Buổi chiều hôm đó, tôi rời nhà nghỉ của huyện để đi dạo. Sau ít ngày làm việc, tôi mệt mỏi, rất mệt mỏi. Phố huyện đìu hiu, quả đúng như vậy. Mùa xuân tuy làm cây cối xanh tươi hơn, nhưng không gì làm tan được vẻ u uất của bầu trời mờ đục. Thỉnh thoảng những con chó chạy vụt qua đường, thậm chí có cả gà lấp ló. Tôi thả bộ chậm rãi, thưởng thức vẻ nửa quê nửa tỉnh của phố huyện, lòng nhủ thầm mấy khi có dịp đến thăm nơi này. Vậy chẳng nên hờ hững với cảnh vật làm gì. Cho nên tôi đi hết mọi hang cùng ngõ hẻm. Thực ra cũng chẳng mất bao nhiêu thì giờ. Sau đó tôi theo trục đường chính ra mãi ngoại vi. Mồ hôi thấm ướt áo sơ mi. Tôi vắt áo vét lên vai, đàng hoàng bước. Những người nông dân đi trên đường nhìn tôi lạ lẫm. Hẳn là họ cho tôi có cái gì tây quá. Bỗng nhiên, nổi bật giữa khung cảnh đơn điệu, tôi thấy bên kênh nước ven đường thấp thoáng một nếp nhà nhỏ ẩn sau rặng liễu xanh dày. Mặt tiền ngôi nhà kê tủ kính dài, trong đó bày nhiều thứ đầy mầu sắc vui tươi. Hơn nữa, còn có nhiều bàn ghế kê dưới tán liễu. Tôi rẽ vào quán đó, thử xem đồ giải khát của nó như thế nào. Quả thật khá. Thậm chí tôi cho là món cà phê đen Hà Nội cũng chỉ pha được đến thế. Khách vào quán khá đông. Họ đều có vẻ lam lũ, trừ một hai người gì đó khá giả hơn, đi xe máy đến. Họ đều gọi rất nhiều. Chủ quán là một bà to béo, ăn mặc chải chuốt, cổ đeo chuỗi hạt màu xanh khá to, tay trái đeo hai chiếc nhẫn vàng lớn. Bà phục vụ thành thạo, lại còn luôn miệng hỏi khách cần gì nữa không. Còn có một người phụ nữ trẻ và một nam giới khá lớn tuổi nữa phụ bán, nhưng họ không làm nhiều việc như bà. Khi uống được hai tách cà phê thì trời gần tối. Tôi thong thả ra về. Giữa đường, tôi sực phát hiện ra điều lạ rằng bà chủ quán này, có vẻ sang trọng thế, lại là người chủ yếu trực tiếp phục vụ khách, mà lại tỏ ra sung sướng khi phải chạy bàn toát mồ hôi ra. Điều này rõ ràng ngược đời. Bị trí tò mò khiêu khích, tối đó tôi đến quán lần nữa. ánh đèn rực rỡ dưới ngọn liễu được trông thấy từ xa, đầy quyến rũ. Nhưng khi đến gần, tôi nhận thấy quán hoàn toàn không có khách. Chỉ có cặp thanh niên ban chiều đang bần thần ngó ra bên ngoài tối đen. Cho là mình đến sớm, tôi chọn bộ bàn ghế trông ra mặt đường, gọi một tách nâu, một bao ba số. Sau đó vắt chân chữ ngũ, ngắm cảnh, chờ. Càng ngồi lâu, tôi càng thấm thía cái lạnh lẽo của đồng quê về đêm. Xa xa là màn đêm dày đặc, lặng câm, bí mật. Đây đó rải rác ánh đèn. Tiếng chó khắc khoải sủa vào đêm như báo điềm dữ. Tôi chạnh buồn. Lúc đó đãtám giờ rưỡi tối. Vẫn không một vị khách nào đến. Ngạc nhiên, tôi ngoái cổ vào trong quán, hỏi: - Bà chủ quán đâu? Hai thanh niên nhìn nhau. Người đàn ông lên tiếng: - Bà ấy không đến. - Sao vậy? Bà ấy ốm, hay bận à? - Có lẽ thế. - Thế còn khách? Vì sao chẳng ai đến cả? - Có lẽ hôm nay họ đều bận. - Thật kỳ cục. Tôi gọi thêm tách nâu nữa. ý tôi muốn xem cái quán này về đêm nó như thế nào, từ đó suy ra cách sống của dân huyện. Vì theo tôi, đây là quán có địa thế đẹp, xây đẹp, nội thất tốt. - Chắc chắn người ta phải nghĩ đến nó một khi muốn giải trí. Nhưng quá chín giờ đêm vẫn không một người khách tới. Tôi nghi ngờ: hay đây là quán ăn sương, mà từ nửa đêm về sáng mới là giờ sinh hoạt của nó. Nghĩ đến đó, thiện cảm về vẻ đẹp thơ mộng của quán nhỏ trong rặng liễu bỗng biến mất. Người phụ nữ, trạc hăm nhăm gì đó đến bên tôi, rụt rè nói: - Thưa anh... - Gì em? - Sắp đến giờ quán đóng cửa. - Quán này đóng cửa lúc mấy giờ? - Chín rưỡi đêm. Tôi uể oải trả tiền, đi về. Dọc đường, sự vắng vẻ, hơi tanh phả lên từ mặt đất khiến tôi nghĩ đến chuyện xấu. Tôi nhận ra mình to gan quá, dám một mình đi chơi đêm ở chốn xa lạ. Về tới nhà nghỉ, ông thường trực vẫn còn thức đợi tôi. Ông vồn vãchào khi tôi đi qua. Mái tóc dày bạc cắt sát da đầu của ông lấp lánh dưới ánh đèn như vật gì bằng kim loại nặng trĩu đè lên thân hình mảnh khảnh thiếu ăn. - Anh