-- Má ơi! Má! Đến xem này.
Bà Rosalind đang nhồi vào bụng con gà một hỗn hợp gồm nấm rừng, dầu ô liu, tỏi và rau cần tây, món ăn mà bà đã học trong một khóa học cách nấu đồ ăn Pháp mới đây. Bà đáp lớn:
-- Má không đến được. Má bận rồi.
-- Nhưng má ơi! Má phải đến xem. Cô gái của nhà ta nè.
Thằng bé học thứ ngôn ngữ bình dân này ở đâu thế nhỉ? Bà Rosalind tự hỏi. Vợ chồng bà đã đóng học phí thật nhiều mỗi học kỳ để cho con được học tại ngôi trường thật tốt ở Yorkshire, thế mà thằng bé lại nói như đồ đầu đường xó chợ. Có lẽ họ phải về sống ở miền Nam lại, tình hình mới có tiến bộ chăng. Bà đáp lại con:
-- Benjamin, má đã nói rồi. Má đang bận. Tối nay ba con có mời khách ăn cơm, má phải lo chuẩn bị.
Bà Rosalind chẳng chú tâm đến chuyện nấu nướng - thực tế thì bà đã theo học nhiều khóa nấu nướng và rất thích các buổi học này - nhưng hiện tại, như bà nói, bà ước chi có thể nói rằng người đầu bếp đang nấu nướng, còn bà thì đang bận xem mình nên mặc áo quần gì. Nhưng họ không có đầu bếp mà chỉ có một bà đến lau chùi nhà cửa mỗi tuần một lần. Không phải họ không đủ khả năng thuê đầu bếp, nhưng kẹt một nỗi chồng bà chi tiêu quá phóng túng. Bà Rosalind thường nghĩ: thực ra thì chắc người ta cho chồng bà là người sinh trưởng ở Yorkshire, chứ không phải là người nơi khác đến ở đây.
-- Nhưng đúng là chị ấy đây nè, Má! - Benjamin cứ nói tiếp - Chính là cô con gái nhà ta đây mà. Chị ấy trần truồng như nhộng.
Bà Rosalind cau mày, để dao xuống. Thằng bé nói cái quái gì thế nhỉ? Benjamin mới tám tuổi, và bà biết rất rõ con bà có trí tưởng tượng rất phong phú. Bà sợ thằng bé nhầm lẫn giữa chuyện tưởng tượng với đời thực. Bà nhận thấy những đứa bé có óc tưởng tượng phong phú thường trở nên lười biếng, mơ mơ màng màng suốt ngày; chúng không chịu làm những việc thực tế hữu ích hơn.
-- Má ơi! Nhanh lên!
Bỗng bà Rosalind cảm thấy hơi lo sợ, như thể có cái gì sắp thay đổi vĩnh viễn trong vũ trụ. Cố xua đuổi cảm nghĩ lo sợ, bà lau sạch tay, uống vội một hớp rượu Gin pha nước khoáng, rồi đi vào phòng học, nơi Benjamin đang chơi máy vi tính. Khi bà vừa đi thì bà nghe tiếng cửa trước nhà mở ra và chồng bà lớn tiếng báo cho biết ông đã về nhà. Sớm thế! Bà cau mày. Có phải ông muốn kiểm tra bà không?
Cứ tảng lờ như không nghe, bà vào phòng để xem thử Benjamin muốn nói cái quái gì. Khi bà vào phòng, cậu bé nói:
-- Má, nhìn kìa. Cô gái nhà ta đấy. Cậu bé đưa tay chỉ vào màn hình máy vi tính.
-- Đừng nói năng như thế. - Bà Rosalind nói. - Má đã dặn con rồi. Nói năng như thế hạ cấp lắm.
Rồi bà nhìn.
Thoạt tiên, bà chỉ ngạc nhiên khi thấy trên màn hình hiện ra hình một phụ nữ lõa thể. Làm sao Benjamin bấm ra được mạng hình này nhỉ? Cậu bé chưa đủ lớn để hiểu cách tìm ra mạng này.
Rồi khi bà chồm người lên vai cậu bé để nhìn cho gần màn hình, bỗng bà thất sắc, sửng sốt. Thằng bé nói đúng. Trước mắt bà là hình của cô con gái bà, Emily, trần truồng như ngày mới chào đời, nhưng chỉ khác có nhiều đường cong tuyệt mỹ, hình xăm và một đám lông lơ thơ màu vàng giữa hai chân. Đúng là Emily của bà, không sai lầm gì nữa; cái bớt có hình giọt nước mắt nằm ở phía trong đùi bên trái của cô là bằng chứng rõ ràng nhất.
Bà Rosalind đưa tay vuốt tóc. Thế này là nghĩa lý gì nhỉ? Cái gì xảy ra như thế này? Bà liếc nhìn lên hàng chữ trên đầu màn hình. Bỗng bà nhớ lại nghệ thuật nhiếp ảnh, cho nên bà hiểu ra sự thể.
-- Má nhìn kìa, - Benjamin nói. - Con gái nhà ta đấy, phải không. Chị ấy ở truồng làm gì thế, má?
Bỗng bà Rosalind hoảng sợ. Lạy Chúa, không nên để thằng bé thấy như thế này. Cha của Emily. Cũng không nên để cho ông ấy thấy hình ảnh này. Hình này sẽ làm cho ông đau đớn thất vọng. Bà vội vã đưa tay về phía con chuột điều khiển máy vi tính, nhưng tay bà chưa kịp đụng đến con chuột, bà liền nghe có tiếng cất lên phía sau bà và bà nghĩ đã quá muộn rồi.
-- Cái gì thế này? - Ông hỏi nhỏ, âu yếm để tay lên vai con trai.
Rồi sau một lát im lặng, Rosalind nghe chồng húng hắng thở ra, bà biết ông đã hiểu hết sự tình.
Tay ông bóp mạnh vào vai Benjamin khiến cậu co người, kêu lên:
-- Ba, đau con!
Nhưng ông Cảnh sát trưởng Jeremiah Riddle không để ý đến sự đau đớn của con. Ông há hốc mồm, thốt lên:
-- Lạy Chúa! - Vừa đưa tay chỉ màn hình. - Có phải đây là kẻ tôi lo sợ không?
*
* *
Chánh Thanh tra cảnh sát Alan Banks dừng tay, nhìn cái xách đựng áo quần, ông phân vân không biết nên đem theo cái áo blu-dông da hay là cái áo gió. Không thể đem theo cả hai vì đã chật chỗ. Ông không biết trời có lạnh lắm không. Ông đoán thời tiết nơi ông sắp đến chắc không khác gì ở Yorkshire. Quá lắm cũng chỉ ấm hơn hai độ là cùng. Thế nhưng thời tiết vào tháng 12 cũng rất khó nói. Cuối cùng, ông quyết định mang theo cả hai. Ông xếp cái áo gió, để trên chồng quần áo ông đã cho vào xách rồi, đoạn đè mạnh xuống để kéo dây kéo chiếc xách lại, sợi dây kéo khép lại một cách khó khăn. Nghỉ ngày cuối tuần xa nhà mà đem theo như thế này là nhiều, nhưng tộng hết được vào cái xách không mấy nặng như thế này cũng tiện. Ông sẽ mặc cái áo blu-dông da để đi đường.
Bây giờ ông chỉ còn việc tìm một cuốn sách và vài cuốn băng nhạc. Có thể ông không cần đến chúng, nhưng ông không thích đi đâu mà không có gì để đọc và không có gì để nghe trong trường hợp chờ đợi hay gặp chuyện phải chờ được cấp cứu.
Ông đã có kinh nghiệm một lần rồi, có lần ông phải chờ bốn giờ trong phòng cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở Luân Đôn, hôm ấy là tối thứ Bảy, ông chờ người ta khâu sáu mũi nơi vết thương bên mắt phải. Suốt thời gian ấy, ông phải giữ miếng gạc trên vết thương cho khỏi chảy máu và nhìn những nạn nhân đến trước ông đang chờ được chữa trị, vô số người dùng ma túy quá liều, những kẻ tự tử hụt, những người bị đau tim và những người bị tai nạn giao thông. Ông thấy những vết thương của họ trầm trọng hơn ông nhiều, đáng được chữa trị trước, còn ông chỉ là một vết rách nhỏ thôi. Banks không phàn nàn gì, nhưng ông rất ao ước có gì để đọc trong cái phòng đợi nhếch nhác này, có cái gì hay hơn là tờ Daily Mirror cũ hôm trước. Người đọc tờ báo trước ông thậm chí còn chơi ô chữ ngay trên tờ báo. Dùng bút mực để chơi.
