“ ...Huyện Tống Sơn có chàng Từ Thức ...” Lẫn tới đám đông tới hội Mẫu Đơn, Từ Thức thấy người nhẹ nhõm như mỗi khi có dịp rời xa nơi mình trị nhậm .
Khắp huyện Tiên Du còn ai không biết Thức là một ôngv quan phóng túng ưa nghe đàn, uống rượu, làm thơ, và tìm chơi cảnh dẹp thiên nhiên, có khi quên cả cương vị đứng dầu một huyện. Sổ sách đơn từ , việc kiện tụng của dân vì vậy mỗi ngày một bỏ ùn, chất đống. Kẻ tùy thuộc nhiều khi bắt gặp quan mình đang cúi phê văn án, bỗng gác bút lắng nghe một con chim hót trước công đường. Mỗi lần bị quan trên quở trách, Thức thường than : “ Ta chỉ vì số lương năm đâu gạo mà buộc mình với lợi danh, thật cũng uổng cho tuổi trẻ “.
Hội Mẫu Đơn mỗi năm chỉ mở một lần. Bây giờ trước cổng chùa lấm tấm hoa muỗm rụng , trai tơ , con trẻ c vây quanh đám vật, đám du tiên , còn các bô lão thì trâm ngâm bên đám cờ người . Khăn nhiễu Tam Giang , yếm điều, thắt lưng hoa lý , hoa hiên của các cô gái nổi bật trong ngày hội. Mái tóc những thiếu phụ chen nhau đội lễ vào chùa thơm thoảng mùi hoa mộc . Đang tiết tháng hai , mấy gốc mẫu đơn già đua trổ lượt hoa đầu làm sáng rực cảnh sân chùa ngày thường quạnh quẽ . Dưới gốc mỗi cây đều có khách thưởng hoa.
Tù Thức mải mê với cảnh , không ngờ trời đã về chiều. Gió lạnh vi vút nổi trên các đỉnh thông cao . Mùi hương, mùi trầm vẫn tỏa như mây khói dưới mái chùa ngói mốc. Nhưng khách ra vào cửa tam quan mỗi lúc một thưa dần. Nghĩ đến đường về, với công việc nhàm chán mỗi ngày, Thức thở dài . Đám hội nào tan chả để lại nỗi buồn vương vất.
Bỗng đàng xa Thức nhác thấy một người con gái đẹp khác thường, áo màu lụa bạch. Sao chiều rồi hãy còn con cái nhà ai thơ thẩn dưới gốc mẫu đơn kia ? Mặc dầu cạnh chân thiếu nữ có ít nhiều hoa rụng . Từ Thức bước lại gần tò mò, đứng lại. Khuôn mặt thơ ngây của người con gái lộ chiều bối rối. Thức nghe người coi vườn của nhà chùa chỉ cành hoa gãy trên cây nói với chung quanh :
- “ Ai làm hỏng cây quý ở đây, chúng tôi cũng giữ lại, phải có người đến chuộc “.
Những người đứng xem ái ngại, Thức cau mày lên tiếng :
- “ Trời sắp tối, đàn bà con gái ở lại đây không tiện, nên để người ta trở lại nhà “.
Người con gái đang cúi đầu lo sợ, ngẩng lên nhìn Thức với chút mong manh hy vọng khiến chàng thấy nao lòng. Thức lần tay cởi chiấc áo mặc ngoài vắt lên cành cây gãy. Cành mẫu đơn rung rinh lã xuống. Thiếu nữ nhìn Thức không chớp mắt. Nàng chợt hiểu. Nhưng người nhà chùa còn kinh ngạc gấp mười. Hắn nghe rõ Từ Thức nói với mọi người trước khi quay gót :
- “Đây là áo quan chuộc vạ cho thiếu nữ “.
*******
Tin đồn Tri Huyện Tiên Du cởi áo để lại chùa vì một người con gái, chẳng mấy chốc xa gần đồn dại. dân chúng địa phương vốn quen nết Thức càng ca tụng huyện quan nhà là người hiền đức. Nhưng cũng là một cớ cho đám nha lại vốn không ưa Thức đặt bày thêm chuyện để làm tổn thương phẩm hạnh chàng.
Sau lần đi hội Mẫu Đơn, đôi khi Thức cũng bâng khuâng muốn tìm ra tung tích người thiếu nữ, nhưng rồi ngày tháng qua đi dưới mái huyện đường tẻ ngắt, chuyện xưa chỉ như một giấc chiêm bao. Nhiều đem tỉnh rượu, cảm thấy cái vô vị của một chức quan bó mình nơi chật hẹp, tâm sự Thức càng lạnh lẽo. Thức nảy ra ý muốn lui về quê ở Tống Sơn.