đi đâu về khuya thế? - Cháu đi dạo. - Chết tôi, đi dạo giữa đêm thế này ư? Anh không sợ à? - Dạ, lúc về có sợ. Ông già chỉ tay lên mấy ngọn đồi lớn xa xa: - Nơi kia kìa, người ta bảo nhiều lưu manh lắm đấy. Nhiều khách lạ bị hại bởi chúng rồi. Tôi giật mình. Tôi tin cậy ông già. Nhớ lại chuyện vừa xảy ra trong ngày, tôi bèn vào phòng thường trực, mời ông hút thuốc, rồi nhân lúc câu chuyện đến đà sôi nổi thân mật, tôi hỏi thăm về quán dưới rặng liễu. Ông già kêu lên: - Chết tôi, anh đến đó à? - Vâng, ngẫu nhiên cháu biết nó. Quán đó có gì là lạ ấy. - ừ, đó là cả một câu chuyện. Ông lim dim mắt: - Trước đây, đã có con kênh đó. Nó rất sâu, ngập đầu người. Thời ông tôi đã có. Nhưng mà con đường lớn chạy dọc nó, thông với phố huyện như anh thấy bây giờ thì chỉ sau này mới có. Đi vượt qua núi kia thì đến đồng bằng. ở đó, bên kia núi, dăm năm về trước có một gia đình buôn bán mới phất lên, của cải không thiếu thứ gì, nghe đồn có rất nhiều vàng dự trữ. Trong nhà chỉ có một đứa con gái. Cả hai ông bà kỳ vọng vào nó. Bởi lẽ họ không sinh được thêm. Nghe đâu bây giờ họ vẫn đang cố gắng để có được một đứa con trai hưởng thừa kế. Nhưng mà khi gia đình đã phất thì đứa con gái lại phải lòng một anh chàng thất nghiệp. Mà thằng ấy thì có đẹp trai gì cho cam. Duyên phận là như thế. Ông bà ấy không cho con gái mình yêu thằng kia. Chúng nó cứ quan hệ với nhau. Anh còn lạ gì. Bây giờ thanh niên nam nữ coi đã yêu là hết mình. Bà ấy đi xem bói, được thầy cho biết nếu kết hôn với người như thế như thế thì gia sản lụn bại, dòng giống tuyệt tự. Bà ấy tin bói toán lắm. Bao giờ bà ấy cũng xem bói trước khi làm việc gì lớn. Bà ấy tin vào sự mách bảo của đấng linh thiêng. Thần thánh đã phán bảo thì không thể khác được. Vì thế, bà tuyên bố: Con gái, muốn lấy thằng ấy thì bước qua xác bố mẹ. Chẳng hiểu chúng nó rủ rê nhau thế nào mà vượt qua núi, qua mấy ngọn đồi tôi có bảo anh là đầy lưu manh ấy, tới bên con kênh này uống thuốc độc tự tử. Chúng nó để lại lá thư tuyệt mệnh với lời nguyền độc địa. Người ta đồn nhau nhiều về lời nguyền này, nhưng tôi không chắc họ nói đúng, nên không muốn kể cho anh. Tôi không muốn anh về nhà mà còn mang theo những hiểu biết không đúng về xứ sở chúng tôi. Thế là, dẫu sao cũng có lời nguyền. Bà mẹ đứa con gái ấy điên cuồng rủa xả thầy bói khốn nạn đưa con gái bà đến chỗ chết. Bà tìm thầy khác, nghe nói thiêng và đức độ lắm. Thầy này bảo để giải lời nguyền, bà phải lập ở chỗ hai người quyên sinh một quán bố thí cho thiên hạ, trong mười năm. Như thế, bà và gia đình được giải lời nguyền, và sẽ có con trai nối dõi. Đó là lý do vì sao cái quán được lập. Anh có thấy giá cả rất rẻ và chất lượng rất cao không? - Có. Cháu rất ngạc nhiên. - Cho nên, ban ngày, người ta đổ xô đến quán ăn uống, ban đêm, khi mặt trời đã tắt, hồn ma hiện về, không ai dám bén mảng nữa. ở đó cũng không bao giờ có phụ nữ đến, không bao giờ có mua bán dâm. Người ta sợ. - Vậy sao ở đó có một phụ nữ hơn hai mươi tuổi? - Hai người nam nữ đó đều là dân tứ chiếng giang hồ tự nguyện đến phụ bà kia. Chứ dân hiền lành, ai dám. Ông thường trực trầm ngâm nhìn ra đêm tối: - Đó là một nghi lễ chuộc tội. Bà kia luôn phải tự hành hạ mình như vậy. Buổi tối bà ta về nhà bên kia núi, để bên này hồn ma con gái được tự do. Khi anh về, đúng chín rưỡi là hai người kia sẽ thắp hương lên, sau đó họ tản về nhà họ. Sáng hôm sau, chín giờ, lại bắt đầu. Tôi rùng mình vì ghê sợ. Tôi nhớ như in cảnh ngồi quán thinh lặng bên dòng kênh lạnh lẽo, những làn gió lẩn quất, mùi tanh tưởi đâu đây. Nhưng mà khung cảnh lúc chưa biết chuyện bi sử mới nên thơ làm sao. Dưới mặt trời là cây xanh thướt tha óng nắng, trong rặng xanh là ngôi quán thanh tao, với những người chủ lịch sự, đồ ăn thức uống ngon lành, âm nhạc êm dịu, mùi mỹ phẩm ngan ngát. Tôi bỗng nhớ ra. Tôi hỏi: - Vậy người đã chết tên là gì ạ? - Cô bé tên là Liễu.