Nhưng ngày mai ông sẽ đi Paris với con gái, Tracy, để nghỉ cuối tuần. Ông sẽ có dịp đi thăm các phòng trưng bày nghệ thuật, thăm các viện bảo tàng và đi dạo, đi ăn những bữa ăn sang trọng trong các nhà hàng nhỏ ở Tả ngạn, rồi thanh thản ngồi uống bia trong các quầy bán rượu có mặt quầy lát kẽm ở khu Montmartre, nhìn người qua lại đông đúc ngoài đường. Hai bố con sẽ đi xem buổi trình diễn của các minh tinh Châu Âu, Banks đã được một tờ báo lớn mời đến xem. Tóm lại, vì là đang tháng 11, nên hầu hết mọi người đều thích đến vùng Lanzarote để tránh thời tiết ẩm ướt ở Paris. Có lẽ ông không cần đến nhạc hay sách, ngoại trừ lúc ở trong phòng trước khi đi ngủ, nhưng ông cũng quyết định đề phòng các trường hợp bất ngờ xảy đến khiến ông cần phải dùng các thứ này.
Banks mang theo cái xách xuống lầu, tìm trong ngăn kéo lấy thêm hai cục pin nhét vào trong túi xách với cái máy hát Walkman, rồi lấy mấy băng nhạc mà ông sang từ đĩa CD các giọng ca của Cassandra Wilson, Dawn Upshaw và Lucinda Williams. Ba giọng ca nữ khác nhau này về âm nhạc cũng như về phong cách, có lẽ những giọng ca hiếm thấy, ông rất thích, vì các ca sĩ này đã đại diện cho hầu hết các phong cách của nền âm nhạc hiện đại. Ông nhìn vào kệ sách, lấy cuốn Maigret and the Hundred Gebbets của Simenon. Ông không hề đọc tiểu thuyết trinh thám, nhưng cái nhan đề đã đập vào mắt ông, khêu gợi ông, và có người có lần đã nói với ông rằng ông có những nét rất giống nhân vật Maigret trong truyện. Ngoài ra, ông nghĩ rằng bối cảnh trong truyện là ở Paris.
Khi Banks đã chuẩn bị đồ đạc xong, ông rót một ít rượu Laphroaig vào ly, rồi mở máy đĩa CD nhạc Waltz for Debby của Bill Evans. Đoạn ông ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh ngọn đèn có chụp để đọc sách, xoay xoay ly uých ky trên tay dựa, gác hai chân lên nhau, vừa khi bản My Folish Heart bắt đầu từ từ cất tiếng hát. Trong lò sưởi, mấy cục than bùn bắt lửa, mùi khói hòa với mùi cay nồng của rượu cất bằng mạch nha ở vùng Islay ngấm vào lưỡi ông.
Nhưng hình như khói trong lò tỏa ra phòng quá nhiều. Banks phân vân không biết ông có cần thuê người thông ống khói không, vì có lẽ lửa trong lò lâu nay không cháy hết. Ông không biết làm sao tìm ra người thông ống khói cho được, ông cũng không biết con người kỳ lạ này có còn hiện hữu hay không. Ông nhớ hồi còn nhỏ, mỗi khi người thông ống khói đến là ông rất náo nức, và mẹ ông lấy khăn vải phủ kín hết đồ đạc trong phòng lại. Banks được phép xem người thông khói đẩy cái sào dài cứng lên trên ống khói, mặt mày anh ta đầy mồ hóng trông rất kỳ lạ, nhưng cậu phải ra khỏi phòng trước khi công việc thực sự bắt đầu. Sau này, khi đọc những cuốn sách viết về việc thông ống khói vào thời Victoria, họ bắt những thanh niên ở trần chui lên ống khói. Ông thường phân vân về cách thông ống, ông tự hỏi không biết ông có làm được việc này hay không. Cuối cùng, ông nhận ra rằng, anh chàng thông ống khói không thể nào sống cho thọ được, mặc dù trước mắt cậu bé kinh hoàng kia, anh ta là người già nua.
Ông nghĩ rằng ống khói còn tốt, có lẽ gió mạnh đã thổi tạt qua một ít khói vào phòng. Ông nghe gió thổi ào ào ngoài các bức tường gạch, gió lay các cánh cửa sổ không đóng trên các phòng bỏ trống không ai ngủ ở trên lầu, gió thổi tạt nước mưa đập vào khung cửa. Vì vừa rồi mưa rất lớn, nên Banks chỉ có thể nghe nước ở Thác Gratly chảy ào ào ở ngoài nhà. Thác không lớn lắm, chỉ là một dãy vực nước cạn, sâu không quá một mét rưỡi, chảy xiên qua làng rồi đổ xuống thung lũng và chảy vào sông Swain ở Helmthorpe. Nhưng âm nhạc thay đổi liên miên, chứng tỏ Banks rất sảng khoái, nhất là khi ông nằm trong giường chờ giấc ngủ khó đến.
Mừng vì tối nay không có việc phải ra ngoài, Banks ngồi nhâm nhi rượu uých ky, lắng nghe tiếng nhạc quen thuộc trong đĩa CD Waltz for Debby trổi lên. Tâm trí ông quay về với vấn đề khó khăn của mình do công việc vừa rồi gây ra, công việc được người ta hoạch định để đẩy ông vào chỗ thất bại và xem ông là đồ điên.
Ông không thất bại, và kết quả là Cảnh sát trưởng Riddle, người ghét Banks ngay từ đầu, còn hành hạ ông hơn bao giờ hết. Ông trở về với công việc bàn giấy nhàm chán, không có hy vọng sẽ được tung hoành ở ngoài cho thỏa chí nam nhi. Công việc văn phòng khiến ông đâm ra chán nản.
Và ông chỉ còn cách tìm đường thoát khỏi công việc nhàm chán trong văn phòng.
Việc rời khỏi Yorkshire là việc rất miễn cưỡng cho Banks, nhất là khi ông vừa mới mua ngôi nhà ở đây, ngày tháng ông sống trong ngôi nhà này chưa được bao lâu. Tuần trước, sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, ông nộp đơn xin làm việc tại Đội Điều tra Tội phạm Quốc gia, đội này có nhiệm vụ theo dõi các tổ chức tội phạm. Là một Thanh tra Cảnh sát Điều tra Tội phạm, Banks không thể đảm nhiệm công việc bí mật, nhưng ông muốn được hưởng thú vui tột độ khi tóm được bọn gây án. Làm công việc này ông có cơ hội đi đây đi đó, theo dõi bọn tội phạm đang hoạt động ở nước Anh được chỉ đạo từ các nơi đầu não bên Hòa Lan, ở vùng Dardogne và Tây Ban Nha.
Banks biết việc mình không được đào tạo chính quy để làm công việc này, không có đủ bằng cấp, nhưng ông có nhiều kinh nghiệm trong nghề, ông tin chính kinh nghiệm mới đáng kể, khác xa với quan niệm của Riddle. Ông nghĩ ông có thể làm được những chuyện khó khăn, nhờ cách hỏi cung, nhờ tài suy đoán, những thứ rất cần thiết cho công việc điều tra tội phạm, và ông tin ông có thể nhờ vào những kinh nghiệm quí báu của các nhân vật tài giỏi trong nghề mà ông đã từng tham khảo trong khi ông làm việc với họ tại Yorkshire, như các sĩ quan cấp trên của ông, Tổng thanh tra Gristhorpe và Giám đốc nhân viên, Millicent Cummings. Ông hy vọng tờ báo cáo tiêu cực của Riddle về ông không làm cho mọi người tin.