Nơi chôn nhhau cắt rốn của chàng vốn là đất có nghề, có cảnh. Thức nhớ con sông Mạn Hảo chảy qua thôn yên lành , thèm nghe tiếng hát của người hái củi trên dãy núi đá xanh, bỗng tiếc cuộc đời mình xưa cũng giống cha ông, chỉ là ngưòi dân đánh cá mỗi sáng đẩy thuyền nghề vượt sương mù ra biển.
Được tin Từ Thức trả ấn hồi hương, suốt huyện Tống Sơn già trẻ thảy đều hoan hỉ. Họ giùp chàng cất một mái tranh hướng nhìn ra biển. Những buổi đẹp trời, Thức thả thuyền câu đi kiếm cá tươi . Thơ chàng để vịnh quanh vùng, từ đứa mục đồng đến kẻ quăng chài đều thuộc. Sông núi, đền đài, không mấy nơi không có vết chân, nét chữ của người trẻ tuổi từ quan. Thức ca tụng cảnh trí của quê hương, cái thích thú của đời ngưòi khoáng đạt. Ngoài vòng câu thúc, ngày tháng bây giờ là của riêng chàng.
Một hôm , trời vừa hừng sáng , Thức đang chèo thuyền trên cửa Thần Phù, chợt thấy ngoài xa vài dặm nổi lên những đám mây ngũ sắc. Khi tới gần lại giống một bông hoa lớn bềnh bồng mặt nước. Cảnh ảo huyền như có sức hút thuyền theo. Thức chưa kịp ghìm lại đã thấy thuyền mình ghé sát một vách núi mở ra một lối đi chỉ vừa bước chân chàng.
Không gian như chứa đầy huyền bí. Thức tự nhủ : Non nưóc quê nhà, mình thuộc từng gốc cây , hòn đá ,lẽ nào có sự kỳ này ? Vách núi, cửa hàng như mời mọc , kích thích hiếu kỳ của Thức. Rời thuyền bước lên một bước , như theo một sự quyến rũ nào khó cưởng lại. Thức chưa kịp định thần thì cửa hang đã khép. Mở ra trước mắt chàng bây giờ là một thế giới vô cùng diễm lệ. Nhà cửa , lâu đài thấp thoáng trong những vườn đào, rặng liễu, cỏ xuân xanh tốt đến tận chân trời, trên có đàn công xòe múa khoe màu cạnh đám hươu non tung tăng đùa giỡn
Trên các lối đi , trong những bụi trúc trắng, thủy tùng, bạch diệp tiếng chim bạch yến, sơn ca ríu rít.
Từ Thức đi vào lối chính dẫn đến một tòa lầu son gác tía, có thềm cao cẩm thạch đoán chừng là một chốn thờ phụng trang nghiêm đang ngào ngạt hương trầm. Chợt bức màn hoa trước điện cuốn lên nhè nhẹ, lộ ra hai người con gái mặc áo xanh, vừa cúi chào Thức đã cùng bấm nhau khúc khích :
« Lang quân nhà ta đã đến ! » Đoạn nói tiếp : " Phu nhân chúng tôi chờ ngài khá lâu, xin mời rảo bước ! "
Từ Thức bỡ ngỡ theo hai người con gái đưa mình qua những cung lộng lẫy bầy biện cực kỳ trang nhã. Sau khi mời Thức ngồi vào chiếc đệm gấm trải trên một sập vàng, họ vén chiếc màn thêu ở cuối phòng để đón một bà có tuổi đi ra với một số người hầu gái khác. Nhìn vẻ mặt cao quý của lão, và cách ăn mặc khác với chung quanh, Thức đoán đây hẳn là chủ nhân của ngôi đền, chàng vội chắp tay thi lễ :
- Tôi là một dật sĩ quê mùa ở Tống Sơn, chưa từng đi đến nơi này dám xin .....
Chưa dứt lời đã nghe lão phu nhân cất tiếng cười hồn hậu :
- Chàng là bậc phong nhã khắp chốn sông hồ đều biết mặt, có đoán ra đây là xứ sở nào không ?
Từ Thức vòng tay đáp :
- Vốn là kẻ phóng lãng từ xưa, nhưng cũng biết đây là cõi khác phàm, dám xin phu nhân chỉ bảo.
