo nhau đi ăn gà rán KFC, đi lượn lờ mua sắm trong những gian hàng sáng choang lộng lẫy, sau đó đến tiết mục cafe nghỉ mệt ở một quán vỉa hè giá cao để ngắm nghía người ta mặc đồ hiệu, đi xe xịn diễu qua lại.
Một ngày chủ nhật tươi hồng kết thúc vào tối muộn, với hai cái cẳng mỏi dừ, giấc ngủ say và nỗi lo cho tuần làm việc bận rộn điên rồ sẽ phải đối mặt sau tám tiếng nữa. Tất cả những thứ đó sẽ không còn nếu một trong những mối quan hệ mơ hồ của bạn bỗng nhận được tín hiệu đèn xanh và lao vù vù tới. Rồi thì thêm một ông chồng, một em bé mắt đen... Và... bạn có uống nước lạnh để giữ eo thì vòng hai của bạn cũng sẽ xổ ra không kịp giữ, bạn sẽ trở thành một bà mẹ mập mạp với hai bàn tay to ấm áp. Và bạn sẽ làm gì nếu vào một ngày chủ nhật tươi hồng, em bé mắt đen của bạn nói: “Không, con không muốn làm người lịch sự. Con muốn làm người “ngoại tình”, giống bố”.
Và để tránh gặp phải nỗi khủng hoảng ấy, tôi đọc lại một lần nữa tin nhắn còn lưu trong điện thoại: “Em sẽ không lấy chồng, đến 30 tuổi có một đứa con với người mình yêu rồi sống cuộc đời độc lập, tự do, hạnh phúc. Thế là ok” cho cả đám đồng nghiệp nghe khi cả đám ngồi trong cafe máy lạnh (trời vẫn mưa, không thể ngồi ngoài vỉa hè được) ngắm các em gái da tẩy trắng, môi tẩy hồng, tóc vàng ruộm mặc áo yếm dựng xe trước cửa. Đương nhiên là mọi người đều đồng tình. Chỉ có một người thắc mắc về chuyện liệu có nên cho người mình yêu biết mình có con hay không, nhỡ khi em bé trái nắng trở trời... Nhưng ý kiến đó nhanh chóng bị vùi đi bởi các ý kiến khác cho rằng cứ dự trữ nhiều tiền là ổn hết, tiền lo viện phí, tiền đóng bảo hiểm... Và từ chuyện tiền thì quay trở lại chuyện dự án đang làm, buổi họp ngày mai...
Tôi về nhà lúc 11g25. Chú thích thêm là tôi sống một mình, trong một căn hộ nhỏ nhưng đẹp ở khu trung tâm. Điện thoại ở nhà có lời nhắn của anh: “Em, anh điện thoại nhưng thấy báo số máy bị khóa. Không thấy em ở nhà. Anh khỏe, mọi chuyện đều ổn. Mong em cũng vậy” (Anh không biết là tôi đã đổi số điện thoại cầm tay mới). 12g Dũng nhắn tin: “Em ngủ chưa? Sao cả ngày không nhắn cho anh? Lâu rồi anh mới có cảm giác chờ đợi thế này! Hôm nay em vui không?”.
Tôi trả lời: “Hôm nay là một chủ nhật tươi hồng anh ạ”. Và nằm co quắp với một cái chăn mỏng mà trong lòng thì trống rỗng và lạnh ngắt như biết rằng sáng mai tỉnh dậy chợt gặp gió mùa đông bắc về.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 211

Return to top