Còn một lý do khác nữa khiến ông xin đổi công tác. Suốt hai tháng qua, Banks đã suy nghĩ nhiều về người vợ sống ly thân, bà Sandra, ông tin rằng cuộc sống ly thân của họ chỉ là tạm thời. Nếu được thay đổi công tác, như được đến làm việc ở Cục điều tra Tội Phạm Quốc gia chẳng hạn, ông sẽ có thuận lợi để vợ chồng tái sum họp. Có nghĩa là ông sẽ đi đây đi đó, để vợ có thể về lại Luân Đôn. Ông nghĩ đây là cơ may để cho hai người trở lại với nhau, cơ may để họ quên đi những chuyện ngu ngốc của họ trong năm qua. Banks thì dan díu một thời gian ngắn với Annie Cabbot, còn Sandra thì cặp bồ với Sean. Việc Sandra đang sống với Sean không làm cho ông bận tâm lắm. Người nào cũng có những lúc dan díu tình ái với kẻ khác hết, người nào cũng có lúc nhẹ dạ hết. Ông tin chắc khi ông trình bày, bà ta biết chương trình trong tương lai của ông, thế nào bà cũng thay đổi ý kiến, trở về lại với ông.
Đến chín giờ có điện thoại reo, ông giật mình, thoát ra khỏi giấc mơ đang chìm đắm trong điệu nhạc du dương của Bill Evans, và người đầu tiên ông nghĩ đến là Tracy. Ông hy vọng cô gái không thay đổi ý kiến về ngày nghỉ cuối tuần; ông cần nói cho con gái ông nghe về dự định tương lai của mình, cần nhờ con giúp ông trong việc đưa Sandra trở về với ông.
Nhưng không phải Tracy, mà là Cảnh sát trưởng Jeremiah "Jimmy" Riddle, người đã làm cho ông phải tính đến chuyện xin chuyển công tác đến một nơi xa xôi, phải bán nhà và rời khỏi quê nhà.
-- Banks đấy phải không?
Banks nghiến răng đáp:
-- Ngài cần gì?
Riddle dừng lại một lát rồi đáp:
-- Tôi muốn nhờ anh một việc.
Banks há hốc mồm hỏi:
-- Nhờ một việc à?
-- Phải. Anh vui lòng... đến nhà tôi được không? Việc này rất quan trọng. Bất đắc dĩ tôi mới mời anh đến nhà vào lúc đêm khuya lạnh lẽo như thế này.
Banks rất ngạc nhiên "không bao giờ" ông ta nói với ông với thái độ lịch sự như thế này, với giọng nói dịu dàng như thế này. Chuyện gì xảy ra như thế này nhỉ? Lại bịp lần nữa sao?
-- Thưa ngài, khuya rồi, - Banks đáp, - Tôi mệt trong người và định...
-- Này anh, tôi nhờ anh một việc mà. Vợ tôi và tôi phải hủy bỏ một bữa tiệc quan trọng vào giờ chót vì việc này. Anh không thể bỏ qua lòng thù hận để chìu tôi một lần được hay sao?
Giọng nói của ông ta nghe chẳng khác nào giọng của Jimmy Riddle trước đây. Banks định nói ông ta hãy xéo đi, thì giọng của cảnh sát trưởng lại thay đổi một lần nữa khiến cho ông bàng hoàng.
-- Banks, anh vui lòng giúp tôi đi, - Riddle nói. - Tôi cần nói với anh một chuyện rất quan trọng. Một chuyện cấp bách. Tôi không bịp anh đâu. Chuyện này không phải là chuyện bịp đâu. Tôi xin hứa với anh thế. Tôi cần anh giúp đỡ thật.
Phải chăng Riddle chịu khó hạ mình bày chuyện để làm nhục ông? Banks thấy tò mò, ông quyết định phải đi mới được. Nếu ông là loại người làm ngơ trước lời kêu gọi đến nghe một chuyện bí mật, thì chắc ông đã không làm cảnh sát mật vụ. Ông không muốn ra ngoài trời đêm lạnh lẽo, không muốn rời ly rượu Laphroaig, rời nhạc Bill Evans và lò sưởi ấm áp, nhưng ông thấy cần phải đi. Ông để ly rượu xuống, thầm mừng là cả ngày hôm nay, chỉ uống có một ly uých ki nhỏ mà thôi.
-- Thôi được rồi, - ông đáp, vừa với tay lấy cây bút và tờ giấy để bên cạnh máy điện thoại. - Nhưng xin ông cho tôi biết địa chỉ của ông và hướng dẫn đi đến nhà ông. Trước đây chưa khi nào tôi được ông mời đến nhà cả.
*
* *
Riddle ở giữa đường từ Eastvale đến Northallerton, vào khi thời tiết tốt thì lái xe khoảng một giờ là tới, nhưng vào một đêm mưa gió như thế này phải lâu hơn nhiều. Mưa trút nước xối xả, cặp gạt nước ở kính chắn gió làm việc liên hồi suốt cả đoạn đường đi, và có lúc Banks không thấy gì quá vài mét. Chỉ còn hai hôm nữa là đến Đêm Lửa Trại ngày lễ 5 tháng 11, cho nên trên các bãi cỏ trong làng, người ta đã chất nhiều đống củi và các bàn ghế phế thải, tất cả đều ướt mèm.
Ngôi nhà của Riddle được xếp hàng vào loại nhà di tích, có tên Old Mill (Nhà máy xay cũ) vì nguyên thủy nhà được xây dựng. Nhà xây bằng đá vôi, mái lợp bằng đá phiến, tọa lạc bên giòng suối dùng quay các cánh quạt của nhà máy, dòng suối này chảy qua khu vườn. Nhà kho xây bằng đá cũ kỹ nằm kế bên đã được biến thành nhà xe.
Khi Banks lái xe lên con đường ngắn trải sỏi vào nhà, dừng lại trước nhà, ông thấy đèn sáng ở hai cửa sổ tầng dưới, còn ngoài ra, cả ngôi nhà đều chìm trong bóng tối. Trước khi ông kịp gõ cửa thì cửa được mở tung ra. Rồi ông được Riddle dẫn vào trong hành lang lờ mờ tối. Riddle giúp ông cởi áo khoác một cách rất thân mật, rồi dẫn ông vào phòng khách, cái phòng khách lớn hơn cả ngôi nhà của Banks. Phòng khách phô ra những xà ngang, các tường phòng đều sơn màu trắng, trang hoàng nhiều chiếc tù và và các thứ đồ đồng dùng làm đẹp cho ngựa, tất cả đều được đánh bóng. Một tấm kính soi có khung mạ vàng treo trên chiếc lò sưởi lớn, trong lò, lửa phần phật cháy, và bên cạnh chiếc cửa sổ lồi có chấn song, kê chiếc dương cầm cánh nhỏ xinh xinh.
Nhìn ngôi nhà, Banks nghĩ rằng chủ nhân hàng năm phải có thu nhập đến hàng trăm ngàn bảng Anh hay nhiều hơn nữa, nhưng vì cảnh tượng quê mùa, và vì lửa trong lò sưởi tỏa ra yếu ớt, nên ông thấy căn phòng rất lạnh, trống trải và thiếu sinh khí. Trên chiếc bàn thấp có lót kính, không có báo chí, không có những tập nhạc để lộn xộn dùng cho đàn dương cầm; còn đồ gỗ trong nhà thì óng ánh như thể vừa mới được đánh bóng cách đây một lát, cái gì cũng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Tất cả đều y như những gì Banks đã suy nghĩ về Riddle. Sự im lặng trong ngôi nhà càng làm rõ nét thêm sự nhận định của ông về con người Riddle, chỉ thỉnh thoảng cơn gió gào rú bên ngoài và tiếng mưa rơi lộp độp vào cửa sổ mới phá tan được bầu không khí yên lặng bên trong.
Một phụ nữ đi vào phòng.
-- Vợ tôi, Rosalind, - Riddle giới thiệu.
Banks bắt tay bà ta, bàn tay mềm mại, nhưng cái bắt tay thật chặt. Nếu đêm nay là một đêm ông gặp những chuyện đáng ngạc nhiên, thì bà Rosalind là điều đáng làm cho ông ngạc nhiên thứ hai.
Trước đây chưa bao giờ Banks gặp phu nhân cảnh sát trưởng - tất cả những gì ông biết về bà ta là làm việc trong một công ty luật ở Eastvale, chuyên trách công việc chuyển nhượng tài sản - và nếu ông có nghĩ đến bà ta, thì ông cũng hình dung ra một phụ nữ to lớn, mạnh mẽ, không có nét gì hấp dẫn. Ông không biết lý do tại sao, nhưng đây là hình ảnh ông đã mường tượng ra trong óc.