Lão phu nhân gọi một thị nữ tới gần nói nhỏ, rồi quày sang Từ Thức :
- Đúng là khác với quê chàng , đây là một động ngoài khơi Nam Hải ... Nhưng thôi, xin hãy yên lòng, để mẹ con tôi được trả cái ơn chưa đền đáp
Từ Thức ngẩn ngơ chưa tiện hỏi thêm, lão bà đã đưa mắt cho kẻ hầu bên cạnh , tức thì xuất hiện một người con gái mà thoạt trông chàng ngờ ngợ như trước đây đã gặp một lần. Nhưng lão phu nhân đã tươi cười cầm tay người con gái đến gần Từ Thức :
- Hẳn chàng còn nhớ người đánh gãy cành hoa ở hội Mẫu Đơn ngày nọ ? Hôm nay con gái tôi là Giáng Hương xin ra mắt ân nhân.
Từ thức xúc động nhìn kỹ Giáng Hương . Quả là người gặp gỡ ngày nào trong hội khiến mình luyến tiếc , nhưng áo xiêm, nhan sắc lúc này còn diễm lệ gắp trăm lần .
Trong lúc Giáng Hương theo lệnh mẹ cúi đầu vái lạy người nàng đã chịu ơn, lão mẫu truyền hai nàng Ngọc Nữ Kim đồng tấu nhạc. Các đỉnh trầm tỏa hương thơm nức.
Chỉ trong phút chốc đèn lồng bật sáng lung linh khắp điện. và tiệc yến mừng tân lang đã được dâng lên
***
Thấm thoát , Từ Thức đã xa nhà đã được một năm. Cảnh sắc cõi tiên không có bốn mùa thay đổi. Cỏ cây hoa lá vẫn nguyên màu tươi tốt như khi chàng mới đến. Trời vẫn màu xanh vô tận. Tình nghĩa vợ chồng giữa chàng với Giáng Hương vẫn nồng đậm như trong buổi mới, song lòng riêng Từ Thức không yên.
Nhiều lân Giáng Hương tỉnh giấc bắt gặp chồng không ngủ lặng im nhìn sóng tóc đầu giường
Hình như cố lắng nghe một tiếng gà từ phía đất liền. Nàng cảm thấy hạnh phúc nàng có phần chao đảo. Nhưng làm sao nàng cảm thông được tình quê hương của kẻ xa nhà ? Nhã nhạc cung tiên dù tuyệt diệu, làm sao thay được tiếng sáo diều trong hồn Từ Thức ? Cung điện ngọc vàng yến diên bày sẵn đủ thứ sơn hào hải vị, không làm chàng quên nắm cơm gạo đỏ cùng ăn với trai làng bên ruộng ngày mùa. Còn bao giờ Thức lại được thấy cảnh tấp nập thuyền về cửa biển đầy khoang cá bạc ?
Giáng Hương lòng đầy lo ngại, bỗng nhớ một lần thấy chồng dõi theo một cánh buồm xa căng gió chạy về phía đất liền
- Có thể thuyền kia đi về phía Tống Sơn chăng ? Ôi biển cả sương mù, biết có như ta phỏng đoán ?
Giáng Hương buồn bã nói :
- Thiếp chẳng dám lạm nghĩa vợ chồng mà ngăn nỗi thương nhớ của chàng, song cõi trần chật hẹp , kiếp người ngắn ngủi, chàng nên suy nghĩ ...
Thức cầm tay nàng đáp :
- Thức tôi vốn quen nết nay đây mai đó, không ngờ có diễm phúc đến đây kết bạn cùng nàng. Đó thật mối duyên kỳ lạ đẹp nhất xưa nay , nhưng nỗi riêng còn nặng ... liệu nàng có giúp cho đưọc một lần nhìn lại cố hương ?
Giáng Hương lại nói :
- Nơi ta ở với nhân gian có nhiều sự khác, chỉ e khi chàng thỏa ước .. .thì lại thêm một nỗi khổ tâm !
Mặc dù đã tìm nhiều cách để chồng khuây khỏa, Giáng Hương biết mình không còn giữ chàng được lâu hơn , đành đem chuyện đó trình với mẹ.
Lão phu nhân nhìn con thương hại :
- Kiếp chàng còn nặng nợ hồng trần, mẹ biết cõi này không giữ được chàng hơn nữa. Ơn người đã trả, con cũng đừng quá ưu phiền, hãy để cho chàng trở lại .
Chiếc xe mây tiễn đưa Từ Thức trong chớp mắt đã đặt chàng trên bãi cát biển nhà. Lòng đầy cảm xúc , Thức nhìn về làng cũ , cố tìm mái tranh nhỏ của mình. Chàng dụi mắt , bàng hoàng , nơi ở trước đã thành đám cỏ gai cây rậm. Lắng tai nghe tiếng động chung quanh , như kẻ tìm hơi thở của người thân thích, trong không gian chói nắng, vẫn tiếng ve ra rả, tiếng mõ trâu lốc cốc trên đồi. Dưới mái tranh xúm xít trong thôn xóm vẫn tiếng võng ru con, tiếng chày giã gạo.
