Vào những ngày chủ nhật buồn, tôi thường mơ thấy mình chết đi . Chết và những bước mộng phiêu diêu thật có khác gì nhau? Và tôi không biết mình sẽ sống thế nào ở một thế giới mà con người chưa ai từng bước đến để trải nghiệm...
Những huyễn mộng trần gian muôn đời vẫn thế, cứ nối đuôi nhau chạy dài theo ngày tháng song hành cùng khát vọng con người. Trượt trên chuỗi ngày tháng đó, mây gió vẫn hát khúc ca nguyên thủy, bầu không vẫn xanh như thuở hồng hoang vừa khai hoa...
Hỡi ơi Huyễn mộng!...Tôi nhớ câu thơ của một nhà thơ người Quảng Nam:
Buổi chung cuộc một phút buồn ảo mộng
Thì em ơi ta nào có sá gì...
Chung cuộc? Là bắt đầu của những đổi dời? Là chấm hết cho một mở đầu này và mở ra một mở đầu mới?...
Không ai tự biết...
Và tôi, với giấc mộng lạc loài, bỗng trở thành người điên giữa cuộc thế phiêu linh...
Tôi đã gặp em giữa cơn mưa phũ phàng cuốn lấp, lôi tôi vào những vũng lầy nhân sinh, nhầy nhụa... Cuộc tình bắt đầu trong một quán đêm lặng lẽ với tiếng nhạc ru hồn kẻ lữ thứ và cái nắm tay yêu thương, hay tự muôn kiếp nào đã hẹn? Em vẫn thường hay bảo tôi: "Em và anh đã tìm được nhau giữa cuộc đời hư ảo!" Với tri kỷ má hồng muôn thuở vẫn là khách má hồng đa đoan...Cuộc tình với những giận hờn và yêu thương loài người, biết làm sao khi tôi không phải là Thánh Nhân? Và có khi tôi hỏi tôi:" Tôi có thật sự muốn làm Thánh Nhân?"...
Nhìn vào những chuyện ngày xưa, tôi thấy lung linh của kỉ niệm, và vòng hào quang ấy mãi mãi chỉ là vầng hào quang lấp lóa như loài đom đóm lập loè thứ ánh sáng nhỏ nhoi, hư huyễn. Thứ ánh sáng ấy thắp lên những vùng trời xa xưa trôi lạc... Có khi những vầng tà dương trong buổi chiều mộ địa mãi là tà dương mộ địa vời vợi nhạt nhòa...
Con người, nếu vứt bỏ những nhạt nhòa, đôi khi là kẻ đáng khinh. Và sống mãi với những chơi vơi là vô trách nhiệm với hiện tại gần gụi thiết tha...Dường như kiếp làm người cứ quẩn quanh...
Sau 49 năm thuyết pháp, Đức Cù Đàm bỏ đi với nụ cười niêm hoa và câu nói làm điên dảo nhân loài:” Ta chưa nói gì cả!” Hiểu làm sao cái câu lơ lửng ấy...? Những điều có thể hiểu của con người chỉ có thể làm cho con người thêm những ràng buộc trong muôn vòng Tử Sinh... Đức Thích Ca biết điều ấy nên trước khi đi khuất đã thương tình nhân gian mà ném lại cái phao cứu vớt những sinh linh đang vùng vẫy giữa biển khơi của trăm năm đá nát vàng phai... Tiếc thay, cái phao chẳng bao giờ là cái phao nếu không ai thấy và thổi vào đấy những khát vọng thoát ra khỏi vòng lao lung của mờ mịt Đất Trời...
Tuệ Trung thượng sĩ, bậc minh Triết thời Đông A cũng từng cảnh ngôn:
Trong nhà có ngọc đừng tìm kiếm
Gạch ngói mài chi cho uổng công... Hé mở những cánh cửa là hé mở những cơ Trời huyền diệu...Lời nói là phương tiện để qua cây cầu quá chênh vênh, nối dài đến cõi thanh bình hoa bướm thanh tao... Bước qua lại không thể chia sẻ với ai, nói ra thì những kẻ chưa từng qua lại bảo điên loạn. Bởi vậy mà Nguyễn Du than:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...
Không đau đớn làm sao đặng khi biết mà không thể nói như kẻ hiền triết đang ngậm cây treo ngang miệng giếng thì có học trò đến hỏi những điều nan giải. Biết trả lời sao, bởi nếu hiểu đã không hỏi, còn hỏi là chưa thấy, giải thích chỉ thêm oan uổng sinh bình...
Nói như Bùi Giáng thì đó là một loại đường đi trong rừng... Và trong cõi hỗn mang đó mỗi người tự khai phá lấy hành ngã của riêng mình, những trở ngại trên đường đi, và về đến nơi mình muốn đến.
Với tay níu lấy những phù phiếm, để trả lại cho hư vô những gì miên viễn của Trụ Vũ... là trò chơi của tạo tác. Có cách nào khác để tham gia một trò chơi, trừ phi chúng ta chỉ muốn chơi cho vui? Cuộc thời gian khắc nghiệt nhưng dễ dãi đến không ngờ. Thênh thang những giấc ngủ, điên loạn với ưu phiền, buồn vui hay khổ lụy... đáo cục là một trò chơi của Viễn Tượng Phù Hoa!...
Nên mới nói:
Níu làm sao huyễn ảo?
Để làm của riêng thân
Với đôi cánh tay trần...?