Thế nhưng, người đàn bà đứng trước mặt ông xinh đẹp, cao, dáng thanh mảnh của người mẫu, hai chân dài đều đặn. Bà ta mặc áo quần bình thường, cái váy màu xám với chiếc áo lụa trắng, hai hột nút áo trên cổ mở ra để lộ một mảng da có hình chữ V, mảng da trắng ngần như da mặt. Mái tóc màu vàng cắt ngắn - kiểu cắt ngắn bờm xờm, công phu, còn màu vàng thì vàng hoe - vầng trán cao, xương gò má cao và cặp mắt xanh đậm. Đôi môi dày, những người có khuôn mặt thanh tú ít ai có đôi môi dày như thế này, và son tô môi lại càng làm cho đôi môi dày thêm, trông như trề ra.
Bà không để lộ ra mặt nét gì đặc biệt, nhưng qua cử chỉ luống cuống của bà, Banks nghĩ bà ta đang lo lắng. Bà để ly rượu xuống bàn, ngồi vào chiếc ghế nệm dài bọc nhung tréo hai chân, chồm người tới trước, hai bàn tay nắm vào nhau đặt trên đùi. Bà ta làm cho Banks nhớ đến những cô gái tóc vàng xinh đẹp, lặng lẽ, trong nhiều bộ phim của Alfred Hitchcock.
Riddle mời Banks ngồi. Ông ta vẫn còn mặc đồng phục trên người. Người cao to, nhưng trông vẫn cân đối, ông ngồi đối diện với Banks trên một chiếc ghế bành, hai ống quần có nhiều vết xếp, và dựa ngửa ra lưng ghế. Đầu ông hói, cặp lông mày đen rậm như hai con uốn cong trên cặp mắt nâu nghiêm nghị.
Banks có cảm giác cả hai người đều không biết nói gì. Không khí quá căng thẳng. Ông nghĩ chắc có chuyện gì không hay đã xảy ra, chuyện gì đấy tế nhị và đau lòng. Banks rất muốn hút điếu thuốc, nhưng không biết làm sao hút được. Ông biết Riddle ghét hút thuốc, vả lại trong phòng đang phảng phất mùi nước hoa oải hương, ông không thể hút thuốc để cho khói thuốc làm mất mùi nước hoa. Sự im lặng nặng nề. Banks muốn cất tiếng nói cái gì đó để phá tan bầu không khí căng thẳng nặng nề, nhưng trước khi ông tìm ra được chuyện vớ vẩn gì đó để nói, thì Riddle đã lên tiếng:
-- Banks này... tôi... ờ... tôi biết trong quá khứ chúng ta đã có những điều dị biệt, và tôi nghĩ điều tôi yêu cầu anh giúp tôi sẽ làm cho anh ngạc nhiên, cũng như chính tôi cũng ngạc nhiên khi đưa ra yêu cầu này, nhưng tôi nghĩ tôi phải cần anh giúp đỡ.
Đã có những điều dị biệt trong quá khứ?. Nói thế là không đầy đủ.
-- Ông nói tiếp đi, - Banks nói - Tôi nghe đây.
Riddle trở mình trong ghế, hai ống quần hiện thêm nhiều nếp gấp. Vợ ông đưa tay lấy ly rượu. Vòng tròn nước đá rịn ra trên mặt gương là vật duy nhất đóng góp thêm sự hiện diện trong khung cảnh bất biến của căn phòng.
-- Đây là chuyện riêng tư, - Riddle nói tiếp. - Rất riêng tư. Không phải chuyện công. Banks này, trước khi tôi trình bày chuyện này cho anh nghe, tôi muốn anh hứa với tôi là anh không để lộ ra cho bất cứ ai biết hết. Anh có thể hứa với tôi như thế không?
Banks gật đầu.
-- Tôi xin lỗi, - Bà Rosalind nói, vừa đứng lên. - Chắc ông cho tôi là bà chủ nhà quá tệ. Ông đi đường xa lạnh lẽo như thế này mà tôi không mời ông được ly rượu. Mời ông uống một ly nhé, ông Banks? Mời ông ly uých ki nhỏ nhé?
-- Anh ấy còn lái xe, - ông Riddle đáp.
-- Chỉ một ly thôi?
Banks đưa tay ngăn bà ta lại.
-- Thôi, xin cám ơn bà.
Ông chỉ muốn một tách trà thôi, nhưng điều ông muốn hơn hết là chủ nhà nói cho xong việc này để ông chóng trở về nhà. Nếu ông nhịn thuốc trong một lát được, thì cũng nhịn uống rượu được. Ông ước sao một trong hai người thông cảm với ông được điều này.
-- Chuyện về đứa con gái của tôi, - Bà Rosalind Riddle cất tiếng nói, hai tay bấm vào nhau trên đùi. - Nó ra đi khi đến 16 tuổi.
-- Nó chạy trốn khỏi nhà, Ros à. - Riddle nói, giọng gay gắt vì tức giận - Chúng ta đừng che đậy gì hết những chuyện đã xảy ra.
-- Chuyện xảy ra được bao lâu rồi? - Banks hỏi.
Riddle đáp:
-- Sáu tháng rồi.
-- Thật đáng tiếc, - Banks nói, - nhưng tôi không biết có chuyện gì mà...
-- Đứa con trai Benjamin của chúng tôi tối nay chơi máy vi tính, - Rosalind nói xen vào - tình cờ nó gặp hải một mạng chuyên chiếu những hình ảnh khiêu dâm.
Banks biết chơi máy vi tính rất dễ bắt gặp các mạng khiêu dâm. Cứ tìm các mạng có "Thiếu nữ yêu kiều" trên máy vi tính thế nào cũng gặp mạng "Gái giật gân".
-- Một số hình ảnh... - Bà Rosalind nói tiếp. - Đúng là hình ảnh của Emily con gái tôi. Benjamin mới lên tám. Nó chẳng hiểu gì về chuyện này hết. Chúng tôi phải cho cháu đi ngủ và dặn nó không được nói gì hết.
-- Bà có tin chắc đấy là con gái bà không? - Banks hỏi. - Chắc bà biết một số hình ảnh ấy đã được ngụy tạo. Chúng lấy đầu người này ráp vào thân hình người khác.
-- Đúng là của nó, - Rosalind trả lời. - Ông tin tôi đi. Trên người nó có cái bớt rất dễ nhận ra.
-- Chuyện này thật thế thì quả đáng buồn, - Banks nói. - Xin ông bà cho tôi gởi lời chia buồn. Nhưng ông bà muốn tôi làm gì bây giờ?
-- Tôi muốn anh tìm nó giúp chúng tôi, - Riddle đáp.
-- Tại sao ông không đích thân đi tìm cô ấy?
Riddle nhìn vợ, hai người nhìn nhau với ánh mắt bất bình, lên án, trách móc lẫn nhau. Ông ta đáp:
-- Tôi đã nghĩ đến chuyện đi tìm nó, nhưng tôi thấy không thể thực hiện được. Tôi không thể đi tìm nó bằng con đường chính thức được. Tôi muốn nói, cho dù đây là chuyện nằm trong lãnh vực tội phạm, thì tôi cũng không thể dùng con đường chính thức được. Nó hoàn toàn có quyền về mặt pháp lý. Vả lại càng ít người biết chuyện này bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu.
-- Ông sợ mang tai tiếng chứ gì?
Riddle cất cao giọng:
-- Tôi biết anh nghĩ gì rồi, Banks à, nhưng chuyện này rất quan trọng. Giá mà anh ý thức được vấn đề, chắc anh sẽ làm việc này tốt thôi.
-- Tai tiếng của ông quan trọng hơn sinh mạng của con gái ông à?
Bà Rosalind đáp:
-- Giữ gìn tiếng tăm không có nghĩa là chồng tôi hay tôi xem nhẹ số phận con gái chúng tôi. Là người mẹ, tôi bất bình ý kiến của ông.
-- Vậy thì tôi xin lỗi.
Riddle lại nói.
-- Banks à, anh biết cho là trước đêm nay, tôi không có lý do gì để phải lo sợ cho số phận của con gái tôi hết - Emily là đứa con gái thông minh, sống có nề nếp, có đáng trách chăng là tội cứng đầu và ương ngạnh - nhưng bây giờ tôi thấy có lý do để lo sợ, lo sợ không phải vì tham vọng hay vì tai tiếng như anh nghĩ đâu.
-- Thế thì tại sao ông không cố gắng tự mình đi tìm cô ta?