Mặc dù phong cảnh đã ít nhiều dổi khác, bước vào không khí làng quê , Từ Thức vẫn cảm thấy như mặc lại chiếc áo cũ của mình. Chàng bỗng nhớ những giọt nước mắt của Giàng Hương lúc chia tay . Lời hẹn cùng ai tái ngộ, biết rồi đây có trọn ?
Từ Thứ đi sâu vào các xóm. Trên đường không gặp một người quen, chàng bỡ ngỡ trên đất mình, như lạc vào xứ lạ. Hỏi những trẻ nhỏ đứng chơi trước nhà, chúng nhìn chàng nghi kỵ. Và khi chàng tìm đến người có tuổi để xưng tên họ, cũng không một ai nhớ ra mình. Một bô già trên trăm tuổi nói : nghe ông cha mình trong họ kể cũng có người tên Thức đi thuyền ra biển làm nghề gặp bão, rồi mất tích. Từ cuối đời Trần đến nay nhà Lê đã được bốn đời vua.
Từ Thức lang thang khắp Tống Sơn, lòng buồn ngao ngán, không ngờ quãng một năm vui thú trên tiên đối với trần giới lại thành thế kỷ. Giáng Hương lúc trước mỗi lần can chồng, đã nói xa xôi đến việc này.
Xóm làng lạ mặt, họ hàng thân thích chả còn ai. Những hình ảnh chàng ấp ủ, với khát vọng sôi nổi thời trai tráng không còn giống lớp người trước mắt.
Một sáng tìm lại nơi bãi vắng, có chiếc xe mây đỗ xuống hôm nào, nước thủy triều đã xóa lỳ mặt cát. Từ Thức nhìn ra biển, sương mù che lấp cửa Thần Phù . Hình dáng người con gái áo màu lụa bạch đứng dưới cành hoa trong đám hội xuân chưa phai trong trí nhớ.
Ít lâu sau, người huyện Tống Sơn không còn gặp Từ Thức. Có người nói trông thấy chàng đội nón lá, đi vào dãy núi phía Tây. Có người lại quả quyết gặp chàng trong một cánh rừng xứ Bắc . Một thi sĩ đời sau kết luận :
- " Từ Thức là thi sĩ, là kẻ khao khát vô biên, chàng đã từ bỏ cảnh làm quan vô vị cũng không đành hưởng êm vui ở cõi thần tiên, nghệ sĩ như chàng làm sao yên tâm với cuộc đời riêng ? "
Vùng Thần Phù, Chính Đại ở huyện Nga Sơn ngày nay là một dải đất bồi lâu năm thành vườn ruộng , làng thôn trù phú
Lênh đênh qua cửa Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
Ca dao dân gian còn nhắc, chứng tỏ địa phương này trước kia ngoài cõi đất liền, đường biển nơi đây nổi tiếng hiểm trở, thuyền bè qua lại đều phải vàng hương lễ tạ mới mong thoát nạn trước cây sóng dữ, sóng thần . Đây cũng là nơi gặp lại của Giáng Hương - Từ Thức, theo tưởng tượng của người đời. Ngày nay đến Nga Sơn ( tức Tống Sơn xưa) ai cũng muốn thăm hang Từ Thức. Hang có nước trong suốt đáy từ một dãy núi đá Ninh Bình ăn ra biển. Hang có những cung thạch nhủ màu sắc dị kỳ chảy thành hoa quả hay quái vật. Có đưòng lên Trời lại có đường xuống âm phủ. Có nơi đá mọc như hình rồng ấp nấm đó, được coi là " Mã chàng Từ thức "
Trèo qua đèo Hoàng Cương sang Chính Đại, lại một vùng trúc mọc cây xanh với những tên hang động như Bạch Á, Lục Vân, Thu Cúc v....v... Ngưòi dân sợ lại lấy làm hãnh diện về quê mình, cũng là quê Từ Thức : một điểm du lịch , một thắng cảnh nổi danh tự xa xưa
« Huyện Tông Sơn có chàng Từ Thức
Giã tiên cung trở lại phàm trần
Hỏi tông tích đã tám đời con cháu
Trở lại động
Đường đi đâu mất ... »
Câu hát truyền tụng trong thôn xóm làng quê đến tận ngày nay, chính là Khúc hát vãn trò trong vở chèo Từ Thức.
Hết