-- Anh hãy thực tế một chút, Banks. Trước tiên là tôi không thể để cho mọi người thấy tôi đi làm một công việc riêng tư của mình.
-- Còn tôi thì được sao?
-- Người ta rất ít biết anh, chứ không như tôi. Mọi người sẽ nhận ra tôi. Tôi có thể che chở cho anh ở đây, nếu anh lo sợ có gì xảy ra. Nghĩa là tôi là cảnh sát trưởng. Và tôi sẽ hỗ trợ, cho anh về mặt tài chính. Tôi không để cho anh bỏ tiền túi ra để chi tiêu trong việc này. Nhưng anh phải làm việc riêng rẻ một mình. Anh không được sử dụng tin tức tình báo của cảnh sát hay là phương tiện gì của cảnh sát. Tôi muốn anh phải giữ kín chuyện này. Đây là vấn đề của gia đình.
-- Ông muốn nói sự nghiệp của ông là quan trọng, còn sự nghiệp của tôi chẳng có gì đáng kể phải không?
-- Xin anh cố nhìn vấn đề cho rõ ràng hơn một chút, tôi nói thế không phải là việc này không có lợi gì cho anh hết.
-- Ồ thế sao?
-- Sẽ như thế này nhé. Nếu anh thành công, anh sẽ được tôi trả công xứng đáng. Cho dù anh nghĩ sao về tôi thì nghĩ, nhưng xin anh hãy nhớ cho là tôi là người có danh dự, là người biết giữ lời hứa, và tôi xin hứa với anh dù công việc ra sao đi nữa thì sự nghiệp của anh ở Eastvale này vẫn an toàn nếu anh làm như tôi yêu cầu.
-- Còn lý do thứ hai?
Riddle thở dài.
-- Tôi sợ nếu nó biết chính tôi đi tìm nó thế nào nó cũng trốn tránh tôi. Nó trách tôi đã gây nên nhiều chuyện khó khăn cho nó. Nó đã nói toạc ra với tôi như thế trong những tháng trước khi nó bỏ nhà ra đi. Tôi muốn anh làm công việc này trong vòng bí mật, Banks à. Anh cố tìm gặp nó trước khi nó biết có người đi tìm nó. Tôi không yêu cầu anh bắt cóc nó hay là làm cái gì đại loại như thế. Mà anh chỉ tìm ra nó, nói chuyện với nó, làm cho nó yên tâm, nói với nó chúng tôi rất sung sướng khi thấy nó về nhà, thế là mọi việc xong xuôi.
-- Và khuyên cô ta đừng xuất hiện trên mạng Internet khiêu dâm.
Riddle tái mặt.
-- Nếu anh khuyên được.
-- Ông có biết cô ta đi đâu không? Cô ta có liên lạc với gia đình không?
-- Sau khi nó bỏ đi được hai tuần, chúng tôi có nhận một tấm bưu thiếp - Rosalind đáp, - Nó cho biết nó khoẻ mạnh và nói chúng tôi đừng lo cho nó. Và đừng bận tâm đến việc tìm nó.
-- Tấm bưu thiếp đóng dấu bưu điện ở đâu?
-- Luân Đôn.
-- Chỉ có thế thôi à?
-- Còn một tấm mừng sinh nhật của Benjamin nữa.
-- Cô ấy có viết gì trên bưu thiếp không?
-- Chỉ nói nó có việc làm. - Rosalind nói tiếp. - Cho nên chúng tôi khỏi lo việc nó sống lây lất trên các đường phố. Chắc Emily không sống trên đường phố đâu. Nó thường có mức sống cao.
-- Ros!
-- Đúng thế đấy, mà anh.
-- Có lý do gì đặc biệt khiến cô ấy bỏ đi không? - Banks hỏi ngang. - Có gì thúc đẩy cô ấy bỏ đi: cãi cọ gây gỗ hay có gì đấy?
-- Không có gì đặc biệt, - Riddle đáp. - Nhiều chuyện tích lũy lại. Nó đi học và không về nhà.
-- Đi học à?
Rosalind đáp:
-- Cách đây hai năm, chúng tôi gởi nó đến học trường nội trú nữ ở ngoài Warwick, trường này rất tốn kém và rất nổi tiếng. Cuối học kỳ vừa rồi, đầu mùa hè thay vì về nhà, nó bảo đi đến Luân Đôn.
-- Đi một mình à?
-- Chúng tôi nghĩ thế.
-- Vào những ngày nghỉ lễ cô ấy có thường về nhà không?
-- Có.
-- Lần này chuyện gì khiến cô ấy không về? Hai ông bà có gây những chuyện gì khó khăn cho cô ấy không?
Riddle đưa ra những nguyên nhân chính:
-- Đợt về nhà nghỉ lễ trong mùa xuân vừa rồi, trong nhà thường xảy ra chuyện cãi nhau về việc nó đi chơi khuya, đi uống rượu trong các quán rượu, trong chơi với đám người xấu, đại loại là thế. Nhưng chẳng có gì trầm trọng Nó rất thông minh. Nó học ở trường rất giỏi, nhưng nó chán học. Việc học đối với nó quá dễ. Nhất là ngôn ngữ. Nó có rất nhiều khiếu về văn chương. Đương nhiên là chúng tôi rất muốn nó ở lại trường học tiếp để lấy bằng A rồi vào đại học, nhưng nó không muốn. Nó muốn tự lập thân. Chúng tôi cho nó đủ thứ, Banks à. Nó có con ngựa riêng, được học đàn dương cầm, được du lịch sang Mỹ với nhà trường, đi trượt băng vào dịp nghỉ lễ ở Áo, được giáo dục tốt. Chúng tôi rất tự hào về Emily. Chúng tôi cho nó bất cứ thứ gì nó muốn.
Banks nghĩ: có lẽ ngoại trừ một thứ mà cô ta cần nhất là ông. Để đạt đến chức cảnh sát trưởng như ông Riddle đã làm, nhất là khi mới 45 tuổi người ta cần phải bon chen, phải tàn bạo và đầy tham vọng, người ta lại còn đi rất nhiều nơi, việc này làm cho con cái phải chịu thiệt thòi, vì chúng khó mà thân thiện với bố chúng được. Thêm vào đó, là những giờ bận bịu công việc, bận bịu công tác đặc biệt, cho nên có lẽ ông Riddle ít khi đặt chân về nhà ngày này qua ngày khác.
Banks phải tự mình thú nhận rằng ông không đủ tư cách đạo đức để dạy dỗ con cái. Mặc dù chỉ leo lên được chức danh Chánh thanh tra cảnh sát thôi, nhưng ông cũng phải thường xuyên vắng mặt, không có thì giờ chăm sóc chu đáo Brian và Tracy. Nhưng may thay, hai con ông lại tốt, và ông nghĩ rằng đây là nhờ may mắn chứ không phải nhờ tài làm cha của ông. Bao nhiêu việc đều đổ lên đầu Sandra, thế mà không bao giờ bà gây cho ông nhiều chuyện khó khăn về con cái. Có lẽ Banks không hy sinh gia đình cho sự nghiệp của mình như Riddle, nhưng chắc chắn ông đã hy sinh nhiều thứ để đạt được danh hiệu nhà thám tử có tài.
-- Cô ấy có người bạn nào quanh đây thân thiết không? - Ông hỏi. - Có người bạn nào thường tiếp xúc với cô ấy không?
Bà Rosalind bắt đầu:
-- Chắc là không. Emily rất... tự mãn. Nó có nhiều bạn, nhưng tôi thấy không có ai là bạn thân hết. Nó thường đi chơi thôi. Đi chơi xong, nó quên hết. Mà thực ra thì nó cũng chẳng đi chơi nhiều.
-- Bà vừa nói đến đám người xấu. Có phải người xấu này là bạn trai của cô ấy không?
-- Xấu là không có ai đứng đắn hết.
-- Biết được tên hắn ta thì hay đấy.
Rosalind đưa mắt nhìn chồng, ông chồng nói:
-- Banks này, tôi đã nói với anh, tôi không muốn chuyện này trở thành chính thức. Nếu anh tìm số bạn trai cũ của Emily để hỏi chúng về các hành vi của nó, thì chuyện này sẽ giữ được bí mật trong bao lâu? Tôi đã cho anh biết rồi, nó bỏ trốn đến Luân Đôn. Anh phải đến tìm nó ở đó.
Banks thở dài. Thế này chẳng khác nào ông bị bó tay để làm việc điều tra.
-- Cô ấy quen biết ai ở Luân Đôn không? - Ông hỏi. - Có ai đó để cô ấy đến nhờ cậy chứ?
Riddle lắc đầu.
-- Tôi có làm việc ở trung ương mấy năm. Nhưng khi tôi rời khỏi đó, nó còn nhỏ.
Banks bèn hỏi:
-- Ông có thể cho tôi xem hình ảnh ở trang Web này được không? Tôi biết ông sẽ khó chịu đấy.
-- Ros, sao?
Rosalind Riddle cau có nhìn chồng, rồi nói:
-- Ông theo tôi.
Banks đi theo bà ta, ngang qua dưới cái xà nhà thật thấp đến nỗi ông phải cúi người xuống, rồi đi vào phòng học có sách vở kê từng dãy bên tường. Một chiếc máy vi tính IMac để trên bàn bên cạnh cửa sổ. Gió thổi mạnh vào cửa kính phía ngoài lớp màn dày nặng, chốc chốc nghe như có ai xối một xô nước vào cửa kính. Rosalind ngồi xuống, uốn cong mấy ngón tay lại, nhưng trước khi gõ vào bàn phím hay nhích con chuột, bỗng bà quay người lui, nhìn Banks. Ông thấy mặt bà ta không để lộ cảm xúc nào hết. Nhưng bà hỏi:
-- Ông không hài lòng về chúng tôi, phải không?
-- Chúng tôi là ai?
-- Là tầng lớp chúng tôi, lớp người... giàu có, thành công, có tham vọng.
-- Thực tình mà nói, tôi chẳng quan tâm gì đến quí vị.
-- Có đấy. Vì thế mà ông đã sai lầm. - Bà nheo hai mắt. - Ông ganh tị. Ông sẵn sàng gây chuyện với chúng tôi. Ông cho là ông tốt hơn chúng tôi - trong sạch hơn, đại loại như thế - phải không?
-- Thưa bà Riddle, - Banks thở dài, đáp - Tôi không muốn nghe những chuyện vớ vẩn như thế này. Tôi lái xe từ xa đến đây vào một đêm tồi tệ như thế này, khi đúng ra tôi được thanh thản nghe nhạc và đọc sách. Cho nên nếu chúng ta không làm cho xong việc này thì thà tôi về nhà đi ngủ còn hơn, phải không?
Bà ta lạnh lùng nhìn ông.
-- Tôi làm ông giận, phải không?
-- Bà Riddle, bà muốn gì ở tôi?
-- Ông ấy đang tính việc tham gia chính trị, chắc ông biết.
-- Tôi đã có nghe nói thế.
-- Bất kỳ có chuyện gì tai tiếng của gia đình xảy ra, đều phá hỏng hết những việc mà chúng tôi đã ra sức vun đắp trong bấy lâu nay.
-- Tôi nghĩ có thể như thế đấy. Tốt nhất là nên có địa vị trong chính giới cái đã, rồi tai tiếng gì thì tai.
-- Chua chát quá.
-- Thật thế mà. Bà cứ đọc báo thì biết.
-- Ông ấy nói ông có xu hướng khuấy động tình hình.
-- Tôi thích tìm ra sự thật trong các vấn đề. Đôi lúc làm thế lại mang tai tiếng là người phá đám. Đám nào càng nặng ký, thì tiếng vang càng lớn khi người ta moi ra để lên án.
Rosalind mỉm cười.
-- Tôi mong sao chúng ta đều là những người có tinh thần cao thượng. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự thận trọng.
-- Tôi sẽ nhớ kỹ điều này. Nếu tôi quyết định đảm trách công việc. - Banks nhìn bà ta cho đến lúc bà nhấp nháy mắt và quay ghế lại để nhìn vào màn hình.
-- Tôi chỉ mong chúng ta hiểu rõ điều này trước khi ông nhìn vào những hình ảnh lõa lồ của con gái tôi, - bà ta nói, không nhìn vào Banks.
Ông nhìn qua vai bà ta khi bà bắt đầu gõ vào bàn phím và con chuột. Cuối cùng, trên màn hình đen nổi lên một chuỗi hình ảnh không rõ nét. Rosalind gõ sang màn hình khác có trong khoảng năm hình phác thảo nữa, màn hình bắt đầu rõ ra. Trên đầu màn hình, có hàng chữ giới thiệu tên người mẫu là Loiusa Gamine, sinh viên sinh vật học 18 tuổi. Nhìn vào các bức hình, Banks có thể tin được.
-- Tại sao lại Louisa Gamine? - Ông hỏi.
-- Tôi không biết. Loiusa nghe lạ tai hơn. Có lẽ khi nó bỏ đi, thấy cần có tên tuổi mới.
Banks hiểu rõ chuyện này. Khi ông còn nhỏ, ông cứ bực bội nhiều về chuyện bố mẹ ông không đặt tên lót cho ông. Cho nên ông tự mình lấy cho mình một tên lót: Davy, cái tên nhại theo tên Davy Crockett, một trong những nhân vật anh hùng của thời đại. Ông dùng tên lót được hai tháng, rồi ông bỏ đi, lấy tên cũ: Alan.
Rosalind gõ chọn một hình trong số những bức trên màn hình vi tính. Bức hình bà chọn to dần lên choáng hết cả màn hình. Banks nhìn bức hình nghiệp dư, chụp trong một phòng ngủ với ánh sáng yếu ớt, chụp một cô gái xinh đẹp ngồi trần truồng, tréo hai chân với nhau trên tấm chăn lông màu xanh nhạt. Nụ cười trên môi có vẻ hơi gượng gạo, còn cặp mắt không rõ nét, vì có lẽ không được nhắm đúng tiêu cự.
Loiusa trông giống mẹ kinh khủng. Cả hai đều có cặp chân dài, đều đặn, cùng có màu da trắng bạc, hầu như trong suốt, và có đôi môi dày dặn. Điểm khác nhau duy nhất giữa hai mẹ con ngoài tuổi tác là mái tóc vàng của Louisa dài xuống tận hai vai. Nói cách khác, Banks có cảm giác như ông đang nhìn bức hình của Rosalind chụp cách đây 25 năm, nghĩ thế bỗng ông cảm thấy bối rối. Ông thấy ở phía trong đùi chân bên trái của Loiusa có hình một giọt nước mắt màu nhạt; đấy là cái bớt. Ông còn thấy trong lỗ rốn của cô gái cái hình trông như hình xăm một con nhện màu đen. Bỗng Banks nhớ cái hình xăm một đóa hồng bên trên vú phải của Annie Cabbot, ông cảm thấy lần trông thấy cuối cùng đến nay sao mà xa vời quá, và có thể ông sẽ không bao giờ ông thấy lại được nữa, nhất là nếu ông tìm cách làm hòa được với Sandra.
Các hình khác đều giống nhau, đều được chụp ở cùng chỗ, dưới ánh sáng lờ mờ tồi tệ. Chỉ khác kiểu chụp là khác nhau thôi. Banks nghĩ: có lẽ biệt danh mới của cô ta có một ý nghĩa gì đó, vì cái tên Gamine rõ ràng đã nói lên cá tính của cô ta, cá tính của cô gái duyên dáng nghịch ngợm. Có cái gì đó trong biệt danh này khiến cho ông bận tâm để suy nghĩ, thế nào ông cũng tìm ra. Ông nghĩ thế nào rồi cuối cùng ông cũng tìm ra ý nghĩa trong cái biệt danh này.
Banks cúi người sát vào bức hình để quan sát cho kỹ, ông phải cúi người trên vai của bà Rosalind, và mùi nước hoa dìu dịu tỏa vào mũi ông. Ông nhận ra được một số chi tiết ở trong phòng - một góc tấm áp phích quảng cáo một ngôi sao nhạc Pop, một hàng sách - nhưng những chi tiết này trông lờ mờ không thấy rõ, chẳng dùng được gì.
-- Nhìn đủ chưa? - Rosalind hỏi, đầu bà nghiêng về phía ông như muốn nói có lẽ ông nhìn quá lâu và quá thích thú.
-- Trông cô ta có vẻ chủ động, ý thức được hành động của mình, - Banks nói.
Rosalind im lặng một lát mới đáp:
-- Emily đã để ý đến chuyện tình dục từ năm lên 14 tuổi. Ít ra thì tôi cũng đã nghĩ như thế. Năm nó 13 tuổi, nó đã bắt đầu... để ý chuyện ấy, có lẽ như thế quá sớm. Cho nên chúng tôi phải gởi nó đến trường gấp.
-- Chuyện này chẳng có gì lạ, - Banks nói, bỗng ông lo sợ nghĩ đến Tracy. Ông tin con gái ông không có những họat động tình dục sớm như thế, nhưng đây là chuyện khó hỏi con. Thậm chí bây giờ ông cũng không biết con gái mình đã có những hoạt động về tình dục chưa, đã nghĩ đến chuyện ấy chưa, và ông nghĩ ông không nên tìm biết làm gì. Tracy đã 19 tuổi rồi, lớn hơn Emily mấy tuổi, nhưng con gái ông vẫn còn bé bỏng. Ông hỏi bà Rosalind:
-- Bà có tin nhà trường giúp gì cho cô ấy được không?
-- Hiển nhiên là không. Nó không về lại nhà.
-- Bà có gặp nói chuyện với hiệu trưởng hay với một vài bạn học của cô ấy không?
-- Không. Jerry quá lo sợ, không muốn biết sự thật.
-- Đương nhiên rồi. In cho tôi cái hình ấy. - Banks chỉ cái hình chụp Louisa ngồi lên mép giường, nhìn thẳng vào máy hình, vẻ rất đầy ấn tượng, trên người chỉ mặc cái áo tròng tay cụt màu đỏ. - Chỉ cần cái đầu và vai là đủ. Chúng tôi cắt vứt phần dưới đi.
Rosalind quay mặt lui nhìn ông, ông cảm thấy vẻ biết ơn lộ rõ trên nét mặt bà. Ít ra bà cũng không quá tỏ ra hằn học như hồi nãy.
-- Ông sẽ làm việc này phải không? - bà hỏi - Ông sẽ cố đi tìm Emily chứ?
-- Tôi sẽ cố.
-- Ông không cần phải buộc nó về nhà. Nó không muốn về nhà đâu. Tôi cam đoan với ông như thế.
-- Bà có vẻ như không muốn cô ta về nhà.
Rosalind cau mày, rồi nói:
-- Có lẽ ông nói đúng. Tôi đã bàn với Jerry là chúng tôi để cho nó sống theo ý nó. Nó lớn rồi, và có lẽ nó đủ khôn ngoan để giữ mình. Nó là kẻ quấy rầy. Tôi nghĩ nó là con gái tôi, tôi không muốn bỏ phế nó, nhưng... đó, chắc ông đã thấy chuyện gì xảy ra chỉ sau sáu tháng thôi, phải không? Cái hình xăm trên người nó, các bức hình này... Không bao giờ nó nghĩ đến nỗi khổ tâm của cha mẹ. Nếu chúng tôi phải giải quyết thêm những chuyện khó khăn cho nó nữa, thì cuộc sống trong gia đình này sẽ hỗn độn biết dường nào.
-- Giải quyết thêm nữa à?
-- Không có gì. Không có vấn đề gì.
-- Bà có cần cho tôi biết thêm chuyện gì nữa không?
-- Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
-- Muốn nói có nhiều chuyện bà không nói cho tôi nghe.
-- Không đúng thế. Tại sao lại có chuyện như thế?
Không có thật đấy, Banks cảm thấy như thế khi nhìn vào thái độ của bà Rosalind, thái độ bà quay mặt nhìn chỗ khác khi bà nói. Có lẽ gia đình đang gặp những chuyện khó khăn mà cả bà lẫn chồng bà không muốn bàn cãi. Và có thể họ không bàn cãi là đúng. Có lẽ ông nên dẹp bỏ sự hiếu kỳ của mình một lần, không nên khui cái thẩu mắm đầy giòi như mọi khi ông thường làm. Chỉ tìm cho được, rồi sau đó họ làm gì thì làm. Xin Chúa chứng giám cho ông, điều sau cùng ông mong muốn làm cho được, là được tham gia vào cảnh rối loạn của gia đình Riddle.
Ông ghi hết những chi tiết có trên trang Web vào giấy, chi tiết cho biết mạng web này do một công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện, đó là công ty Glamour Puss Ltd, đặt trụ sở tại Soho. Ông nghĩ tìm ra công ty này chắc cũng không khó, và công ty này sẽ hướng dẫn ông tìm ra Emily, hay Louisa, cái tên mà bây giờ cô thích người ta gọi. Ông chỉ sợ bây giờ cô ta không còn tham gia trò này nữa, như rất nhiều cô gái vị thành niên xuất hiện trên trang Web khiêu dâm. Cô ta không phải loại gái có chủ trương kiếm sống bằng nghề bán trôn nuôi miệng, mà chắc chỉ làm thế để phản kháng lại gia đình thôi. Chắc ông cũng dùng phương pháp này khi, và nếu, ông lâm vào hoàn cảnh như cô gái này.
Bà Rosalind in cái ảnh xong, lấy kéo trong hộc bàn, cắt bỏ cái phần từ rốn trở xuống, rồi đưa tấm ảnh cho ông. Ông theo bà chủ nhà trở lại phòng khách, ở đây, ông Riddle đang ngồi nhìn vu vơ trong phòng. Ông ta hỏi:
-- Xong hết rồi phải không?
Banks gật đầu. Ông không muốn ngồi xuống nữa. Ông nói:
-- Xin ông cho biết tại sao ông nhờ tôi? Ông biết giữa chúng ta có nhiều chuyện rất xung khắc mà.
Riddle có vẻ hơi nao núng, và Banks ngạc nhiên khi thấy mình có giọng lưỡi độc địa như thế. Riddle im lặng nhìn Banks một lát mới trả lời:
-- Có hai lý do. Thứ nhất, vì anh là nhà thám tử giỏi nhất trong vùng. Tôi không nói tới đồng ý với các phương pháp của anh hay thái độ của anh, nhưng anh làm việc có kết quả tốt. Và trong trường hợp không chính thống này, thì theo tôi, với một số phương pháp ngoài đường lối chính thống, anh có thể thay đổi được tình hình.
Được Jimmy Riddle ngợi khen như thế này, Banks cảm thấy quả là một chuyện lạ bất ngờ. Ông hỏi:
-- Còn lý do thứ hai?
-- Anh cũng có một cô con gái mới lớn phải không? Tên cô ta là Tracy. Có đúng không?
-- Phải.
Riddle xoè hai bàn tay ra, lật ngửa lòng bàn tay lên.
-- Anh biết tôi không muốn nói gì rồi. Chắc anh hiểu được tâm trạng của tôi ra sao rồi.
Thật ngạc nhiên, Banks cảm thấy hiểu được tâm trạng của ông ta. Banks nói:
-- Phải đầu tuần sau tôi mới bắt đầu công việc được.
Riddle chồm người tới trước.
-- Bây giờ anh không có công việc gì thúc bách hết cơ mà.
-- Tôi đã định đi nghỉ cuối tuần với Tracy. Ở Paris.
-- Xin anh vui lòng bắt tay vào việc ngay bây giờ. Ngày mai. Vào sáng mai. Tôi cần biết tin tức về nó ngay.
Giọng của Riddle nghe có vẻ thất vọng, trước đây chưa bao giờ Banks nghe giọng của Riddle như thế này.
-- Tại sao gấp gáp như thế?
Riddle nhìn vào chiếc lò sưởi khổng lồ như thể đang nói với lửa trong lò:
-- Banks à, tôi sợ cho nó. Nó còn nhỏ và nhẹ dạ. Tôi muốn nó về nhà. Ít lắm thì tôi cũng muốn biết nó có bình an không, biết nó đang làm gì. Anh cứ nghĩ, nếu anh gặp hoàn cảnh như thế này thì anh cảm thấy như thế nào. Anh cứ nghĩ, nếu con gái của anh đang lâm vào hoàn cảnh rắc rối như thế này thì anh sẽ làm gì.
Mẹ kiếp, Banks nghĩ, thế là hỏng bét ngày nghỉ cuối tuần ở Paris với Tracy rồi. Con gái. Đẻ con gái làm gì nhỉ? Chỉ gặp toàn chuyện rắc rối. Nhưng chính ông Riddle đã gây nên chuyện này. Bây giờ không còn chuyện thoái thác, từ chối nữa; Banks nghĩ, ông phải đi Luân Đôn để tìm Emily Louise Riddle thôi.
*
* *
-- Ồ, Ba! Ba không đùa chứ! Ba thức con dậy giữa khuya để nói chúng ta không thể đi Paris được là nghĩa lý gì?
-- Ba xin lỗi, con yêu. Chúng ta chỉ hoãn lại một thời gian thôi.
-- Con không tin nổi. Con đã đợi ngày cuối tuần này quá lâu rồi.
-- Ba cũng thế, con à. Biết nói sao cho con hiểu đây?
-- Thậm chí ba không nói cho con biết lý do tại sao không đi.
-- Ba không nói được. Ba đã hứa với người ta rồi.
-- Ba đã hứa nghỉ cuối tuần ở Paris với con. Bây giờ bỏ lời hứa dễ dàng quá.
Ông xúc động.
-- Ba biết. Ba xin lỗi.
-- Ba không tin con kín miệng hay sao?
-- Đương nhiên là ba tin. Không phải thế mà ba không nói.
-- Vậy thì lý do gì?
-- Ba chưa thể nói được. Thế thôi. Có lẽ tuần sau, nếu công việc xong xuôi ba sẽ nói cho con biết.
-- Ồ, Ba đừng ngại. - Tracy im lặng một lát, lối im lặng hờn dỗi như ông thường thấy ở mẹ cô, rồi cô nói tiếp: - Chuyện này không nguy hiểm chứ?
-- Dĩ nhiên là không. Đây là chuyện riêng tư. Ba làm giúp một... - Banks định nói "người bạn" nhưng bỗng ông dừng lại đúng lúc. - Ba giúp người ta một việc. Người ấy gặp chuyện rắc rối. Tin ba đi, con yêu, nếu con biết được chuyện này, thế nào con cũng thấy đây là chuyện đáng giúp đỡ người ta. Thôi, khi nào xong việc, ba sẽ đền bù cho con. Ba xin hứa.
-- Ba đã hứa nhiều lần rồi. Ba đợi con mặc áo đã nhé.
-- Ba phải đi khỏi nhà một thời gian, Tracy à. Con biết ba không thích chút nào hết. Không phải chỉ có con thất vọng thôi đâu. Ba cũng rất mong đi Paris.
-- Được rồi, con hiểu. Con xin lỗi. Nhưng còn vé thì sao? Khách sạn nữa.
-- Khách sạn thì đã hủy rồi. Còn vé máy bay thì không biết có đổi được không.
-- Chắc ba gặp may rồi. - Cô gái lại dừng một lát. - Con có ý kiến như thế này, ba nghe được không nhé?
-- Ý kiến gì?
-- Ba không đi được, nhưng không có lý do gì con không đi được, phải không?
-- Đúng như thế đấy. Nhưng, có thật con muốn đi Paris một mình không? Đi như thế không yên ổn đâu, nhất là con gái mà đi một mình.
Tracy cười.
-- Con có thể lo liệu một mình được, ba à. Con đã khôn lớn rồi.
Đúng, Banks nghĩ, mười chín rồi, ông nói:
-- Đúng là con có thể lo liệu một mình. Nhưng ba vẫn lo.
-- Ba lúc nào cũng lo hết. Các ông bố thường lo lắng cho con gái. Nhưng con không định đi một mình.
-- Con nói thế nghĩa là sao?
-- Con cam đoan thế nào Damon cũng thích đi với con. Ngày mai anh ấy không có bài thuyết trình. Để con mời anh ta đi.
-- Khoan đã. - Banks nói. - Damon à? Damon là ai thế?
-- Là bạn trai của con. Con cam đoan thế nào anh ta cũng thộp ngay cơ may được đi nghỉ cuối tuần với con ở Paris.
Đương nhiên là hắn ta sẽ thộp ngay, Banks nghĩ, lòng cảm thấy buồn rầu. Tình hình thật không đúng như lòng mong ước của ông. Ông đã nghĩ đến chuyện trách móc thì có, giận hờn thì có, nhưng chuyện này...?
-- Ba thấy ý kiến này không hay chút nào, - Banks nói, - giọng yếu ớt.
-- Hay chứ, ba. Chắc ba thấy hay chứ. Ta lại còn tiết kiệm được tiền bạc.
-- Đấy, ba sẽ trả lại được một phòng khách sạn, bước đầu là thế.
-- Tracy con!
Cô gái cười.
-- Ồ, Ba. Các bậc cha mẹ sao mà ngốc quá. Nếu con cái họ cần ngủ với nhau, thì chúng cần gì phải tìm đến một thành phố ngoại quốc vào ban đêm. Chúng có thể ngủ với nhau trong cư xá sinh viên vào ban ngày.
Banks nuốt nước bọt. Bây giờ thì ông đã có câu trả lời cho câu hỏi mà ông tránh né không hỏi. Chuyện đã rành rành ra rồi.
-- Có phải con và Damon... ba muốn nói...
-- Ba đừng lo. Con rất thận trọng. Bây giờ chỉ còn việc là ba đưa vé cho chúng con trước sáng mai. Chắc ba không lái xe đi đâu đêm nay chứ?
-- Không, ba không đi đêm nay. - Banks đáp. Bỗng ông thấy bình tĩnh hơn. Nói cho cùng thì con ông nói đúng, không có lý do gì làm hỏng ngày cuối tuần của nó chỉ vì ngày cuối tuần của ông đã bị hỏng, mặc dù có chuyện anh chàng Damon này xen vào. - Nhưng thực ra thì đằng nào ngày mai ba cũng đi Luân Đôn, cho nên ba sẽ cùng đi xe lửa với con. - Và luôn tiện kiểm tra Damon trong thời gian ở trên tàu, ông nghĩ. - Khi ấy ba sẽ đưa vé máy bay cho con.
-- Thế thì tuyệt quá!
Banks cảm thấy thất vọng. Tracy có vẻ vui sướng khi đi với Damon hơn là đi với ông. Nhưng phải thế thôi, nó còn trẻ mà. Ông nói tiếp:
-- Hẹn sáng mai gặp lại con. Ở nhà ga. Đúng giờ chúng ta đã định.
-- Chào ba, cám ơn ba nhiều.
Gác điện thoại vào giá xong, Banks liền ngồi phịch xuống ghế bành, đưa tay lấy thuốc hút. Ông phải đi Luân Đôn, chuyện này quá rõ ràng rồi. Trước hết, vì ông đã hứa, thứ hai, vì nhiều điều mà Riddle không biết. Chính Tracy cũng đã bỏ nhà đi một lần rồi, vào ngày sinh nhật thứ mười ba của nó, và bây giờ ông nghĩ, nếu khi ấy mà nó ra đi được thì chuyện gì đã xảy ra, ý nghĩ ấy cứ ám ảnh ông mãi.
Chuyện này xảy ra ngay trước khi gia đình ông rời Luân Đôn để đến Eastvale. Tracy chán nản suốt mấy ngày vì nó sợ mất bạn bè ở đây, nên vào một đêm, tình cờ Banks ở nhà, ông nghe ở dưới nhà có tiếng động, ông đi xuống để xem có chuyện gì, ông thấy Tracy đang ở nơi cửa, cái vali trên tay. Cuối cùng ông thuyết phục được nó chịu ở lại nhà, nhưng nó vẫn tỏ ra buồn bã, lo sợ. Một phần nó chịu nghe lời ông là vì ông hứa không nói lại cho mẹ nó biết chuyện nó định ra đi, và quả không bao giờ ông nói hết. Sandra không biết ấy giáp gì hết. Bây giờ nhớ lại cảnh xảy ra đêm hôm ấy, ông có thể hình dung được tâm trạng của vợ chồng ông Riddle ra sao.
Thế nhưng, có phải vì thế mà ông ban cho kẻ thù của mình một ân huệ không? Ông sẽ đi tìm kiếm một cô gái vị thành niên bỏ nhà ra đi, trong khi con gái của mình lại đi nghỉ cuối tuần với bạn trai ở Paris, ngày cuối tuần ô uế. Sự công bằng ở đâu trong việc này? Ông tự hỏi. Ông chỉ được tiếng gió gào rú và tiếng nước chảy ào ạt ngoài thác Gratly trả lời mà thôi.